THỊ trưỜng hàng hoá ĐÁng quan tâm trong tuần chính phủ đồng ý bơm mạnh ngoại tệ để cứu tỷ giá



tải về 176.87 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích176.87 Kb.
#38097
  1   2   3
Tin tuần từ 01-07/11/2010


THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ ĐÁNG QUAN TÂM TRONG TUẦN


Chính phủ đồng ý bơm mạnh ngoại tệ để cứu tỷ giá

Giải pháp cả gói nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ đang lên cơn sốt vừa được thường trực Chính phủ chấp thuận, trong đó kiên quyết không tăng tỷ giá, không kết hối.


Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố thông tin này sáng nay. Theo đó, Chính phủ kiên định với chủ trương không tăng tỷ giá, không kết hối ngoại tệ, nghiêm cấm tăng lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ.

Tuy nhiên, Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc bơm ngoại tệ phục vụ các nhu cầu nhập khẩu thiết yếu, thay vì chỉ bơm nhỏ giọt như thời gian qua. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện giảm so với mức đỉnh cao trên 20 tỷ USD trước đây, song vẫn đủ sức để can thiệp bình ổn thị trường.

Cùng với việc bơm ngoại tệ, Chính phủ chủ trương để lãi suất tiền đồng vận hành theo cơ chế thị trường, thay vì yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp như trước đây. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để lãi suất tiền đồng tăng theo cung cầu thị trường sẽ giúp đồng nội tệ được giá, qua đó giảm sức ép với tỷ giá. Thông tin chi tiết sẽ sớm được Ngân hàng Nhà nước công bố trong nay mai.

Thị trường ngoại tệ lên cơn sốt kể từ cuối tháng 9, bứt khỏi giá chính thức 19.500 đồng của ngân hàng, rồi chinh phục mốc 20.000 đồng và từ đầu tuần đến giờ đang áp sát mốc 21.000 đồng. Đây là lần đầu tiên trong năm tỷ giá tự do bỏ xa giá ngân hàng tới hơn 1.000 điểm. Trên thị trường liên ngân hàng, giá cũng bị đẩy lên 20.700 đồng vào chiều qua.

Trước cơn sốt nóng của thị trường, nhiều người đồn đoán tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng thêm, hoặc phải tính tới giải pháp ép tất cả các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng (một giải pháp thường được biết đến với cái tên kết hối). Tuy nhiên các chuyên gia không đánh giá cao các giải pháp này. Bởi nếu điều chỉnh tỷ giá cũng không thấm vào đâu so với đà tăng của thị trường, và sẽ khiến tình hình lạm phát thêm căng thẳng. Còn nếu kết hối trong tình trạng giá tự do vênh quá xa so với ngân hàng cũng là điều không có lợi đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Thép sẽ tăng tối thiểu 500.000 đồng/tấn vì… tỷ giá?

Hiện giá phôi thép trên thế giới vẫn đứng ở mức 600 USD/tấn, nhưng do sự mất giá của VND so với giá USD, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải mua “đắt” thêm khoảng 600.000 đồng/tấn.

Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Trao đổi với VnEconomy, ông Nghi cho biết: cuối tháng 10/2010, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Theo đó, giá thép đang được các nhà sản xuất bán ra ở mức phổ biến từ 13,2 - 13,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thể bù đắp cho phần chi phí mà các doanh nghiệp đã phải “cõng” thêm do sự tăng giá mạnh của USD so với VND.

Ông Nghi dẫn chứng, trước đây các doanh nghiệp phải mua USD với giá 19.500 đồng/USD thì nay phải mua là 20.500 đồng/USD. Hiện giá phôi thép trên thế giới vẫn đứng ở mức 600 USD/tấn, nhưng do sự mất giá của VND so với giá USD, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải mua “đắt” thêm khoảng 600.000 đồng/tấn. Trong khi nguyên liệu này lại chiếm tới 94% giá thành của sản phẩm thép xây dựng bán ra.
“Vì vậy, các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng tối thiểu là 500.000 đồng/tấn thì mới đủ bù đắp các chi phí. Song việc tăng giá cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp nhận của thị trường”, ông Nghi cho hay.

Hàng năm, tháng 11 và tháng 12 đều là cao điểm của mùa xây dựng, do đó VSA dự báo lượng thép tiêu thụ sẽ tăng mạnh, ước tính mỗi tháng sức mua sẽ trên 400.000 tấn. Ông Nghi cho rằng đây chính là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tăng giá bán để giảm bớt thua lỗ.

Cũng theo VSA, tính đến 31/10, lượng thép tồn kho của các nhà máy là khoảng 270.000 tấn. Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị được khoảng 480.000 tấn phôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. “Do vậy, sẽ không có hiện tượng tăng giá do thiếu hàng”, ông Nghi khẳng định.


XUẤT NHẬP KHẨU

ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU


Sản phẩm nhựa VN có tiềm năng ở Anh
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ nhựa gia dụng, các loại chậu, sản phẩm bàn ghế nhựa ngoài trời, cây cảnh trang trí trong vườn... ở Anh là rất lớn.

Theo khảo sát của Thương vụ VN tại thị trường Anh, người tiêu dùng nước này sử dụng trung bình 50-60kg sản phẩm nhựa/năm, vì vậy nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ nhựa gia dụng, các loại chậu, sản phẩm bàn ghế nhựa ngoài trời, cây cảnh trang trí trong vườn... ở Anh là rất lớn. Sau khi thương vụ tổ chức đoàn khảo sát thị trường, kết quả cho thấy sản phẩm VN hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Để xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Anh, các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu nào?

Anh là quốc gia có nền kinh tế thị trường mở, tuy nhiên các mặt hàng nhập khẩu vào Anh cần đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về môi trường, kỹ thuật. Đặc biệt các mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cần đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn của EU và các quy định về xuất xứ. Các hóa chất dùng trong công nghiệp nhựa cũng phải đảm bảo các yêu cầu này.


Sản lượng cà phê sẽ giảm đáng kể

Hiện cả nước đang vào đầu vụ thu hoạch cà phê (niên vụ 2010-2011), nông dân bán được giá cao, từ 30.000 đồng - 31.000 đồng/kg, có lãi từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2009-2010. Trong niên vụ 2009-2010, các doanh nghiệp cà phê đã xuất khẩu được gần 1,2 triệu tấn (giảm 30.000 tấn so với vụ trước) với giá trị 1,66 tỉ USD.

Dự báo niên vụ cà phê 2010-2011, sản lượng sẽ giảm đáng kể do hạn hán kéo dài. Để bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu và ổn định giá thu mua cà phê, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành chiến lược phát triển cà phê bền vững và chính sách tạm trữ hằng năm bắt đầu từ đầu vụ (vào tháng 11) với số lượng tối thiểu 300.000 tấn.

Hiện cả nước đang vào đầu vụ thu hoạch cà phê (niên vụ 2010-2011), nông dân bán được giá cao, từ 30.000 đồng - 31.000 đồng/kg, có lãi từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg.
Hội nghị quốc tế về phát triển nuôi ong và thương mại mật ong

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Ong thế giới, Hội Ong Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Ong tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển nuôi ong và thương mại mật ong nhằm trao đổi kinh nghiệm và các giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển mạnh và bền vững nghề nuôi ong.


Tại Hội nghị này, các đại biểu trong nước và nước ngoài đến từ An-giê-ri, Campuchia, Canada, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức… sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề: Nuôi ong xoá đói giảm nghèo; Chất lượng và quản lý chất lượng mật ong; Quản lý bệnh dịch trên ong; sản xuất, tiếp thị mật ong rừng, “mật ong xanh” và mật ong thương mại.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định: Nuôi ong không những tạo ra sinh kế bền vững và thu nhập cho người dân mà còn góp phần tăng sản lượng và chất lượng nông sản, tạo cân bằng và đa dạng cho hệ sinh thái.

Hàng năm Việt Nam sản xuất được gần 20.000 tấn mật ong và xuất khẩu chiếm khoảng 80-85% tổng sản lượng mật- là một trong 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Theo Hội Ong Việt Nam, yếu tố quan trọng tạo sự bền vững trong phát triển nghề nuôi ong và thị trường mật ong là chất lượng quý, hiếm của mật ong. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng ong mật và nghề nuôi ong đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là đứng trước nguy cơ dịch bệnh, giống bị thoái hóa…Vì vậy, hội thảo này là cơ hội để giúp ngành ong Việt Nam phát triển an toàn và bền vững.

Ông Gilles Ratia - Chủ tịch Hội Ong thế giới cho biết: Hội nghị lần này chú trọng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thương mại và chất lượng mật ong; lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, xuất xứ nguồn hoa, nguồn mật cũng như những tiêu chuẩn mới, trong đó có tiêu chuẩn về mật ong hữu cơ… Những nỗ lực tại hội nghị này nhằm tạo ra hệ sinh thái ổn định thông qua nghề nuôi ong và vấn đề bình đẳng trong thương mại mật ong để cải thiện nghề nuôi ong trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng./.
Đăk Lăk xuất khẩu trên 10.000 tấn mật ong trong năm nay

Tính đến cuối tháng 10, Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk thu mua được 11.000 tấn mật ong và đã xuất khẩu trên 8.000 tấn. Sản phẩm mật ong được xuất khẩu tới các nước Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc; riêng thị trường Hoa kỳ nhập khẩu trên 80% sản phẩm mật ong của Đắk Lắk. Trong 2 tháng cuối năm, Công ty xuất khẩu thêm 2.000 tấn mật ong, phấn đấu sản lượng xuất khẩu cả năm 2010 đạt trên 10.000 tấn sản phẩm, với kim ngạch đạt trên 20 triệu USD, cao gấp đôi năm 2009.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mật ong, Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk đã mở rộng đầu tư sản xuất trong tỉnh Đăk Lắk, một số tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Công ty đã đầu tư cho các chủ trại và hộ nuôi ong 25 tỉ đồng bằng các loại vật tư cần thiết cho hoạt động nghề nuôi ong lấy mật. Đến thời vụ khai thác mật, công ty thu lại vốn đầu tư bằng sản phẩm mật và sáp ong phục vụ yêu cầu xuất khẩu. Công ty đã xây dựng 3 nhà kho tại Đắk Lắk, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh có sức chứa 13.000 tấn sản phẩm mật ong. Tại đây, công ty lắp đắt các thiết bị máy móc tiến tiến để tinh lọc mật ong, kiểm nghiệm sản phẩm và đóng gói hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2010, toàn tỉnh Đăk Lăk phát triển 200.000 đàn ong, sản lượng khai thác đạt trên 11.500 tấn mật, cao gấp đôi so với năm 2009./.


Năm 2010, xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ đạt 2 tỷ USD

Sáng 29/10/2010, tại Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu cao su khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là đại diện của các công ty cao su vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Hiệp hội cao su và các địa phương…

Hội nghị thảo luận bàn biện pháp tiêu thụ và xuất khẩu tốt nhất tránh phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cao su mậu biên cho cao su khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Tại hội nghị, Tập đoàn cao su Việt Nam đã trình bày tổng quan về tiêu thụ và xuất khẩu của Tập đoàn và khu vực Tây Nguyên- duyên hải miền Trung. Nhiều công ty cao su ở khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên như cao su Chư Pãh, Kon Tum, Eah’Leo.. đã trình bày thực trang xuất khẩu cao su cũng như những khó khăn và kinh nghiệm của mình. Bên cạnh đó, một số công ty cao su ở khu vực miền Đông cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng dài hạn (cao su Dầu Tiếng); kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường (cao su Đồng Phú); kinh nghiệm trong tiêu thụ và xây dựng thị trường mủ ly tâm (cao su Tây Ninh)…

Được biết trong 3 năm trở lại đây, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc của Tập đoàn cao su Việt Nam đạt khoảng 61.000 tấn/năm, trong đó 25% là xuất khẩu trực tiếp, 6% là xuất khẩu ủy thác, còn lại gần 70% là xuất qua cửa khẩu mậu biên Móng Cái.

Dự kiến năm 2010, Tập đoàn tiêu thụ khoảng 285.000 tấn cao su (giảm so với 2009 là 319,765 tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt trên 2 tỷ USD (hiện đã đạt 1,6 tỷ USD) và thị trường xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới.

Ông Đinh Vạn Tiến, trưởng ban XNK Tập đoàn cho biết: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp cao su khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung đẩy mạnh xuất khẩu cao su chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác để ổn định thị trường về lâu dài, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu mậu biên quá nhiều.
Hệ lụy bất thường từ sốt giá hồ tiêu
Từ đầu năm 2010 đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng. Tiêu tăng giá kéo theo nhiều hệ lụy bất thường như phá rừng lấy trụ tiêu, phát triển ồ ạt diện tích phá vỡ quy hoạch…

Bảy tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 83.890 tấn hạt tiêu với trị giá hơn 272 triệu USD, tăng hơn 40% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm mà giá hồ tiêu trên thị trường trong nước có sự biến động mạnh mẽ, đầu niên vụ giá khoảng 38.000 – 40.000 đồng/kg nhưng đến tháng 9, đầu tháng 10-2010 giá đẩy lên trên 80.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã đưa ra nhận định: “Việt Nam có thể chủ động điều tiết giá bởi nguồn cung hồ tiêu trên thị trường đang thiếu hụt trầm trọng. Mặt khác, hồ tiêu Việt Nam chiếm gần 50% thị phần toàn cầu nên chỉ cần chúng ta giảm lượng bán ra sẽ làm thay đổi quan hệ mua - bán gia vị này của thế giới”.

Hồ tiêu Tây Nguyên đã đạt trên 15.000 ha/tổng diện tích 50.000 ha của cả nước. Tây Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển vùng chuyên canh cây tiêu. Tiêu Tây Nguyên phân bố khắp ở các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai. Từ nhiều năm trở lại đây, chất lượng tiêu Tây Nguyên đã được nhiều thị trường tiêu dùng khó tính chấp nhận vì có đặc tính nổi trội là cay và thơm nồng.

Hiện tại, tỉnh Gia Lai có trên 6.000 ha hồ tiêu với sản lượng hằng năm đạt từ 22.000 đến 27.000 tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng tiêu của cả nước, tập trung ở huyện Chư Sê và Chư Pưh. Từ tháng 12-2007, thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” chính thức được công bố - trở thành thương hiệu hồ tiêu đầu tiên của Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị hồ tiêu trong nước so với các nước trong khu vực và thế giới.

Nguy cơ phát triển ồ ạt

Tiêu tăng giá đã kích thích người nông dân đổ xô phá các loại cây trồng khác hoặc phá rừng làm nương rẫy trồng tiêu. Giá trụ tiêu trên thị trường liên tục tăng từ 40.000 đồng/ trụ những năm trước, đã được đẩy giá lên 90.000 đồng - 100.000 đồng/ trụ tiêu vụ trồng mới vừa qua.

Người giàu có tiếp tục mua đất mở rộng diện tích tiêu khiến giá đất ở Chư Sê, Chư Pưh trồng được tiêu đã tăng từ 300 triệu đồng năm 2009 lên 500-600 triệu đồng/héc ta vào vụ tiêu năm 2010.

Những người nghèo khó cũng trồng được tiêu bằng cách lấy ngắn nuôi dài, họ khai hoang đất, rồi tự vào rừng kiếm trụ về trồng. Có những người năm nay chưa mua được trụ thì trồng vội hom tiêu chờ có trụ năm tới cắm vào, nếu không sẽ trễ mất một năm thu hoạch. Việc phát triển cây tiêu ồ ạt còn gây tác hại đến công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là việc đốn cây rừng làm trụ tiêu.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù quỹ đất cho phát triển tiêu đã khan hiếm nhưng hàng ngàn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu. Mỗi hộ trồng ít nhất vài trăm, có hộ trồng mới cả chục ngàn gốc tiêu bất chấp rủi ro về giá cả, sinh trưởng.

Hồ tiêu hiện là loại cây trồng có doanh thu lớn, mỗi hécta tiêu hiện nay cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng (cá biệt có hộ thu cả tỷ đồng/ha), lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều người cũng tán gia bại sản vì tiêu bệnh.

Năm 2010, Gia Lai cũng chứng kiến hàng trăm héc ta tiêu bị chết. Anh Trần Văn Thành ở xã Hà Bầu, Đắk Đoa có 800 trụ tiêu trồng năm 2003, những năm qua vườn tiêu của anh cho năng suất khá, đạt 3 tấn tiêu hạt. Thế nhưng tháng 5-6 vừa qua, vườn tiêu của anh bỗng dưng vàng lá, chết hàng loạt.

Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ dân đã ồ ạt đổ xô trồng tiêu dẫn đến cung vượt cầu và bị ép giá là khó tránh. Ngay từ đầu vụ trồng mới vào tháng 6-7 năm 2010, VPA đã có khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích, canh tác ổn định ở mức 50.000 ha như hiện nay và tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo: “Ngành tiêu Việt Nam nên đầu tư vào chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng bằng việc tăng nhanh diện tích trong một thời gian ngắn vì sẽ gây bất lợi cho người trồng tiêu”.


Kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang các thị trường 9 tháng đầu năm 2010

Tháng 9/2010 cả nước xuất khẩu 17.706 tấn hạt điều, thu về 107,94 triệu USD(giảm 18,1% về lượng và giảm 14,3% về kim ngạch so với tháng 8/2010); đưa tổng lượng hạt điều xuất khẩu của cả nước 9 tháng đầu năm lên 140.199 tấn, trị giá 777,89 triệu USD (tăng 7,8% về lượng và tăng 29,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009).

Hoa kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2010, đạt 261,17 triệu USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ, chiếm 33,6% tổng kim ngạch; thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 115 triệu USD, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ, chiếm 14,8% tổng kim ngạch; Hà Lan đứng vị trí thứ 3 về kim ngạch với 110,61 triệu USD, tăng 21,4%, chiếm 14,2% kim ngạch. 

Xét về mức độ tăng trưởng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu sang Singapore dẫn đầu với trên 144%, đạt 6,15 triệu USD; tiếp đến thị trường Thái Lan tăng 137%, đạt 16,31 triệu USD; Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tăng 66%; Nga 62%; Nauy 58,7%; thêm vào đó là 6 thị trường đạt kim ngạch từ trên 40% đến 50% như: Australia, Đài Loan, Malaysia, Hồng Kông, Đức và Nhật Bản; còn lại các thị trường khác tăng từ 12% đến dưới 40%. Tuy nhiên, vẫn có một vài thị trường bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất là kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang Bỉ chỉ đạt 0,38 triệu USD, giảm tới 76,7% so cùng kỳ; sau đó là Philippines giảm 27,4%; Pakistan giảm 11,6%; Thuỵ Sĩ giảm 11% và Trung quốc giảm 0,9%.

Xuất khẩu hạt điều của riêng tháng 9 sang các thị trường đa số giảm kim ngạch so với tháng 8/2010, trong đó giảm mạnh ở một số thị trường như: Nauy (-59,8%); Philippines (-43,6%); Hy Lạp (-41,3%); Anh (-30%). Tuy nhiên, lại tăng mạnh ở một số thị trường như: Italia (+185,3%); Tây Ban Nha (+81,9%); Hồng Kông (+58%).
Nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản, nguyên liệu 10 tháng đầu năm tăng 39,18% so cùng kỳ

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thuỷ sản 10 tháng ở mức 10,4 tỷ USD, tăng 39,18% so với cùng kỳ năm 2009.

Cụ thể, lượng phân bón các loại nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 230 ngàn tấn, trong đó; Urê là 80 ngàn tấn, SA – 40 ngàn tấn, DAP – 55 ngàn tấn, NPK – 10 ngàn tấn và các loại khác – 45 ngàn tấn. Khối lượng phân bón nhập khẩu 10 tháng 2010 ước đạt 2,4 triệu tấn với trị giá 775 triệu USD, chỉ xấp xỉ bằng 2/3 khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn do Trung Quốc đang giảm lượng sản xuất và tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này.

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu, ước nhập khẩu tháng 10/2010 đạt 30 triệu USD, đưa tổng nhập khẩu 10 tháng 2010 ước đạt 401 triệu USD, tăng 7,23% so với cùng kỳ.

Giá trị gỗ và sản phẩm từ gỗ nhập khẩu tháng 10/2010 ước đạt 100 triệu USD đưa tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này lên 920 triệu USD, tăng 26,86% so cùng kỳ.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu kim ngạch nhập khẩu tháng 10/2010 ước đạt 170 triệu USD. Tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 10 tháng 2010 ước đạt 1,84 tỷ USD tăng 21,93% so với cùng kỳ.

Đối với mặt hàng cao su, ước nhập khẩu tháng 10/2010 đạt 20 ngàn tấn, kim ngạch 42 triệu USD, 10 tháng 2010 nhập khẩu 232 ngàn tấn với kim ngạch 484 triệu USD giảm 5,99% về khối lượng nhưng tăng tới 52,11% về giá trị so với cùng kỳ.

Ước lượng lúa mì nhập khẩu tháng 10/2010 đạt 120 ngàn tấn với trị giá kim ngạch là 29 triệu USD. Tổng lượng nhập khẩu 10 tháng 2010 đạt 1,66 triệu tấn với trị giá 404 triệu USD, khối lượng tăng 40,83% và giá trị tăng 36,91% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, nguyên liệu phục vụ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cho thấy sức sản xuất trong nước các mặt hàng này cũng tăng lên. Tuy nhiên về lâu dài cũng cần phải thúc đẩy nguồn cung trong nước tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Xuất khẩu nông sản sang Chile: chú ý yêu cầu chất lượng
Các doanh nghiệp lớn thường xin giấy phép nhập khẩu vào Chile dễ hơn doanh nghiệp nhỏ, theo ông Jaime Rivera, Tham tán thương mại Đại sứ quán Chile tại Việt Nam.

Trong buổi gặp mặt báo chí chiều ngày 26-10, ông Jaime Rivera cho biết, doanh nghiệp lớn có cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm, nên thường gặp thuận lợi hơn khi Chile kiểm tra các cơ sở vật chất như vậy. Ông cũng cho biết Chile sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch; các quan chức của Chile đã làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam hai tháng trước đây và đã hoàn thành báo cáo gửi các cơ quan chức năng của Chile xem xét, xây dựng đề án hỗ trợ.

Chile hiện là một trong những nước có yêu cầu khá ngặt nghèo về chất lượng nông sản, với quy trình nhập nông sản rất khắt khe và có quy định cụ thể cho từng loại nông sản. Cụ thể như Chile có qui định riêng về chất lượng đối với thơm, chuối và dừa nhập khẩu, trong đó yêu cầu đảm bảo các loại trái cây này không có một số loại sâu bệnh. Nông sản nhập khẩu vào Chile dù đã có chứng nhận GAP, vẫn phải tuân thủ một số qui định riêng của Chile.

Tuy nhiên, vị quan chức này nói rằng, dù việc xuất nông sản vào thị trường Chile là khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Hiện Chile đang nhập nông sản từ Thái Lan (gạo), Đài Loan và Hàn Quốc. Việt Nam cũng đang là nhà cung cấp cà phê lớn nhất vào thị trường Nam Mỹ này.

Ông Jaime Rivera cho rằng một trong những thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam là quy trình quản lý chất lượng nông phẩm sau thu hoạch, do đó nên quan tâm nâng cao hệ thống lạnh, dây chuyền đóng gói, khử trùng cho các loại rau quả.

Theo Thương vụ Chile tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2010, giá trị xuất khẩu của Chile sang Việt Nam đạt trên 136 triệu đô la Mỹ, trong khi cả năm 2009 đạt 126 triệu đô la Mỹ. Giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Chile trong 8 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt hơn 61 triệu đô la Mỹ.

Việt Nam xuất sang Chile chủ yếu dầu thô, giày da, giày thể thao, các loại giầy khác và cà phê, nhập đồng, bột cá, gỗ thông, cá hồi và rượu vang.

Hiện Chile là một trong những nước có nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA), và đã ký 24 FTA với 57 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Brunei. Dự kiến cuối năm nay Chile ký FTA với Malaysia. Hiện nước này đang đàm phán FTA với Việt Nam.




SAN XUAT KINH DOANH


Doanh nghiệp Anh coi Việt Nam là nơi đầu tư lý tưởng

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Anh và Việt Nam tại thủ đô London, Vương quốc Anh ngày 3/11, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp London (LCCI) Peter Bishop khẳng định Việt Nam có một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và là nơi đầu tư lý tưởng với sự ổn định về chính trị cũng như môi trường đầu tư an toàn.


Đại diện 28 công ty từ Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực như dầu khí, hóa chất, xây dựng, nông sản thực phẩm và may mặc cùng đại diện của gần 30 công ty Anh đã tham gia buổi gặp gỡ do LCCI tổ chức nhằm trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh và tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Peter Bishop nêu rõ Việt Nam là một trong những nước đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao ở khu vực trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% và có thể lên tới 10% trong những năm tới. Bên cạnh đó, với dân số khoảng 86 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng nhanh, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo và năng động, Việt Nam là nơi lý tưởng để LCCI giới thiệu các nhà đầu tư Anh vào tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh về những hoạt động của LCCI trong thời gian tới, ông Peter cho biết LCCI sẽ tổ chức nhiều buổi gặp mặt tương tự cho các doanh nghiệp của hai nước muốn tìm đối tác đầu tư; đăng tải những bài viết giới thiệu về những sự kiện trên tạp chí của LCCI để nhiều người biết đến các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Cuối năm 2011, một đoàn doanh nghiệp Anh quan tâm đến Việt Nam sẽ sang tìm hiểu thị trường tiềm năng này.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Quang Hoan, đây là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa doanh nghiệp hai nước sau khi Việt Nam và Anh ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Đại sứ Trần Quang Hoan cho biết chính phủ Việt Nam và Anh sẽ nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 4 tỷ USD và đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Anh vào Việt Nam là 3 tỷ USD vào năm 2013.Năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Anh đã tăng 8%, đạt 1,5 tỷ bảng, trong đó Anh chủ yếu nhập hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ, gạo, cà phê, hạt điều, hải sản và đồ nhựa từ Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD năm 2009, đưa Anh trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất Liên minh châu Âu vào Việt Nam./.


Каталог: Uploads -> Articles02
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles02 -> Các hướng phát triển
Articles02 -> THỊ trưỜng hàng hoá ĐÁng quan tâm trong tuần cpi tháng 11 được dự báo tăng 0,8%
Articles02 -> Ngày 24 tháng 11 năm 2010, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội xuất khẩu
Articles02 -> 2006/QĐ-ttg CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles02 -> Quyết định 315/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 2013
Articles02 -> TUẦn lễ phim nhật bản tại tp. Hcm

tải về 176.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương