TÁC ĐỘng và CÁc giải pháP Ứng phó VỚi biếN ĐỔi khí HẬU (BĐKH) CỦa ngành nông nghiệp ptnt



tải về 112.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích112.87 Kb.
#25043

TÁC ĐỘNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (BĐKH) CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP - PTNT


(Báo cáo tại hội nghị “Vai trò của đại biểu dân cử với vấn đề biến đổi khí hậu”

PGS.TS. ĐINH VŨ THANH

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo BĐKH -

Bộ Nông nghiệp và PTNT



I. TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH ĐẾN NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp và tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, vùng miền và cộng đồng dân cư. Việt Nam được coi là một trong các quốc gia sẽ bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có liên quan tới cuộc sống của khoảng 70% số dân của cả nước, trong đó chủ yếu là người nghèo - đối tượng chịu ảnh hưởng của BĐKH nhiều nhất.

Nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển bền vững trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, vấn đề đặt ra là cần có các phân tích, hiểu biết về biến đổi khí hậu; những ảnh hưởng và các giải pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra.

Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991đến năm 2009 đã lên tới khoảng 2,7 tỷ USD. Theo báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 8 ngày 31/10/2012 của Ban Chỉ đạo PCLB TW, tổng thiệt hại do bão số 8 gây ra đối với ngành nông nghiệp ước tính trên 7.000 tỷ đồng (gồm cả thủy sản), trong đó 26.581 ha lúa mùa, 67.290 ha cây vụ Đông, và 11.870 ha nuôi ngao, tôm, cua bị thiệt hại, 551.319 con gia súc, gia cầm bị chết. Theo kịch bản BĐKH được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2011, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, và trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập.

Tác động của BĐKH đối với ngành nông nghiệp và PTNT là nghiêm trọng và cũng là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. BĐKH tác động không giống nhau đến các lĩnh vực trong nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, hạ tầng nông thôn…

1.1. Thiên tai


BĐKH làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoạn, bất thường (nắng nóng, rét đậm). Số cơn bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn và có quỹ đạo dịch chuyển dị thường hơn.

Tổng lượng mưa mùa lũ có xu thế tăng lên, lũ có diễn biến phức tạp hơn, tập trung và nhanh hơn so với trước đây. Tình trạng sạt lở trên đất dốc, sạt lở ven sông, ven biển có xu hướng gia tăng do nước lũ lớn hơn. Nhiều vùng bờ biển Việt Nam nhất là khu vực duyên hải miền Trung có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sóng thần, bão và áp thấp nhiệt có cường độ và sức tàn phá mạnh so với trước đây.

Tình trạng hạn hán, rét đậm, rét hại có xu hướng kéo dài và khắc nghiệt hơn trong mùa khô. Việc chống hạn sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, các hồ chứa nước thượng nguồn bị cạn kiệt.

1.2. Trồng trọt

BĐKH gây thu hẹp diện tích đất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực. Nếu nước biển dâng lên 1m có khả năng ảnh hưởng tới 12% diện tích và 20% dân số Việt Nam, làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại ĐBSH và 1,5-2 triệu ha tại ĐBSCL và hàng trăm ngàn ha ven biển miền Trung. Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa trong tổng số khoảng hơn 4 triệu ha hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

BĐKH làm thay đổi khả năng thích nghi của các đối tượng nông nghiệp với điều kiện thời tiết khí hậu; thay đổi cơ cấu mùa vụ; gia tăng sâu bệnh; giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; làm suy thoái tài nguyên đất; tăng thêm nguy cơ diệt chủng của một số loài thực vật hoặc làm biến mất các nguồn gen quí hiếm. Theo đánh giá của ADB, nếu nhiệt độ tăng thêm 1oC, năng suất lúa sẽ giảm 10%, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia. Gần đây, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. Ở miền Bắc trong vụ Đông Xuân năm 2008, sâu cuốn lá nhỏ cũng đã phát sinh thành dịch, thời cao điểm diện tích lúa bị hại đã lên đến 400.000 ha, gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và làm tăng chi phí sản xuất.

Nước ta với địa hình phức tạp, bờ biển dài trong khi các vùng nông nghiệp trọng điểm như lúa nước ta chủ yếu tập trung vào các vùng đồng bằng màu mỡ ven các hệ thống sông ngòi và ven biển. Khi nước biển dâng sẽ gây nên hiện tượng xâm lấn mặn, xói mòn rửa trôi, cạn kiệt dinh dưỡng và mất khả năng sản xuất.

Do những tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, chọn tạo ra các công nghệ mới để bảo đảm và duy trì năng suất cây trồng, vật nuôi.

1.3. Chăn nuôi

Một số loài vật nuôi bị giảm sức đề kháng do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm và có thể phát triển thành dịch hay đại dịch.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản của vật nuôi, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng và hạn hán. Tỷ lệ mắc bệnh và vector truyền bệnh là hai nhân tố chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Vật nuôi có thể bị ảnh hưởng stress nhiệt-lạnh chịu dưới tác động mạnh của thời tiết nóng nắng hay những đợt lạnh kéo dài.

Biến đổi khí hậu cũng gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của vật nuôi: vùng có thể thiếu hoặc thừa thức ăn xanh do sự thay đổi của yếu tố nhiệt độ, thời tiết cực đoan, diện tích đất canh tác hay tập quán canh tác của người dân...

Biến đổi khí hậu cũng làm tăng phát thải khí nhà kính từ chất thải của vật nuôi: thức ăn dư thừa, phân chuồng, nước thải...

1.4. Lâm nghiệp

Việt Nam có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, có các hệ sinh thái rừng (HSTR) phong phú. Tuy nhiên trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ĐDSH và HST rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu làm thay đổi số lượng và chất lượng hệ sinh thái rừng, làm giảm đa dạng sinh học đãn đến khả năng điều tiết nguồn nước, điều hoà khí hậu, chống xói mòn v.v… của rừng bị suy giảm.

Nhiệt độ và lượng bốc hơi tăng cùng với hạn hán kéo dài sẽ làm thay đổi thành phần, sự phân bố và khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng. Diện tích cây rừng bị suy giảm mạnh. Nhiều loài cây nhiệt đới ưa sáng sẽ di cư lên các vĩ độ cao hơn và các loài cây á nhiệt đới sẽ mất dần. Số lượng quần thể các loài động thực vật rừng quý hiểm sẽ ngày càng suy kiệt và nguy cơ tuyệt chủng tăng.

Nhiệt độ tăng và hạn hán kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, nhất là các rừng trên đất than bùn, vừa gây thiệt hại tài nguyên sinh vật, vừa tăng lượng phát thải khí nhà kính. BĐKH làm phát sinh thêm một số loài sâu, bệnh hại rừng.

Nước biển dâng làm giảm diện tích rừng ngập mặn hiện có, tác động xấu đến diện tích và hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nước biển dâng làm giảm năng suất và diện tích cây trồng dẫn tới nhu cầu chuyển đổi rừng sang đất sản xuất nông nghiệp và khai thác thuỷ sản tăng, gia tăng nạn phá rừng.

1.5. Thuỷ sản

Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển của Việt Nam. Những năm gần đây NTTS của nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt đựơc nhiều thành tựu to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực thủy sản có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần xoá đói giảm nghèo, cung cấp dinh dưỡng và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài thủy sản nói riêng. Nhiệt độ tăng gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật, nguồn thủy hải sản bị phân tán, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn.

Ở Việt nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, hiện tượng nắng nóng đã làm cho nhiệt độ nước tăng lên quá mức chịu đựng của nhiều loài sinh vật, trong đó có các loài nuôi. Nhiệt độ nước tăng cao làm cho các loài nuôi chết hàng loạt, đặc biệt nghiêm trọng đối với các ao hồ có độ sâu nhỏ. Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thủy sản trong các ao hồ.

Sự suy giảm hàm lượng oxy trong nước ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi. Điều này dễ nhận thấy qua hiện tượng hiện tượng phù dưỡng ở vùng nuôi: cá nổi đầu vào buổi sáng trong các ao nuôi hoặc thủy triều đỏ (tảo chết hàng hoạt) ở các vùng ven biển.

Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh xảy ra cho các loài nuôi. Nhiệt độ tăng cao làm cho sức khỏe của các loài nuôi giảm, môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại. Trong những năm gần đây do môi trường nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi của thời tiết đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt. Năm 2008, dịch bệnh tôm hùm bùng phát dữ dội ở vịnh Xuân Đài, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi tôm hùm lồng tại địa phương.

Sự tàn phá của bão và áp thấp nhiệt đới còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng nuôi, cần thời gian dài mới có thể phục hồi. Ngoài ra, bão và áp thấp nhiệt đới cường độ mạnh và lượng mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò,...) bị chết hàng loạt gây thiệt hại về kinh tế cho cộng đồng cư dân sống chủ yếu dựa vào hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Thiệt hại kinh tế cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá: khu tránh trú bão, khu neo đậu tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá bị phá hủy, tàu thuyền bị chìm... Trong bối cảnh BĐKH, các cảng cá, khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền sẽ chịu tác động dẫn đến thiệt hại về vật chất và đòi hỏi có đầu tư thích hợp với các diễn biến của BĐKH.


1.6. Thuỷ lợi


Biến đổi khí hậu làm cho nước triều dâng cao, hệ thống đê biển luôn trong tình trạng báo động. Hệ thống đê bao thường xuyên phải gia cố và sửa chữa. Úng lụt ngày càng nghiêm trọng hơn, đồng thời nước mặn cũng tràn sâu vào trong đồng làm cho hư hỏng hệ thống kênh bê tông. Để phòng chống lũ, lụt, hiện cả nước đã xây dựng được 5.700km đê sông, 3000km đê biển, 23.000km bờ bao, hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè bảo vệ bờ.

Lũ quét thường xẩy ra ở vùng đồi núi, nơi có độ dốc lớn, cường độ mưa lớn, đường tiêu thoát nước bị ứ nghẽn. Lũ quét cũng có thể xẩy ra do vỡ hổ chứa nhỏ, sạt lở đất lấp dòng chảy. Lũ quét có nguy cơ xẩy ra tại 33/64 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc 5 vùng: vùng núi phía Bắc, vùng duyên hải Bắc Trung bộ, vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xẩy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt, thường gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người, cơ sở vất chất, công trình thủy lợi.

Các công trình thuỷ lợi như: hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, giếng nước ngầm... cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Mưa lớn kéo theo gia tăng trượt lở đất và xói mòn, làm tăng phù sa bùn cát trôi theo dòng chảy lắng đọng trong lòng các hồ chứa, làm giảm dung tích và tuổi thọ hồ chứa.

Chế độ dòng chảy thay đổi cũng làm cho vấn đề điều tiết hồ chứa trở nên khó khăn hơn, khả năng cung cấp nước giảm đi. Chế độ dòng chảy thay đổi làm cho nhiều công trình thuỷ lợi không hoạt động đúng theo các điều kiện thiết kế, năng lực công trình bị suy giảm, sự vận hành không được bình thường. Đối với nước dưới đất,do trữ lượng nước ngầm giảm, mức nước ngầm bị hạ thấp dần, khả năng khai thác của các giếng nước ngầm cũng bị giảm sút, không còn đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt hoặc tưới cho cây trồng.

Mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm đỉnh lũ tăng thêm, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía Bắc, đê bao và bờ bao ở các tỉnh phía Nam.

1.7. Diêm nghiệp

Biến đổi khí hậu dẫn đến việc xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão trái mùa, lũ lụt triều cường… với tần xuất và cường độ ngày càng lớn hơn là những yếu tố có tác động xấu đến sản xuất muối. Một mặt các hiện tượng thời tiết bất thường này làm giảm hiệu quả sản xuất của diêm dân, làm giảm chất lượng muối do bị lẫn phù sa, tăng chi phí sản xuất,…. nhưng mặt khác làm cho cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống đê, kè, cống, mương… bị tàn phá, xuống cấp ngày càng nặng nề hơn, dẫn đến giảm khả năng sản xuất của các đồng muối, do vậy làm ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân.

Mực nước biển gia tăng làm cho diện tích và cơ sở hạ tầng sản xuất muối bị ảnh hưởng, đồng thời với những trận mưa lớn hơn có cường độ cao hơn cũng gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng muối.

Có thể nói thách thức lớn nhất khi mực nước biển dâng lên là sự gia tăng tình trạng ngập lụt trong mùa mưa bão do nước biển dâng lên phá vỡ hệ thống đê biển, hồ chứa nước và nhấn chìm đồng muối ... ở vùng ven biển.

Hầu hết đồng muối đều ở các khu vực sát biển, ở các vùng đất thấp nên thường bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng. Nói cách khác, khi nước biển dâng, hầu hết các đồng muối hiện tại đều có khả năng bị ngập. Do vậy, phần lớn cơ sở hạ tầng sản xuất muối như hệ thống đồng muối, hệ thống thủy lợi, đường đi lại nội đồng… của nước ta có nguy cơ bị phá hủy do ngập lụt bởi hiện tượng nước biển dâng. Việc sản xuất muối sẽ phải di chuyển đến những địa bàn mới, đồng nghĩa với việc phải xây dựng những cơ sở hạ tầng mới. Đây là tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra trong lĩnh vực diêm nghiệp cần được xem xét càng sớm càng tốt nhằm tạo ra những biện pháp thích ứng trong lĩnh vực này.

1.8. Đối với an ninh lương thực

BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị nhiễm mặn do nước biển dâng, đe dọa đến phần lớn dân số trong vùng đồng bằng, nơi tập trung hầu hết các ngành và đơn vị kinh tế trọng điểm, phần lớn dân số của cả nước.

Biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo. Sản lượng có thể bị giảm từ 20 đến 35% (tính đến năm 2050) nếu không có biện pháp giảm thiểu tác động. Giảm sản lượng lương thực sẽ tác động đến thị trường lương thực và cuối cùng: Giảm sản xuất - giảm cung - đẩy giá lên cao sẽ dẫn đến đói và suy dinh dưỡng.

Mưa lớn, bão, lụt và hạn hán làm giảm sản lượng lương thực, giảm chất lượng nông sản và thiệt hại cho nông dân, do đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân cũng như thâm hụt ngân sách quốc gia.


1.9. Di dân và tái định cư

BĐKH có thể làm gia tăng tình trạng du canh, du cư do mất đất sản xuất hoặc làm thay đổi điều kiện sản xuất của cộng đồng dân cư. BĐKH sẽ gây khó khăn lớn cho công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn trong những thập kỷ tới do người nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.


Khi nước biển dâng sẽ làm thu hẹp diện tích khu dân cư sinh sống ven biển, ven sông trực tiếp đe dọa đến cuộc sống người dân, người dân phải di cư vào sâu trong nội địa, đô thị và giữa các vùng, làm mất nguồn sinh kế và xáo trộn cuộc sống người dân. Gây ra hiện tượng quy hoạch đô thị bị phá vỡ, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

1.10. Hạ tầng nông thôn

Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn làm thay đổi tiến độ thực hiện và thời gian thi công bị kéo dài; làm hư hỏng và giảm tuổi thọ công trình; Phá hủy và làm hư hỏng công trình kênh mương nội đồng khi mưa bão cường độ lớn xảy ra; chi phí xây dựng tăng; chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tăng.



II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BĐKH CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2050

Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng giúp việc ban chỉ đạo từ cuối năm 2007 nhằm điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đã xây dựng và ban hành được một số chính sách về biến đổi khí hậu: Ban hành Khung Chương trình hành động thích ứng với BĐKH; Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050; Chỉ thị lồng ghép BĐKH vào Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án; đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và PTNT đến năm 2020; Rà soát quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, miền Trung đến năm 2020 trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng...



2.1. Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu: Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do BĐKH và tham gia giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo được sự phát triển bền vững các lĩnh vực thuộc ngành trên phạm vi toàn quốc; bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai do BĐKH, nước biển dâng gây ra, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng đến:

- Ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ, ven biển Miền trung;

- Sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản ổn định, ít phát thải và phát triển bền vững;

- Bảo đảm an ninh lương thực, ổn định diện tích đất lúa 3,8 triệu ha, trong đó ít nhất 3,2 triệu ha canh tác lúa hai vụ trở lên;

- Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai;

- Giữ vững mức độ tăng trưởng ngành 20%, giảm tỷ lệ đói nghèo 20% và giảm phát thải khí nhà kính 20% trong từng giai đoạn 10 năm.



7 nhiệm vụ trọng tâm:

- Đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đối với từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp và PTNT;

- Xây dựng các chương trình/dự án đối với từng lĩnh vực của ngành phù hợp với các địa phương cụ thể để ứng phó (giảm thiểu và thích ứng) với BĐKH và tạo cơ hội phát triển ngành;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của các cấp của ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng;

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành, các lĩnh vực và địa phương đáp ứng thách thức BĐKH và tạo cơ hội phát triển;

- Lồng ghép các vấn đề BĐKH và nước biển dâng vào kế hoạch hành động, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương;

- Hợp tác quốc tế với các chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm huy động nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và kinh phí để thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của ngành;

- Hoạt động giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động.



2.2. Đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020 (quyết định 3119/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/12/2011)

Mục tiêu: thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, ít phát thải, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần giảm nghèo và ứng phó có hiệu quả với BĐKH; đến năm 2020, giảm phát thải 20% lượng KNK trong nông nghiệp, nông thôn (18,87 triệu tấn CO2e) - trong đó: trồng trọt giảm 5,72 triệu tấn CO2e; chăn nuôi giảm 6,30 triệu tấn CO2e; thuỷ sản giảm 3 triệu tấn CO2e; thuỷ lợi giảm 0,17 triệu tấn CO2e và nông thôn và ngành nghề nông thôn giảm 4,78 triệu tấn CO2e; đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành và giảm tỷ lệ đói nghèo theo chiến lược phát triển ngành.

Các giải pháp thực hiện: khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính của ngành.

2.3. Chỉ thị lồng ghép BĐKH vào xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Lồng ghép BĐKH trong quá trình xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, đề án, dự án đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và hạ tầng nông thôn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH theo phương châm tích cực tham gia giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chủ động thích ứng với BĐKH.

- Việc lồng ghép BĐKH phải dựa trên các nguyên tắc:

+ Đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, hệ thống, ngành, vùng miền góp phần ứng phó và giảm nhẹ thiên tai;

+ Có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; ưu tiên cho các hoạt động đa mục tiêu;

+ Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả cao nhất nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia.

- Lồng ghép BĐKH thực hiện theo các bước

+ Đánh giá các tác động của BĐKH, xác định tình trạng dễ bị tổn thương của các lĩnh vực, vùng miền;

+ Cập nhật thông tin, số liệu, xây dựng bổ sung các nội dung lồng ghép BĐKH;

+ Phân tích và lựa chọn mức độ rủi ro có thể chấp nhận đối với các lĩnh vực, vùng miền;

+ Lựa chọn các giải pháp giảm thiểu và thích ứng;

+ Thực hiện, điều chỉnh kịp thời các giải pháp ứng phó;

+ Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

2.4. Các giải pháp đẩy mạnh công tác ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và PTNT

(1). Hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất về ứng phó với BĐKH

Tăng đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị làm công tác quản lý và nghiên cứu về bảo vệ môi trường nông nghiệp và nông thôn.



(2). Tiếp tục đánh giá tác động cụ thể của BĐKH, nước biển dâng đối với từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp và PTNT và lựa chọn giải pháp ứng phó phù hợp

- Tiến hành công tác điều tra, khảo sát thực tế, sử dụng các công cụ mô hình và các công cụ hiện đại khác phân tích và đánh giá tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với từng lĩnh vực của ngành cho từng vùng, miền (đất liền, biển đảo) trên phạm vi toàn quốc;

- Xác định các tiêu chí đánh giá tác động của BĐKH đối với từng lĩnh vực trên cơ sở kịch bản BĐKH và nước biển dâng;

- Nghiên cứu các tác động của các lĩnh vực nông nghiệp đến các yếu tố gây biến đổi khí hậu (phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính);

- Đề xuất các biện pháp/giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó với BĐKH, nước biển dâng đối với từng lĩnh vực cho từng vùng, miền.

(3). Xây dựng cụ thể các chương trình/dự án đối với từng lĩnh vực của ngành nhằm ứng phó hiệu quả (giảm thiểu và thích ứng) với BĐKH, tạo cơ hội phát triển bền vững

a) Đối với Nông nghiệp

- Nghiên cứu quy hoạch các loại đất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa trong điều kiện BĐKH, gồm đánh giá toàn diện về khả năng thích nghi, dự báo về khả năng suy giảm năng suất cây trồng theo các kịch bản BĐKH phù hợp với 7 vùng sinh thái;

- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống phù hợp, thích ứng với BĐKH của các vùng sinh thái;

- Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào thực tế sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, các giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính và thích nghi với BĐKH.

- Phát triển chăn nuôi với ưu tiên các giống vật nuôi có tính thích ứng cao với môi trường sống rộng. Gắn chăn nuôi với phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, đồng thời xử lý phân thải súc vật (dạng khí sinh học);

- Hoàn thiện các quy trình sản xuất, đảm bảo khép kín từ sản xuất nông nghiệp, chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, quản lý chất thải, phù hợp trong điều kiện BĐKH;

- Xây dựng kế hoạch áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác hữu cơ làm phân bón, giảm chôn ủ để hạn chế những tác động xấu đến môi trường và hạn chế phát thải khí mêtan; Thực hiện các biện pháp thu hồi triệt để khí mêtan từ các bãi rác đã có làm nhiên liệu;

- Áp dụng quy trình GAP trong trồng trọt; sử dụng biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu; sử dụng nước tiết kiệm; làm đất tối thiểu; kỹ thuật điều tiết nước, phân bón để hạn chế phát sinh khí mêtan trên ruộng lúa; điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng giảm cây trồng phát thải nhiều, tăng cây trồng năng lượng sinh học;

- Áp dụng quy trình GAP trong chăn nuôi để nâng cao hệ số sử dụng thức ăn, giảm chất thải, giảm chi phí; áp dụng biogas.

b) Đối với Lâm nghiệp

- Thực hiện các Chương trình/dự án nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ của rừng nhất là phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió và cát di động ven biển;

- Xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chống phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng; trồng rừng và làm giàu rừng;

- Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh-thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, nhất là ở các vùng dễ bị tổn thương;

- Tập trung xây dựng và triển khai một số chương trình/dự án liên quan tới Cơ chế hậu Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD), Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ phí môi trường rừng; tiếp tục xây dựng và thực hiện các dự án về cơ chế phát triển sạch (CDM), gắn với chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES);

- Xây dựng chương trình sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc tạo việc làm cho người lao động, xoá đói, giảm nghèo, định canh, định cư (lồng ghép với công ước sa mạc hóa theo Quyết định 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);

- Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và chiến lược quản lý hệ thống các khu bảo tồn của rừng tư nhiên, đa dạng sinh học (lồng ghép với việc thực hiện công ước đa dạng sinh học) thích ứng với BĐKH.

c) Đối với Thủy sản

- Đánh giá tác động BĐKH tới diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản và nguồn lợi hải sản. Đề xuất các giải pháp đối phó, thích ứng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho từng vùng, miền khi nước biển dâng;

- Nghiên cứu cải tiến những công nghệ nuôi, đối tượng nuôi mới; những công nghệ khai thác phù hợp với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chọn tạo được những giống nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh cao;

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ, phat triển và bảo hiểm ngành thủy sản trong điều kiện BĐKH: Chính sách hỗ trợ tài chính, thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp khai thác thuỷ sản ở các vùng nước ven bờ và xa bờ; ứng dụng công nghệ mới vào khai thác thuỷ sản; sản xuất giống thuỷ sản nhân tạo để tái tạo và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản;

- Triển khai thực hiện Quyết định 485/QĐ-TTg ngày 02/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn 2020: giai đoạn 2008-2010 xây dựng thí điểm khu bảo vệ một số loài thuỷ sinh đặc hữu, xây dựng khu bảo tồn bãi đẻ của rùa tại Côn Đảo, giai đoạn 2010-2015 thành lập 15 khu bảo vệ các loài thuỷ sinh biển và ven biển, giai đoạn 2016-2020 thiết lập bổ sung 22-30 khu bảo vệ các loài thuỷ sinh quý hiếm;

- Áp dụng GAP trong thuỷ sản để nâng cao hệ số sử dụng thức ăn, giảm chi phí; xử lý chất thải hữu cơ; giảm chi phí trong khai thác thuỷ sản.



d) Đối với Thủy lợi

- Đánh giá hiện trạng và xác định khả năng ứng phó với BĐKH của các hệ thống công trình thủy lợi ở các vùng miền;

- Kiện toàn hệ thống chỉ đạo, chỉ huy hộ đê, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; bổ sung các quy định, quy chế phối hợp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp và thiên tai cực đoan từ trung ương đến địa phương. Tăng cường trang bị cơ sở vật chất và tính chuyên nghiệp cho lực lượng ứng cứu khu vực khi thiên tai xảy ra; tăng cường năng lực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và hệ thống hỗ trợ ra quyết định về cảnh báo sớm thiên tai;

- Nâng cao năng lực và trình độ KHCN về quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình thuỷ lợi. Xây dựng các giải pháp tưới tiêu, quy trình quản lý, vận hành, điều tiết hệ thống công trình thủy lợi, nhằm né tránh các tác động bất lợi, hạn chế thiệt hại, rủi ro do BĐKH gây ra. Tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt;

- Rà soát quy hoạch, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đê sông, đê biển, đê vùng cửa sông đảm bảo chống được nước biển dâng theo kịch bản đã được đặt ra theo từng giai đoạn;

- Rà soát quy hoạch, nâng cấp và xây dựng các công trình ngăn mặn, công trình cấp nước, tiêu nước; đặc biệt đối với đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực ven biển đảm bảo chống được nước biển dâng với kịch bản theo từng giai đoạn;

- Xây dựng phương án hỗ trợ đặc biệt cho các vùng dân cư, đường giao thông, công trình công cộng... ở các vùng thường xảy ra lũ lụt để người dân có nơi trú ẩn an toàn vào mùa lũ, nhất là ĐBSCL, một số khu vực miền Trung; di dời dân ra khỏi các vùng bị lũ quét, sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển đe doạ tới an toàn của người dân;

- Xây dựng chương trình nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, quản lý an toàn hồ đập, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm;

- Xây dựng các hệ thống công trình thuỷ lợi để bảo vệ các thành phố ven biển, khu vực nông nghiệp, vùng kinh tế trong điểm để ứng phó với điều kiện BĐKH và nước biển dâng;

- Lồng ghép các vấn đề BĐKH vào quá trình xây dựng các biện pháp bảo đảm an ninh nước cho các hệ thống thủy lợi, an toàn hệ thống đê biển và hồ chứa;

- Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới nông lộ phơi cho lúa; tu bổ, cải tạo, chống tổn thất nước trên hệ thống kênh mương, vận hành hệ thống hợp lý để tăng diện tích tự chảy, tiết kiệm năng lượng bơm nước..

e) Đối với Diêm nghiệp

- Rà soát quy hoạch đầu tư các vùng sản xuất muối tập trung, xác định rõ các khu vực có ảnh hưởng lớn, có biện pháp hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất muối để nâng cao sản lượng, chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của diêm dân và giảm bớt sự căng thẳng về mật độ dân cư vùng ven biển;

- Đầu tư hệ thống hạ tầng vùng sản xuất muối bao gồm: đê bao, bờ bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển, thoát lũ công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng và triển khai các chính sách theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất muối đến 2010 và 2020.



g) Đối với Phát triển nông thôn

- Rà soát quy hoạch phát triển nông thôn, xác định rõ các khu vực có thể chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH và nước biển dâng;

- Củng cố hạ tầng cơ sở nông thôn:Đảm bảo an toàn đường giao thông, trường, chợ, công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn khi gặp sự cố tai biến khí hậu;

- Xây dựng phương án hỗ trợ đặc biệt cho các vùng dân cư ở các vùng thường xảy ra lũ lụt để người dân có nơi trú ẩn an toàn vào mùa lũ, nhất là ĐBSCL, một số khu vực miền Trung; di dân ra khỏi các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển và vùng có nguy cơ khác;

- Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất các phương án phát triển kinh tế xã hội ở vùng khô hạn và bán khô hạn thường xuyên;

- Áp dụng công nghệ sản xuất, chế biến tiên tiến, tiết kiệm năng lượng;

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng.

(4). Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của các cấp của ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng

- Xây dựng các tài liệu phổ biến, tuyên truyền về BĐKH và tác động BĐKH với các mức độ và đối tượng khác nhau;

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức trong ngành (Trung ương và Địa phương), cho các lĩnh vực, cộng đồng và các vùng miền;

- Thành lập và tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cấp ngành, lĩnh vực và địa phương;

- Tăng cường cung cấp thông tin, dự báo, giải đáp các vấn đề về BĐKH và nội dung Kế hoạch Hành động ngành nông nghiệp & PTNT ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050 trên trang Website và các phương tiện thông tin đại chúng;

- Nâng cao ý thức của cộng đồng, tự giác trong hoạt động nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu



(5). Lồng ghép, tích hợp BĐKH vào kế hoạch hành động, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương

- Xây dựng, ban hành văn bản và hướng dẫn lồng ghép các nội dung BĐKH liên quan đến Chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực, ngành và địa phương;

- Các cấp và địa phương tổ chức lồng ghép các nội dung BĐKH vào kế hoạch hành động, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,... phù hợp với Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu;

(6). Hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như UNDP, ACIAR (Australia), DANIDA (Đan Mạch), WB, ADB, CIDA, JICA, AUSAID, GIZ…

Chủ động tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách, kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và PTNT.

Tham gia và hợp tác cùng các tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và các điều ước quốc tế có liên quan.



2.5. Khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu đối với Nông nghiệp và PTNT

- Năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, PTNT còn hạn chế;

- Thiếu cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chưa có chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia trong công tác ứng phó với BĐKH;

- Công tác ứng phó với BĐKH mới được xem xét đưa vào quy hoạch, kế hoạch, chưa lồng ghép đầy đủ BĐKH với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

- Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, thiên tai chưa thường xuyên, thiếu hệ thống.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác ứng phó với BĐKH còn hạn chế, triển khai một số chương trình/dự án thí điểm ở trung ương và địa phương. Hiện nay, chưa có dòng ngân sách riêng hay nguồn kinh phí ưu tiên cho biến đổi khí hậu.

––––––––––––––––––––––––––––––––

Câu hỏi thảo luận

Đề nghị đồng chí cho biết ý kiến về:



  1. Những biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua là gì?



  1. Các giải pháp cần đẩy mạnh để ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, nông thôn?



  1. Các chính sách cần có để ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, nông thôn?



  1. Làm thế nào để huy động nguồn lực của xã hội vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, nông thôn?

–––––––––––––––––––––––––





tải về 112.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương