TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 47, 2008



tải về 66.93 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích66.93 Kb.
#30890

TAÛP CHÊ KHOA HOÜC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 47, 2008



QUAN HỆ GIỮA ĐẾ QUỐC OTTOMAN VÀ

ĐẾ QUỐC BYZANTINE (1299 - 1453)

Đặng Văn Chương, Trần Đình Hùng

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

TÓM TẮT

Lịch sử ra đời, phát triển của đế quốc phong kiến – quân sự Osman có quan hệ khá chặt chẽ với sự khủng hoảng, suy yếu rồi diệt vong của đế quốc Byzantine. Ottoman thì có tham vọng lớn, muốn vươn lên làm bá chủ vùng Trung Cận Đông, nhưng gặp phải “chướng ngại” lớn là đế quốc Byzantine đang kiểm soát một vùng rộng lớn về phía Tây Bắc của khu vực này. Vì thế, trong một thời gian dài quan hệ giữa hai nước luôn nằm trong tình trạng đối đầu căng thẳng, xung đột và chiến tranh. Mối quan hệ giữa hai đế quốc diễn biến phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau.
Lịch sử ra đời, phát triển của đế quốc phong kiến – quân sự Osman có quan hệ khá chặt chẽ với sự khủng hoảng, suy yếu rồi diệt vong của đế quốc Byzantine. Ottoman thì có tham vọng lớn, muốn vươn lên làm bá chủ vùng Trung Cận Đông, nhưng gặp phải “chướng ngại” lớn là đế quốc Byzantine đang kiểm soát một vùng rộng lớn về phía Tây Bắc của khu vực này. Vì thế, trong một thời gian dài quan hệ giữa hai nước luôn nằm trong tình trạng đối đầu căng thẳng, xung đột và chiến tranh. Mối quan hệ giữa hai đế quốc diễn biến phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau.

I. Vài nét về đế quốc Byzantine và Ottoman

Đế quốc Byzantine tồn tại từ năm 330 đến năm 1453, thủ đô được đặt ở Constantinople. Trước khi thành lập, phạm vi của Byzantine nằm trong lãnh thổ của Đế chế La Mã. Đến thời trị vì của Constantine I (306-337), ông đã cho chuyển kinh đô từ Roma về Constantinople. Năm thành lập kinh đô mới (11/05/330) được xem là năm khởi đầu của đế quốc Byzantine. Khi ông mất, đế quốc bị các con trai phân chia thành Đông và Tây. Trong khi Romulus Augustus, hoàng đế cuối cùng của đế quốc phía Tây bị một thủ lĩnh người Germains tiêu diệt, đế quốc Tây La Mã sụp đổ (476), thì đế quốc phía Đông vẫn tiếp tục tồn tại, từng bước vươn lên thành một cường quốc có vai trò quan trọng ở châu Âu và được xem là một trong những trung tâm của Kitô giáo lúc bấy giờ.

Dưới thời Justinian, vị hoàng đế cầm quyền từ năm 527 đến năm 565, lợi dụng lúc các vương quốc “man tộc” (barbare) ở Tây Âu chưa ổn định, Byzantine đã tiến hành mở rộng bờ cõi sang Bắc Phi, Đông Nam Tây Ban Nha và bán đảo Italia. Nhà nước Byzantine phát triển theo con đường chế độ phong kiến trung ương tập quyền, tiến hành củng cố và cải cách quân đội, thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo như giữ gìn mối quan hệ hữu hảo với vương quốc Franc hùng mạnh ở phía Tây. Từ nửa sau thế kỷ thứ XI trở đi, Byzantine không chỉ là một cường quốc hùng mạnh mà còn là một trung tâm về tôn giáo - Chính thống giáo (Orthodoxe) và dưới ảnh hưởng của Byzantine nhiều dân tộc như Bulgari, Nga... đã đi theo dòng nhà thờ Chính thống.

Nhưng từ cuối thế kỷ XI trở đi, do sự mâu thuẫn, suy yếu từ trong nội bộ, lãnh thổ chiếm đóng trước đây của đế quốc Byzantine bị thu hẹp nhiều trước sự xuất hiện của người Norman từ Bắc Âu và người Seljuks từ vùng Trung Á. Từ thế kỷ XIV trở đi, đế quốc Byzantine bước vào thời kì khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng.

Nhà nước Ottoman ra đời vào thời kì mà ở vùng Trung Cận Đông đang diễn ra những biến chuyển lớn. Những cuộc thiên di của các tộc người từ Tây sang Đông và ngược lại, các quốc gia – dân tộc hình thành rồi bị tiêu diệt, các đế quốc hưng thịnh rồi lại tiêu vong,…đã tạo nên những xáo trộn lớn ở Trung Cận Đông. Quốc gia Ottoman hình thành là kết quả của sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của những biến động ấy, nhất là sự hình thành rồi diệt vong của đế quốc Thổ Đại Seljuks và cuộc tây chinh của người Mông Cổ (Mongols).

Từ thời tiền sử, có một nhóm người di trú khắp vùng Trung Á trên một địa bàn rộng lớn từ Pamir đến Yenissei đến Volga và núi T’ien Shan. Đây là những cộng đồng người có tổ chức lỏng lẽo nói tiếng Finno Ugric, Turkish và Mongolia [8]. Một tộc người trong những cộng đồng ấy có được gọi là Prototukic (nghĩa là Người Thổ đầu tiên) đã đến định cư ở phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc. Họ chính là tổ tiên của người Thổ ngày nay. Lần đầu tiên lịch sử nhắc đến sự hiện diện của người Thổ ở Trung Quốc là khoảng năm 200 TCN. Chữ viết sớm nhất của họ cũng đã được tìm thấy ở khu vực này, có niên đại vào khoảng năm 730 [9].

Người Thổ sống cuộc đời du mục, chăn nuôi cừu, ngựa và lạc đà. Không chịu sống dưới ách thống trị của nhà Đường, họ đã di chuyển dần sang phía Tây. Cuộc thiên di của người Thổ không gặp một trở lực đáng kể nào, trái lại còn gặp hoàn cảnh thuận lợi là đế quốc Ảrập Baqda (vương triều Abbasid) và đế quốc Byzantine thống trị ở Trung Cận Đông đều đang suy yếu và trên bước đường tan rã.

Gốc của dân tộc Ottoman là người bộ tộc Kai thuộc tộc Oğuz Turks, là một nhánh của người Thổ du mục đã di trú sang phía Tây từ miền Trung Á vào thế kỷ thứ X. Trong quá trình sinh sống, người Thổ ở Tây Anatolia (Tây Tiểu Á) đã đồng hoá với cư dân địa phương (chủ yếu là người Hi Lạp) để tạo nên lớp người Thổ mới. Tên gọi chính thức người Thổ Ottoman được dùng khi Osman I (tiếng Ả rập là Uthman) - con của Ertuğul, tuyên bố sự độc lập của nhà nước Thổ vào năm 1299 [12].

Sự ra đời của Nhà nước Ottoman chứng tỏ một thế lực mới đang hình thành ở vùng Cận Đông và thế lực này đã chi phối vùng đất này trong nhiều thế kỷ.

II. Về quan hệ giữa hai đế quốc (1299 - 1453)

Mối quan hệ của hai đế quốc diễn ra trong vòng 154 năm kể từ khi thành lập Nhà nước Ottoman (1299) cho đến khi đế quốc Byzantine hoàn toàn sụp đổ (1453).

Lịch sử dân tộc Thổ là một sự nối dài giữa quá trình thiên di với chiến tranh và xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác. Nhà nước Ottoman ra đời cũng là sản phẩm của bối cảnh lịch sử ấy. Có thể nói trong dòng máu người Ottoman đã mang nặng tư tưởng bành trướng.

Osman I (tiếng Thổ là Osman Oğlu) khi đã trở thành vua của tiểu quốc nhỏ ở tận cùng phía Tây Tiểu Á (The West of Asia Minor) đã sớm bộc lộ tham vọng lớn lao, ở trong nước thì dẹp yên những cuộc xung đột, ở bên ngoài thì ra sức mở rộng đất đai, mà trước hết là nhằm vào lãnh thổ của đế quốc Byzantine. Đế quốc Byzantine mặc dù đã suy yếu nhưng vẫn là một đế quốc giàu có với nền kinh tế phát triển nhất châu Âu thời bấy giờ, quan trọng hơn đế quốc Byzantine nằm vào một vị thế chiến lược trọng yếu, là cầu nối hai lục địa Á - Âu và án ngữ con đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, mà bất cứ thế lực nào cũng muốn chiếm lấy. Quá trình mở rộng đất đai của người Thổ Ottoman gặp điều kiện hết sức thuận lợi: Có khả năng may mắn nhất trong số những người thừa hưởng cơ nghiệp Seljuks ở Tiểu Á, người Ottoman - định cư ở tỉnh Bithynie, đối diện với Constantinople qua eo biển có thể mở rộng lãnh thổ về phía Tây đế quốc Byzantine khi đế quốc này đang suy yếu nghiêm trọng; dân chúng ở vùng này vốn đã thù ghét những viên chức hà khắc và bất lực của các viên quan lại Byzantine, hướng về người Ottoman. Nhiều người Hi Lạp ở đây đã cải sang Hồi giáo. Quan trọng hơn, chiến tranh chống lại Byzantine của vua Ottoman được người dân Thổ ủng họ vì xem đó là cuộc “Thánh chiến” chống lại “dị giáo” (Cơ đốc giáo). Người Ottoman âm mưu thay thế vai trò của đế quốc Byzantine ở vùng Trung Cận Đông.

Còn đối với người Byzantine, trước dã tâm của Ottoman, họ hết sức lo sợ. Các hoàng đế Byzantine tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại của quốc gia, kéo dài quyền cai trị của họ. Vì vậy, dòng chính yếu trong quan hệ giữa hai đế quốc là sự đối địch nhau, là sự đấu tranh để “giữ” và “giành” giữa họ với nhau. Để chống lại nguy cơ bị thôn tính, theo chúng tôi các hoàng đế Byzantine đã thực hiện hai phương cách chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Byzantine dựa vào Ottoman, chấp nhận thân phận của một nước chư hầu. Hằng năm, Byzantine phải cống nạp cho đế quốc Ottoman và phải xuất binh trợ chiến trong các cuộc chiến tranh của Ottoman khi hoàng đế Ottoman yêu cầu cùng những yêu sách khác... Đổi lại, hoàng đế Ottoman sẽ “bảo hộ” cho Byzantine. Ví như năm 1353, theo lời thỉnh cầu của hoàng đế Byzantine, Jonh Cantacuzene hay Jonh VI, quân Thổ đã xuất binh đánh bại quân Serbi (một trong những kẻ thù của Byzantine). Vào các năm 1379, 1391, vua Byzantine, Jonh V nhờ Ottoman giúp đỡ để giành lại vương quyền [5]. Tuy nhiên, phương thức này là một sợi chỉ mong manh nên rất dễ tan vỡ, vì người Thổ trước sau như một muốn thôn tính toàn bộ đế quốc Byzantine, đặc biệt là kinh thành Constantinople tráng lệ. Nhưng trong một thời gian dài người Ottoman mãi vướng bận việc chinh phục vùng Đông Nam châu Âu. Mặt khác quân đội Ottoman chưa đủ sức để công phá thành Constantinople kiên cố và hiểm yếu, cho nên, họ tạm thời chấp nhận Byzantine làm nước chư hầu để thu lợi và tăng cường lực lượng cho đế quốc của mình.

Thứ hai, các hoàng đế Byzantine tìm kiếm sự giúp đỡ từ Giáo hoàng La Mã và các nước phong kiến phương Tây để chống lại đế quốc Ottoman. Byzantine tìm kiếm phương thức này, vì họ nhận thức được ý đồ thôn tính nguy hiểm của người Thổ nên buộc họ phải tìm cách dựa vào thế lực của phương Tây – Thiên chúa giáo (mà họ cũng không ưa thích gì vì đã có nhiều mâu thuẫn và xung đột trong quá khứ). Cụ thể, vào năm 1369, Jonh V diện kiến Giáo hoàng ở Avignon (Pháp)1 và đồng ý hợp nhất với giáo hội La Mã nhằm đổi lại sự hậu thuẫn của phương Tây trong việc chống lại quân Thổ. Năm 1439, tại Công đồng Florence, hoàng đế Jonh VIII đến Italia chấp nhận hợp nhất với La Mã, chủ yếu theo điều khoản của Giáo hội La Mã, để đổi lấy sự trợ giúp. Điều này làm dân chúng Byzantine, chủ yếu là người Hy Lạp chống đối, hoàng đế Byzantine đã không đủ quyền lực để áp đặt sự thống nhất các giáo hội lên dân chúng, nhiều tín đồ Chính thống giáo thà chịu sự thống trị của người Thổ Ottoman hơn là khuất phục những người phương Tây Thiên chúa giáo. Các hoàng đế Byzantine đã cố gắng một cách tuyệt vọng và không thành công để thuyết phục phương Tây giúp đỡ về quân sự nhằm chống lại Ottoman.

Chính sách hai mặt của các hoàng đế Byzantine không mang lại kết quả do cả phương Tây và Ottoman đều có tham vọng xâm chiếm Byzantine. Trên thực tế, Byzantine đã bị kẹp giữa hai thế lực Đông - Tây mà không cách nào thoát ra được.

Quan hệ Byzantine và Ottoman đã diễn ra trong khoảng thời gian khá lâu dài, theo chúng tôi đã có thể chia quá trình đó thành các giai đoạn chính sau đây:



Từ 1299 đến 1331: Cho đến năm 1299, Osman I đã chiếm một phần lãnh thổ của Byzantine ở Tiểu Á với diện tích khoảng 5000 km². Năm 1302, Osman I chiếm trọn Bithynia của Byzantine. Năm 1326, người Ottoman chiếm pháo đài Brus rồi chuyển kinh đô đến Bursa và thiết lập bước đầu chế độ chính trị của một quốc gia. Với nhiều chiến công hiển hách, Osman I - Nhà sáng lập vương quốc, đã được tặng danh hiệu là “Kara” dũng cảm hay “người chiến sĩ đấu tranh vì niềm tin”[1, tr.112]. Ông được ngưỡng mộ là một nhà cai trị mạnh mẽ và năng động trong suốt một thời gian dài sau khi ông mất. Người Thổ đã lưu truyền một câu nói nổi tiếng: “May he be as good as Osman” (Tạm dịch là: Có lẽ anh ấy tốt như Osman)[13]. Danh tiếng của Osman I còn được ca tụng trong những câu chuyện của người Thổ ở thời trung cổ mang tên “Giấc mơ của Osman”, một câu chuyện thần thoại kể về thời trẻ của Osman I và những chiến công chinh phục đất đai, mở rộng lãnh thổ của ông.

Con trai của Osman I là Orkhan (1326-1359) tiếp tục mở rộng đất đai cho tiểu quốc. Orkhan đã tổ chức ra một đội quân hùng mạnh trong đó chủ lực là bộ binh, bộ phận nòng cốt là quân thường trực Janissaries2 (nghĩa là “lính mới”), kị binh (được vũ trang nhẹ với thanh kiếm cong nổi tiếng) và pháo binh. Nhờ có lực lượng quân sự mạnh, Orkhan và những người kế nghiệp đã xâm chiếm Tiểu Á và phần lớn bán đảo Balkans. Orkhan đã chiếm các thành phố lớn của Byzantine như Nikea và Nikomedia (Izmit)*. Đến năm 1331, chính quyền Osman đã làm chủ toàn vùng bộ vùng kinh tế quan trọng Tiểu Á của Byzantine, kéo dài từ Bursa đến Tolkat [4, tr.105].

Giai đoạn từ 1299 đến 1331, đánh dấu sự ra đời và bước đầu bành trướng của Ottoman trên phần đất bán đảo Tiểu Á của Byzantine, mở ra sự đối đầu trong quan hệ giữa hai quốc gia. Sau khi làm chủ được phần lớn Tiểu Á trước sự bất lực của Byzantine, người Thổ quyết định tiến xa hơn vào đất đai của Byzantine ở bán đảo Balkans.

Từ 1331 đến 1363: Vào giữa thế kỷ XIV, biên giới nhà nước Ottoman ở Tiểu Á đã chạm biên giới của các vương quốc Thổ hùng mạnh hơn: Karaman và Ghermin3. Chiến tranh với các nước này không phải dễ dàng và càng không thể giành thắng lợi nhanh. Vì vậy, đối tượng xâm lược của Ottoman là lãnh thổ của Byzantine ở bên kia eo biển Dardanell4 và Bosphore.

Năm 1354, nhân cơ hội một hoàng thân lưu vong Byzantine nhờ người Ottoman giúp đỡ, quân đội Ottoman đã vượt qua eo biển Dardanell, chiếm bán đảo Galipoli. Chẳng bao lâu, người Thổ chiếm phần lớn tỉnh Thrace gần đó. Năm 1362, người Thổ chiếm được Adrianopol của Byzantine và năm 1363, thiên đô về Adrianopol, một thành phố châu Âu, bỏ Constantinple lại phía sau. Constantinople giờ bị người Thổ bao vây tứ phía và chỉ còn liên lạc với phương Tây bằng đường biển.

Đến nửa sau thế kỷ XIV, lãnh thổ Byzantine chỉ còn kinh thành Constantinople, vùng phụ cận và một vài đảo nhỏ. Để tồn tại, các hoàng đế Byzantine phải kí các thỏa ước thua thiệt và đôi khi phải chịu thần phục các vua Thổ. Đế quốc Byzantine tồn tại đến năm 1453, phần lớn là vì người Thổ mãi lo chinh phục vùng Balkans trước.

Từ 1364 đến 1453: Đây là khoảng thời gian gần một thế kỷ người Thổ xâm chiếm bán đảo Balkans và tiến hành các cuộc chiến tranh chinh phạt châu Âu. Các quốc gia vùng Balkans như Bulgari, Serbi, Albani, Morea, Bosnia đang sống trong tình trạng phong kiến phân tán, các lãnh chúa phong kiến thường xuyên xung đột lẫn nhau, do đó lực lượng bảo vệ yếu ớt. Đó là những quốc gia đã suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc xâm lăng của người Thổ. Năm 1389, trong trận đại chiến trên cánh đồng Kosovo ở Serbi, một anh hùng của Serbi là Milốtkhơ đã lập mưu giết chết Sultan Thổ là Murad I (1362-1389). Nhưng sau đó, con của Murad I là Bayazid “Chớp” (Bayazid “Lightning”) (1389-1402) đã báo thù, đánh tan quân đội Serbi, đặt Serbi dưới ách thống trị của người Thổ Ottoman. Tiếp sau Serbi, quân đội Thổ đã xâm chiếm Bulgari, Albani và tiến tới sông Danube đe dọa Hungari và đế quốc La Mã thần thánh. Giáo hoàng và các quốc gia phong kiến Tây Âu hốt hoảng kêu gọi một cuộc viễn chinh chữ Thập để ngăn chặn (như đã từng thực hiện trước đây). Năm 1396, quân Thập tự chinh gồm kị sĩ phong kiến Đức, Pháp, nhất là Hungari… do Hoàng thân người Pháp, Jean “Không sợ” (Jean “sans Peur”) cầm đầu đã kịch chiến với quân Ottoman của Bayazid tại Nicopolis5 và đã bị đánh tan một cách nhanh chóng [3, tr.75]. Sau chiến thắng này, hầu như toàn bộ vùng Nam Âu rơi vào tay của người Thổ. Từ đó các dân tộc Nam Âu bị tách rời khỏi sự phát triển chung và phải chịu sự thống trị của một dân tộc lạc hậu hơn họ hàng thế kỷ. Vậy là, “ những chiến sĩ đấu tranh vì niềm tin” đã tạo dựng được một đế quốc mới.

Tưởng như không có một trở lực nào có thể ngăn cản nổi bước tiến mạnh mẽ của người Ottoman, thế nhưng Timur6 (Tamerlane - Timur “Chân thọt”) đã giáng cho người Thổ một đòn choáng váng, chặn đứng bước tiến của họ trong một thời gian và về khách quan đã kéo dài thêm thời gian tồn tại của kinh đô Constantinople. Sau khi đế quốc Timur tan rã, đế quốc Ottoman được phục hồi và phát triển với mức độ lớn trước nhiều lần. Mehmed I, đặc biệt là con trai và cháu của ông là Murad I và Mehmed II, trong gần 70 năm trị vì đã đưa Nhà nước Ottoman lên vị trí Đại đế quốc (The Great Empire).

Murad I đã khẳng định lại sự thống trị của mình trên toàn bộ miền Tây Anatolia và làm điều tương tự với vùng Balkans. Serbi đã trở về lại với đế quốc Ottoman sau đám cưới giữa Murad với công chúa Serbi năm 1433. Phần lớn Bulgari được thu hồi. Vương quốc Hungari bên bờ sông Danube cùng quân đội Ba Lan (Poland) đã bị đè bẹp năm 1444 tại trận Varna [11].

Trong khoảng thời gian này, nhiều lần quân Thổ tấn công thành Constantinople nhưng không thành công. Bayazid “Chớp” đã hai lần thử bao vây và công phá thành nhưng thất bại. Gần một thế kỷ bị bao vây tứ phía, Byzantine vẫn đứng vững.Vai trò, ảnh hưởng của Byzantine ở Trung Đông vẫn còn, cuộc đối đầu lịch sử Byzantine - Ottoman vẫn chưa kết thúc.

Vào năm 1453, sau khi đạt đến sức mạnh cao độ, người Thổ quyết tâm chinh phục bằng được Constantinople. Người kế vị Murad là Mehmed II- có biệt danh là “Người chinh phục” đã tiếp nối những thành công vang dội của cha. Năm 1453, Mehmed II đã mang 20 vạn đại quân tấn công Constantinople.

Constantinople, kinh đô của đế quốc Byzantine, có lịch sử hơn một ngàn năm và từng là trung tâm nghệ thuật, văn hoá, thương mại trong nhiều thế kỷ của cả thế giới phương Tây. Các hoàng đế Ottoman từ lâu đã thèm muốn thành phố giàu có và lộng lẫy này. Quốc vương Mehmed II (1444-1481) khao khát được làm chủ và biến nó thành kinh đô của Hồi giáo: “Trẫm chỉ có một mong muốn duy nhất. Hãy tặng lại Constantinople cho trẫm”[1, tr.111].

Về phía Byzantine, các hoàng đế đã làm mọi cách để nắm giữ thành phố sau khi phần lớn đất đai đã bị người Thổ chiếm như cầu cứu phương Tây giúp đỡ về quân sự tại Công đồng Florence vào năm 1439. Đến thời mình, hoàng đế Constantin XI Palaeologus thuộc dòng dõi đế chế Augustus Ceasar từ hơn 1000 năm trước đã chấp nhận mọi điều kiện của Thổ như tham chiến, đống thuế, cống nạp …đổi lại ông chỉ xin người Ottoman cho ông giữ lại thành Constantinople. Tuy nhiên, trước tham vọng của Mehmed II, hoàng đế Byzantine chỉ còn cách đứng lên chiến đấu.

Lần này người Thổ đã chuẩn bị rất kĩ. Mehmed II đã cho xây dựng hải cảng Rumeli Hisali, cách thành phố về phía Bắc 10 dặm trên bờ biển Bogazici để kiểm soát Constantinople đường thuỷ và mọi thông tin của Byzantine với biển Đen đảm bảo sự hành quân của quân Ottoman từ Anatolia đến châu Âu. Để công phá thành, Mehmed đã cho đúc nhiều khẩu thần công lớn, mỗi quả đạn nặng 500kg, xây dựng hạm đội đóng ở Galipoli để tiến hành thuỷ chiến. Ngoài ra còn nhiều loại vũ khí đáng sợ khác như súng phun lửa, súng bắn đá…Về lực lượng, quân đội Ottoman nhiều gấp mười lần quân Byzantine. Người Thổ còn cẩn thận chuẩn bị cả lực lượng tiếp ứng từ trong thành.

Tháng 3-1453, hoàng đế Mehmed II hạ lệnh tấn công thành Constantinople. Đến ngày 29-5-1453, thành Constantinople thất thủ. Hoàng đế cuối cùng của Byzantine bị giết. Quân Thổ mặc sức cướp phá trong ba ngày liền, bắt 60000 người làm nô lệ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá bị phá hoại. Tất cả các tượng chúa Kitô giáo bị vứt ra ngoài đường, thay vào đó là bàn thờ đạo Hồi. Thánh đường lớn Haya Sophia biến thành thánh đường Hồi giáo. Đế quốc Ottoman dời đô về Constantinople rồi đổi tên thành Istanbul (nghĩa là Thành phố của Hồi giáo) [2,tr.338]. Tên gọi này được dùng cho đến tận ngày nay. Constantinople thất thủ đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc Byzantine sau hơn 1000 tồn tại.

Sự kiện năm 1453, đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn quá trình đối đầu lâu dài của hai đế quốc, và mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của đế chế Ottoman.



III. Kết luận:

Trên cơ sở nghiên cứu về mối quan hệ giữa byzantine và Ottoman, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Quan hệ giữa đế quốc Byzantine và đế quốc Ottoman là sự đối đầu của hai thế lực mà tương quan so sánh lực lượng của hai bên là rất không cân xứng. Byzantine đã trải qua hơn 1000 năm tồn tại và đang trên đà suy yếu, thực sự đó là một đế quốc đã quá già cỗi. Trong khi đó, Nhà nước Ottoman được thành lập vào cuối thế kỷ thứ XIII và đang trên đường phát triển mạnh mẽ, đó là một đế quốc trẻ và đầy sinh lực. Mâu thuẫn giữa hai đế quốc là không thể tránh khỏi trong quá trình mở rộng quyền lực của Ottoman. Vì vậy, quan hệ giữa hai đế quốc luôn trong tình trạng đối đầu căng thẳng mà “cán cân quan hệ”, “cán cân quyền lực” nghiêng dần về phía đế quốc trẻ Ottoman. Thực tế ấy làm cho mối quan hệ này trở nên hết sức “bất bình đẳng”. Trong hơn một thế kỷ rưỡi đối đầu, Byzantine luôn phải chịu thua thiệt và bất lực đứng nhìn lãnh thổ đế quốc bị người Thổ Ottoman chiếm hết vùng đất này đến miền đất khác, cuối cùng chỉ còn trơ trọi mỗi kinh thành Constantinople. Về khách quan, khi một thực thể già yếu đi thì sẽ bị một thực thể mới ra đời thay thế, và chiếu vào tổng thể các mối quan hệ giữa hai đế quốc vào thế kỷ thứ XIV, XV thì sự kiện năm 1453 xảy ra như là một tất yếu lịch sử dành cho Byzantine.

2. Sự xâm lấn của Ottoman đối với đế quốc Byzantine diễn ra hơn một thế kỷ rưỡi bằng chiến thuật “gặm nhấm từng phần” hay “thôn tính từng gói nhỏ”. Ban đầu, người Thổ nhắm vào đất đai của đế quốc Byzantine ở vùng Tiểu Á, sau khi thôn tính phần lớn vùng đất này, họ vượt qua eo biển Dardanell, chiếm dần rồi thay thế vị thế của Byzantine ở vùng Balkans; bình định xong Balkans người Thổ quay lại chiếm nốt phần còn lại của Tiểu Á, chinh phục kinh đô Constantinople vĩ đại. Từng bước, từng bước, Ottoman khuất phục dần Byzantine, rồi cuối cùng chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của nó vào giữa thế kỷ XV.



3. Với việc Byzantine hoàn toàn bị tiêu diệt, đế quốc Ottoman đã hoàn toàn thay thế vai trò lịch sử của Byzantine ở vùng Tiểu Á và Balkans về kinh tế, chính trị, lẫn văn hóa. Cuộc “đổi ngôi” này như nhiều cuộc đổi ngôi khác trong lịch sử Trung Cận Đông diễn ra không hề yên ả, kẻ mất - người được là điều tất yếu. Văn hóa Hồi giáo được đế quốc Ottoman tiếp tục phổ biến ở vùng Trung Đông dần thay thế dòng văn hóa Cơ đốc giáo trước đây của đế quốc Byzantine. Đế quốc Ottoman đã thực sự thay thế cho đế quốc Arập Hồi giáo trước đó và nhận lấy sứ mệnh lãnh đạo thế giới Hồi giáo trong nhiều thế kỷ sau đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Ngọc Thái (chủ biên), Văn minh nhân loại những bước ngoặt lịch sử, NXB Văn hóa thông tin, H., 2002.

  2. J.M. Roberts, History of the World, Oxford university press, Great Britain, 2003.

  3. Đặng Đức An, Phạm Hồng Việt, Lịch sử thế giới trung đại, quyển 1, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, Hà Nội, 1978.

  4. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn, Lịch sử Trung Cận Đông, NXB Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000,

  5. Nhóm tác giả, Bách khoa lịch sử thế giới, NXB Văn hoá thông tin, H., 2004,

  6. Chu Hữu Chí, Khương Thiếu Ba, Thế giới 5000 năm, NXB Văn hoá thông tin, H., 2002.

  7. Dictionnaire de Langue Francaise Encylope’die et Noms propres, Hachette, Paris, 1989.

  8. http www. //encarta.msn.com/encyclopedia_761553949/Ottoman.

  9. httpwww h//.infoplease.com/ce6/history/A086176.html.

  10. http w.ww //Osmali700.gen.tr/English/Sultans.html.

  11. http//www. en.wikipedia.org/Military_of_the_Ottoman_Empire.

  12. http//www.historyworld.net/worldhis/plaintexhistories.asp.

  13. www.http//en.wikipedia.org/wiki/Ottoman_Empire.


THE RELATIONSHIP BETWEEN THE OTTOMAN

AND BYZANTINE EMPIRE (1299 – 1453)

Dang Van Chuong, Tran Dinh Hung

College of Pedagogy, Hue University

SUMMARY

The foundation and development of the feudal – military Ottoman empire had a close relation to the Byzantine empire, which has been crisising and falling into decadence. Ottoman had a great ambition to dominate the Middle Near East area, but was hindered by the Byzantine empire that had been controlling this area. So, the relation between these two empires was always in strained confronting, conflicts and wars. This relation developed complicatedly, experiencing many different rising and falling stages. At the end, the Byzantine empire was perished by the Ottoman


1 Vào thời điểm người Thổ tiến vào châu Âu, châu Âu đang diễn ra những sự biến động lớn. Đây là thời gian “phương Tây phân liệt” (Western Schism), với hai Giáo hoàng: một đóng ở Avignon (Pháp) và một đóng ở Rome.

2 Quân đoàn Janissaries (Janissaries Corps), theo tiếng Pháp gọi là Janissairre, tiếng Italy là Giannizzra, người Thổ gọi là Yeniceri (đến năm 1457 đổi thành Jehanisere) có nghĩa là “lính mới”. Theo tiếng Thổ thì “Yeni” nghĩa là mới và “ceri” nghĩa là lính. (theo Dictionnaire de Langue Francaise Encylope’die et Noms propres, Hachette, Paris, 1989).

* Nikea, Nikomedia (Izmit), Bursa, Bithynia là những thành phố nằm ở bán đảo Tiểu Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

3 Sau khi đế quốc Senjuks bị tan rã, một loạt các tiểu quốc Thổ ra đời ở Anatolia như: Keresi, Surahan, Aydin, Klenteshe và Candarids, Karaman, Ghermin…Vào thời gian đầu, lãnh thổ và sức mạnh của Ottoman còn thua kém nhiều tiểu quốc Thổ khác.

4 Eo biển Dardanelles (tên cổ là Hellespont) là yết hầu của tuyến đường thuỷ bộ nối liền hai lục đại Á-Âu.

5 Trận Nicopolis (tiếng Bulgari: Bitkapri Nicopol; tiếng Thổ: Niğblusavaşi; tiếng Hungari: Nikápolyi Csata ) diễn ra ở pháo đài Nicopolis gần sông Danube. Trận đánh đã đi vào lịch sử dưới tên gọi “Cuộc thập tự chinh Nicopolis” - cuộc thập tự chinh lớn cuối cùng ở thời trung đại.(theo www.http//Osmali700.gen.tr/English/Sultans.html)

6 Timur (1336-1405), nhà chính trị- quân sự lớn ở Trung Á, ông đã lập quốc gia có kinh đô ở Samarkand; tấn công quốc gia Kim Trướng của người Mông Cổ, xâm lược Ba Tư, Kavkaz, Ấn Độ, Tây Á, lập nên một đế quốc rộng lớn nhưng không bền vững. Đế quốc này tan rã sau khi Timur chết (1405).

Каталог: portal -> data -> doc -> tapchi
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 25, 2004 CẤu trúc thành phần loài khu hệ CÁ
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 28, 2005 TÌnh hình dao đỘng giá CÀ phê thị trưỜng thế giới trong những năm qua và những táC ĐỘng của nó ĐẾN thị trưỜng cà phê Ở việt nam
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 46, 2008
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 46, 2008
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 46, 2008 tiềm năng sử DỤng của một số loại thứC ĂN ĐỊa phưƠNG
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 22, 2004
tapchi -> NGƯỜi thầY ĐẦu tiêN
tapchi -> TAÛp chê khoa hoüC, Âaûi hoüc Huãú, Säú 18, 2003

tải về 66.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương