Thiên Chúa & Chủ thuyết Vô thần mới



tải về 0.76 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích0.76 Mb.
#38180
  1   2   3   4   5
Thiên Chúa & Chủ thuyết Vô thần mới

John F. Haught
Trần Hữu Thuần, PX 53 (Huế), dịch

Vài hàng giới thiệu tác phẩm và tác giả của người dịch:

Tại Hoa kì, hiện nay có một nhóm tự xưng là vô thần, phổ biến nhiều sách bán chạy nhất và bài báo, cả trên mạng,phi bác sự hiện diện của Thiên Chúa và tôn giáo, cách riêng Kitô giáo. Trong nhóm này phải kể đến Richard Dawkins, một giáo sư đại học, Sam Harris, Christopher Hitchens, Daniel Dennett, vv.

John F. Haught là Trưởng khoa và Giáo sư tại Phân khoa thần học Đại học Georgetown từ năm 1970 đến 2005. Ông là Thành viên thâm niên về Khoa học và Tôn giáo tại Trung tâm thần học Woodstock thuộc Đại học Georgetown. Về vị giáo sư tác giả của “Thiên Chúa và chủ thuyết vô thần mới” (God and the New Atheism) này, tôi xin mượn lời của Elia Delio trong bài nhận định của bà về tác phẩm mới nhất của John F. Haught “Làm cho tiến hóa có ý nghĩa” (Making Sense of Evolution): “John Haught không chỉ là một trong các nhà thần học hay nhất của thời đại chúng ta; ông, như Teilhard, là một tiên tri.”

Trong bản dịch này, chúng tôi cố gắng sử dụng từ thuần Việt, tránh dùng từ Hán Việt khi có thể được. Về tên riêng người và địa điểm, chúng tôi giữ lại gốc tiếng Anh trừ phi tên đã quá quen thuộc, ví dụ chúng tôi viết Frank, nhưng Phêrô, nước Sweden, nhưng nước Pháp. Theo ý kiến riêng, điều này sẽ dễ dàng cho bạn đọc trẻ đã quá quen thuộc với các ngoại ngữ Anh Pháp ngày nay, hơn là viết theo các phiên âm nhiều khi gây bối rối.

Trần Hữu Thuần

Dẫn nhập
Bất cứ ai theo dõi ngày nay sách bán chạy trong thế giới xuất bản không thể không chú ý đến sự bùng phát gần đây các luận giải vô thần đầy khiêu khích. Các sách bán chạy nhất của Richard Dawkins, Sam Harris, và Christopher Hitchens đã lôi cuốn một số lượng chú ý khác thường. Nhiều người đọc, kể cả các nhà khoa bảng, đã tìm thấy các sách đó không chỉ hấp dẫn mà còn, trong vài trường hợp, thuyết phục. Cuốn Ảo giác về Thiên Chúa (The God Delusion) của Dawkins viết hay tuyệt vời, cho dẫu không luôn luôn chính xác, những gì một số nhà khoa học và triết học đã từng suy nghĩ đến. Tương tự, trong cuốn Chấm dứt đức tin (The End of Faith) và Thư cho một quốc gia Kitô giáo (Letter to a Christian Nation), và Hitchens, trong cuốn Thiên Chúa không vĩ đại: Làm sao tôn giáo đầu độc mọi thứ (God Is Not Great: How Religion Poisons Everything), đã nêu lên rõ ràng và thích thú những gì mà nhiều người đọc của họ cũng cho tôn giáo là sai lầm. Tôi sẽ nói đến các tác phẩm đó cách chung là “chủ thuyết vô thần mới.”1

Một số sách có vẻ trí thức tương tự giờ đây đang cố gắng nhân danh khoa học vạch trần tôn giáo và cách riêng ý niệm về Thiên Chúa.2 Thoạt tiên tôi có ý muốn kể cả cuốn Phá vở lời nguyền: Tôn giáo như là một hiện tượng tự nhiên (Breaking the Spell: Religion as a Natural Phenomenon) của Daniel Dennett một cách tập chú hơn vào trong nghiên cứu của tôi về chủ thuyết vô thần mới, nhưng sách của Dennett là một lý luận dài dòng vô ích về một vấn đề tương đối đơn giản, và dù cách nào cũng không là một phương cách ngoại lệ để tấn công tôn giáo.3 Hơn nữa, khi trả lời ba cuốn sách mà tôi đã chọn để đánh giá, tôi quả thực cũng đề cập đến tuyên bố chính yếu của Dennett, nói rõ ra là rằng tôn giáo nên được nghiên cứu theo tự nhiên, cách riêng theo cách nhìn của sinh vật học tiến hóa. Dù sao tên của Dennett cũng thường được nhắc tới, nhưng vì các hạn chế của độ dày và phức tạp của cuốn sách này, tôi đã quyết định đề cập minh nhiên với ba tác giả kia, và với Dennett thỉnh thoảng hơn.

Quan điểm chính của Dennett là rằng khoa sinh vật tiến hóa cung cấp cách giải thích sâu sắc nhất về mọi hiện tượng, kể cả đạo đức và tôn giáo. Xem xét một nhận thức tiến hóa về tôn giáo, tôi có thể lý luận, không là điều thần học chống đối. Thực tế, thần học, như tôi nhận thức nó, không có đối kháng nào trong việc thúc đẩy các cách giải thích tiến hóa về mọi hệ thống sinh vật, kể cả tôn giáo, bao lâu nó có thể hữu lý và hiệu quả khoa học để làm như vậy. Với khoa học, nói cho cùng, các tôn giáo cũng là thành phần của thiên nhiên như tất cả mọi thực tế khác có thể quan sát được. Tuy nhiên, Dennett không ngừng lại với nhận thức rằng tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học có đủ mọi quyền để nghiên cứu. Theo ông, cũng như theo Dawkins, một tri thức tự nhiên về tôn giáo không còn dành chỗ đáng kể nào nữa cho các tường trình thần học đáng tin cậy về tại sao phần lớn con người có tôn giáo. Thần học theo Dennett, cũng như theo Dawkins, Harris, và Hitchens, giờ đây hoàn toàn thừa thãi. Chỉ một mình khoa học có thể cho chúng ta biết mọi điều về tôn giáo thực sự là gì, và nó có thể cung cấp các giải đáp tốt hơn thần học có

thể cung cấp cho mọi câu hỏi quan trọng người ta hỏi đến. Theo Dawkins, khoa học thậm chí có đủ tư cách để quyết định liệu Thiên Chúa có hiện hữu hay không. Cho dẫu Dennett không hoàn toàn tự tin như vậy, ông chia sẻ sự tin tưởng rằng tầm bao quát nhận thức của khoa học là toàn vẹn, và từ đó rằng nó không để lại chỗ đáng kể cho giải thích thần học về tôn giáo.

Sự tin tưởng của Dennett rằng khoa học có thể cung cấp một tri thức đầy đủ về tôn giáo hiển nhiên không phải là một tuyên bố đã được khoa học chứng tỏ hay thậm chí có thể chứng tỏ được. Đó là một tín điều, một tuyên ngôn về đức tin. Không một tích lũy lớn lao nào về lời lẽ phỉ báng châm chọc hay rèn luyện trí tuệ có thể che đậy sự kiện này khỏi người đọc có tính phê phán. Hệ thống niềm tin mà Dennett và các người vô thần mới khác tán đồng được biết đến như là “chủ thuyết thiên nhiên khoa học” (scientific naturalism). Giáo điều trọng tâm của nó là rằng chỉ có thiên nhiên, kể cả nhân loại và các tạo dựng của chúng ta, là thực; rằng Thiên Chúa không hiện hữu; và rằng chỉ có

khoa học có thể cho chúng ta tri thức hoàn toàn và đáng tin cậy về thực tế. Vì Thiên Chúa không nằm trong phạm vi lãnh vực của “chứng cứ” (evidence) mà khoa học cứu xét đến, bất cứ ai có lý trí, có giáo dục về khoa học phải do đó từ khước niềm tin vào Thiên Chúa. Vì phần lớn mọi điều Dennett viết về tôn giáo đều dựa trên niềm tin riêng của ông vào chủ thuyết thiên nhiên khoa học, tôi sẽ trả lời phê phán các bài viết của ông thậm chí nếu tôi không luôn luôn nêu đích danh ông.

Theo Dawkins và Dennett, người ta phải quyết định giữa các giải thích thần học và Darwin. Mỗi người đọc phải chọn lựa hoặc cái này hoặc cái kia. Không thể nào cả hai được. Khi phổ biến giáo điều này, Dennett và Dawkins đơn giản chỉ nêu lại một trong các giả định của phần lớn mọi chủ thuyết vô thần gợi hứng từ khoa học.

Carl Sagan, Michael Shermer, Steven Weinberg, Owen Flanagan, và Victor Stenger, ấy là chỉ kể ra một ít, đã tuyên bố tương tự,4 vì thế ở đây không cần phải khảo sát riêng lẻ các tác giả này. Các tác giả mà tôi cứu xét đề cập đến cũng lãnh vực đó và hơn thế nữa. Vô số cuốn sách, bài báo, và điểm sách hiện nay tán đồng giáo điều trọng tâm của chủ thuyết vô thần mới, nhưng tôi thấy rất ít điều trong các tác phẩm khác đó đã không được đề cập đến, nếu không muốn nói hay hơn, bởi ba tác giả mà tôi nêu bật trong bộ sách này.

Tuy nhiên, tôi phải thú nhận niềm thất vọng của tôi khi chứng kiến sự trỗi sinh gần đây mối quan tâm đến chủ thuyết vô thần. Đó chẳng phải mảy may vì cuộc đời tôi như là một nhà thần học gặp nguy hiểm—cho dẫu các tác giả được bàn đến thiết tha ao ước như vậy. Cũng chẳng phải vì xử lý về tôn giáo trong các tiểu luận này bao gồm phần lớn các khái quát quá mức hời hợt bỏ ra ngoài hầu hết mọi điều mà các nhà thần học có thể muốn nêu rõ lên trong cuộc thảo luận đương thời của chính họ về Thiên Chúa. Đúng ra, chủ thuyết vô thần mới không một chút thử thách nào về thần học. Việc dấn thân vào thần học của chủ thuyết này nằm gần như ở cùng một tầm mức với suy tư về đức tin mà người ta có thể tìm thấy trong văn chương của các người theo thuyết tạo dựng (creationist) và căn bản (fundamentalist) đương thời. Điều này không gì đáng ngạc nhiên vì chính từ những người theo thuyết tạo dựng và người hữu thần theo thiết kế thông minh mà các người vô thần mới thu nhặt phần lớn nhận thức của họ về đức tin tôn giáo. Các nhà thần học dòng chính, cũng như các sinh viên lịch sử trí tuệ, sẽ tìm thấy trong các sách báo đó quá ít những gì họ chưa từng được thấy trước đây. Hơn nữa, tôi có thể giả thiết nhiều người đọc cuốn sách này không có bối cảnh thần học để biết rõ cách làm sao đối xử với họ, và vì thế không phải chỉ dành cho các chuyên viên, thầy cô giáo, và sinh viên học sinh, mà còn cho người đọc đại chúng mà tôi cống hiến trong các trang sách này một trả lời theo thần học.

Sử dụng từ “theo thần học” ở đây, tôi muốn chứng tỏ, trước hết, rằng suy tư của tôi phát sinh từ việc tôi tùy thuộc vào một truyền thống tôn giáo hữu thần, nghĩa là, một truyền thống tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa có tính con người (personal God5), một Thiên Chúa của quyền uy và tình yêu vô tận, Đấng tạo dựng và duy trì thế giới, và Đấng mãi mãi mở ra cho thế giới một tương lai mới và không có tiền lệ, một Thiên Chúa làm mới mọi sự.

Nhận thức Kinh thánh thiết yếu này về Thiên Chúa nói rằng huyền nhiệm siêu nhiên chỉ có thể xử lý bằng phương cách đức tin, tin tưởng, và hy vọng (các quan niệm gần như không thể phân biệt được trong văn chương Kinh thánh), không phải như là một sở hữu nhận thức hay tôn giáo. Hơn nữa, cho dẫu Thiên Chúa không thể được biết đến tách rời khỏi đức tin và hy vọng, đa số các nền thần học cho phép rằng đức tin và hy vọng hoàn toàn nhất quán với và tràn đầy nâng đỡ bởi lý trí con người, kể cả việc theo đuổi nhận thức khoa học.

Thứ hai, thần học, như tôi dùng từ đó, là một suy tư tán thưởng nhưng cũng phê phán, triết học về các tôn giáo tuyên xưng niềm tin vàoThiên Chúa. Từ đây trở đi, khi tôi nói đến “thần học,” tôi sử dụng từ này như là nhãn hiệu chung cho công việc của nhiều người tư duy về thông tin Kinh thánh, suy tư phê phán, và tôn giáo mà tôi đã tìm thấy hữu ích trong việc hình thành nhận thức của riêng tôi về đức tin và chủ thuyết vô thần. Cách riêng, tôi muốn nói đến các nhà tư duy như Paul Tillich, Alfred North Whitehead, Paul Ricoeur, Rudolf Bultmann, Edward Schillebeeckx, Bernard Lonergan, Karl Barth, John Bowker, Elizabeth Johnson, Karl Rahner, Jürgen Moltmann, Wolfhart Pannenberg, Ian Barbour, David Tracy, Dorothee Soelle, Sallie McFague, Henri de Lubac, Hans Konas,

Emil Fackenheim, và Seyyed Hossein Nasr, chỉ kể ra một ít.

Rõ ràng các người vô thần mới không quen thuộc với bất cứ ai trong các nhà tư duy tôn giáo, và sự thù địch với cái mà họ gọi là “thần học” gần như không dính líu gì đến nền thần học như tôi sử dụng từ đó. Thỉnh thoảng, phê phán của chúng tôi đến gần việc nghi ngờ rằng có thể có cả một thế giới khác về tư duy tôn giáo thích đáng ở ngoài đó, nhưng họ muốn làm cho mọi sự dễ dàng cho họ và các người đọc họ, vì thế họ để thần học, ít nữa theo ý nghĩa của tôi với từ này, ra ngoài toàn bộ thảo luận của họ. Chiến thuật này là để chận đứng trên thực tế bất cứ tiếng nói thần học có ý nghĩa nào có thể mong muốn tham gia vào trò chuyện với họ. Kết quả của việc loại bỏ này, phẩm chất trí tuệ của chủ thuyết vô thần của họ bị giảm giá trị một cách không cần thiết. Nhận thức của họ về đức tin tôn giáo vẫn nhất quán ở cùng một tầm mức không uyên bác như tính tôn giáo không suy tư, mê tín, và theo nghĩa đen của những người mà họ chỉ trích. Hơn nữa, ở giữa tất cả nổi bất bình biện minh được của họ với các lạm dụng tôn giáo, họ không thể đo lường tính khả dĩ rằng tôn giáo nhân gian cũng thường lên đến độ cao của cao quí, can đảm, và đích thực mà không một học thuật công bình và vô tư nào có thể làm ngơ.

Một cách lý tưởng, tác giả các sách tôi sẽ đánh giá cũng sẽ liếc nhìn vào các trang sau đây, nhưng vì các bài viết của họ cho đến nay cho thấy không quan tâm gì đến thần học, chắc chắn không còn trông mong rằng họ cũng sẽ hòa điệu vào. Tôi cũng sẽ rất vui nếu các người hữu thần Do thái và Hồi giáo tìm thấy được điều gì đáng quan tâm trong nghiên cứu này, cho dẫu họ chắc chắn sẽ có câu trả lời độc đáo của riêng họ cho chủ thuyết vô thần mới.
TẠI SAO CÓ SÁCH NÀY?

(Why This Book?)

Tôi quyết định viết cuốn sách này nhằm để phơi bày các sai lầm và ngụy biện cơ bản làm cho chủ thuyết vô thần mới ít có ấn tượng hơn là nó thoạt xem ra như vậy. Tôi không thể xử lý từng tác giả với chi tiết, cũng không thể trả lời mọi quan điểm, nhưng không cần thiết phải làm như vậy nhằm để phơi bày tính không nhất quán họ cùng chia sẻ. Các người vô thần mới có biết bao nhiêu điều chung với nhau cũng như với các thể loại chủ thuyết vô thần trước kia cho đến nổi những gì tôi sẽ phải nói để phê phán một người này, ngoại trừ một vài khác biệt thứ yếu, thường thường cũng áp dụng cả cho các người khác. Kết luận này cách riêng đúng về quan điểm chung họ chia sẻ với nhiều nhà khoa học, triết học,và các nhà trí thức đương thời. Ở đây tôi dẫn chiếu đến viễn ảnh ảnh hưởng gia tăng của thực tế mà trước đây tôi đã gọi là chủ thuyết thiên nhiên khoa học. Vì sự quan trọng của nó trong việc hình thành định kiến của tất cả các người vô thần mới, kể cả nhiều người tôi không thể đề cập đến, tôi sẽ liệt kê ra đây các giáo điều chính của nó:

1. Ngoại trừ thiên nhiên, bao gồm cả hiện thân con người và các tạo dựng văn hóa của chúng ta, không có gì nữa cả. Không có Thiên Chúa, không linh hồn, và không có đời sống sau sự chết.

2. Thiên nhiên tự khởi sinh (self-originating), không phải Thiên Chúa tạo dựng

3. Vũ trụ không có quan điểm chung hay mục đích, cho dẫu các cuộc sống con người cá nhân có thể được sống với chủ đích.

4. Vì Thiên Chúa không hiện hữu, tất cả mọi giải thích và mọi nguyên ủy đều thuần túy tự nhiên và có thể được nhận thức chỉ bằng khoa học.

5. Tất cả mọi hình thái đa dạng của hiện thân sống động, kể cả trí thông minh và cách cư xử của con người, đều có thể cuối cùng được giải thích thuần túy bằng diễn giải tự nhiên, và ngày nay điều này thường có nghĩa là bằng diễn giải tiến hóa, cách riêng theo thuyết Darwin.

Các người vô thần mới có thể thêm các điều sau đây vào các giáo điều của chủ thuyết thiên nhiên khoa học:

6. Đức tin vào Thiên Chúa là nguyên ủy của vô số điều ác (evils) và phải bị từ khước trên nền tảng luân lý.

7. Luân lý không đòi buộc niềm tin vàoThiên Chúa, và người ta cư xử tốt không có đức tin hơn là có nó.

Các giả định cùng chia sẻ đó, căn bản trí tuệ của chủ thuyết vô thần mới, đòi buộc một trả lời nếu chúng ta phải đào sâu tận gốc rễ. Trong cuốn sách trước đây, Thiên nhiên đã đủ chưa? Ý nghĩa và sự thực trong thời đại khoa học (Is Nature Enough? Meaning and Truth in the Age of Science), tôi đã lý luận sâu rộng hơn rằng chủ thuyết thiên nhiên khoa học là một hệ thống niềm tin không mạch lạc và tự hủy hoại (incoherent and self-subverting), nhưng tôi không thể nhắc lại toàn bộ lý luận trong thảo luận ngắn ngủi hơn này. Tôi đề cập đến tác phẩm trước đây, và nhiều tính khoa bảng hơn, để trường hợp vài người đọc đang tìm kiếm một phiên bản tương đối mở rộng hơn của một số các lời phê bình tôi trình bày ở đây khi áp dụng Dawkins, Harris, và Hitchens.

Tôi tiến hành như sau: Trong chương 1, tôi hỏi chủ thuyết vô thần mới mới đến chừng nào. Trong chương thứ nhất, tôi nhằm cung cấp một tóm lược ngắn về các tuyên bố của từng người trong ba tác giả của chúng ta, hỏi xem nếu có khía cạnh nào có thể xứng đáng được xem xét đặc biệt. Tôi nhận thấy rằng các tác phẩm được nghiên cứu cung cấp một phơi bày mới mẻ và đôi khi lý thú về các vấn đề quan trọng, nhưng chúng chủ yếu cũng giống như những điều đã ám ảnh các tôn giáo và các nền thần học nhiều thế hệ. Năm câu hỏi kiên định phát sinh từ bất cứ cuộc thảo luận nào về chủ thuyết vô thần, và các câu hỏi đó được dùng làm chủ đề cho các chương 3-7: Thần học có quan trọng gì không (chương 3)? Thiên Chúa có phải là một “giả thiết” (hypothesis) mà khoa học có thể xác nhận hay từ khước không (chương 4)? Tại sao con người lại nghiêng về niềm tin tôn giáo (chương 5)? Chúng ta có thể tốt mà không có Thiên Chúa không (chương 6)? Ý tưởng về một Thiên Chúa có tính con người có thể tin được không trong một thời đại khoa học (chương 7)?

Chương 2 chỉ hỏi chủ thuyết vô thần mới vô thần đến chừng nào. Một Nietzsche, Camus, hay Sartre nghĩ gì về Dawkins, Harris, và Hitchens? Ở đây tôi phân biệt giữa chủ thuyết vô thần “hạng nặng” (hard-core) của nhiều chỉ trích cổ điển về tôn giáo một bên, và bên kia là đặc tính “hạng nhẹ” (soft-core 6) đa dạng mới của các người vô thần mới. Rôi tôi hỏi các cách đo lường của nhóm sau hay ho chừng nào so với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhóm trước. Cuối cùng, trong chương 8, tôi cống hiến một câu trả lời cách riêng theo Kitô giáo cho các câu hỏi biện giải trong các chương 3-7. Với một số người đọc, chương cuối cùng sẽ xem ra như tùy chọn, cho dẫu với riêng tôi đó là chương quan trọng nhất. Bảy chương đầu của tôi tránh xử lý chủ thuyết vô thần mới theo quan điểm thuần túy Kitô giáo. Thay vào đó, phê bình của tôi theo thể loại thế nào để những người hữu thần không Kitô giáo (cách riêng người Do thái và Hồi giáo tin vào Thiên Chúa), cũng như những người vô thần và không thể biết được (agnostics7) có thể theo dõi dễ dàng. Chỉ trong chương kết luận tôi mới phác họa một đáp ứng theo thần học Kitô giáo. Tôi chứng tỏ trong chương 8 rằng những gì các người vô thần mới của chúng ta hiểu về “Thiên Chúa” gần như chẳng có gì liên quan đến những gì đức tin và thần học Kitô giáo ngày nay hiểu về tên gọi này.

Càng đi sâu vào việc viết sách này, càng có nhiều chứng cứ hơn cho tôi rằng tôi đang cống hiến một phê phán không chỉ về chủ thuyết vô thần mới mà còn về thể loại tư duy tôn giáo, đạo đức, và tâm linh mà cuốn sách này phản ứng chống lại. Tôi gợi ý rằng có các cách thay thế thần học đáng tin cậy và hấp dẫn cho cả hai. Tuy nhiên, cho dẫu các người vô thần mới từ khước Thiên Chúa của những người tin vào thuyết sáng tạo, cơ bản, khủng bố, và những người bảo vệ thiết kế thông minh, không phải không hấp dẫn khi thấy họ đã quyết định bàn cãi với các người cực đoan đó hơn là với bất cứ nhà thần học chính yếu nào. Việc chọn lựa người đối kháng này phản bội sự tôn trọng vô ý thức của họ các phiên bản theo nghĩa đen và bảo thủ của tư duy tôn giáo trên các thể loại dòng chính theo truyền thống hơn—điều họ hoàn toàn làm ngơ và ngấm ngầm từ khước vì tính không chính thống của họ. Thực sự các người vô thần mới này đang nói nếu Thiên Chúa quả thực hiện hữu, chúng ta phải cho phép nhân dạng của vị Thiên Chúa này được những người theo thuyết cơ bản (fundamentalists) của các truyền thống tôn giáo Abraham chỉ định ra một lần dứt khoát. Tôi tin họ đã chọn chiến thuật này không chỉ để làm cho công việc hủy hoại của họ dễ dàng hơn mà còn bởi vì họ thán phục khó che dấu nổi sự đơn giản của các quan điểm của phe đối lập với họ về thực tế. Chứng cứ rõ nhất việc họ bị thu hút vào một quan điểm thế giới không phức tạp có thể tìm thấy trong việc họ trung thành với giả định thậm chí đơn giản hơn của chủ thuyết thiên nhiên khoa học.
(Cước chú cuối bài là của tác giả trừ phi có ghi là của người dịch [nd])

1Richard Dawkins, The God Delusion (New York: Houghton Mifflin, 2006); Sam Harris, The End of Faith; Terror, and the Future of Reason (New York: W. W. Norton & Co., 2004); and Letter to a Christian Nation (New York: Knopf, 2007); Christopher Hitchens, God Is Not Great: How Religion Poisons Everything (New York: Hachette Book Group USA, 2007)

2 Victor J. Stenger, God: The Failed Hypothesis: How Science Shows That God Does Not Exist (Amherst, N.Y.: Prometheus Books, 2007); Carl Sagan, The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark (New York: Ballantine Books, 1997); Steven Weinberg, Dreams of a Final Theory (New York: Pantheon, 1992); Michael Shermer, How We Believe: The Search for God in an Age of Science (New York: W. H. Freeman, 2000); Owen Flanagan, The Problem of the Soul: Two Visions of Mind and How to Reconcile Them (New York: Basic Books, 2002).

3 Daniel Dennett, Breaking the Spell: Religion as a Natural Phenomenon (New York: Viking, 2006)

4 Xem số 2 trên

5 Personal God: Một quan điểm thần học về Thiên Chúa, không phải là con người nhưng có tính con người. Có các tài liệu khác được dịch là Thiên Chúa (Thượng đế) con người có thể gây hiểu lầm Thiên Chúa là một con người. Tôi dịch là Thiên Chúa có tính con người để tránh hiểu lầm (người dịch)

6 Hard-core; Soft-core: Xin tạm dịch. Hard-core: hạng nặng; Soft-core: hạng nhẹ (nd)

7 Agnostics: Thường dịch là bất khả tri. Trong bản dịch này, tôi sẽ dùng từ thuần Việt thay cho Hán Việt khi có thể được (nd)



1

Chủ thuyết vô thần mới mới chừng nào?

(How New Is the New Atheism?)
“Khi Con của Người đến, Người có sẽ tìm thấy đức tin trên quả đất không?”

—Luca 18, 8

Ngày sau khi tháp đôi của Trung tâm mậu dịch thế giới sụp đổ vào tháng chín 2001, vợ tôi và tôi tham dự một nghi lễ đặc biệt tại Thánh đường Công giáo Thiên Chúa Ba Ngôi gần Đại học Georgetown nơi tôi đã dạy học nhiều năm. Bill Byron, vị chánh xứ Dòng Tên và nguyên viện trưởng Đại học Công giáo Mỹ, dâng Thánh Lễ và giảng một bài

giảng đầy ý cầu nguyện. Nếu quí vị muốn hòa bình, ông nói, hãy thực hiện công bình. Người có đức tin phải không bao giờ từ bỏ hy vọng cải thiện phẩm chất cuộc sống khắp thế giới. Chúng ta cần tránh các giải pháp đơn giản hóa và kết án tổng quát các tôn giáo. Chúng ta tất cả phải làm cho thế giới công chính hơn không kể bao lâu, và không phải sử dụng bạo lực. Giữa nỗi kinh hoàng và đau đớn to lớn những ngày sau 11 tháng 9, khuyến khích tương tự về thực hiện khoan dung, tình yêu, và công bình ngân vang qua các nơi thờ phượng trên khắp thế giới.

Vào khoảng đồng thời với các nghi lễ đó đang tiếp tục, một nhà triết học và sinh viên khoa học thần kinh trẻ tuổi tại Đại học Standford, Sam Harris, đang sáng chế ra một giải pháp khác, cấp tiến hơn nhiều, cho vấn đề đang leo thang của chủ thuyết khủng bố toàn thế giới. Khoan dung và đồng cảm đơn giản sẽ không làm được gì, ông ta nghĩ. Quả thực, khoan dung của đức tin là một nguyên ủy chính yếu của vấn đề. Đề nghị của Harris, như được trình bày trong các sách bán chạy nhất của ông Chấm dứt đức tin (The End of Faith) và Thư cho một quốc gia Kitô giáo (Letter to a Christian Nation), rõ như ban ngày.1 Chúng ta có thể loại bỏ đức tin khỏi thế giới không phải bằng bạo lực mà bằng lý trí và sự lan tràn của khoa học. Tự xem mình như là một ông Phật mới, Harris quyết định chia sẻ với các người đọc của ông—và với toàn thế giới—một cái gì như một phiên bản mới của Tứ diệu đế (Four Noble Truths) của Đức Phật cũ. Richard Dawkins và Christopher Hitchens thiết yếu cũng tuyên bố tương tự.
CHỨNG ĐẾ THỨ NHẤT

(The First Evident Truth)

Nhiều người trên thế giới đang sống những cuộc sống bi thảm một cách không cần thiết, Harris ghi nhận, phảng phất dội lại Diệu đế thứ nhất của Đức Phật “mọi cuộc sống đều đau khổ.” Giả định về bối cảnh của Harris là rằng mục đích của cuộc sống con người là để tìm hạnh phúc. Ngược lại, triết gia Immanuel Kant và các nhà tư duy khôn ngoan và các bậc thầy tâm linh khác đã dạy rằng hạnh phúc chỉ đến như là một phó sản phẩm của việc tìm kiếm một điều gì vĩnh cửu. Nhắm trực tiếp đến hạnh phúc là một phương cách chắc chắn không tìm thấy nó. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa không hiện hữu và vũ trụ là không cứu cánh, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nỗ lực cho một thế giới trong đó hạnh phúc, “một hình thái sung túc là điều thay chỗ cho mọi chuyện khác,” được bảo đảm cho số đông các cá thể (Harris, 205)2. Harris không định nghĩa hạnh phúc, cũng không phân biệt nó với các thể loại khác của toại nguyện. Ông đơn giản giả định rằng tất cả chúng ta đều biết theo trực giác hạnh phúc là gì và rằng chúng ta phải lấy đó làm chủ đích của mọi hiện hữu đạo đức (170-71).

Rằng tất cả chúng ta chịu đau khổ và cuối cùng chết là không thể tránh khỏi, Harris nhận ra, vì đó là cách làm sao thiên nhiên và tiến hóa hành động. Chúng ta có thể làm dịu một số ưu phiền tự nhiên và kéo dài cuộc sống của chúng ta thậm chí nếu chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ đau khổ. Tuy nhiên, nổi đau đớn vô nghĩa mà chủ thuyết khủng bố gây ra là một chuyện khác. Có thể chúng ta có thể làm điều gì đó với chuyện đó, một điều gì cấp tiến. Như với việc nhận ra đầu tiên của Đức Phật, chúng ta phải bắt đầu đối mặt hoàn toàn với sự kiện rằng thế giới thực tại chứng kiến nhiều nỗi khốn khổ không cần thiết, rõ nét nhất là các biến cố như cuộc thảm sát 11 tháng 9.


CHỨNG ĐẾ THỨ HAI

(The Second Evident Truth)

Harris tuyên bố, nguyên ủy của biết bao nhiêu phiền não chính là đức tin, cách riêng dưới hình thái niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin là “niềm tin không chứng cứ” (belief without evidence) (58-73, 85), và theo Hitchens điều này chính là điều “đầu độc mọi thứ.” Dawkins đồng ý (308), và cả ba tác giả cố gắng thuyết phục người đọc của họ rằng các đức tin độc thần—Do thái, Kitô, và Hồi giáo—tạo cơ sở cho một phần đáng kể của điều ác mà hiện thân con người làm khổ nhau suốt ba ngàn năm qua. Nhưng không phải chỉ các ý niệm kinh hoàng về Thiên Chúa như các ý niệm của Al-Qaeda và những người cuồng tín khác gây ra biết bao khổ đau không cần thiết. Chính là đức tin, thuần túy và đơn giản.3

Tuyên bố này không hoàn toàn như Diệu đế thứ hai của Đức Phật, nói rằng nguyên ủy của đau khổ là tham vọng (tanha). Nhưng có sự tương đồng, trong trường hợp này vì các ý kiến bệnh hoạn để thoả mãn ước muốn hình như không đáy biết bao nhiêu con người có do ảo vọng (Harris 23, 26-27, 38-39, 58-73). Trong một công thức gần như ngắn gọn như của Đức Phật—nguyên ủy của đau khổ là đức tin—các người vô thần mới của chúng ta muốn tập chú sự chú ý một cách chính xác trên những gì cần bị tiệt trừ nếu hạnh phúc đích thực phải được thực hiện.

Ý kiến Thiên Chúa được làm thành (fabricated) bởi đức tin là “nguy hiểm cách nội tại” (intrinsically dangerous) (44) và ác độc về luân lý (morally evil), không kể nó được hình thành dưới hình thái nào trong trí tưởng tượng của chúng ta. Tại sao? Tại vì không có chứng cứ nào về điều đó, và thực tế “không một chứng cứ nào thậm chí có thể quan niệm được” (no evidence is even conceivable) (23). Đặt căn bản nhận thức trên “chứng cứ” không chỉ là cần thiết về ý thức mà còn thiết yếu cả về luân lý. Thất bại thử nghiệm về chứng cứ, điều làm cho khoa học đáng tin cậy, “đức tin tôn giáo đại diện cho việc dùng sai quyền lực của tâm trí chúng ta cho đến nổi nó tạo thành một thể loại đơn biệt ngoan cố, văn hóa—một điểm ảo bên ngoài nó mà tiến trình lý trí chứng minh là không có thể

được. Khi gán ép lại trên từng thế hệ, nó làm cho chúng ta không còn khả năng nhận ra thế giới của chúng ta đã nhượng bộ chừng nào cho một quá khứ đen tối và mọi rợ.” (25)

Các người vô thần mới muốn làm thật sáng tỏ rằng điều thực sự ác của các tôn giáo tin vào Thiên Chúa không những chỉ là các hình ảnh phỏng theo con người (anthropomorphic images) thô thiển của các thần chúa trỗi sinh từ “các điều tự nhiên tầm thường hơn—các lực như tham vọng, ghét bỏ, và sợ hãi” (15), mà còn rằng các thần chúa đó trỗi sinh từ “đức tin” hơn là từ “chứng cứ.” Cả “đức tin” và “chứng cứ” cần phải được hiểu cách cẩn thận. Ở đây từ “đức tin” có chức năng với các người vô thần mới gần như là “tham vọng” (greedy desire) với Đức Phật. Đức Phật đã gán nỗi đau khổ của chúng ta với xu hướng bám víu vào các sự vật một cách ám ảnh cho đến nỗi chúng ta tự làm

cho vướng phải thất vọng một khi chúng ta phải đối mặt với sự phù vân của mọi hiện thân. Vì thế nếu chúng ta muốn hạnh phúc, tốt hơn cả chúng ta đừng bám víu vào bất cứ thứ gì. Theo Đức Phật, “tham vọng” là nguồn gốc của đau khổ của chúng ta. Theo các người vô thần mới, đó chính là xu hướng của chúng ta tin vào bất cứ điều gì không có chứng cứ. Đức tin làm cho thế giới thành thảm hại hơn biết bao nhiêu so với việc cần đến nó.

Niềm tin vào Thiên Chúa là một phiên bản độc hại của đức tin. Chỉ cần xem đến mọi phương cách trong đó niềm tin vào Thiên Chúa và cuộc sống đời sau khuấy trộn thế giới ngày nay. Ví dụ, tôi đang viết các trang này vào ngày chết chóc nhất cho đến nay của việc thất bại hoàn toàn ở Iraq (15 tháng 8, 2007), khi những người cực đoan Hồi giáo giết chết nhiều đến năm trăm thành viên của giáo phái Yazidi. Mù quáng tin tưởng vào các định đề liên quan đến Thiên Chúa và cuộc sống đời sau, một nhóm những người tin vào tôn giáo tự làm nổ tung nhân danh Thiên Chúa nhằm để đồng thời cũng làm nổ tung những người tin vào tôn giáo khác. Chúng ta cần bằng chứng nào khác để nói rằng đức tin hữu thần không những đánh lừa mà còn là nguy hiểm? Đức tin vào Thiên Chúa xem ra ngây thơ vô tội với phần lớn chúng ta, nhưng theo Harris, đức tin có thể dẫn đến bất cứ thứ gì. Sự tin tưởng nhẹ dạ điên khùng dẫn người Kitô giáo đến tin tưởng, theo ngôn từ của Harris, rằng Giêsu “lừa dối sự chết, và nâng thân xác lên vào thiên đàng,” hoặc ý kiến hết sức phi lý về việc chuyển thể (transubtanstiation) cho phép người Công giáo tin rằng Giêsu có thể “bị ăn dưới hình thái một chiếc bánh cracker” và rằng người tin có thể uống máu ông ta nhờ uy lực của “vài từ Latin đọc bên trên rượu vang Burgundy ưa thích của quí vị,” xem ra cũng tàng tàng vô hại. Nhưng cánh cửa đức tin mở ra cho điều vô nghĩa thơ ngây như thế bất hạnh thay cũng cung cấp không gian cho các niềm tin không biện minh dẫn đến “các tội ác quỉ quái nhất chống lại nhân loại” (78-79). Các người vô thần mới đinh nghĩa đức tin là niềm tin không có chứng cứ (faith as belief without evidence).

“Chứng cứ” là một cụm từ sống còn, nêu lên vô số lần trong sách của Harris và tại các điểm chìa khóa trong sách của Dawkins (282-83). Nhưng “chứng cứ” là gì? Các tác giả không bao giờ cẩn thận định nghĩa cụm từ đó có ý nghĩa gì, rõ ràng nó có nghĩa đối với họ là bất cứ những gì khả dĩ thử nghiệm, thực nghiệm, hoặc quan sát được cách công khai. Các tuyên bố khác thường như tuyên bố về tôn giáo, như Harris xác nhận, đòi buộc một “thể loại thử nghiệm khác thường,” nhưng chẳng có loại nào khả dĩ. Vì chỉ có khoa học mới chứng thực hay không thực các định đề của nhân loại, người ta phải kết luận rằng các ý niệm tôn giáo, thiếu bất cứ chứng cứ cụ thể nào, không thể tuyên bố là đúng sự thực một cách hợp pháp. Không trải qua một vài thể loại thử nghiệm thực nghiệm, gần như bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành chấp nhận được trong tâm trí tôn giáo, kể cả niềm tin rằng tử đạo bằng nổ bom tự tử sẽ phóng người ta lập tức vào thiên đàng. Vì thế, chỉ có các tuyên bố có “đầy đủ chứng cứ” là chấp nhận được với những ai muốn chấm dứt sự thảm hại con người.

Các nhà thần học ngày nay hiểu đức tin như là sự cam kết trọn vẹn hiện thân của con người với Thiên Chúa (the commitment of one’s whole being to God). Nhưng các người vô thần mới, dội lại một nền thần học giờ đây đã thành cổ điển, nghĩ đến đức tin theo một nghĩa trí tuệ và định đề hẹp hòi. Vị trí của đức tin theo họ không phải là một con tim dễ bị thương tổn mà là một trí tuệ yếu hèn. Harris, Dawkins, và Hitchens xem mọi hình thái đức tin là phi lý, và lạm dụng lý trí bằng cách chứa chấp đức tin trong tâm trí con người cũng là không đạo đức một cách kinh hoàng. Thật sai lầm theo luân lý để tin vào bất cứ điều gì không đủ chứng cứ. Theo quan điểm đó, các người vô thần mới nhận lấy những gì mà các người vô thần của thế hệ cũ hơn gọi là “đạo đức tri thức” (ethic of knowledge) làm nền tảng cho cuộc sống cả luân lý lẫn nhận thức.Vào các năm cuối 1960, nhà sinh hóa học đáng chú ý và vô thần Jacques Monod tuyên bố rằng “đạo đức tri thức” phải là nền tảng của mọi tuyên bố luân lý và trí tuệ. Ông tuyên bố thật là không đạo đức khi chấp nhận bất cứ ý kiến nào thất bại trong việc dính liền với “định đề về khách quan”

(postulate of objectivity). Nói cách khác, thực là sai lầm về luân lý khi chấp nhận bất cứ tuyên bố nào không thể chứng thực được trên nguyên lý bằng hiểu biết khoa học “khách quan.” Nhưng, thế thì, chính bản thân giáo điều đó thì sao? Có ai có thể chứng tỏ một cách khách quan rằng định đề khách quan là chân thực? Ở đây Monod thành thực hơn các người vô thần mới rất nhiều. Ông thú nhận có một ngoại lệ cần thực hiện với định đề khách quan. Đạo đức tri thức chính tự bản thân là một chọn lựa “tùy tiện” (arbitrary), không phải là một tuyên bố đã từng có đầy đủ chứng cứ khoa học. Đức tin, hình như thế, cũng mở ra một cánh cửa đủ rộng cho chủ thuyết vô thần nữa.4

Dĩ nhiên, mọi hiểu biết phải khởi đầu ở đâu đó, và cái ở đâu đó được gọi cách đúng đắn là đức tin, thậm chí nếu các người chỉ trích của chúng ta bất bình về từ ngữ đó. Ở một vài tầm mức nền tảng, mọi hiểu biết bắt nguồn từ một tuyên ngôn về tin tưởng, trong một “ý nguyện để tin” (a “will to believe”). Ví dụ, chúng ta phải tin tưởng vũ trụ đã có một vài ý nghĩa nào đó thậm chí trước khi chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu về tính tri thức của nó. Các tuyên ngôn không tri thức được về đức tin cũng ủng hộ mọi tuyên bố các người vô thần đưa ra, kể cả việc chính thức loại bỏ đức tin. Trong một luận văn nhan đề “Ý nguyện để tin” (The Will to Believe), luận văn mà các người vô thần của chúng ta không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ đã đọc, triết gia William James chỉ trích W. K. Clifford về việc đưa ra một tuyên bố đạo đức cách tùy tiện cho đến nổi thực là sai lầm nếu tin vào bất cứ điều gì mà không đầy đủ chứng cứ. 5 Tất cả những gì quí vị phải làm là đọc luận văn rất quan trọng của James để nhận ra rằng, ít nữa trong những gì chúng ta đã nhìn thấy cho đến nay, hoàn toàn chẳng có gì mới trong chủ thuyết vô thần mới. Nhưng xin để chúng ta tiếp tục xem xét.
CHỨNG ĐẾ THỨ BA

(The Third Evident Truth)

Phương cách để tránh nổi đau khổ vô ích của nhân loại ngày nay là loại bỏ đức tin ra khỏi bề mặt trái đất. Diệu đế thứ ba của Đức Phật nói rằng phương cách để vượt qua đau khổ là tìm cách xa rời khỏi bám víu vào ham muốn. Các người vô thần mới—cách riêng Harris, người ưa chuộng một phiên bản biên tập lại rất sát giáo lý Phật giáo—tin rằng xa rời khỏi ràng buộc với đức tin có thể loại bỏ đau khổ không cần thiết cho thế giới. Ở đây, “đức tin” là cái hầm không đáy trong ý thức tạo thành chỗ cư trú cho mọi thứ từ niềm tin vào đĩa bay, đến phù thủy, linh hồn, thiên thần, ma quỉ, thiên đàng, và Thiên Chúa. Đa phần các niềm tin đó xem ra cũng vô hại, nhưng nếu chúng ta cho phép người ta bỏ đi thậm chí các ví dụ vô tội nhất của đức tin, điều gì sẽ ngăn cản một người cấp tiến Hồi giáo khỏi tin tưởng rằng ý định của Thiên Chúa là hủy diệt Israel và Hoa kỳ, hoặc một người theo chủ thuyết Zion khỏi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúng ta sát hại những người Palestine vô tội, hoặc một người Kitô giáo khỏi tin tưởng rằng ý Thiên Chúa muốn bỏ bom các nơi phá thai? Một khi ý nguyện của Thiên Chúa bị tưởng tượng để chấp nhận các hành động bạo lực như vậy, lúc đó điều gì cũng có thể được—kể cả các điều kinh hoàng nhất không thể nghĩ tới.

Thông cảm được, lúc đó, các người vô thần mới hỏi làm cách nào chúng ta có thể chuyển hướng một thế giới nơi giết chóc và gây thương tật vì kỳ thị nhân danh Thiên Chúa trở thành thực sự không thể nghĩ tới được. Vì một thế giới như vậy chưa hiện hữu, đòi buộc phải có một giải pháp cấp tiến: chúng ta phải gạt bỏ toàn bộ đức tin. Mọi người cần phải chấm dứt tin tưởng vào bất cứ khẳng định nào không thể được “chứng cứ” ủng hộ. Điều này cách riêng áp dụng cho tất cả mọi cuốn sách mà người theo tôn giáo đã từ bao đời cho là thiêng thánh. Vì loại văn chương cho là được cảm hứng của các tôn giáo tin vào Thiên Chúa là một sản phẩm của đức tin, không có một lí do nào để chấp nhận nó cách nghiêm chỉnh. Ngoại trừ một vài đoạn đây đó hấp dẫn cách thẩm mỹ, các Kinh thánh của mọi tôn giáo đều vô giá trị. Hơn nữa, những gì xem ra đúng về luân lý hay quyền rủ về thẩm mỹ trong các cuốn sách cho là thánh thiêng và các truyền thống của chúng ta có thể đến được bởi lý trí hoạt động độc lập với đức tin.

Việc chỉ trích đức tin cũng áp dụng cả cho thần học, điều mà các người vô thần mới tỏ ra tuyệt đối khinh khi, hoảng kinh với sự kiện rằng vào lúc này ở thời đại chúng ta thậm chí vẫn còn các điều lố bịch như là các phân khoa khoa bảng mang tên như vậy. Họ băn khoăn tại sao càng nhiều học giả và những người khác mà chúng ta trông mong họ là thông minh xem ra không chú ý đến việc thần học nguy hiểm đến thế nào cho thế giới. Thần học, nói cho cùng, dẫn phái Hồi giáo này giết chết phái khác nhân danh Thiên Chúa. Chính trong đầu óc của các nhà thần học mà các khích lệ về toà án dị giáo và tàn sát đã nẩy nở. Chứng cứ không thể chối cãi được. Lịch sử của Do thái, Kitô, và Hồi giáo là một lê lết của vô số đau khổ và chết chóc gây ra bởi các cuộc tranh chấp thần học lố lăng. Đó là phán đoán của tất cả ba người chỉ trích của chúng ta. Xin thành thực nhìn vào gốc rễ của chủ thuyết khủng bố ngày nay, họ có thể khuyên bảo chúng ta như thế. Xin nhìn vào tất cả các vấn đề quốc gia và quốc tế gây ra bởi ý niệm về Thiên Chúa trỗi sinh từ các sản phẩm tưởng tượng thần học ăn bám vào xu hướng đáng khinh của chúng ta về đức tin. Mỗi một khi chúng ta tháo giày ra ở trạm kiểm soát an ninh của sân bay, người ta có thể thêm, cũng xin chỉ suy tư đến nguyên ủy cuối cùng của điều tuế toái này.

Các nguy hiểm không tiền lệ đe dọa chúng ta ngày nay, Harris nhấn mạnh, sẽ chỉ trở nên tệ hại hơn trừ phi một giải pháp kiên quyết có thể được tìm thấy. Người theo phái phóng túng và xã hội khờ khạo gợi ý rằng nếu chúng ta muốn có hòa bình, chúng ta tất cả cần thực hiện công bình. Nhưng một giải pháp như vậy chưa đủ cực đoan cho các người vô thần mới. Nguyên ủy cội rễ của các hình thái rồ dại nhất của bạo lực dù sao cũng không phải là nghèo đói và bất công. Đúng ra, chính là đức tin và thần học. Đức tin và thần học có thể dẫn một số người đến các nghi lễ đầy nguyện cầu như người tôi đã nói ngay đầu chương này. Nhưng vì kinh nguyện dựa vào tính phi lý của đức tin, bằng cách thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta chỉ đang kéo dài nổi đau khổ của con người về lâu về dài. Ngày sau ngày 11 tháng 9, thay vì dự phần vào một nghi lễ tôn giáo, vợ tôi và tôi lẽ ra dùng thời giờ của chúng tôi tốt hơn, theo Harris, bằng cách làm việc tìm đến một chủ thuyết thế tục cấp tiến chối bỏ bất cứ tình trạng nào của đức tin của đủ mọi thể loại. Chỉ có “chấm dứt đức tin” nắm giữ bất cứ lời hứa nào về việc cứu thế giới.

Thay vì chấp nhận Diệu đế thứ ba dịu dàng hơn của Đức Phật xưa cũ như là phương cách chấm dứt đau khổ, các người vô thần mới tìm cách đề ra cho chúng ta một thể loại khác cấp tiến nhưng, họ nghĩ, hữu hiệu hơn về tu khổ hạnh—đích danh là, xóa sạch đức tin khỏi tâm trí chúng ta. Môn học mới này về thanh tẩy, nếu thi hành theo các tiêu chuẩn khắc nghiệt của các người vô thần mới, sẽ dẫn đến việc loại bỏ mọi xu hướng ngây ngô tin tưởng mà không chứng cứ. Ý niệm về Thiên Chúa do đó phải được tẩy sạch vĩnh viễn khỏi nhận thức con người, nhưng điều này không thể xẩy ra riêng biệt với việc “chấm dứt đức tin.” Làm sạch thế giới khỏi những gì như là Osama bin Laden và Al-Qaeda bằng vũ lực sẽ không làm tròn sự việc. Điều cần phải loại bỏ là đức tin dưới mọi hình thái, và tất cả các người vô thần mới của chúng ta nghĩ về chính họ như là tiên phong trong việc tẩy sạch trước sau chưa hề có này.

Đến lúc này, các người vạch trần sự thực của chúng ta hình như đã hoàn tất, nhưng họ chỉ mới khởi đầu. Ở đây họ bắt đầu cống hiến một điều gì đó mới mẻ đáng giật mình, ít nữa ra ngoài tầm với của tính độc tài vô thần. Họ nói, không chỉ đức tin mà sự khoan nhượng lịch thiệp và văn minh của chúng ta về đức tin phải bị lật gốc rễ lên nếu tiến trình đến hạnh phúc đích thực muốn thành tựu. Harris là minh nhiên nhất trong quan điểm này. Những người ôn hòa tôn giáo và biện bác của họ về quyền đức tin, ông bực tức, chịu “phần lớn, trách nhiệm về sự đối kháng tôn giáo trong thế giới chúng ta…” (45). Dawkins hoàn toàn ủng hộ ông: Bao lâu chúng ta tôn trọng nguyên lý rằng đức tin tôn giáo phải được tôn trọng, đơn giản vì nó là đức tin tôn giáo, khó mà rút sự tôn trọng khỏi đức tin của Osama bin Laden và những người ôm bom tự sát. Việc làm thay thế, một điều rõ ràng cho đến nổi không cần phải nhấn mạnh, là từ bỏ nguyên lý tự động tôn trọng đức tin tôn giáo. Đó là lý do tại sao tôi làm mọi điều có thể làm được trong quyền hạn của tôi để cảnh báo con người chống lại chính đức tin, không chỉ chống lại cái gọi là đức tin “cực đoan.” Việc giáo huấn của tôn giáo “ôn hòa,” cho dẫu tự chúng không phải là cực đoan, là một mời gọi rộng mở cho chủ thuyết cực đoan. (306)

Khoan nhượng đức tin vẫn còn là một thành phần không thắc mắc của các xã hội dân chủ, nhưng ảo giác ác độc mà sự độ lượng này cho phép sẽ tiếp tục gây ra nổi khốn khổ vô cùng. Nếu chúng ta nuông chiều bất cứ thể loại đức tin nào, chúng ta tự đặt mình thành nạn nhân hóa bởi “những người tin đích thực” đủ mọi thể loại. Tôn trọng không kỳ thị với đức tin đủ để làm cho mỗi một con người khoan nhượng giữa chúng ta thành một tòng phạm trên thực tế (de facto) gây điều ác.

Thay vì đồng cảm với đức tin tôn giáo theo phương cách dịu dàng mà những người ôn hòa thế tục và tôn giáo đã làm trong quá khứ, các người vô thần mới muốn chúng ta từ bỏ sự tôn trọng như vậy cả với tự do đức tin lẫn với tư duy tôn giáo. Không có gì cản trở việc nắm bắt nhìn rõ vấn đề khẩn cấp nhất của thế giới ngày nay—chủ thuyết khủng bố cảm hứng từ tôn giáo—một cách kém tư duy hơn là thần học ôn hòa và sự khoan nhượng thế tục phóng túng về đức tin. Cuối cùng, chúng ta phải nhận biết rằng sự khoan nhượng thần học, thế tục, cánh trái, sau hiện đại, và lòng tốt cách đơn giản của chúng ta về đức tin tự nó đã trở thành không thể khoan nhượng được. Những người ôn hòa tôn giáo, Harris viết, “tưởng tượng rằng con đường đến hòa bình sẽ mở ra bằng phẳng một khi mỗi một người trong chúng ta đã học cách tôn trọng các niềm tin không biện minh được của người khác.” Nhưng “chính ý niệm về khoan nhượng tôn giáo—sinh ra từ khái niệm rằng mỗi hiện thân con người phải được tự do tin tưởng vào bất cứ điều gì người ta muốn về Thiên Chúa—là một trong các động lực chính yếu đẩy chúng ta tiến đến vực thẳm khôngđáy” (14-15). Từ bỏ bất cứ quan tâm về tính đúng đắn chính trị, Harris xem ra tuyệt đối nghiêm chỉnh trong lời tuyên bố của ông rằng chúng ta không còn có thể khoan nhượng được sự khoan nhượng phóng túng về đức tin. Như thế, ở đây, chúng ta gặp được một điều gì tương đối mới mẻ trong các bài viết của các người vô thần mới.

Cũng mới mẻ qua Dawkins, Harris, và Hitchens là sự không khoan nhượng chẳng những với thần học mà còn với sự điều chỉnh mềm mại, “Neville Chamberlain6,” mà gần hết những người đồng bạn của họ và những người theo chủ thuyết thiên nhiên khoa học đối xử với sự hiện hữu của đức tin (Dawkins 66-69). Trong nhiều năm nghiên cứu và bàn luận với các người thiên nhiên khoa học, tôi chưa hề gặp phải một sự không khoan nhượng hoàn toàn như vậy với lòng khoan nhượng. Sự không khoan hượng với lòng khoan nhượng (intolerance of tolerance) xem ra là một khía cạnh thực sự mới của giải pháp của các người vô thần mới đối với vấn đề khốn khổ của con người. Gần hết mọi

điều Dawkins, Harris, và Hitchens (và cố vấn triết học của họ Dennett) có gì để nói về tôn giáo, đức tin, và thần học đều đã được nói đến rồi. Chắc chắn việc từ khước phủ trùm vị trí nhận thức về đức tin tôn giáo không phải là mới mẻ, cũng không phải việc họ kết án tôn giáo trên cơ sở luân lý. Chủ thuyết thiên nhiên khoa học, mà các giáo điều của nó các người vô thần mới của chúng ta đã lập thành trường phái một cách có phương pháp, đã từ lâu cho rằng thiên nhiên là điều duy nhất có và rằng khoa học là con đường đặc quyền đi tới việc nhận hiểu thế giới. Tuy nhiên, đa phần những người trung kiên với chủ thuyết thiên nhiên khoa học trong giai đoạn hiện đại đã nhận ra rằng họ may mắn sống trong các nền văn hóa và các đất nước nơi đa số các đức tin được chấp nhận. Họ đã biết ơn vì lòngnhận hậu đó, vì nếu khác đi, chủ thuyết thiên nhiên khoa học có thể không bao giờ được phép hiện hữu song song với các hệ thống niềm tin chống đối lại nó theo ý thức hệ. Quả thực, nếu nó tùy thuộc vào một cuộc bầu phiếu tại Hoa kỳ ngày nay, như các người vô thần mới chắc chắn đồng ý thế, chủ thuyết thiên nhiên khoa học sẽ bị bỏ phiếu đuổi khỏi địa bàn bởi đa số các công dân.

Các người vô thần mới đúng khi chỉ ra biết bao nhiêu hệ thống niềm tin khác với niềm tin của họ thường thường không khoan nhượng và man dã. Nhưng chắc chắn họ phải nhận ra rằng hệ thống niềm tin của chính họ, chủ thuyết thiên nhiên khoa học, sẽ không bao giờ tự nó được thành lập trong thế giới hiện đại này nếu không phải nhờ lòng khoan nhượng trải ra cho những “người tư duy tự do” (freethinkers) bởi cũng chính các nền văn hóa tôn giáo đã cho khoa học trỗi sinh. Câu trả lời của họ là rằng trước tiên các nền văn hóa tôn giáo chính chúng nó không bao giờ là một biện minh thực sự luân lý hay hợp lý để hiện hữu. Đức tin, vì nội tại là điều ác, một cách lý tưởng, phải không bao giờ được trao một chút quyền hiện hữu nào. Hơn nữa, khi sự thông minh con người thoạt xuất hiện trong tiến hóa, nó lẽ ra không cho phép chính nó bị kiềm hãm bởi đức tin, bất kể bằng cách thích nghi sinh học nào của tâm trí với không lý trí đã xẩy ra như thế.

Harris nghĩ ông có thể tránh được chuyện không khoan nhượng cực đoan này vì theo mức ông liên hệ, nó dựa vào lý trí hơn là đức tin. Tuy nhiên, chủ thuyết khoa học (scientism) của chính Harris và Dawkins, cột sống trí tuệ của chủ thuyết thiên nhiên khoa học của họ, là một niềm tin cũng có thể không “đủ” “chứng cứ” khoa học hay thực nghiệm. Không có phương cách nào, nếu không suy nghĩ vòng quanh, thiết lập thí nghiệm khoa học để chứng minh rằng mọi mệnh đề đúng phải đặt cơ sở trên chứng cứ thực nghiệm hơn là đức tin. Việc kiểm duyệt mọi trường hợp về đức tin, theo nghĩa hẹp hòi của các người vô thần mới của cụm từ này, sẽ cũng phải kể cả việc loại bỏ chủ thuyết khoa học nữa. Người theo chủ thuyết thiên nhiên khoa học thực sự đầy đủ tư duy—Einstein là một ví dụ tốt—đã đủ

thành thực để thú nhận rằng đức tin, cách riêng đức tin rằng vũ trụ có thể được hiểu đầy đủ, đều đặt nền tảng cho chính công việc của khoa học. Hơn nữa, tuyên bố rằng sự thực chỉ có thể đạt tới bằng lý trí và khoa học hoạt động độc lập với bất cứ đức tin nào tự nó cũng là một tuyên bố về đức tin. Sự nhất quán hoàn toàn sẽ đòi buộc rằng thế giới tư duy của các người vô thần mới cũng phải bị tẩy sạch chủ thuyết khoa học và chủ thuyết thiên nhiên khoa học nữa.
CHỨNG ĐẾ THỨ TƯ

(The Fourth Evident Truth)

Phương cách để loại bỏ đức tin, và từ đó loại bỏ đau khổ, là đi theo con đường thánh thiêng của phương pháp khoa học. Đề xuất bởi Harris, và được các người vô thần mới khác ủng hộ, con đường khó khăn nhưng không thể thiếu này đi đến khai sáng đích thực là phiên bản Bát chánh đạo (the Eightfold Path) của các người vô thần mới như được

kê đơn cho Tứ điệu đế của Đức Phật. Đi theo con đường khoa học sẽ đem lại cho người ta một thể loại mới về “liên kết đúng” (right association)—nói rõ ra, với những ai đã nắm được tinh thần của khoa học—và “nhận thức đúng” (right understanding), một phương pháp thực nghiệm sẽ đem tâm trí chúng ta vượt khỏi những tưởng tượng và tầm thường của đức tin tôn giáo. Chúng ta có thể tìm thấy khai sáng đích thực chỉ nếu chúng ta đích thân tập sự với các bậc thầy đó, trong đó có Harris, Dawkins, Dennett, và Hitchens, những người đã đạt đến khai sáng bằng phương cách lý trí khoa học.

Giải pháp này chỉ ngang trang vừa lứa trong tính nông cạn của nó vớí chủ thuyết cơ bản tôn giáo mà nó phản ánh cho dẫu trong khi chống đối lại. Trong một thế giới hỗn loạn và không chắc chắn, sự hấp dẫn của một giải pháp đơn độc, đơn giản có thể không cưỡng lại được. Khi sự vật trở thành xấu đi, nó có xu hướng trở thành quỉ quái và xé toạc ra một trong vô số tao của mạng lưới phức tạp của đời người, trách cứ mọi điều chỉ riêng vì tao đó. Ví dụ, một số Kitô hữu Mỹ mộ đạo ngày nay tìm thấy nguyên ủy chính duy nhất của tất cả mọi bệnh hoạn của thời hiện đại trong “chủ thuyết Darwin.” Loại bỏ chủ thuyết Darwin, như họ gọi thế, và mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Charles Darwin, nhà tự nhiên học khiêm tốn tại Downe, giờ đây thường bị nhiều người Kitô hữu chỉ danh như là nguyên ủy duy nhất hoặc chính yếu của thảm họa xã hội và đạo đức của chúng ta. Các ý niệm mới lạ của Darwin bị coi như là nguyên ủy cuối cùng của chủ thuyết vô thần, chủ thuyết quốc xã, chủ thuyết Công sản, và sự suy tàn của các giá trị tôn giáo và gia đình. Như thế, giải pháp của người đề xuất thiết kế thông minh Phillip Johnson cho các bệnh hoạn đó là đem chủ thuyết Darwin ra khỏi tâm trí của con người, và phương cách để thực hiện điều đó là trình bày các điều thay thế cho lý thuyết tiến hóa trong các trường trung học.7

Đức tin, với các người vô thần mới, tương đồng với những gì là chủ thuyết Darwin với những người thuyết tạo dựng. Loại bỏ đức tin và mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Với Dawkins, Harris, và Hitchens, việc loại bỏ tôn giáo khỏi tâm trí chúng ta và đời sống công cộng là liều thuốc bách bệnh sẽ chấm dứt đau khổ và gian ác, ít nữa đến chừng mực thiên nhiên cho phép. Và phương cách tốt nhất để hạ bệ đức tin không phải bằng bạo lực hay thậm chí hành động chính trị mà bằng cách làm đầy tâm trí với khoa học và lý trí. Các ông bạn vô thần của chúng ta tin tưởng chắc chắn vào sự hữu hiệu của chương trình này. Vì thế có thể sẽ còn ít nhất một trường hợp của đức tin sót lại trên quả đất khi Con của Người trở lại.


Ý NGHĨA CỦA ĐỨC TIN

(The Meaning of Faith)

Nếu người đọc vẫn còn chưa rõ ràng, việc nhận thức “đức tin” mà các người vô thần mới cho là dĩ nhiên mang rất ít tương đồng với đức tin của thần học. Điểm khác biệt chính yếu là rằng các người vô thần mới nghĩ về đức tin như là một nỗ lực sai lầm về trí tuệ (an intellectual erroneous attempt) với một điều gì như nhận thức khoa học chẳng hạn,

trong khi thần học nghĩ về đức tin như là một tình trạng tự dâng nộp (self-surrender) trong đó toàn thể hiện thân con người, và không chỉ trí tuệ, kinh nghiệm qua việc được đưa đi vào trong một chiều kích của thực tại sâu thẳm hơn và thực sự hơn bất cứ thứ gì có thể được khoa học và lý trí nắm bắt. Đó là lý do tại sao rất thông thường đức tin đi kèm với nghi lễ. Nhưng định nghĩa của đức tin mà Dawkins, Dennett, Harris, và Hitchens tất cả chấp nhận lại là “niềm tin không chứng cứ.” Họ nghĩ về đức tin như là một loạt giả thiết—ví như giả thiết về Thiên Chúa hoặc giả thiết về linh hồn—thiếu chứng cứ khoa học hoặc thực nghiệm đầy đủ cho những người có lý trí chấp nhận. Họ cho phép rằng nếu thể loại đích thực của chứng cứ thực nghiệm có bao giờ sẽ bày tỏ ra, lúc đó những người có lý trí sẽ được phép đưa ra sự đồng thuận với giả thiết Thiên Chúa hoặc giả thiết linh hồn. Nhưng lúc đó sẽ không còn cần đến đức tin nữa. Tri thức sẽ thay thế nó.

Với thần học, tuy nhiên, mục tiêu là làm sâu thêm đức tin, không phải loại bỏ nó. Theo các truyền thống hữu thần, tinh túy của cuộc sống lý tưởng, ngay cả cuộc sống anh hùng, là sẵn sàng chờ đợi trong đức tin, tín nhiệm và hy vọng về sự hoàn thành rốt cuộc và sự giải thoát cuối cùng. Hậu quả, khi Harris và các người khác mời gọi mọi người từ bỏ đức tin của họ và sống chỉ bằng lý trí, họ không hề biết họ đang đòi hỏi điều gì. Lời mời gọi tham gia với họ vào một thế giới không có đức tin đối với phần lớn con người nghe như một khẩn nguyện thu nhỏ thế giới chúng ta thành một điểm nơi tất cả chúng ta đều có thể bị ngột ngạt. Vì thậm chí nếu vũ trụ gồm 300 tỉ hệ mặt trời, và nhiều vũ trụ, nếu nó hiện hữu, hàng tỉ nhiều hơn, người có học thức biết rằng thế giới vẫn là hữu tận và có thể tàn lụi. Và theo tính toán của bất cứ ai, một mầu nhiệm siêu nhiên vô tận vẫn nhiều ấn tượng hơn bất cứ sự bao la không gian và thời gian hữu tận dưới quyền của khoa học. Khuyên bảo người ta từ bỏ những gì họ cho là—dù đúng dù sai—đường đời của họ đến sự vĩ đại vô tận của mầu nhiệm siêu nhiên, và mời gọi họ rút nhỏ cuộc đời, tâm trí, và tâm hồn họ vào trong một thế giới tương đối nhỏ nhoi của việc mục tiêu hóa khoa học, sẽ không được tiếp đón nồng nhiệt ở khắp nơi. Dĩ nhiên, khoa học chẳng có gì sai cả. Nhưng nếu chúng ta được phép phỏng theo hình ảnh phi thời gian của Edwin Abbott, Harris, Dennett, Hitchens, và Dawkins xem như người đang ở một thế giới hai chiều, những người sau khi đã làm chủ được lãnh vực sinh sống đó, giờ đây bận bịu mời gọi những ai đang chiếm giữ thế giới được thú nhận là mất phương hướng hơn của nhiều chiều kích vui lòng đi xuống sống với họ trong vùng Đất phẳng (Flatland).8
1 Tôi khuyến khích người đọc cũng đọc “Atheist Manifesto” trên mạng http://www.truthdig.com/dig/item/200512_an_atheist_manifesto/ (truy cập ngày 14/10/2007)

2 Số trang dẫn chiếu cuốn End of Faith của Harris, trừ phi ghi chú khác.

3 Hitchens, God Is Not Great; Dawkins, God Delusion. Số trang của các tác giả này dẫn chiếu các sách đó, trừ phi ghi chú khác.

4 Jacques Monod, Chance and Necessity: An Essay on the Natural Philosophy of Modern Biology, Austryn Wainhouse dịch (New York: Vintage Books, 1972), 160-80.

5 William James, The Will to Believe and Other Essays in Popular Philosophy (New York: Dove Publications, 19560

6 Neville Chamberlain: Thủ tướng Anh (1869-1940) (nd)

7 Phillip E. Johnson, Darwin on Trial (Washington, D.C.: Regnery Gateway, 1991)

8 Edwinn Abbott, Flatland: A Romance of Many Dimensions (Amherst, N.Y.: Prometheus Books, 2005).





tải về 0.76 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương