Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2008 và triển vọng năm 2009



tải về 18.71 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích18.71 Kb.
#30597
Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2008 và triển vọng năm 2009

Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2008 đạt 685 nghìn tấn, với trị giá đạt 1,69 tỷ USD, giảm 4,1% về lượng nhưng tăng 21,6% về giá trị so với năm 2007, do cao su xuất khẩu được giá cao trong những tháng đầu năm 2008. Giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam trong năm 2008 đạt 2.483 USD/tấn, cao hơn 27,9% so với mức giá xuất khẩu bình quân năm 2007.


Hình 1: Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, 1995-2008



Top 10 thị trường cao su xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2008

Theo báo cáo thường niên ngành hàng Cao su Việt Nam 2008 và Triển vọng 2009 của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), trong hơn 70 nước và vùng lãnh thổ hiện Việt Nam xuất khẩu cao su thiên nhiên thì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên chính của Việt Nam. Năm 2008, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 952,7 triệu USD, chiếm 56% thị phần xuất khẩu của cao su Việt Nam. Các thị trường khác đứng sau thị trường Trung Quốc như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan…trung bình chỉ chiếm 3-5% trong tổng thị phần xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành sử dụng và chế biến các sản phẩm từ cao su thiên nhiên nên tại hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, giá trị xuất khẩu cũng như thị phần xuất khẩu đều có sự sụt giảm mạnh so với năm 2007. Tại thị trường Đài Loan, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này năm 2007 đạt 67,4 triệu USD, với mức thị phần chiếm 4,8% tổng lượng xuất khẩu. Năm 2008, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan chỉ đạt gần 40 triệu USD, giảm 40,6% so với trị giá xuất khẩu của năm 2007. Thị phần xuất khẩu của thị trường này trong năm 2008 cũng chỉ đạt 2,3%, giảm hơn 50% so với mức thị phần của thị trường này nắm giữ trong năm 2007.

Hình 2: Top 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu cao su lớn nhất Việt Nam, 2008



Nguồn: AGROINFO tính toán theo nguồn của Tổng cục Hải quan

Top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su lớn nhất Việt Nam

Trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu lớn nhất Việt Nam thì thị trường Đức và thị trường Ý có tốc độ nhập khẩu cao su thiên nhiên 2008 từ Việt Nam lớn hơn nhu cầu nhập khẩu cao su từ các thị trường khác. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2007/08 cao su thiên nhiên từ thị trường Đức đối với Việt Nam đạt 14,7% và đạt tốc độ tăng trưởng 7,65% đối với tổng nhập khẩu từ thị trường thế giới. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2007/08 đối với cao su thiên nhiên từ thị trường Ý đối với Việt Nam đạt 38% và 13.49% đối với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, một số thị trường khác như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ thì lại giảm nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên từ thị trường Việt Nam trong khi tổng nhu cầu nhập khẩu của các nước đó năm 2008 tăng hơn so với năm 2007.



Hình 3: Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu của top 10 thị trường từ Việt Nam và thế giới, 2008



Nguồn: (1): Tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam, 2007/08 được AGROINFO tính theo số liệu cả năm 2007 và 2008 từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

(2): Tăng trưởng nhập khẩu từ thế giới, 2007/08 được AGROINFO tính theo số liệu 11 tháng năm 2007 và 11 tháng năm 2008 từ số liệu của GTIS.

Mặc dù Cộng hoà Séc có kim ngạch nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Việt Nam không lớn nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2007/08 lớn nhất từ thị trường Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong năm 2008 đạt 130%, kim ngạch đạt 8,3 triệu USD, tăng gần 50% so với mức 3,6 triệu USD trong năm 2007. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao su tại thị trường Mỹ đứng thứ hai thế giới, phần trăm tăng trưởng đạt mức gần 37%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2008 chỉ đạt 30,5 triệu USD, giảm gần 20% so với kim ngạch năm 2007. Số lượng nhập khẩu cao su của thị trường Mỹ từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng âm ngoài việc nhu cầu tiêu dùng của ngành công nghiệp ô tô giảm mạnh, còn có thể do chất lượng hàng hoá và kênh phân phối của Việt Nam chưa thật sự được tốt và hiệu quả.



Hình 4: Top 10 thị trường có tốc độ kim ngạch nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, 2007-2008 (%)



Nguồn: AGROINFO tổng hợp theo số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường xuất khẩu cao su triển vọng trong năm 2009

Cũng theo Báo cáo Thường niên ngành hàng Cao su Việt Nam 2008 và triển vọng 2009 của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) thì dựa theo số liệu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su trong năm 2007-2008 và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 thì Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng nhập khẩu cao su lớn trên thế giới cũng như nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam. Thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su năm 2007-2008 lớn nhất thế giới, ở mức 39,27%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007-2008 của thị trường Trung Quốc từ Việt Nam cũng đạt 26,59%. Với số liệu dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2009 đạt 6,7% (IMF) thì Trung Quốc vẫn sẽ được đánh giá là thị trường nhập khẩu cao su triển vọng trong năm 2009.


Thị trường Hàn Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự báo đạt 3,4% và tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007-2008 đạt 28,72% cũng được đánh giá là thị trường nhập khẩu cao su triển vọng trong năm 2009.

Các thị trường khác như Cộng hoà Séc mặc dù có kim ngạch nhập khẩu cao su trong năm 2008 không lớn, chỉ đạt 8,3 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao trong giai đoạn 2007-2008. Với dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong năm 2009 sẽ đạt 3,3% thì thị trường này cũng được coi là thị trường triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2009.


Nguyễn Trang Nhung - Phạm Quang Diệu

Trích từ “Báo cáo thường niên ngành hàng cao su Việt Nam 2008 và triển vọng 2009” của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO)



tải về 18.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương