Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang1/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




THIÊN VÂN

QUÁCH VĂN HÒA

TRONG THI VĂN


NĂM 2011



LỜI TỰA

cho


Một Công Trình Văn Học

Đạo Cao Đài thành lập từ năm 1926 hơn nửa thế kỷ sau, 1971 mới mở được một Viện Đại Học duy nhứt ở xứ phát tích của đạo. Trong sự khó khăn của đất nước thời chiến tranh khốc liệt Viện chỉ tồn tại có bốn năm với ba phân khoa: Văn Khoa, Sư Phạm và Nông Lâm Súc. Sự đóng góp vào giáo dục của Viện trong thời gian hiện hữu của đạo như vậy quả là quá ít. Tuy nhiên dư vang tốt lành và tinh thần nhập thế giúp đời sáng ngời của Viện cho đến ngày nay gần bốn thập niên sau khi Viện bị tẩy xóa vẫn còn được ngợi khen trong và ngoài đạo.

Tuy chỉ có một khoá duy nhứt tốt nghiệp, nhưng những giáo sư cấp ba, những vị Cử nhân hay Kỷ Sư xuất thân từ đây, ngoài số kiến thức chuyên môn, còn có được tinh thần dấn thân vì Đời vì Đạo để lúc nào cũng chăm lo làm công việc gì đó có ích lợi cho nhơn quần, xã hội.

Thí dụ về những trường hợp cụ thể thì quá nhiều.

Khoa Văn của Viện gần đây nổi bật với những việc làm rất đáng khâm phục của vị Hiền Tài Quách Văn Hòa trong việc giải nghĩa và chú thích những kinh sách của Đạo như: Kinh Cúng Tứ Thời, Kinh Tận Độ, Kinh Thế Đạo, Kinh Sám Hối, Di Lặc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ…

Ai cũng biết rằng, kinh kệ của bất kỳ tôn giáo nào cũng đều khó hiểu với tín đồ trung bình. Một vài đoạn, một vài từ còn khó hiểu hay cao siêu với cả tín hữu có sức học cao nữa là khác. Hiền Tài Hòa nhận thấy điều đó nên ông gia sức đọc tới lui hầu hết các bản kinh và vận dụng kiến thức văn chương, triết học, ngôn ngữ để lý giải những bài kinh, ông cho là cần thiết giúp tín đồ của đạo Cao Đài soi sáng được tâm đạo và căn cơ của mình. Hiểu thấu những lời dạy trong kinh, tín đồ mới phát huy được hết khả năng nhận thức, thấu triệt ý nghĩa uẩn áo của kinh để hoàn thành việc tu tập.

Tôi được đọc các công trình nầy của Hiền Tài Quách Văn Hòa, và rất khâm phục cùng tự hào rằng ông đã được đào tạo từ Viện Đại Học Cao Đài.

Gần đây ông cặm cụi hoàn thành quyển sách dầy, thiên về văn học hơn, đó là quyển “Thành Ngữ Và Điển Tích Trong Thi Văn Việt Nam”. Ở đây mục đích của ông muốn đem thi văn và một số tác phẩm của Đạo để giới thiệu với công chúng như là một tác phẩm luân lý hay văn chương Việt Nam.

Ai cũng nhận thấy hiện giờ kiến thức về văn học, về điển tích văn chương của người Việt Nam nói chung xuống dốc thê thảm. Ít người hiểu chữ tố nga trong câu Đầu lòng hai ả tố nga là gì cho tường tận. Càng khó tìm được người hiểu chữ Thôi Trương trong câu Lứa đôi ai lại sánh tày Thôi, Trương, hay chữ Châu Trần trong câu: Châu Trần nầy có Châu Trần nào hơn…

Công trình của Hiền Tài Quách Văn Hòa nhằm giúp đỡ người ham thích đi vào văn chương Việt trám được những thiếu xót đó. Đọc một câu thơ của Cao Bá Quát, của Nguyễn Đình Chiểu hay đọc một tác phẩm bác học như Phan Trần, như Cung Oán Ngâm Khúc, từ nay với quyển sách của Hiền Tài Quách Văn Hòa người đọc sẽ hiểu rõ hơn tác giả muốn nói gì.

Sách về loại nầy trước đây không phải không có người viết, các ông Diên Hương, Trịnh Vân Thanh, Bửu Kế … đã đi trước. Điều khó là cắt nghĩa rõ ràng mà ít chữ, trích dẫn chính xác cho biết câu văn được tìm thấy nằm trong tác phẩm nào và nhất là đầy đủ các mục từ cần thiết để người đọc không thất vọng khi cần tìm mà không thấy…

Tác phẩm của Hiền Tài Quách Văn Hòa đáp ứng được những điều kiện đó. Tôi rất hân hạnh để giới thiệu cùng học giới về quyển sách rất lợi ích nầy và vui mừng được ông bằng lòng cho đăng tải trên trang nhà Namkyluctinh.org để sự phổ biến được rộng rãi hơn.


Nguyễn Văn Sâm

Nguyên Giảng Sư trường Đại Học Văn Khoa

Viện Đại Học Sàigòn trước 1975.

Nguyên Phụ tá Viện Trưởng

Viện Đại Học Cao Đài, Tây Ninh 1971-1975.
A Ă Â

A DI 阿 彌

Bởi chữ “A Di Đà Phật 阿 彌 陀 佛”.

A Di Đà Phật là hồng danh của một vị Phật ở Tây Phương, là Giáo chủ của Cực Lạc Thế Giới.

Xem: A Di Đà.



Thỉnh ông Phật Tổ A Di.

Thập phương chư Phật phù trì giúp công.

(Lục Vân Tiên).



Vào Lôi Âm, kiến A Di,

Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ độ sanh.

(Kinh Tận Độ).



Hậu vận vinh huê thiên lý mộng,

Bất như nhàn lạc tụng A Di.

(Đạo Sử).



A DI ĐÀ 阿 彌 陀

Một trong những vị Phật quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Ngài được thờ trong các ngôi chùa của phái Tịnh Độ Tông tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

A Di Đà là một vị Phật làm Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Ngài biểu hiện cho từ bi và trí tuệ. Ngài có phát 48 lời nguyện rộng lớn là cứu độ tất cả chúng sanh, trong đó có lời nguyện sẽ tiếp dẫn vãng sanh về cõi Tịnh độ chúng sanh nào hướng niệm đến Ngài.

Phật A Di Đà tức tự tánh Di Đà, tự tâm thanh tịnh sẵn có, bất sanh bất diệt, nên còn gọi là Vô Lượng Thọ Phật 無 量 壽 佛, và tánh giác hằng sáng suốt, nên cũng còn gọi là Vô Lượng Quang Phật 無 量 光 佛.



Trong các ngôi chùa thường thờ Ngài ngồi chính giữa, Bồ Tát Thế Chí đứng bên phải, và Bồ Tát Quan Âm đứng bên trái.

Mới có Kinh A Di Đà

Lưu truyền thiên hạ gần xa đều tường.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,

A Di Đà Phật độ chúng dân,

(Kinh Tận Độ).



A ĐẨU 阿 斗

A Đẩu là tiểu tự của Lưu Thiện, con của vua nước Thục là Lưu Bị, đời Tam Quốc. Trong trận Đương Dương, tướng Thường Sơn Triệu Tử Long đeo A Đẩu trước ngực, một mình xung đột giữa rừng tên mũi đạn của địch quân để bảo vệ cho A Đẩu được toàn vẹn.

Khi Lưu Bị mất, Lưu Thiện lên nối ngôi, vì tin dùng bọn nịnh thần và hoạn quan, nên không giữ nổi cơ nghiệp nhà Thục.

Về sau, Lưu Thiện phải đầu hàng nước Nguỵ và được phong làm An Lạc Công. Do vậy, người ta dùng chữ “A đẩu” để chỉ hạng người nhu nhược, bất tài.



Tay bồng A Đẩu tung hoành,

Đương Dương Triệu Tử liệt oanh muôn đời.

A GIAO 阿 膠

Keo bằng da con lừa nấu với nước giếng A Tỉnh, được sản xuất tại huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông. Người ta dùng A giao để làm thuốc.



Ví như một tấc a giao,

Mấy nguồn nước đục lóng vào cũng trong.

(Dương Từ Hà Mậu).



A HOÀN 丫 鬟

A: Hình giống cái nạng (丫). Hoàn: Đầy tớ gái.

A hoàn là đứa đầy tớ gái. Ngày xưa những đứa đầy tớ gái đều bới tóc, phía đằng sau rẽ hai như hình chữ a (Y).



A hoàn trên dưới dạ rân.

Dẩu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào

(Truyện Kiều).



A hoàn một lũ nối theo,

Quạt tha thướt phẩy, lò dìu dặt mang.

(Nhị Độ Mai)



A HÀNH 阿 衡

A nghĩa là dựa vào, hành là bình, làm cho yên ổn. A hành là một chức quan của Y Doãn, người có công to giúp vua Thành Thang đánh vua Kiệt, diệt nhà Hạ, dựng nghiệp nhà Thương.

Kinh Thi có câu: Thực duy A Hành, tả hữu Thương vương 實 維 阿 衡, 左 右 商 王, nghĩa là thực chỉ có A Hành giúp cho nhà Thương.

A hành dùng để chỉ Y Doãn.



Công A hành đến trời biếc,

Tiết Tử lăng còn núi xanh.

(Hồng Đức Quốc Âm).



Cớ chi có Doãn A Hành,

Làm chi đến đỗi rối mành nhà Thương.

(Hoài Nam Ca Khúc).



A HƯƠNG 阿 香

Tên một vị nữ thần Sấm sét. Sách Sưu Thần Ký viết: “Ông Châu Nghi Hưng dạo chơi, gặp lúc trời chiều lỡ đường, thấy có một nhà tranh bên đường, đến xin ngủ nhờ một đêm. Chủ nhà là một cô gái trẻ tuổi liền cho tá túc. Sang canh hai ngoài cửa có tiếng người bảo: A Hương! Quan lớn kêu đẩy xe sấm. Cô gái đi, một lúc sau bỗng nhiên sấm chớp nổi dậy khắp nơi. Sáng hôm sau, Nghi Hưng thấy mình nằm cạnh một ngôi mộ.

Ấu Học Quỳnh Lâm có câu: Lôi Bộ thôi xa chi nữ viết A Hương 雷 部 推 車 之 女 曰 阿 香. Nghĩa là : Cô gái đẩy xe cho thần Lôi Bộ tên là A Hương.

A Ý KHÚC TÙNG 阿 意 曲 從

A ý: A dua theo ý kiến người khác. Khúc tùng: Uốn nắn mà theo.

Sửa dung mạo cho khéo, tức là tự uốn nắn để theo ý người khác mà a dua, bợ đỡ người.



Tu sắc lành để mà a ý khúc tùng,

Tu lời khéo để mà sức phi văn quá.

(Sãi Vãi).



A KIỀU 阿 嬌

A Kiều là vợ của vua Hán Võ Đế, sau bị phế ở Cung Trường Môn.

Theo điển “Kim Ốc Lang Kiều” (Nhà vàng để người đẹp ở) thì A Kiều là con người cô của vua Hán Võ Đế. Lúc Võ Đế còn nhỏ, người cô bồng đặt trên đùi mình và hỏi: Ngày sau cháu muốn cưới A Kiều làm vợ không? Võ Đế đáp: Nếu được A Kiều thì cháu sẽ làm nhà vàng cho nàng ở. Đến khi lên ngôi, Võ Đế phong A Kiều làm Hoàng hậu.

Nghĩa rộng: A Kiều chỉ người con gái đẹp.



A NAN 阿 難

Còn gọi là A Nan Đà 阿 難 陀 (Ananda), dịch nghĩa Khánh Hỷ, là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Ngài sinh ở Ca Tì La Vệ, em họ sinh cùng ngày nhưng nhỏ tuổi hơn Đức Phật. Năm 20 tuổi, Ngài xuất gia theo Phật, và luôn ở cạnh Đức Phật để làm thị giả, nên Ngài được nghe thuyết giảng nhiều kinh và có trí nhớ rất giỏi, vì vậy, trong các đệ tử, Ngài là bậc đa văn (nghe nhiều) nhất. Chính tôn giả Ca Diếp đã nói về Ngài như sau: “Nước trong biển cả Phật pháp rót hết vào trong tâm A Nan”.

Tên Ngài đôi khi còn được dịch là Vô Nhiễm, vì những khi theo hầu Phật vào Thiên Cung, Long Cung…thuyết pháp, tâm Ngài không hề nhiễm trước nơi sắc cảnh. Nữ giới được Đức Phật chấp nhận cho xuất gia làm ni cũng nhờ Ngài đặc biệt thỉnh cầu. Trong các ni viện Trung Hoa, thường thờ Ngài A Nan tại Tổ đường để tưởng niệm ân đức là vì lẽ đó.

Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, và Ngài chứng được quả A La Hán, Đại Ca Diếp Tôn Giả mới đề cử Ngài đứng ra kết tập Bộ Kinh Tạng.

Sau Ngài được Đại Ca Diếp truyền y bát cho làm tổ thứ nhì bên phái Thiền Tông.

Phật cáo A Nan ngôn, thử kinh Đại Thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ.

(Kinh Cứu Khổ)



A PHÒNG 阿 房

Tức là Cung A Phòng, một cung lớn cực kỳ xa hoa tráng lệ, do Tần Thuỷ Hoàng cho xây dựng ở phía tây bắc Ly Sơn, ở Thiểm Tây, Trường An. Nguyên A Phòng là tên ngọn núi nơi đó được lấy để đặt tên cung điện. Cung A Phòng cao muốn đụng trời xanh, che lấp trên ba trăm dặm, lầu các được xây liên tiếp, cứ năm bước lại một lầu, mười bước lại một gác, có thể chứa cả mười ngàn người, trong đó cung nữ đông đến ba bốn nghìn người.

Về sau, cung A Phòng bị Hạng Võ đốt, lửa cháy đến ba tháng mới tắt.

Lửa đốt A Phòng đền lửa sách,

Hằm chôn hàng tốt trở hầm Nhu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Một mồi lửa của người Hạng Vũ,

Cung A Phòng một thuở thành tro.

(Hà Thượng Nhân).



A TỲ 阿 鼻

Tức là “A tỳ địa ngục 阿 鼻 地 獄”.

Tiếng Phạn là Avici, nghĩa là “Vô gián”, tức không gián đoạn, không ngừng nghỉ. Vô gián địa ngục là ngục thấp nhất trong tám địa ngục lớn, giam những người phạm tội ngũ nghịch.

Đây là cõi địa ngục chịu tội báo nặng nề nhất, bởi vì các hình khổ nơi đây liên tục triền miên không ngừng



Lại xem một ngục A tỳ,

Mấy từng chông sắt đen sì tối om.

(Quan Âm Thị Kính).



Dữ giam vào ngục A tỳ,

Chịu phương khổ não gian nguy lâu đời.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Thường ngày tuần khắp xét tra,

Phạt người hung ác đọa sa A tỳ.

(Kinh Sám Hối).



Á KHÔI 亞 魁

Á: Bậc thứ hai. Khôi: Đứng đầu.

Á khôi tức là thi vào được đứng bậc thứ hai, sau khôi nguyên (Tức người đứng đầu).



Truyền lô Lượng lại Thám hoa,

Diêu sinh hoàng giáp cũng là Á Khôi.

(Truyện Hoa Tiên).



Ả CHỨC CHÀNG NGƯU

Tức là “Chức nữ Ngưu lang 織 女 牛 郎”, nguyên là hai vì sao ở hai phía nam bắc sông Ngân hà.

Theo truyền thuyết, Chức nữ và Khiên ngưu bị Thiên đế đày ra ở hai bên sông, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào đêm thất tịch.

Xem: Ngưu lang Chức nữ.



Nọ thì ả Chức chàng Ngưu,

Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Bao giờ bắc lại cầu ô,

Mà cho ả Chức chàng Ngưu tới gần?

(Bần Nữ Thán).



Ả HẰNG

Tức là “Hằng Nga 恆 娥”, hay “Thường Nga 嫦 娥” là vợ của Hậu nghệ, lén trộm lấy thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu ban cho Hậu Nghệ để uống, rồi thành tiên, bay lên cung trăng làm nguyệt tinh.

Vì vậy, chữ: Ả Hằng, Thường Nga, Gương Nga được dùng để chỉ mặt trăng.

Ả Hằng ví nặng lòng yêu,

Rẽ mây mở lối tinh thiều cho nao!

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Chàng Lưu từ sánh ả Hằng,

Bởi chưng gặp gỡ há rằng rẳp rinh.

(Truyện Trinh Thử).



Thân sao nhiều nỗi bất bằng,

Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao!

(Truyện Kiều).



Chờ gặp cơn hoa cợt đài trăng,

Bủa lưới bắt ả Hằng đem nhốt rọ.

(Phương Tu Đại Đạo).



Ả LÝ

Ả Lý tức là nàng Lý Ký.

Theo Đường Tùng Thư, trong làng của nàng Lý Ký có lệ cứ mỗi năm phải tế thần rắn thì dân mới được yên ổn làm ăn. Nàng Lý Ký vì nhà nghèo, phải bán mình chịu tình nguyện đem thân vào cúng cho thần rắn, để lấy tiền cứu cha mẹ. Về sau nàng giết được thần rắn, và làm vợ của Việt Vương.

Nghĩa bóng: Chỉ người con có hiếu.



Dâng thư đã thẹn nàng oanh,

Lại thua ả Lý bán mình hay sao?

(Truyện Kiều).



Ả NGUỴ NÀNG DIÊU

Tên hai loại hoa mẫu đơn.

Nguỵ Diêu là tên hai họ có trồng hoa mẫu đơn quý giá: Họ Diêu trồng hoa màu vàng, họ Nguỵ trồng hoa màu tía. Hai giống hoa mẫu đơn này được người ta coi là vua các loài hoa, được ví với người con gái đẹp.

Xem: Cành Diêu đóa Nguỵ.



Ả Nguỵ nàng Diêu khoe đẹp đẽ,

Người thơ khách rượu rộn mời khuyên.

(Hồng Đức Quốc Âm).



Ả TẠ

Tức là Tạ Đạo Uẩn, con gái của Tạ Dịch, người đất Dương Hạ đời Tấn.

Tạ Đạo Uẩn là người nổi tiếng là thông minh, học rộng, giỏi thơ văn, có tài biện luận. Nàng thường giải những chỗ bí của em chồng là Hiển Chi khi biện luận với bạn bè.

Xem: Tạ Đạo Uẩn.



Khen tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban Ả Tạ cũng đâu thế này.

(Truyện Kiều).



ÁC CƯU 惡 鳩

Ác: Hung hăng, dữ tợn. Cưu: Tên một giống chim, tức chim cú.

Ác cưu là một giống chim cú, tương truyền ăn thịt mẹ và treo đầu trên tổ.



Ác cưu nào có ra gì,

Con ăn thịt mẹ, kẻ chê người cười.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



ÁC ĐẢNG 惡 黨

Ác: Hung dữ. Đảng: Bè đảng.

Ác đảng là bè đảng gồm nhiều người liên kết với nhau làm việc gian tà, hung dữ.



E khi ác đảng hành hung,

Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu.

(Lục Vân Tiên).



ÁC ĐẠO 惡 道

Ác đạo là con đường dữ. Đó là con đường dành cho những người làm điều ác độc trong kiếp sanh, sau khi chết phải chịu trả quả.

Trong Lục đạo luân hồi của Phật có ba đường thiện đạo là Nhơn đạo, Thần đạo, Tiên đạo và ba đường ác đạo là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Bố hồng oai Hội Thánh gội nhuần,

Dắt nhơn loại lánh thân ác đạo.

(Văn Tế Tiểu Tường).



ÁC GIẢ ÁC BÁO 惡 者 惡 報

Ác giả: Người làm việc ác. Ác báo: Báo trả lại điều hung dữ.

Ác giả ác báo nghĩa là làm điều hung ác sẽ gặp điều hung ác trả lại.



Ác giả ác báo, ăn mặn khát nước,

khác nào cây yếu gió lay.

(Khuyên Thế Nhân).



ÁC NGHIỆT 惡 孽

Ác: Hung dữ. Nghiệt: Mầm ác.

Ác nghiệt là nói người có mang sẵn mầm hung dữ, ác độc.



Lại có kẻ hung hoang ác nghiệt,

Cướp giựt rồi chém giết mạng người

(Kinh Sám Hối).



Ngó thử đầu hiên xem thấy dạng,

Hung hăng ác nghiệt kệ người ta.

(Đạo Sử).



ÁC PHONG 握 風

Ác: Cầm giữ. Phong: Gió.

Bởi thành ngữ “Ác nguyệt đảm phong 握 月 擔 風” nghĩa là cầm trăng gánh gió, chỉ người thích việc trăng gió, tức kẻ háo sắc, dâm đãng.

Nghĩa bóng: Tính ưa hoa nguyệt.

Khách má phấn môi son đậm sắc,

Đặng đem mồi trêu mặt ác phong.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÁC TÀ

Tương truyền trong mặt trời có con quạ, nên người ta gọi mặt trời là “Kim ô 金 烏”, tức là “Ác vàng” hay “Bóng ác”.

Ác tà là mặt trời xế bóng, tức con quạ (ác) sắp lặn, chỉ trời xế chiều.

Ðường Thi có câu: Nha phi Ðông Hải chí Tây Sơn nhứt nhựt trường. nghĩa là con chim quạ bay về biển Ðông tới núi Tây thì giáp một ngày. Mượn điển văn ấy mà chỉ rằng: Mặt Trời sớm mai mọc tại hướng Ðông, chiều lặn về hướng Tây thì qua một ngày. Ác tà tức là bóng mặt Trời ngả về Tây.

Xem: Kim ô.

Trải bao thỏ lặn ác tà,

Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.

(Truyện Kiều).



ÁC TẬP 惡 習

Ác: Hung dữ. Tập: Thói quen.

Ác tập là quen thói hung dữ độc ác.



Thói quen tiêm nhiễm dần dần,

Thành ra ác tập, khó phần băng tiêu.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



ÁC THÚ NHỐT HẦM

Tức là ác thú nhốt chung một hầm.

Ác thú là loài thú hung dữ, cuồng sát, lại nhốt chúng chung một hầm, thì chúng chỉ biết cắn xé, tàn hại lẫn nhau, nào biết thương mạng sống cho nhau.

Cũng như ác thú nhốt hầm,

Ăn nhau cho đã nào cần mệnh nhau.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÁC VÀNG

Do chữ “Kim ô 金 烏”, tức con chim quạ vàng. Tương truyền trong mặt trời có con quạ ba chân, nên gọi mặt trời là Kim ô.

Ác vàng tức chỉ mặt trời. Xem: Kim ô.

Lần lần thỏ bạc ác vàng,

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.

(Truyện Kiều).



Ác vàng thấm thoắt bay qua,

Phủ Dương sinh nhật một nhà đầy vui.

(Hoa Tiên Truyện).



Mảng coi phong cảnh nơi nơi,

Ác vàng chen núi, khó dời đường chim.

(Dương Từ Hà Mậu).



ÁC VÀNG THỎ BẠC

Bởi chữ “Kim ô bạch thố 金 烏 白 兔” là quạ vàng, thỏ bạc, tức măt trời mặt trăng dùng để chỉ thời gian, vì sự lặn mọc của hai thứ nầy kéo theo sự thay đổi ngày tháng. Ý nói thời gian qua mau như thoi đưa.

Xem: Kim ô, và bạch thố.

Tháng ngày thấm thoát chẳng lâu,

Ác vàng thỏ bạc chóng hầu dường thoi.

(Hứa Sử Tân Truyện).



AI HẦU CHI AI

Ai hầu chi ai tức là tự mình mình làm, không muốn ai hầu hạ, phục dịch cho ai cả.



Di, Tề chẳng khứng giúp Châu,

Một mình một núi, ai hầu chi ai.

(Lục Vân Tiên).



ÁCH TẮC 阨 塞

Ách: Khốn cùng, quẫn bách. Tắc: Tai nạn.

Ách tắc là chỉ thời vận không thông, gặp nhiều điều khó khăn ngăn trở.



Có đâu trải mấy nắng mưa,

Bao nhiêu ách tắc như xưa vẫn còn.

(Hoài Nam Ca Khúc).



ÁI ÂN 愛 恩

Ái: Thương yêu. Ân: Ơn.

Ái ân có nghĩa là thương yêu và biết ơn lẫn nhau. Chữ này thường dùng để chỉ tình yêu giữa đôi trái gái.

Ngoài ra còn dùng để chỉ việc chăn gối.

Bây giờ trâm gẫy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.

(Truyện Kiều)



Muốn khuyên giảm bớt ái ân,

Lại e giục kẻ Tấn Tần chia phôi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Ái ân, ân ái là sao?

Đày thân lắm khách má đào gian truân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÁI HÀ 愛 河

Chữ của nhà Phật. Sông yêu thương, tức là tình ái mênh mông như dòng sông.

Bài Kệ Chuỗi Phật Giáo có câu: Ái hà thiên xích lãng, Khổ hải vạn trùng ba. Dục thoát luân hồi khổ, Tảo cấp niệm Di Đà. 愛 河 千 尺 浪, 苦 海 萬 重 波. 欲 脫 輪 迴 苦, 早 急 念 彌 陀, tức là sông yêu ngàn thước sóng, biển khổ rộng bao la, muốn thoát luân hồi khổ, mau sớm niệm Di Đà.

Lương Võ Đế có câu: Đăng trường lạc chi cao sơn, xuất ái hà chi thâm tế 登 長 樂 之 高, 山 出 愛 河 之 深 際, nghĩa là leo lên núi cao trường lạc, ra khỏi sông sâu ái hà.



Sóng tình chìm nổi ái hà,

Chín ngôi hoàng hậu, phép nhà cũng sai.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Duyên lành hạt giống nguồn âm chất,

Đức tốt dường phao cõi ái hà.

(Thơ Huệ Phong).



ÁI Ố THAM SÂN 愛 惡 貪 嗔

Ái: Thương, yêu. : Ghét. Tham: Tham lam. Sân: Nóng giận.

Ái ố tham sân là thương ghét, tham lam và giận hờn. Đây là những thứ tình thường khuấy rối thân tâm của người tu hành.



Bao nhiêu ái, ố, tham, sân,

Bao nhiêu thói xấu rửa lần cho thanh

(Thánh Giáo Dạy Đạo).



ẢI BẮC CHĂN DÊ

Tức bị đày lên Ải Bắc để chăn dê, nói Tô Võ đi sứ Hung Nô, không chịu khuất phục chúa Thiền vu, nên bị bắt giam trong một cái hang lớn, không cho ăn uống gì cả, khiến ông phải hứng tuyết để uống tạm sống. Sau đó, vua Hung Nô lại bắt ông đày đi chăn dê ở miền Bắc Hải, mười chín năm mới được thả.

Xem: Tô Quân.

Ngồi đêm đông,

thương người nằm giá khóc măng,

Lên Ải Bắc,

thương kẻ chăn dê uống tuyết.

(Sãi Vãi).



ẢI HỔ 隘 虎

Chữ đồng nghĩa với “Ải lang 隘 狼” tức là phân chó sói dùng để đốt lửa báo tin ở nơi biên ải.

Ải hổ ý nói nơi biên ải có giặc giã xảy ra.

Xem: Ải lang.



Bốn phương mọi rợ luông tuồng,

Nay giành ải Hổ, mai giành ải lang.

(Dương Từ Hà Mậu).



Nọ thuở Hung Nô đánh Hán,

tướng mạnh như hùm,

binh đông như cỏ,

cướp ải Lang, giành ải Hổ,

tới mãn tuồng Nô cũng về Nô;

(Cáo Thị Cần Vương).



ẢI LANG 隘 狼

Tức là phân chó sói ở nơi biên ải. Nghĩa bóng: Chỉ nơi biên ải có giặc giã xảy ra.

Ngày xưa, mỗi khi có giặc, ở nơi biên ải người ta thường đốt phân chó sói và củi để báo tin cho triều đình biết có giặc đến. Sở dĩ đốt phân chó sói là để khói bốc thẳng lên trời, không bị gió bạt.

Một cơn gió bẻ chồi khô,

Ải lang dứt dấu ngựa Hồ vào ra.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Ải lang vắng khói như xưa,

Nguyên nhung binh mã về bờ cõi châu.

(Dương Từ Hà Mậu).



Tuy rằng bền bệ phụng an cư,

Còn lo nỗi ải lang giặc dậy.

(Nhạc Hoa Linh).



Hang thỏ dẹp thanh khói lửa,

Ải lang quét sạch bụi trần.

(Tiễn Chồng Đánh Giặc).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương