TÒa giám mục phát diệm thưỜng huấn linh mụC 18 – 21 / 02 / 2013 Đề tài: giáo hội theo công đỒng vatican II



tải về 472.12 Kb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích472.12 Kb.
#5591
  1   2   3   4   5   6   7
TÒA GIÁM MỤC PHÁT DIỆM

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC

18 – 21 / 02 / 2013



Đề tài:

GIÁO HỘI

THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II


CÔNG ĐỒNG VATICAN II

HƠN 50 NĂM TRƯỚC…
Đọc lại Vatican II không phải chỉ là yêu cầu của đức giáo hoàng Biển Đức XVI cho Năm Đức Tin, cũng là năm tân phúc âm hóa (x. Tự Sắc “Cánh Cửa Đức Tin” số 5), mà còn là yêu cầu của chính tình hình thế giới và Giáo Hội Công Giáo hiện nay. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một tình cảnh không khác lắm với tình cảnh công đồng Vatican II lúc ấy và vì thế, những phân tích – nhận định cũng như những việc làm và phương hướng giải quyết tình hình ấy do các nghị phụ Công Đồng đưa ra chắc hẳn cũng giúp ích nhiều cho chúng ta hôm nay – những người trong tư cách lãnh đạo Dân Chúa có trách nhiệm lớn hơn trong những việc này.


  1. Tình cảnh con người trong xã hội lúc ấy và bây giờ

Có thể mô tả cách vắn tắt tình cảnh con người và xã hội trong thời kỳ công đồng Vatican II (1962-1965) bằng mấy chữ “đầy nghịch lý” hay “đầy mâu thuẫn”. Như chính Công Đồng đã mô tả trong phần nhập đề của hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” (‘Gaudium et Spes’ hay GS): “Chưa bao giờ nhân loại dồi dào tài sản, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong khi nhận thức sâu xa sự duy nhất cũng như sự kiện mọi người lệ thuộc nhau trong sự liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị lôi kéo kịch liệt theo những chiều hướng tương phản do những lực lượng chống đối nhau. Thật vậy, vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa. Đang khi sự trao đổi tư tưởng phát triển, thì những ngôn ngữ dùng để diễn tả những quan miệm có tầm mức quan trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tùy từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một tổ chức thế trần hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới sự phát triển tinh thần tương xứng” (GS 4).


Tình cảnh con người và xã hội ấy chẳng những không biến mất ngày nay, mà còn tiếp tục trầm trọng hơn và ở cấp độ ngày càng rộng lớn – cấp độ toàn cầu (Nhờ công nghệ thông tin liên kết toàn cầu và công nghiệp vận tải nhanh chóng, không có sự kiện, thông tin, ý kiến, chính sách kinh tế, quan điểm chính trị, ý thức hệ, những hiện tượng văn hóa hay niềm tin tôn giáo…, cũng như không có hàng hóa hay địa phương nào mà không đến được tay mọi người, từ đó gây ảnh hưởng trên mọi người và mọi xã hội, gọi là hiện tượng toàn cầu hóa). Thật vậy, chưa bao giờ con người có thể tự hào về những thành quả và thành tích ngoạn mục trong hầu hết các lãnh vực của đời sống (công nghệ điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tính tuổi vũ trụ, lập bản đồ gen…), nhưng cũng chưa bao giờ cảm thấy bấp bênh về tương lai và về mọi giá trị : không có giá trị nào là tuyệt đối và vĩnh cửu trong một thế giới biến chuyển không ngừng và mọi sự đều biến đổi; cũng vì thế chẳng có gì là chắc chắn, càng không chắc chắn nếu điều ấy liên quan đến tương lai. Chưa bao giờ con người có cảm giác mình đang làm chủ tất cả, nhưng đồng thời cũng run rẩy thú nhận mình chẳng làm chủ gì hết, kể cả chính mình. Bằng chứng là một đàng luôn luôn khẳng định cái biết khoa học là cái biết duy nhất đúng đắn, nhưng đàng khác vẫn sẵn sàng bỏ thời giờ và tiền bạc để mua những lời tiên đoán vận mệnh không chút khoa học. Một đàng tự hào để cho rằng cuộc đời nằm gọn trong tay mình, nhưng đàng khác vẫn cứ nơm nớp lo sợ trước những tin đồn về ngày tận thế, như mới xảy ra gần đây…


  1. Tình cảnh con người trong Giáo Hội lúc ấy và bây giờ

Hơn 50 năm trước, trong Giáo Hội không có một lạc giáo hay sự ly khai nào xuất hiện – ít là trên giấy trắng mực đen hoặc giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng ai cũng thấy càng ngày càng có nhiều dấu hiệu Giáo Hội “chựng lại”: chựng lại trong sự phát triển các ơn gọi linh mục và tu sĩ, chựng lại trong các tổ chức tu trì và các phong trào giáo dân, chựng lại trong các hoạt động tôn giáo của Giáo Hội, cả bên trong Giáo Hội, chựng lại trong các ảnh hưởng của Giáo Hội trên thế giới, đến nỗi hình như càng ngày càng có nhiều kitô hữu lạnh nhạt với Giáo Hội hay bắt đầu rút lui, mà không có gì ngăn chận lại…


Trong tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin” (số 2) của đức giáo hoàng Biển Đức XVI, người ta cũng thú nhận Giáo Hội đang trải qua một mùa đông băng giá: mùa đông trong các ơn gọi linh mục và tu sĩ – đặc biệt tại các nước vốn là những nước trước kia chuyên cung cấp nhà truyền giáo, mùa đông trong đời sống đức tin của đông đảo kitô hữu – chưa bao giờ người ta thấy nhà thờ và các buổi cử hành phụng vụ vắng người bằng bây giờ, mùa đông trong việc đón nhận và thi hành các giáo huấn chính thức của Giáo Hội (các văn kiện Tòa Thánh liên quan đến đời sống luân lý hôn nhân và gia đình chẳng hạn…). Vì thế, từ ít lâu nay Giáo Hội đã nói nhiều tới việc tái phúc âm hóa cho những kitô hữu đã gần như mất đức tin, việc phúc âm hóa cho những người kitô hữu vẫn còn thực hành đạo nhưng rất cằn cỗi và thiếu sức sống; và truyền giáo cho những người chưa biết Chúa.


  1. Chờ đợi hay không chờ đợi một công đồng chung?

Rõ ràng trong hoàn cảnh ấy người kitô hữu nào cũng chờ đợi một sự thay đổi. Tuy nhiên, chẳng ai dám mơ tới việc triệu tập một công đồng chung. Nhất là sau đức giáo hoàng Piô XII – một bộ óc hết sức thông minh nhưng cũng là một tâm hồn hơi nhút nhát và khép kín, hầu như chỉ điều khiển Giáo Hội một mình – đức giáo hoàng Gioan XXIII đã bị coi là “giáo hoàng quá độ”, tạm thời làm việc trong lúc chờ đợi một giáo hoàng khác có tầm vóc lớn hơn. Ngay cả khi đức Piô XII có ý định tiếp tục công đồng Vatican I đã bị bỏ dở dang do chiến tranh, cũng không thể làm gì hơn ngoài việc lập ủy ban chuẩn bị, rồi thôi … vì có sự bất đồng nặng nề giữa các thành viên của ủy ban về cách tiến hành công đồng.


Thậm chí, chính trong hiến chế “Pastor aeternus” (‘Mục Tử Đời Đời’) kết thúc công đồng Vatican I (1869-1871), khi định tín đặc ân bất khả ngộ của đức giáo hoàng, người ta đã tạo cảm tưởng rằng từ nay do được ban ơn không thể sai lầm, đức giáo hoàng có thể giải quyết mọi sự mà không cần ý kiến của các nghị phụ công đồng nữa; công đồng đã trở nên không cần thiết nữa.
Dù vậy, thiết tha với tiền đồ của Đức Giêsu là Giáo Hội, đã có nhiều tìm tòi nghiên cứu bền bỉ giúp Giáo Hội ra khỏi tình trạng này, có thể gọi đó là các phong trào Giáo Hội, như phong trào canh tân phụng vụ (với linh mục Odo Casel dòng Biển Đức), hoạt động đặc biệt tại Đức và Áo, phong trào đại kết (với cha Couturier làm việc tại Lyon) – ban đầu là của Giáo hội Thệ Phản, nhất là Giáo Hội Anh Quốc, nhưng về sau càng ngày càng dựa vào Giáo Hội Công Giáo. Một phong trào nữa rất quan trọng góp phần canh tân Giáo Hội Công Giáo chính là phong trào Thánh Kinh (ổn định và hiệu đính, đối chiếu văn bản và dịch thuật, với cha Lagrange). Sau cùng là phong trào Công Giáo Tiến Hành có thể coi là “cánh tay của hàng giáo phẩm” đưa giáo dân vào hoạt động trong mọi hoàn cảnh và địa bàn…


  1. Bước đột phá của đức giáo hoàng Gioan XXIII

Trong bối cảnh ấy, không ai là không ngạc nhiên khi thấy đức giáo hoàng Gioan XXIII 77 tuổi công bố trước mặt 17 vị hồng y đang làm việc tại Roma ý định triệu tập không phải một hội nghị của hội đồng giám mục Ý mà là một công đồng chung cho toàn thể Giáo Hội. Rồi đây, chúng ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Công Đồng ấy sắp mang những dấu ấn của một con người vẫn được coi là giáo hoàng của thời kỳ quá độ.


Thật vậy, trước khi tìm hiểu hướng đi chính yếu và những đặc điểm của công đồng Vatican II trong cách triệu tập và tiến hành, chúng ta cũng nên dừng lại xem chân dung của vị Giáo Hoàng ấy. Đức giáo hoàng Gioan XXIII tên thật là Angelo Roncalli sinh năm 1881 tại Sotto il Monte, miền Bắc nước Ý. Học triết học và thần học tại giáo phận Bergamo nguyên quán, rồi tại Roma và được thụ phong linh mục năm 1904 tại đây. Sau khi đức giám mục giáo phận Bergamo qua đời, ngài được rút ra khỏi chân thư ký tòa giám mục để lên làm việc tại Roma trong các Cơ Quan Truyền Giáo. Ngài đã trả lời một cách hết sức khiêm tốn khi được yêu cầu chuyển công tác: “Tôi là người có rất ít khả năng. Viết lách rất chậm. Vốn tính lười biếng, nên khi làm việc, rất dễ bị lo ra chia trí”. Sau đó, ngài được đề cử làm các việc thuộc ngành ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, rồi tại Paris (Pháp). Năm 1958, ngài được bầu làm giáo hoàng kế vị đức Piô XII. Sự kiện này làm nhiều người rất ngạc nhiên, nhất là tại Pháp vì ở đây ngài vẫn bị nhiều người cho là “có rất ít khả năng”… Nhưng đức giáo hoàng Gioan XXIII đã làm mọi người đi từ ngạc nhiên nhiên này tới ngạc nhiên khác. Như thăm viếng nhà tù Roma, tổ chức hội nghị giáo phận Roma (một cách để nhắc mọi người nhớ rằng đức giáo hoàng trước tiên là giám mục của Roma) và chỉ ba tháng sau ngày lên ngôi giáo hoàng, ngài công bố triệu tập một công đồng chung với mục tiêu là “cập nhật hóa” (‘aggiornamento’) Giáo Hội – không phải chỉ Giáo Hội Công Giáo với ranh giới quen thuộc xưa nay mà tìm cách mang tính đại kết hết sức có thể bằng cách mời các Giáo Hội Kitô khác cử đại biểu tới quan sát Công Đồng và thành lập Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô Hữu. Ngoài ra, ngài còn biên soạn và ban hành hai tông thư tầm cỡ là “Mater et Magistra” (‘Mẹ và Thầy’) năm 1961 bàn về công bằng xã hội và “Pacem in terris” (‘Hòa bình trên trái đất’) năm 1963 nói về hòa bình. Tháng 5 năm 1963 ngài qua đời sau 13 ngày hấp hối, trước sự thương tiếc vô hạn của cả người trong lẫn ngoài Giáo Hội dành cho người được trìu mến gọi là “giáo hoàng Gioan dễ mến”.


  1. Sơ lược lịch trình hoạt động của công đồng Vatican II

- 1959: 25/1 đức giáo hoàng Gioan XXIII công bố trước mặt 17 hồng y ý định triệu tập một công đồng chung.

- 1961: 25/12 ban hành đoản sắc “Humanae salutis” (‘Đức Giêsu Kitô, đấng cứu độ loài người’) để triệu tập Công Đồng và ấn định chương trình làm việc.

- 1962: 11/9 sứ điệp “Ecclesia Christi lumen gentium” (‘Giáo Hội Đức Kitô, ánh sáng muôn dân’) gởi cho toàn thế giới thông báo Công Đồng đã sẵn sàng khai mạc và nhắc lại mục tiêu của Công Đồng.


1962. Khóa một

11/10: khai mạc Công Đồng (công đồng chung thứ 21). Ban huấn từ “Gaudet Mater Ecclesia” (‘Mẹ Hội Thánh rất vui sướng’), qua đó đưa ra một trong các chìa khóa để tiến hành Công Đồng: tìm những hình thức nào thích hợp với thời đại để truyền đạt sứ điệp Kitô Giáo.

13/10: Phiên Họp khoáng đại đầu tiên. Hồng Y Liénart yêu cầu hoãn bầu chọn người vào các ủy ban đã định.

16/10: mở các phiều bầu chọn.

20/10: thành lập các ủy ban.

8/12: bế mạc khóa một. Đức Giáo Hoàng nêu ra những điểm tích cực: các giám mục trên thế giới xích lại gần nhau cùng với những quan điểm dị biệt của mình, chứng tỏ sự tự do trong Giáo Hội. Hướng tới việc tiếp tục Công Đồng.
(3/6/1963: Đức Gioan XXIII qua đời. 21/6/1963: Hồng Y Montini được chọn kế vị lấy tên là Phaolô VI. 22/6/1963: Đức Phaolô VI tuyên bố tiếp tục Công Đồng).
1963. Khóa hai

29/9: Đức Phaolô VI khai mạc khóa hai với bốn mục tiêu: Giáo Hội ý thức lại chính mình; cần một cuộc canh tân thật sự trong Giáo Hội, cổ võ việc hiệp nhất giữa các kitô hữu, tiến hành cuộc đối thoại thật sự với con người hôm nay.

4/12: ban hành các văn kiện: - hiến chế về phụng vụ: mọi người phải tham dự tích cực vào các buổi cử hành kinh nguyện phụng vụ và bí tích; - sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội: các phương tiện này phải góp phần phục vụ công bằng và sự thật.
1964. Khóa ba

14/9: khai mạc khóa ba.

21/11: ban hành các văn kiện: - hiến chế tín lý về Giáo Hội: Giáo Hội là dân Thiên Chúa, trong đó mọi kitô hữu đều có trách nhiệm và liên đới với nhau; - sắc lệnh về việc đại kết: cổ võ việc khôi phục sự hiệp nhất giữa mọi kitô hữu; - sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương: sự đa dạng không làm hại sự hiệp nhất trong Giáo Hội, mà còn cho thấy sự phong phú của Giáo Hội về mặt tinh thần.
1965. Khóa bốn

15/9: tự sắc “Apostolica sollicitudo” (‘Mối bận tâm của Tòa Thánh’) thành lập thượng hội đồng giám mục thế giới.

28/10: ban hành các văn kiện: - sắc lệnh về trách nhiệm mục vụ của các giám mục; - sắc lệnh về đào tạo các linh mục: toàn thể cộng đoàn kitô hữu đều có bổn phận khơi dậy các ơn gọi; - sắc lệnh về đời tu: phải trở về nguồn Tin Mừng và tham gia vào đời sống của Giáo Hội, đó là những điều kiện làm cho các dòng tu có được sức sống; - tuyên ngôn về giáo dục Kitô Giáo: mọi người đều có quyền được giáo dục, và gia đình là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục; - tuyên ngôn về quan hệ giữa Giáo Hội và các tôn giáo không phải Kitô Giáo: Giáo Hội đánh giá cao các tôn giáo và phản đối mọi sự kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo.

18/11: ban hành các văn kiện: - hiến chế tín lý về Mặc Khải: Thánh Kinh, đi đôi với Truyền Thống, chính là quy luật tối cao của đức tin; - sắc lệnh về hoạt động tông đồ của giáo dân: người giáo dân có bổn phận và có quyền làm tông đồ do gắn bó với Đức Kitô.

7/12: tuyên bố chung của đức Phaolô VI và thượng phụ giáo chủ Athenagoras giải vạ tuyệt thông giữa Roma và Constantinopoli. Ban hành các văn kiện: - hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay: cộng đoàn kitô hữu nhìn nhận mình liên đới với nhân loại và lịch sử nhân loại. Cộng đoàn kitô hữu muốn con người được cứu độ toàn diện; - sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống của linh mục: là cộng sự viên của các giám mục, các linh mục là tôi tớ của Chúa và của anh em mình để công bố Lời Chúa, ban phát các bí tích và xây dựng Giáo Hội; - sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội: Giáo Hội phải hội nhập vào các tập thể nhân loại bằng cách tôn trọng các điều kiện xã hội và văn hóa của họ; - tuyên ngôn về tự do tôn giáo: sự thật chỉ thuyết phục được người khác bằng chính sức mạnh chân lý nơi mình.

8/12: các sứ điệp gởi các nhà lãnh đạo, gởi những người hoạt động trong lãnh vực tư duy và khoa học, gởi các văn nghệ sĩ, gởi các phụ nữ, các thợ thuyền, các người nghèo, các người ốm đau, gởi tất cả các người đang đau khổ, gởi các bạn trẻ. Bế mạc Công Đồng.


  1. Những đặc điểm nổi bật của công đồng Vatican II

Rõ nhất là



    1. Tính công giáo hay phổ quát : Chỉ cần nhìn con số, quốc tịch, thành phần của các người có mặt tại Công Đồng ta cũng đủ thấy Công Đồng này mang tính công giáo hay phổ quát thế nào:

  • Các nghị phụ, tức là các giám mục vừa có quyền lên tiếng vừa có quyền biểu quyết, gồm có 3058 vị đến từ năm châu (1060 vị từ Âu châu, 408 từ Á châu, 351 từ Phi châu, 416 từ Bắc Mỹ, 89 từ Trung Mỹ, 531 từ nam Mỹ và 74 vị từ châu Đại Dương);

  • Các nhà chuyên môn, tức là các linh mục và tu sĩ tham gia soạn thảo các lược đồ, thăm dò ý kiến các nghị phụ, sửa chữa hay biên soạn lại hoặc hoàn thiện các lược đồ và bản văn, gồm 460 vị;

  • Các cha sở tham gia bằng cách làm việc bên cạnh các giám mục của mình gồm 39, rồi 45 vị;

  • Các giáo dân tham gia như các dự thính viên gồm có 42 người trong khóa họp cuối cùng. Không kể 10 nữ tu cũng được mời làm dự thính viên;

  • Đặc biệt còn có sự hiện diện quan sát của nhiều đại diện các giáo hội Kitô không phải là Công Giáo, như 54 vị trong khóa họp đầu tiên, 68 vị trong khóa họp thứ hai, 83 vị trong khóa họp thứ ba, 106 vị trong khóa họp thứ tư. Tất cả đại diện cho chừng trên dưới 20 giáo hội Kitô không phải là Công Giáo.




    1. Tính đối thoại và dân chủ: Có thể thấy điều này qua số lần phát biểu và bỏ phiếu, nhưng nhất là qua việc tham khảo ý kiến rộng rãi ngay từ giai đoạn chuẩn bị và tiền chuẩn bị.

  • Từ 17.5.1959 đến 5.6.1960, được gọi là giai đoạn tiền chuẩn bị, người ta đã quyết định không tiếp tục công việc của công đồng Vatican I, nhưng tham khảo ý kiến rộng rãi không chỉ mọi giám mục và các cha xứ, mà cả các dòng tu, các đại học và học viện. Con số trả lời lên tới 2109, thu thập thành 9 quyển sách với 8.972 đề nghị. Sau đó, bước sang giai đoạn chuẩn bị, tức là từ 14.11.1960 đến 11.10.1962, người ta chia các đề nghị này cho 12 Ủy Ban và 3 Văn Phòng. Mỗi Ủy Ban do một hồng y chủ tọa với sự cộng tác của vài giám mục và các chuyên viên, thường là các linh mục và tu sĩ thời danh, sẽ làm việc ngày đêm để soạn ra các lược đồ, và thường sau vài lần bàn lui sửa tới người ta mới hình thành ra một lược đồ chính thức. Nhưng như thế vẫn chưa xong. Những lược đồ này sẽ được đệ trình cho Ủy Ban Trung Ương do đức giáo hoàng làm chủ tịch cứu xét và thông qua. Nếu lược đồ này bị hơn một phần ba thành viên của Ủy Ban Trung Ương phản đối thì lược đồ sẽ bị trả về cho Ủy Ban hay Văn Phòng liên quan làm lại, cho tới khi ðạt ðýợc hai phần ba số phiếu thì mới được đệ trình cho đức giáo hoàng. Dầu vậy, đó mới chỉ là lược đồ. Muốn trở thành vãn bản chính thức của Công Ðồng, lược đồ còn phải được đưa ra Hội Nghị Khoáng Đại của Công Đồng bàn cãi và thông qua nữa.

  • Tổng cộng trong các phiên họp của Công Đồng có tất cả 695 nghị phụ đã lên tiếng tại nghị trường hay các ngài đã nói tới 2234 lần, trong đó các nghị phụ Ý nói 309 lần, các nghị phụ Tây Ban Nha 237 lần, các nghị phụ Pháp 231 lần, các nghị phụ Đức 141 lần, các nghị phụ Ba Lan 75 lần (đức giáo hoàng Gioan Phaolô II – lúc ấy là tổng giám mục Wojtyla của Cracovie – lên tiếng 8 lần, dù đăng ký phát biểu 24 lần), các nghị phụ Việt Nam 16 lần. Hùng biện nhất là hồng y Ruffini người Ý lên tiếng 36 lần. Ngoài các nghị phụ, có một cha sở (cha Thomas Fall, giáo phận Philadelphia – Hoa Kỳ) được lên tiếng một lần tại nghị trường. Các đại biểu giáo dân đã lên tiếng 6 lần tại nghị trường.

  • Có tất cả 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần: 33 lần được tổ chức trong khóa họp đầu tiên, 94 lần ở khóa hai, 150 lần ở khóa ba và 261 lần ở khóa cuối cùng. Có những văn kiện phải được bỏ phiếu tới 15 lần mới được thông qua như sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống của linh mục.

  • Tiêu biểu nhất là trong phiên họp khoáng đại đầu tiên 13/10/1962, sau khi phát ba tập sách mỏng ghi danh sách các nghị phụ và danh sách các giám mục thành viên hoặc tham khảo viên của các Ủy Ban Chuẩn Bị, cùng 10 tờ giấy làm phiếu bầu, đức giám mục Felici – tổng thư ký Công Đồng – yêu cầu các nghị phụ bầu chọn 160 giám mục làm thành viên cho 10 ủy ban (mỗi ủy ban gồm 16 vị). Lập tức, hồng y Liénart (Bỉ) đứng lên đề nghị dành buổi họp đầu tiên này để bàn cách thế giúp hiểu biết rõ hơn các giám mục các nước trước khi bỏ phiếu bầu chọn. Sau đó, chính Ngài đề nghị phương cách này: mỗi hội đồng giám mục quốc gia (nếu ít người thì phối hợp với hội đồng giám mục khác) sẽ họp nhau lại và giới thiệu các giám mục của mình vào làm việc trong các ủy ban. Sau đó, danh sách đề nghị này sẽ được gởi tới các nghị phụ để mỗi vị tìm hiểu và suy nghĩ thêm, trước khi họp khoáng đại trở lại và bầu chọn.




    1. Tính mục vụ và cập nhật: Nói Công Đồng chọn hướng đi mục vụ không có nghĩa là Công Đồng bỏ qua phần lý thuyết mà chỉ nói tới thực hành. Nhưng là muốn nói: Công Đồng luôn khởi đi từ tình hình thực tế của vấn đề để đi tới những quan điểm và lập trường có thể dẫn đến những hành động cụ thể. Ngay cả phương pháp bàn luận cũng mang tính mục vụ: không đi vào những tiểu tiết khiến các bên dễ chia rẽ nhau, thậm chí kết án nhau, mà là tìm cách nắm bắt điều căn bản và giới thiệu những cách diễn đạt có tính dung hòa, như thay vì theo phương pháp “được ăn cả ngả về không” thì theo phương pháp “cả bên này lẫn bên kia”. Chẳng hạn thay vì chủ trương hoặc Thánh Kinh hay Thánh Truyền thì chủ trương cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền; thay vì nhấn mạnh hoặc quyền tối thượng của đức giáo hoàng hay tính tập đoàn của các giám mục thì nhấn mạnh cả đức giáo hoàng lẫn các giám mục; thay vì đề cao hàng giáo phẩm tới mức hy sinh cả giáo dân hay ngược lại thì đề cao cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân; thay vì chọn hoặc Giáo Hội phổ quát hay giáo hội địa phương thì chọn cả Giáo Hội phổ quát lẫn giáo hội địa phương; thay vì ưu tiên hoặc các giá trị đạo hay các giá trị đời thì ưu tiên cả các giá trị đạo lẫn các giá trị đời… Muốn vậy, phải dựa vào những phát hiện mới hay phát hiện lại trong Thánh Kinh và thần học, như vai trò của Chúa Thánh Thần, quan niệm mới về chân lý trong Thánh Kinh và sự linh hứng, cái nhìn mới về Giáo Hội như bí tích cứu độ, Giáo Hội như Dân Chúa, việc đánh giá lại thế giới và các thực tại của thế giới… Những sự đổi mới này thường xuất phát từ tư duy mới của các khoa thần học và Thánh Kinh, nhưng cũng có thể dựa vào những khám phá của các khoa học nhân văn.




  1. Hướng đi chính yếu của công đồng Vatican II: công đồng của Giáo Hội và về Giáo Hội




  • Khi khám phá ra không chỉ thế giới mà bản thân Giáo Hội đang gặp khủng hoảng, Giáo Hội không thể không ngồi xuống tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Thật ra, không phải bây giờ thế giới và Giáo hội mới gặp thử thách, nhưng vào những thế kỷ đầu tiên Giáo Hội quá bận công việc xác định đức tin và truyền bá đức tin, đến nỗi không còn giờ để suy nghĩ về chính mình. Nay sự việc đã tới mức báo động, Giáo Hội không thể không dừng lại suy nghĩ về chính mình.

  • Đề suy nghĩ như thế, Giáo Hội không thể không trở về với cội nguồn của mình: không chỉ là Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chính là bản chất nguyên thủy của mình và những hình tượng của mình qua dòng lịch sử như Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là bí tích của ơn cứu độ phổ quát… Nhìn trong viễn tượng này, có thể nói hiến chế về Giáo Hội phải là văn kiện trung tâm nói về bản chất của Giáo Hội. Các văn kiện khác chỉ trực tiếp hay gián tiếp bàn tới đời sống của Giáo Hội ấy (từ phụng vụ, lưu truyền và giải thích mặc khải, giáo dục, truyền giáo, làm tông đồ, đối thoại đại kết và liên tôn, cho tới đòi tự do tôn giáo, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, phục vụ con người và thế giới) và bàn tới các nhân sự và vai trò (giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân).


Kết luận
Chính hướng đi chính yếu của Vatican II như vừa đúc kết trên đây cũng sẽ là hướng đi chủ lực mà chúng ta phải bám vào khi muốn giải quyết các vấn đề của xã hội và Giáo Hội hiện nay: phát hiện lại Giáo Hội là gì để biết cách sửa chữa, định hướng và hoàn thiện, hầu có thể góp phần giúp giải quyết các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, không thể xúc tiến việc này, nếu không quan tâm phát huy những thái độ căn bản như xây dựng tinh thần công giáo hay phổ quát, đối thoại và dân chủ, mục vụ và cập nhật.
Một vài câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi


  1. Tình hình con người trong xã hội và kitô hữu trong Giáo Hội hiện nay tại địa phương của tôi có gần giống với tình hình ấy trong xã hội và Giáo Hội thời công đồng Vatican II không ?

  2. Thái độ và phong cách làm việc của Giáo Hội khi chuẩn bị và khi tiến hành Vatican II có gợi ý cho tôi điều gì không ?


VATICAN II

CÔNG ĐỒNG VỀ GIÁO HỘI


  1. Nói về Giáo Hội, nhưng Giáo Hội nào?

Đã nói Vatican II là công đồng của Giáo Hội (đương nhiên rồi !) nói về Giáo Hội (chưa hẳn đương nhiên vì trong lịch sử đã có biết bao công đồng không đề cập đến Giáo Hội như đối tượng hay đề tài làm việc trực tiếp, mà đề cập đến Đức Kitô, đến Thiên Chúa Ba Ngôi, đến các bí tích…!), thì không thể không dừng lại cách đặc biệt với hiến chế tín lý của Công Đồng đề cập riêng về Giáo Hội, mang tên “Lumen Gentium” (‘Ánh sáng muôn dân’). Vấn đề còn lại là làm sao thống nhất 8 chương hay 89 số của hiến chế trong một khái niệm, không phải chỉ cho dễ nhớ mà còn để giúp nắm bắt tư tưởng của Công Đồng cách chính xác và súc tích.




  • Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt năm 1985, kỷ niệm 20 năm bế mạc Vatican II, người ta đã thống nhất chọn khái niệm “hiệp thông” làm chìa khóa không những để hiểu hiến chế về GIÁO HỘI, mà còn để hiểu toàn bộ công đồng Vatican II hay tất cả 16 văn kiện của Công Đồng. Chẳng hạn nếu Giáo Hội là sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa thì cứ điểm quan trọng nhất cho sự hiệp thông ấy diễn ra trên trần gian này chính là PHỤNG VỤ, được cử hành theo những lễ điển khác nhau, trong đó phải kể đến lễ điển của CÁC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG. Giáo Hội còn là sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau, được xây dựng trên cùng một đức tin và cùng một phép rửa, dưới cùng một sự lãnh đạo chung của các GIÁM MỤC hiệp thông với nhau, có sự hỗ trợ của các LINH MỤC đã được ĐÀO TẠO theo tinh thần Công Đồng. Tất cả những điều này được nhìn nhận là do dựa vào cùng một MẶC KHẢI. Sự hiệp thông này nhằm giúp mọi người tiến tới sự thánh thiện mà Chúa đã mời gọi chúng ta. Trong hành trình nên thánh ấy, chúng ta được động viên đặc biệt bởi các DÒNG TU, qui tụ những người được kêu gọi và đã đáp lại để tiến tới sự thánh thiện bằng cách theo Đức Kitô cách sâu sát và quyết liệt hơn. Giáo Hội còn là sự hiệp thông rộng lớn tới mức hiệp thông với CÁC GIÁO HỘI KITÔ KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG GIÁO và CÁC TÔN GIÁO KHÁC và mọi người thiện chí để phục vụ con người như một GIÁO HỘI CÓ MẶT TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY, một cách cụ thể để đấu tranh cho một nền GIÁO DỤC KITÔ GIÁO và nhất là cho có sự TỰ DO TÔN GIÁO trên khắp thế giới, sẵn sàng huy động CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI để làm việc này. Sự hiệp thông với thế giới có thể đi xa tới mức làm cho mọi người biết Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô qua các cuộc TRUYỀN GIÁO của Giáo Hội và qua hoạt động TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN…

Báo cáo sơ khởi của Thượng Hội Đồng ấy đã nhìn nhận: “Một khi tìm thấy lại một ý niệm quan trọng trong thời Thượng Cổ Kitô Giáo mà các giáo hội phương Đông rất quý trọng, Công Đồng đã không ngần ngại coi Giáo Hội hiệp thông là khái niệm làm nền cho các công trình nghiên cứu và bàn bạc của mình”. Điều này còn được nhắc lại rõ ràng trong tông huấn “Christifideles laici” (‘Người kitô hữu giáo dân’) của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1988: “Giáo hội học của sự hiệp thông chính là khái niệm trung tâm và nền tảng trong các văn kiện của Công Đồng” (số 19).




  • Sở dĩ các nghị phụ nói được như thế là vì ngay trong phần nhập đề của hiến chế “Lumen gentium”, người ta đã định nghĩa cách vắn tắt mà đầy đủ Giáo Hội như một sự hiệp thông với hai chiều: chiều dọc và chiều ngang: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp thông giữa toàn thể nhân loại” (LG 1). Còn nếu khảo sát qua các văn kiện Công Đồng, chúng ta sẽ thấy thuật ngữ “communio” (‘hiệp thông’) xuất hiện chừng 100 lần, nhiều nhất dĩ nhiên là trong hiến chế tín lý “Lumen gentium” và trong sắc lệnh “Unitatis redintegratio” (nói về sự tái hiệp nhất các kitô hữu) 1. Dĩ nhiên, quan niệm Giáo Hội như sự hiệp thông không chỉ dừng lại với việc sử dụng thuật ngữ “communio”, mà bàng bạc trong nhiều bản văn, minh nhiên hay mặc nhiên, qua các khái niệm có liên quan như cộng đoàn, xã hội, đơn vị, dân chúng, thân thể, đền thờ, đô thị, đàn chiên, v.v… như Vatican II đã dùng nhiều diễn ngữ khác nhau để nói về Giáo Hội.




  1. Каталог: download -> khotulieu -> hochoi
    download -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
    khotulieu -> TỰ ÐIỂn phụng vụ
    khotulieu -> ĐỜi sống trong chúa kitô (câu 279 468)
    khotulieu -> Youcat youth catechism giới thiệu sách giáo lý cho ngưỜi trẻ
    khotulieu -> Lời Than Trách (= Impropères) Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh
    khotulieu -> Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó ĐỨc chúa giêsu ngắm mưỜi lăm sự thưƠng khó
    khotulieu -> GiỜ thánh TỐi thứ NĂm tuần tháNH
    khotulieu -> Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
    hochoi -> Hội đồng Giám mục Việt Nam: Tâm thư gửi các gia đình Công giáo

    tải về 472.12 Kb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương