SỞ NỘi vụ Số: 2313/bc-snv cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 108.17 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích108.17 Kb.
#22860

UBND TỈNH NINH THUẬN

SỞ NỘI VỤ


Số: 2313/BC-SNV




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Ninh Thuận, ngày 30 tháng 9 năm 2015

BÁO CÁO

Kết quả kiểm tra công tác xây dựng chính quyền cơ sở năm 2015


Thực hiện Kế hoạch số 2428/KH-UBND ngày 12/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Kiểm tra, tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 04/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Ngày 10/7/2015, Sở Nội vụ đã ban hành Kế hoạch số 1652/KH-SNV về việc kiểm tra đánh giá công tác xây dựng chính quyền cơ sở, thời gian kiểm tra (từ ngày 04/8/2015 đến ngày 04/9/2015). Qua đợt kiểm tra thực tế công tác xây dựng chính quyền cơ sở trên các lĩnh vực về công tác dân vận, quy chế dân chủ, công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, cải cách hành chính và tôn giáo tại 5 huyện, thành phố và 10 xã, phường (Ủy ban nhân dân các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải và Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; Ủy ban nhân dân các xã: Phước Chính, Phước Đại, Mỹ Sơn, Lương Sơn, Phước Hà, Nhị Hà, Thanh Hải, Tri Hải và 02 phường: Văn Hải, Đạo Long), Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, công tác của cơ quan, đơn vị đề ra đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, kịp thời quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban quản lý các thôn, khu phố và nhân dân góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác xây dựng chính quyền; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực, cụ thể:

1. Công tác Xây dựng chính quyền:

1.1. Hội đồng nhân dân các cấp:

- Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; báo cáo sơ, tổng kết các hoạt động; ban hành kế hoạch giám sát, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; tổ chức các kỳ họp HĐND, thực hiện các quy định về tiếp xúc cử tri như: thu thập, phản ánh ý kiến, bảo vệ quyền lợi của cử tri…; báo cáo kết quả kiến nghị của cử tri đúng luật định.

- Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân.

1.2. Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Cấp huyện:

- Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, phân công thành viên Ủy ban nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình, kế hoạch và quy chế làm việc.

- Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp huyện.

- Triển khai thực hiện đánh giá các phòng ban cấp huyện theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và thẩm định, đánh giá xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh đối với các xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 68/2013/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 và Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 11/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thực hiện công tác bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch, đào tạo và đánh giá CBCCVC hàng năm; giải quyết chế độ, chính sách; xếp lương, nâng bậc lương, xử lý kỷ luật; quản lý hồ sơ kỷ luật cán bộ, công chức theo đúng quy định, cụ thể:

+ Quy hoạch, đào tạo: Hàng năm UBND các huyện, thành phố phối hợp Ban Tổ chức tham mưu Thường trực huyện, thành ủy tổ chức đánh giá cán bộ, công chức và quy hoạch dự nguồn chức danh lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện; Ban Thường vụ đảng ủy, Ban Chấp hành và các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã theo đúng quy định, theo đó đã cử cán bộ, công chức trong diện quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện chuyên môn nghiệp và lý luận chính trị đáp ứng nhiệm vụ được giao.

+ Chuyển đổi vị trí công tác: UBND cấp huyện đã tổ chức chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển từ cấp huyện về cấp xã; luân chuyển các vị trí trong các xã, phường (Năm 2014-2015: Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã chuyển đổi 45 trường hợp theo danh mục, vị trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo; điều động công chức từ phường này sang phường khác 14 trường hợp (công chức địa chính - xây dựng). UBND huyện Ninh Hải đã thực hiện việc luân chuyển đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn: 05 trường hợp. UBND huyện Thuận Nam đã điều động công chức cấp xã: 02 trường hợp, điều động công chức cấp huyện về xã: 03 trường hợp), nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cơ sở, đáp ứng nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương về chức danh chủ chốt và phát huy tốt năng lực của từng cá nhân.

+ Tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính; UBND các huyện, thành phố đều thành lập Tổ kiểm tra kỷ luật hành chính và thực hiện tốt việc kiểm tra kỷ cương kỷ luật hành chính đối với các đơn vị trực thuộc; bên cạnh đó, đã xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức cơ sở sai phạm, kết quả đã xử lý 25 trường hợp vi phạm hành chính (UBND thành phố Phan Rang- Tháp Chàm kỷ luật 11 trường hợp (trong đó: Khiển trách 08, Cách chức 01, Buộc thôi việc 02); UBND huyện Thuận Nam kỷ luật (từ năm 2011-2014) có 14 trường hợp (trong đó: Khiển trách: 8; cảnh cáo: 1; cách chức: 3; buộc thôi việc: 2), nội dung sai phạm chủ yếu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

- Tình hình chia tách sáp nhập thôn, khu phố trên địa bàn: Thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện Công văn số 2258/UBND-VX ngày 01/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó giữ nguyên hiện trạng các thôn, khu phố. Riêng đối với huyện Bác Ái, việc sáp nhập một phần dân cư tại cụm dân cư mới của thôn Ma Rớ vào thôn Đá Ba Cái - xã Phước Thành; qua 2 lần tổ chức họp dân lấy ý kiến thì 100% người dân tại 2 thôn không đồng ý; UBND huyện đã báo cáo Thường trực huyện ủy Bác Ái, đồng thời triển khai chỉ đạo UBND xã Phước Thành tiếp tục vận động nhân dân tại thôn Ma Rớ và thôn Đá Bá Cái về việc sáp nhập nội dung trên.

- Giải quyết chế độ nghỉ việc, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6073/UBND-VX ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Thuận, cụ thể: giải quyết thôi việc đối với CBCC:46 trường hợp (trong đó: thành phố PRTC: 16; huyện Bác Ái: 14, Thuận Nam: 16); tiếp tục đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có 96 trường hợp (trong đó Bác Ái: 39, Thuận Nam: 20, Ninh Hải: 37).

- Công tác văn thư, lưu trữ: Văn bản đi, đến được sắp xếp theo tên loại; mở sổ đăng ký văn bản đi, văn bản đến và luân chuyển theo đúng quy trình, quản lý và sử dụng con dấu tốt, đúng quy định.

b) Cấp xã:

- Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, phân công thành viên Ủy ban nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân xã với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị.

- Tổ chức họp UBND và thành viên UBND cấp xã định kỳ theo đúng quy định; Hàng tuần, tháng có thông báo lịch tiếp dân, một số xã thực hiện khá tốt công tác đối thoại trực tiếp với dân.

- Tổ chức triển khai thực hiện đánh giá tiêu chí xây dựng chính quyền cơ sơ vững mạnh theo Quyết định số 68/2013/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 và Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 11/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh cơ bản đúng quy trình và thời gian quy định.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Công văn 6073/UBND-VX ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh, đối với cán bộ chủ chốt cấp xã không đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Các địa phương chủ động bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 1299/2010/QĐ-UBND ngày 13/08/2010 của UBND tỉnh, đảm bảo trên các lĩnh vực công tác, đáp ứng thực hiện nhiệm vụ; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, qua kiểm tra 10 xã, phường (trong đó: 02 xã, phường đạt chuẩn 100%; 08 xã, phường chưa đạt chuẩn)1. Theo kế hoạch đào tạo và thay thế đối với những trường hợp không có khả năng đào tạo theo Công văn số 6073/UBND-VX ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh thì dự kiến đến năm 2018 các xã đạt chuẩn 100% theo quy định.

- Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 25/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh trên các lĩnh vực; chế độ chính sách cho các chức danh cán bộ chuyên trách và công chức được thực hiện đảm bảo (hưởng lương theo ngạch, bậc; phụ cấp (nếu có), đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định và được nâng lương thường xuyên theo quy định); đối với người hoạt động không chuyên trách đều được hưởng phụ cấp hàng tháng và phụ cấp tăng thêm theo bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ (nếu có).

- Công tác văn thư, lưu trữ: văn bản đi được sắp xếp theo tên loại; một số đơn vị đã mở sổ đăng ký văn bản đi, văn bản đến được đăng ký và luân chuyển theo đúng quy trình quy định của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tuy nhiên, việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ vẫn còn tình trạng bó gói, thất lạc không tìm thấy.



1.3. Kết quả triển khai Công tác Dân vận chính quyền và quy chế dân chủ:

a) Công tác dân vận chính quyền:

- Kết quả triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhà nước về công tác Dân vận chính quyền:

Thực hiện các văn bản quy định của Trung ương và UBND tỉnh về công tác dân vận chính quyền, thời gian qua Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành kế hoạch; thành lập BCĐ thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dân vận; ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND huyện, thành phố và Ban Dân vận huyện, thành phố về công tác Dân vận chính quyền, đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thích hợp; qua đó đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ, nắm bắt kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức.

- Về đối thoại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: UBND cấp huyện ban hành quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của Ban tiếp công dân; nhằm từng bước đổi mới công tác tiếp dân, phân công lãnh đạo trực tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân chủ yếu trong lĩnh vực đền bù, giải tỏa, thu hồi đất thực hiện các dự án. Trong giai đoạn 2014-2015 các huyện, thành phố đã chủ động đối thoại 583 lượt (trong đó: thành phố Phan Rang-Tháp Chàm: 166 lượt; huyện Thuận Nam: 294 lượt; huyện Ninh Sơn: 100 lượt; huyện Ninh Hải: 19 lượt; huyện Bác Ái: 04 lượt), qua đó xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc xảy ra ở cơ sở, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, nội dung chủ yếu tập trung khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, các quyết định hành chính..., qua giải quyết đã khôi phục được quyền lợi hợp pháp của công dân. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều cố gắng và cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

b) Công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở:

- Đã triển khai thực hiện một số văn bản về quy chế dân chủ cơ sở như: tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Tăng cường sự lãnh đạo đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nghiêm túc thực hiện đầy đủ những nội dung: công khai để dân biết; dân bàn và quyết định trực tiếp; dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; dân giám sát.

- Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tham gia giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước thôn, khu phố theo đúng trình tự, thủ tục, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đến thảo luận, thông qua và phê duyệt; đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng các loại quỹ, nhất là các khoản đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và bình xét hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ cơ sở.

- Tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Luật đất đai, dự thảo Bộ Luật dân sự…; tổ chức tiếp xúc cử tri và lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND cấp xã bầu và bầu Trưởng thôn, khu phố đúng quy định; từ đó đã góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự ở các địa phương.



1.4. Thôn, khu phố:

- Xây dựng và kiện toàn Tổ Nhân dân tự quản thôn, khu phố; Tổ Giám sát đầu tư cộng đồng; Tổ Hòa giải;…đồng thời, tổ chức thực hiện bầu trưởng thôn, khu phố theo đúng quy trình quy định.

- Tuyên truyền các văn bản, chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước thôn, khu phố;

- Tổ chức công khai bằng nhiều hình thức tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng địa phương; từ đó đã huy động được các nguồn lực trong nhân dân đóng góp xây dựng các công trình công cộng như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng trường học...



2. Công tác Cải cách hành chính:

UBND huyện, thành phố đã có văn bản triển khai xây dựng kế hoạch trọng tâm và đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan, đơn vị đã ban hành các Quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đã bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và chi hỗ trợ cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo Quyết định 79/2014/QĐ-UBND ngày 16/10/2014 của UBND tỉnh.

Công khai các thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, mẫu đơn, mẫu tờ khai, phí, lệ phí; thực hiện mở sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả; có phiếu hẹn hồ sơ; chất lượng giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng nâng lên so với trước đây, bước đầu tạo được sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước các cấp.

3. Công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo:

Tình hình hoạt động tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng tại các địa phương ổn định, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trên địa bàn không xảy ra các vụ việc phức tạp có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận đoàn thể làm tốt công tác lãnh chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp huyện và Ban Tư vấn công tác tôn giáo cấp xã để chỉ đạo thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thường xuyên.

Nhìn chung, Công tác giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lãnh chỉ đạo và giải quyết kịp thời các vụ việc tôn giáo tại địa phương theo thẩm quyền; công tác phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vụ việc tôn giáo khá tốt; việc báo cáo và lưu trữ hồ sơ về công tác tín ngưỡng, tôn giáo đầy đủ; các xã, phường thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những mặt đạt được:

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã, phường đã tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về quy chế dân chủ, dân vận chính quyền, cải cách hành chính, tôn giáo tại cơ quan, đơn vị đạt kết quả tốt và đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai và thực hiện công tác cải cách hành chính. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định 46/2015/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh; thực hiện kiểm tra chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính đã đi vào nề nếp, triển khai và thực hiện tốt về quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện đánh giá các phòng, ban cấp huyện và chính quyền cơ sở vững mạnh, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức đúng theo quy định. Công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách tôn giáo tại địa phương được đảm bảo đúng quy định.

2. Những tồn tại, hạn chế:

a) Cấp huyện:

- Về xây dựng chính quyền:

+ UBND cấp huyện chưa có báo cáo kết quả phối hợp hàng năm giữa UBND và các đoàn thể huyện và chưa thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các xã trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận.

+ Công tác chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn chưa sâu sát; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa được nhịp nhàng, thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập, lúng túng.

+ Việc triển khai Công văn 799/CV-UBND ngày 27/02/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh chưa đồng bộ; chưa xây dựng được kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng quý của cán bộ, công chức các huyện đều có văn bản triển khai nhưng chỉ có thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thực hiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra cơ bản còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chất lượng hoạt động của trang tin điện tử của các huyện, thành phố hạn chế.

+ Quản lý văn bản, lập và lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm trong công tác văn thư, lưu trữ; chưa thu thập tài liệu về quản lý tập trung tại Lưu trữ huyện, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm, thu thập thông tin.

+ Phân loại, đánh giá các phòng ban cấp huyện: vẫn còn tình trạng đánh giá sơ sài, chưa phân tích, đánh giá những mặt mạnh, yếu; từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng các phòng, ban (UBND huyện Bác Ái thẩm định đánh giá mỗi đơn vị chỉ có 30 phút);

+ Tổ chức thẩm định chính quyền cơ sở vững mạnh còn mang tính hình thức, chưa có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng yếu kém sau kiểm tra. Do vậy, có đơn vị nhiều năm liền không đạt vững mạnh (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). Việc thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định chính quyền cơ sở vững mạnh còn chậm, chưa đúng thời gian quy định (huyện Bác Ái).

- Về Cải cách hành chính:

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa được nhịp nhàng, thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập; hầu hết, việc giải quyết hồ sơ trên lĩnh vực đất đai vẫn còn hồ sơ trễ hẹn, tồn động trên ở tất cả các huyện, thành phố.

Việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị chưa đúng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh như: UBND huyện Ninh Hải chỉ thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ trên lĩnh vực đất đai; một số đơn vị nhận hồ sơ ngoài thành phần quy định (UBND huyện Ninh Sơn nhận ngoài quy định chứng minh nhân dân và hộ khẩu phô tô đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến lợi ích của người dân, công khai các kết quả giải quyết thủ tục hành chính hàng tháng còn hạn chế.

Hoạt động Tổ tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hầu hết chưa tuân thủ theo quy chế tổ chức và hoạt động Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác cải cách hành chính của UBND cấp huyện đối với cấp xã chưa thường xuyên kịp thời.

- Về Tôn giáo:

Công tác nắm tình hình, công tác triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo đôi lúc chưa kịp thời (xã Nhị Hà thuộc huyện Thuận Nam); chưa nắm được thẩm quyền quản lý về công tác tín ngưỡng tại địa phương (xã Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải). Việc giải quyết và tham mưu giải quyết các vụ việc như: tham mưu việc giao đất cho cở sở hoạt động tôn giáo đã có chủ trương, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng có liên quan đến tôn giáo còn chậm tại địa bàn các huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Trên địa bàn một số huyện và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chưa thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng nên để xảy ra tình trạng hình thành các cơ sở hoạt động tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo) tự phát, trái quy định nhưng chưa được tham mưu, giải quyết.



b) Cấp xã:

- Về Xây dựng chính quyền:

+ UBND các xã, phường chưa thực hiện thông báo kết quả họp UBND cấp xã sau cuộc họp, sổ ghi biên bản họp thành viên mở rộng năm 2015 chưa có chữ ký của chủ trì và chưa đóng dấu giáp lai (UBND các xã Tri Hải, Thanh Hải, Phước Chính, Phước Đại, Mỹ Sơn). Có địa phường còn điều động công chức sai thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 25/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh (UBND phường Văn Hải); phần lớn các xã, phường chưa triển khai Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 01/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh.

+ Việc quản lý hồ sơ chưa đầy đủ; quản lý văn bản, lập hồ sơ lưu trữ tài liệu của cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo quy định (UBND phường Đạo Long, UBND xã Phước Chính).

+ Ở các xã, phường được kiểm tra còn có một số tiêu chí chưa thực hiện đạt các chỉ tiêu xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh qua đánh giá: huy động vốn trong nhân dân còn thấp; một số địa phương thực hiện chưa đúng về công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, còn để xảy ra xây dựng nhà trái phép, tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, khai thác khoáng sản trái phép, công tác quản lý thu, chi tại một số xã chưa thực hiện nghiêm túc; vệ sinh môi trường trong khu dân cư chưa tốt.

+ Chưa thường xuyên củng cố, xây dựng tổ nhân dân tự quản; thậm chí còn có nơi buông lỏng việc xây dựng tổ nhân dân tự quản (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam; xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn; phường Đạo Long, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm); việc thực hiện hương ước, quy ước của một số thôn, khu phố chưa đi vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, chưa rà soát, kiện toàn tổ hòa giải chưa kịp thời.

+ Công tác xây dựng và quản lý hồ sơ CBCC một số xã thực hiện chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ (xã Tri Hải, Thanh Hải huyện Ninh Hải; xã Phước Chính huyện Bác Ái);

- Về Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

+ Một số cơ sở chưa ban hành văn bản để cụ thể hóa công tác dân vận chính quyền theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 15/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 04/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận (xã Phước Chính, Phước Đại…);

+ Một số xã, phường chưa báo cáo việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức đoàn thể; chưa ban hành quy chế của HĐND, Quy chế phối hợp của HĐND với UBND, UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể (xã Phước Hà, Nhị Hà và Phường Đạo Long).

+ Công tác đối thoại trực tiếp với công dân: Một số xã, phường chưa triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 11/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh (xã Phước Chính, Phước Đại, Đạo Long…).

- Về Cải cách hành chính:

+ Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chưa tuân thủ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (UBND xã Mỹ Sơn trên lĩnh vực đất đai, xã Lương Sơn trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh và Người có công, phường Văn Hải lĩnh vực người có công); chưa thực hiện phiếu nhận hồ sơ trên một số lĩnh vực và mở sổ theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả trên một số lĩnh vực (UBND xã Phước Chính, Phước Đại, Phước Hà, phường: Văn Hải, Đạo Long); chưa thực hiện phiếu luân chuyển hồ sơ trên lĩnh vực đất đai (UBND các xã: Mỹ Sơn, Lương Sơn, Phước Hà, Nhị Hà); Chưa thực hiện chế độ hỗ trợ và hỗ trợ chưa đúng theo Quyết định 79/2014/QĐ-UBND tỉnh cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (UBND các huyện: Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn, UBND xã, phường: Phước Chính, Văn Hải, Đạo Long).

+ UBND xã Nhị Hà nhận thêm Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu ngoài quy định (theo yêu cầu của công an huyện Thuận Nam đối với thủ tục nhập sinh); việc giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai vẫn còn hồ sơ trễ hẹn, tồn động ở UBND các xã: Phước Chính, Phước Đại, Mỹ Sơn, Lương Sơn, Phước Hà.

+ Việc công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính hàng tháng tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; hoạt động Tổ tiếp nhận và trả kết quả cấp xã hầu hết chưa theo quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ, đó là chưa duy trì hội ý thường xuyên hàng tháng; việc kiểm tra, chấn chỉnh giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của lãnh đạo UBND cấp xã chưa thường xuyên.

- Về Tôn giáo:

Một số xã, phường như xã Phước Chính thuộc huyện Bác Ái, xã Phước Hà thuộc huyện Thuận Nam, xã Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải, phường Đạo Long thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm còn yếu về công tác văn thư, lưu trữ hồ sơ trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo; chưa nắm được thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính, chưa cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về tín ngưỡng, tôn giáo và hiểu biết cơ bản về tôn giáo còn hạn chế.

3. Nguyên nhân, tồn tại:

- Một số UBND các xã, phường chưa thực hiện tốt quy chế hoạt động của UBND, quy chế phối hợp trong thi hành nhiệm vụ.

- Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các cơ quan, đơn vị hầu như khoán trắng công tác cải cách hành chính cho Văn phòng-Thống kê hoặc Phòng Nội vụ nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nên chưa kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời; cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp còn nhiều lúng túng;

- Một số cơ quan, đơn vị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chưa được bố trí, trang bị đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; các cán bộ, công chức nhất là cấp xã, một số vị trí còn kiêm nhiệm nhiều chức danh làm không ổn định. Công tác tham mưu, đề xuất của một số cán bộ, công chức chưa chủ động, còn lúng túng trong xử lý công việc.



IV. NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đối với UBND tỉnh:

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Quyết định thay thế Quyết định số 79/2013/QĐ-UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trên lĩnh vực đất đai tại các xã, thị trấn thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Một số thủ tục về thuế khi thực hiện các giao dịch về đất đai chưa được quy định cụ thể trong Quyết định số 1056/QĐ-UBND ngày 05/6/2014 về công bố thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trên lĩnh vực đất đai tại các xã, thị trấn thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nên khó khăn trong việc thực hiện của người dân.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Về Xây dựng chính quyền:

+ Rà soát, bổ sung các quy chế phối hợp giữa UBND huyện, thành phố với các tổ chức Mặt trận, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ sơ, tổng kết quy chế phối hợp hằng năm; đồng thời, chỉ đạo cấp xã tổ chức hoạt động và tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện công tác phối hợp của Ủy ban nhân dân xã với các tổ chức Mặt trận-đoàn thể.

+ Tổ chức thẩm định, đánh giá chính quyền cơ sở và đánh giá các phòng ban cấp huyện hàng năm nghiêm túc và đúng thời gian quy định, nhất là triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế sau thẩm định công tác xây dựng CQCS và đánh giá các phòng ban cấp huyện.

+ Chỉ đạo các phòng, ban thuộc huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng quý theo Công văn số 799/UBND-NC ngày 27/02/2015 của UBND tỉnh theo quy định.

+ Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn và thôn-khu phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Về công tác cán bộ:

+ UBND các huyện, thành phố thực hiện tổ chức thi tuyển dụng công chức cấp xã theo phân cấp; riêng UBND huyện Thuận Nam đã thông báo và tiếp nhận hồ sơ tham gia xét tuyển trong năm 2014, đề nghị khẩn trương tổ chức xét tuyển công chức cấp xã.

+ Tiếp tục thực hiện và giải quyết chế độ nghỉ việc, chuẩn hóa cán bộ công chức đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ nay đến năm 2018 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6073/UBND-VX ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, thay thế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chủ chốt xã, phường, thị trấn theo Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 23/4/2009 của Ban Thường vụ tỉnh ủy.

- Về Thực hiện công tác Dân vận chính quyền :

+ Tiếp tục, đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác Dân vận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

+ Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân, tránh để tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

+ Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện về công tác Dân vận, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra.

+ UBND huyện, thành phố thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi kiểm tra các xã trong việc triển khai các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác Dân vận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của địa phương.

+ Chỉ đạo các xã thông báo lịch tiếp dân và tổ chức đối thoại với nhân dân theo quy định.

- Về Cải cách hành chính:

+ UBND các huyện, thành phố thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch trọng tâm hàng năm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng quý của cán bộ, công chức theo đúng tinh thần Công văn số 799/CV-UBND ngày 27/02/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.

+ Các cơ quan, đơn vị thực hiện chi hỗ trợ cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo Quyết định số 79/2014/QĐ-UBND ngày 16/10/2014 của UBND tỉnh; triển khai thực hiện nghiên túc các quy định mới về cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh. Thực hiện mở sổ theo dõi, phiếu tiếp nhận hồ sơ, phiếu luân chuyển hồ sơ đầy đủ trên các lĩnh vực theo quy định; khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng trên địa bàn huyện, thành phố; chấn chỉnh không được quy định thêm các thủ tục ngoài quy định, thực hiện phiếu luân chuyển hồ sơ từ cấp xã lên cấp huyện. Công khai đầy đủ các thủ tục hành chính và các kết quả giải quyết thủ tục hành chính hàng tháng trên trang tin điện tử của huyện, thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trang tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

- Về Tôn giáo:

+ Chỉ đạo việc tăng cường công tác nắm tình hình trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cốt cán trong các tôn giáo; giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín ngưỡng ngay từ cơ sở. Tăng cường công tác trao đổi, phối hợp trong công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo với các cơ quan chuyên môn cấp trên có liên quan.

+ Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho UBND cấp xã. Cử cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN về tôn giáo do Trường Chính trị tỉnh tổ chức trong thời gian đến.

4. Đối với Ủy ban nhân dân các xã:

- Về Xây dựng chính quyền:

+ Xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể, công tác phối hợp cần có báo kết quả phối hợp hằng năm; đồng thời, tổ chức hoạt động và tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện công tác phối hợp của Ủy ban nhân dân xã với các tổ chức Mặt trận-đoàn thể.

+ Mở sổ họp thành viên UBND cấp xã, thành phần tham dự, có chữ ký chủ trì, thư ký, đóng dấu giáp lai; thông báo nội dung sau cuộc họp.

+ Tổ chức thực hiện Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn và thôn-khu phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

+ Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng quý đối với cán bộ, công chức và đánh giá tiêu chí xây dựng Chính quyền cơ sở vững mạnh hằng năm đúng quy định.

- Về công tác cán bộ:

Tiếp tục đề xuất giải quyết chế độ nghỉ việc, chuẩn hóa cán bộ, công chức đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ nay đến năm 2018 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6073/UBND-VX ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, thay thế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chủ chốt xã, phường, thị trấn theo Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 23/4/2009 của Ban Thường vụ tỉnh ủy.

- Về Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

+ Thường xuyên triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác Dân vận, thực hiện quy chế dân chủ. Tiếp tục, đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

+ Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân, tránh để tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

+ Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện về công tác dân vận. Tổ chức tiếp dân và đối thoại với nhân dân theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 11/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Về Cải cách hành chính:

Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nâng cao chất lượng trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông trên các lĩnh vực đúng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Về Tôn giáo:

Đối với CBCC làm công tác tôn giáo cấp xã cần nắm chắc thẩm quyền quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo phân cấp; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nắm tình hình, giải quyết và tham mưu giải quyết các vụ việc tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh từ cơ sở./.





Nơi nhận:

- UBND tỉnh (báo cáo);

- Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra;

- Giám đốc Sở;

- Phòng Nội vụ huyện, thành phố;

- Lưu VT, XDCQ&CTTN, CCHC, TG(G).





KT . GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

Thái Văn Lai



1 Xã Phước Đại: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 15/23 người, chiếm 65,2 %, 08/23 không đạt chuẩn (đang đào tạo 05); Những người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn 12/20 người, chiếm 60%.

Phước Chính: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 11/23 người, chiếm 48%; đang theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ: 12/23 người, chiếm 55%; Những người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 11/18 người, chiếm: 61,1%.

Xã Mỹ Sơn: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 19/22 người, chiếm 86,4% (trong đó: 02 người không đạt chuẩn); người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 9/21 người, chiếm 42,8%.

Xã Lương Sơn: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 14/21 người, chiếm 76,2% (có 05 trường hợp không đạt chuẩn); người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 13/16 người, chiếm: 81,2%.

Xã Phước Hà: cán bộ công chức có trình độ trình độ chuyên môn: 07/17 người, chiếm 41,2%; cán bộ công chức đang đào tạo 7/17 người, chiếm 41,2%; những người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 03/17 người, chiếm 17,6%.

Xã Nhị Hà: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 16/20 người, chiếm 80%; đang đào tạo 10 cán bộ công chức; những người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 14/18 người, chiếm 77,8%.

Xã Thanh Hải: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 19/23 người, chiếm: 82,6%; đang theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ: 05/23 người; những người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn:14/20 người, chiếm 70%.

Xã Tri Hải: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 23/23 người, chiếm 100%; người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 10/17 người, chiếm 58,8%.

Phường Văn Hải: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 21/22 người, chiếm 95%; đang theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ: 05/22 người; người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 14/18 người, chiếm 77,8%.

Phường Đạo Long: cán bộ công chức có trình độ chuyên môn: 22/22 người, chiếm 100%; đang theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ: 08/22 người; người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn: 12/16 người, chiếm 75%.



Каталог: chinhquyen -> sonv -> Admin -> cqdp
Admin -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh ninh thuậN Độc lập Tự do Hạnh phúc
Admin -> V/v hướng dẫn xây dựng kế hoạch cchc và báo cáo cchc hàng năm
Admin -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh ninh thuậN Độc lập Tự do Hạnh phúc
cqdp -> SỞ NỘi vụ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
cqdp -> I. Mục đích, yêu cầu: Đánh giá những kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 470/QĐ-ubnd ngày 04/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân
cqdp -> V/v triển khai Quyết định số 897/QĐ-ttg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu

tải về 108.17 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương