Thiện và ĐẶc tính củA thiện I. Giải nghĩa từ “kusala” (thiệN)



tải về 34.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích34.31 Kb.
#30244
THIỆN VÀ ĐẶC TÍNH CỦA THIỆN

I. GIẢI NGHĨA TỪ “KUSALA” (THIỆN)

Chữ “KUSALA” (thiện) được giải tự như sau:



1- KUSALA = KU + căn SAL. KU là xấu xa, không tốt đẹp, SAL là lay chuyển, diệt trừ.

  • Ðiều nào lay chuyển hay diệt trừ được xấu ác, đáng khinh miệt; điều ấy gọi là KUSALA (thiện).

2- KUSA + căn LA = KUSALA.

KUSA = KU (xấu xa) + căn SA (dối trá)

LA là cắt đứt.

  • Ðiều nào cắt đứt sự dối trá, quỷ quyệt, xấu xa được gọi là KUSALA.

3- KU + căn SU = KUSA + căn LA = KUSALA.

- Su là làm cho tiêu tan. Ðiều nào cắt đứt, làm tiêu tan sự xấu xa gọi là kusala.

- Su làm cho tốt đẹp. Điều nào được trí tuệ làm cho tốt đẹp gọi là kusala. Hoặc là cắt đứt điều xấu xa bằng trí tuệ, gọi là kusala (thiện). Hay là: Căn sa có nghĩa là bám lấy, điều nào tốt đẹp được trí tuệ bám lấy, điều ấy gọi là kusala.

4- Kusa là tên một loại cỏ hai bên đều bén, dễ cắt đứt tay, căn la là cắt đứt. Ðiều nào cắt đứt sự ác xấu chưa sanh lẫn đang sanh, gọi là kusala (thiện).

II. CÁC ĐẶC TÍNH CỦA THIỆN

1. Các đặc tính của thiện

Theo bản Phụ sớ giải (Tika)1, thiện (kusala) những đặc tính như sau:

Vô bệnh (ārogya)
Tốt đẹp (sudaraṭṭa)
Khéo léo (cheka)
Vô tội (anavajja)
Cho quả lạc (sukhavipāka).

- Vô bệnh (ārogya) là khoẻ mạnh do sự tinh khiết thân tâm, tức là tránh khỏi những chứng bịnh của thân tâm do dục vọng, ác quấy tạo ra. Hoặc hiểu theo nghĩa “có sức mạnh” do không bệnh, tức là những tâm này có thể vượt lên mức cao thượng như thiền định, đạo quả siêu thế.

- Tốt đẹp (sudaraṭṭha) là thường được ưa thích, là nơi đáng hài lòng của chư thiên và nhân loại.

- Khéo léo (cheka) là được trí tuệ hướng dẫn.

- Vô tội (anavajja) là tránh khỏi những tội lỗi do thân ngữ ý tạo ra, tức là khi có thiện tâm thì tránh khỏi ba thân ác hạnh (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), bốn ngữ ác hạnh (nói dối, nói hung ác, nói đâm thọc, nói nhảm nhí), ba ý ác hạnh (tham ác, sân ác, kiến ác).

- Cho quả lạc (sukhavipāka) là hưởng được sự an lạc, những thuận lợi, hoan hỷ cả thân lẫn tâm. Quả lạc (sukhavipāka) ở đây không nhất thiết phải là thọ lạc (sukhavedanā), là sự sung sướng của thân. Có những loại tâm không câu hành thọ lạc nhưng vẫn có quả tốt, an vui như mắt thấy cảnh sắc tốt, tai nghe tiếng du dương, mũi ngửi mùi hương thơm..., nhưng những tâm này lại câu sanh với xả thọ (sahagaṭaṃ upekkhāvedanā).

Ngoại trừ ý nghĩa KHÉO LÉO, những ý nghĩa khác đều áp dụng được cho tâm thiện (kusalacitta). Vì những tâm tuy là thiện nhưng không có trí tuệ hướng dẫn, không có tri kiến tham dự. Như một đệ tử ngoại giáo cúng dường, tế lễ với ý mong cầu thần linh, thượng đế ban phúc, giải trừ những tai họa..., hay một đứa bé cung kính đảnh lễ vị Sa-môn, nhưng nó không nhận thức được hành động của mình là tốt đẹp, mà chỉ làm theo lời dạy của cha mẹ.

Ý nghĩa KHÉO LÉO này, Sớ giải bộ Pháp tụ (Aṭṭhasālinī) có ghi rằng:

Kosalla sambhūṭaṭṭhena kosallaṃ vuccāṭi paññā
"Kusala được dùng trong ý nghĩa: Ðiều đã được hoàn thành theo trí tuệ".

Chính vì kusala có nhiều ý nghĩa như thế, nên có thể dịch là THIỆN XẢO.



Xem: Tâm sở vấn đáp (phần III) của TK. Chánh Minh.

III. CÁC NGUYÊN NHÂN SANH TÂM THIỆN

Tâm thiện (kusalacitta) sanh khởi do năm nguyên nhân:

- Như lý tác ý (yoniso manasikāra)


- Ở chỗ đáng ở (paṭirūpadesāvā)
- Thân cận hiền nhân (sappurisarūpa nissāya)
- Ðời trước tạo nhiều phước (pubbe kaṭa-puññaṭā)
- Lập trường đúng đắn (panidhi).

GIẢI:

Gọi là “Như lý tác ý” là sự suy tư hợp theo đường lối đúng đắn, hiệp theo lẽ chánh. Như cho rằng sự hưởng dục là điều không tốt đẹp, đưa đến không hạnh phúc lâu dài.... Sự khéo tác ý này là do căn vô si (amohamūla) tác động, vì bản chất của căn vô si là thấy rõ thực tướng, không che đậy sự thật, làm cho thấu rõ.

Xem bài “Tìm hiểu về Như lý tác ý” của Liên Thủy (http://khemarama.com/tim-hieu-ve-nhu-ly-tac-y-yoniso-manasikara) đăng trên trang mạng Tịnh An Lan Nhã. Có thể tham khảo thêm “Kinh Tất cả lậu hoặc” trong Trung Bộ Kinh.

Gọi là "Ở chỗ đáng ở" là những chỗ tạo điều kiện cho vô tham, vô sân sanh khởi như chùa chiền tịnh xá, nơi văn hoá. Hay chỗ đáng ở là chỗ có thiện pháp, là nơi có những bậc đại trí như Ðức Phật Chánh giác, Ðức Ðộc giác, chư Thánh Thinh Văn, có những bậc hiền trí, là nơi có ánh sáng Phật pháp lan tỏa đến, khiến chúng sanh sanh vào thiện thú, an nhàn.

Gọi là "Thân cận hiền nhân" là gần gũi, giao du thân mật với các thầy hiền, bạn tốt, những người chân thật, tốt bụng.

Thầy hiền là những người có sự nhớ đúng đắn (niệm chân chánh), có sự suy nghĩ đúng đắn (tư duy chân chánh), có sự thấy không điên đảo (kiến bất điên đảo), tức là những gì vô thường thì nhận rõ là vô thường, thế gian khổ nên xác nhận là khổ, tất cả các pháp là vô ngã thì nhận đúng là vô ngã, thân thể bất tịnh cho là bất tịnh.

Thiện hữu là những người bạn tốt, khi thân cận, giao du với họ khiến phát sanh tâm thiện.

Nên gần bậc hiền trí,


Bậc trì giới, đa văn,
Bậc đạo hạnh, Thánh Tăng,
Bậc thiện nhơn túc trí,
Thân cận vậy thật quý,
Như trăng theo đường sao
”.
(Pháp Cú, 208)

Đời trước tạo nhiều phước” nên sanh trong một gia đình, gặp nhiều duyên may trong đời, có điều kiện từ vật chất đến giáo dục tốt đẹp, nên dễ sanh thiện tâm.

Lập trường đúng đắn” nhờ có sự hiểu biết, nền giáo dục tốt và tư duy chín chắn, từ đó người thực hiện /tác nhân sẽ có thái độ, hành vi, ngôn ngữ đúng đắn theo.

Trong 5 nguyên nhân này, 4 nguyên nhân có thể được tạo nên bởi tác nhân. Đó cũng là 4 cách tu tập, bốn giải pháp để tăng trưởng thiện tâm.



IV. CÁC PHƯƠNG DIỆN CỦA THIỆN

Aṭṭhasālinī có nêu lên bốn phương diện của kusala (thiện):

- Trạng thái / tướng trạng (lakkhaṇa): Không có tội lỗi, cho quả an lạc (anavajjasukhavipāka- lakkhaṇā).

Hoặc là : Chống lại tội lỗi hay không có lỗi (avajjapaṭipakkhattā vā anavajjalakkhaṇā).



- Phận sự / chức năng (rasa): Phá hủy bất thiện (akusalaviddhaṃsanarasaṃ).

- Thành tựu (paccupaṭṭhāna): Trong sạch hóa tâm thức (vodānapaccupaṭṭhānaṃ).

Hoặc là: Iṭṭhavipākapaccupaṭṭhānaṃ: Có quả (đáng) vui thích.



- Nhân gần (padaṭṭhāna): Khởi sanh tác ý đúng (yoniso manasikāra paccupaṭṭhāṇaṃ).

Giải:

1. Không có tội lỗi là khi tâm thiện sinh khởi thực hiện những điều tốt đẹp do kết hợp với vô tham, vô sân hay vô si. Tâm thiện không tạo ra những ác, bất thiện nghiệp nơi thân - ngữ - ý.

Cho quả an vuitức là sự an lạc, hạnh phúc.

Quả an lạc này rất đa dạng như: tái sinh về cõi người, cõi chư thiên hay Phạm thiên, hoặc những an lạc bên ngoài như đầy đủ tài sản, danh vọng… Quả an lạc bên trong như sát trừ phiền não, thành tựu những thắng trí như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, v.v...

2- Phá hủy bất thiện là đẩy lui những bất thiện pháp đang có, đồng thời làm cho những bất thiện pháp chưa sinh không sinh khởi.

Khi tâm thiện được tu tập làm cho sung mãn, thì diệt trừ mọi phiền não, chấm dứt mọi ô nhiễm. Như Phật ngôn:



"Nāhaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yaṃ evaṃ bhāvitaṃ bahulīkataṃ mahato anatthāya saṃvattati yathayidaṃ, bhikkhave, cittaṃ.

Cittaṃ, bhikkhave, bhāvitaṃ bahulīkataṃ mahato atthāya saṃvattatī'ti.

(Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-khưu, khi tu tập đưa đến nhiều lợi ích lớn, này các Tỳ-khưu, như tâm.

Này các Tỳ-khưu, tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhiều lợi ích lớn).

3- Trong sạch hóa tâm thức là loại trừ những pháp làm tâm nhơ bẩn để tâm được trong sạch, tâm đã trong sạch thì càng trong sạch hơn. Như Phật ngôn:

"Pabhssaranamidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttaṅti

Tâm này, này các Tỳ-khưu, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào”.

4- “Khởi sanh tác ý đúng” là sự hướng tâm một cách đúng đắn, như khi nhận biết cảnh tốt đẹp thì hướng tâm ra khỏi tham ái, khi gặp cảnh xấu thì hướng tâm ra khỏi khó chịu...

(TK. Chánh Minh, Tâm sở vấn đáp, tập III)

V. THỜI ĐIỂM TÂM THIỆN PHÁT SANH

Có hai loại thời (kāla): sát-na thời (khaṇakāla) và thọ thời (āyukāla).

1) Thời sát na là khoảng thời gian cực ngắn của đời sống một cái tâm, vào thời ấy khi vắng mặt tham sân si thì tâm thiện dễ dàng sanh khởi.

2) Thọ thời (āyukāla) là tuổi thọ của chúng sanh. Vào thời chúng sanh có tuổi thọ cao, có nhiều an lạc, hạnh phúc thì tâm thiện dễ dàng sanh khởi hơn, thiện pháp được tăng trưởng, vì thiện pháp có liên quan đến tuổi thọ.

Trong Buddhavaṃsa (Phật sử) có ghi: “Khi chúng sanh gìn giữ được một thiện pháp thì tuổi thọ gia tăng”. Trái lại, vào thời kỳ tuổi thọ chúng sanh thấp kém, luôn bị khổ nạn do thiên tai, không được an lạc thì tâm bất thiện dễ hiện khởi hơn.

Tuổi thọ con người khi Đức Phật ra đời là 100, không quá dài và cũng không quá ngắn.



VI. CÁC CẢNH GIỚI CHÚNG SANH DỄ TẠO THIỆN

1) Cõi chư thiên và các cảnh giới thù thắng: Ðông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô châu (không có Phật pháp), cõi chư thiên, cõi phạm thiên: tâm thiện dễ dàng sanh khởi hơn.

2) Cõi người phước báu: Nếu là cõi người, người thuộc gia đình trí thức, giáo dục và giàu có dễ sanh tâm thiện hơn là người sanh trong gia đình ít học, nghèo hèn.

Nếu rơi vào khổ cảnh thì tâm thiện khó có cơ hội sanh khởi. Như những chúng sanh ở địa ngục, ngạ quỷ giới, súc sanh giới luôn có sự bất lạc nên tâm thiện khó sanh khởi. Trái lại, tâm bất thiện thường xuyên hiện hữu, phần nhiều tâm bất thiện của những chúng sanh này là tâm vô trợ.



Tâm sân sanh khởi nhiều ở địa ngục giới, tâm tham nhiều ở ngạ quỷ giới và tâm si thường hiện hữu trong bàng sanh giới.

1 Bản Phụ sớ giải (Tika) do ngài Dhammapāla, một trong những vị luận sư lỗi lạc của Phật giáo Nam truyền, sống khoảng thế kỷ thứ XII trước tác.





tải về 34.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương