SỨ ĐIỆp tình thưƠng của thiên chúa trong tin mừng theo thánh luca



tải về 60.28 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích60.28 Kb.
#30260
SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA

TRONG TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA

Anna Nguyễn Mai Thanh Huyền.
Cuốn sách Tin Mừng thứ ba là một áng văn chương khá đẹp, được Luca trình bày và nối kết các truyền thống và các nguồn văn lại với nhau. Với mục đích viết cho thành phố Antiokia thuộc Syria đa sắc tộc và đa văn hóa vào các năm đầu tiên của 9 thập kỷ của thời đại Kitô giáo, Luca chủ yếu ngỏ với thính giả không phải là Do thái, với những thành phần khá giả, đang đăm chiêu suy nghĩ về các bước tiến công truyền giáo. Vấn đề then chốt của cộng đoàn Luca là vấn đề thần luận. Trong Tin Mừng, Luca phác họa hình ảnh Đức Giêsu như “Đấng Cứu Độ” (2,11) - Ngài là sự diễn tả tình thương sâu đậm của Thiên Chúa cho con người, cách riêng cho những người cùng khổ, “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khổ, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (6,20).

Đức Giêsu thể hiện tình thương của Thiên Chúa dưới muôn ngàn dáng vẻ và cách thức. Đối với riêng tôi, hình ảnh Đức Giêsu là Đấng hoàn thành các lời hứa, Đấng giàu lòng xót thương, khơi dậy niềm vui, bình an trong con người và luôn sống tâm tình cầu nguyện mang nhiều ý nghĩa và có tác động sâu xa hơn cả, là lời mời gọi cho tôi noi gương Ngài trong đời sống thánh hiến.

Luca đã khởi sự đề tài về lòng thành tín của Thiên Chúa ngay khi bắt đầu Tin mừng, khi ông kể các lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn thành trong việc giáng sinh của Đức Giêsu như thế nào (1,5-2,52). Và kết thúc Tin Mừng, Luca kể lại Thiên Chúa hoàn thành các lời hứa khi cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết. Thiên Chúa, Đấng đã không cho Đấng Thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu, phải hư nát (Cv 2,27) sẽ chắc chắn thành tín với các lời hứa của Ngài với những ai theo bước Đức Giêsu từ khắp cõi trái đất để chiếm chỗ của họ tại bàn tiệc thiên quốc với Abraham, Isaac và Giacop.

Ngay trong Lời tựa 1,1 khi viết: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công sọan bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta”, Luca đã nhắm đến mục đích soạn thảo Tin Mừng của mình, không phải để kể lại lịch sử thuần túy, nhưng là kể lại các biến cố được cắt nghĩa như là “đã được thực hiện” bởi Thiên Chúa và đem đến hòan thành nhằm cứu độ nhân loại.

Tường thuật mở đầu từ 1,5-2,52 vẫn được gọi là Tin mừng thời niên thiếu. Tuy nhiên nếu khám phá thật kỹ, chúng ta thấy chỉ có 2,1-40 mới nói về thời niên thiếu của Đức Giêsu, nhưng sự đột phá của 21,5-2,52 nằm ở các lời công bố của sứ thần Gabrien, Đức Maria, ông Giacaria, các thiên thần hiện ra cho mục đồng, ông Simêon và Đức Giêsu ở độ tuổi 12. Bởi vì trong đó âm vang những đề tài lớn về thần học của thánh Luca, cách riêng là sự thành tín của Thiên Chúa dành cho các lời Ngài hứa.

Tường thuật 1,5-2,52 đã khai mào thời đại thiên sai của công bình, việc xảy đến của Ngày của Chúa dành cho sự tha thứ và việc Đức Giêsu trong tư cách là Chúa đi vào Đền thờ. Trước tiên, việc Gioan đến “Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ … chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (1,16-17) đã hoàn thành cho lời tiên tri Ml 3,23-24: “Này Ta sai ngôn sứ Elia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hòang. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt”. Dung mạo của Gabrien nối kết hai cuộc loan báo hạ sinh Gioan và Đức Giêsu lại cùng nhau và mời gọi ta suy nghĩ về ý nghĩa Đức Giêsu sinh ra như là hoàn thành lời tiên tri Đn 9,24-27: đó là sau khi đã hoàn tất 70 tuần (490 ngày) bao gồm 180 ngày Elisabeth mang thai, 270 ngày Đức Maria mang thai và 40 ngày sau, khi Đức Giêsu đuọc đem vào đền thờ, sự cai trị của nền công chính bắt đầu.

Ngoài ra bài ca Magnificat của Đức Maria làm bừng dậy đề tài tán dương Đức Chúa trong việc Ngài hoàn thành lời hứa:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…



Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,

Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

Vì Người nhớ lại lòng thương xót,

dành cho tổ phụ Abraham

và cho con cháu đến muôn đời” (1,46-55).

Những động từ ở thì quá khứ biểu dương sức mạnh, dẹp tan, hạ bệ, nâng cao, ban của đầy dư, đuổi về tay trắng được cắt nghĩa khác nhau: vì không dễ để hiểu được rằng Chúa đã hoàn thành xong tất cả những chuyện trên trong việc cho Đức Giêsu thụ thai, nên tốt hơn ta phải hiểu chúng miêu tả Thiên Chúa như là Đấng hoàn thành các hành động trên và giờ đây đang bắt đầu làm chuyện đó trong việc Đức Giêsu thụ thai. Và cả bài ca chúc tụng của Giacaria cũng thấm đượm hương thần học cho thấy Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử để hoàn thành các lời hứa xưa:

“… Từ dòng dõi trung thần Đavít

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta

như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ

mà phán hứa tự ngàn xưa…” (1,68-79).

Đề tài về lời hứa và sự hoàn thành khai bút diễn tả điều Gabrien đã nói trong 1,32: “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu của tổ tiên Đavít”.

Đấng đã đến để hoàn thành các lời hứa thuở xưa chính là Đức Giêsu, Đấng giáng sinh tại Bethlem, thành phố của Đavit như được loan báo trong Mk 5,1: “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel”.

Việc Đức Giêsu đến để hoàn thành các lời hứa sẽ tuần tự được tỏ lộ trong Tin Mừng của Luca qua các hoạt động, lời nói khác nhau: bài ca ‘An bình ra đi’ của cụ già Simeon(2,29-32), sứ vụ dọn đường của Gioan (3,4-6), Đức Giêsu giảng dạy trong các hội đường (4,16-30)… Cách rõ ràng hơn cả do chính lời Đức Giêsu khẳng định về chân tính của Ngài là Đấng đến để hoàn thành các lời hứa được Luca giới thiệu trong 4,16-30. Sau khi đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…” (4,18-19), Đức Giêsu đã minh nhiên công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Tiếng “hôm nay” nêu lên một đề tài quan trọng của Luca, và không được coi là thời gian lịch sử của Đức Giêsu, đúng hơn nó quy chiếu về hôm nay của thời hoàn thành các lời hứa, nhấn mạnh đến sự thành tín của Thiên Chúa.

Cao điểm của việc hoàn thành các lời hứa được thể hiện trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Ngài đã trung thành đến cùng với sứ vụ thực thi lời hứa, dẫu có sự bất trung và chối bỏ của dân Israel. Những lời tiên báo giờ đây tiến tới hoàn thành, Đức Giêsu chết và sống lại, ơn cứu độ được ban cho nhân loại. Đấng Phục sinh đã trò chuyện với 2 môn đệ trên đường Emmau và đã giải thích toàn bộ mầu nhiệm của Ngài như sự hoàn thành các lời hứa cho các ngôn sứ thưở xưa: “Các anh chẳng hiểu gì cả… Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mosê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách thánh” (24,25-27).

Đức Giêsu lên trời để lại những lời chỉ bảo sau hết, cũng là lời khẳng định về sự thành tín của Thiên Chúa: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Mosê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (24,44).

Đọc lại hành trình của Đức Giêsu và chiêm ngắm sự thành tín của Thiên Chúa đđược thể hiện nơi Ngài, niềm tin của con được kiện cường, vì Chúa sẽ luôn nhìn đến con người Ngài dựng nên. Lòng thành tín của Thiên Chúa kêu mời con diễn tả sự trung tín của mình trong việc chọn lựa theo Chúa, đáp ứng bằng thái độ lắng nghe và thực hành Lời Chúa, như Đức Maria đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (1,38). Mỗi sự kiện, mỗi biến cố lớn nhỏ xảy ra đều chất chứa bên trong kế họach của Thiên Chúa để đem ơn cứu độ cho con người. Điều này thúc đẩy con biết dừng lại, suy nghĩ và khám phá hành động của Thiên Chúa, từ đó con có thể đóng góp phần nhỏ bé của mình để hòan tất kế họach lớn của Ngài.
Đức Giêsu - Đấng đã đến để hoàn thành các lời hứa của Thiên Chúa với cha ông chúng ta thưở xưa, cũng là Đấng gieo rắc bình an và niềm vui qua chính hiệu quả của lời hứa đem lại. Trong Tin Mừng Luca, bầu khí của niềm vui, hân hoan được thể hiện trong cả ngôn từ lẫn hành động, làm cho những tường thuật tóat ra những hương vị khác biệt.

Niềm vui đã khởi sự ngay từ biến cố Gioan Tẩy Giả sinh ra khi sứ thần hiện ra với ông Dacaria: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (1,14), tiếp nối với việc loan báo của sứ thần Gabriel cho Trinh nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (1,28). Niềm vui và bình an trong Tin Mừng Luca phát xuất từ chính ơn cứu độ được mang đến trong Đức Giêsu, và được diễn tả không chỉ trong lời nói mà còn chất chứa trong chính những hành động nữa: “Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bược đầy Thánh Thần” (1,41). Niềm vui được sứ thần loan báo lẫn niềm vui được thốt lên từ người được đón nhận trở thành lợi ca tụng Thiên Chúa, như Đức Maria ca lên trong lời Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa - Đấng cứu độ tôi” (1,46-47).

Đề tài niềm vui và bình an của Luca gắn liền với cuộc dấn thân của Ngôi Hai Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân lọai: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho tòan dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (2,10-11); “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho lòai người Chúa thương” (1,14).

Các thánh sử khác thỉnh thỏang mới đề cập đến niềm vui và bình an, như trong Tin Mừng Marco, ngay cả trong những giây phút hoan hỷ nhất của việc tiến vào thành Giêrusalem (Mc 11,1-11), Marco cũng không quên nói đến đòi hỏi đầy quyết liệt của việc theo Đức Giêsu và sự luận phạt cho những ai chối bỏ Ngài, qua dụ ngôn cây vả bị vả (Mc 11,12-14; 20-26) và việc đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ (Mc 11,15-19). Còn niềm vui và bình an tóat ra trong những trang Tin Mừng của Luca một cách tự nhiên, trong cả những hòan cảnh thông thường như khi các môn đệ đi truyền giáo trở về, Đức Giêsu cùng chia sẻ niềm vui với các ông vì Tin mừng cứu độ đã được loan báo cho mọi người, ánh sáng và ơn cứu độ đã hiện diện giữa lòng trần gian: “Nhóm Bảy Mưới Hai trở về, hớn hở nói: Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con… Đức Giêsu bảo các ông:… Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên Trời” (10,17-20).

Đức Giêsu vui với niềm vui của những người bé mọn, đem bình an khi thực hiện những dấu lạ giữa dân chúng. Khi Đức Giêsu chữa người phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm, “… tòan thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện” (13,17); khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem: “…tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đâu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (19,37-38).

Niềm vui còn được tỏ lộ rõ nét hơn khi người tội lỗi ăn năn hối cải, đó chính là lời công bố của Đức Giêsu và còn được lập đi lại lại sau mỗi dụ ngôn của Ngài: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (15,7.10); “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,32).

Bình an, niềm vui, hy vọng chan chứa trong cuộc đời của Đức Giêsu vẫn còn được tiếp tục kéo dài sau biến cố Phục sinh. Điển hình là trường hợp hai môn đệ trên đường Emmau, nhờ Đức Giêsu phục sinh soi sáng và được đàm đạo với Ngài, nỗi thất vọng của họ đã biến thành niềm vui: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (24,32); các môn đệ không buồn sầu vì cảnh chia ly khi Đức Giêsu về trời, nhưng trở về Giêrusalem trong hân hoan để ngợi khen Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng: “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chfúa” (24,52).

Như vậy Tin mừng cứu độ là chính Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an đích thực cho nhân loại, cho kẻ bé mọn, cho người tội lỗi, cho các môn đệ và cho mọi người. Hạnh phúc cho những ai biết cậy trông nơi tình yêu Thiên Chúa, biết lắng nghe và đón nhận Ngài.

Niềm vui, bình an là những yếu tố dường như không thể thiếu được trong các nhà Salesien, cách đặc biệt trong việc giáo dục những người trẻ. Khám phá dung mạo Đức Giêsu của Luca chan chứa niềm vui, bình an cho chúng ta nhiều gợi ý trong việc sống linh đạo ơn gọi của người Con Đức Mẹ Phù Hộ. Vì người trẻ nói riêng, và con người nói chung, đều ước mơ niềm vui và bình an đích thực, cho nên việc giới thiệu Đức Giêsu như một Đấng Cứu Thế trao ban hạnh phúc chắc chắn sẽ lôi kéo được biết bao tâm hồn tìm đến cùng Ngài. Và để làm được như thế, chính tôi phải là người có cảm nghiệm hạnh phúc nơi Đức Giêsu, cảm nghiệm của bình an, của niềm vui không ai lấy mất được.

Tuy niềm vui, bình an bên ngoài là điều cần thiết để hấp dẫn người trẻ, nhưng sau cùng những nhà giáo dục Salesien phải đưa dẫn họ đến chính nguồn mạch của niềm vui, đó là Đức Giêsu Kitô. Noi gương Đức Giêsu, người môn đệ của Ngài sẽ chiếu giãi ánh sáng của bình an và niềm vui qua cuộc sống đầy chứng tá của tình yêu sẵn sàng hiến trao và phục vụ, của chia sẻ và loan báo Tin mừng.


Một trong những đặc điểm, kiểu cách sống nổi bật của Đức Giêsu mà Luca nêu lên là việc cầu nguyện: Đức Giêsu vừa là con người cầu nguyện vừa là gương mẫu của việc cầu nguyện. Khi viết Tin Mừng, Luca cũng nhắm giới thiệu một bài giáo lý về cầu nguyện cho các Kitô hữu gốc dân ngoại của ông, những người mà kiến thức của họ về Thiên Chúa của Đức Giêsu và về mặc khải Cựu ước còn cần được phát triển, và họ cũng đang cần sự khích lệ bền tâm trong việc cầu nguyện giữa môi trường thù địch. Và ngày nay, khi trào lưu tục hóa đang len lỏi vào trong đời sống tôn giáo, ngay cả trong đời tu nữa thì những tường thuật của Luca về hình ảnh Đức Giêsu cầu nguyện chắc hẳn sẽ đem lại nhiều ý nghĩa.

Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, Ngài thường khởi sự và kết thúc những công việc của Ngài bằng thái độ hồi tâm trở về với Chúa, nhất là trong những hoạt động quan trọng hơn cả.

Sau trình thuật biến cố Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên và chữa lành người phong hủi, danh tiếng Ngài vang dội trong vùng, có rất đông dân chúng đến nghe Ngài giảng và để được chữa lành các bệnh tật thì Đức Giêsu lại tìm về nơi thanh vắng: “Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng, đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện”.

Khi phải tuyển chọn Nhóm Mười Hai làm nền tảng cho Hội Thánh, Đức Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (6,12-13).

Cầu nguyện là môi trường cần thiết cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Ta đọc thấy những biến cố vinh quang của Đức Giêsu gắn liền với những khoảnh khắc Ngài cầu nguyện, như khi Ngài được chính Thiên Chúa giới thiệu tại sông Giođan: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (3,21-22). Biến cố Hiển Dung cũng được thực hiện trong lúc cầu nguyện: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa…” (9,29).

Đức Giêsu cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ, trước khi làm các phép lạ, và trước khi tiên báo biến cố cứu độ. Tâm tình này của Đức Giêsu cho ta thấy Ngài đón nhận mọi sự từ Cha, Ngài cầu xin, chúc tụng, tạ ơn và thờ lạy Cha. Ngài dành 40 đêm ngày trong sa mạc chay tịnh và cầu nguyện để kín múc ơn thánh và nghị lực cho hành trình cứu độ. Khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng, “Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn để để các ông dọn ra cho đám đông” (9,15). Các môn đệ vui mừng trở về sau chuyến truyền giáo đầu tiên, Đức Giêsu đã hân hoan dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì quyền năng Chúa thực hiện điều kỳ diệu nơi những người bé mọn: “… Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (10,21). Đức Giêsu cầu xin cho Phêrô được vững niềm tin: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (22,32), và Ngài còn nài xin ơn tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Bấy giờ, Đức Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (23,34), đồng thời phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa: “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23,46).

Một đặc điểm nổi bật và phân biệt việc cầu nguyện của Đức Giêsu với tất cả các nhóm khác chính là tâm tình của người con đối với Cha trên Trời. Kinh Lạy Cha chính là gia sản riêng Đức Giêsu để lại cho các môn đệ, qua đó Ngài không chỉ dạy các ông cầu nguyện thế nào, nhưng còn dạy các ông sống và hành động ra sao để xứng đáng là con Thiên Chúa, là môn đệ Đức Giêsu Kitô. “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển…” (11,2-4), đó là lời thưa riêng, cá nhân của Ngài đối với Thiên Chúa như là người Cha thân thương chăm lo, quan phòng, thi ân cho con cái của mình.

Và cuối cùng, Đức Giêsu cũng mời gọi phải kiên trì trong việc cầu nguyện, như người gõ cửa nhà bạn lúc nửa đêm (11,5-8), vì “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (11,9).

Đức Giêsu Kitô cầu nguyện và chìm ngập trong Thiên Chúa là một hình ảnh khắc họa biết bao ý nghĩa cho những người môn đệ của Ngài. Dẫu biết rằng một người tu sĩ không thể sống ơn gọi của mình cách sung mãn nếu không liên tục trở về trong kinh nguyện và chiêm niệm, nhưng cũng có nhiều lúc tôi thấy mình bị nhàm chán trong việc đạo đức, thấy khô khan nguội lạnh thiêng liêng và cũng có lúc thấy Chúa vắng bóng trong cuộc đời mình. Tôi ước ao có cùng một tâm tình như Chúa Giêsu, sống với Thiên Chúa trong thái độ thảo hiếu, cầu nguyện như một cuộc thưa chuyện với Cha yêu dấu. Chỉ khi nào tôi cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha yêu thương, tôi mới yêu thích hồi tâm, tìm vào nơi thanh vắng để kín múc sức mạnh cho hoạt động tông đồ, để được Chúa bảo ban, dạy dỗ, lắng nghe và hướng dẫn tôi trên hành trình thực thi sứ mệnh.

Cũng như trời có lúc nắng lúc mưa, cuộc đời cũng có lúc thăng trầm, và ngay cả trong kinh nghiệm nội tâm cũng thế. Tôi được mời gọi trung thành với Chúa trong những bổn phận đạo đức, trong việc cầu nguyện, dù cho có những lúc sẽ không có chút cảm nghiệm nào về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngoài ra là một người Salesien, hoạt động mục vụ rất nhiều, đôi khi còn quá tải nữa, có lúc tôi sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc. Trong những lúc đó, tôi thấy mình cần có một tinh thần cầu nguyện hơn là việc cầu nguyện, để như Don Bosco và Mẹ Mazzarello, tôi vẫn có thể gặp Chúa trong khi làm việc, chiêm niệm đi đôi với hoạt động. Khi ấy, tôi mới có thể trung thành bền vững với đời sống tôi đã đảm nhận.
Một nét thần học nổi bật mà chúng ta không thể không nhắc đến trong Tin Mừng Luca chính là dung mạo của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, được cụ thể hóa trong từng lời nói, hành động và cả con người của Đức Giêsu. Sứ vụ của Ngài ôm ấp lấy hết cả mọi người, chạm đến người cùng khổ, bé nhỏ nghèo hèn và cả những kẻ tội lỗi nữa.

Trước tiên chúng ta nhận thấy lòng Chúa xót thương được thể hiện qua việc thứ tha tội lỗi và phục hồi vai trò làm con, “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (19,10). Đức Giêsu như người mục tử đi tìm con chiên lạc, rồi mừng rỡ vác lên vai mà đem về 15,4-7), như người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được đồng bạc mất (15,8-10) và nhất là như người cha nhân hậu, sẵn sàng để cho người con từ khước mình, đòi chia gia tài và ra đi, nhưng cũng hân hoan đón lại người con đã sa cơ thất thế, tủi nhục, bị khinh chê. Tha thứ chưa đủ, Ngài còn phục hồi địa vị làm con: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,22-24). Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho Phêrô chối Thầy, và vẫn tin tưởng đặt ông làm thủ lãnh Tông đồ đoàn và đá tảng của tòa nhà Hội Thánh (22,31-34). Và tuyệt vời hơn hết là Ngài thứ tha cho những kẻ giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Lòng xót thương làm cho Đức Giêsu quan tâm tới từng con người, Ngài nhìn thấy người phụ nữ còng lưng khi đang giảng dạy trong một hội đường (13,10-12), thấy Gia kêu trên cây dù có rất đông người đang chen lấn và dù Ngài chỉ đi ngang qua thành phố Giêricô (19,1-10), thấy bà góa nghèo dâng cúng hai đồng tiền kẽm và trân trọng phần đóng góp của bà (21,1-4), thấy các môn đệ mệt mỏi sau hành trình truyền giáo cần phải nghỉ ngơi (9,10). Lòng xót thương cho Đức Giêsu cảm nhận cái đói khát, bơ vơ của dân chúng mà chạnh lòng thương “Anh em hãy cho họ ăn” (9,13)… Lòng nhân hậu mang tính cá vị đó khiến người ta dễ dàng cảm nhận được ơn cứu độ dành cho mình.

Lòng nhân hậu của Chúa Giêsu còn được thực hiện qua việc chữa lành và cứu sống. Các phép lạ chữa lành bệnh tật được dàn trải suốt trong Tin Mừng Luca: chữa người bị quỷ ám (4,31-37; 8,26-38), chữa mẹ vợ ông Simon (4,38-39), người phong hủi (5,12-16), người bại liệt (5,17-20), ngay cả cho những người Roma như nô lệ viên đại đội trưởng (7,1-10)… Tin Mừng thuật lại Ngài chữa lành nhiều người đau yếu (4,40; 6,18-19). Bên cạnh đó, Ngài cũng chạnh thương trước nỗi đau của bà góa thành Naim để cứu sống con trai bà (7,11-17), trả lại sự sống cho đứa con gái ông Gia-ia (8,49-54).

Ngài ưu ái đặc biệt những người tội lỗi, chia sẻ chính thân phận của họ qua việc đồng bàn trong các bữa tiệc, mặc cho những lời dèm pha. Ngài dùng bữa tại nhà ông Lêvi, cùng với những kẻ thu thuế và phường tội lỗi (5,29-32). Chúa Giêsu cũng nói rõ về bữa tiệc cánh chung, nơi mọi người đều được tham dự. Ngài dạy người ta khi mời dự tiệc, phải mời những kẻ nghèo khó, bị khinh chê (14,12-14). Trong dụ ngôn người Samaritano (chương 10), Chúa Giêsu cũng thúc đẩy chúng ta trở nên người thân cận với những người gặp nạn, vượt qua luật lệ của Do Thái, để sống luật của đức ái. Ngài đã tự đồng hóa mình với những người tội lỗi qua cuộc tử nạn, gánh lấy tội lỗi và chết như kẻ tội lỗi, bị kết án là kẻ nói phạm thượng.

Đức Giêsu sống và thể hiện lòng nhân hậu trong cuộc đời và Ngài cũng lên tiếng dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, làm ơn cho những kẻ hại mình (6,27-35. 36-38).


Thiên Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca là một Thiên Chúa gần gũi, đồng hành, sẻ chia và nâng dậy. Ngài ở bên cạnh, Ngài hiện diện bên trong tâm hồn của từng người. Tôi thấy yêu Ngài hơn tất cả mọi sự. Tôi ước muốn được sống như Ngài mọi ngày trong suốt cuộc đời tôi.
Каталог: dmdocuments
dmdocuments -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng số: 05/2006/tt-btnmt
dmdocuments -> NỘi dung tuyên truyền về CÔng ưỚc luật biển giới thiệu chung
dmdocuments -> Curriculum vitae
dmdocuments -> UỶ ban dân tộC số: 447/QĐ-ubdt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
dmdocuments -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch số: 17 /2010/tt-bvhttdl cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
dmdocuments -> THÔng báo chuyểN ĐỊA ĐIỂm văn phòng bql dự Án eu
dmdocuments -> Vui học thánh kinh các thánh nam nữ Ngày 1 tháng 11 Tin Mừng thánh Mátthêu 5,1-12a Tin Mừng
dmdocuments -> Vui học thánh kinh chúa nhậT 17 tn c tin mừng : Luca 11,1-13
dmdocuments -> H phiên bản: 0 Ngày lập: 10/11/2010 ƯỚng dẫn sử DỤng phầm mềm gửi nhận sms: easy sms 0

tải về 60.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương