THỜI ĐẠi rg-veda giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)



tải về 140.79 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.04.2018
Kích140.79 Kb.
#37618
CHƯƠNG VI

THỜI ĐẠI RG-VEDA

Giảng viên: TS. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)

 

Cái nhìn tổng quát về thi ca Rg-Veda giới thiệu trong các trang trước đây có lẽ đủ để cho thấy rằng di tích độc đáo của một thời đại qua từ lâu nay, ngoài gía trị lịch sử ra, còn chứa đựng nhiều giá trị mỹ học, cũng như rất đáng để những người yêu thích văn học tìm đọc, ít nhất là trong các tuyển tập. Hình ảnh đầy đủ mà nó phác họa cho ta về tư tưởng tôn giáo thời xưa thật là vô song. Ngoài ra, mặc dù những bài thơ thuần túy thế tục của nó rất ít nhưng các dữ liệu chứa đựng trong toàn bộ tuyển tập là khá nhiều, có thể cung cấp chất liệu cho một sự mô tả tương đối chi tiết về tình hình xã hội của những người Aryan đầu tiên tại Ấn Độ. Như vậy, ở đây chúng ta có thêm lý do để gán cho Rg-Veda một tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử văn minh nhân loại.



  1. XÁC ĐỊNH BIÊN GIỚI

    1. Sông

Trước hết, những dữ liệu địa dư trong các tụng ca cho chúng ta biết được chỗ ở của các bộ lạc thời Vệ đà. Từ những dữ liệu này chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng những kẻ xâm lăng Aryan sau khi đi xuống vùng đồng bằng, rất nhiều khả năng là qua khe núi Hindu Kush, đã chiếm cứ rẻo đất phía Tây Bắc Ấn Độ mà ngày nay có tên là Panjãb, hay “Miền đất Năm Con Sông” (các thành phần của tên này theo tiếng Phạn gồm Panca là năm, và ãp là nước). Trong các tụng ca có nói đến khoảng hai mươi lăm con sông nhỏ, ngoại trừ hai hay ba con sông ra, tất cả đều thuộc hệ thống sông Indus. Trong số này có năm con sông tưới gội vùng đất Panjãb, và sau khi hợp lưu thành một con sông duy nhất thì chảy vào sông Indus. Các con sông ấy là Vitastã (nay Jhelyum), Asiknĩ (Chenab), ParuSnĩ (sau này gọi là Irãvatĩ, “bồi dưỡng”, từ đó mà có cái tên hiện nay, Ravi), Vipãs (Beas), và con sông lớn nhất cực đông - sông Sutudrĩ (Sutlej). Tuy nhiên một số các bộ lạc thời Vệ đà vẫn còn ở lại phía xa của con sông Indus, sống trong lưu lạc các phụ lưu phía tây của nó, kể từ sông Kubhã (kabul) với chi lưu chính ở phía bắc là sông Suvãstu, có nghĩa là “chỗ ở tốt” (nay là Swat), cho đến khi (Kurum) và Gomatĩ, “nhiều bò” (nay là Gomal) ở cực nam.

Không có con sông nào trong Rg-Veda được nói đến quá hai ba lần trong các tụng ca, và số đông không quá một lần. Những cái tên thường được nhắc đến nhiều là tên của sông Indus và sông Srasvatĩ. Có nguyên một bài tụng ca (x. 75) để ca ngợi các con sông này, nhưng mười tám dòng sông khác, phần lớn là những phụ lưu của nó, cũng được ca ngợi lây trong hai stanza. Con sông hùng vĩ này dường như đã gây mọt ấn tượng sâu xa nơi nhà thơ. Thi sĩ mô tả nó là con sông chảy nhanh nhất trong các con sông, vượt qua các con sông khác về khối lượng nước. Những con sông khác chảy vào nó như những con bò mẹ rống to thúc giục con chúng. Tiếng gầm rống và sự tuôn chảy của những dòng sông nước mô tả một cách say sưa :

Từ mặt đất tiếng rống âm u vang dội tới trời,

Với bụi nước lấp lánh phun thành vòi bất tận.

Vì khi cơn mưa từ mây cao tuôn xuống với tiếng sấm rền

Thì sông Sindhu phóng tới như con bò đực hung hãn.

Con sông Sindhu (nay là sông Sindh), trong tiếng Phạn chỉ có nghĩa nay là “sông”, vì là ranh giới phía tây của các khu định cư Aryan nên khiến các quốc gia thời xưa tiếp xúc với họ trong khu vực phải nghĩ ra một cái tên để gọi toàn bộ bán đảo này. Tên được chọn là Indos đã dẫn đến cách gọi theo Hilạp là India, để chỉ dất nước của sông Indus. Từ này được người Ba Tư vay mượn và thành ra Hindu, tên được dùng để chỉ chính đất nước này trong sách Avesta. Chính xác hơn nữa là tên gọi mới Hindustan của người Ba Tư, Hindustan có nghĩa là “vùng đất của con sông Indus”, tên thích hợp để chỉ riêng cho phần đất của bán đảo nằm giữa hai dãy núi Hi mã lạp sơn và Vindhya.

Trong Rg-Veda thường hay nói đến sapta sindhavan, hay “bảy con sông” mà ít nhất trong một đoạn có nghĩa là đất nước có người Ấn Độ Aryan sinh sống. Điều đáng nói là cũng thành ngữ haptahindu lại thấy xuất hiện trong sách Avesta, dù rằng ở đây có nghĩa thu hẹp để chỉ riêng phần đất của Ấn Độ nằm ở miền đông Kabulistan. Nếu như “bảy” ở đây dùng để chỉ một con số nhất định, thì “bảy con sông” lúc đầu phải có nghĩa là sông Kabul, sông Indus, và năm con sông của Panjãb, dù rằng sau đó sông Sarasvatĩ đã được dùng để thay thế cho sông Kabul. Vì con sông Sarasvatĩ là con sống thiêng của Rg-Veda, nên được nói đến nhiều hơn, thường được xem như một nữ thần, và được ca ngợi nồng nhiệt hơn bất cứ con sông nào khác. Những sự mô tả của thi sĩ thường chỉ dành cho một con sông lớn. Thế nên Roth và các nhà nghiên cứu xuất chúng khác đã kết luận rằng từ “Sarasvatĩ” chỉ được các thi sĩ trong Rg-Veda sử dụng như một tên gọi thiêng liêng của con sông Indus. Mặt khác, tên này ở một số đoạn rõ ràng là để chỉ con sông nhỏ nằm lưng chừng giữa sông Sutlej và sông Jamna, mà vào thời kì sau đó đã cùng với con sông Drsãdvatĩ, tạo nên biên giới phía tây của vùng đất thiêng có tên là Brahmãvarta, nằm ở phía nam Ambala, và bắt đầu cách Simla khoảng sáu mươi dặm về phía nam.



Con sông nhỏ này giờ đây đã biến đi trong vùng cát sa mạc, những dấu tích về các bờ sông ngày xưa còn đó để hậu thuẫn cho kết luận cho rằng lúc đầu nó là một phụ lưu của con sông Sutudĩ (Su-tlej). Do đó không phải không có khả năng là trong thời kì Vệ đà nó đã ra đến biển, và rộng lớn hơn hiện nay rất nhiều. Xét cả về sự thiêng liêng đã được gán cho nó thì những lời tán tụng được cho là chỉ tương xứng với tầm cỡ của con sông Indus có lẽ cũng không phải là quá đáng khi được đem dùng cho con sông nhỏ hơn này. Nên để ý rằng con sông Drsadvatĩ, con sông “đá” (nay là Ghogra hay Ghugger), mà cái tên chỉ được xuất hiện trong một giai đoạn Rg-Veda, được gắn liền với con sông Sarastatĩ, vị thần Agni đã được cầu khấn để đốt lửa trên bờ của hai con sông này. Đây có lẽ là một chỉ dẫn cho thấy ngay cả trong thời kì Rg-Veda, ranh giới tận cùng phía đông của hệ thống sông Indus cũng đã mang tính thiêng liêng ít nhiều vì là vùng đất mà trong đó nghi thức hiến tế và nghệ thuật thi ca thờ cúng đã đạt đến mức hoàn thiện nhất. Có nhiều chứng cứ cho thấy rằng ít ra vào cuối thời Rg-Veda một số người Aryan xâm lấn đã đi ngang qua vùng này và đi đến ranh giới phía tây của hệ thống sông Hằng. Vì con sông Yamunã (nay là Jamna), chỉ lưu tận cùng phía tây của miền bắc sông Hằng, đã được nhắc đến trong ba giai đoạn, hai đoạn trong số này cho thấy rằng các khu định cư của người Aryan đã được thiết lập trên bờ sông này, sông Hằng cũng đã được biết đến, vì tên của nó được nói trực tiếp trong một đoạn của Rg-Veda, và gián tiếp trong một đoạn khác. Tuy nhiên có một điều cần để ý là tên của sông Hằng không được tìm thấy trong bất cứ cuốn sách nào khác của bộ Vệ đà.

    1. Biển 

Vào lúc các tụng ca của Rg-Veda được sáng tác, cuộc di cư về phía nam của những người Aryan có vẻ đã không mở rộng qua khỏi điểm hợp lưu của con sông Pamjãb chảy vào sông Indus. Biển có lẽ chỉ được biết đến qua lời đồn, vì không thấy nói gì đến rất nhiều cửa sông của con sông Indus; và nghề đánh cá, một trong những hoạt động chính trên bờ hạ nguồn sông Indus ngày nay, đã hoàn toàn không được biết đến. Thật vậy, từ “cá” (matsya) chỉ thấy xuất hiện một lần, dù rằng các loài chim, thú và côn trùng rất thường được nhắc đến. Điều này phù hợp với tính chất của các con sông Pamjãb và Đông Kabulistan vốn rất ít cá, nhưng lại trái ngược với sự hiểu biết tường tận về nghề đánh cá được bộc lộ trong sách Yajurveda, được sáng tác khi mà những người Aryan đã lan rộng khá xa về phía đông và chắc chắn là cả về phía nam nữa. Do đó, từ mà sau này là tên thường gọi của “biển” (sam-udra) có vẻ phù hợp với nghĩa từ nguyên của nó (tập hợp những dòng nước) trong đó Rg-Veda để chỉ riêng về phần hạ nguồn của sông Indus, sông này sau khi tiếp nhận nước của sông Pamjãb, trở nên rộng lớn đến nỗi từ trên bờ không thể nhìn thấy chiếc thuyền ở giữa dòng. Trong thời gian gần đây người ta nhận thấy rằng các thổ dân trong vùng đã gọi con sông này bằng cái tên “biển Sindh”; và thật vậy từ “Sindhu” (“sông”) tự nó trong nhiều đoạn của Rg-Veda đã gần như có nghĩa là “biển”.

Những sự ẩn dụ như thường được dùng ở những người dân quen thuộc với biển không thấy có trong Rg-Veda. Tất cả những dữ liệu về hàng hải chỉ nói đến việc vượt sông bằng thuyền có mái chèo, mục đích là để tới bờ bên kia (parã). Hành động này khiến người ta nhớ tới một hình ảnh quen thuộc, được nói đến nhiều trong khắp văn học Phạn ngữ. Một trong những thi sĩ của Rg-Veda cầu khấn thần Agni bằng những lời sau: “Xin đưa chúng con vượt qua thống khổ và hiểm nguy như ngồi trên thuyền vượt qua con sông (sindhu) vậy”; và trong văn hệ về sau, những người đã đạt được mục đích hay làm chủ được công việc của mình thường được mô tả là “đã tới được bến bờ bên kia” (pãraga). Trái lại, trong Atharvaveda có những đoạn cho thấy là tác giả của nó rất quen với biển cả.



    1. Núi

Trong Rg-Veda thường nói nhiều đến núi, và những con sông được cho là từ trong núi chảy ra. Dãy Hi mã lạp sơn (Himãlaya, nhà của tuyết) thường được hiểu dãy núi “đầy tuyết” (himavantah) được Đấng Sáng thế quan tâm chăm sóc. Nhưng không ngọn núi riêng nào được nhắc đến ngoài ngọn Mũjavat, được gián tiếp nói là chỗ ở của thần Soma. Theo suy diễn từ văn học Vệ đà sau này thì ngọn núi này ở gần bên Thung lũng Khbul, và có lẽ là những ngọn núi ở phía tây nam Kashmisr. Sách Atharvaveda còn nói đến hai ngọn núi khác của Hi mã lạp sơn. Một ngọn có tên là Trikakud, “núi ba đỉnh” (trong văn hệ sau đó là Trikũta, và đến nay lại là Trikota) với con sông Asiknĩ (Chenab) chảy qua thung lũng dưới chân núi. Ngọn núi kia là Nãvaprabvhrmsana (“chìm tàu”) chắc hẳn là đồng nhất với ngọn Naubandhana (“buộc tàu”) trong sử thi và ngọn Manoravasarpana trong Satapatha Brãhmana là nơi mà chiếc thuyền của Manu được nói là đã đỗ lại khi nước lụt đã rút đi. Sách Rg-Veda không nói gì đến dãy Vindhya ngăn cách vùng Bắc Ấn với tam giác bán đảo phía nam có tên là Dekhan (xuất xứ từ tiếng Phạn dakSina, phía nam, nghĩa đen là “bên phải”, vì người Ấn Độ quay mặt về phía mặt trời mọc khi gọi tên bốn hướng), mà cũng chẳng nói gì đến con sông Narmadã (nay là Nerbudda) chảy dọc theo dãy núi này ở sát phía nam.

Từ những dữ liệu trên đây có thể kết luận chắc chắn rằng Aryan, vào lúc sách Rg-Veda được sáng tác, đã tràn qua khỏi phần đất phía tây bắc mà nhìn trên bản đồ ta thấy giống như mảnh đất hình cái quạt, bị giới hạn phía tây bởi sông Indus, phía đông bởi sông Sutlej, và phía bắc bởi Hi mã lạp sơn, với một rìa khu định cư lan rộng qua khỏi các ranh giới này về phía đông và phía tây. Panjãb ngày nay là một đồng bằng rộng khô cằn mà từ đó, ngoại trừ góc tây bắc ở Rawal Pindi, không nhìn thấy được một ngọn núi nào, và trên đó không hề có những cơn mưa mùa. Ở đây không có sự tương phản về thời tiết, mà chỉ có những cơn mưa nhẹ trong mùa  mưa, trong khi các hiện tượng lúc bình minh thì tuyệt vời hơn nhiều so với các nơi khác ở phương bắc. Do đó có thể có phần đúng trong lời khẳng định của giáo sư Hopkins rằng chỉ có những tụng ca xưa, như tụng ca dành cho Varuna và Usas, là được sáng tác ngay tại Panjãb, còn phần còn lại thì đã ra đời trên vùng đất thiêng liêng gần Sarasvatĩ, phía nam của Ambala ngày nay, nơi hội đủ các điều kiện nói đến trong Rg-Veda. Điều này có thể đúng hơn là giả thuyết cho rằng khí hậu của Panjãb đã thay đổi từ thời các thi sĩ Vệ đà.



  1. CÁC CHỨNG CỨ VỀ THỰC VẬT - ĐỘNG VẬT VÀ KHOÁNG SẢN

    1. Thực vật 

Chỗ ở của người Aryan trong thời Rg-Veda là khu vực nói trên đã được khẳng định bởi các thông tin đó có được từ các bài thơ nói về các sản phẩm của xứ này, các quần thể thực bật và động vật của nó. Theo đó từ cây soma, loại cây quan trọng nhất trong Rg-Veda, đã mọc trên các ngọn núi, và rất dễ thu hoạch, bởi vì nước ép của nó được sử dụng với khối lượng lớn cho các nghi thức hàng ngày. Trong thời kì Brãhmana thì cây này được chở từ nơi xa đến, hoặc phải dùng những loại cây thay thế vì rất khó tìm. Thế nên các tông tích của loại cây nguyên thủy đã không còn được biết đến nữa tại Ấn Độ. Thứ cây được dùng phổ biến ngày nay rõ ràng là một thứ cây khác hẳn, vì nước ép của nó khi uống vào gây ra cảm giác buồn nôn, khác xa với cảm giác phấn chấn mà các thi sĩ thời Rg-Veda đã có được. Và cả các thứ cây mà các tín đồ thờ lửa Parsee nhập cảng từ Ba tư để dùng cho nghi thức Haoma cũng không phải là cây soma ngày xưa. Ngoài ra, cây lúa, được nói đến nhiều trong sách Vệ đà về sau này và được xem là cần thiết cho đời sống, cũng không được mảy may nói đến trong Rg-Veda. Nơi sống tự nhiên của cây lúa là trong vùng đông nam, nơi có gió mùa đều đặn và rất nhiều mưa. Thế nên có lẽ là nó đã không có mặt trong khu vực của hệ thống sông Indus vào lúc sáng tác Rg-Veda, dù rằng về sau này, với sự phát triển thủy lợi, việc trồng lúa đã lan rộng khắp mọi miền của Ấn Độ. Ngũ cốc (yava) được nông dân trong thời Rg-Veda trồng trọt, nhưng từ này có lẽ không chỉ hạn chế trong cái nghĩa lúa mạch như về sau này.

Trong số các cây được nói đến trong Rg-Veda, quan trọng nhất là cây Asvattha, hay cây bồ đề (Ficus religiosa). Trái của nó (pippala) được mô tả là ngon ngọt, được chim ăn. Cây này có ít nhiều linh thiêng vì gỗ của nó được dùng để đóng thùng đựng nước soma, và theo như trong sách Atharvaveda, gỗ này còn để làm khoan (sau này gọi là pramantha) tạo ra lửa. Sách Vệ đà về sau này còn nói rằng các vị thần ngồi trên tầng trời thứ ba dưới bóng cây Asvattha, điều này đã được chính Rg-Veda ám chỉ câu nói “cây có cành lá sum suê”, mà dưới đó là những người tốt phúc được ngồi chè chén say sưa với Yama. Cây này, ngày nay có tên là Peepal, vẫn còn rất linh thiêng đến nỗi một tín đồ Hindu không dám nói điều gian dối bên cạnh nó. Nhưng sách Rg-Veda không hề nói đến, còn sách Atharvaveda chỉ nói có hai lần đến loại cây đặc trưng nhất Ấn Độ này, với một cành lá tỏa rộng có thể che rợp cả một diện tích lớn hơn bất cứ cây nào khác trên trái đất – cây Nyagrodha (“mọc rũ xuống”) hay cây đa (Ficus-indica). Với mái vòm ngất cao bằng lá mà tia nắng mặt trời không xuyên thủng được, và được chống đỡ bằng nhiều thân nhỏ như những cây cột, cây đa đồ sộ này giống như một ngôi đền xanh bao la do bàn tay tạo hóa làm nên.



    1. Động vật

Trong số các thú rừng, con thú được các thi sĩ của Rg-Veda nói đến nhiều nhất là con sư tử (simha). Theo họ mô tả thì con vật này sống trên vùng núi có nhiều cây và bị đánh bắt bằng bẫy, nhưng đặc điểm mà họ nhấn mạnh ở nó là tiếng gầm của nó. Trong vùng bao la sa mạc ở phía đông sông Indus và hạ nguồn sông Sutlej, phần đất duy nhất của Ấn Độ là nơi ở thích hợp cho loài sư tử thì con vật này xuất hiện rất nhiều vào thời xa xưa, nhưng ngày nay nó chỉ còn tồn tại trong các vùng đồi nhiều cây ở phía nam bán đảo Gujrat. Tuy nhiên, vị Chúa tể sơn lâm này vẫn còn được nói đến nhiều trong văn học Ấn Độ, và cái tên tiếng Phạn ngày xưa của nó vẫn còn gọi phổ biến ở người Hindu là Singh.

Con cọp không hề được nói đến trong Rg-Veda, nơi ở thiên nhiên của nó là các cánh rừng lầy lội của Bengal, dù rằng ngày nay cọp được tìm thấy ở tất cả các vùng rừng rập của Ấn Độ. Nhưng trong các sách Vệ đà khác thì cọp đã chính thức chiếm chỗ của con sư tử, dù rằng con vật này vẫn còn được biết đến. Tính chất đặc biệt nguy hiểm của con cọp, vì là con thú săn mồi, thường được nhắc đến ở đây. Thế nên sách Yajurveda Trắng so sánh một việc làm đặc biệt liều lĩnh với việc đánh thức con cọp đang ngủ; và sách Atharvaveda mô tả con vật này là “ăn thịt người” (purusãd). Do đó sự liên hệ giữa con cọp và con sư tử trong sách Vệ đà cung cấp cho ta một bằng chứng đặc biệt hữu ích về cuộc di cư về phía đông của người Aryan trong thời kì Vệ đà.

Địa vị của con voi cũng có phần tương tự như thế. Chỉ có hai đoạn trong Rg-Veda rõ ràng là nói về con voi, và cách đặt tên nó, “con thú (mrga) có tay (hasin)”, cho thấy rằng các Rsi vẫn còn xem nó như một con vật kỳ lạ. Một đoạn đường như cho ta biết rằng vào cuối thời kì Vệ đà người ta đã có những nỗ lực để biết con vật này. Việc bắt voi rừng đã trở thành việc làm quen thuộc vào năm 300 trước CN đã được chứng minh bằng tư liệu. Đối với Atharvaveda và Yajurveda thì con voi rất quen thuộc, vì không những nó được thường xuyên nói đến, mà tính từ hasin, “có tay” (nghĩa là cái vòi” riêng nó đã nói lên khá đầy đủ để chỉ con vật này. Chỗ ở thông thường của voi ở miền Bắc Ấn là Terai hay rừng rậm đất thấp dưới chân Hi Mã Lạp Sơn, từ khoảng kinh tuyến Cawnpore trải rộng về phía đông.

Trong Rg-Veda chó sói (vrka) được nói đến nhiều hơn cả sư tử, và có nhiều đoạn nói đến heo rừng (varãha), con vật này được người ta săn bằng chó. Con trâu (mahisa) ở trạng thái thuần dưỡng hoặc hoang dã, rõ ràng là rất quen thuộc với các thi sĩ, họ đã nhiều lần nói là thịt con vật này được nấu để ăn. Chỉ có một lần nói đến con gấu (rksa). Con khỉ (kapi) chỉ được nói đến trong một bài tụng ca cuối cùng (x. 86), nhưng cho thấy là con vật này đã được thuần hóa. Tên thông thường về sau này bằng tiếng Phạn của con khỉ, vãnara (“con vật trên rừng”) còn tồn tại trong thổ ngữ ngày nay, và đối với các độc giả của Yudyadr Kipling thì nó được gọi là Bunder-log (“người khỉ”).

Trong số các con vật nuôi được biết đến trong Rg-Veda thì những con ít quan trọng là cừu, dê, lừa và chó. Chó có thể được nuôi cả bầy được dùng để đi săn, canh giữ, theo dấu gia súc, cũng như giữ nhà ban đêm. Tuy nhiên con bò được dành cho một vị trí quan trọng nhất. Số lượng bò là biểu thị chính là tài sản, và tên gọi lệ phí hiến tế daksinã (tiếng Đức là vieh; tiếng Latinh là pecus, bắt nguồn từ chữ pecunia - “tiền”) đúng ra một tính từ có nghĩa là “đáng giá” kèm theo chữ go - “con bò” (đáng giá bao nhiêu con bò). Không có cảnh tượng nào làm vui mắt người dân Ấn Độ thời Vệ đà bằng cảnh con bò từ đồng cỏ trở về và đang liếm con bê của nó buộc bằng một sợi dây; không có âm thanh nào vui tai đối với họ hơn là tiếng rống của con bò sữa. Do đó, họ thấy không có gì là thô lỗ trong lời reo của một thi sĩ: “Như con bò rống gọi con bên cạnh chuồng, chúng con cất tiếng ca ngợi thần Indra” hoặc là “Giống như con bò không vắt sữa, chúng con gọi lớn (rống to) tên ngài, lạy thần Indra”. Để cho thật an toàn, nhưng con bò quay về từ đồng cỏ đươc nhốt trong chuồng ban đêm rồi lại được thả ra sáng hôm sau. Dù rằng trong sách Yajurveda Trắng người giết bò đã bị nói là đáng tội chết nhưng sách Rg-Veda không cho thấy một sự cấm đoán hoàn toàn, vì bài tụng ca đám cưới cho biết dù cả đến bò cái cũng bị giết trong những dịp lễ đặc biệt long trọng, còn những con bò đực thì nhiều lần được hiến tế cho thần Indra với số lựong lớn. Trong lúc bò cái được cho ra đồng ăn cỏ thì bò đực thường được dùng để kéo cày hoặc kéo xe.

Ngựa đứng tiếp theo trong thang giá trị của các gia súc. Đối với một dân tộc thường xuyên có những cuộc chiến thì ngựa là thiết yếu để kéo những chiến xa, ngựa cũng không thể không có trong các cuộc đua xe kéo mà người dân Ấn Độ thời Vệ đà rất say mê. Tuy nhiên vào thời ấy ngựa chưa được dùng để cưỡi. Ngoài ra, hiến tế ngựa được xem là sự hiến tế súc vật quan trọng nhất và hiệu quả nhất.

Về chim chóc trong Rg-Veda chỉ cần nói đến những loài chim có ít nhiều giá trị lịch sử và văn học. Con ngỗng hoang hay con thiên nga (hamsa), vốn rất quen thuộc với các thi sĩ cổ điển, thường được nhắc đến, chúng được mô tả bơi trên mặt nước và bay thành hàng dài. Sách Yajurveda Trắng gán cho nó cái khả năng kì lạ là có thể tách riêng soma trong nước, cũng như trong thi ca về sau thì nó có thể tách sữa ra khỏi nước vậy. Cũng sách Vệ đà này lại cho rằng khả năng sau thuộc về con cò quắm (kraũnca).

Chim thiên nga nâu (cakravãka) mà sự chung thủy thường được các thi sĩ sau Vệ đà ca ngợi, được nói đến một lần trong Rg-Veda, thần Asvins được cho là xuất hiện buổi sáng dưới dạng một đôi chim này, còn sách Atharvaveda thì nói về loài chim này như những mẫu mực của sự chung thủy vợ chồng. Chim công mái (mayũrĩ) được Rg-Veda nói là có khả năng loại bỏ chất độc , còn con chim két (suka) thì được cho là có tính nhút nhát. Vào thời kì Yajurveda, loại chim sau đã được thuần dưỡng, vì chúng “nói được tiếng người”.



    1. Khoáng sản

Điều lạ lùng là muối, khoáng chất cần thiết nhất, lại chẳng bao giờ được nhắc đến một lần trong Rg-Veda. Thế nhưng miền bắc Panjãb là nơi có nhiều muối đất của Ấn Độ. Lượng muối trong vùng giữa hai con sông Indus và Jhelum, theo Strabo, những người cùng đi với Alexander đã khẳng định rằng đủ để đáp ứng nhu cầu cho cả nước Ấn Độ. 

Trong số các kim loại thì vàng là thứ được nói đến nhiều nhất trong Rg-Veda. Vàng được lấy có lẽ phần lớn ở các con sông mạn tây bắc, nơi mà cho đến ngày nay còn được nói là đang cung cấp những khối lượng lớn kim loại quý này. Thế nên các thi sĩ nói con sông Indus là “con sông vàng” hay có “lòng sông bằng vàng”. Nhiều chỉ dẫn cho thấy rằng các ông vua thời xưa có những lượng vàng rất lớn. Một thi sĩ ca ngợi nhà vua tốt bụng đã ban cho ông một chục khối vàng cùng những tặng vật phong phú khác. Những món trang sức đủ loại bằng vàng, như bông tai, vòng đeo tay thường được nói đến. 

Thứ kim loại thường được nói đến trong Rg-Veda sau vàng có tên là ayas (tiếng Latinh: aes). Đây là thứ vật liệu không có chút giá trị lịch sử nào để được xem xét đây có phải là “sắt” hay không. Ở hầu hết các đoạn có nói đến thì từ này dường như chỉ có nghĩa là “kim loại” mà thôi. Trong một ít trường hợp mà nó được dùng để chỉ một kim loại nào đó thì cũng không rõ ràng lắm; nhưng suy diễn về màu sắc của nó thì nó có vẻ có màu gần như màu đỏ, điều này cho thấy đó là đồng chứ không phải sắt. Sự kiện là Atharvaveda thì chỉ phân biệt giữa ayas “đen” và ayas “đỏ” có vẻ như cho thấy rằng sự phân biệt giữa sắt và đồng hay đồng đỏ chỉ mới có gần đây thôi. Hơn nữa chúng ta biết rằng trong quá trình văn minh thì việc sử dụng đồng luôn luôn đi trước việc sử dụng sắt. Thế nhưng có thể là hấp tấp khi khẳng định rằng người ta hoàn toàn không biết đến sắt trước thời kì đầu Vệ đà. Rất có thể rằng những người Aryan thời đó không biết đến bạc, vì trong Rg-Veda không nhắc đến cái tên này, và kiến thức về bạc chỉ đi song song với kiến thức về sắt, vì hai kim loại này hòa quyện với nhau trong quặng để chế ra chúng. Ngoài ra hai kim loại này đã không được tìm thấy với bất cứ số lượng nào ở miền Tây bắc Ấn Độ.


  1. SINH HOẠT XÃ HỘI

    1. Sự tương quan giũa Aryan và Dravidian (thổ dân)

Các bằng chứng về địa hình và sản phẩm địa phương cho thấy rằng những người trong đó có các thi sĩ của Rg-Veda đã định cư tại miền Tây Bắc Ấn Độ, từ Kabul đến Jumna. Nhưng họ vẫn còn có những sự xung đột với người dân bản địa, vì sách có nói đến nhiều chiến thắng đối với thổ dân. Thế nên Indra được nói là đã trói 1000 và giết chết 30.000 thổ dân để giúp cho những đồng minh của ông. Việc những kẻ xâm lăng quyết định chiếm trên đất mới là do họ bị các dòng sông cản trở không tiến lên được. Những kẻ xâm lăng, mặc dù được chia thành nhiều bộ tộc nhưng rất có ý thức thống nhất về chủng tộc và tôn giáo. Họ tự gọi mình là Arya hay “người thân”, trái ngược với các thổ dân mà họ gán cho cái tên Dasyu hay Dãsa, “đồ quỷ”, về sau những người này còn được gọi là anãrya, hay “không phải Aryan”. Sự khác biệt đặc trưng về hình thể giữa hai giống người là sự khác biệt về màu da (varna), dân bản địa thì được gọi là “dân đen” (krsna) hay “dân da đen”, và là “dân màu dãsa”, trái ngược với “dân màu Aryan” hay “dân màu chúng ta”. Sự tương phản này chắc chắn là đã tạo nên nền tảng ban đầu của giai cấp, mà tên gọi thông thường trong tiếng Phạn là “màu sắc”.

Những người thuộc dòng giống bị chinh phục mà không kịp chốn vào các vùng đồi núi và bị bắt thì trở thành những nô lệ. Thế nên một ca sĩ đã được một ông chủ hoàng gia thưởng cho một trăm con lừa, một trăm con cừu và một trăm Dãsa. Từ “dãsa” này trong tiếng Phạn về sau thường có nghĩa là tôi tớ hay nô lệ, cũng như từ “Slav bị bắt” đối với người Đức có nghĩa là “nô lệ”. Khi đã hoàn toàn khuất phục thì những người dân bản xứ trước đây không còn bị gọi là Dasyu nữa, mà trở thành một giai cấp thứ tư với cái tên sau là Sũ dra. Sách Rg-Veda mô tả những Dasyu là những kẻ không hiến tế, không có lòng tin, và bất kính. Họ chắc chắn cũng là những người “thờ phallus” được nói đến trong hai đoạn của sách. Dần dần qua thời gian những người Aryan cũng ngả theo hình thức thờ cúng này. Có nhiều đoạn trong Mahãbhãrata cho thấy rằng thần Siva cũng đã được thờ cúng với biểu tượng phallus khi bộ sử thi này được sáng tác. Việc thờ phallus đang được phổ biến rộng tại Ấn Độ ngày nay, nhưng nhiều nhất là ở phía Nam. Những người Dasyu dường như trước đây là dân chăn nuôi, vì họ có những đàn cừu lớn bị người Aryan chiến thắng chiếm đoạt. Họ đã cố thủ trong những thành lũy (gọi là pur) với số lượng hẳn là đông đúc, vì thần Indra được nói là đã từng tiêu diệt hàng trăm người của họ để giúp cho các đồng minh của mình.



    1. Các bộ lạc của người Aryan

Rg-Veda có nói nhiều bộ lạc của người Aryan. Ở về phía tận cùng Tây Bắc là bộ lạc Gandhãri, những người này, theo cách họ được nói đến, hẳn là dân nuôi cừu. Về sau này họ được biết đến nhiều dưới cái tên Gandhãra hay Gãndhãra. Sách Atharvaveda nói đến một bộ lạc tiếp giáp với người Gandhãri, đó là người Mũjavat, một bộ lạc rõ ràng là định cư ở gần núi Mũjavat; hai bộ lạc này được xem như ranh giới tận cùng phía Tây Bắc của những khu định cư Aryan.

Phần quan trong nhất, nếu không phải là toàn bộ, của những người Aryan tại Ấn Độ được gọi bằng cái tên “năm bộ lạc”, thành ngữ thường gặp trong Rg-Veda. Có khả năng từ này được dùng để chỉ năm bộ lạc được liệt kê cùng nhau trong hai đoạn của sách, đó là bộ lạc Pũru, Turvasa, Yadu, Anu và Druhyu. Các bộ lạc này được nói là thường có xung đột với nhau. Bốn trong số này, cùng với một số thị tộc khác, đã hợp thành một liên minh dưới quyền của mười vị vua để đánh nhau với Sudãs, thủ lĩnh của người Trtsu. Lực lượng hai bên gặp nhau trên bờ sông Parusni, nơi diễn ra “trận đánh lớn của mười vua”. Phe liên minh, trong nỗ lực vượt qua con sông và chuyền dòng của nó, đã bị quân Trtsu đẩy lùi với những tổn thất nặng nề.

Người Pũru được nói là sống trên hai bên bờ sông Sarasvatĩ. Tuy nhiên một bộ phận của họ hẳn là vẫn còn ở lại khá xa về phía Tây, vì vào thời Alexander người ta còn thấy họ ở tại Parusni. Sách Rg-Veda thường nói về ông vua của họ là Trasadasyu, con trai của Purukutsa, và về Trksi, hậu duệ của ông, một ông hoàng đầy quyền lực. Những người Turvasa là một trong số những bộ lạc được nhắc đến tên nhiều nhất. Đi kèm với họ thường là những người Yadu, trong số này có dòng tộc tư tế Kanva. Suy diễn từ một đoạn trong Rg-Veda người ta thấy rằng bộ lạc Anu đã sống trên sông Parusni và có vẻ như dòng tộc tư tế Bhrgu thuộc số người này. Dường như họ có mối quan hệ đặc biệt gắn bó với bộ lạc Druhyu. Những người Matsya, chỉ được nói đến trong một đoạn của Rg-Veda, cũng là kẻ thù của những người Trtsu. Trong bản Mahãbhãrata chúng ta thấy họ sống trên bờ Tây con sông Yamunã.

Một tên tuổi quan trọng trong số những kẻ thù của Sudãs là những người Bharata. Một bản tụng ca (iii.33) kể chuyện họ kéo đến các con sông Vipas và Sutudri cùng với Vísvãmitra, ông này theo một tụng ca khác (iii.53) trước đây từng là thầy cả tư tế của Sudãs, và giờ đây ông lại cầu khấn cho nước sông cạn đi để người Bharata có thể lội qua. Có lẽ là trong trận này, theo một tụng ca khác (vii.33), người Bharata đã bị đánh bại bởi Sudãs và bộ lạc Trtsu của ông, vì những người này được trợ lực bằng những lời cầu khấn của tư tế Vasistha, người kế nhiệm mà cũng là đối thủ của Vísvãmitra. Trong Rg-Veda, bộ lạc Bharata có vẻ như đặc biệt liên quan với các nghi thức hiến tế, vì thần Agni được mang tính ngữ Bhãrata, “thuộc về người Bharata”, và nữ thần nghi thức Bhãratĩ, thường gắn liền với Sarasvatĩ, đã được gọi tên theo những người này. Trong một tụng ca dành cho thần Agni (iii.23) thấy có nói đến hai nhóm Bharata có tên Devasravas và Devavãta là những người nhen nhúm ngọn lửa thiêng ở Drsadvatĩ, Apayã và Sarasvatĩ, chính là vùng đất mà sau này được tôn vinh là thánh địa của đạo Bà la môn dưới cái tên Brahmãvarta và Kuruksetra. Dòng tộc Kusika, dòng tộc của Visvãmitra, có liên quan chặt chẽ với những người Bharata.

Những người Trtsu dường như đã định cư ở một nơi nào đó ở phía Đông sông Parusnĩ, và Sudãs được cho là đã bố trí lực lượng của mình trên tả ngạn sông này để chống lại liên minh mười vua muốn tìm cách vượt qua con sông này từ phía Tây. Có năm bộ lạc mà sau này không thấy nêu tên , được nói là đã liên minh với Sudãs trong trận đại chiến này. Bộ lạc Srnjaya có lẽ cũng đã liên minh với người Trtsu ,vì cũng như người Trtsu, họ được xem là kẻ thù của người Turvasa.

Một số bộ lạc chúng ta chẳng được Rg-Veda cho biết gì về họ ngoài cái tên thôi, tuy nhiên họ vẫn còn tồn tại mãi cho đến về sau này. Chẳng hạn như bộ lạc Usĩnara, chỉ được nhắc đến có một lần, vào thời điểm sáng tác cuốn Aitareya Brãhmana, đã sống tại miền trung của Bắc Ấn; và người Cedi, cũng được nhắc đến có một lần, trong thời kì sử thi đã định cư tại Magadha (phía Nam Behar). Người Krivi, cái tên gắn liền với sông Indus và Askinĩ, sống ở miền Tây bắc. Sách Satapatha Brãhmana nói rằng đây là tên cũ của bộ lạc Pancãla, những người đã sống tại miền Bắc của Delhi ngày nay.

Những bộ lạc được sách Atharvaveda xem là những bộ lạc ở miền xa xôi hẻo lánh không phải chỉ có Gandhãri và Mũjavat, mà cả những người Magadha (Behar) và Angas (Bengal) nữa. Qua đó chúng ta có thể kết luận rằng vào thời sách Vệ đà được viết hoàn tất thì những người Aryan đã tràn ra đến miền châu thổ sông Hằng.

Những người Pãncãla không được nói đến trong bất cứ cuốn sách Vệ đà nào, và cái tên Kuru chỉ được thấy ở đây một cách gián tiếp trong hai ba từ ghép hay phát sinh mà thôi. Những người này được nói đến lần đầu tiên trong sách Yajurveda Trắng, thế nhưng đây là hai nhóm dân nổi bật nhất trong thời kì của sách Brãhmana. Trái lại tên của một số những bộ lạc quan trọng nhất trong Rg-Veda như Pũru, Turvasa, Yadu, Trtsu và các bộ lạc khác nữa đã hoàn toàn hoặc gần như biến mất trong sách Brãhmana. Thậm chí bộ lạc Bharata, dù rằng được các tác giả Brãhmana đề cao và được coi là mẫu mực trong cách ăn ở, có vẻ như không còn đại diện cho một thực thể chính trị nữa, vì họ không còn được nhắc đến theo cái nghĩa này, như là các dân tộc khác thời ấy. Ngoài ra, tên của họ cũng không thấy xuất hiện trong các bảng liệt kê của sách Aitareya Brãhmana và sách Manu, cũng như hoàn toàn không được nhắc đến trong văn hệ Phật giáo.

Vì là như thế cho nên đương nhiên có thể nghĩ rằng các bộ lạc đông đảo trong thời Vệ đà, do sự thay đổi các điều kiện sống ở miền đồng bằng rộng lớn, đã sát nhập với nhau thành những quốc gia  với những cái tên mới. Vậy nên bộ lạc Bharata, bộ lạc của dòng tộc hoàng gia Kuru trong thời sử thi, và bộ lạc bắt nguồn từ đó mà có cái tên Mahãbhãrata, bộ sử thi kể lại cuộc đại chiến của người Kuru, chắc chắn là đã hòa nhập vào trong quốc gia mang tên là Kuru. Trong phần phổ hệ của Mahãbhãrata, người Pũru được xếp là có liên hệ gần với người Kuru. Đây có lẽ là chỉ dẫn cho thấy rằng những người Pũru cũng đã hòa trộn vào trong quốc gia này. Không phải không có khả năng là những người Trtsu mà cái tên đã biến mất sau thời Rg-Veda cũng đã trở thành một thành phần của nước Kuru.

Về phần những người Pancãla, chúng ta đã thấy là họ đại diện cho người Krivi ngày xưa. Tuy nhiên có thể rằng những người Krivi này đã phối hợp với nhiều bộ lạc nho nhỏ để tạo nên quốc gia sau này. Một đoạn trong Brãhmana có một chi tiết cho thấy rằng những người  Turvasa có thể đã là một trong những bộ lạc nhỏ này. Và người Yadu, thường được gắn liền với người Turvasa trong sách Rg-Veda, cũng là một trong số bộ lạc ấy. Sách sử thi còn giữ lại cái tên này, dưới một hình thức phụ hệ là Yãdava, xem đây là dòng giống đã sinh ra thần Krsna. Chính cái tên Pancãla (bắt nguồn từ chữ Pãnca, năm) cũng có vẻ như cho ta thấy rằng dân tộc này gồm một tập hợp có năm thành phần.

Tuy nhiên một số bộ lạc nói đến trong Rg-Veda vẫn còn giữ nguyên tông tích riêng của mình dưới cái tên cũ mãi cho đến thời kì sử thi. Đó là các bộ lạc Usĩnasa, Srnjaya, Matsya và Cedi.

Một điều đáng nói là trong Rg-Veda có đề cập tới một ông hoàng giàu có và đầy quyền uy tên là Iksvãku. Trong sách sử thi thì cái tên này là tên của một ông vua hùng mạnh tại thành phố Ayodhyã (Oudh) ở phía đông sông Hằng và là người sáng lập ra dòng dõi Mặt trời.



  1. TỔ CHỨC XÃ HỘI

    1. Nền tảng xã hội Vệ đà

Những người Aryan thời Vệ đà đã được chia thành nhiều bộ lạc, và những bộ lạc này mặc dù ý thức được sự chung nhất về mặt chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo của mình nhưng vẫn không có được một sự cấu kết về mặt chính trị. Thực ra thì họ thỉnh thoảng có hợp thành những liên minh, nhưng chỉ khi nào có chiến tranh mà thôi. Mỗi bộ lạc trên thực tế là một đơn vị chính trị, được tổ chức rất giống với kiểu của người Apganixtan, hoặc của người Đức trong thời Tacitus. Bộ lạc (jana) bao gồm một số khu định cư (vis), mỗi khu này lại bao gồm một cụm làng xã (grãma). Tổ chức chiến đấu của bộ lạc có vẻ như được dựa trên ba đơn vị cơ sở này. Các ngôi nhà trong các làng xã đều được xây dựng toàn bằng gỗ, giống như trong thời Megasthenes. Ở giữa mỗi nhà có đốt một ngọn lửa gia đình. Để phòng chống kẻ thù hoặc ngập lụt, người ta xây những vòng rào kiên cố (gọi là pur) trên những đồi cao. Đây là những công trình bằng đất được gia cố bằng những cây cọc nhọn hoặc bằng đá. Không có dấu hiệu gì cho thấy đây là nơi có người cư ngụ, và chữ pur lại càng không có nghĩa là một thành phố hay thị trấn như là về sau này.

Nền tảng xã hội Vệ đà là gia tộc phụ hệ, cho nên việc quản lí bộ lạc đương nhiên là theo kiểu quân chủ. Ngôi vua (rãjã) thường là cha truyền con nối. Thế nên nhiều thành viên kế tiếp của cùng một gia đình được gọi là những ông vua ở các bộ lạc Trtsu và Pũru. Tuy nhiên, đôi khi vua được các khu dân cư (vis) của một bộ lạc bầu lên; nhưng việc chọn lựa khi ấy chỉ giới hạn ở các thành viên của dòng dõi hoàng gia, hay là mở rộng ra đến một vài gia tộc quyền quý khác, điều đó không rõ. Trong thời bình thì nhiệm vụ chính của nhà vua là bảo vệ cho dân chúng của mình. Đáp lại dân chúng phải tuân lệnh vua và tự nguyện dâng nạp các phẩm vật để cấp dưỡng cho nhà vua - không phải là thuế ấn định. Quyền lực của vua không phải là tuyệt đối, vì bị giới hạn bởi ý nguyện của người dân biểu thị qua hội đồng bộ lạc (sami-ti). Về phần định chế và nhiệm vụ của hội đồng này rất tiếc là chúng ta không có được nhiều thông tin. Trong thời chiến thì dĩ nhiên ông vua là tổng tư lệnh. Vào những thời điểm quan trọng, như trước khi diễn ra cuộc chiến, thì nhà vua có nhiệm vụ thay mặt dân chúng trong bộ lạc mình để dâng lễ vật hiến tế, hoặc tự mình thực hiện, hoặc dùng một tư tế để làm việc đó.

Mỗi bộ lạc có một bộ phận thi ca để phục vụ cho vua, ca ngợi các việc làm của vua cũng như sáng tác các tụng ca sử dụng trong các dịp lễ hiến tế để tôn vinh các vị thần. Tùy theo sự quảng đại của nhà vua, và trên tầm quan trọng của việc ban thưởng tương xứng với công lao của họ. Viên tư tế được nhà vua chỉ định để làm lễ thay cho mình được gọi là purohita hay tuyên úy hoàng gia. Vasistha đã được nhà vua Sudãs sử dụng vào chức vụ này, và trong một tụng ca của mình (vii.33) ông đã không quên nói rõ rằng chiến thắng mà người Trtsu có được là nhờ sự cầu khấn của ông. Những bài tán tụng các ông chủ rộng rãi thường có những sự cường bộ lộ liễu, mà một phần chắc chắn là nhằm kích động những ông hoàng khác. Thế nhưng những tặng phẩm bằng vàng, bò, ngựa, xe và trang phục mà nhà vua ban cho các thầy cả tư tế của mình thường rất đáng kể, nhất là sau những chiến thắng quan trọng. Với hệ thống giai cấp Bà la môn về sau này, việc ban thưởng rộng rãi cho giới tư tế là một bổn phận, và mức phí hiến tế đối với từng loại nghi thức đều được quy định.

Việc nhà vua sử dụng các Purohita để thay mình thực hiện các nhiệm vụ hiến tế được xem là sự khởi đầu và là hình thức lâu đời nhất của nghề tư tế tại Ấn Độ. Nó trở thành xuất phát điểm của một trật tự giai cấp độc nhất trong lịch sử mà trong đó giai cấp tăng lữ chiếm một vị trí tột đỉnh trong xã hội, và quốc gia được hòa nhập vào trong giáo hội. Đây thực ra là điều lí tưởng của Giáo hội Thiên chúa tại phương Tây thời trung cổ, nhưng chẳng bao giờ thực hiện được tại Châu Âu, như là ở Ấn Độ. Ngay khi công việc tư tế trở thành cha truyền con nối thì đã bắt đầu xuất hiện một hệ thống giai cấp không giống như ở bất cứ nước nào khác. Nhưng trong thời kì của Sudãs và Vasistha, thời kì mà phần đầu của Rg-Veda được sáng tác, thì chức tư tế không phải là cha truyền con nối, giai cấp chiến sĩ và giai cấp tăng lữ càng chưa trở thành những giai cấp trong các bộ lạc Aryan định cư tại Panjãb. Điều này được khẳng định bởi sự kiện là trong thời đại sử thi, các cư dân của Madhyadesa hay Trung du, nơi phát triển hệ thống giai cấp Bà la môn, vẫn xem những người dân miền Tây Bắc là dân bán khai.



    1. Tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội đơn giản của các bộ lạc Vệ đà vùng này, nơi không có nhiều khác biệt giữa các nghề nghiệp, mỗi người đàn ông vừa là một người lính vừa là một thường dân, rất giống  với xã hội người Apganixtan ngày nay. Đến khi họ di chuyển dần về phía Đông thì xã hội trở nên phức tạp hơn, và các kĩ năng dần dần được truyền thừa theo dòng họ. Giờ đây khi dân chúng đã tràn sang các dải đất rộng hơn thì người ta thấy cần có một tổ chức như một đạo quân thường trực để đẩy lùi những cuộc tấn công đột ngột hoặc là dẹp yên những cuộc nổi dậy của những thổ dân bị trị. Nòng cốt của đạo quân này sẽ là dòng tộc các thủ lĩnh của những bộ lạc nhỏ hơn vốn đã liên kết cùng nhau dưới quyền của một nhà lãnh đạo quân sự nào đó. Như vậy thành phần nông nghiệp và công nghiệp trong dân chúng sẽ được để cho tiếp tục công việc của mình, không bị gián đoạn. trong khi đó thì các nghi lễ tôn giáo ngày càng phức tạp hơn; sự thành công của các nghi lễ này được xem là tùy thuộc nhiều hơn vào việc cử hành đúng cách, đồng thời việc bảo quản các bài tụng ca cổ ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Do đó, các tư tế phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để thực hiện nhiệm vụ tôn giáo của mình và truyền đạt truyền thống thiêng liêng trong dòng họ mình.

Do các nguyên nhân này mà ba giai cấp chính của xã hội Aryan ngày càng cách biệt nhau. Nhưng họ đã bị biến đổi như thế nào để trở thành những giai cấp hay tầng lớp xã hội phân cách nhau bởi những hàng rào không thể vượt qua của sự cha truyền con nối và sự ngăn cấm kết hôn với nhau hoặc là ngồi ăn cùng với nhau? Tính chất riêng biệt khe khắt đối với nhau này hẳn phải bắt đầu trước hết từ cách xử sự đối với những thổ dân bị chinh phục, mà những người này trong khi phải chấp nhận tín ngưỡng của người Aryan, đã cam chịu trở thành một thành phần trong hệ thống xã hội của người Aryan ở cương vị một tầng lớp tôi tớ. Vực thẳm ngăn cách giữa hai chủng tộc này hẳn cũng gần như vực thẳm phân chia những người da trắng và da đen ngày nay tại Hoa Kỳ. Khi những người sau này được mô tả bằng “màu da” thì từ này ở Ấn Độ có nghĩa là “giai cấp”. Vì đã trở thành cha truyền con nối cho nên giai cấp tăng lữ đã đảm bảo được cho mình một địa vị tôn vinh và bất khả xâm phạm, đưa họ vượt lên trên những người Aryan khác, giống như địa vị nâng cao của những người sau này đối với lớp người Dãsa vậy. được viết trong thời kì hệ thống ba giai cấp (với giai cấp Sũdra thêm vào là bốn) vốn đã hiện hữu về cơ bản này, là một phần lớn những mảng biệt lập của Yajurveda, một phần quan trọng của Atharvaveda (hầu hết các cuốn sách viii và xiii), nhưng về bộ Rg-Veda thì ngoại trừ cuốn thứ nhất (x.90) gọi bốn giai cấp bằng tên rõ ràng, chỉ có một ít những tụng ca cuối cùng của các cuốn sách thứ nhất, thứ tám và thứ mười được viết trong thời này thôi. Từ brãhmana, tên thông thường để gọi “người ở giai cấp thứ nhất”, vẫn còn ít thấy trong Rg-Veda, chỉ xuất hiện có tám lần, trong khi từ brahman, chỉ có nghĩa là người thông thái hoặc tư tế làm lễ, thì được thấy tới bốn mươi sáu lần.



    1. Tổ chức gia đình

Tình trạng xã hội nổi bật trong thời Rg-Veda: Gia đình, trong đó những mối quan hệ như anh em bên vợ, anh em, chị em bên chồng đều có những tên gọi riêng, rõ ràng là nền tảng của xã hội. Người cha làm chủ trong gia đình với cương vị “gia trưởng” (grhapati). Việc cưới một cô con gái phải xin phép ông qua trung gian của một người thân quen. Hôn lễ được cử hành tại cha mẹ cô dâu; chú rể, họ hàng và bạn bè đi đến thành một đoàn. Tại đây họ được thết đãi món thịt của những con bò bị giết trong dịp này. Cũng tại đây chú rể nắm tay cô dâu dắt đi vòng quanh đám lửa hôn lễ. Sách Atharvaveda nói thêm rằng chàng rể đặt một hòn đá trên sàn nhà, bảo cô dâu bước lên trên để được mắn con. Đến khi kết thúc tiệc cưới, cô dâu được xức dầu và mặc trang phục lễ hội, cùng chồng leo lên chiếc xe kết bằng hoa đỏ do hai con bò đực trắng kéo. Trên chiếc xe này cô cùng đoàn người đi tới ngôi nhà mới của mình. Các đặc điểm chính của nghi thức hôn lễ 3000 năm trước này hiện nay vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ.

Dù rằng người vợ, cũng như con cái, phải tuân phục ý muốn của chồng mình, nhưng trong thời kì Rg-Veda bà ta có một địa vị cao quý hơn là trong thời kì Brãhmana, vì bà ta cùng chồng tham gia vào việc dâng cúng lễ vật hiến tế. Bà là bà chủ trong nhà (grhapatnĩ), dự phần quản lí không những gia nhân và nô lệ trong nhà mà cả những anh em chị em chưa lập gia đình bên chồng nữa. Qua sách Yajurveda chúng ta được biết rằng theo tục lệ thì con trai, con gái kết hôn theo thứ tự tuổi tác, nhưng Rg-Veda đã nhiều lần nói về những cô gái vẫn sống không chồng cho đến tuổi già ở nhà của cha mẹ mình. Vì rằng chỉ có thể nối dõi bằng nam giới cho nên người ta luôn cầu khấn để sinh được nhiều con trai, cùng với được nhiều tài sản bằng gia súc và đất đai, còn người chồng mới thì mong ước rằng vợ mình sẽ là bà mẹ của những anh hùng. Không có con trai thì được xếp ngang với nghèo khó, và việc nhận con nuôi chỉ được xem là giải pháp tạm thời. Trong Rg-Veda không hề thấy có sự nói đến sự mong muốn đẻ con gái; sự sinh ra con gái bị chê bai trong Atharvaveda, còn sách Yajurveda nói về những đứa con gái bị cha mẹ bỏ đi khi mới sinh ra. Những người cha, dù là trong thời xưa nhất của Vệ đà, nhất định cũng sẽ đồng tình với cách nghĩ của Aitareya Brãhmana, cho rằng “sinh con gái ra là một nỗi khổ”. Thành kiến này vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ ngày nay với một sức mạnh không hề suy giảm.



    1. Chuẩn mực đạo đức

Có thể suy diễn ra một chuẩn mực đạo đức khá cao vào thời ấy qua sư việc là ngoại tình và hiếp dâm được xếp vào loại trọng tội, và người ta phải che dấu những đứa con ngoại hôn.

Có một vài đoạn trong sách cho thấy rằng tục lệ bỏ rơi người già, được thấy ở các dân tộc sơ khai, không phải là không có trong thời của Rg-Veda.

Trong số các tội phạm, phổ biến hơn hết là trộm cắp, thường dưới dạng bắt trộm bò, hầu hết là vào ban đêm. Những kẻ trộm cướp thường được nhắc đến, và sách Rg-Veda có nhiều bài cầu nguyện để được che chở tại nhà, ra ngoài nhà, và trong những chuyến đi xa. Những kẻ phạm tội này, khi bị bắt sẽ bị trừng phạt bằng cách dùng dây trói vào cây cọc. Thường có những chuyện mắc nợ, dường như chủ yếu là do bài bạc, và sách Rg-Veda còn nói cả đến việc trả nợ theo từng kì nữa.


    1. Trang phục

Từ những dữ liệu về trang phục trong Rg-Veda, chúng ta có thể suy ra rằng người thời ấy thường mặc thêm chiếc áo choàng ngoài. Quần áo được dệt bằng len của cừu, thường có nhiều màu sặc sỡ, và đôi khi được tô điểm bằng vàng. Vòng cổ, vòng tay, và vòng chân và hoa tai được kể vào loại trang sức, tóc được bôi dầu để chải. Sách Atharvaveda còn nói đến chiếc lược một trăm răng và những bài thuốc để làm cho tóc mọc khỏe, mọc nhiều. Phụ nữ bện tóc, còn nam giới thì đôi khi tết hoặc cuộn tóc giống như vỏ sò. Các thần Rudra và Pũsan được mô tả là trang sức như thế; còn những người dòng dõi Vasistha thì chúng ta được biết là họ tết tóc về phía bên phải trên đầu. Trong các dịp lễ hội, đàn ông thường đeo những vòng hoa. Họ thường để râu, nhưng cũng có khi cạo râu. Sách Atharvaveda kể chuyện khi cử hành lễ cạo râu cho vua Soma thì Vãyu lo việc mang nước nóng đến, còn thần Savitr thì khéo léo sử dụng con dao cạo như thế nào.

    1. Thức ăn và uống

Thức ăn quan trọng là sữa, sữa được uống khi vừa được vắt ra hoặc được dùng để nấu lên thành hạt cũng như để pha chế với soma. Kế đến là bơ lọc (ghrta, ngày nay là ghee), đây là thức ăn khoái khẩu của con người nên cũng được dâng cúng cho các thần. Hạt ngũ cốc được dùng làm thức ăn sau khi rang lên hoặc nghiền thành bột bằng cối đá rồi làm thành những chiếc bánh mỏng với sữa hoặc bơ. Nhiều loại rau quả cũng góp phần tạo nên thức ăn hàng ngày của người Ấn Độ thời Vệ đà. Thịt chỉ được ăn trong các dịp cúng lễ, khi con vật được hiến tế. Bò đực là lễ vật chính để dâng cúng cho các thần, thịt bò có lẽ là thứ thức ăn thường dùng nhất. Thịt ngựa có lẽ ít được sử dụng hơn, vì người ta ít làm lễ hiến tế ngựa hơn. Thịt được nướng trên cây xiên hoặc nấu chín trong hủ. Các hủ thường được làm bằng kim loại hoặc bằng đất, nhưng các chén uống nước thường làm bằng gỗ.

Người Ấn Độ thời Rg-Veda quen uống ít nhất là hai loại rượu. Soma là thứ rượu chính. Tuy nhiên loại rượu này chỉ được sử dụng hạn chế trong những dịp có tính chất tôn giáo, như hiến tế và lễ hội. Cây soma đích thực dùng để làm rượu cũng ngày càng trở nên khó hiếm, vì người Aryan di chuyển xa dần các ngọn núi. Loại rượu được sử dụng thông thường có tên là surã. Người ta đã biết đến thứ rượu này từ rất xa xưa, vì tên của nó, giống như tên của soma, được tìm thấy trong sách Avesta dưới dạng hura. Rượu này chắc chắn là được chế biến bằng một loại ngũ cốc, giống như rượu được nấu bằng gạo hiện nay tại Ấn Độ. Việc uống nhiều surã đi đôi với việc cờ bạc. Một thi sĩ đã nói đến sự giận dữ, bài bạc, và surã như những nguyên nhân của nhiều tội lỗi, còn một thi sĩ khác thì nói về những người bị surã làm cho mất trí, buông lời chửi mắng thần linh. Việc sử dụng surã hẳn là đã phổ biến, vì vào thời Vãjasaneyi Samhitã, công việc “chế biến surã” (surãkãra) hay nấu rượu đã trở thành một nghề.



    1. Nghề nghiệp

Một trong những công việc chính của người Ấn Độ thời Vệ đà dĩ nhiên là chiến tranh. Họ đi trên đất hoặc cưỡi trên các chiến xa để đánh nhau. Trên mỗi chiến xa có hai người, một người giao chiến và một người đánh xe. Kiểu đánh nhau này ta còn được thấy trong truyện Mahãbhãrata, trong đó Krsna đóng vai người đánh xe cho Arjuna. Kị binh không được nói đến, và có lẽ chỉ được sử dụng vào một thời kì rất lâu sau đó. Tuy nhiên vào thời điểm cuộc xâm lược của Alexander, kị binh là một trong bốn đơn vị của quân đội Ấn Độ. Có một số chỉ dẫn cho thấy rằng việc cưỡi ngựa ít ra đã được biết vào thời Rg-Veda, và trong sách Athrva và Yajurveda đã có nhiều chỗ nói đến việc này. Các chiến binh thời Vệ đà được bảo vệ bằng áo giáp ghép kim loại và nón sắt. Vũ khí chính là cung và tên, mũi tên trước đầu làm bằng sừng tẩm thuốc độc hoặc bằng mũi nhọn kim loại. Dáo và rìu cũng thường được nói đến.

Phương tiện sinh sống chính của người dân thời Vệ đà là chăn nuôi gia súc. Ước muốn lớn nhất của họ là có được những đàn gia súc lớn, và trong rất nhiều những lời cầu khấn để được bình yên, sức khỏe và thịnh vượng thì gia súc gần như luôn luôn được nhắc đến trước tiên.

Tuy nhiên những người Aryan thời Vệ đà không phải chỉ là một dân tộc chăn nuôi. Từ bên kia thung lũng Apganixtan họ đã mang theo với họ ít ra là một kiến thức ban sơ về trồng trọt, như người Ấn Độ và Iran đã cho thấy vì đã sử dụng chung những từ như “cày đất” (krs). Thật vậy, vào thời Rg-Veda công việc này đã trở thành một hoạt động có tầm quan trọng chỉ đứng thứ hai sau việc chăn nuôi gia súc. Cái cày, như chúng ta được biết qua sách Atharvaveda, có một phần làm bằng kim loại, được dùng để tạo ra những luống đất ngoài đồng, và được kéo bằng bò. Khi đất đã cày xong, hạt giống được rải lên trên. Có vẻ như người ta đã từng biết làm thủy lợi, vì trong sách có nói đến những mương đào để dẫn nước. Khi đã chín thì ngũ cốc (yava) được cắt bằng liềm, được xếp thành bó trên sân đập lúa, và sau khi được đập cho bong ra thì được giê quạt.

Mặc dù đã là một dân tộc sống bằng chăn nuôi và trồng trọt như những người Ấn Độ Aryan vẫn theo nghề săn bắt ở một quy mô đáng kể. Người đi săn bắt thú bằng cung tên, hoặc dùng bẫy. Chim thường được bắt bằng lưới giăng trên đất. Sư tử bị bắt bằng bẫy, linh dương bằng hố sập, còn lợn rừng thì săn bằng chó.

Việc sử dụng thuyền bè vào thời Rg-Veda, như chúng ta đã thấy, chỉ để qua sông mà thôi. Những chiếc ghe (gọi là nau-s, tiếng Hy Lạp nau-s), chắc chắn là được bơi bằng mái chèo (aritra) và hẳn là thuộc kiểu thô sơ nhất, có lẽ là những thân cây đục rỗng. Không nghe nói gì đến bánh lái, mỏ neo, cột buồm hay buồm.

Việc buôn bán vào thời ấy chỉ là sự trao đổi hàng hóa, con bò được xem là tiêu chuẩn tiền tệ dùng để đo lường giá trị mọi thứ. Việc chuyển sang dùng tiền là do sự sử dụng các món trang sức bằng vàng và các đồ châu báu làm một hình thức ban thưởng hoặc chi trả, giống như ở những người Đức thời xưa. Thế nên chữ niSka, trong Rg-Veda có nghĩa là vòng đeo cổ, về sau đã trở thành tên gọi một thứ tiền.

Dù rằng các nhu cầu của đời sống trong thời Vệ đà còn khá thô sơ, cho nên con người có thể có đủ những gì mình cần, nhưng đã có thể tìm thấy rõ ràng trong Rg-Veda dấu vết sự khởi đầu của nhiều kiểu thương mại và công nghiệp khác nhau. Thường được nói đến nhiều là công việc của người thợ mộc, vào thời ấy một người có thể vừa là thợ đóng bàn ghế, thợ làm nhà và thợ đóng bánh xe. Đôi khi cũng có nói đến những người thợ rèn nung quặng trong lò, họ dùng cái cánh chim thay cho cái ống thổi để tạo ra luồng gió.Những người thợ này làm ra những ấm đun nước cùng các vật dụng bằng kim loại khác. Sách Rg-Veda còn nói về những người thợ thuộc da. Phụ nữ dường như quen việc vá may và dệt những tấm thảm bằng cỏ hoặc bằng sậy. Một nghệ thuật thường được nói tới một cách ẩn dụ và ví von là nghề dệt vải, nhưng vì quá vắn tắt nên ta không thể hình dung ra công việc cụ thể. Tuy nhiên sách Atharvaveda có nói cho ta một vài chi tiết trong một đoạn mô tả chuyện Ngày và Đêm, được nhân hóa thành hai chị em, thay phiên nhau dệt nên tấm mạng, năm tháng bằng một sợi chỉ không bao giờ đứt hay không bao giờ hết. Trong thời Yajurveda Trắng công việc lao động đã được phân chia khá kĩ càng, trong đó có liệt kê một số lớn các ngành nghề buôn bán và năng khiếu. Trong số này ta có thể thấy những người bện dây thừng, thợ kim hoàn, nuôi voi và diễn viên.


    1. Giải trí

Ở những người Aryan thời Vệ đà năng động và hiếu chiến thì đua xe là một môn giải trí được yêu thích, như ta được thấy qua những cách nói hoa mỹ vay mượn từ môn thể thao này. Tuy rằng đánh xe khéo léo vẫn còn là một nghệ thuật được đánh giá cao trong thời kì sử thi, nhưng việc sử dụng xe ngựa trong chiến tranh cũng như để chạy đua đã dần dần không còn nữa ở người Hindustan, một phần vì ảnh hưởng gay gắt của khí hậu, và một phần do sự khan hiếm ngựa, phải mang từ miền Indus tới.
Môn giải trí tập thể chủ yếu của những người đàn ông khi họ gặp nhau là đánh bạc bằng xúc xắc. Sự mê hoặc khó cưỡng nỗi, và sự suy sụp do môn giải trí này gây ra cho chúng ta đã được thấy mô tả trong bài “Lời than của con bạc” trước đây. Một số người thường xuyên có mặt ở sòng bạc đến nỗi họ được mô tả một cách diễu cợt trong Yajurveda là những “cây cột của hí trường” (sabhã-sthãnu). Không thể thu thập được thông tin chắc chắn nào từ Rg-Veda về cách chơi bạc chư thế nào. Tuy nhiên trong một đoạn chúng ta được biết rằng họ sử dụng bốn con xúc xắc. Sách Yajurveda nói đến một trò chơi với năm con xúc xắc, mỗi con có một cái tên. Trong Rg-Veda, gian lận trong cờ bạc là một thứ tội lỗi thường thấy nhất; một thi sĩ đã gọi con xúc xắc là nguồn gốc chính của sự phạm tội chống lại luật lệ của Varuna. Thế nên từ được sử dụng trong Rg-Veda để chỉ “con bạc” (kitava) trong tiếng Phạn cổ trở nên có nghĩa là “lừa gạt”, và một từ sau đó để chỉ “tên đểu giả” (dhurta) được xem như đồng nghĩa với “con bạc”.

Một trò vui khác là múa nhảy, mà cả đàn ông và đàn bà đều say mê. Nhưng khi nói về giới tính của các vũ công một cách phân biệt thì họ gần như luôn luôn là những cô gái. Thế nên nữ thần Bình Minh được so sánh với các vũ công ăn vận trang phục đồng tính. Từ một câu (x. 76,6) trong sách, “bụi dày bốc lên như là ở nơi người ta múa nhảy” (nNyatãm), có thể hiểu được rằng sự múa nhảy này diễn ra ngoài trời.



Nhiều chi tiết trong Rg-Veda cho thấy rằng ngay trong thời kì xa xưa này người Ấn đã biết chơi nhiều loại nhạc. Vì chúng ta tìm thấy ba loại nhạc cụ chính: gõ, thổi và có dây, được đại diện ở đây bằng cái trống (dundubhi), ống sáo (vãna) và cây đàn luýt (vĩnã). Đàn luýt từ thời ấy đến nay vẫn là nhạc cụ yêu thích của người Ấn Độ. Việc những người dân Ấn thời Vệ đà yêu thích âm nhạc có thể được suy diễn từ một câu nói của các Rsi rằng người ta nghe réo rắc tiếng sáo tại trú xứ của Yamas, nơi sống của những người được phúc. Qua một cuốn sách Sũtra, chúng ta được biết rằng âm nhạc có nhạc cụ được trình diễn trong các nghi thức tôn giáo, vì cây đàn vĩnã được gảy trong lễ cúng tế các vong linh. Vào thời đại Yayurveda dường như đã xuất hiện nhiều loại nhạc công chuyên nghiệp vì trong danh sách các nghề có kể ra những người đánh đàn luýt, những người đánh trống, những người thổi sáo và thổi tù và. Việc hát xướng dĩ nhiên rất thường được nói đến trong Rg-Veda. Từ cách hát Sãmaveda khá phức tạp, một cách hát có lẽ rất xưa, vì nghi thức cúng Soma đã có từ thời Ấn Độ- Ba Tư, người ta có thể kết luận rằng hát nhạc khi ấy đã hoàn toàn vượt qua khõi giai đoạn sơ khai.





tải về 140.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương