Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về



tải về 110.93 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích110.93 Kb.
#10586




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 5 tháng 11 năm 2013)


TIN QUỐC HỘI 1

  1. Công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”- đó là lãng phí 1

  2. Chính phủ nên bán bớt cổ phần ở các doanh nghiệp Nhà nước 2

  3. Mỗi ngày họp quốc hội chi phí 1 tỉ đồng 4

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI 5

  1. Quảng Ngãi: Giữ lời hứa với dân 5

  2. Quảng Ninh: Hiệu quả từ mô hình VNEN ở trường tiểu học 6

  3. Đà Nẵng xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp 7

BÌNH LUẬN 7

  1. Cán bộ sai phạm: Sao không công khai? 7

  2. Áo cơm không nói dối 8

  3. Sao lại đóng băng bộ máy? 9

QUẢN LÝ 10

  1. 6 tháng: Các bộ, ngành, địa phương chỉ mua mới 168 xe ô tô 10

  2. Quy định của Bộ VH-TT&DL bị phản ứng gay gắt 11

  3. Bức xúc về các sai phạm của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân 12

  4. Quý III, thanh tra Chính phủ phát hiện 2.236 tỷ đồng sai phạm 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 13

  1. Bỏ ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân 13

  2. TPHCM: Lắng nghe người nộp thuế 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 14

  1. Ba nguyên nhân khiến ngân sách gặp khó 14

PHÁP LUẬT 15

  1. Hòa Bình: Khởi tố vụ 4 cán bộ nướng ngô cháy nhà Lang 15

  2. Đồng Tháp: Giám đốc Sở Nội vụ bị kỷ luật 15



TIN QUỐC HỘI

Công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”- đó là lãng phí


Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nói, một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, dù vẫn đảm bảo về mặt thời gian ở công sở, nhưng đó chính là sự lãng phí.
Sáng 4/11, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự luật này.
Đóng góp ý kiến cụ thể, ĐB Đặng Thị Kim Chi (tỉnh Phú Yên) lấy ví dụ về một cuộc họp toàn quốc, triệu tập vài trăm đại biểu, nhưng đến nơi các đại biểu mới biết bị hoãn. “Nếu từ Phú Yên ra Hà Nội, chi phí đi lại và ăn nghỉ hết gần 8 triệu đồng, vậy ai chịu trách nhiệm những việc lãng phí như thế?”, bà Chi đặt câu hỏi. Ngoài ra đại biểu nhắc đến chuyện đào đường chồng chéo, “ngành này dẫm đạp ngành kia” vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa lãng phí, mà không có ai đứng ra làm trọng tài.
ĐB Triệu Là Pham (tỉnh Hà Giang) thì cho rằng quy định khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo, chung chung dễ dẫn đến việc Việt Nam trở thành nơi chứa rác thải công nghệ, nhập về những công nghệ cũ lạc hậu, gây thất thoát tài nguyên. Về hoàn nguyên môi trường sau khai thác, ông cho rằng quy định này không khả thi, vì quá trình khai thác tài nguyên đã phá vỡ môi trường, làm hệ thống thực vật suy giảm hoặc tuyệt chủng, vậy chỉnh lý lại bằng câu “hoàn thổ” hợp lý hơn; ông Pham đề nghị dự thảo luật nên quy định thêm: nếu trong quá trình khai thác, đơn vị thi cộng làm xuống cấp hệ thống đường giao thông phải tự sửa chữa, tránh tình trạng nộp cho ngân sách được 1 đồng, thì ngân sách phải bỏ ra 2-3 đồng để sửa chữa.
ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề nghị dự luật bổ sung thêm vai trò giám sát của báo chí, bởi theo ông “thực tế đây là một kênh phát hiện tham nhũng lãng phí hiệu quả”. Đại biểu đồng thời đề cập đến một biểu hiện lãng phí khác về con người: một bộ phận cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, dù vẫn đảm bảo về mặt thời gian ở công sở, song đó chính là lãng phí nguồn lực. (An Ninh Thủ Đô 4/11) Về đầu trang

Chính phủ nên bán bớt cổ phần ở các doanh nghiệp Nhà nước


Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị lấy một phần cổ tức ở một số đơn vị không phải SCIC để đầu tư và nhấn mạnh tới việc cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày…, thoái vốn để lấy tiền đầu tư.
Đóng góp ý kiến về Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo đề nghị của đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), 16 tỉnh chưa có báo cáo gửi đến Chính phủ khiến Chính phủ chậm trễ trong việc gửi báo cáo tới Quốc hội thì không bổ sung trái phiếu Chính phủ lần này.
"Thời gian từ nay đến hết kỳ họp còn rất nhiều, khoảng 1 tháng nữa có đủ thời gian để Chính phủ tổng hợp báo cáo với Quốc hội từng dự án cụ thể. Vì theo tôi thấy, sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn trước đầu tư rất tràn lan, chưa hiệu quả, chưa bao giờ các tỉnh, các đơn vị xin dự án dễ để bây giờ chúng ta phải chịu hậu quả", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lại trăn trở về việc nới trần bội chi và phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ cho ba năm 2014 - 2016. Ông nói: "Tuy rằng rất cao, 4 năm sắp tới chúng ta phải huy động 400 nghìn tỷ. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng không có cách nào khác là phải chấp nhận, dù biết rằng khi chấp nhận những con số này sẽ rất khó trong việc thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách cho những năm sau".
Còn theo tính toán của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), nếu năm 2014 tăng thêm 40 nghìn tỷ thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 sẽ lên đến 400 nghìn tỷ. "Đây là điểm, tôi lo cho anh Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, anh vừa phải lo cho tăng tín dụng năm tới dự kiến 14%, tức là có hơn 400 nghìn tỷ cộng 400 nghìn tỷ trái phiếu của Chính phủ mà vẫn phải đảm bảo không gây lạm phát. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, anh Bình làm việc này là dũng cảm mà làm được là hay", đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Lịch, lâu nay chúng ta thường nói 65% nợ công là an toàn, nhưng theo đại biểu tính toán thì sau năm 2015, 1/3 nguồn thu ngân sách là để trả nợ. Nếu như vậy, đây là vấn đề không còn an toàn. Đại biểu Lịch đề nghị lấy một phần cổ tức ở một số đơn vị không phải SCIC để đầu tư, và cho rằng: "Đây là tiền lẻ, tôi nghĩ cọc tiền chẵn còn lớn hơn nhiều. Đó là cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Tôi đề xuất cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày… chứ không chỉ cổ phần công ty con, thoái vốn để lấy tiền đầu tư cho các công trình bức xúc về giao thông".
Cùng quan điểm bán bớt cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước để tăng nguồn thu, đại biểu Trần Quang Chiểu - Nam Định lưu ý cần phân doanh nghiệp Nhà nước thành hai loại. Loại thứ nhất là các doanh nghiệp mà nhà nước cần phải đầu tư vốn, các doanh nghiệp vì lợi ích quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không được làm, không được phép làm hoặc họ không muốn làm hay họ không làm.
Với các doanh nghiệp này, đại biểu đề nghị không thu cổ tức phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nếu nguồn lực của đất nước còn dồi dào thì cần phải bổ sung thêm cho doanh nghiệp để tăng tiềm lực tài chính cho họ.
Loại thứ hai là các doanh nghiệp mà nhà nước không cần tham gia vốn, với loại doanh nghiệp này theo đại biểu, cần mạnh dạn cho bán vốn nhà nước ra thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế' đồng thời có thêm nguồn lực cho đất nước với số tiền có thể nhiều chục nghìn tỷ đồng.
"Với tình hình hiện nay, năm ngân sách 2013 là một năm buồn, tôi hy vọng năm 2014 là một năm sẽ hết buồn", đại biểu nói. (NDH 4/11) Về đầu trang

Mỗi ngày họp quốc hội chi phí 1 tỉ đồng


Phát biểu tại phiên họp Quốc hội (QH) về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 4/11, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đã “phê” các kỳ họp QH còn kéo dài, gây lãng phí thời gian và ngân sách.
Ông cho rằng dự thảo Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí chưa đề cập được trách nhiệm của QH về vấn đề này. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận “đề nghị của đại biểu về rút ngắn thời gian họp của QH rất đúng” và phù hợp với đề án Đổi mới hoạt động của QH.
“Tôi đã tiếp cận với nhiều đại biểu QH, và họ cho rằng QH còn nhiềuvấn đề cần xem xét để có thể chống lãng phí” – ông Trần Quốc Tuấn nói. Đại biểu này nêu ví dụ kỳ họp QH hàng năm “kéo dài hơn so với nội dung thực chất cần giải quyết”, đặc biệt là kỳ họp cuối năm. “Điển hình như kỳ họp này, qua nghiên cứu nội dung cho thấy có thể thấy rút ngắn thời gian kỳ họp từ 5-10 ngày. Thay vì 41 ngày thì có thể rút còn trên dưới 30 ngày. Có như vậy, chúng ta vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước” - ông Tuấn nói.
Theo đại biểu này, trước mỗi kỳ họp, QH nên phát huy quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu. Như với các dự án luật được nêu hoặc các vấn đề không quan trọng lắm thì có thể giao quyền mạnh hơn cho UB Thường vụ quốc hội họp bàn giữa các kỳ họp quốc hội, hoặc nâng cao quyền của đại biểu chuyên trách địa phương. “Các kỳ họp QH chỉ nên thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề cực kỳ quan trọng có tầm ảnh hưởng quốc gia. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian tại mỗi kỳ họp” – ông đề xuất
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết, trong buổi tập huấn cách đây 1 năm, 1 chuyên gia cho biết 1 phút họp của các đại biểu tại hội trường là nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Như vậy bình quân một ngày họp mất 1 tỉ đồng. Theo đại biểu Tuấn, đây là số tiền không phải lớn nếu các cuộc thảo luận đi đến quyết định xử lý nhưnbxg vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, qốc gia.
“Song số tiền này là rất lớn nếu phiên họp QH không giải quyết được vấn đề đó” – ông nhận định. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu QH đang giữ trọng trách tại các tỉnh, thành phố và cuối năm thường phải giải quyết vấn đề quan trọng. “Khi tham gia các kỳ họp kéo dài như thế này họ sẽ bị kẹt với công việc ở nhà và nếu ở lại dự họp thì công iệc đình trệ, còn đi đi, về về về thì tốn tiền xe đưa, đón” – đại biểu Tuấn cho hay. Ông mong QH đưa ra giải pháp để rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp nhằm mang lại “chất lượng và hiệu quả cao hơn”.
Ông Tuấn cũng phê phán các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề liên quan đến QH rất lãng phí. “Thực chất, có những hội thảo nội dung không phù hợp với nhu cầu của đại biểu, nưhng đại biểu tốn thời gian, chi phí đi tham dự. Với thực tế như vậy, nguy cơ gây lãng phí đã diễn ra. Liệu trách nhiệm của ai, có phải của Quốc hội không? Liệu QH có phải là đối tượng cần được điều chỉnh của Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí hay không?” – ông đặt câu hỏi. (Lao Động 4/11) Về đầu trang

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI

Quảng Ngãi: Giữ lời hứa với dân


Đúng như lời hứa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong buổi đối thoại với dân Nghĩa An sáng 28/10, trong vòng 4 ngày tới, toàn bộ số tàu thuyền mắc kẹt ở Cửa Đại của sông Trà Khúc sẽ được ra khơi.
Lúc 2 giờ chiều 1/11, chiếc tàu đánh cá đầu tiên trong tổng số trên 200 tàu bị mắc kẹt ấy đã ra tới biển sau nhiều ngày bị ngáng đường do nạn bồi lấp cửa sông - hậu quả của việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn của hai doanh nghiệp khai thác cát tại đây. Có lẽ đây là lời hứa với dân của những người lãnh đạo của một tỉnh đã được thực tế “nghiệm thu” nhanh nhất.
Cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh với hàng ngàn người dân Nghĩa An ngay sáng hôm sau ngày xảy ra sự cố không chỉ là động thái nhằm “vỗ an bá tánh” mà cái chính là những người lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những cam kết với dân. Theo đó, sau 4 ngày, cửa sông Trà sẽ được khơi thông; tiến hành đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu không ra khơi được; yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương xây bờ kè để chống tái sạt lở; và điều cuối cùng, tỉnh sẽ chấm dứt “tận thu cát nhiễm mặn” nếu như việc nạo vét cửa sông tiếp tục đe dọa làng chài.
Sau 4 ngày, những lời hứa của lãnh đạo tỉnh đã được thực hiện từng phần. Dân Nghĩa An cũng an lòng “nghiệm thu từng phần” những lời hứa ấy. Đã xuất hiện nụ cười trên những khuôn mặt đầy nắng gió của các ngư phủ khi tàu của họ được trở lại biển khơi. Người dân chỉ có thể tin vào chính quyền khi lời hứa của lãnh đạo trở thành hiện thực. Và họ đã bắt đầu tin. (Thanh Niên 2/11)(về đầu trang)

Quảng Ninh: Hiệu quả từ mô hình VNEN ở trường tiểu học


Năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học mới (mô hình VNEN) tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh Quảng Ninh có 16 trường tham gia dự án, trong đó trường Tiểu học Phong Cốc được chọn làm điểm tại thị xã Quảng Yên.

Ứng dụng theo mô hình trường tiểu học mới Việt Nam từ nội dung, phương pháp đến hình thức tổ chức lớp học đều thay đổi so với lớp học truyền thống. Học sinh không còn thụ động khi tiếp thu bài giảng soạn sẵn của giáo viên, mà giữ vai trò trung tâm trong lớp học.



Bằng việc phân chia 35 học sinh trong lớp thành nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 6 em. Các học sinh trong nhóm sẽ cùng nhau học tập, tự đánh giá mình, đánh giá bạn, còn giáo viên là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng. Học sinh được trao đổi nhiều hơn, vốn tiếng việt của các em cũng tăng lên rõ rệt, từ đó hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em. Với mô hình học mới này, học sinh đã phát huy tính tích cực, chủ động và tăng khả năng tự học.
Cô giáo Phạm Thị Thư - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1 - Người trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình VNEN thử nghiệm cho biết: “ Tôi thấy mô hình này phát huy được tính tích cực học tập của học sinh. Học sinh được giao lưu, thảo luận tự nhiên trong lớp, phát huy được tính tự tin trong giao tiếp rất tốt... Chúng tôi có thuận lợi là khi đi đến các nhóm và hướng dẫn các em làm việc và thảo luận theo ý hiểu của các em. Giải đáp thắc mắc của các em, từ đó nắm được tốc độ tiếp thu kiến thức của các em nhanh hay chậm, và thông qua tổ nhóm hỗ trợ bổ sung kịp thời kiến thức cho những em học lực yếu hoặc trung bình”. (Baoquangninh.com.vn 2/11) Về đầu trang

Đà Nẵng xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp


Đà Nẵng đang nỗ lực xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, ổn định sản xuất kinh doanh. Đây là một cách làm hay trong khi nền kinh tế đang khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản.
Dự kiến, vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong năm 2014, Quỹ sẽ tiếp tục huy động để có thể tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ vào năm 2015. Trong đó sẽ có 35 tỷ đồng từ vốn góp của các doanh nghiệp và 35 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. (Thời Báo Kinh Doanh 4/11) Về đầu trang

BÌNH LUẬN

Cán bộ sai phạm: Sao không công khai?


Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, 4 người có liên quan tới vụ hỏa hoạn làm cháy nhà lang Mường cuối tuần trước lại chính là cán bộ, công chức, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, một tờ báo đã miêu tả: những kẻ gây cháy rồi bỏ chạy, người ta vẫn nghĩ đó là những nam thanh nữ tú ít hiểu biết, hoặc những khách du lịch tham quan ít hiểu biết…
Nhưng không hiểu sao danh tính của nhóm người gây ra đám cháy vẫn được cơ quan chức năng giữ bí mật. Có rất nhiều người quan tâm vụ việc không khỏi băn khoăn về hành động giữ kín danh tính những vị công chức, cán bộ và doanh nhân đã gây ra vụ hỏa hoạn trên. Trên diễn đàn mạng, một bạn có nickname lhlinhcn@gmail.com tỏ ra băn khoăn: Tại sao lại không dám nêu tên những người đó nhỉ? Còn có gì chăng? Một bạn đọc có tên nickname ntd không khỏi bức xúc: Cán bộ và doanh nhân sao lại kém văn hóa như vậy? Hãy bắt họ bỏ tiền ra làm lại, kẻo lại sẽ có những tiền lệ xấu…
Bức xúc hơn, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Cán bộ, công chức là những ai, đề nghị công bố rõ và xử lý nghiêm những người vừa vi phạm Luật Di sản, vừa thiếu ý thức…
Rõ ràng, thắc mắc từ dư luận: sao không công khai là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nếu không sớm công khai danh tính những người gây cháy nhà lang Mường, e khó thuyết phục lòng tin của người dân. Phải chăng cán bộ làm sai thì khác với dân làm sai? (Đại Đoàn Kết 4/11) Về đầu trang

Áo cơm không nói dối


2 tuần trước khi Quốc hội thông qua Luật Việc làm (dự kiến ngày 16.11 này), VTV có một phóng sự gây chấn động dư luận về tình trạng xuất khẩu lao động trái phép qua đường du lịch.
Ống kính sống động cho thấy, làng chài Nhơn Lý ở Quy Nhơn, giờ như thời chiến, chỉ còn toàn người già và trẻ con. Nơi đó, có những cụ già ngoại 80 còng lưng trông nuôi 7 đứa trẻ.
Nơi đó, xơ xác tiêu điều khi biển cạn cá tôm, không còn nuôi nổi con người. Nhưng điều làm người ta “chết điếng”, là người dân nơi đây đang “du lịch tìm việc làm” ở Philippines - đất nước mà cả thế giới coi là “xứ sở của osin”.
Những con số không nói dối: 8,5 triệu người Phi, tức là 22% dân số trong độ tuổi lao động, tức là 10% dân số của cả nước đang lao động ở nước ngoài. 20 tỉ USD, chiếm tới 12% GDP là từ “ngành công nghiệp” xuất khẩu người giúp việc.
Và những người Việt, chắc không phải là đầu tiên, đang bán sức lao động ở một đất nước mà 1/4 dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói chính thức và một nửa sát cận đói nghèo.
Nếu phải có thêm một chi tiết nghịch cảnh khác đáng để “vắt tay lên trán”, thì đó là từ vài năm nay, làn sóng lao động Phi đã tràn ngập tại TPHCM - nơi các gia đình khá giả vừa muốn có người giúp việc, vừa muốn có gia sư tiếng Anh cho con em mình.
Phải chăng thực tế đang diễn ra câu chuyện người Phi sang Việt Nam làm osin chất lượng cao lương tháng 700-1.000USD, còn trong nước họ, những việc “chân tay to” dành cho lao động Việt?
Câu hỏi “tại sao” rất lớn giờ đây lại được đặt ra, và thực ra, chúng ta đã có câu trả lời.
1,128 triệu lao động Việt Nam có việc làm trong 9 tháng qua. Dự kiến cả năm sẽ có 1,54 triệu, gần hoàn thành kế hoạch đề ra (1,6 triệu).
Báo cáo về lao động việc làm lúc nào cũng sáng sủa, lạc quan; trong khi thực tế, như Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính có lần thẳng thắn về tình trạng “việc làm ảo”, về “bệnh thành tích”: “Một anh làm đơn gửi phường xin xác nhận lý lịch để đi xin việc, phường ghi vào thành tích giới thiệu được một việc làm. Hồ sơ lên tới trung tâm việc làm của quận thì lại được quận ghi nhận là giới thiệu được một việc làm mới. Nếu là hội viên hội nông dân, thanh niên... mà mỗi nơi đều ghi là mình giới thiệu được việc làm; vậy là có một anh xác nhận lý lịch để đi xin việc thì tổng cộng trên giấy tờ thống kê có tới tận... 4 việc làm mới”.
Dù thực tế, có khi anh này đã phải nghỉ chỉ sau vài ngày thử việc. Thậm chí, khi tiếp tục đi xin việc lần thứ hai, lần thứ ba... con số việc làm cứ thế đội lên, không ai kiểm tra, giám sát”.
Câu trả lời thứ hai, là trong “sự bất bình thường” mà Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã ta thán trước tình trạng “nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều”. Bỏ, vì nếu may mắn, “dãi nắng dầm sương cả vụ nhưng chỉ lãi được 100.000 - 200.000 đồng mỗi sào ruộng, còn đa phần là lỗ”.
Câu trả lời thứ ba, là khoảng cách giữa mơ ước của Bộ trưởng Cao Đức Phát, rằng: “Xung quanh đảo Trường Sa toàn ngư dân ta, lúc nào cũng đông nghịt, trên 1.000 chiếc, đồng nghĩa với hơn 10.000 ngư dân có mặt trên biển” và thực tế là dù hàng ngàn tỉ đồng được dành cho kinh tế biển, nhưng “70% số tàu thuyền của ngư dân cũ nát, công suất thấp, không đủ điều kiện tham gia vùng đánh cá vịnh Bắc Bộ. Chưa nói gì đi Hoàng Sa, Trường Sa” - như lời đại biểu Quốc hội Lê Nam.
Câu trả lời thứ tư… là áo cơm không nói dối.
Mảnh ruộng không nuôi nổi người nông dân. Những chiếc thuyền nát và những bất trắc trên biển không giúp ngư dân khỏi đói. Chưa kể tỉ lệ nghèo chung càng giảm thì tỉ lệ nghèo ở những người nghèo nhất xã hội dễ bị tổn thương nhất, lại càng cao. Người ta còn có thể làm gì khác ngoài việc lên thành phố làm hàng hóa trong những chợ người, hay đi bất cứ đâu, kể cả đó là Philippines?
Và rõ ràng, vấn đề xã hội không ít cấp bách này phải được giải quyết, nhưng không phải bằng những con số đẹp trên báo cáo. (Lao Động 4/11) Về đầu trang

Sao lại đóng băng bộ máy?


Sau hơn 40 năm nỗ lực tinh giản biên chế nhưng rút cục đội ngũ vẫn ngày một phình to. Người có trách nhiệm đều ý thức rằng: Không thể chấp nhận bộ máy hành chính nhà nước quá cồng kềnh, phải cơ cấu lại đội ngũ.
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm vàng để kiên quyết tinh giản biên chế khi mà ngân sách nhà nước đã không kham nổi để chi lương cho đội ngũ này. Nhưng, không vì những bức xúc ấy mà đưa ra những giải pháp "đóng băng” bộ máy hành chính.
Để hưởng ứng chủ trương tinh giản biên chế, không ít địa phương đã có sáng kiến "từ nay đến năm 2016 cơ bản biên chế sẽ không tăng”! Không tăng biên chế cũng là sáng kiến thực hiện chủ trương của bên trên. Nhưng việc làm này chưa hẳn đã là tối ưu. Muốn biết chủ trương này có tối ưu hay không phải nhìn lại tại sao phải tinh giản và tại sao không tinh giản được?
Tại sao lại tinh giản, tất nhiên quá nhiều người biết. Nền hành chính của chúng ta đông nhưng thực sự chưa tinh, cồng kềnh nhưng đến lúc xung trận thì chẳng thấy có tướng tài. Nói như vậy tức là nền hành chính của chúng ta vừa thiếu lại vừa thừa, luôn thiếu những người giỏi nhưng thừa những người chạy vào nhà nước chỉ để cắp những "cái ô”!
Trở lại câu chuyện có nhất thiết phải "đóng cửa” nói không với tăng biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giải thích: Tinh giản biên chế quan trọng là thay đổi từ tư duy nhận thức, chứ không phải cắt giảm một cách cơ học, máy móc về số lượng người. Tinh giản bao hàm cả vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng người làm việc hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được khối lượng công việc ở mỗi cơ quan.
Vì vậy, tinh giản phải hiểu theo hướng không phải thuần túy là giảm biên chế, giảm số lượng người làm việc mà đầu tiên phải nâng cao chất lượng đội ngũ, người làm việc, xác định được rõ vị trí việc làm để tính toán số lượng người hợp lý, phù hợp.
Như vậy, nói tinh giản biên chế không có nghĩa "đóng băng” nền hành chính không vào không ra. Vấn đề là đưa ra khỏi nền công vụ những người không phù hợp nhưng vẫn phải thu nhận những cán bộ vừa hồng vừa chuyên cho nền công vụ. Không thể hiểu một cách máy móc chủ trương tinh giản biên chế để rồi nói không, " đóng cửa” với tuyển chọn người xứng đáng cho nền công vụ. (Đại Đoàn Kết 2/112)Về đầu trang

QUẢN LÝ

6 tháng: Các bộ, ngành, địa phương chỉ mua mới 168 xe ô tô


Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước thực hiện những giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và đạt được những kết quả tích cực.
Trong quản lý mua sắm tài sản bằng ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô, phương tiện vận tải.
Trường hợp kinh phí mua xe ô tô đã bố trí trong dự toán chi NSNN năm 2013, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cắt giảm hoặc lùi thời gian mua sắm đối với những trường hợp chưa thực sự cấp thiết. Đối với những trường hợp thực sự cấp thiết phải mua sắm thì chỉ sử dụng dự toán chi NSNN năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013, theo đúng quy định tại Chỉ thị số 09/2013 của Thủ tướng. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước chỉ mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng (Khối bộ, ngành 45 xe, nguyên giá 66,2 tỷ đồng; khối địa phương 123 xe, nguyên giá 153,1 tỷ đồng).
Việc thí điểm thực hiện mua sắm tài sản nhà nước với phương thức tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần tiết kiệm kinh phí và thời gian mua sắm. Từ năm 2008 đến nay, thông qua mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính giảm chi được 397 tỷ đồng; Bộ Tư pháp giảm chi 729 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm chi 13,9 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận giảm chi 3 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình giảm chi 44,4 tỷ đồng... (Quân Đội Nhân Dân 4/11) Về đầu trang

Quy định của Bộ VH-TT&DL bị phản ứng gay gắt


Bộ VH-TT&DL vừa họp báo công bố nghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Nghị định này sẽ thay thế nghị định số 82 (ban hành năm 2001) và nghị định số 154 (ban hành năm 2004) nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm được “thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế”.
Dù ngày 16/12 nghị định mới có hiệu lực thi hành, nhưng ngay từ khi công bố, văn bản này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận.
Ngoài việc quy định tỉ mỉ kiểu trang phục “không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực” hay kính thưa, kính gửi bao nhiêu lần thì bản nghị định này cũng có những điều khoản gây nhiều băn khoăn. Trong khoản 2, điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ, nghị định quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp quy định tại điều 11 của nghị định này”. Hai buổi lễ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của khoản này bao gồm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh. Đáng nói là quy định này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phạm Văn Thủy (cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL), quy định này nhằm bỏ bớt những rườm rà, lãng phí, giảm bớt chi phí, đơn giản hóa buổi lễ chương trình. Thậm chí, một lãnh đạo Bộ VH-TT&DL còn khẳng định “trong buổi lễ mà khách mời xách “lủng lẳng” cái túi có logo của đơn vị tổ chức là mất mỹ quan”.
Tuy nhiên, quy định này lại gây kinh ngạc với giới luật sư. “Nếu áp dụng cho tất cả các đối tượng thì quy định này sai hoàn toàn. Nó chỉ có ý nghĩa xã hội đối với các tổ chức nhà nước là những đơn vị không cần quảng bá hoặc dùng ngân sách. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, việc tặng quà cho khách hàng hay tặng các biểu tượng, logo của doanh nghiệp là quyền của họ. Đừng nhầm lẫn giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp tự hạch toán” - luật sư Phạm Hữu Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bình luận.
Với các điều khoản quy định chi tiết và tỉ mỉ đến từng bộ trang phục, cách đi đứng, cách kính thưa, kính gửi, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết nghị định sẽ không đi kèm thông tư hướng dẫn. Nghị định cũng không quy định hình thức chế tài đối với những đơn vị vi phạm. “Ai làm sai, cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm xử lý ở cấp đó” - ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) trả lời báo chí chiều 1/11. (Tuổi Trẻ 4/11) Về đầu trang

Bức xúc về các sai phạm của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân


Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế thẳng thắn chỉ rõ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập diễn ra sáng 4-11 tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ: Bên cạnh những mặt tích cực của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh hơn, góp phần giảm tải bệnh viện công lập thì các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang tồn tại nhiều sai phạm. Trong đó nổi lên là tình trạng hành nghề quá phạm vi cho phép và hoạt động không phép gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tới tính mạng của người bệnh như vụ việc đã từng xảy ra tại phòng khám Maria và mới đây là vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường.
“Những sai phạm trên của nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang gây ra sự bức xúc, phẫn nộ của người bệnh và cộng đồng. Chúng ta phải kịch liệt lên án những hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Không chỉ có vậy, hiện nay, có không ít y bác sỹ trong bệnh viện công lập tham gia khám chữa bệnh ngoài giờ tại cơ sở y tế tư nhân nhưng lại không chấp hành các quy định về hành nghề y tế tư nhân.
Đối với vấn đề y đức, Bộ trưởng thừa nhận, dù trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao y đức nhưng thực tế y đức vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, không ít bác sỹ có thái độ khám chữa bệnh chưa hòa nhã với người bệnh. “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri phản ánh với tôi bằng thái độ rất bức xúc khi nói về y đức của một số y bác sỹ mà họ gặp phải khi đi khám chữa bệnh…”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Trước những sai phạm trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện nay công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân vẫn còn nhiều bất cập. Lực lượng thanh tra y tế quá mỏng không đủ sức để giám sát, thanh kiểm tra, cũng như công tác hậu kiểm các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Trong khi đó vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn cũng chưa tròn trách nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn buông lỏng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. (Sài Gòn Giải Phóng 4/11) Về đầu trang

Quý III, thanh tra Chính phủ phát hiện 2.236 tỷ đồng sai phạm


Theo báo cáo tại hội nghị giao ban giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra các bộ, ngành Trung ương dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cuối tháng 10 vừa qua, trong Quý III/2013, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành Trung ương đã triển khai 176 cuộc thanh tra hành chính, 12.540 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 10.424 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 2.236 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách nhà nước 2.100 tỷ đồng (đã thu hồi được 1.827 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 486 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 189,2 tỷ đồng đã được xuất toán, loại khỏi quyết toán và đề nghị cấp có thảm quyền xem xét xử lý.
Về tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp15.165 lượt công dân; xử lý 9.957 đơn trên tổng số 19.311 đơn đã tiếp nhận; giải quyết 1225 vụ khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền. (Cafef.vn 4/11) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bỏ ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân


Từ ngày 2/11, Nghị định 106/2013 có hiệu lực thi hành, quy định bỏ cụm từ "họ và tên cha", "họ và tên mẹ" tại mặt sau của chứng minh nhân dân. Chứng minh nhân dân đã được cấp theo Nghị định 170/2007 ngày 19/11/2007 của Chính phủ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Nghị định 106/2013 cũng rút ngắn thời gian cấp mới, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân. Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, việc cấp chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc. (Thanh Niên Online 3/11)Về đầu trang

TPHCM: Lắng nghe người nộp thuế


Nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực thi chính sách thuế, Cục Thuế TPHCM sẽ tổ chức Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế năm 2013 từ ngày 11-17/11.
Theo đó, Cục Thuế TPHCM sẽ tổ chức đối thoại để lắng nghe và trả lời ý kiến phản ánh của người nộp thuế trên địa bàn TPHCM (bao gồm cả các đại lí thuế) và ghi nhận những phản ánh về khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế để hỗ trợ kịp thời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
Ngoài ra, Cục Thuế TPHCM sẽ nghe và đáp ứng ý kiến người nộp thuế qua các mạng thông tin điện tử, trang web của Cục Thuế, qua Hệ thống đối thoại doanh nghiệp với Chính quyền Thành phố của UBND TPHCM. Cục Thuế TPHCM sẽ giải đáp ý kiến thắc mắc của người nộp thuế nhận được trong Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế chỉ trong thời gian 2 ngày làm việc (theo quy định là 5 ngày làm việc).
Đặc biệt, trong tuần lễ diễn ra sự kiện, Cục Thuế TPHCM và các Chi cục trực thuộc sẽ bố trí tại trụ sở các đơn vị một bàn hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế để trả lời ngay những câu hỏi của người nộp thuế đến liên hệ trực tiếp.
Theo bà Trần Thị Lệ Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, chính nhờ những buổi đối thoại, Cục Thuế TP sẽ nắm bắt được những vướng mắc của người nộp thuế để từ đó có những cải cách hành chính thuế phù hợp và thuận lợi nhất cho người nộp thuế. (Báo Điện Tử Chính Phủ 2/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ba nguyên nhân khiến ngân sách gặp khó


Tại phiên thảo luận hội trường sáng 2/11, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ với việc tăng bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ để cân đối ngân sách nhưng “lo cho anh Bình (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình) vừa phải tăng tín dụng năm tới dự kiến 14% mà vẫn bảo đảm không gây lạm phát. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, dũng cảm mà làm được là hay”.
Cũng theo ông Lịch, “nói 65% nợ công là an toàn nhưng điều quan trọng là nguồn thu ngân sách để trả nợ hằng năm là bao nhiêu? Tôi tính toán thì sau 2015, 1/3 nguồn thu ngân sách là để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn”.
ĐB Trần Du Lịch đã phân tích những nguyên nhân tiêu cực khiến ngân sách lâm cảnh “giật gấu vá vai”. Thứ nhất, duy trì quá lâu cách thức phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi giữa ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương nên nỗ lực tái cơ cấu của Bộ KH&ĐT vừa rồi vẫn chịu giới hạn. Thứ hai, chi tiêu “vung tay quá trán”, bộ máy phình ra quá lớn, đẻ ra quá nhiều ghế không ngân sách nào chịu nổi. Thứ ba, kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách chưa nghiêm, thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Ông Lịch hoan nghênh Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã mạnh tay xử lý thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư về giao thông. “Nghe nói có bốn dự án, Bộ trưởng xem xét lại đã phát hiện quy mô dự án được nâng lên một cách vô lý và giảm được hơn 15.000 tỉ đồng. Nếu không phát hiện kịp thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó. Lại có những cây cầu cũ chỉ dài 70 m nhưng khi làm cầu mới thì đẩy quy mô lên 450 m để làm gì, có ý đồ nào đó trong vấn đề tăng dự án lên? Tôi đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc này. Cũng đừng “vung tay quá trán” chi xây dựng trụ sở, mua sắm xe, mua sắm thiết bị văn phòng. Đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư xây dựng cơ bản nên phải tiết kiệm” - ông Lịch nói.
Chưa hài lòng với kết quả điều hành ngân sách, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) yêu cầu phải đổi mới, đột phá, cần cân nhắc lại các giải pháp. Ví dụ, cơ chế cắt giảm 10% kinh phí hành chính chẳng giải quyết được gì quan trọng lắm trong khi lạm phát hằng năm đã mất bao nhiều tiền rồi. “Chúng ta thấy đang có câu chuyện “lương thì giả vờ mà làm thì vật vờ”. Có những giải pháp rất rõ: khoán xe công, khoán chi tiêu, cho thuê trụ sở… cho thấy có hiệu quả, giảm chi tiêu nhiều, sao không kiên quyết làm?”- ông Nam đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng kỷ luật chi ngân sách chưa thật nghiêm. Trong điều kiện ngân sách khó khăn hụt thu lớn, bội chi tăng nhưng chi đầu tư phát triển vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng dàn trải, lãng phí trong chi tiêu công, nhất là chi hành chính, hội họp, khánh tiết. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu quả. “Đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật chi tiêu ngân sách, cần cân nhắc việc ban hành chính sách mới làm phát sinh chi ngân sách mà không cân đối được nguồn chi, rút kinh nghiệm đối với một số chính sách liên quan với người dân đã ban hành vừa qua nhưng không có tiền thực hiện” - bà Ngân nói. (Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 3/11) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Hòa Bình: Khởi tố vụ 4 cán bộ nướng ngô cháy nhà Lang


Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ 4 cán bộ tỉnh đốt lửa nướng ngô làm cháy nhà Lang 100 tuổi tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (thành phố Hòa Bình) vào ngày 24/10 vừa qua.
Theo ông Phạm Văn Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, ngay hôm sau 25/10, chỉ một ngày sau vụ cháy, công an đã tìm được danh tính 4 người khách nướng ngô gây nên vụ hỏa hoạn.
Ông Sơn cho biết, cả 4 vị khách này "đều là cán bộ của tỉnh, tuổi từ 33 đến 55 tuổi" và đã được triệu tập lên trụ sở công an lấy lời khai ngay sau đó. (Soha.vn 4/11) Về đầu trang

Đồng Tháp: Giám đốc Sở Nội vụ bị kỷ luật


Ngày 3/11 nguồn tin từ Tỉnh ủy cho biết, vừa có quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Trần Anh Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp.
Được biết, trong thời gian còn làm Bí thư Huyện ủy Lấp Vò, ông Dũng cùng Thường trực Huyện ủy đã cho chủ trương chào giá khai thác mỏ cát không đúng quy định; lấy 249 triệu đồng từ nguồn khai thác cát sông để ngoài sổ sách nhằm mua quà chúc tết một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương.
Mặt khác, ông Dũng còn nhận “hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng” (trong 10 tháng) từ Văn phòng Huyện ủy để “đi công tác” không đúng quy định. (Danviet.vn 4/11) Về đầu trang./.



Biên tập viên: Lê Huyền





Каталог: QTIUpload -> BanTin
QTIUpload -> TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 21 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 20 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 22 tháng 04 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 23 tháng 12 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 8 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 02 tháng 01 năm 2014)

tải về 110.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương