Tác động của Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng



tải về 110.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích110.6 Kb.
#1416
Tác động của Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

đến phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình và giải pháp đầu tư bền vững trên cơ sở bảo tồn khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng

Ths. Ngô Nữ Quỳnh Trang

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình



I. Vài nét khái quát về Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở phía Tây huyện Bố Trạch, giáp với biên giới Việt - Lào; cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km theo hướng Tây Bắc. Vườn được thành lập trên cơ sở nâng hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2001 với diện tích 85.754ha. Tháng 7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, đáp ứng tiêu chí viii (đại diện quá trình hình thành trái đất và giá trị địa chất); bao gồm những giá trị nổi bật nhất về địa mạo đá vôi phức tạp ở khu vực Đông Nam Á, với những hang động đẹp nổi tiếng như động Phong Nha, động Thiên Đường và động Sơn Đoòng - một động khô lớn nhất thế giới. Ngoài ra, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn được biết đến bởi các giá trị nổi bật toàn cầu về tính đa dạng sinh học, nơi đây chứa đựng tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm: các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động và các hệ sinh thái thứ sinh. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất là rừng nhiệt đới thường xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài Bách xanh núi đá - Calocedrus rupestris và dưới tán là các loài Lan hài vệ nữ - Paphiopedilum spp, phân bố trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m ÷ 1.000m.



Các giá trị nổi bật của Vườn dựa trên các tiêu chí Di sản thế giới

- Địa mạo và lịch sử trái đất: Là một mẫu chuẩn nổi bật hiển diện cho giai đoạn chính của lịch sử trái đất, bao gồm các quá trình địa chất đang tiếp diễn có ý nghĩa quan trọng: Kiến tạo đá vôi của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hình thành từ kỷ đại cổ sinh (cách đây 400 triệu năm) và đây được xem là khu vực núi đá vôi cổ nhất ở châu Á. Các quá trình hình thành vùng núi đá vôi dẫn tới sự hình thành các kiểu hang động khác nhau ở khu Di sản, bao gồm: các dòng sông ngầm, hang động khô, hang động bậc thang, hang động treo, hang động hình cây và hang động giao nhau; trong đó nổi bật nhất là động Phong Nha với một dòng sông ngầm dài 44,5km chảy trong lòng động; động Sơn Đoòng là hang động khô lớn nhất thế giới; động Thiên Đường mới mở cho khách đến tham quan năm 2011. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn là khu Karst mang ý nghĩa quan trọng toàn cầu đã được biết đến từ những năm 1920 với những hang động nổi tiếng được người Pháp tổ chức du lịch từ năm 1937.

- Các giá trị Di sản thế giới về đa dạng sinh học và tiềm năng các quá trình tiến hóa đang tiếp diễn: Đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất công nhận đạt tiêu chí Di sản thế giới về tính đa dạng sinh học và đề xuất được công nhận về giá trị nổi bật toàn cầu cho các quá trình sinh thái và sinh học đang diễn ra trong tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái dưới mặt nước và các quần thể động thực vật ở các hệ sinh thái này.

Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học bởi nơi đây chứa đựng các hệ sinh thái rừng, bao gồm rừng trên núi đá vôi và rừng trên núi đất tạo nên tính đa dạng sinh học cao của khu hệ động vật, thực vật bao gồm một số loài đặc trưng của địa hình đá vôi, nhiều loài đặc hữu và một số loài đang bị đe dọa toàn cầu. Sự đa dạng phong phú về các loài đang bị đe dọa ở VQG đã được khẳng định chắc chắn bao gồm các loài đặc hữu và loài có vùng phân bố hẹp đang bị đe dọa ở cấp quốc tế và cấp quốc gia như: Chà vá chân nâu (Pygthrix nemaeu), Vượn đen má trắng Siki (Nomascus siki); Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Voọc Hà Tĩnh…

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là một mẫu điển hình về đa dạng sinh học của vùng sinh thái dãy Trường Sơn, được xác định là một trong 200 trung tâm có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học trên thế giới (WWF, 2000). Hơn nữa, Phong Nha - Kẻ Bàng được Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế đánh giá là 2 trong số 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam (BirdLife, 2005). Các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy, sự có mặt của 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 116 loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Nghị định 32 của Việt Nam và Sách Đỏ IUCN 2006; 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, trong đó có 2 loài mới đặc hữu rất hẹp, chỉ thấy ở VQG và các khu vực núi đá là Bách xanh núi đá - Calocedrus rupestrisOligoceras eberhardtii. Về động vật đã ghi nhận được 735 loài động vật có xương sống, 69 loài côn trùng, trong đó có 129 loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Nghị định 32 của Việt Nam và Sách Đỏ IUCN 2006.

Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có giá trị nổi bật nhờ hệ thống các hang động và cảnh quan núi đá vôi tuyệt đẹp bao phủ bởi rừng mang lại. Các khu vực này dễ tiếp cận từ các trung tâm dân cư mang lại nhiều cơ hội đối với các hoạt động giải trí và du lịch trãi nghiệm có chất lượng theo tiêu chuẩn thế giới. Ngoài ra, các giá trị về cảnh quan, thẩm mỹ, cảm hứng và hiệu hữu của núi đá vôi hùng vĩ của khu Di sản tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ đưa đến cho du khách những trãi nghiệm kỳ diệu đầy cảm hứng cần được bảo tồn mãi mãi cho thế hệ mai sau.

Những giá trị đa dạng sinh học, giá trị nhân văn cũng như những giá trị còn tiềm ẩn của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ trở thành dịch vụ khoa học quý báu cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng chính là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với Quảng Bình, Việt Nam mà đối với toàn nhân loại.

II. Đánh giá tác động của Di sản thế giới đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong thời gian vừa qua

Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về đánh giá tác động của Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình, để làm được điều này cần phải có thời gian, kinh phí và phương pháp nghiên cứu độc lập khá tốn kém. Trong phạm vi nghiên cứu này, bằng phương pháp thống kê mô tả, tác giả chỉ đưa ra các số liệu và những đánh giá mang tính định tính về những tác động trực tiếp, gián tiếp của Di sản thế giới đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian vừa qua; đồng thời đưa ra những giải pháp quản lý đầu tư bền vững trên cơ sở bảo tồn Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.



2.1. Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển du lịch, dịch vụ

Những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản là tài nguyên quý báu, là lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng. Trong những năm qua, kinh tế khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đang ngày càng được hỗ trợ thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Thông qua phát triển du lịch, dịch vụ Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã có tác động đáng kể đến kinh tế, xã hội tỉnh, góp phần trực tiếp và gián tiếp trong tạo việc làm, tăng thu nhập và doanh thu trong khu vực. Số lượng khách đến thăm quan Khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tăng nhanh đáng kể trong thời gian gần đây là một minh chứng cho sự đóng góp đáng kể của Vườn vào phát triển du lịch tỉnh nhà. Từ khoảng 115.000 lượt người năm 2001 lên 961.425 lượt người năm 2011 (trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 2,7%) cho thấy tầm ảnh hưởng về giá trị du lịch của Vườn ngày càng cao và là một điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương qua các chuyến tham quan du lịch tại Vườn. Sự tác động này thể hiện trên các mặt sau:

- Mặc dù quy mô nền kinh tế không lớn, sự chuyển dịch còn chậm nhưng đã phản ánh được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Tỷ trọng dịch vụ luôn ở mức cao và có bước tăng trưởng đáng kể; trong đó ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển đáng kể cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Qua số liệu thống kê hàng năm, qui mô nền kinh tế (GDP) của tỉnh theo giá hiện hành năm 2001 là 2.452,7 tỷ đồng; năm 2005 là 4.541,2 tỷ đồng và năm 2010 là 12.439,35 tỷ đồng. Tỷ trọng GDP của các ngành kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp,


Cơ cấu kinh tế

2001

2005

2010

Tổng số

100

100

100

Nông lâm nghiệp

35,4

29,5

21,8

Công nghiệp - xây dựng

26

31,6

37,4

Dịch vụ

38,6

38,9

40,8

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2001-2005 là 8,85% và giai đoạn 2006-2010 là 10,58%. Tăng trưởng kinh tế theo GDP giai đoạn 2001-2005 của lĩnh vực dịch vụ tăng 8,84%, và giai đoạn 2006-2010 là 11,65%; trong ngành dịch vụ thì du lịch chiếm tỷ trọng khá cao và mức độ ảnh hưởng, tác động của Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đến phát triển du lịch là đáng kể. Du lịch đang tiếp tục phát triển và đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp, nhiều dự án ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai đầu tư; chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên; lượng khách du lịch tăng bình quân 10 - 12%/năm.

- Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực có sự dịch chuyển theo hướng tiến bộ, tăng đáng kể tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động khu vực nông lâm thuỷ sản. Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 11,06% năm 2001 lên 15,23% năm 2005 và đạt 20,04% vào năm 2010. Xu hướng dịch chuyển lao động từ nông - lâm nghiệp sang dịch vụ du lịch là chủ yếu. Nhìn chung sự chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ nhanh hơn so với các ngành, lĩnh vực khác, một mặt do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế; mặt khác (qua số liệu điều tra thống kê) cho thấy thu nhập từ hoạt động dịch vụ cao hơn so với ngành khác, đây là động lực cơ bản trong chuyển dịch lao động giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành kinh tế. Hầu hết người dân ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và các vùng khác chuyển từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, phục vụ du lịch là khá phổ biến, điều này phù hợp với xu thế chuyển dịch lao động theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế tỉnh theo định hướng phát triển du lịch dịch vụ.

- Thu nhập GDP bình quân trên lao động có sự gia tăng và chênh lệch đáng kể giữa các ngành kinh tế, cụ thể như sau:

Đơn vị tính: đồng.


Ngành

Bình quân GDP/Lao động

2001

2005

2010

Bình quân chung

6.299.121

11.063.851

27.092.849

Trong đó: - Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.874.659

4.632.735

9.005.168

- Công nghiệp và xây dựng

14.366.881

25.726.706

70.506.425

- Dịch vụ, trong đó:

21.991.289

27.773.409

55.177.513

+ Khách sạn và nhà hàng

12.808.753

14.56.8032

37.346.804

Nguồn: Tính toán nội suy từ niên giám thống kê

Như vậy, mặc dù thu nhập từ ngành du lịch (khách sạn và nhà hàng) thấp hơn so với thu nhập từ ngành dịch vụ nói chung nhưng vẫn cao hơn bình quân chung và cao hơn nhiều so với thu nhập từ ngành nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó, giá trị GDP bình quân trên lao động của ngành này gia tăng đáng kể từ 2001-2010. Điều này không những đóng góp vào GDP của nền kinh tế mà còn có ý nghĩa trong vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực Di sản nói riêng.



2.2. Tác động của Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đến thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua

Sự kiện VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7/2003 đã tạo nên một làn sóng khá mạnh gây sự chú ý của các tổ chức trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu về các giá trị, tiềm năng của Di sản, bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới của các tổ chức, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu còn có các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác tiềm năng du lịch của Di sản này.

Đến nay ngoài các tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ nghiên cứu, cứu trợ động vật tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; có 2 dự án ODA đang triển khai trong khu vực Di sản đó là:

- Dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (KFW-Đức) với tổng vốn đầu tư 15,77 triệu Euro (trong đó: vốn vay 4,63 triệu Euro, vốn viện trợ không hoàn lại 8 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 3,14 triệu Euro).

- Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mêkông tỉnh Quảng Bình (ADB) với tổng vốn đầu tư là: 2,95 triệu USD (trong đó: vốn vay ADB: 2,4 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 550.000 USD).

Bên cạnh đó, số lượng dự án của các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào khu vực VQG cũng khá lớn. Theo thống kê từ năm 2007-2012, toàn tỉnh có 145 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 8.726.269 triệu đồng; trong đó có 19 dự án du lịch với tổng số vốn đăng ký là 1.448.587 triệu đồng (lũy kế vốn thực hiện các dự án du lịch là 899.400 triệu đồng). Trong đó, có 11 dự án được cấp phép đầu tư tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với tổng số vốn đăng ký là 421.549 triệu đồng; trong đó có 2 dự án du lịch lớn với số vốn đầu tư là 259 tỷ đồng, gồm: Dự án Khu du lịch động Thiên đường của Tập đoàn Trường Thịnh vốn đầu tư 131 tỷ đồng; và Dự án Thung lũng Di sản thế giới của Công ty Đông Dương với số vốn đăng ký 128 tỷ đồng. Hiện tại Công ty Zeta Plan and Investment đang khảo sát dự kiến đầu tư Dự án Khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với số vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

Như vậy, tác động của Di sản thế giới đến thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh là đáng kể. Sau khi các dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào GDP của tỉnh, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn. Giảm thiểu áp lực về sinh kế của người dân lên tài nguyên thiên nhiên của Di sản.

2.3. Tầm ảnh hưởng và những tác động khác của Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đến kinh tế - xã hội và môi trường

- Từ những giá trị hiện hữu của Di sản thế giới có thể khẳng định vị thế về tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai là rất lớn nếu như chúng ta biết trân trọng, bảo vệ và phát huy tốt các giá trị của Di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Mặt khác, phát triển kinh tế hiện đại, sự đang dạng hóa, toàn cầu hóa kinh tế quốc tế; các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là mối lo chung của toàn nhân loại, việc giảm phát thải là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Với hơn 125.000ha rừng của Di sản thế giới và hơn 633.000ha rừng của Quảng Bình sẽ là cơ hội để thế giới biết đến và chia sẽ về các giải pháp tăng trưởng kinh tế xanh. Thông qua mua, bán quyền phát thải chúng ta sẽ có cơ hội đưa lại nguồn thu đáng kể từ bán quyền phát thải để đầu tư bảo vệ Di sản, đồng thời giải quyết sinh kế của người dân trong khu vực Di sản khi tham gia thực hiện giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu; và tham gia thực hiện Chương trình REDD+ về giao dịch tín dụng cacbon… Như vậy, Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ có đóng góp thực sự và đáng kể đối với môi trường toàn cầu nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng khi tham gia thực hiện các thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với mục tiêu giảm phát thải trong tương lai.

- Thông qua Di sản thế giới người ta biết đến Quảng Bình ngày càng nhiều hơn, từ đó sẽ có nhiều người quan tâm tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Bình. Đây là tác động gián tiếp của Di sản thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Có nhiều hơn các tổ chức quốc tế quan tâm đến bảo tồn Di sản - giữ gìn cho thế hệ mai sau sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn Di sản nhằm nâng cao năng lực quản lý cho chính quyền địa phương các cấp, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với Di sản, tạo doanh thu cho các dịch vụ liên quan góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

- Có nhiều hơn các nghiên cứu độc lập đánh giá về các giá trị của Di sản trên tất cả các khía cạnh tự nhiên, kinh tế - xã hội, khoa học và nhân văn; sẽ có những đóng góp đáng kể, là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đồng thời sẽ có những đề xuất về giải pháp quản lý tốt hơn, khai thác có hiệu quả hơn về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của Di sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

III. Đầu tư phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng

3.1. Những thuận lợi, khó khăn cơ bản trong đầu tư phát triển và bảo tồn khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng

3.1.1. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.

- Được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý chiến lược, quản lý hoạt động và quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển vùng đệm theo hướng bảo tồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; đưa ra các đề xuất, giải pháp có tính chiến lược cho công tác bảo vệ và phát triển Di sản Thiên nhiên VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với Công ước Di sản thế giới.

- Nhận thức của cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình về Di sản và quản lý, bảo vệ, bảo tồn Di sản ngày một nâng cao.

3.1.2. Khó khăn:

- Về công tác quy hoạch, quản lý: Từ khi thành lập cho đến nay đã hơn 10 năm, với nhiều lý do khác nhau nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch phát triển bền vững VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chính thức được phê duyệt làm cơ sở để thực hiện. Việc quản lý, bảo vệ và đầu tư nhằm phát huy các giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn gặp nhiều tranh cải, khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Vì vậy, việc tìm kiếm đối tác đủ tầm để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là hết sức quan trọng và cần thiết mà tỉnh cần quan tâm.

- Về công tác đầu tư: Nguồn ngân sách đầu tư cho Vườn chủ yếu trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch tại Vườn, với tổng kinh phí đã đầu tư là 56,4 tỷ đồng/tổng mức đầu tư các dự án được duyệt là 91 tỷ đồng, chỉ mới đáp ứng được 62%. Thiếu ngân sách cho các chương trình giám sát, điều tra và nghiên cứu; thực tế công tác điều tra, giám sát và nghiên cứu trong thời gian qua chủ yếu sử dụng từ các nguồn vốn huy động của các tổ chức phi chính phủ (NGO), các quỹ phát triển rừng, từ nguồn hỗ trợ kỹ thuật các dự án ODA. Nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng hàng năm còn thiếu, chưa đủ để thực hiện công tác tuần tra rừng theo định kỳ. Đặc biệt là thiếu kinh phí cho hoạt động đào tạo, tập huấn và xây dựng năng lực theo kế hoạch đầu tư của Vườn.

- Về công tác quản lý: Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý Vườn hiện tại đang thiếu kỹ năng, kiến thức liên quan đến bảo tồn, kỹ năng xây dựng và áp dụng các chương trình giám sát và nghiên cứu; thiếu đội ngũ cán bộ thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và cán bộ hoạt động liên quan đến cộng đồng trong vùng đệm.

Những hạn chế trên dẫn đến công tác bảo vệ và bảo tồn đang kém hiệu quả.

3.1.3. Đánh giá về các mối đe dọa, thách thức đối với công tác bảo tồn và quản lý VQG Phong Nha- Kẻ Bàng:

a) Thách thức trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu:

- Thảm họa từ thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây nên những hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường và không thể dự báo trước khả năng tăng nguy cơ hạn hán đến cháy rừng hay mưa lũ bất thường gây lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của động, thực vật và phá hoại các công trình hạ tầng phục vụ du lịch trong khu Di sản. Tình trạng lũ lụt xảy ra hàng năm không chỉ ngăn bước chân của các đoàn du khách tham quan mà còn tác động làm giảm thiểu độ bền của hang, nước xoáy, va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang. Bên cạnh tác hại của lũ lụt là hiện tượng nắng nóng làm nứt, gảy các mạch đá gây đá rơi trước cửa động Phong Nha là một bằng chứng về sự phá hủy Di sản.

- Tuy Di sản chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ của sự biến đổi khí hậu như vậy nhưng các hoạt động mang tính phòng ngừa tác động của sự biến đổi khí hậu đối với Di sản trong những năm qua vẫn chưa rõ ràng, nhận thức chung về hiểm họa của thay đổi khí hậu đối với Di sản còn mơ hồ. Một phần do nền kinh tế của tỉnh, của đất nước còn nghèo, các nỗ lực chung trong phòng chống thiên tai vẫn còn bị hạn chế, chủ yếu tập trung giải quyết các hiểm họa trực tiếp, đột xuất, ít có sự chuẩn bị mang tính phòng ngừa. Mặt khác, do quan niệm: “nước lụt thì lút cả làng” cho nên cái lo lớn về đời sống của con người vùng lũ lấn át những cái lo đối với Di sản trong lúc này.

- Theo nhận định chung của Ủy ban Di sản thế giới là: “Những tác động của thay đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng xấu đến các tài sản Di sản thế giới, cả tài sản văn hóa và thiên nhiên trong những năm tới đây”. Ủy ban Di sản thế giới đã ra Nghị quyết số 30.Com7.1 đề nghị tất cả các nước thành viên thực hiện chiến lược để bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và nguyên gốc của các tài sản Di sản thế giới, tránh những tác động tiêu cực của thay đổi khí hậu. Ủy ban cũng đã yêu cầu Trung tâm Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn và các nước thành viên tăng cường và thực hiện các dự án thí điểm tại các tài sản Di sản thế giới đặc biệt, nhất là ở các nước đang phát triển.

- Sự biến đổi khí hậu sẽ tác động đến cấu tạo và sự phân bố của tự nhiên, hệ sinh thái sẽ bị thay đổi, các giống loài và quần cư phải thích ứng với những điều kiện mới do thay đổi khí hậu tạo ra; các giống loài có thể bị buộc phải thay đổi theo. Như vậy, sự thay đổi khí hậu có tác động dội ngược và dĩ nhiên là đang ảnh hưởng tới sự bảo tồn các tài sản Di sản Thiên nhiên và các hệ sinh thái sinh tồn bền vững tại Vườn.

b) Thách thức trước xu thế phát triển du lịch không bền vững:

Đây là một thách thức lớn đối với hầu hết các Di sản thiên nhiên và di sản văn hóa chứ không chỉ riêng đối với Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh hưởng của phát triển kinh tế, du lịch đối với bảo tồn và phát huy Di sản đang diễn ra khá mạnh mẽ trong hiện tại. Cho đến nay, việc đi tìm lời giải cho bài toán bảo tồn Di sản và phát triển du lịch vẫn còn là một ẩn số.

Tiềm năng du lịch lớn của Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng về du lịch hang động và du lịch khám phá đã được khẳng định. Số lượng du khách trong nước và quốc tế tăng lên hàng năm rất lớn từ 115.000 lượt người năm 2001 lên 329.000 lượt người năm 2004 và 961.425 người vào năm 2011. Lượng khách quốc tế ngày càng tăng nhiều hơn, từ 1.000 lượt năm 2001 lên 11.800 lượt người vào năm 2007 và 25.958 người vào năm 2011. Du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng và việc giới thiệu các giá trị Di sản thế giới cho du khách là một trong những nhiệm vụ cơ bản của Vườn. Tác động phát triển du lịch đại trà trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường du lịch và công tác đầu tư mở rộng qui mô phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên và công tác bảo tồn VQG. Vì vậy, cần phải được xem xét đánh giá nghiêm ngặt về tác động của du lịch đến môi trường xung quanh của khu Di sản.

Nhìn từ góc độ kinh tế, việc đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ du lịch trong VQG nhằm khai thác tiềm năng du lịch của Vườn phục vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà, đồng thời đảm bảo việc đi lại, trao đổi hàng hóa tạo điều kiện và cơ hội cho người dân giao lưu và phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của nó là thuận lợi hơn trong việc vận chuyển các sản phẩm khai thác trái phép từ Vườn ra bên ngoài, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, trong quá trình xây dựng đã thải ra môi trường một số lượng chất thải đáng kể, gây khói bụi…Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển đất, đá xây dựng công trình, một số loài ngoại lai theo đó xâm nhập vào trong khu vực ảnh hưởng đến giá trị của Di sản.

Du lịch đại trà với nhận thức môi trường thấp có khả năng gây tác động đến người dân địa phương và các loài động vật hoang dã. Thực tế quan sát phát hiện thấy hoạt động du lịch đã gây tiếng ồn ảnh hưởng lên các loài linh trưởng, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Các điểm du lịch nổi tiếng đang chịu áp lực lớn là hệ quả của tiếng ồn và tình trạng xả rác thải bừa bãi. Môi trường trong hang động thuộc loại môi trường đặc biệt, dễ bị tổn thương và hoạt động du lịch hang động có khả năng gây ra các thiệt hại vĩnh viễn nếu không được kiểm tra, giám sát một cách kỹ lưỡng. Các thiết bị lắp đặt trong hang động và lượng khách quá tải trong suốt những tháng mùa hè cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đối với đặc trưng của hang động và các loài động, thực vật hang động quý hiếm. Hệ thống chiếu sáng có thể có khả năng làm gia tăng sự phát triển các loài trong hang như tảo, nấm, địa… gây tình trạng bạc màu và thiệt hại vĩnh viễn lên các đặc trưng hang động. Do du lịch mở rộng và phát triển du lịch ra các khu vực khác của Vườn nên chúng có khả năng gia tăng các mối đe dọa lên sự trãi nghiệm của du khách, lên địa mạo và đa dạng sinh học trong khu vực. Thực tế bảo tồn và phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho thấy ở hang động Phong Nha và động Tiên Sơn đã có hiện tượng ở một số khu vực thạch nhủ bị chuyển màu.

Mặc dù phát triển du lịch ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đang ở mức độ chưa cao nhưng cũng đã có nhiều cảnh báo về ô nhiễm môi trường du lịch. Vì vậy, cần có định hướng quản lý sớm, không để việc khai thác tiềm năng Di sản phục vụ du lịch một cách quá đà, thiếu tính bền vững; không để lợi nhuận từ kinh tế du lịch gây thiệt hại đến các giá trị của Di sản. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Sự phát triển du lịch quá mức sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với Di sản, khi du khách thu hút tới Di sản đông hơn thì chính hoạt động của du khách sẽ có những tác động vừa tích cực vừa tiêu cực tới nó. Nếu không quản lý tốt, Di sản của chúng ta sẽ đứng trước thách thức: môi trường xuống cấp, ảnh hưởng đến mục tiêu phát huy Di sản để phát triển du lịch.

- Cần phải có quan niệm đúng về việc khai thác du lịch ở Di sản, có tiếng nói và những biện pháp mạnh mẽ để lên tiếng, trong những trường hợp khai thác du lịch ảnh hưởng đến Di sản cũng phải có kiến nghị kịp thời, phải biết nói không, biết từ chối với những hành động ảnh hưởng đến Di sản. "Không nên bán rẻ tài nguyên du lịch" - đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới”. Mặt khác, một khi Di sản đã được vinh danh thì không còn là tài sản của riêng một địa phương, của một nước mà của cả nhân loại. Bởi vậy, UNESCO nhận định, Di sản đó cần được giới thiệu cho công chúng càng nhiều càng tốt. Nhưng với đặc thù di sản dễ bị tổn thương và có thể bị biến mất rất nhanh, nên việc gìn giữ và phát huy là vô cùng khó.

Bản thân Di sản là một giá trị để phát triển, vì vậy phát triển du lịch là phải bảo vệ những giá trị đích thực của Di sản và cần có một cái nhìn tổng thể, phải coi bảo vệ Di sản và phát triển du lịch bền vững là làm cái bánh to, chứ không phải là nhiều cái bánh và cần phải có sự kết nối trong phát triển du lịch của các Di sản. Thực tế cho thấy, khi Festival Huế được tổ chức hai năm một lần, lượng khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu của các địa phương đều tăng lên, đó là kết quả của sự kết nối du lịch các Di sản. Hầu hết các tỉnh đều đứng trước thách thức của bài toán bảo tồn Di sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải hiểu được rằng chỉ có bảo tồn tốt thì mới phát triển du lịch bền vững.

c) Các mối đe dọa phải đối mặt trực tiếp trong quản lý, bảo tồn các giá trị Di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay:

- Săn bẫy động vật hoang dã: Đây là mỗi đe dọa lớn nhất đối với tính toàn vẹn sinh học của Vườn. Các loài bị đe dọa chủ yếu là linh trưởng và các loài thú lớn; lợn rừng, gấu, cầy hương, nhím, rùa, rắn… Hoạt động này xảy ra chủ yếu trong vùng lõi, săn bắn theo mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của thị trường và giá trị thương mại về thịt động vật hoang dã cao; do thói quen sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm ở một số vùng. Do thiếu việc làm, thiếu ý thức, nhận thức về luật pháp liên quan đến bảo vệ các loài động vật hoang dã và bảo tồn VQG nên một số người dân đã lén lút vào rừng săn bẫy động vật đem bán nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

- Khai thác gỗ trái phép: Hoạt động này vẫn còn diễn ra trong Vườn, nguy cơ tấn công vào vùng lõi là rất cao; tập trung vào một số loài có giá trị thương mại cao như Huê, Trắc, Mun, Lim… việc khai thác thường tập trung vào các mùa nông nhàn. Do thiếu việc làm để tạo thu nhập cho hộ gia đình, thiếu đất canh tác, đất sản xuất và ý thức của cộng đồng địa phương về bảo vệ, bảo tồn Di sản yếu kém nên đã vào rừng cấm để khai thác gỗ giải quyết nhu cầu đời sống của gia đình.

- Khai thác các loại lâm sản phi gỗ: Hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ diễn ra quanh năm với mức độ khai thác phụ thuộc vào mức độ sẵn có của từng vùng. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường cao; do sinh kế của người dân địa phương; đối với một số vùng do dân thiếu việc làm và tìm kiếm thu nhập thay thế là nguồn bổ sung cho thu nhập gia đình.

- Khai thác củi, đốt than, chăn thả gia súc, đánh bắt cá bằng các thiết bị hủy diệt, xâm lấn đất rừng làm nương rẫy… cũng là một trong những mối đe dọa trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, làm suy giảm đáng kể chất lượng rừng trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đất sản xuất để ổn định cuộc sống, do tập quán, thói quen xấu cần phải được thay đổi của người dân nơi đây.

Như vậy, áp lực về đời sống của người dân trong vùng lõi và vùng đệm là mối đe dọa lớn đối với Di sản. Vì vậy, vấn đề đầu tiên trong công tác bảo tồn bền vững ở đây là nâng cao nhận thức về luật pháp bảo vệ, bảo tồn Di sản và giải quyết sinh kế cho người dân vùng lõi và vùng đệm của Di sản.



3.2. Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đầu tư bền vững trên cơ sở bản tồn Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

1. Tỉnh cần quan tâm và tích cực tăng cường công tác vận động, xúc tiến tìm kiếm đối tác đủ tầm để xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát triển Vườn. Đây là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết cấp bách, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết và triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm đảm bảo tính hệ thống trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong khu vực Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

2. Tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý Vườn, quản lý Di sản để đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo tồn bền vững các đặc điểm địa chất và địa mạo; bảo tồn các quá trình sinh thái và hệ động thực vật bị đe dọa toàn cầu của khu Di sản; xây dựng các chương trình, dự án, đề án phát triển du lịch bền vững dựa vào các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực, đảm bảo hài hòa các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực Di sản. Bảo đảm thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động săn bẫy động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép. Cung cấp kỹ năng chuyên môn về quản lý, bảo vệ, bảo tồn có hiệu quả Di sản; cung cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hoạt động của Vườn.

3. Phải đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch, chú trọng phát huy sức mạnh cộng đồng và phát triển du lịch xanh là định hướng cơ bản nhằm khai thác có hiệu quả và quảng bá giá trị của Di sản; liên kết chính là phương châm sống của ngành Du lịch. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng để tạo nên sự liên kết thực sự và quan tâm hơn đến du lịch xanh, đây là xu hướng tất yếu mà chúng ta cần ưu tiên nhằm vừa bảo tồn các giá trị Di sản, vừa thu lợi từ du lịch. Việc bảo tồn Di sản và phát triển du lịch cần có một cái nhìn tổng thể, theo hướng lâu dài, bền vững, tránh căn bệnh "chụp giựt", "ăn liền".

Nhằm đảm bảo và bảo tồn phát triển các giá trị nổi bật của khu Di sản về công tác quản lý hang động trong hoạt động du lịch. Đảm bảo việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch một cách bền vững trên cơ sở phát triển du lịch chất lượng cao với lợi ích được chia sẻ bình đẳng. Với giá trị và tiềm năng du lịch hiện của Vườn có thể xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sau: Du lịch tham quan, thám hiểm hệ thống hang động; tham quan ngắm phong cảnh thiên nhiên của Vườn kết hợp du lịch lịch sử văn hóa: Đường Hồ chí Minh, hang 8 TNXP, tượng đài TNXP và các di tích lịch sử khác; Du lịch thể thao, mạo hiểm, vui chơi giải trí; Du lịch trãi nghiệm sinh hoạt tại cộng đồng...

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch theo hướng bền vững có thể phân loại, phân vùng du lịch theo sản phẩm du lịch như: Du lịch đại chúng (phục vụ cho mọi đối tượng du lịch) với tất cả các sản phẩm du lịch của Vườn tại phân khu hành chính, phân khu phục hồi sinh thái và vùng đệm. Du lịch thiên nhiên gắn với Di sản thông qua thưởng nghiệm và trãi nghiệm phong cảnh thiên nhiên ở phân khu hành chính, vùng đệm với các đối tượng quan tâm. Du lịch vì lợi ích cộng đồng (cho tất cả các đối tượng - thực tế chủ yếu là khách nước ngoài). Du lịch sinh thái tại phân khu nghiêm ngặt (chủ yếu dành cho các nhà khoa học, nhà thám hiểm). Thông qua du lịch để tăng cường học hỏi nhằm nâng cao nhận thức về Di sản Thiên nhiên độc đáo của VQG. Tạo sinh kế bền vững thông qua khai thác tối đa mọi cơ hội cho người dân sống trong Vườn và vùng đệm tham gia hoạt động du lịch và quản lý du lịch hiệu quả nhất.

4. Việc đầu tư chương trình, dự án, các công trình trong vùng Di sản thường có tính nhạy cảm cao, vì vậy cần thiết phải thu xếp nguồn vốn trước khi thực hiện để đảm bảo vốn cho công trình, dự án tránh dàn trải, chậm tiến độ do thiếu vốn. Khi thực hiện đầu tư các dự án phải hết sức quan tâm đến tiến độ và phương án thi công; đối với các công trình giao thông nên làm theo hình thức cuốn chiếu, làm xong đến đâu hoàn trả mặt bằng đến đó, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tránh dàn trải dở dang, chậm tiến độ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh tác động đến các quần thể động, thực vật cư trú trong Vườn. Hiện tại, tỉnh nên quan tâm chỉ đạo tập trung vốn đầu tư dứt điểm các hạng mục công trình đầu tư còn dở dang tại Vườn, sớm đưa vào sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư để vận động, xúc tiến và kêu gọi dự án du lịch lớn trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, đối với các dự án của các nhà đầu tư, cần phải kiểm tra chặt chẽ, nghiêm ngặt về đánh giá tác động môi trường của dự án trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là đánh giá tác động, ảnh hưởng của dự án đến môi trường Di sản trước, trong và sau đầu tư, khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Đồng thời, BQL Vườn phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ hoạt động của các dự án du lịch trong khu vực Di sản.

Tỉnh cần quan tâm cân đối nguồn lực, tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và tuần tra rừng của Vườn; bổ sung ngân sách cho các chương trình giám sát, điều tra và nghiên cứu, các hoạt động đào tạo, tập huấn và xây dựng năng lực quản lý Vườn theo tiêu chí Di sản. Bên cạnh đó, BQL Vườn cũng phải chủ động huy động nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tài trợ cho các hoạt động bảo tồn Di sản tại Vườn thông qua các tổ chức trong và ngoài nước như các quỹ phát triển rừng; quỹ bảo tồn động vật, thực vật hoang dã… của các tổ chức NGO, nguồn hỗ trợ kỹ thuật các dự án ODA.

5. Nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và cộng đồng địa phương về công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn Di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành các cấp và toàn thể nhân dân về sự cần thiết phải bảo vệ, bảo tồn Di sản. Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị Di sản - là tài sản của nhân loại cần phải giữ gìn cho thế hệ mai sau. Vận động các tổ chức trong và ngoài nước tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng; bảo vệ môi trường, Luật Du lịch cho cộng đồng địa phương và vùng đệm. Nâng cao kiến thức và thông tin về đa dạng sinh học của Vườn thông qua các kết quả của các đợt khảo sát, nghiên cứu và giám sát.

6. Di sản muốn tồn tại được phải gắn với cộng đồng. Để giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn Di sản và phát triển du lịch, chúng ta phải làm cho những người dân trong cộng đồng được hưởng lợi từ Di sản. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ Di sản thì người ta mới bảo vệ Di sản được tốt, và từ việc bảo vệ Di sản được tốt thì du lịch mới vào và từ đó mới có thể khai tốt được các giá trị của Di sản. Vì vậy, cần phải thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển kinh tế hộ thông qua việc hỗ trợ cho người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái bền vững nhằm giải quyết vấn đề sinh kế, giảm thiểu áp lực về đời sống của người dân lên nguồn tài nguyên thiên nhiên trong Di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

7. Tăng cường sự hợp tác liên biên giới để bảo tồn các giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học nổi bật của khu vực núi đá vôi trung tâm Đông Dương/ điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu, bảo tồn tính toàn vẹn, nguyên vẹn và kết nối giữa VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Hin Namno, Lào thông qua xây dựng cơ chế hợp tác bảo tồn liên biên giới.



Tài liệu tham khảo:

- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

- Niên giám thống kê năm 2011.

- Quy hoạch phát triển Du lịch bền vững khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Kế hoạch quản lý hoạt động, kế hoạch quản lý chiến lược Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

- Tác động của thay đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên - những vấn đề đặt ra - Nguyễn Quốc Hùng.






Каталог: 3cms -> upload -> khcn -> File -> SachKhoaHoc -> 410 Nam -> tailieu8
tailieu8 -> MỘt số KẾt quả nghiên cứu bưỚC ĐẦu về thảm thực vật và HỆ thực vật tại vùng mở RỘng của vưỜn quốc gia phong nha kẻ BÀNG
tailieu8 -> Kinh nghiệm quản lý, BẢo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh hạ long trong sự phát triển kinh tế XÃ HỘi tỉnh quảng ninh ban quản lý Vịnh Hạ Long
tailieu8 -> TỈnh quảng bình tác giả báo cáo: cn. Lê Trọng Trãi
tailieu8 -> Đa dạng sinh họC ĐỘng vật không xưƠng sống hang đỘng khu vực phong nha kẻ BÀNG, việt nam ts. Phạm Đình Sắc
tailieu8 -> Nghiên cứu khoa học tại vưỜn quốc gia phong nha kẻ bàng sau 10 NĂm công nhận là di sản thế giới và ĐỊnh hưỚng thS. Đinh Huy Trí
tailieu8 -> ĐẶC ĐIỂm và khả NĂng khai thác loại hình du lịch sinh thái này tại di sản thiên nhiên thế giớI
tailieu8 -> GIÁ trị NỔi bậT ĐỊa chấT, ĐỊa mạo của khu vực di sản thiên nhiên thế giới phong nha kẻ BÀNG
tailieu8 -> GIÁ trị NỔi bật của khu hệ thú VƯỜn quốc gia phong nha kẻ BÀng hưỚng đẾn tiêu chí X về Đa dạng sinh học của khu di sản thiên nhiên thế giớI (unesco) pgs. Ts. Nguyễn Xuân Đặng, cn. Nguyễn Xuân Nghĩa
tailieu8 -> MỘt số nghiên cứu khoa học và Ứng dụng tiến bộ khoa học và CÔng nghệ HỔ trợ cho việc phát triển kinh tế XÃ HỘi vùng đỆm khu vực phong nha kẻ BÀng ts. Võ Khắc Sơn

tải về 110.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương