Thi ca rg-veda



tải về 264.55 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích264.55 Kb.
#34797
  1   2
CHƯƠNG IV

THI CA RG-VEDA

Giảng viên TS. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)


  1. HUYỀN THOẠI HỌC TRONG VỆ ĐÀ

Sau khi đã đi tới ngưỡng cửa của thế giới tư tưởng Vệ đà, giờ đây chúng ta có thể bước vào những ô cửa đã được mở ra bằng chiếc chìa khóa vàng của tri thức. Một mảng rất lớn của thi ca Rg-Veda là những bài ca tôn giáo, chỉ một phần mười cuốn sách chứa đựng một số thi phẩm thế tục. Các bài tụng ca chủ yếu nhằm tới các vị thần của hệ bách thần Vệ đà, ca ngợi các hành động đầy quyền năng, sự quảng đại, sự tử tế, hoặc là cầu xin thần ban cho gia súc đầy đàn, con cái đông đúc, sự thịnh vượng và sự chiến thắng kẻ thù. Rg-Veda không phải là một tập hợp thi ca bình dân nguyên thủy như người ta thường nói trong các nghiên cứu về Phạn ngữ trong thời gian đầu, mà đây là một mảng tụng ca được sáng tác một cách công phu bởi một tầng lớp tăng lữ và được sử dụng kèm theo trong lễ dâng cúng Soma và bơ lỏng hiến tế, những thứ này được cúng thần theo một nghi thức không hề đơn giản như người ta có thời đã nghĩ, dù rằng đã đơn giản hơn nhiều so với hệ thống rườm rà của thời Brãhmana. Thế nên các bài thơ thường xuyên bị xen vào các câu nói về việc hiến tế, đặc biệt là khi đối tượng ngợi ca là hai vị thần nghi thức lớn, Agni và Soma. Đồng thời nhìn chung cũng tự nhiên hơn nhiều so với những gì mà người ta tưởng trong các tình huống như vậy. Vì những vị thần được cầu khấn gần như tất cả đều là những sự nhân hóa các hiện tượng của thiên nhiên, do dó tạo điều kiện cho việc sử dụng nhiều hình tượng đẹp đẽ thậm chí thanh cao nữa. Ngôn ngữ của các tụng ca, nói chung, giản dị và tự nhiên. Các từ ghép rất ít được dùng và chỉ giới hạn ở hai thành phần mỗi từ thôi, trái ngược hẳn với những từ ghép xuất hiện thường xuyên và nhiều thành phần trong Phạn ngữ cổ điển. Ý tưởng thường cũng rất hồn nhiên và thẳng thắn, ngoại trừ trong các tụng ca dành cho các vị thần, khi ấy ý tưởng trở nên huyền bí và tối tăm. Trong những trường hợp này, chính sự giới hạn của chủ đề khiến cho đầu óc các tư tế phải cố gắng tạo ra sự đa dạng bằng cách dành cho cùng ý tưởng ấy một cách thật bí hiểm.

Thế là ở đây chúng ta tìm thấy bước khởi đầu của sự yêu thích cách nói tế toái khó hiểu khá thịnh hành trong văn học về sau này, và được bộc lộ ngay trong thời kỳ đầu qua câu nói của một cuốn sách Brãhmana cho rằng các vị thần thích sự bí hiểm. Trong một số tụng ca cũng xuất hiện khuynh hướng đùa chơi với chữ nghĩa, dẫn đến sự kéo dài quá đáng trong các thi phẩm và tiểu thuyết bằng tiếng Phạn về sau này. Các tụng ca của Rg-Veda, dĩ nhiên có giá trị văn học không giống nhau, đó là điều đương nhiên phải có đối với những tác phẩm của nhiều thi sĩ trải dài qua mấy thế kỷ. Nhiều bài cho thấy một trình độ trác tuyệt trong khi một số bài khác chỉ là những câu thơ tầm thường máy móc. Kỹ năng sáng tác nói chung khá cao, đặc biệt là khi chúng ta nhớ rằng ở đây ta đang nói đến một nền thi ca hết sức xưa cổ của dòng giống Aryan. Nghệ thuật mà các tiên tri ngày xưa dò tìm là rất cần thiết để tạo ra một tụng ca chấp nhận được đối với các thần linh, như thường được ám chỉ trong phần stanza kết thúc. Thi sĩ thường so sánh tác phẩm của mình với một chiếc xe do một thợ thủ công làm ra và lắp ráp lại. Một vị Rsi còn so sánh lời cầu nguyện của mình với một bộ quần áo đẹp khéo dệt; một người khác thì nói là mình đã tô điểm cho bài tụng ca của mình như một cô dâu trang điểm vì người yêu. Thi sĩ tán dương các vị thần tùy theo sự hiểu biết và khả năng của mình (vi.21,6), và nói lên xúc cảm của con tim mình (x.39,15). Thật vậy, theo họ thì có nhiều thần linh đã ban cho các nhà tiên tri năng khiếu hát ca, nhưng về lý thuyết khải huyền sau này thì các thi sĩ của sách Vệ đà chẳng biết gì hết.

Nhận xét thường nghe về sự đơn điệu trong các tụng ca của Vệ đà có phần đúng. Nhưng người ta chỉ có cảm giác này khi các bài tụng ca về một vị thần được tập hợp lại trong một cuốn sách. Cảm giác tương tự cũng nảy sinh khi ta đọc một chuỗi dài hai mươi hay ba mươi bài tình ca về mùa xuân, cho dù là trong một tuyển tập những bài thơ mới hay nhất. Khi chúng ta thấy rằng gần 500 tụng ca của Rg-Veda đều được dùng để nói về hai vị thần thôi thì thật đáng ngạc nhiên là lại có thể có được sự đa dạng đến như thế cho cùng một chủ đề.

Vì các tụng ca của Rg-Veda chủ yếu là những lời cầu khấn thần linh cho nên nội dung của chúng phần lớn mang tính thần thoại. Nền thần thoại này đáng được đặc biệt quan tâm, vì đại diện cho một giai đoạn tư tưởng sớm hơn bất cứ nền văn học nào. Nền thần thoại khá nguyên thủy để giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ được quá trình nhân hóa để biến các hiện tượng thiên nhiên thành những vị thần. Trong cuộc sống thường ngày, vì chẳng bao giờ nhìn thấy một hoạt động hay chuyển động nào mà không do con người gây ra cho nên người Ấn độ thời Vệ đà, giống như một người trong thời kỳ sơ khai, vẫn còn gán những điều xảy ra trong thiên nhiên cho những tác nhân con người mà họ cho là vốn có bên trong các hiện tượng kia. Người thời ấy vẫn còn nhìn các hoạt động của thiên nhiên với sự ngơ ngác của trẻ thơ. Một thi sĩ hỏi vì sao mặt trời không rớt xuống; một người khác không hiểu là ban ngày các ngôi sao đi đâu; một người thứ ba lấy làm lạ là nước của tất cả các con sông đều đổ vào biển nhưng biển chẳng bao giờ đầy. Tuy nhiên sự đều đặn bất biến của mặt trời và mặt trăng, sự trở lại không sai lệch của buổi bình minh, đã khiến cho những người hát tụng ngày xưa có một ý niệm về một trật tự bất di bất dịch ngự trị trong thiên nhiên. Ý niệm về qui luật tổng quát này, gọi bằng cái tên rta (“lề lối” của mọi việc), chúng ta thấy được nới rộng ra trong sách Rg-Veda trước hết thành những luật lệ hiến tế (nghi thức), rồi sau thành những qui luật đạo đức (điều phải). Dù rằng giai đoạn thần thoại thể hiện trong Rg-Veda tương đối còn sơ khai nhưng đã chứa đựng nhiều quan niệm truyền lại từ các thời đại trước. Nhiều sự tương đồng với Avesta cho thấy rằng nhiều vị thần Vệ đà đã có từ thời mà tổ tiên của người Ba Tư và người Ấn độ còn là một dân tộc. Trong số những vị thần này có thể kể Yama, vị thần âm phủ, đồng nhất với Yima, vị thần cai quản thiên đàng, và đặc biệt là Nitra, mà việc thờ cúng đối ứng với thần này là Mithra của người Ba Tư, từ năm 200 – 400 sau CN đã lan rộng ra khắp thế giới dưới thời đế chế La Mã và tiến gần đến chủ nghĩa độc thần hơn việc thờ bất cứ vị thần nào khác trong ngoại giáo.

Những kiểu thờ cúng khác nhau cũng có thể có ngưồn gốc từ thời xa xưa ấy, như việc thờ lửa và thờ cây (Soma trong Avesta gọi là Haoma). Việc thờ bò cũng bắt nguồn vào thời ấy. Thậm chí vào thời ấy hẳn đã có một nền tụng ca tôn giáo, vì người ta đã biết đến những stanza bốn dòng mười một âm tiết (tristubh của Vệ đà), và bốn hay ba dòng bốn âm tiết (amustubh và gãyatrĩ) như việc chứng minh qua sự hòa hợp giữa Avesta và Rg-Veda.

Từ thời Ấn – Âu xa xưa hơn nữa đã truyền lại quan niệm chung về “thần linh” deva-s (tiếng La tinh deu-s) và quan niệm về thiên đàng dưới hình thức một vị cha thiêng liêng (Dyaus pitã, Zeus pater, tiếng La tinh Jupiter). Có lẽ từ một thời xa hơn thế nữa đã nảy sinh ra ý niệm về trời và đất dưới dạng những bậc cha mẹ nguyên thủy và toàn cầu, cũng như nhiều sự tin tưởng thần kỳ.

Đối với các thi sĩ Rg-Veda, vũ trụ được chia ra làm ba lĩnh vực trời, đất, và không khí. Đây là một bộ ba quen thuộc của Rg-Veda, thường được nói đến một cách công khai hoặc là hàm ý. Các hiện tượng của mặt trời thì thuộc về “trời”, còn những hiện tượng gió mưa, sấm chớp thì thuộc về không khí. Các vị thần đều có những hoạt động trong ba cõi thế giới này, dù rằng họ được cho là chỉ sống trong thế giới thứ ba, thế giới của ánh sáng. Không khí thường được gọi là biển, trú xứ của các khối nước trên trời, còn những đám mây không mưa, khi thì được xem những tảng đá hay những hòn núi, khi được xem như lâu đài của những con quỷ thường giao tranh với các vị thần. Những đám mây mưa có sấm sét trở thành những con bò gầm rống, tưới sữa xuống tạo sự màu mỡ cho đất.

Những vị thần cấp cao của Rg-Veda đều gần như toàn bộ là sự nhân hóa các hiện tượng thiên nhiên như mặt trời, bình minh, lửa, gió. Ngoại trừ là một vài vị thần từ thời xa xưa còn lại, hầu hết các vị thần đều có liên quan ít nhiều một cách thấy rõ với nền tảng tự nhiên của họ. Do đó sự nhân hóa chỉ phát triển một ít thôi, thiếu những đường nét và cá tính rõ rệt. Hơn nữa chính các hiện tượng đằng sau những sự nhân hóa ấy cũng không có nhiều nét phân biệt, trong khi chúng có chung những thuộc tính với các hiện tượng khác trong cùng một lĩnh vực. Thế nên bình minh, mặt trời, lửa có cùng đặc điểm là tỏa sáng, xua tan bóng tối và xuất hiện lúc ban mai. Do đó tính cách của mỗi vị thần được tạo nên chỉ bằng một số ít phẩm chất cốt yếu, kết hợp với nhiều phẩm chất khác có chung ở tất cả các vị thần, như sự chói sáng, sức mạnh, sự tử tế, và sự khôn ngoan. Những thuộc tính chung này có xu hướng làm lu mờ những thuộc tính phân biệt, bởi vì trong những bài ca cầu khẩn và tán tụng thì những thuộc tính trước đương nhiên có tầm quan trọng đặc biệt. Ngoài ra, các vị thần tuy thuộc về nhiều lĩnh vực thiên nhiên khác nhau nhưng lại có những đặc điểm chung nổi bật, cho nên rất dễ trở nên na ná như nhau. Những sự đồng hóa kiểu này càng được khuyến khích bởi thói quen đặc biệt các thi sĩ thời Vệ đà - cầu khấn các thần linh theo từng cặp một. Những sự phối hợp như thế khiến cho những thuộc tính đặc biệt của một vị thần này lại bám theo một vị thần khác, dù khi vị thần ấy chỉ có một mình. Thế nên khi Thần Lửa được cầu khấn một mình, thì được gọi là vị thần giết quỷ Vrtra, nên đã nhận lấy một thuộc tính phân biệt của vị thần sấm Indra mà ông ta được ghép một đôi. Việc có thể đem gán mọi thứ quyền năng cho mọi vị thần khiến cho việc đồng hóa một vị thần này với một vị thần khác trở nên dễ dàng. Những sự đồng hóa như thế thường thấy khá nhiều trong Rg-Veda. Chẳng hạn khi nói với thần lửa, một thi sĩ đã kêu lên: “Hỡi thần Agni, lúc sinh ra ngài là Varuna; khi rực cháy ngài là Mitra; hỡi Người Con của Đấng Toàn năng, các thần thánh đều xoay quanh ngài; ngài là Indra của người thờ cúng” (V.3,I).

Hơn nữa, những suy đoán thần bí về bản chất của thần Agni, vị thần hết sức quan trọng trong con mắt của các tư tế sùng mộ việc thờ lửa, về những biểu hiện của thần khi là những ngọn lửa đơn độc trên mặt đất, và về những hình thức khác, như tia lửa trong không khí qua lằn chớp, ngọn lửa trên trời dưới dạng mặt trời- những hình thức mà các thi sĩ Vệ đà ưa nói tới trong các câu thơ bí hiểm - dễ khiến người ta nghĩ rằng những vị thần khác nhau chỉ là những hình thức khác nhau của một vị thần mà thôi. Ý nghĩ này được thấy trong nhiều đoạn của các tụng ca trong Rg-Veda. Tác giả của một tụng ca gần đây (164) trong cuốn sách thứ nhất nói: “Các tư tế nói về một vị thần theo nhiều cách; họ gọi vị ấy là Agni, là Yama, là Mãtarisvan”. Tương tự, một tiên tri của cuốn sách cuối cùng (X. 114) có nhận xét: “Các tư tế và thi sĩ dung câu chữ để tạo ra nhiều thứ chim (nghĩa là mặt trời) vốn chỉ là một mà thôi”. Những lời phát biểu như thế cho thấy rằng vào cuối thời kì Vệ đà thì xu hướng đa thần của các Rsi đã nhuốm màu độc thần.

Đôi khi chúng ta thấy bị bao phủ bởi cái ý tưởng bách thần về một vị thần đại diện không những cho tất cả các vị thần mà còn cho cả thiên nhiên nữa. Như vậy, nữ thần Aditi được dồng hóa với tất cả các vị thần, với loài người, với tất cả những gì đã được và sẽ được sinh ra, với không khí và bầu trời (i. 89); và trong một bài tụng ca về nguồn gốc vũ trụ (x. 121). Đấng sáng tạo không chỉ được mô tả như một vị thần cao hơn tất cả các vị thần mà còn cho là bao gồm tất cả mọi thứ. Mầm mống đa thần này phát triển qua nền văn học Vệ đà về sau này cho đến khi khoác lấy hình dạng cuối cùng trong nền triết học Vedãnta, nền triết học bình dân nhất của người Hinđu.


Thói quen của các thi sĩ, cả trong những phần xưa cổ của Rg-Veda, là cầu khấn nhiều thần khác nhau như thể mỗi vị này đều là quan trọng nhất, đã làm nảy sinh ra thuyết Đơn nhất thần giáo (Henotheism hay Kathenotheism) của giáo sư Max Muller, theo đó các nhà tiên tri “tin tưởng vào từng vị thần luân phiên được xem như là vị thần cao nhất”, và khi ấy thì họ đối xử với vị thần này như thể đây là vị thần  tuyệt đối biệt lập và tối cao, chỉ có một mình trong trí họ thôi. Tuy nhiên trên thực tế thì cách làm của các thi sĩ trong Rg-Veda chỉ tạo ra một sự phóng đại - được thấy cả trong các bài tụng ca thời Homer - theo đó người tụng ca đương nhiên cũng muốn thổi phồng một vị thần nào đó mà người ấy đang cầu khấn. Bởi vì các Rsi đã biết rõ vị trí chính xác của mỗi vị thần trong nghi thức Soma, trong đó gần như mọi thành viên của hệ bách thần đều có chỗ đứng.

Các vị thần, theo cách nhìn của các thi sĩ Vệ đà, đều có một sự khởi nguồn; vì họ được mô tả là con của trời và đất, hoặc đôi khi là con của các vị thần khác. Điều này tự nó đã ngụ ý là có nhiều thế hệ khác nhau, nhưng các vị thần trước đó cũng được nói đến một cách rõ ràng ở nhiều đoạn. Các vị thần cũng không được xem vốn là bất tử; vì sách này nói rằng sự bất tử đã được các vị thần khác ban cho họ, như thần Agni và Savitr, hoặc họ có được là nhờ uống nước soma. Indra và các vị thần khác được nói là không có tuổi già, nhưng các thi sĩ coi sự trường sinh của họ là tuyệt đối hay không thì điều đó vẫn không có gì để chứng minh. Trong cách nhìn của thời hậu Vệ đà thì sự trường sinh ấy chỉ tương đối thôi, vì còn bị giới hạn bởi tuổi vũ trụ nữa.


Hình dáng cụ thể của các vị thần Vệ đà được phỏng theo con người. Thế nên đầu, mặt, mắt, mũi, tay, chân và các phần khác trên cơ thể con người đã được đem gán cho họ, nhưng hình thù của họ khá lờ mờ, và tay chân hoặc các phần khác của họ chỉ được hiểu theo nghĩa bóng để mô tả các hoạt động của họ. Vì thế lưỡi và tay của thần lửa chính là ngọn lửa; các cánh tay của thần mặt trời là những tia sáng của thần, còn con mắt thần chỉ tượng trưng cho khối cầu mặt trời. Vì hình thể bề ngoài của các vị thần được hình dung một cách mơ hồ như thế trong khi sự liên quan của họ với các hiện tượng thiên nhiên khá rõ ràng cho nên cũng dễ hiểu vì sao trong Rg-Veda không nói gì đến ảnh tượng các thần, càng ít nói hơn về các đền đài, vốn có nghĩa là nơi đặt những bức tượng. Các tượng thần chỉ được nói đến lần đầu tiên trong các Sũtra.

Một số các vị thần có vẻ được trang bị như một chiến binh, mặc áo giáo kim loại, đội mũ sắt, và tay cầm rìu dáo, cung tên. Tất cả họ đều phóng qua không gian trên những chiếc xe rực sáng, thường do những con ngựa, đôi khi là bò, dê hay nai kéo. Các thần ngồi trong xe để đích thân đến dự lễ hiến tế, tuy nhiên lễ vật hiến tế đôi khi cũng được các thần Agni mang lên trời cho họ. Nhìn chung người ta cho rằng các thần sống chung với nhau một cách thuận hòa; vị thần duy nhất từng gây sự bất hòa là thần Indra hiếu chiến và độc đoán.

Đối với những người Ấn Độ thành đạt và do đó lạc quan thì các vị thần hầu hết là những bậc tử tế, ban cho người ta sự trường thọ và thịnh vượng. Thực thế, vị thần duy nhất gây hại là Rudra. Những điều xấu nho nhỏ, liên quan mật thiết với đời sống con người, như bệnh tật, do những loài quỷ nhỏ gây ra, còn những điều xấu lớn hơn, thể hiện trong thiên nhiên, như hạn hán, bóng tối thì do những con quỷ nhiều quyền năng như Vrtra gây ra. Đánh bại những con quỷ này sẽ làm hiển lộ rõ ràng hơn bản chất tốt đẹp của các vị thần.

- Các vị thần Vệ đà cũng mang tính đạo đức. Họ “chân thật”, “không lừa dối”, luôn luôn là những người bạn và là người bảo vệ cho sự lương thiện, đức hạnh. Nhưng sự đạo đức của thần linh chỉ là sự phản ảnh tiêu chuẩn đạo đức của nền văn minh thời cổ. Thế nên sự gắn liền Varuna, vị thần đạo đức nhất trong các vị thần, với sự công chính không cản trở thần này sử dụng những đòn phép để triệt hạ kẻ ác tâm và gian dối. Tầm cao đạo đức của các vị thần nói chung không nổi bật cho bằng đặc điểm về sự vĩ đại và quyền năng của họ.

- Mối quan hệ của người thờ cúng với các vị thần trong Rg-Veda nói chung là một mối liên hệ tùy thuộc vào sự thành tâm, sự cầu khấn và sự hiến tế cho các thần linh để mong được thần ban phước và tha lỗi. Tuy nhiên, việc mong đợi một việc gì đó đáp lại cho sự dâng cúng thường được bộc lộ khá rõ và câu nói chủ đạo trong nhiều tụng ca là “Con dâng cho thần để thần ban lại cho con”. Một ý tưởng khá lộ liễu là quyền năng và giá trị mà vị thần có được là nhờ ở những bài tụng ca, sự hiến tế, và đặc biệt là việc dâng cúng soma. Ở dây chúng ta thấy mầm mống sự tự đại của giới tăng lữ, và mầm mống này đã dần dần nảy nở trong thời đại Vệ đà. Thế nên trong Yajurveda Trắng có câu nói rằng Bà la môn nào có một kiến thức chính xác thì có được quyền năng của một vị thần. Các sách Brãmana còn đi xa hơn một bước khi nói rằng có hai loại thần linh là Deva và Brahma, nhóm sau được cho là những vị thần sống giữa loài người. Cũng trong các sách Brãmana sự hiến tế được cho là có sức vạn năng không chỉ chi phối các vị thần mà ngay cả các quá trình tự nhiên nữa.


  1. CÁC VỊ THẦN

Chính trong Rg-Veda nói số lượng các thần là ba mươi ba, biểu lộ dưới dạng ba lần mười một, khi ấy mỗi nhóm được xem như tương ứng với một phần trong ba phần của vũ trụ. Khối lượng này không bao giờ có thể được cho là đủ, vì thỉnh thoảng lại có các vị thần khác nữa được kể thêm vào con số ba mươi ba này. Và dĩ nhiên là con số này cũng không bao gồm thiếu nhóm thần khác nhau, như những thần bão tố.

Tuy nhiên có không tới hai mươi vị thần được xem là quan trọng trong Rg-Veda để có được ít nhất là ba bài tụng ca dành trọn cho vị thần đó. Nổi bật nhất trong số này là Indra, thần sấm, với 250 bài tụng ca. Agni với khoảng 200 và Soma với trên 100; trong khi đó thì Parjany - thần mưa, và Yama - thần âm phủ, mỗi vị chỉ được nhắc đến trong ba bài. Số còn lại chiếm các vị trí khác nhau giữa hai thái cực này. Điều đáng nói là hai vị thần lớn của đạo Hindu ngày nay, Visnu và Shiva, với tầm quan trọng ngang hàng, hẳn đã phải có cùng hạng bậc, dù rằng rất thấp hơn các vị thần hàng đầu, ba nghìn năm trước đây, với các thần Visnu và Rudra (dạng trước đây của Siva) trong Rg-Veda . Dù là khi ấy họ cũng có những đặc điểm giống như bây giờ, Visnu thì đặc biệt tử tế còn Rudra thì đáng sợ.

Dyaus (thần bầu trời) là vị thần xưa nhất. Sự phân hóa bầu trời dưới dạng một vị thần trong Rg-Veda chẳng bao giờ vượt quá giai đoạn thô sơ, vì gần như bị giới hạn hoàn toàn trong ý tưởng về một người cha. Dyaus thường đi đôi với Prthvĩ (Mặt đất), và đôi thần này được cầu khấn như những bậc cha mẹ trong sáu bài tụng ca. Trong vài đoạn, Dyaus được gọi là con bò đực, khỏe mạnh từ trên cao rống xuống, để nói về năng lực tạo ra cơn mưa phì nhiêu chẳng kém gì bầu trời sấm chớp. Thần này cũng có lần được so sánh với một con ngựa đen kết ngọc, rõ ràng là để ám chỉ bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Một thi sĩ mô tả vị thần này với một tia chớp, còn một thi sĩ khác thì nói “thần Dyaus mỉm cười qua những đám mây” để chỉ bầu trời chớp sáng. Trong nhiều đoạn khác của Rg-Veda, động từ “mỉm cười” (smi) ám chỉ lằn chớp, cũng như trong Phạn ngữ xưa nụ cười luôn được sánh với những vật thể có màu trắng lóa mắt.

Varuna  vị thần bầu trời quan trọng hơn nhiều. Sự nhân hóa ở vị thần này đã tiến khá xa cho nên những hiện tượng thiên nhiên đằng sau sự nhân hóa này chỉ có thể được suy diễn từ những đặc điểm trong tính cách của thần. Sự mập mờ về nguồn gốc này một phần là do thần này không phải là được tạo ra từ thần thoại của Ấn Độ, nhưng được truyền lại từ một thời đại trước đó, và một phần vì cái tên của thần này không nói lên một hiện tượng thiên nhiên nào, như tên của Dyaus vậy. Chữ Varuna-s dường như ban đầu có nghĩa là “bầu trời bao phủ”, và có lẽ cũng là một với từ Hi Lạp Ouranos, tuy rằng sự đồng hóa này có gặp một vài khó khăn về ngữ âm. Varuna được cầu khần trong rất ít tụng ca hơn Indra, Agni hoặc Soma, nhưng đây rõ ràng là những vị thần Vệ đà lớn nhất bên cạnh Indra. Trong khi Indra là một chiến binh vĩ đại thì Varuna là nhà bảo vệ vĩ đại của trật tự (rta) vật chất và tinh thần. Các bài tụng ca dành cho thần này có giọng điệu đạo đức và sùng mộ hơn đối với các thần khác. Chúng là phần tán dương ca ngợi nồng nhiệt nhất trong sách Vệ đà, có tính chất gần giống các bài Thánh vịnh của người Hêbrơ. Sự ngự trị một cách hòa bình của Varuna được giải thích bằng sự liên hệ của thần với những hiện tượng tái diễn một cách đều đặn trên bầu trời, với quá trình hoạt động của các thiên thể nhìn thấy; còn sự hiếu chiến của Indra và bản tính đôi khi thất thường của thần được giải thích bởi sự xung khắc nhiều kiểu và bất định của những yếu tố trong cơn giông bão. Có thể phát họa gần đúng tính cách và quyền năng của Varuna bằng chính lời của các thi sĩ Vệ đà như sau: Trời và đất phải tách riêng ra theo luât của Varuna. Ngài làm cho quả lắc vàng (mặt trời) chiếu sáng bầu trời. Ngài mở lối đi rộng rãi cho mặt trời. Tiếng gió rít trên không là tiếng thở của Varuna. Theo lệnh của Ngài mặt trăng chiếu sáng và di chuyển ban đêm, còn những ngôi sao gắn ở trên cao được thấy ban đêm và biến mất ban ngày. Bằng quyền năng huyền bí, ngài làm cho những con sông tuôn đổ vào biển mà biển chẳng bao giờ đầy nước. Ngài khiến cho cái thúng to lật úp để xối nước lên mặt đất, và trùm phủ núi non trong lớp mây dày. Thần Varuna liên quan chủ yếu với lượng nước trên không này mà ít liên quan với biển.

Các thi sĩ thường nói đến sự toàn trí của thần Varuna. Ngài biết rõ đường bay của loài chim trên trời, đường chạy của tàu thuyền dưới biển, luồng gió phương xa đang thổi về đâu. Ngài nắm giữ bí mật của mọi việc đã xảy ra và sắp xảy đến. Ngài chứng kiến sự thật và giả của con người. Không có nhất cử nhất động nào của mọi loài sinh vật mà không có ngài. Ngài đứng bên trên các thần khác về mặt quản lý đạo đức. Ngài phẫn nộ với kẻ tội lỗi, vi phạm luât lệ của ngài, và trừng trị nghiêm khắc. Những cùm gông ngài dành cho người phạm tội, thường được nhắc đến. Là người xua đuổi, căm ghét và trừng phạt điều gian trá, ngài rất tử tế với người thành tâm hối cãi. Ngài giải thoát con người không những khỏi những tội lỗi của chính họ mà cả những tội lỗi do cha ông họ gây ra. Ngài tha thứ cho người cầu xin đã thường ngày phạm luật của ngài, và không trừng phạt những kẻ vô tình phạm lỗi. Trên thực tế không có bài tụng ca nào dành cho Varuna mà không có sự cầu xin tha tội, cũng giống như tụng ca cầu xin của cải vật chất đối với các vị thần khác vậy.

Với sự phát triển của quan niệm về đấng sáng tạo, Prajãpati được xem như vị thần tối cao, và địa vị cai quản của Varuna đương nhiên bị lu mờ, thần này chỉ còn là thần ngự trị mặt nước, một phần của lĩnh vực ban đầu mà thôi. Điều này đã thấy nói đến trong Atharva-veda, và trong thần thoại học sau Vệ đà ông chỉ còn là thần biển, Neptune của Ấn độ.

Các đoạn thơ sau đây lấy từ một bài tụng ca Varuna (vi.89) minh họa cho tinh thần những lới cầu nguyện với thần:

Kính lạy vua Varuna, xin cho con

Khỏi phải xuống ngôi nhà đất lạnh

Xin rủ lòng thương, thứ miễn cho con

Bao tín đồ còn đang chịu khát

Cho dù đang đứng giữa nước đầy (*)

Xin rủ lòng thương, thứ miễn cho con

Lạy thần Varuna dù cho tội lớn bao nhiêu

Loài người chúng con xúc phạm chư thần

Do ham muốn mà vi phạm luât

Xin đừng trừng phạt chúng con về tội lỗi này

(* Ý nói bệnh phù thủng mà người ta cho là Varuna đã gây ra cho những kẻ phạm tội )

Trong Rg-Veda có năm vị thần mặt trời, đại diện cho năm khía cạnh khác nhau trong hoạt động của thiên thể này.

Một là vị thần “già” nhất Mitra, “Người Bạn”, dường như đã được hiểu là khía cạnh hữu ích của năng lượng mặt trời. Trở về thời kỳ Ấn Độ - Ba Tư, thần này đã gần như mất hết cá tính của mình, và cá tính này đã hòa nhập với cá tính của Varuna. Hai thần này thường được khấn nguyện chung với nhau, và chỉ có một tụng ca (iii.59) dành riêng cho thần Mitra thôi.

Sũrya (có tên cùng gốc với thần Helios của Hi Lạp) là vị thần cụ thể nhất trong các thần mặt trời. Vì tên của thần cũng có nghĩa là một vật thể sáng, nên thần luôn được gắn liền với Helios. Người ta thường nói đến con mắt của thần Sũrya, và Bình minh được cho là đem con mắt đến cho các vị thần. Vì nhìn thấy tất cả nên thần là kẻ theo dõi thế gian, để mắt đến vạn vật cùng những hành động tốt, xấu của con người. Surya đánh thức con người để họ tiếp tục các mục tiêu và thực hiện công việc của mình. Thần là linh hồn hay người bảo vệ cho tất cả mọi thứ chuyển động hay đứng yên. Thần ngồi trên một chiếc xe, thường được mô tả là do bảy con ngựa kéo. Đến khi mặt trời lặn thì các con ngựa này được nghỉ ngơi:

Mặt trời vừa hết lộ trình

Bóng đêm liền đã bao trùm khắp nơi (i.115,4)

Sũrya cuộn bóng tối lên như một tấm da, và nhũng ngôi sao lẻn đi như những tên trộm. Từ trong lòng Bình minh, mặt trời tỏa rộng ánh sáng. Mặt trời còn được cho là chồng của Bình minh. Dưới dạng Agni, thần được các vị thần đặt lên trên trời. Thần thường được mô tả là con chim hay con đại bàng bay qua không gian. Thần đếm tháng ngày thánh và kéo dài cuộc sống. Thần đuổi xua bệnh tật cùng những ác mộng. Khi vừa mọc lên, thần được cầu khấn để tuyên bố với Mitra và Varuna là loài người vô tội. Mọi sinh vật đều phụ thuộc vào Sũrya, thế nên thần được gọi là vị thần “tạo ra tất cả”.

Mười một bài tụng ca, hoặc một số lượng khoảng bằng số lượng của Sũrya, được dành cho một thần mặt trời khác là Svitr, “thần Kích thích”, tượng trưng cho tác động thúc giục của mặt trời. Thần quả thực là một vị thần vàng, với cánh tay, bàn tay bằng vàng và cỗ xe cũng bằng vàng. Thần đưa cao cánh tay vàng mạnh mẽ, ban phước cho muôn loài và đánh thức muôn loài, cánh tay ấy vươn xa đến tận cùng trái đất. Thần di chuyển trên chiếc xe bằng vàng, ngắm nhìn vạn vật trên lộ trình chập chùng lặn xuống và trồi lên của mình. Thần rọi ánh sáng theo sau lối đi của bình minh. Rạng rỡ với tia sáng mặt trời, Svitr tóc vàng từ phương Đông liên tục dâng cao ánh sáng của mình .Thần xóa bỏ ác mộng và xua tan quỉ ma, tà thuật, Savitr đem lại sự bất tử cho các vị thần cũng như sự sống dài lâu cho con người. Thần cũng hướng dẫn linh hồn người chết đến nơi dành cho những người công chính. Các thần khác phải chịu sự hướng dẫn của Savitr; không một thực thể nào, cả đến những vị thần quyền uy nhất như Indra và Varuna, có thể cưỡng lại ý muốn và ảnh hưởng của thần này. Savitr không phải là không thường xuyên gắn với trời chiều, như trong một bài tụng ca (ii.38) vào lúc mặt trời lặn:

Thần cởi ách cho đàn ngựa đua ngơi nghỉ,

Cỗ xe tốc độ từ lúc ra đi

Thần điều khiển lướt nhanh như rắn

Theo lệnh thần, màn đêm buông xuống

Cô thợ dệt cuộn nhanh tấm vải

Người khéo tay ngưng việc giữa chừng

Chim tìm về tổ, gia súc về chuồng

Thần giải tán ai về chỗ nấy. 

Thần Savitr được nói đến bằng đoạn stanza nổi tiếng nhất của Rg-Veda. Với bài thơ này thần được cầu khấn từ thuở xa xưa trong bài học đầu của kinh Vệ đà, dưới danh nghĩa vị thần Kích thích, và đoạn thơ vẫn còn được mọi tín đồ Hindu chính thống tụng đọc trong giờ cầu nguyện buổi sáng:


Chúng con ước làm sao đạt đến

Niềm vinh quang rực rỡ của thần Savitr

Để trí tưởng được thần kích thích (iii.62.10)

Một đặc điểm của các tụng ca dành cho Savitr là nhiều lần gọi tên thần bằng các hình thức của chữ gốc sũ, nghĩa là kích thích.

Thần Pũsan, trong Rg-Veda có khoảng tám tụng ca nhắc đến. Cái tên này có nghĩa là “Đấng Thịnh vượng”, có ý nói đến quyền năng lợi ích của mặt trời, thể hiện chủ yếu dưới dạng một vị thần đồng quê. Cỗ xe của thần do đàn dê kéo, và thần cầm cây gậy nhọn trên tay. Vì đã thông thuộc đường đi trên trời nên thần hướng dẫn người chết đến với cha ông của họ. Thần cũng là thần canh giữ đường sá, bảo vệ gia súc và điều khiển chúng bằng cây gậy nhọn. Lợi ích mà thần đem lại là sự che chở mà thần mở rộng ra cho cả loài người và gia súc, và sự dẫn dắt con người đến các nơi ở hạnh phúc trong thế giới tiếp theo.

Thần Visnu, ít được cầu khấn hơn các thần Sũrya, Savitr và Pũsan trong Rg-Veda, nhưng về mặt lịch sử thì lại quan trọng hơn các thần mặt trời khác. Vì đây là một trong hai vị thần lớn của đạo Hindu ngày nay. Đặc điểm chủ yếu trong tính cách của thần này là thần có ba bước chân thật dài, chắc hẳn là tượng trưng cho sự xuyên qua ba miền của vũ trụ trên đường đi của mặt trời. Bậc cao nhất là trên trời, nơi cư ngụ của các vị thần và tổ tiên của con người. Thi sĩ đã bày tỏ nỗi ước ao được đến trú xứ này như sau: 

Ước gì con đến đó, trú xứ thân yêu của thần

Cõi hạnh phúc của những người sùng mộ

Trên chốn cao tột đỉnh của thần Visnu - người thân thuộc

Với bước chân sải rộng – có mùa xuân tiên cảnh

Visnu dường như lúc đầu được quan niệm là một vị thần, không phải ở tính cách chung chung, mà là dưới dạng một vật thể sáng di chuyển nhanh được nhân hóa, với những bước chân dài xuyên ngang ba miền vũ trụ. Nhiều đoạn trong thơ nói rằng thần đi ba bước ấy là vì lợi ích của loài người. Từ đặc điểm này mà có câu chuyện thần thoại của Brãhmana theo đó thì Visnu hóa thành một chú lùn để đánh lừa con quỷ mà lấy lại mặt đất đang bị nó chiếm, chỉ bằng ba bước chân của mình. Đặc điểm cứu giúp này của thần đã được phát triển trong thần thoại sau Vệ đà thành thuyết Avatãr (giáng thế) hay hóa thân mà thần thực hiện vì lợi ích của loài người.

Usãs, nữ thần bình minh, gần như là nữ thần duy nhất được dành cho nhiều bài tụng ca trọn vẹn, và là vị nữ thần duy nhất được cầu khấn khá nhiều. Thần này được ca ngợi trong khoảng hai mươi bài tụng ca. Tên của thần, có nghĩa là “Thần Soi sáng” có cùng nguồn gốc với chữ Aurora của La tinh và chữ Êõs của Hy lạp. Khi nói về thần này thì trong đầu óc các thi sĩ chẳng bao giờ thiếu vắng một hiện tượng bình minh rõ rệt. Việc các tư tế ca sĩ chỉ hướng về một mình thần này trong số bao nhiêu nữ thần, mặc dù bà không được dâng cúng Soma như các vị thần khác, có vẻ như cho ta thấy rằng sự rạng rỡ của bình minh, mạnh mẽ ở Bắc Ấn hơn là ở các nơi khác mà ta thường thấy, đã gây ấn tượng sâu xa nơi trí tưởng của các thi sĩ thời xưa. Dù sao, nữ thần này cũng là một tạo phẩm duyên dáng nhất, sự duyên dáng này không đâu sánh được trong các tình ca tôn giáo của bất cứ nền văn học nào. Ở đây không có sự tế toái của các tăng lữ để làm lu mờ sự sáng sủa của thần, và rất ít đả động tới việc hiến tế để làm hỏng đi cái đẹp tự nhiên của sự hình tượng.

“Usas là một thiếu nữ rạng rỡ, sinh ra ở trên trời, con gái của thần Dyaus. Nàng là đứa em sáng sủa của Bóng đêm tăm tối, Nàng tỏa sáng bằng ánh sáng của người tình, ánh sáng của Sũrya, thần này gọi theo bước chân của nàng và đi theo sau nàng như một chàng trai theo sau một thiếu nữ. Nàng ngồi trên cỗ xe sáng lạn, do những con ngựa hay con bò màu hung kéo. Xuất hiện trong bộ trang phục rực rỡ, nàng như một vũ công phô trương bộ ngực. Khoác tấm áo ánh sáng trên người, nàng hiện ra ở phương Đông đầy duyên dáng. Từ hồ tắm nhô lên lộng lẫy, nàng phô bày hình thể tuyệt vời. Rạng rỡ trong vẻ đẹp vô song, nàng kìm giữ cho ánh sáng của mình không quá mờ cũng không quá mạnh. Nàng mở toang cánh cửa bầu trời: nàng xô tung cánh của bóng tối như đàn bò xô tung cửa chuồng. Những tia sáng tỏa rạng hiện ra như những đàn cừu. Nàng cất dở chiếc áo đen của đêm tối, xua đuổi quỷ ma và bóng tối đáng ghét. Nàng đánh thức vạn vật có chân và khiến cho đàn chim bay lên. Nàng là hơi thở và sự sống của mọi thứ. Khi Usas rọi tới thì chim bay ra khỏi tổ và con người đi tìm cái ăn, v.v… Ngày ngày cùng xuất hiện ở một nơi nhất định, nàng chẳng bao giờ vi phạm quy luật của trật tự và của các thần; nàng luôn giữ đúng con đường sau trước; vì đã thuộc đường nên chẳng bao giờ lạc hướng. Như đã rọi sáng trước đây, nàng đang rọi sáng ngày nay và sẽ rọi sáng trong tương lai, chẳng bao giờ già, mãi mãi trường sinh.

Sự cô quạnh và tĩnh lặng của buổi sớm mai đôi khi khiến cho người ta suy gẫm về tính chất phù du của đời sống con người, trái ngược với sự tái hiện không bao giờ dứt của buổi bình minh. Thế nên một thi sĩ đã thốt lên:

Đã qua rồi những con người của thời đại trước

Từng nhìn thấy sự hừng sáng của ban mai

Chúng ta đây ngày nay đang nhìn nàng tỏa sáng

Và những người khác trong tương lai cũng sẽ thấy nàng (i.113.11)

Một Rsi khác cũng hát bài tương tự:

Vẫn mới sinh ra, dù là đã cũ,

Điểm tô nhan sắc bằng son phấn mọi ngày,

Nữ thần đang làm tiêu hao đời sống con người

Như tiền của cạn dần vào tay con bạc héo (i.92.10) 

Các stanza sau đây lấy từ một trong những tụng ca hay nhất về nữ thần Bình minh (i.115) cho ta một hình ảnh tổng quát hơn về tạo phẩm mỹ miều này của thi ca Vệ đà:

Giữa bao ánh sáng, ánh huy hoàng nay đã đến,

Sự sáng chói chang nay đã chào đời

Nhanh chân lên cho thần Savitr thức dậy,

Đêm giờ đây đã nhường chỗ cho Bình minh

Đường đi của người em gái, cũng là con đường ấy chẳng bao giờ dứt

Được các thần chỉ dạy, cùng luân phiên đi qua con đường ấy 

Đêm tối và Bình minh, hình dạng khác nhưng lòng không khác

Chẳng hề va chạm, cũng chẳng chần chờ

Mở đường cho bao âm thanh rộn rã, nữ thần đang chiếu sáng

Và mở rộng cửa cho tất cả mọi người

Thức tỉnh cả thế gian, nàng cho thấy đâu là của cải

Mọi sinh vật đều được nàng Bình minh đánh thức

Người con gái Nhà Trời đã hiện đến trước ta,

Cô thiếu nữ đỏ mặt trong xiêm y ngời sáng

Hỡi chủ nhân của mọi kho báu trên đời

Nữ thần Bình minh lành thiện, xin hãy rọi xuống nơi đây

Rọi sáng lên toàn cảnh bầu trời,

Nữ thần đã rời bỏ xiêm y bóng tối

Đánh thức thế gian với tiếng vó ngựa hồng

Bình minh đến trên cỗ xe sang trọng

Mang đến cho bao ân phúc dồi dào,

Nàng chiếu sáng chói chang, trải rộng rạng ngời

Tiếp sau theo buổi sáng đã ra đi,

Và đi trước những ban mai đang tới, thần Bình minh xuất hiện

Hãy dậy đi! Hơi thở và sự sống lại đến với chúng ta

Bóng tối đã ra đi và ánh sáng đến rồi

Đàng sau nàng là đường đi của mặt trời

Chúng ta đang đến được nơi sự sống kéo dài



Trong số các vị thần của ánh sáng trên trời, được cầu khấn nhiều nhất là cặp thần ban mai sinh đôi có tên là Asvin. Họ là con của Trời, luôn luôn trẻ trung và tuấn tú. Họ ngồi trên một chiếc xe, với thị nữ mặt trời là Sũryã. Chiếc xe này sáng chói và giống như mặt trời, tất cả các bộ phận đều bằng vàng. Các thần này xuất hiện từ lúc mới tờ mờ sáng khi “bóng tối hãy còn lẩn quất giữa đàn bò nâu”. Usas được sinh ra khi cỗ xe họ vừa cặp ách. Nhiều thần thoại đã nói về Asvin như những vị thần giúp đỡ. Họ giúp giải tỏa khổ nạn nói chung, nhất là cứu vớt thuyền bè trên biển. Họ là những thầy thuốc đặc biệt linh nghiệm, làm cho người mù thấy được và người què đi được. Một thần thoại hết sức kỳ lạ là chuyện cô gái Vispalã, bị gãy chân trong một vụ xô xát, liền được các thần Asvin ban cho một cái chân sắt.

Indra là vị thần thống trị trong cõi không gian. Thật vậy, đây là vị thần quốc gia yêu mến của người Ấn Độ thời Vệ đà. Tầm quan trọng của thần được chứng minh bằng sự kiện là hơn một phần tư kinh sách Rg-Veda được dành để ca tụng thần này. Được truyền lại từ thời xa xưa, Indra càng ngày càng mang hình dạng con người nhiều hơn, và được mô tả trong nhiều thần thoại hơn bất cứ vị thần Vệ đà nào khác. Thế nhưng tính cách của thần vẫn không rõ ràng cho lắm. Thần chủ yếu là một vị thần sấm, và cốt lõi thần thoại về thần là sự đánh bại con quỷ gây ra hạn hán hay bóng tối tên là Vrtra, “Kẻ chặn đường”, sau đó là việc giải phóng dòng nước và giành được ánh sáng. Thần thoại này cung cấp cho các Rsi một đề tài luôn luôn tái diễn. Tay cầm cây tầm sét, Indra vào trận với sự hăng say vì uống nhiều rượu soma, và thường được các thần Marut hay thần “Bão tố” hộ vệ. Trời đất run lên sợ sệt khi Indra đánh gục Vrtra như đốn ngã thân cây bằng chiếc rìu của mình. Thần thường xuyên tái diễn trận chiến này. Điều này tương ứng rõ ràng với sự đổi mới thường xuyên của các hiện tượng thiên nhiên đàng sau huyền thoại. Các thi sĩ hiếm khi nói rõ về những yếu tố vật chất lúc đang mô tả những kỳ tích của thần Indra. Đôi khi thần được cho là làm cho mưa rơi, nhưng thần thường tháo xả các dòng nước hay các con sông bị chặn lại. Luồng sáng luôn là “tia chớp”, còn tiếng sấm là tiếng rống của đàn bò hay tiếng gầm gừ của con rồng. Các đám mây được gọi bằng những cái tên khác nhau, như con bò cái, bầu vú, con suối, cái thùng, hoặc cái xô. Chúng cũng là những hòn đá (adri) vây quanh những con bò được Indra thả rông. Chúng còn là những hòn núi mà những con quỷ sống trong đó đã bị Indra trục xuất. Như vậy những đám mây này thường được xem là sào huyệt (pur) của loài quỷ, với số lượng chín mươi hoặc một trăm con, và được mô tả theo nhiều kiểu khác nhau. Một stanza (x.89, 7) đã tóm tắt các hoạt động của Indra trong mảng thần thoại này như sau:”Indra giết quỷ Vrtra, phá vỡ sào huyệt của nó, khai thông cho các dòng sông, chẻ núi, và giao đàn bò cho bạn bè mình”. Do tầm quan trọng của câu chuyện Vrtra cho nên tính ngữ chính và đặc biệt của Indra là Vrtrahan, “người giết quỷ Vrtra”. Các stanza sau đây được lấy từ một tụng ca sinh động nhất ca ngợi cuộc chiến của Indra với con quỷ (i.32)

Những kỳ tích của Indra, tôi xin kể

Việc thứ nhất của vị thần sấm sét,

Hạ gục con rồng, tháo xả nước sông,

Chẻ nứt hang hầm trên đỉnh núi cao.

Như con bò mộng hăng say, thần chọn soma

Uống mấy vại to thứ nước cây này

Thần hào phóng lấy sấm chớp làm tên lửa

Đánh gục con đầu đàn của lũ nhà rồng

Rồi chẳng cần gì đến sấm sét,

Hay sương mù, mưa đá tứ tung

Khi Indra và con rồng lao vào cuộc chiến

Thì luôn luôn thần giành phần thắng

Giữa dòng thác cuồn cuộn không ngừng

Chẳng đứng yên mà luôn phóng tới

Nước cuốn phăng thân xác Vrtra

Kẻ thù hung hãn của Indra chìm vào cõi tối

Việc tháo xả dòng nước được gắn liền với việc chinh phục ánh sáng và mặt trời. Thế nên chúng ta đọc thấy rằng sau khi Indra giết chết con rồng Vrtra bằng cây tầm sét, tháo nước cho loài người, thì thần đặt mặt trời lên giữa bầu trời, hoặc là sau khi Indra xua tan con rồng khỏi bầu trời thì mặt trời tỏa sáng.

Indra tất nhiên được xem là vị thần của chiến trận, và được khấn nguyện nhiều hơn các thần khác để trợ giúp trong các cuộc xung đột với kẻ thù trần thế. Theo lời của một thi sĩ thì thần che chở cho màu da Aryan (varna) và chinh phục người da đen; còn một thi sĩ khác thì ca ngợi thần vì đã đánh tan 50.000 người da đen và phá hủy thành quách của họ. Các cuộc đánh nhau của thần thường được gọi là gavisti “khao khát đàn bò”, vì kết quả của chiến thắng là quà tặng của thần.

Các stanza sau đây (ii.12,2 và 13) cho ta những ví dụ về cách thức ca ngợi sự vĩ đại của thần Indra:

Ai chặn đứng mặt đất đang rung động?

Ai dẹp yên những ngọn núi lắt lay?

Ai bao trùm không gian vũ trụ?

Ai chống đỡ bầu trời? Người ấy: Indra

Trời và đất phải cúi đầu bái phục

Đứng trước người, núi cũng phát run

“Tay nghiện soma” vũ trang bằng sấm chớp

Tầm sét trên tay, người ấy Indra

Sở dĩ có những nét phi đạo đức đôi khi xuất hiện là do xu hướng “nhân hình hóa” quá nhiều bản chất của Indra. Vậy nên nhiều lúc thần này buông lỏng cho những hành động bạo lực thất thường của mình, như việc giết cha hay phá hoại cỗ xe của nữ thần Bình minh. Thần đặc biệt rất nghiện soma, mà người ta kể là thần đã uống nhiều vại lớn để kích thích mình làm nên những chiến tích. Có nguyên một bài tụng ca (x.119) gồm một cuộc độc thoại trong đó Indra, say xỉn vì chất soma, đã huênh hoang nói về sự vĩ đại và quyền lực của mình. Dù không có nhiều giá trị thi ca, nhưng bài tụng ca này đặc biệt đáng chú ý vì là sự mô tả trong văn học sớm nhất về sự những hậu quả tinh thần, nhất là sự khoác lác ba hoa, gây ra bởi rượu chè. Trong việc đánh giá về mặt đạo đức những điều quá đáng của Indra, đừng nên quên rằng sự kích thích của soma góp phần tạo nên tính chất tôn giáo trong con mắt của các thi sĩ Vệ đà.
Trong sách Avesta, tên của Indra là tên của một con quỷ. Còn tính ngữ riêng của thần này trong Vệ đà, Vrtrahan, thì ở đây cũng có dạng là verethraghna, để chỉ một vị thần chiến thắng. Như vậy có lẽ trong thời kỳ Ấn Độ – Ba Tư đã có một vị thần gần giống thần Indra giết Vrtra và chiến thắng trong Vệ đà.

So sánh về mặt lịch sử giữa Varuna và Indra, mà tầm quan trọng gần như ngang nhau trong giai đoạn đầu của Rg-Veda, có vẻ như rõ ràng là Varuna lớn hơn trong giai đoạn Ấn Độ – Ba Tư, nhưng lại trở thành nhỏ hơn Indra trong các thời gian sau của Vệ đà. Trái lại Indra đã trở thành người đứng đầu cõi trời trong các sách Brãmana và Sử thi, và vẫn còn giữ địa vị ấy dưới thời Tam vị Brahmã – Visnu – Siva trong sách Purana, dù rằng dĩ nhiên ở một cấp thấp hơn họ.

Ít nhất có ba vị thần cấp nhỏ trong không gian có liên quan với sấm chớp. Một trong số họ là vị thần Tria, chỉ được nói đến trong những câu thơ rời rạc của Rg-Veda. Cái tên này dường như có nghĩa là “thứ ba” (tiếng Hy lạp Trito – s) dưới dạng tia chớp của ngọn lửa. Tính ngữ thường dùng cho thần này, Aptya, dường như có nghĩa là “nhiều nước”. Vị thần này đã có từ thời Ấn Độ - Ba Tư, vì cả tên và tính ngữ của thần này đều thấy trong sách Avesta. Nhưng dần dần thần này bị Indra hất cẳng vì có tính cách rất giống với thần này. Một vị thần khác ít khi xuất hiện trong Rg-Veda và cũng ra đời trong thời đại Ấn Độ - Ba Tư là thần Apãmnapãt - “Người con của nước”. Thần được mô tả là khoác bộ trang phục ánh sáng và tỏa sáng trong nước mà không cần nhiên liệu. Do đó có thể nói chắc rằng thần này đại diện cho thứ lửa sinh ra từ những đám mây mưa dưới dạng tia chớp. Mãtarisvan, hiếm khi được nhắc đến trong Rg-Veda, là một vị thần được mô tả là giống như thần Prometheus của Hy Lạp, đã mang ngọn lửa cất dấu trên trời xuống cho trần gian. Rất có thể thần này là sự nhân hóa của thần lửa Agni trên trời, mà thần này được đồng hóa ở một số đoạn. Trong các cuốn sách Vệ đà về sau, trong các Brãhmana và văn học kế tiếp, tên này chỉ còn để chỉ ngọn gió mà thôi.

Địa vị của thần Rudra trong Rg-Veda rất khác với địa vị của người kế vị sau đó. Thần chỉ được ngợi ca trong ba hoặc bốn bài tụng ca, trong khi tên của thần lại được nhắc đến nhiều lần không kém tên thần Visnu. Thần thường được trang bị bằng cung với tên, nhưng đôi khi thần cũng được gán cho một mũi dáo bằng tia chớp và một cây tầm sét. Thần được mô tả là hung hăng và hủy diệt như một loài thú hoang, và được gọi là “con lợn rừng hung hãn trên trời”. Các tụng ca nói về thần chủ yếu bày tỏ nỗi sợ cây dáo ghê gớm và cơn thịnh nộ của thần. Sự hung ác của thần lại càng nổi bật hơn trong văn học Vệ đà về sau này. Tính ngữ tốt đẹp Shiva, “điềm lành”, từng được áp dụng cho thần trong Rg-Veda, và thường xuyên hơn, mặc dù không phải dành riêng, trong các sách Vệ đà mới, đã trở thành tên gọi thông thường của thần này trong thời kì hậu Vệ đà. Rudra, dĩ nhiên không phải thuần túy là hung ác như một con quỷ. Người ta cầu khấn thần không chỉ để ngừa tránh tai ương mà còn để xin thần ban phát ân phước và sự bình yên cho loài người, loài vật. Khả năng chữa bệnh của thần được nói đến khá thường xuyên, và thần được ca ngợi như một lương y vĩ đại.

Nổi bật trong các số thần của Rg-Veda là các Marut hay thần Bão Tố, họp thành một nhóm ba lần bảy hoặc ba lần sáu mươi. Họ là con trai của Rudra và đám mây - con bò đốm Prsni. Lúc mới sinh ra các thần này được sánh với những ngọn lửa, và đã có lần được nói là “Sinh ra từ tiếng tiếng cười của tia sét”. Họ là một đoàn những chiến binh trẻ tuổi, được vũ trang bằng rìu, dáo và đầu đội nón sắt. Họ được trang sức bằng nhiều vàng vòng trên cổ tay và cổ chân:

Ngời sáng vòng vàng như trời đêm lấp lánh ánh sao,

Như tia chớp trong mây chiếu sáng luồng mưa (ii. 34,2)

Họ ngồi trên những cỗ xe bằng vàng ánh lên tia chớp, vì nắm trong tay những luống sét nóng:

Những tia chớp trên cao mỉm cười cùng mặt đất

Khi các thần Marut gieo rãi sự phì nhiêu (i. 168,8)

Theo mô tả thì kéo xe cho họ là những con ngựa đốm, và đã có lần họ bắt gió làm ngựa kéo xe cho họ.

Các thần Marut hung hăng và đáng sợ, giống như sư tử và lợn rừng. Bánh xe của họ cày nát núi đồi:

Thần Marut tung bụi mù khắp chốn,

Khiến núi non vụn nát tan tành

Khi lướt đi ào ào trong gió. (viii. 7,4)

Họ khuấy động núi rừng và ngấu nghiến cây cối như đàn voi dữ:

Trước các thần, đến cây rừng cũng cúi đầu sợ sệt,

Cả mặt đất và núi non đều phải run lên (v. 60, 2).

Một trong những chức năng chính của họ là mang mưa đến. Họ lấy mưa làm chiếc áo choàng, và những vòi nước che mắt mặt trời. Họ phun ướt mặt đất bằng sữa, gieo rắc sự phì nhiêu (bơ lỏng); họ cung cấp sữa cho con suối gầm gừ không ngơi nghỉ; họ thấm ướt mật ngọt trên đất; họ tuôn đổ thùng nước từ trên trời xuống:

Sông âm vang tiếng bánh xe lăn

Và thốt ra tiếng nói của mây đen (i.168,8)

Để ám chỉ âm thanh của gió, các Marut thường được gọi là người hát, và đã giúp sức cho Indra trong cuộc chiến với loài quỷ. Thật vậy các Maryt luôn luôn là những trợ tá cho thần này trong các cuộc xung đột trên trời.

Thần Gió, tên gọi là Vãyu hay Vãta, không phải là một vị thần quan trọng trong Rg-Veda vì chỉ có ba tụng ca dành trọn cho thần này. Sự nhân hóa được phát triển nhiều hơn dưới cái tên Vãyu, chủ yếu liên quan với Indra, còn Vãta thì chỉ đi đôi với vị thần ít có tính cách con người hơn, Parjanya, thần mưa. Thần Vãyu nhanh nhẹn như là ý tưởng và có một tốc độ phi thường. Thần có một cỗ xe sáng ngời do một đàn hay một cặp ngựa tía kéo đi. Trên chiếc xe này, với một chiếc ghế bằng vàng và chạm tới bầu trời, thần Indra cùng ngồi với thần. Vãta, cũng thường để chỉ thần gió, được sùng bái một cách cụ thể hơn. Tên của thần này có liên quan đến động từ vã, nghĩa là “thổi”, vốn là cái gốc của tên thần. Giống như Rudra, thần này cũng có tài chữa bệnh và kéo dài đời sống, vị thần có một kho báu trường sinh trong nhà. Tác giả một bài tụng ca ngắn (x.168) đã mô tả thần này như sau:

Xin ca ngợi cỗ xe thần Vãta lẫm liệt,

Ào ào phóng nhanh, vang tiếng sấm rền

Chạm tới bầu trời, tạo ra tia chớp,

Rũ bụi xuống trần gian, lao mình tới trước

Giữa không gian hối hả phóng nhanh,

Chẳng một ngày nghỉ ngơi, trì hoãn

Người bạn của nước và thượng tôn trật tự

Thần từ đâu sinh ra, thần đến từ phương nào?

Là linh hồn các thần, là con cái của thế gian,

Thần chỉ muốn lang thang theo sở thích,

Chỉ nghe tiếng mà không nhìn thấy mặt

Chúng ta đây xin dâng lễ cúng thần

Một vị thần không gian khác là thần mưa Parjanya, chỉ được cầu khấn trong ba bài tụng ca và được nhắc tên khoảng ba mươi lần trong Rg-Veda. Cái tên này trong nhiều đoạn chỉ có nghĩa là “mây mưa”. Sự nhân hóa do đó luôn luôn gắn kết chặt chẽ với hiện tượng mưa bão, trong đó chính mây mưa lại trở thành một bầu vú, một xô nước, hay một túi da đựng nước. Thường được sánh với một con bò đực nhưng Parjanya chuyên việc tưới rải nước mưa. Hoạt động của thần được mô tả trong những điệp khúc thật sinh động (v.83):

Những thân cây thần đập xuống trần gian đánh tan lũ quỷ:

Cả thế giới run sợ vị thần có cây tầm sét quyền năng

Người vô tội thoát khỏi vị thần uy lực

Vào lúc thần ầm ầm trừng trị kẻ bất lương

Như người đánh xe quất ngựa thúc nhanh,

Thần giục giã cơn mưa phóng tới

Tiếng sư tử gầm từ xa vọng lại,

Là lúc Parjanya trùm khắp không gian

Gió thổi tới, tia chớp sà xuống đất

Cày nát cỏ cây, xối nước lên vương quốc ánh sáng

Thực phẩm dồi dào trồi lên cho cả thế gian,

Đó là lúc Parjanya khiến mặt đất nẩy mầm

Tiếng sấm và tiếng gầm: mầm sống đang tích tụ

Với cỗ xe mang nước lượn quanh ta!

Túi nước mở ra để tưới xuống trần gian,

Chan hòa chỗ trũng chỗ cao bằng biển nước!

Thần Nước được ca ngợi là những nữ thần trong bốn bài tụng ca của Rg-Veda. Tuy nhiên sự nhân hóa không đi xa hơn việc xem nước như những bà mẹ, những người vợ trẻ, những nữ thần ban phát ân huệ và dự lễ hiến tế. Là người mẹ, nước đã sinh ra thần Agni, mà hình thức sấm chớp của thần này , như chúng ta đã thấy, được gọi là Apãm Napãt “Con của nước”. Nước thần rửa sạch sự uế nhiễm, thậm chí còn được cầu khấn để xóa sạch tội lỗi trong lương tâm, tội lỗi do bạo lực, do nguyền rủa và do dối trá. Các nữ thần này cấp thuốc, chữa bệnh, giúp cho người trường sinh, bất tử.

Trong Rg-Veda nhiều con sông được nhân hóa như những vị thần. Một tụng ca (x.75) ca ngợi sông Shindu hay Indus, còn một bài khác (iii.33) thì ca ngợi chị em các con sông Vipãs và Sutudrĩ. Tuy nhiên, Sarasvati mới là nữ thần sông quan trọng nhất, được tán tụng trong toàn bộ ba bài tụng ca cũng như trong nhiều câu thơ riêng rẻ khác. Sự nhân hóa ở đây đi xa hơn trường hợp các dòng sông khác, nhưng thi sĩ chẳng lúc nào xao nhãng mối liên hệ giữa nữ thần này với dòng sông. Bà được xem là hoàn hảo nhất trong số các bà mẹ, các dòng sông và các nữ thần . Bầu vú không bao giờ cạn của bà đem lại cho ta đủ loại trù phú, bà ban cho ta sự giàu sang, sung túc, thức ăn và con cái đông đúc. Một thi sĩ cầu cho mình đừng bị tách ra khỏi nữ thần này để đưa đến những lĩnh vực xa lạ khác. Bà được cầu khấn để từ trên trời, từ trên núi cao đáp xuống dự lễ hiến tế. Những kiểu nói này khiến người ta nghĩ đến nguồn gốc nhà trời của dòng sông Hằng, rất thường được nói đến trong thần thoại sau Vệ đà. Dù chỉ là một thần sông trong Rg-Veda nhưng trong sách Brãmana thì Saravastĩ được đồng hóa với Vãk, nữ thần ngôn ngữ, và trong thần thoại sau Vệ đà đã trở thành nữ thần của sự hùng biện và thông thái, được cầu khấn như một nàng thơ, và được xem như vợ của Brahmã. 

Nữ thần Đất, Prthivĩ, nữ thần Rộng Lớn, ít khi được tácg khỏi Dyaus, và được ca ngợi một mình trong một tụng ca có ba stanza (v.84). Thậm chí ở đây thi sĩ cũng không khỏi nhắc đến ông chồng trên trời của nữ thần này trong khi tán tụng bài:

Người bám giữ cây rừng

Vững vàng trên mặt đất,

Khi mưa lũ tuôn tràn

Từ chòm mây lóe sáng trên cao.

Sự nhân hóa ở đây chỉ sơ sài thôi, các thuộc tính của nữ thần chủ yếu vẫn là những thuộc tính của đất.

Quan trọng nhất trong các vị thần trên đất là Agni, thần Lửa. Đây là vị thần nổi bậc nhất sau Indra trong các vị thần Vệ đà, vì được ca ngợi trong hơn 200 bài tụng ca. Sự nhân hóa ngọn lửa hiến tế, trung tâm của thi ca nghi thức Vệ đà, đương nhiên thu hút nhiều sự chú ý của các Rsi, Agni cũng là tên thường gọi của nguyên tố lửa ( tiếng La tinh Igni-s), còn sự nhân hình hóa vị thần này chỉ sơ sài thôi. Các bộ phận cơ thể của vị thần này có liên quan rõ rệt với các hiện tượng về lửa, chủ yếu là qua hình thức hiến tế. Để ám chỉ việc dâng cúng bơ ném vào trong lửa. Agni được gọi là “Agni lưng dính bơ”, “mặt dính bơ”, hay “tóc dính bơ”. Thần này còn được gọi là “Tóc bốc lửa” nữa, và có một bộ râu màu vàng nâu. Thần có những chiếc răng bén, lấp lánh bằng vàng hay bằng sắt và cặp hàm mạnh mẽ. Người ta cũng nói đến những cái lưỡi của thần nữa. Thần thường được so sánh với con ngựa đua, hoặc gọi thẳng bằng tên con ngựa này, thường được buộc vào cây cột nghi thức để mang lễ vật hiến tế đến cho các vị thần. Thần cũng thường được sánh với một con chim có đôi cánh và đường bay nhanh đến các cị thần. Thần ăn và nhai cây rừng bằng hàm răng sắc bén. Ánh sáng của thần giống như tia sáng của bình minh hay của mặt trời, và cũng giống tia chớp của đám mây mưa; nhưng lối mòn và bánh xe của thần thì có màu đen, và những con ngựa của thần cũng để lại những lằn vệt màu đen. Đi theo hướng gió, thần lao qua rừng cây. Thần chiếm lấy khu rừng và hớt sạch lông tóc mặt đất giống như một tay thợ cạo. Ngọn lửa của thần giống như là sóng biển gầm gừ. Thần rống lên như một con bò khi xâm chiếm rừng cây, chim chóc kinh hồn khi nghe vang lên âm thanh tia lửa ngấu nghiến cỏ cây. Thần như chống đỡ bầu trời bằng cây cột khói của mình, và một trong những tính ngữ đặc trưng của thần là “người mang lá cờ bằng khói”. Thần ngồi trên một chiếc xe rực sáng, do hai hay nhiều con ngựa kéo, những con ngựa màu đỏ tía hoặc vàng nâu, được gió đẩy đi. Thần buộc ngựa vào xe để đi triệu tập các thần, vì thần là gã đánh xe trong lễ hiến tế.

Các thi sĩ thường nói nhiều về những sự ra đời, hình dạng và chỗ ở của thần. Họ thường nói đến sự sinh ra hàng ngày của thần Agni từ sự cọ xát của hai thanh cây. Các thanh cây này được xem là cha mẹ của thần, và đứa con mới sinh của họ không dễ gì nắm được. Thần cũng được sinh ra bừng bừng từ rừng cây khô, vừa mới ra đời đứa con đã ăn thịt cả cha mẹ nó. Mười cô gái được cho là đã tạo ra thần là mười ngón tay được dùng để quay chiếc khoan lửa. Agni được gọi là “người con của sức mạnh” vì cần có sự cọ xát mạnh để nhen được một mồi lửa. Vì sáng nào ngọn lửa cũng được đốt lên để làm lễ hiến tế cho nên Agni được mô tả là “ thức giấc lúc bình minh”. Thế nên thần là “trẻ nhất” trong các vị thần; nhưng thần cũng cao tuổi, vì đã điều khiển buổi lễ hiến tế đầu tiên. Vì vậy thần này được gọi một cách trái ngược bằng hai cái tên “trẻ” và “già” trong cùng một đoạn.

Agni cũng phóng ra từ các vùng nước trên trời, và thường được nói là từ trên trời xuống. Sinh ra trên mặt đất, trong không gian và trên bầu trời, Agni thường được xem là có cả ba tính cách. Agni được sinh ra ba lần, và có ba chỗ ở. “Agni được sinh ra lần thứ nhất từ trên trời, lần thứ hai từ chúng ta (nghĩa là từ bàn tay con người), lần thứ ba từ trong nước”. Bộ ba đầu tiên này của người Ấn được xem là nền tảng cho nhiều suy diễn thần bí của thời đại Vệ đà. Đây có lẽ là nguyên mẫu không những chỉ của tam vị sau này trong Rg-Veda là Mặt trời, Gió và Lửa, được bố trí tại ba miền thế giới, mà cả của tam vị Mặt trời, Indra và Lửa, ba vị này dù không thuộc thời Rg-Veda nhưng vẫn là xưa cổ. Đây cũng rất có thể là tổ tiên của bộ ba các thần Hindu sau này là Brahmã, Visnu và Siva. Bộ ba thần lửa có thể khiến cho người ta nghĩ đến hoặc giải thích cho sự phân chia ngọn lửa hiến tế ra làm ba thứ, tạo nên đặc điểm cơ bản cho việc thờ cúng của các Brãhmana.

Vì có nhiều lửa trên mặt đất cho nên người ta cũng nói là thần Agni đã được sinh ra nhiều lần, thần này sống trong tất cả mọi gia đình và mọi nhà.  Dù được nhen nhúm thành nhiều cụm nhưng thần vẫn là một, và dù rải rác nhiều nơi nhưng thần chỉ là một ông vua duy nhất. Những ngọn lửa gắn liền với thần như những cành cây của một thân cây. Thần có nhiều hình dạng và có nhiều tên, nhưng trong thần bao gồm tất cả các thần, và thần bao bọc quanh họ như cái vành bánh xe bọc quanh các nan hoa vậy. Thế nên chúng ta thấy có nhiều suy đoán về các hoạt động khác nhau của một thần Agni, dẫn đến khái niệm độc thần về một sự thống nhất trong nhiều biểu hiện của thần linh.

Agni là một bậc thần tiên sống giữa người phàm, thần luôn được gọi là “khách”trong các nơi ở của con người, và là vị thần duy nhất được gán cho tính ngữ grhapati - “ông chúa trong nhà”.

Trong cương vị người điều khiển lễ hiến tế, Agni luôn được gọi bằng hai cái tên “sứ giả” là người đi lại giữa trời với đất, và cái tên tư tế. Thật vậy, thần này là một đại tư tế, cũng giống như Indra là một chiến binh vĩ đại vậy.

Hơn thế nữa, Agni còn là một vị thần giúp đỡ hữu hiệu cho người thờ cúng thần. Với một nghìn con mắt, thần trông nom cho người dâng cúng lễ vật, nhưng cũng tiêu diệt kẻ thù của người thờ thần như đốt bụi cây khô, và trừng trị kẻ ác như là sét đánh trên một thân cây. Những điều ân phúc do thần ban ra giống như cánh nhánh mọc ra từ một thân cây. Tất cả mọi kho báu đều được tập trung nơi thần, và thần là người mở rộng cánh cửa giàu sang. Thần đem mưa từ trên trời xuống, và như một dòng suối hiện ra giữa sa mạc vậy. Tuy nhiên, những ân huệ mà thần ban phát chủ yếu chỉ là những hạnh phúc trong gia đình, sự sinh con đẻ cái, và sự thịnh vượng nói chung, còn ở thần Indra thì phần lớn những điều được thần ban cho là sự chiến thắng, quyền lực và vinh quang.

Có lẻ nhiệm vụ lâu đời nhất của thần Lửa là đốt cháy và xua đuổi tà ma. Điều này được lưu truyền lại từ trước đó trong sách Rg-Veda, vì thần Agni được nói là đã đánh tan các loài yêu tinh bằng ánh sáng của mình, và được gọi bằng danh hiệu raksohan “người diệt yêu tinh”. Hành động này dù sao cũng tiêu biểu cho Agni hơn là bất cứ vị thần nào khác, cả trong các bài tụng ca và trong các nghi thức của Vệ đà.


Vì rằng bên cạnh việc thờ lửa, việc dâng cúng cho thần Soma là một nghi thức quan trọng trong nghi thức của Rg-Veda cho nên thần Soma đương nhiên là một trong các vị thần chính của bộ sách này. Toàn bộ cuốn sách thứ chín, cùng với một vài tụng ca rải rác ở các nơi khác, được dùng để ca ngợi thần này. Do đó, xét về số lần được nhắc đến, thần Soma đứng thứ ba về mức độ quan trọng trong số các thần Vệ đà. Sự hiện diện thường ngày của cây soma và nước ép của nó trước mắt các thi sĩ khiến cho trí tưởng tượng của họ trong việc nhân hóa vị thần này đã bị hạn chế ít nhiều. Không thấy nói nhiều về hình dạng con người và hành động của thần Soma. Cuốn sách thứ chín chủ yếu chỉ gồm những câu thần chú đọc trên nước ép soma khi thứ cây này được ép bằng những hòn đá rồi cho chảy qua tấm lưới lọc bằng lông cừu để đi vào trong các thùng bằng gỗ, cuối cùng nước ép được dâng cúng cho các vị thần trong những thùng này dưới dạng một thức uống được rải trên một đệm cỏ. Các thi sĩ quan tâm nhiều nhất đến quá trình này, họ mô tả công việc này với sự hình tượng mông lung và qua những câu chuyện huyễn hoặc thần bí đủ loại. Khi Soma được nói là được tinh khiết hóa bằng mười thiếu nữ chị em, hoặc bằng những cô con gái của Vivasvat (Mặt trời mọc), tức là họ muốn nói đến mười ngón tay. Các hòn đá dùng để dần tán các chồi non trên một tấm da được nói là “nghiền nát thần trên tấm da bò”. Dòng nước ép chảy vào trong vại hay trong thùng sau khi đi qua tấm lọc bằng lông cừu thì được mô tả theo nhiều cách như : Các dòng suối soma tuôn vào rừng thùng như một đàn trâu. Vị thần bay lên như một cánh chim rồi đậu lại trên thùng gỗ. Vị Thần Nâu đậu lại trên những cái tô giống như con chim đậu trên cành cây. Khi nước ép được pha lẫn với nước lã trong thùng, người ta nói là thần Soma lao vào trong nước như một con bò đực gầm rống lao vào giữa bầy. Khoác lấy áo nước trên người, vị thần này lồng lộn trong thùng gỗ, dưới sự giục giã của những tiếng hát. Trong lúc đùa chơi trong rừng, thần được mười cô thôn nữ lau sạch. Thần là bào thai hay đứa con của nước, được xem là mẹ của thần. Khi các tư tế pha sữa bò vào trong soma thì họ đang “khoác tấm áo bò cho thần”.

Âm thanh gây ra bởi nước ép soma chảy vào trong thùng hay trong tô được mô tả bằng một ngôn ngữ cường điệu. Thế nên một thi sĩ đã nói “những giọt nước ngọt ngào chảy qua lưới lọc nghe như tiếng huyên náo của những chiến binh”. Âm thanh này luôn được mô tả là gầm, rống, thậm chí vang rền như tiếng sấm. Trong những đoạn thơ như thế soma thường được ví như con bò đực, và nước lã, có sữa hoặc không có sữa, được cho là những con bò cái.

Do ở màu vàng của nước ép cho nên chất lượng hình thể của soma được các thi sĩ nói đến nhiều nhất là sự lấp lánh của nó. Họ thường được nói đến các tia sáng của thần, và thần này thường được đồng hóa với mặt trời.

Tác dụng kích thích và tăng cường sinh lực của soma khiến cho thứ nước này được xem là thức uống thiêng liêng đem lại sự trường thọ. Thế nên nó có tên là amrta, liều thuốc trường sinh (gần giống với chữ ambrosia của Hy lạp). Soma là chất kích thích đem lại sự trường simh bất tử cho các vị thần. Soma cũng khiến cho những người thờ cúng thần này được đi vào một thế giới bất diệt, trong đó có ánh sáng và sự vinh quang muôn thuở, làm cho tín đồ của thần trở thành bất tử tại vương quốc của Diêm la. Thế nên đương nhiên soma cũng có khả năng trị bệnh. Đây là thứ thuốc cho người đau yếu, và thần Soma chữa lành mọi bệnh tật, làm cho người mù sáng mắt, và người què đi được.

Soma khi đã ngấm vào thì sẽ kích thích lời nói như người chèo thuyền đẩy con thuyền đi vậy. Soma cũng đánh thức những ý tưởng cuồng nhiệt, và người thờ thần reo lên “chúng tôi đã uống soma, chúng tôi đã thành bất tử, chúng tôi đã đi vào cõi ánh sáng, đã biết các thần linh”. Khả năng gây say của soma thường được nói đến chủ yếu và thường xuyên có liên quan đến thần Indra, vì nó kích thích thần này trong sự xung đột với bầy quỷ thù địch ở trên trời.

Là thứ cây cỏ quan trọng nhất nên soma được xem là chúa tể các loài cây, hay ông vua của cây cỏ, và cũng được gán cho tính ngữ vanaspati, “chúa tể rừng xanh”.


Soma thường được mô tả là thứ cây mọc trên vùng núi, tương ứng với những câu nói của Avesta về Haoma. Nguồn gốc và nơi ở thực của nó được cho là ở trên trời, rồi từ đó được đem xuống trần gian. Sự tin tưởng này thường thấy thể hiện trong thần thoại về con đại bàng (syena) mang cành soma, mà có lẽ chỉ là sự giải thích cho một hiện tượng đơn giản là tia chớp lóe sáng và cơn mưa đổ xuống cùng một lúc.

Trong một số tụng ca sau cùng của Rg-Veda, Soma bắt đầu được đồng hóa một cách khó hiểu với mặt trăng. Trong Atharvaveda Soma nhiều lần có nghĩa là mặt trăng, còn trong Yajurveda thì Soma được nói là có những lâu đài cho các bà vợ của mình ở trên mặt trăng. Sự đồng hóa này thường thấy trong các sách Brãhmana, sách này giải thích sự khuyết dần của mặt trăng là do là các thần và các tổ tiên ăn mất chất ambrosia tạo nên mặt trăng. Ngoài ra, trong một cuốn sách của bộ Upanisad, mặt trăng được cho là vua Soma, là thức ăn và thức uống của các vị thần. Cuối cùng trong văn học thời sau Vệ đà, soma là tên thường gọi của mặt trăng, vốn bị các thần ăn cho nên khuyết mòn dần cho đến khi được mặt trời đắp cho đầy lại. Sự gắn bó đặc biệt này giữa mặt trời và mặt trăng chắc chắn là có nguồn gốc từ những câu nói cường điệu mà qua đó các thi sĩ của Rg-Veda muốn nhấn mạnh trên tính chất nhà trời và sự lấp lánh của Soma mà họ cho là có khả năng xua đuổi bóng tối. Có khi họ nói là Soma nở ra trong nước, và gọi chất nhựa cây này là “giọt nước” (indu). Như vậy tự nhiên dễ có sự so sánh với mặt trăng. Chẳng hạn như trong một đoạn của Rg-Veda, Soma đựng trong chén được nói là trông giống như mặt trăng trong nước vậy. Những sự suy diễn thần bí nhan nhãn trong thi ca về Soma có lẽ sẽ làm cho sự tượng trưng này trở nên trọn vẹn hơn.

Sự so sánh Avesta với Rg-Veda cho ta thấy rõ ràng rằng soma vốn đã là một đặc điểm quan trọng trong thần thoại và trong việc thờ cúngcủa thời đại Ấn Độ – Ba tư. Trong cả hai sách này cây soma được mô tả là mọc ở trên núi, rồi được chim chóc mang xuống; trong cả hai bộ sách , nó là vua các loài cây, là thứ dược liệu đem lại sự sống và xua đuổi cái chết. Hai sách này cùng nói rằng soma được ép với nước rồi pha với sữa; cả hai sách cùng nói gốc tích thần bí của nó ở trên trời, rồi từ đó mới xuống trần gian. Cả hai đều nói thứ thuốc này là một vị thần đầy uy lực; cả hai sách đều phân biệt Soma trên trời và Soma dưới đất, phân biệt vị thần Soma và thức uống soma. Sự tương đồng rất nhiều đến nỗi Soma và Haoma thậm chí còn có những tính ngữ chung.


  1. Каталог: application -> uploads -> subjects -> mediahk4-k1 -> VAN%20HOC%20PHAN%20TANG
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> ĐỀ CƯƠng ôn thi môn văn học phạn ngữ (Thời gian làm bài 60 phút)
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> VĂn học sanskrit trong kinh tạng I. Khái quát về Kinh Tạng Saṅskrit Phật giáo
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> LUẬn tạng trong văn học sanskrit phật giáo I. Khái quát về Luận Tạng (Abhidharma-pitaka) Sanskrit Phật giáo
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> Triết lý CỦa rg-veda giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường) SỰ chếT
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> THỜI ĐẠi rg-veda giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)
    VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> CÁc sách vệ ĐÀ VỀ sau giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường) samaveda

    tải về 264.55 Kb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương