TÁC ĐỘng của tpp vớI ĐỊnh hưỚng phát triển công nghiệp của hải phòng ts. Nguyễn Xuân Quang



tải về 64.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích64.21 Kb.
#20223
TÁC ĐỘNG CỦA TPP VỚI ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

CÔNG NGHIỆP CỦA HẢI PHÒNG
TS. Nguyễn Xuân Quang

BBT: Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói nhiều đến TPP (Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Vậy TPP là gì và tác động như thế nào đối với kinh tế Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, khi Việt Nam hoàn tất đàm phán vào TPP. Nội san Thông tin Khoa học xã hội và Nhân văn Hải Phòng xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Xuân Quang bàn về vấn đề này trên giác độ nghiên cứu để bạn đọc cùng tham khảo.



1. Quá trình hình thành

Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement- TPP) là một Hiệp định Thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định lúc đầu do 4 nước tham gia khởi xướng gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore (còn gọi là P4), được ký kết ngày 3 tháng 6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006.

Từ năm 2010 đến nay, có thêm 8 nước tham gia đàm phán gồm: Hoa Kỳ, Australia, Peru, Canada, Mexico, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia. Với 12 đối tác, trong đó có những nền kinh tế mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, TPP trở thành một khu vực kinh tế với thị trường hơn 790 triệu dân, tổng GDP là 27000 tỷ USD, đóng góp 40% GDP và chiếm khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Nội dung đàm phán của TPP, so với các hiệp định BTA, AFTA và WTO, TPP mở rộng hơn, cả về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với phạm vi đa biên như vậy, các cam kết trong TPP sâu hơn, toàn diện hơn. Do đó, tác động ảnh hưởng của TPP rất lớn. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa TPP với các hiệp định thương mại khác. Về nguyên tắc, các cam kết thực hiện TPP phải thực sự bình đẳng, không phân biệt trình độ phát triển và xuất phát điểm của mỗi nước. Mọi thành viên đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau. TPP tạo lập môi trường cho các nước có trình độ phát triển khác nhau, nhưng cố gắng đạt được cùng mẫu số chung để phát triển.



2. Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam khi tham gia TPP

Trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước kém phát triển nhất nhưng phải thực hiện các cam kết bình đẳng, không phân biệt đối xử trên nguyên tắc “có đi, có lại”. Muốn trở thành đối tác TPP, Việt Nam buộc phải thực hiện nhiều cải cách, đó là:



Thứ nhất, VIệt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tài sản trí tuệ là tiền, là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và quốc gia. Thương hiệu một mặt hàng có giá trị hàng tỷ USD, đó là một gia tài lớn, cần được bảo vệ chặt chẽ. Vì vậy, bảo hộ tài sản trí tuệ là nghĩa vụ của mọi quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức. Nếu không bảo vệ được tài sản trí tuệ, sẽ không có các ý tưởng khoa học, phát minh, sáng chế, không thể phát triển khoa học và công nghệ. Yêu cầu đặt ra với Việt Nam là phải có những chế tài đủ mạnh nhằm chặn đứng nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để tăng cường hội nhập quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam phải cải cách luật lao động để đạt được chuẩn mực do các thành viên TPP đưa ra. Đó là các quyền thương lượng giữa công đoàn và giới chủ, quyền thành lập nghiệp đoàn. Đây là những vấn đề rất nhạy cảm và rất khó tìm được tiếng nói chung do thể chế chính trị của Việt Nam còn có sự khác biệt với các nước thành viên TPP.

Thứ ba, Việt Nam phải thực hiện các bước đi để các thành viên còn lại trong TPP thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Hiện có 8 nước trong TPP đã công nhận. Ba nước còn lại là Hoa Kỳ, Canada và Mexico thì chưa. Nghịch lý ở chỗ, đây lại là những đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là một thách thức lớn. Vì rằng, để được Hoa Kỳ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, những tiêu chí mà Hoa Kỳ đưa ra rất khắt khe. Đó là khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam; các quyền lao động được quốc tế chấp nhận như tự do thảo thuận mức lương; đầu tư nước ngoài; sở hữu và sự kiểm soát của nhà nước đối với các tư liệu sản xuất; kiểm soát của nhà nước với sự phân bố các nguồn lực và các nhân tố khác. Trong quan hệ kinh tế thương mại với Hoa Kỳ, giả định rằng nếu Việt Nam là thành viên của TPP nhưng chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, TPP cũng không giúp gì cho Việt Nam loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng. Nguy cơ Hoa kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp trong tương lai vẫn sẽ xảy ra. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp cho nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá cho tới khi Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn kinh tế thị trường theo cách tiếp cận của Hoa Kỳ. Điều này gây phương hại rất lớn cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường lớn nhất thế giới.

Thứ tư, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm công theo chuẩn mực mà các đối tác TPP đưa ra.

TPP là một khu vực tự do thương mại hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc này đòi hỏi thị trường phải thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử. Đó là những tiêu chí đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững. Tham gia vào TPP, Việt Nam phải xoá bỏ sự phân biệt đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cả trên thị trường lẫn trong lĩnh vực mua sắm công (trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng). Mọi doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường. Doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại, nhưng kinh doanh phải công khai, minh bạch, phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Từ khi ra nhập WTO đến nay, Việt Nam vẫn chưa kiến tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chấp nhận vào TPP, Việt Nam phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật hiện hành và quan trọng hơn, phải đổi mới cả phương thức quản lý, điều hành nền kinh tế.

Sau cùng, Việt Nam phải tiếp tục xử lý nguồn gốc xuất xứ hàng hoá xuất khẩu giữa các thành viên TPP. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Nếu so sánh quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ, cán cân thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ so với Trung Quốc tuy kém hơn, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có thặng dư lớn. Hoa Kỳ mang lại cho xuất siêu của Việt Nam lên tới hơn 10% GDP- tương đương khoảng 14,8 tỷ USD/ tổng GDP là 138,1 tỷ USD năm 2012. Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc chiếm hơn 11,5% GDP, tương đương 16 tỷ USD/138,1 tỷ USD.



Nguồn: Tổng cục Hải Quan

Hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng may mặc, giày da và nông hải sản. Về thuận lợi, hàng nông hải sản của Việt Nam tự sản xuất tương đối tốt. Trở ngại cần phải vượt qua là việc sử dụng phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật cho đúng cách để vượt qua hàng rào kiểm soát của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Quy định đó đặt ra cho các nhà khoa học, nhà nước và người nông dân phải có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với nhau để có quy trình sản xuất hợp chuẩn.

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc và giày da, Việt Nam còn vướng mắc ở khâu nguyên liệu sản xuất. Cho đến nay, ngành may mặc và giày da của Việt Nam bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp FDI đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày trong nước không thể phát triển bằng cách nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giày của Việt Nam từ Trung Quốc là 36%; Hàn Quốc 18%; Đài Loan 15%; Hồng Kông là 4% các nước khác là 18%. Trong khi đó, 2 đối tác trong TPP tương lai là Nhật Bản và Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn là 5% và 4%. Nếu tình trạng này không được cải thiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các đối tác TPP sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, trước hết là hàng may mặc và da giày. Điều này rất bất lợi cho Việt Nam.



Nguồn: Tổng cục Hải Quan

Nếu tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hoá, dịch vụ từ các nước đối tác. Đây cũng là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam vẫn còn là một thị trường tương đối đóng với nhiều nhóm mặt hàng nhập khẩu còn giữ mức thuế khá cao (bình quân 11,7%). Vì vậy, việc cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ các đối tác TPP sẽ làm cho các luồng hàng hoá nhập khẩu từ các nước này tràn vào thị trường Việt Nam. Mặt bằng thuế nhập khẩu bình quân 11,7% của Việt Nam sẽ lùi về mức 0%, tạo sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Hệ quả làm cho thị phần của các nhà sản xuất trong nước bị thu hẹp, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đặc biệt, nguy cơ này rất cao đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (nhất là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) sẽ khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh không cân sức. Sau nữa, những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại với quy chế nền kinh tế phi thị trường mà Hoa Kỳ thực hiện rất có thể sẽ vô hiệu hoá những lợi ích mà Việt Nam được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Tương tự như vậy, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến cho hàng hoá Việt Nam không tận dụng được lợi thế từ việc giảm thuế của các thành viên TPP.

Bên cạnh những thách thức trên, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích. Trong các thành viên TPP, nhiều quốc gia có khả năng bổ sung và trợ giúp cao cho nền kinh tế Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore. Đây là những đối tác đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam. TPP có thể giúp thúc đẩy đầu tư của những nước này vào Việt Nam, nhất là những lĩnh vực hiện Việt Nam đang rất cần như phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ công nghệ của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Những rào cản về xuất xứ hàng hoá, nhất là hai lĩnh vực dệt may và da giày cũng sẽ giúp cho ngành dệt, sản xuất dâu, tằm tơ, trồng bông của Việt Nam dần được khôi phục. Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thâm dụng lao động của Việt Nam như ngành may mặc, da giày, TPP sẽ trợ giúp 2 ngành này tiếp cận thị trường Hoa Kỳ với mức thuế quan ưu đãi 0%, thay vì phải chịu thuế suất từ 7-15% như hiện nay. Khi đó, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên “cả về lượng và chất”. Việt Nam không phải lo đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá giống như mặt hàng cá Basa và Tôm mà Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam trong suốt thập kỷ qua. TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi sớm hơn dự đoán nhờ sự gia tăng về xuất khẩu. Ngành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam trợ giúp cho ngành may mặc và da giày sẽ được phục hồi, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp mà hơn 100.000 doanh nghiệp đã phá sản gây ra trong 3 năm qua. Đây chính là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam gia tốc sự phát triển.

Ký kết một FTA (Hiệp định tự do Thương mại) đồng nghĩa với việc chấp thuận mở rộng thị trường của mình cho hàng hoá dịch vụ nước ngoài cũng như xác lập quyền ưu tiên của hàng hoá, dịch vụ nước mình tại thị trường đối tác. Ở phương diện này, hàng hoá dịch vụ của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi xâm nhập thị trường các nước TPP thông qua việc cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện ràng buộc đối với đầu tư, dịch vụ.

Cùng với việc gia tăng hàng xuất khẩu, Việt Nam cũng được lợi nhờ TPP ngay cả ở thị trường nội địa. Đó là những lợi ích gián tiếp mà các khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ và các nước đối tác TPP. Việt Nam sẽ tạo lập được môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, hàng hoá, dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao hơn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận các công nghệ mới và phương pháp quản lý mới tốt hơn. Dù muốn hay không, sẽ xuất hiện một làn sóng cải cách đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ của Việt Nam. Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế- xã hội. Nó sẽ tạo ra một cú huých mạnh, giúp GDP của Việt Nam tăng thêm mỗi năm khoảng 26,2 tỷ USD theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế.



3. TPP và những vấn đề đặt ra với định hướng phát triển công nghiệp của Hải Phòng

Không nghi ngờ gì, tham gia vào TPP Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lớn. Vấn đề là ở chỗ, lợi ích nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào khả năng khai thác cơ hội. Để gia tăng hàng hoá xuất khẩu vào các đối tác thương mại lớn, Việt Nam chỉ có hai sự lựa chọn. Hoặc phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện đầu vào từ các đối tác TPP, hoặc phải tự mình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Đây là bài toán đặt ra phải tìm lời giải cho kinh tế Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng.

Hiện nay, hai ngành may mặc và da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực của Hải Phòng. Trong những năm qua, các nguyên liệu phụ kiện để duy trì những ngành sản xuất này phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các nước EU. Đây là “Gót chân A-sin”, làm giảm hiệu quả kinh tế của các ngành xuất khẩu chủ lực Hải Phòng. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Hải Phòng luôn bị thiệt hại “ kép” cả ở đầu vào lẫn đầu ra vì phải mua đắt, bán rẻ. Do giá trị gia tăng thấp, lại phải chia sẻ với nhiều đối tác nên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố không cao. Vì vậy, muốn khai thác được lợi ích của TPP trong lĩnh vực đẩy mạnh xuất khẩu, thu ngoại tệ, nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào GDP thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, Hải Phòng phải xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ- vốn lâu nay yếu kém và lệ thuộc nhiều vào đối tác nước ngoài.

Trên thực tế, hiện còn tồn tại một cách hiểu chưa đúng về vai trò của các ngành công nghiệp mà người ta thường gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều người cho rằng, công nghiệp hỗ trợ chỉ đóng vai trò trợ giúp cho các ngành công nghiệp khác. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chính ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp xương sống, quyết định sự phát triển hoặc triệt tiêu nhiều ngành sản xuất khác, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu nội bộ ngành sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ cung cấp các sản phẩm trung gian mà nếu không có, không thể thực hiện sản xuất sản phẩm cuối cùng.

Theo quan niệm phổ biến, công nghiệp hỗ trợ được hiểu là những ngành sản xuất ra các sản phẩm đầu vào, gồm các sản phẩm hàng hóa trung gian và các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất. Đó là các ngành sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng đối với phát triển ngành công nghiệp nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Ngoài việc làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chính, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá theo chiều rộng và chiều sâu, công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp dựa vào nó không có sức cạnh tranh, làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Như vậy, có thể thấy, nếu không có nhà cung cấp sản phẩm ở chuỗi đầu vào, sẽ không có nhà sản xuất ở chuỗi đầu ra. Nếu xét về toàn bộ quá trình tạo ra giá trị, công nghiệp hỗ trợ là ngành đứng đầu chuỗi giá trị gia tăng. Thực tế đã cho thấy, phần giá trị gia tăng tạo ra ở khâu đầu tiên đều rơi vào nhà cung cấp, không phải chia sẻ với bất kỳ ai. Ngược lại, phần giá trị gia tăng tạo ra ở khâu cuối cùng, nhà sản xuất phải chia sẻ với nhiều đối tác khác nhau. Đó là các công ty, đại lý trung gian phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao trong nhiều thập kỷ qua, các nước công nghiệp phát triển thường nắm giữ các ngành công nghiệp hỗ trợ, “nhường ” phần gia công, lắp ráp sản phẩm cuối cùng cho các nước đang phát triển. Đồng thời cũng lý giải vì sao trong những năm qua, ngành may mặc, da giày, xuất khẩu gạo của Việt Nam thu nhập rất thấp vì phần giá trị gia tăng đã bị các nhà cung cấp đầu vào và phân phối hưởng lợi hết. Thu nhập của người sản xuất cuối cùng chẳng được là bao. Các doanh nghiệp lắp ráp, gia công hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ được “hớt váng” phần giá trị còn lại. Để khuyếch đại lợi ích và giảm thiểu những bất lợi do Việt Nam tham gia vào TPP, cần xác định lại mục tiêu dài hạn về quy hoạch phát triển công nghiệp của Hải Phòng khi cơ hội xuất hiện. Trong những năm tới, nên chăng, Hải Phòng cần đi sâu chuyên môn hoá, tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, không phát triển công nghiệp dàn trải để, một mặt, tạo nền móng vững chắc cho các ngành sản xuất khác, mặt khác, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, hưởng lợi ngay từ chuỗi đầu vào của quá trình sản xuất. Về lợi thế so sánh, có 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà Hải Phòng có điều kiện để phát triển là:

- Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, trong đó tập trung sản xuất, chế tạo thiết bị và phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, tàu thuỷ.

- Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất và lắp ráp điện tử, tập trung vào sản xuất chip điện tử, bo mạch điều khiển và các chi tiết nhựa trong sản phẩm điện tử, cung cấp cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và sản xuất sản phẩm thông minh đang dần hình thành tại Hải Phòng.

- Công nghiệp hoá chất sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để giảm thiểu tác động đến môi trường, ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất hoá mỹ phẩm và hoá dược, chất tẩy rửa, sơn, các sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp khác của Hải Phòng và tham gia xuất khẩu.

- Phát triển các ngành sản xuất xơ sợi, sợi và dệt nhuộm, sản xuất các phụ kiện cho sản xuất sản phẩm từ da để cung cấp đầu vào trực tiếp cho hai ngành may mặc và da giày của Hải Phòng và các địa phương trên cả nước, loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài, tức loại bỏ các hoạt động sản xuất gia công - vốn đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Cuối cùng, tập trung xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đó là công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi. Việt Nam là nước nông nghiệp, cầu về những sản phẩm này rất cao. Hàng năm, nước ta phải nhập khẩu khoảng 70% các sản phẩm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển ngành công nghiệp này đã có sẵn thị trường tiêu thụ trong nước đầy tiềm năng, giá trị gia tăng lớn.

Khi hoàn cảnh đã thay đổi thì phương pháp cũng phải thay đổi. Việc điều chỉnh một bước định hướng phát triển công nghiệp của Hải Phòng để tập trung mọi nguồn lực xây dựng công nghiệp hỗ trợ là một bước lùi chiến lược. Bước lùi này là hết sức cần thiết. Về thực chất, là từ bỏ lối tư duy phát triển cân đối để tập trung vào lĩnh vực quan trọng hơn nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố. Xét cho cùng, đây chính là sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, là áp dụng một cách uyển chuyển mô hình “Tăng trưởng không cân đối - unbalanced growth” của Hrichman. Theo đó, nguồn vốn đầu tư nên tập trung vào những ngành “Trọng điểm”, những ngành này sẽ có mức độ lan toả cao hơn các ngành khác đến nền kinh tế (backward linkage) hoặc những ngành có độ nhậy cao đối với nền kinh tế (forward linkage). Công nghiệp hỗ trợ hội đủ hai tiêu chuẩn đó. Khi ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đổi lấy lợi ích dài hạn. Theo lý thuyết về sự lựa chọn, đây là sự đánh đổi đáng giá. Thành công là nhờ sự lựa chọn, là tạo ra sự khác biệt, chứ không phải nhờ cơ hội. Trong thời đại toàn cầu hóa và hình thành sự phân công lao động và chuyên môn hóa sâu, sự phát triển tốt nhất được tạo ra từ sự mất cân đối. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại nhiều cái lợi:

Trước hết, các doanh nghiệp của Hải Phòng sẽ thu được lợi ích “kép”, cả ở đầu vào và đầu ra, GDP của thành phố sẽ nhanh chóng gia tăng. Lợi ích dài hạn là từng bước nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP vào GDP thành phố, làm cho kinh tế thành phố phát triển bền vững.

Công nghiệp hỗ trợ còn góp phần làm giảm chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả cuối cùng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Là ngành công nghiệp giữ vị trí độc tôn của đầu vào nên công nghiệp hỗ trợ thường là những ngành công nghiệp độc quyền hoặc ít nhiều mang tính độc quyền. Vì vậy, thường chủ động áp đặt giá nên hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các nhân tố khác, công nghiệp hỗ trợ cũng là “thủ phạm” đẩy chi phí trung gian tăng cao khiến cho các doanh nghiệp sản xuất dựa vào nó bị thua thiệt. Bởi thế, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đầu vào sẽ tiết giảm được nhiều chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn dẫn đến sự thay đổi cơ cấu về trình độ công nghệ, cơ cấu lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, tác động rất mạnh đến lĩnh vực giáo dục- đào tạo.

Do đặc điểm của công nghiệp hỗ trợ là những ngành sản xuất chế tạo những linh kiện, phụ tùng, các chi tiết máy, các sản phẩm trung gian phục vụ cho các ngành sản xuất gia công, lắp ráp nên thường sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Vì vậy, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mới thu hút được công nghệ kỹ thuật cao, làm thay đổi căn bản trình độ công nghệ của thành phố.

Khi hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ cấu lao động, nghề nghiệp của Hải Phòng sẽ có sự thay đổi căn bản. Do các ngành công nghiệp hỗ trợ thường là công nghiệp công nghệ cao, nên đòi hỏi nguồn nhân lực cung ứng cho nó phải có chất lượng cao. Ngược lại, công nghiệp gia công, lắp ráp thường sử dụng lao động có trình độ thấp, lao động phổ thông, giản đơn. Do đó, công nghiệp hỗ trợ có tác động lan toả, gây ra “hiệu ứng cưỡng bức”, buộc các cơ sở giáo dục- đào tạo phải đổi mới cả về nội dung và phương thức đào tạo cho thích hợp với nhu cầu mới của nền sản xuất xã hội, giải quyết được tận gốc bài toán nhân lực mà lâu nay, lĩnh vực giáo dục- đào tạo nghề vẫn bế tắc, chưa tìm được hướng đi.



Khi Việt Nam vào TPP, cùng với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và các đối tác TPP khác, không loại trừ khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ những nước đứng ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan vào Việt Nam để xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm hưởng lợi do TPP mang lại. Đây cũng là thời cơ để Hải Phòng tăng cường thu hút đầu tư, hướng nguồn vốn FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ mà hiện nay đã trở thành một nhu cầu cho sự phát triển bứt phá của kinh tế thành phố. Giai đoạn 2015- 2020, Hải Phòng phải xây dựng và thiết lập được nền tảng của ngành công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu đến năm 2025 phải trở thành trung tâm cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp của các tỉnh khu vực phía Bắc và tham gia xuất khẩu. Thực hiện được mục tiêu này sẽ góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững.





Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> ttkhxhvnv -> 2026
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
2026 -> BẪy thu nhập trung bình và Ứng phó CỦa viỆt nam ts. Nguyễn Trần Minh Trí
2026 -> Du lịch vùng đỒng bằng sông hồNG: SẢn phẩm sinh thái nhân văn là DÒng chủ LƯU
2026 -> BÌnh luận về miễn trách nhiệm do VI phạm hợP ĐỒng tạI ĐIỀU 294 luật thưƠng mạI 2005 ThS. Bùi Hưng Nguyên
2026 -> THÀnh phố hoa phưỢng đỎ
2026 -> Vũ Thị Thành Lý Thị Quỳnh Trang

tải về 64.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương