Software Defined Radio sdr



tải về 425.7 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích425.7 Kb.
#14175
  1   2   3   4   5

LỜI NÓI ĐẦU


Chúng ta bước vào thế kỷ 21, thời đại của khoa học và công nghệ. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, hệ thống viễn thông ngày nay đã không ngừng phát triển theo xu hướng phục vụ con người nhanh nhất, đầy đủ nhất và kịp thời nhất các thông tin cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu đó, hệ thống viễn thông phải phát triển theo xu hướng tốc độ cao, đảm bảo đa dịch vụ, đa phương tiện trong hệ thống viễn thông chung trên toàn cầu.

Song thực tế trên thế giới đang tồn tại các chuẩn giao diện vô tuyến khác nhau, với các đặc điểm và yêu cầu dải tần, chế độ công tác,…cũng khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc toàn cầu hóa, đặc biệt đối với mỗi quốc gia và nhà sản xuất, việc quản lý giám sát thiết bị rất phức tạp. Vấn đề đặt ra đó là cần có một thiết bị vô tuyến có khả năng hoạt động với các chuẩn khác nhau và có đặc điểm đa dải, đa chế độ, có khả năng định lại cấu hình,… nghĩa là một thiết bị vô tuyến thông minh có cấu trúc xác định bằng phần mềm được đưa vào trực tiếp hoặc thông qua đường vô tuyến. Sự ra đời của công nghệ

Software Defined Radio ”, hay thiết bị vô tuyến có cấu trúc xác định bằng phần mềm đã đáp ứng các yêu cầu đó. Các thiết bị này còn rất mới mẻ đối với chúng ta, khả năng ứng dụng của các thiết bị vô tuyến thông minh này rất lớn, trong mọi lĩnh vực và đặc biệt đối với hoạt động quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin: “ kịp thời - chính xác - bí mật - an toàn ”.

Để khai thác, thiết kế, sử dụng có hiệu quả các thiết bị này chúng ta cần có các kiến thức tổng quan, cơ bản về “Software Defined Radio - SDR”.

Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài: Nghiên cứu về SDR và ứng dụng cho đồ án tốt nghiệp của mình.

Mục tiêu của đồ án là nhằm giới thiệu tổng quan về thiết bị vô tuyến thông minh - Thiết bị vô tuyến có cấu trúc xác định bằng phần mềm (SDR), phân tích cấu trúc của SDR, từ đó đưa ra các ứng dụng phổ biến của các thiết bị vô tuyến này.

Nội dung chính của đồ án gồm 3 chương:



Chương I: Tổng quan về SDR.

Trong chương này nêu lên các vấn đề tổng quan của các thiết bị vô tuyến có cấu trúc xác định bằng phần mềm như khái niệm về SDR, đặc điểm của SDR. Chương này cũng giới thiệu các cấu trúc khác nhau của SDR.



Chương II: Phân tích cấu trúc của SDR.

Trình bày một cách chi tiết ­về sự chuyển đổi tần số tín hiệu trong SDR. Đồng thời phân tích các cấu trúc khác nhau của SDR, đánh giá các ưu điểm và nhược điểm của từng cấu trúc, từ đó đưa ra cấu trúc chuẩn cho SDR.



Chương III: Ứng dụng của SDR.

Chương này đưa ra các ứng dụng của các thiết bị vô tuyến có cấu trúc xác định bằng phần mềm - SDR.

Từ ba chương trên, đồ án đã giới thiệu một cách tổng quan về SDR cùng các cấu trúc và ứng dụng của SDR. Tuy nhiên, do khả năng và thời gian có hạn nên đồ án không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự chỉ bảo tận tình, góp ý của các thầy giáo cùng các đồng chí quan tâm để bản đồ án hoàn thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới thầy giáo TS Đỗ Quốc Trinh, các thầy giáo trong khoa Vô tuyến điện tử - Học viện KTQS đã tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành bản đồ án này.

Hà Nội, 20 / 06 / 2005

Học viên thực hiện

Nguyễn Xuân Phương
CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ SDR
Ngày nay, dựa vào sự phát triển của công nghệ bán dẫn, nên có thể xử lý các tín hiệu truyền với tốc độ cao trong các hệ thống viễn thông vô tuyến sử dụng công nghệ số. Điều này đã tạo ra hệ thống với độ mềm dẻo và thích nghi cao. Đó là công nghệ vô tuyến xác định bằng phần mềm (SDR - SoftWare Defined Radio) hay đơn giản là thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm (SDR). Phần này sẽ giới thiệu tổng quan về công nghệ - SDR.

1.1. Khái niệm về thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm - SDR

Sự phát triển của các thiết bị bán dẫn trong những năm 1990 đã cho phép chế tạo thiết bị vô tuyến sử dụng công nghệ số. Mặc dù công nghệ đã phát triển, song vẫn còn nhiều quan tâm nghiên cứu về SDR. Một số đặc biệt về SDR đã được xuất bản trong tạp chí truyền thông IEEE [1] năm 1995. Sau đó, các bản báo cáo đã được công bố trong các hội nghị [2,3,4&5]. Cũng có một vài số đặc biệt về SDR như [6,7,8 &9]. Một mô hình ban đầu của SDR là SpeakEASY (theo hình 1.1 dưới đây):





Hình 1.1 Sơ đồ khối chức năng của SpeakEASY

Đây là một thiết bị vô tuyến xác định bằng phần mềm của quân đội Mỹ với các phương pháp điều chế khác nhau và các tần số khác nhau …SpeakEASY đã sử dụng và trình diễn sự chuyển đổi tần số số và xử lý tín hiệu băng rộng số, chỉ ra rằng các module vô tuyến (các module cho các phần tử tương tự, bộ chuyển đổi A/D và các bộ xử lý tín hiệu số - DSP) có thể tích hợp trên một tuyến cấu trúc mở. Phương pháp cấu trúc mở này làm tăng số lượng chế tạo và giảm giá thành. Hầu hết các máy thu và máy phát vô tuyến ngày nay tương tự như các thiết bị được sử dụng trong những thập kỷ trước. Chúng bao gồm các mạch tương tự chuyên dụng như mạch lọc, mạch giải điều chế & điều hưởng/điều chế một dạng sóng cụ thể. Khi công nghệ viễn thông liên tục phát triển từ tương tự sang số, nhiều chức năng của các hệ thống vô tuyến hiện thời được quản lý bằng phần mềm như thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm (SDR). Để tạo ra các hệ thống vô tuyến với độ linh hoạt cao, SDR hiện đang được phát triển cho các ứng dụng phát thanh và truyền hình. SDR cung cấp một hệ thống đa dạng các chương trình của máy thu/phát trên một nền tảng phần cứng riêng biệt.

Các chương trình trên máy thu hỗ trợ thực hiện lọc thông dải, tự động điều khiển hệ số khuyếch đại, chuyển đổi tần số, lọc thông thấp và giải điều chế tín hiệu mong muốn, tương tự như vậy ở máy phát. Với số lượng lớn nhất các chức năng điều khiển số, cho phép thiết bị vô tuyến tăng độ linh hoạt của mạch xử lý tín hiệu số.

Vậy thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm (SDR) là gì ?

1.1.1. Định nghĩa về SDR

Thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm (SDR) là thiết bị trong đó việc số hóa tín hiệu thu được thực hiện tại một tầng nào đó xuôi dòng từ anten, tiêu biểu là sau khi lọc dải rộng, khuyếch đại tạp âm nhỏ và hạ tần xuống tần số thấp hơn trong các tầng tiếp theo, quá trình số hóa tín hiệu phát diễn ra ngược lại. Việc xử lý tín hiệu số trong các khối chức năng có khả năng định lại cấu hình và mềm dẻo, xác định các đặc điểm của thiết bị vô tuyến.

Khi công nghệ phát triển, SDR có thể tiến tới thiết bị vô tuyến thông minh, trong đó việc số hóa được thực hiện tại (hoặc rất gần) anten và tất cả qúa trình xử lý yêu cầu cho thiết bị vô tuyến được thực hiện bởi phần mềm cài trong các thành phần xử lý tín hiệu số tốc độ cao. Như được minh họa trong hình 1.2: sự phát triển của SDR giai đoạn 1 gồm các thiết bị cầm tay tế bào và hệ thống truyền thông cá nhân - PCS.



Hình 1.2 Sơ đồ các tầng của SDR - giai đoạn 1

Khi xem xét kỹ các khối này, chúng ta thấy được sự khác biệt rõ giữa SDR và SR (SoftWare Radio), đó là giai đoạn chuyển đổi cơ bản về cấu trúc của SDR tới SR. Sự thay đổi này là một hàm của những tiến bộ trong công nghệ lõi được cân bằng với toàn bộ phạm vi tiêu chuẩn thiết kế và các yêu cầu đối với sản phẩm vô tuyến. Công nghệ lõi trong trường hợp này bao gồm tối thiểu là các khả năng chuyển đổi tương tự - số - tương tự, các tiến bộ xử lý tín hiệu số, các thuật toán, các tiến bộ về bộ nhớ, bao hàm cả thuộc tính tương tự của các khối xây dựng cơ bản yêu cầu cho việc số hóa và xử lý các tín hiệu vô tuyến trong không gian số và bất kỳ sự chuyển đổi tần số cần thiết của môi trường tương tự. Tiêu chuẩn thiết kế và yêu cầu bao gồm các yếu tố về giá thành, độ phức tạp, chất lượng và hình dạng, kích thước, trọng lượng, mức tiêu thụ công suất…vv.

Trong thiết bị đầu cuối không dây thương mại cụ thể, như là các máy cầm tay tế bào hoặc các máy cầm tay dịch vụ truyền thông cá nhân (PCS) cần kết hợp nhiều loại giao diện công nghệ vô tuyến và các dải tần số trong thiết bị đầu cuối. Theo phương pháp thực hiện truyền thống, mỗi giao diện vô tuyến duy nhất hoặc kết hợp băng tần sẽ được xây dựng xung quanh một tập hợp các mạch ứng dụng cụ thể chuyên dụng hoặc các mạch tích hợp chức năng. Về cơ bản, các khả năng đó được mã hóa cứng và cố định tại thời điểm thiết kế hoặc sản xuất. Để tăng số dải hoặc phương thức được hỗ trợ thì các khối chức năng bổ sung được gắn thêm vào bên trong thiết bị đầu cuối. Các khối chức năng này sẽ hoạt động theo sự sắp xếp ma trận của các giao diện vô tuyến và các dải tần số để cung cấp một tập các khả năng được xác định trước.

Ứng dụng ban đầu của thiết bị vô tuyến trên cơ sở phần mềm trong SDR được chỉ ra trong hình 1.3.




Hình 1.3 SDR - giai đoạn 2

Ban đầu, những ưu điểm chính là sự thay thế công nghệ trong thực hiện. Các chế tạo tiếp theo dựa trên cơ sở này và đem lại khả năng mềm dẻo nhiều hơn: từ đơn giản là việc cập nhật chức năng vô tuyến, tới mức cao là tải xuống các giao diện vô tuyến mới qua đường vô tuyến. Việc phân chia các khả năng xử lý theo các chức năng vô tuyến và các ứng dụng rộng khắp của của phương tiện vô tuyến là đòn bẩy rất hiệu quả, làm tăng khả năng vô tuyến của SDR, đó là khả năng điều khiển dễ dàng, vượt ra khỏi các hạn chế vốn có trong các ứng dụng cụ thể và các khối chức năng cố định sẵn có trong các thiết bị hiện thời. Minh họa cho sự phát triển của SDR theo các hình 1.4, 1.5.




Hình 1.4 SDR - giai đoạn 3



Hình 1.5 SDR - giai đoạn 4 (sản phẩm trong tương lai)

1.1.1.1. SDR - Thiết bị vô tuyến thông minh và thích nghi

Một thiết bị vô tuyến thông minh là thiết bị có khả năng thích nghi với môi trường hoạt động, vì thế làm tăng chất lượng và hiệu qủa phổ. Khái niệm cơ bản làm nền tảng cho công nghệ này chính là khả năng thích nghi với môi trường của thiết bị một cách tự động (không có sự can thiệp của con người) nhằm tăng chất lượng và hiệu qủa. Thiết bị này yêu cầu sử dụng thông minh nhân tạo và máy tính hiện đại để xử lý các thuật toán thích nghi theo thời gian thực và dữ liệu thời gian thực từ các nguồn khác nhau bao gồm hạ tầng cơ sở mạng di động, các dải tần số vô tuyến (Radio Frequency - RF) sẵn có, các giao thức giao diện vô tuyến và các nhu cầu của người dùng, các ứng dụng, các yêu cầu hiệu suất (phụ thuộc vào người dùng cũng như phụ thuộc vào ứng dụng), môi trường truyền sóng và khả năng của SDR.

Thiết bị vô tuyến thông minh có thể thích nghi theo thời gian thực với môi trường truyền dẫn bằng cách dùng dạng sóng mạnh hơn được phát triển động khi môi trường truyền sóng xấu đi một cách nhanh chóng. Mặc dù, điều này dường như khá dễ để thực hiện trong thực tế song nó rất phức tạp bởi vì cần có sự tương tác giữa hạ tầng cơ sở mạng di động và nhu cầu thiết bị vô tuyến để xử lý tất cả các yếu tố nêu trên.

1.1.1.2. SDR - Thiết bị vô tuyến số, đa dải, đa chế độ

Thiết bị vô tuyến số là thiết bị trong đó tín hiệu được số hóa tại điểm nào đó giữa anten và các thiết bị đầu vào/đầu ra. Thiết bị vô tuyến số không nhất thiết có nghĩa là SDR, song SDR là thiết bị vô tuyến số. Một thiết bị vô tuyến có thể là số nhưng nếu qúa trình xử lý tín hiệu xảy ra sau bộ chuyển đổi A/D được thực hiện bởi mục đích đặc biệt, dùng các vi mạch chuyên dụng (ASICs) thì nó không phải là một thiết bị có cấu trúc mềm (SDR).

Đa dải là khả năng của máy di động hoặc các trạm gốc để hoạt động trong nhiều dải tần số của phổ. Đa chế độ liên quan tới khả năng của máy di động hoặc trạm gốc để thực hiện đa chế độ (đa chuẩn giao diện vô tuyến, nhiều kỹ thuật điều chế, hoặc nhiều phương pháp đa truy cập). Khả năng đa dải/đa chế độ có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật đa dạng của phần cứng và phần mềm, kể cả SDR.

1.1.1.3. SDR - Thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm

Theo sơ đồ (hình 1.6), bộ chuyển đổi A/D được đặt sau tầng trung gian. Quá trình xử lý băng gốc được điều khiển bằng phần mềm và giao diện người/máy cho phép người sử dụng có thể nhập vào một vài hướng dẫn thực hành. Cấu trúc này được coi là thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm (SDR) giai đoạn 1, vì một số chứ không phải toàn bộ quá trình xử lý tín hiệu được thực hiện bằng phần mềm. Tất nhiên việc xử lý tín hiệu băng gốc số có thể thực hiện trong ASIC, khi đó thiết bị sẽ là vô tuyến số chứ không phải là SDR.





Hình 1.6 Sơ đồ khối SDR

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị SDR được nâng cấp và cải tiến hơn, đó là SDR thông minh và thích nghi (AI - SDR).





Hình 1.7 Sơ đồ AI - SDR

Khi đó, bộ chuyển đổi A/D đưa lên gần anten hơn với hai khái niệm :

- Khái niệm thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm, thực hiện số hóa gần anten.

- Khái niệm thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm thông minh và thích nghi.

Theo hình 1.7, bộ chuyển đổi nằm ngay sau bộ khuyếch đại tạp âm nhỏ và bộ lọc khử răng cưa, nghĩa là số hóa ở cao tần. Qúa trình xử lý trung gian và cao tần khác được thực hiện bởi phương tiện đầu vào cao tần dải rộng. Trường hợp (không được đưa ra) sẽ là thế hệ giữa các cấu trúc được trình bày trong hình 1.6 - 1.7, trong đó có sự chuyển đổi tần số trực tiếp từ cao tần xuống băng gốc, do đó loại bỏ quá trình xử lý trung gian tương tự. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi và dự đoán được tương lai sẽ cần có bộ khuyếch đại tạp âm nhỏ tương tự ở đầu vào cao tần của máy thu và bộ khuyếch đại công suất ra tương tự ở phần cao tần của máy phát. Song bộ chuyển đổi A/D trong SDR lý tưởng đặt ngay gần anten là không thể được trong thực tế, nhưng tất nhiên đó là mục tiêu cuối cùng của các chuyên viên thiết kế công nghệ.

Hình 1.7 cũng minh họa khái niệm AI-SR, trong đó thiết bị vô tuyến có khả năng thích nghi với môi trường hoạt động. Động cơ xử lý sau phần cao tần chịu sự điều khiển của động cơ xử lý điều khiển phần mềm có công suất lớn. Phần xử lý điều khiển phần mềm này cung cấp các dữ liệu nhân tạo và các thuật toán xử lý nhằm tạo cho SDR có khả năng thích nghi cao. Trên thị trường vô tuyến thương mại, đây là loại xử lý cần kết hợp với việc phân bố phổ thích nghi, phổ gián đoạn và phổ theo yêu cầu hoặc quản lý phổ thích nghi. Trong khi khả năng này là mục tiêu mong đợi cao, kế hoạch nghiên cứu bên trong các bộ phận cần đặt ra khả năng này. Chú ý các yêu cầu đầu vào lớn, bao gồm thông tin từ cơ sở mạng di động và nguồn khác bên ngoài hệ thống không dây.



1.1.1.4. Công nghệ mới yêu cầu cho SDR ?

Câu hỏi đặt ra là liệu hoạt động của SDR có thể đạt được với việc sử dụng công nghệ hiện tại không ? Hiện các thiết bị SDR thế hệ 1 trong các trạm gốc đang có những hạn chế. Các trạm gốc này cho phép lựa chọn hoặc AMPS (chuẩn điện thoại di động 1G của Mỹ) hoặc TDMA hoặc một phương thức khác trên một kênh cơ bản qua phần mềm. Theo thiết kế, các thiết bị SDR ngày nay là thế hệ thứ ba cho các trạm gốc, nó cho phép chọn lựa qua phần mềm của những công nghệ thế hệ 2G và 3G. Công nghệ thiết kế hiện thời trong các bộ xử lý tín hiệu số (DSPs) cùng với các vi mạch chuyên dụng trước đó có thể phải cần các yêu cầu mềm dẻo trong phạm vi trạm gốc. Tuy nhiên, với bất kỳ hoạt động ban đầu nào, các trạm gốc có thể thu được những lợi ích từ việc tăng khả năng truy nhập và nâng cao chất lượng của SDR. Song vấn đề nan giải là đối với thiết bị đầu cuối hoặc các máy di động, các thiết bị trong đó các chức năng yêu cầu tùy thuộc vào khách hàng, yêu cầu tiêu thụ công suất, yêu cầu kinh tế (giá thành thấp) và yêu cầu về kích thước kết hợp với yêu cầu công nghệ mới. Cách tiếp cận dùng công nghệ mới có thể đạt được theo sự phát triển của các máy SDR di động trong một vài năm tới thậm chí yêu cầu hơn thập kỷ nếu công nghệ truyền thống phải dựa vào luật của Moore để đưa ra yêu cầu khả năng thực hiện mềm dẻo cùng một lúc hàng tỉ phép toán trong một giây. Phạm vi các công nghệ có thể ứng dụng được cần đạt giá trị này. Chú ý rằng, mục đích và các yêu cầu chính giữa các trạm gốc, máy đầu cuối có thể sai lệch đôi chút, luôn có sự chồng chéo đáng kể giữa những phát triển công nghệ cốt lõi của hai ứng dụng này. Những công nghệ phát triển khác đang thực hiện, có thể tạo ra sự phức tạp cho toàn bộ thiết bị vô tuyến. Một công nghệ ứng dụng hứa hẹn, không phải sự kết hợp giữa truyền thống với không dây, đó là các hệ thống cơ - điện (MEMS), đang được nghiên cứu.



1.1.2. Đặc điểm của SDR

  • Khả năng định lại cấu hình.

SDR cho phép tồn tại đồng thời các module đa phần mềm thực hiện các chuẩn khác nhau trên cùng một hệ thống với cấu hình động bằng cách lựa chọn module phần mềm thích hợp để chạy. Cấu hình động này được kết hợp trong các máy di động cũng như các thiết bị hạ tầng cơ sở. Cơ sở mạng không dây có thể tự mình định lại cấu hình của chính nó cho phù hợp với các loại máy di động của các thuê bao hoặc các máy di động của các thuê bao có thể tự nó định lại cấu hình với các loại mạng tương ứng. Công nghệ này làm đơn giản hóa hoạt động của các thiết bị cơ sở và thiết bị đầu cuối đa dịch vụ, đa mode, đa dải và đa chuẩn,…vv.

  • Khả năng kết nối đồng thời ở khắp nơi.

SDR có thể thực hiện các chuẩn giao diện vô tuyến bởi các module phần mềm và các module thực hiện các chuẩn khác nhau có thể cùng tồn tại trên các thiết bị cơ sở và các máy di động. Điều này đảm bảo độ tin cậy cho tiện ích lưu động toàn cầu của các thiết bị. Nếu các thiết bị đầu cuối không phù hợp với công nghệ mạng trong một miền cụ thể, khi đó một module phần mềm tương thích cần được cài đặt trên máy di động đó (có thể qua đường vô tuyến), kết qủa là mặc dù mạng không ghép nối song vẫn truy cập qua các vùng địa lý khác nhau. Ngoài ra, nếu các máy di động của thuê bao là các máy thế hệ cũ thì các thiết bị cơ sở có thể dùng module phần mềm hoạt động với chuẩn cũ để kết nối với máy di động đó.

  • Khả năng điều hành kết hợp.

Các thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm - SDR đơn giản hóa hoạt động của các hệ thống vô tuyến có cấu trúc mở. Những người dùng ở đầu cuối có thể nâng cấp các ứng dụng mới cho các máy di động của họ mà không cần ghép nối, như trong một hệ thống máy tính cá nhân. Điều này càng nâng cao sức hấp dẫn và các tiện ích của các máy di động.

Ngoài ra, SDR còn có các đặc điểm sau :



  • Tầm liên lạc được mở rộng.

  • Cơ sở hạ tầng được dùng chung.

  • Khả năng tận dụng phổ tốt hơn.

  • Sự thử nghiệm cho tương lai.

  • Chi phí thấp hơn (đầu tư vốn).

  • Có các nguồn lợi mới.

1.2. Cấu trúc của SDR

1.2.1. Sự khác nhau giữa SDR với thiết bị vô tuyến cũ

Để xét cấu trúc của SDR trước hết ta xét cấu trúc của các thiết bị vô tuyến cũ và so sánh nó với hệ thống vô tuyến cũ. Như một máy thu siêu ngoại sai dải hẹp trước đây được minh hoạ trong hình 1.8 sau đây :





Hình 1.8 Máy thu siêu ngoại sai nguyên thủy

Trong các máy thu siêu ngoại sai trước đây, các tín hiệu vô tuyến được thu tại anten máy thu và đưa qua một bộ lọc dải. Sự chuyển đổi từ cao tần xuống trung tần được hoàn thiện bằng cách nhân tín hiệu cao tần với một tín hiệu dao động nội trong một bộ trộn. Để tăng độ chọn lọc kênh và chuyển đổi từ trung tần cao xuống tần số trung gian thấp hơn cũng có thể được thực hiện bằng cách tăng các tín hiệu dao động nội và số tầng trộn tần. Sau đó, bộ chuyển đổi tương tự/số (ADC) lấy mẫu tín hiệu đầu ra từ tầng trung gian cuối cùng, tín hiệu số được xử lý bằng mạch xử lý tín hiệu số. Tất cả thành phần từ anten tới bộ ADC đều là các mạch tương tự. Nếu tăng số tầng hạ tần hiện thời thì cần phải tăng số lượng các thành phần tương tự. Song các thành phần tương tự đều tồn tại các hạn chế vốn có về khả năng xử lý tín hiệu. Đồng thời rất khó tạo ra một máy thu siêu ngoại sai dải rộng bởi vì các bộ lọc tương tự thường là các bộ lọc dải hẹp cố định. Ngoài ra, các thành phần tương tự phụ thuộc vào sự thay đổi nhiệt độ và các hiệu ứng già hoá, cũng có các vấn đề về độ bền sản xuất, có thể yêu cầu liên kết và kiểm tra tập trung vào phần hoạt động. Nếu số lượng các thành phần tương tự giảm sẽ tạo ra sự đơn giản hoá cho các hệ thống vô tuyến, theo dự kiến sẽ giảm giá thành và tăng độ tin cậy của thiết bị. Chính vì những hạn chế của thiết bị vô tuyến cũ đã thúc đẩy công nghệ vô tuyến phát triển và đưa ra thế hệ thiết bị vô tuyến có cấu trúc xác định bằng phần mềm - SDR, sơ đồ cấu trúc của các thiết bị vô tuyến với các thế hệ lấy mẫu ở các tầng khác nhau là :



Hình 1.9 Sơ đồ cấu trúc của các thiết bị vô tuyến

1.2.2. Một vài cấu trúc SDR

Thiết bị vô tuyến có cấu trúc mềm SDR có các mô hình cấu trúc khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực ứng dụng và vị trí sử dụng, song có hai mô hình cấu trúc cơ bản của SDR là: SDR lấy mẫu trung tần và SDR chuyển đổi trực tiếp.



1.2.2.1. Thiết bị vô tuyến xác định bằng phần mềm lấy mẫu trung tần

Sẽ tốt nhất nếu tất cả các tầng trung gian tương tự có thể được thay thế bằng các thiết bị số sao cho anten được nối trực tiếp tới bộ ADC. Nếu tín hiệu vô tuyến thu được có tần số hàng trăm MHz hoặc lớn hơn thì sẽ không thể sử dụng công nghệ bán dẫn chuyển đổi tương tự/số ngày nay, tín hiệu đó có các tốc độ lấy mẫu lên tới 100 (MHz). Do đó, ngày nay có thể thực hiện được các thiết bị vô tuyến xác định bằng phần mềm bao gồm: các thành phần tương tự để chuyển tín hiệu cao tần thành tín hiệu trung tần và bộ chuyển đổi tương tự/số, các thiết bị số để xử lý tín hiệu trung tần như trong hình 1.10.





Hình 1.10 SDR lấy mẫu trung tần

Chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật lấy mẫu tần thấp để lấy mẫu các tín hiệu trung tần có tần số cao tương đối. Theo định lý lấy mẫu của Nyquist, tần số lấy mẫu của tín hiệu phải bằng hai lần tần số của tín hiệu đó, để tránh méo chồng phổ. Nếu tần số trung gian f được lấy mẫu theo tốc độ lấy mẫu Nyquist thì sẽ yêu cầu tần số lấy mẫu là 2f, tần số này là quá cao cho công nghệ ADC ngày nay. Việc lấy mẫu tần thấp của một tín hiệu đã được lọc thông dải với dải thông w có thể được lấy mẫu chỉ với tốc độ lấy mẫu là 2w. Cho ví dụ: một tín hiệu đa truy cập phân chia theo mã (CDMA) với dải thông 6 (MHz) và tần số trung gian trung tâm là 70 (MHz) có thể thu được 12 triệu mẫu trên giây (Msps) với chuyển đổi A/D. Sau khi thực hiện hạ tần thấp, tất cả các thành phần tín hiệu với tần số lớn hơn 6 (MHz) bị lọc bỏ. Sử dụng kỹ thuật lấy mẫu tần thấp, cho phép dùng bộ chuyển đổi tương tự số với tần số lấy mẫu thấp hơn nhiều tần số trung gian.

Có một kỹ thuật tần số trung gian được gọi là công nghệ tần số trung gian gần không (near - zero). Theo công nghệ này, tần số trung gian là rất nhỏ, gần tới dòng một chiều. Nếu dải thông của tín hiệu là B thì tần số trung gian gần không có thể nhỏ bằng B. Sau đó, tín hiệu tương tự này được chuyển thành tín hiệu số với tần số lấy mẫu theo tiêu chuẩn Nyquist. Những ưu điểm của tần số trung gian gần không là không gây ra sai lệch dòng một chiều (DC - offset) như trong thiết bị vô tuyến chuyển đổi trực tiếp. Điều này sẽ được nghiên cứu trong phần tiếp theo.

1.2.2.2. SDR chuyển đổi trực tiếp

Trong các thiết bị vô tuyến chuyển đổi trực tiếp, tín hiệu cao tần được chuyển đổi trực tiếp xuống băng gốc bằng một bộ trộn cầu phương như hình 1.11 sau đây :





Hình 1.11 SDR chuyển đổi trực tiếp

Đầu ra bộ trộn là các thành phần tín hiệu đồng pha (I: in phase) và vuông pha (quadrature), các thành phần này sau đó được đưa qua bộ lọc thông thấp và được điều khiển hệ số khuyếch đại trước khi chúng được lấy mẫu dạng số. Trong các SDR chuyển đổi trực tiếp, bộ lọc tương tự cho qua một dải tần số rộng và có thể chọn được một dải tần mong muốn trong dải tần đó bằng một bộ lọc số như trong hình 1.12:





Hình 1.12 Sự chọn lọc tín hiệu mong muốn bởi bộ lọc số trong bộ lọc tương tự

Kỹ thuật này rất có ích, khi nhiều chuẩn dùng các tần số sóng mang khác nhau và các dải thông khác nhau thì tín hiệu được thu chỉ bằng một thiết bị. Song có một vài vấn đề cần giải quyết đối với máy thu chuyển đổi trực tiếp. Đó là vấn đề sai lệch dòng một chiều và méo phi tuyến. Vấn đề sai lệch dòng một chiều là do thành phần một chiều từ mạch cao tần được trộn với tín hiệu giải điều chế được chuyển đổi trực tiếp. Méo phi tuyến là thành phần cao tần phi tuyến gây ra méo trong các tín hiệu giải điều chế. Cả hai vấn đề này có thể được điều chỉnh bằng các mạch tươg tự cùng với quá trình xử lý tín hiệu số.




tải về 425.7 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương