SỞ giáo dục và ĐÀo tạO – HỘi tâm lý giáo dục tỉnh phú YÊN



tải về 1.38 Mb.
trang1/16
Chuyển đổi dữ liệu12.07.2016
Kích1.38 Mb.
#1669
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – HỘI TÂM LÝ GIÁO DỤC

TỈNH PHÚ YÊN

=========================

LỊCH SỬ GIÁO DỤC PHÚ YÊN

1945-2005


CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

ThS. Trần Văn Chương

ThS. Nguyễn Văn Tá

NGƯT. Nguyễn Cách

NGƯT. TS Nguyễn Xuân Đàm

ThS. Lê Nhường

CN. Nguyễn Thị Hoàng Lan
BAN BIÊN SOẠN

NGƯT. TS Nguyễn Xuân Đàm – Chủ biên

NGƯT. Nguyễn Cách

NGƯT. Nguyễn Chu

NGƯT. Trần Ngọc

TS. Nguyễn Văn Thưởng

ThS. Trần Khắc Lễ

ThS. Nguyễn Tấn Hào

ThS. Đoàn Văn Tam

Nguyễn Minh Hào

Lê Văn Học

Phạm Văn Thiện
BAN BIÊN TẬP

ThS. Nguyễn Văn Tá

ThS. Trần Khắc Lễ

NGƯT. TS. Nguyễn Xuân Đàm

TS. Nguyễn Văn Thưởng

(Ảnh Bác Hồ quàng khăn đỏ cho em học sinh)

“Học thức là tài sản lớn nhất của Quốc gia”

Bia Văn Miếu Hà Nội

(1466)

“Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy. Cho nên các Thánh Đế Minh Vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài.”



Bia Văn Miếu Hà Nội

(1470)

“Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước phải trọng dụng người tài.”



Vua Quang Trung và Ngô Thì Nhiệm

Chiếu lập học – 1790

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em!”



Hồ Chí Minh

Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường

Năm học 1945

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp Nhà nước và của toàn dân”



Luật giáo dục

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Năm 1998

LỜI GIỚI THIỆU
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, bằng xương máu và trí tuệ của mình, nhân dân Phú Yên đã viết lên những trang sử vẻ vang của sự nghiệp giáo dục Phú Yên nhất là sau Cách mạng tháng 8 thành công. Cho đến nay, nó đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng tổ quốc ngày nay.

Trước thềm thế kỉ XXI, thế kỷ của sự bùng nổ của khoa học – kỹ thuật, của văn hóa và nhân văn, của sự hội nhập toàn cầu thì việc nhìn lại quá trình hình thành nên người công dân, người chiến sĩ giải phóng đất nước hôm qua, để chuẩn bị cho con người xây dựng tương lai cho đất nước hôm nay là trách nhiệm hết sức nặng nề của ngành giáo dục nói chung và Phú Yên nói riêng.

Việc nghiên cứu tổng kết một cách có hệ thống và dựng lại bức tranh toàn cảnh lịch sử của nền giáo dục cách mạng Phú Yên để góp một trang vào kho tàng lịch sử anh hùng của nhân dân Phú Yên làm hành trang cho thế hệ trẻ là mootj việc làm hết sức quan trọng và cấp bách.

Vì lẽ đó mà Sở Giáo dục đào tạo và Hội khoa học tâm lý giáo dục Phú Yên cùng một số anh chị em cán bộ giáo dục Phú Yên đã nung nấu và có ý định từ lâu, nay được Sở Giáo dục đào tạo Phú Yên cho dự thảo bản đề cương nghiên cứu “Lịch sử giáo dục Phú Yên 1945-1005” được Hội đồng ngành giáo dục thông qua.

Đây là đề tài cấp ngành, do Sở Giáo dục đào tạo quản lý, Hội khoa học tâm lý giáo dục làm chỉ trì. Ban biên tập do Giám đốc Sở Giáo dục ra quyết định thành lập: gồm các đồng chí Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ, Thạc sĩ nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng ty, Phó trưởng ty, Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ. Đây là những nhà trí thức trong cuộc, trải qua suốt ba giai đoạn cách mạng nối tiếp nhau từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ và sau giải phóng, hòa bình, xây dựng CNXH, Khó có một ban biên tập lịch sử nào được như vậy. Họ là những con người đầy tâm huyết và thực tế với công việc cống hiến của mình trong ngành giáo dục, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu, hoàn chỉnh bản thảo, tiến hành nhiều cuộc hội thảo, lấy được nhiều ý kiến tham gia của các nhà giáo lão thành, tiếp cận được nhiều tài liệu quí hiếm, đa dạng về những sự kiện lịch sử của ngành Giáo dục trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và khắc sâu ý nghĩa cao cả, những thành tựu mới của ngành ttrong thời kỳ xây dựng hòa bình.

Tuy phạm vi lịch sử giáo dục Phú Yên viết từ năm 1945 đến năm 2005 nhưng công trình giáo dục Phú Yên vẫn nói đến trước năm 1945 để nối liền mạch tinh thần của truyền thống giáo dục dân tộc với nền giáo dục hiện đại sau Cách mạng tháng 8 là rất cần thiết.

Sau Cách mạng 1945 đến 2005 với 2 giai đoạn lịch sử Cách mạng của dân tộc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công trình đã mô tả đúng sự thật, giáo dục đã xứng đáng là một mặt trận cách mạng kiên cường, góp phần giáo dục, đào tạo những người chiến sĩ anh dũng hy sinh để giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.

Với tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, của Bác Hồ, trong chiến tranh ác liệt vẫn chuẩn bị cho tương lai lâu dài, đã đưa hàng ngàn con em học sinh Phú Yên đi đào tạo ở miền Bắc, mở những lớp bổ túc văn hóa ban đêm cho cán bộ chiến sĩ, mở các trường sư phạm miền núi, đồng bằng ở vùng giải phóng để đào tạo lớp thầy giáo tương lai sau giải phóng. Cộng với sự sẵn sàng c ủa miền Bắc chi việc giáo viên cho miền Nam, cho Phú Yên, giúp Phú Yên đủ sức tiếp nhận một môi trường giáo dục mới sau giải phóng.

Sau khi giải phóng Phú Yên, thống nhất Tổ quốc, đây là giai đoạn phát triển vượt bậc, mạnh mẽ của nền giáo dục đương đại của đất nước, cũng như tinhrbnhaf được sự bổ sung cho nhau về kinh nghiệm, về cơ sở vật chất, về con người. Tỉnh Phú Yên đã xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, sánh vai cùng các tỉnh bạn và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho sau này.

Đây chính là điều Ban biên tập đã cố gắng dựng lên – một bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục Phú Yên trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm với cuộc kháng chiến trường kỳ hy sinh và anh dũng chiến đấu của các thế hệ thầy giáo và học sinh, sức mạnh của nhân dân và trí tuệ của Đảng đã xây dựng nên nền văn hóa dân trí của tỉnh nhà như ngày nay. Chẳng những phần nội dung chính của quyển lịch sử mà các bản phụ lục phía sau cũng đã chứng minh sự sưu tầm công phu và khá đầy đủ để người đọc, người xem hiểu về những vấn đề cụ thể của lịch sử giáo dục Phú Yên.

Ai cũng biết lịch sử diễn ra chỉ một lần, nhưng viết sử phải viết đi viết lại nhiều lần để đảm bảo ngày càng chính xác, khách quan, trung thực và khoa học hơn. Mong rằng Lịch sử giáo dục Phú Yên 1945-2005 được nhiều bạn đọc gần xa, trong ngành, các thầy cô giáo, các cháu học sinh đọc và tham gia bổ sung những điều khiếm khuyết để sau lần tái bản sẽ đầy đủ và phong phú hơn.

Ngày 28 tháng 12 năm 2009
Nguyễn Duy Luân

Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

LỜI NÓI ĐẦU
Tìm về cội nguồn dân tộc, tìm dấu khai nguyên của một miền đất nước là biểu hiện sự trưởng thành của ý thức con người, là yêu cầu của một nền văn hóa ở trình độ phát triển cao, là nguyện vọng thiết tha được nối mạch tinh thần từ hiện tại trở về quá khứ và hướng tới tương lai của mọi lớp người. Chỉ có thể khắc ấn từ những gì có thể tìm thấy được xa nhất trong cuộc biến thiên của trường kỳ lịch sử tồn giữ trong nền văn hóa vật chất và nền văn hóa tinh thần khả dĩ coi đó như là điểm khởi đầu.

Việc viết lịch sử giáo dục Phú Yên là một việc làm rất có ý nghĩa và mang tính cấp thiết. Từ năm 1945 đến năm 2005, 60 năm lịch sử ngành giáo dục là kết quả của một quá trình lao động và chiến đấu anh dũng, vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là một bước vinh quang trong cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc nên không thể không nối mạch nguồn chôn nhau cắt rốn, với việc nuôi dạy của ông bà tổ tiên ta từ những ngày trước cách mạng tháng Tám, không thể không dành những trang kính trọng cho các chí sĩ trong công cuộc tìm con đường duy tân thoát khỏi nền giáo dục đô hộ của phong kiến, thực dân.

Qua hai cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt và mấy mươi năm xây dựng đất nước càng thấy sức mạnh vô địch của nền giáo dục cách mạng đã biến dân tộc ta từ một dân tộc yếu trở thành một dân tộc thông thái, vượt lên đứng vào hàng ngũ những nước tiên tiến trên thế giới. Cần phải khẳng định và đánh giá trong một công trình lịch sử ngành, từ đó rút những bài học kinh nghiệm quí báu về thực hiện quan điểm, đường lối phương châm giáo dục của Đảng, về nội dung phương pháp dạy và học ,về quản lý và phát triển nền giáo dục cách mạng để tiến bước trên con đường mới.

Tiếp bước những người làm công tác giáo dục, thế hệ thầy giáo hôm nay, chúng ta tự vươn lên làm tốt hơn nữa thiên chức “trồng người”, để các em học sinh học giỏi hơn, đạo đức tốt hơn, là người công dân lao động tốt, là chiến sĩ trong công cuộc CNH, HĐH đất nước, giữ vững độc lập toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng tương lai xán lạn trên một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến.

Mang tính khoa học và tính thực tiễn, công trình mong muốn được phản ánh rõ đạo lý, quan điểm truyền thống của dân tộc, của Đảng ta và dựng lại được toàn cảnh quá trình hoạt động thực tiễn của ngành giáo dục, công sức của nhân dân trong công cuộc xây dựng nền giáo dục.

Trong quá trình nghiên cứu, Ban biên tập chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo, Hội khoa học Tâm lý giáo dục Phú Yên và sự giúp đỡ của các bậc lão thành cách mạng, các thầy cô giáo cao niên và cả những người đang đứng trên bục giảng, đang sáng tạo nên lịch sử của ngành, cung cấp nhiều tư liệu, ý kiến quý báu. Trước một kho tàng đồ sộ của những sự kiện, và độ dài của thời gian, sự phong phú của nội dung và mối liên hệ, quan hệ đa dạng với các ngành, các hoạt động khác của toàn xã hội, sự tế nhị của nghệ thuật giáo dục và sự tường minh của các khoa học nhất là khoa học giáo dục, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng gặp không ít khó khăn và khó tránh khỏi thiếu sót.

Công trình lịch sử ngành giáo dục hoàn thành như là một phẩm vật cao khiết dâng lên ngày lễ trọng đại của tỉnh- kỷ niệm 400 Phú Yên hình thành và phát triển.

Ban biên tập chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của quí vị và bạn bè đồng nghiệp gần xa đã chung lòng, góp sức làm nên công trình này và mong nhận được sự chỉ giáo, bổ sung cho công trình hoàn thiện hơn.


TM. Nhóm tác giả
NGƯT.TS. Nguyễn Xuân Đàm

PHẦN MỞ ĐẦU
KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG

VĂN HÓA, GIÁO DỤC PHÚ YÊN



  1. VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI PHÚ YÊN

Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, phía Đông là biển Đông. Phú Yên có con đường Quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt đi ngang qua. Đường Quốc lộ 25, sông Đà Rằng (sông Ba) mở đường cho Tây Nguyên hướng ra biển cả. Đồng bằng Tuy Hòa và Tuy An, tuy không rộng lắm nhưng phì nhiêu màu mỡ được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Với vị trí đặc biệt, địa lý tự nhiên lắm cách trở nhưng cũng nhiều thuận lợi, vừa khắc nghiệt lại vừa trù phú, hữu tình. Từ bao đời, miền đất này đã đóng vai trò chiến lược quan trọng trong trường kỳ phát triển của dân tộc.

Diện tích tự nhiên của Phú Yên là 5.045km2. Theo Niên giám thống kê tỉnh Phú Yên năm 2005, dân số Phú Yên là 861.110 người, trong đó ở thành thị 173.132 người và ở nông thôn là 687.978 người1. Từ rất sớm, vùng đất Phú Yên là nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em, bên cạnh ngư­ời Kinh chiếm đa số (95,5%), là những buôn làng của người đồng bào Chăm (1,9%), Êđê (1,9%), Bana (0,4%). Về sau, có thêm một số đồng bào dân tộc thiểu số khác như Giai rai, Tày, Mường... đến định cư, chủ yếu vùng cao miền núi của tỉnh. Cộng đồng cư dân từ thời tiền sơ sử đến nay đã chung lưng đấu cật, đổ bao mồ hôi, xương máu, lao động trí tuệ để khai sơn phá thạch, xây dựng, bảo vệ và phát triển mảnh đất này.

Trên vùng đất Phú Yên, theo các nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử, họ đã sưu tầm và khai quật được những chiếc rìu, lưỡi cuốc, chiếc bôn bằng đá ở Lãnh Cao (Đồng Xuân), hòn Đồn (Sơn Hòa), hòn Cồ (Sông Hinh), hòn Miếu (Tuy Hòa), Phong Niên (Phú Hòa) đã chứng minh trên đất Phú Yên ngày nay, con người đã từng trải qua từ thời hậu kỳ đồ đá mới.

Sự phát hiện các di tích: Eo Bồng (xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa), Gò Ốc (xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu), Gò Cây Thị (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa), Di tích Cồn Đình (còn gọi là Gò Đình, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu), Gò Bộng Dầu (thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa ngày nay)... bộ đàn đá ở núi Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An), tù và đá ở thôn Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An), trống đồng ở gò Dưa (thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân, huyện Tây Hòa), ở núi Lá (Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa), ở thôn Phú Hòa (Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) chứng tỏ ở đây đã tồn tại một nền văn hóa khoảng thế kỷ thứ II – I TCN tương đương với niên đại của nền văn hóa Sa Huỳnh ở cả các giai đoạn sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ.

Vùng đất Phú Yên là nơi tồn tại nhiều di tích của nền văn hóa Chăm như các giếng Chăm ở Sông Cầu, Tuy An, tháp Chăm ở thành phố Tuy Hòa, hòn Mốc (Hòa Định), thành Lồi (An Ninh Tây), thành Hồ (Hòa Định, Phú Hòa)2

Năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thống lĩnh 26 vạn quân thủy bộ tiến binh chinh phạt Chăm pa, chiếm được thành Chà Bàn (Qui Nhơn), quân Đại Việt đã vượt đèo Cù Mông tiến đến đèo Cả. Tương truyền vua Lê Thánh Tông cho khắc bia trên đá núi để ghi dấu chiến công, và phân định ranh giới Đại Việt ở phía Nam. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn có ghi: “Núi Thạch Bi thuộc tỉnh Phú Yên là nơi phân cư­ơng giới giữa Tiên triều n­ước ta và nước Chiêm Thành”3.

Để ghi công ơn mở đất của tiền nhân, người dân Phú Yên lập miếu thờ tại thôn Long Uyên, huyện Tuy An. Câu đối của Bố chính Đinh Nho Quang đề năm

Tự Đức thứ 37 như sau:

Giang sơn khai thác hà niên, phụ lão tương truyền Hồng Đức sự. Trở đậu hinh hương thử địa, thanh linh trường đối thạch bi cao”

Nghĩa: Non sông mở đất năm nào, phụ lão truyền nhau công Hồng Đức. Lễ kính hương thơm đất ấy, danh thiêng xứng mãi ngọn bi sơn.

Núi Đá bia mang ý nghĩa thiêng liêng của thời kỳ mở đất. Nơi đây đá hóa thành văn và hòa vào di sản văn hóa dân tộc, một di tích vang vọng trang nghiêm như lời căn dặn của chúa Nguyễn Hoàng với con Nguyễn Phúc Nguyên: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”4.

Năm 1578, ng­ười Chăm lại tiến hành việc lấn chiếm, Lư­ơng Văn Chánh đem quân đánh lấy Thành Hồ, xã An Nghiệp, phủ Tuy Hòa. Đến năm 1597, qua nội dung Sắc lệnh của Nguyễn Hoàng5, Lương Văn Chánh với chức quan trấn biên, đã chiêu tập lưu dân từ Thuận Quảng vào Cù Mông, Bà Đài khai khẩn đất đai, thiết lập vùng đất mới - Phú Yên. Việt Sử xứ Đàng Trong ghi rằng: “việc khai khẩn Phú Yên thuở ấy nhờ Lương Văn Chánh một phần lớn. Ông chiêu tập lưu dân, khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Xuân Đài, dời dân đến ở, lại mộ dân vỡ đất làm ruộng ở vùng sông Đà Diễn (Đà Rằng) chia lập thôn, ấp, các nơi ấy càng ngày càng đông đúc”6. Ông Lương Văn Chánh được xem là người có công đầu, là vị thành hoàng đã lập nên vùng đất Phú Yên ngày nay.

Thời gian trôi qua, vùng đất Phú Yên hình thành các quan hệ xã hội, dòng tộc, các thể chế quản lí làng xã dần được ổn định và phát triển. Năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đúc ấn vương lên ngôi Chúa ở Phú Xuân, ban lệnh sửa đổi y phục, quy định triều phục văn võ, đổi mới tổ chức hành chánh, chia Đàng trong làm 12 dinh và 1 trấn. Phú Yên là một trong 12 dinh (dinh như đơn vị cấp tỉnh ngày nay), chính thức trở thành một cộng đồng trong đại gia đình Việt Nam, cùng với nhân dân cả nước chung lưng xây dựng giang san7.

Từ năm 1771, thời kỳ Tây Sơn – thời dấy nghiệp của 3 anh em người nông dân Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa với lời hịch “Tưới dầm khi nắng hạn. Kéo dân cùng ra khỏi chốn lầm than”. Miền tây Phú Yên có dãy núi La Hiên hùng vĩ tiếp giáp với vùng núi An Khê, là một trong những căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn thượng đạo. Nhân dân Phú Yên, cả người Kinh lẫn người Thượng đều rầm rộ hưởng ứng và tham gia phong trào ngay những ngày đầu tiên. Trong hội hùng binh đánh tan 3 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút (1785), và trong cuộc tiến quân thần tốc của đội hình tượng binh, kỵ binh, bộ binh, đạp dãy Trường sơn, ngược đường Thiên lý đánh tan 20 vạn quân Thanh ở trận quyết chiến Ngọc Hồi - Đống Đa chiếm lại thành Thăng Long giữa ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789) giải phóng đất nước, thống nhất giang san của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, trong tuyệt đỉnh vinh quang cuộc bùng nổ lịch sử của nông dân Việt Nam đó có sự đóng góp ít nhiều của nhân dân Phú Yên.

Phú Yên là “nơi đứng mũi chống giặc”, nằm trên lộ trình tiến quân của 2 lực lượng đối đầu giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, nhân dân Phú Yên lại phải chịu đựng biết bao cuộc đọ sức ác liệt tàn khốc, công sức, thuế khóa, lính tráng, lao dịch cho các lực lượng chiếm đóng. Những ngọn núi, dòng sông trên vùng đất Phú Yên đã in dấu biết bao chiến công, biết bao sự tích bi tráng, thấm đẫm máu đào của người dân Phú Yên mà những nhân vật tiêu biểu là danh tướng như Võ Văn Dũng8, như đại tổng quản Tây Sơn văn thao võ lược – tiến sĩ Nguyễn Ký Chiêu9, như danh sĩ Lưu Quốc Hùng, như chúa Thủy Xá – Ma Khương (dân tộc Chăm) và tiêu biểu nhất là mối đoàn kết Kinh – Thượng đã tạo nên sức mạnh của phong trào.

Vào nửa sau thế kỉ XIX (tháng 9-1858) thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Phú Yên đã có nhiều đóng góp cùng với triều đình chống giặc.

Sau sự kiện triều đình thất thủ ở Kinh thành Huế năm 1885, ngày 13 tháng 7 năm 1885 vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi thần dân trong cả nước nổi dậy chống thực dân xâm lược. Cùng với các sĩ phu yêu nước khắp Trung Kỳ từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận, các sĩ phu Phú Yên đã lãnh đạo nhân dân hưởng ứng lời hịch cứu nước một cách rầm rộ. Cuộc khởi nghĩa của Tú tài Lê Thành Phương là tiêu biểu cho phong trào Cần Vương ở Phú Yên.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã gây cho địch nhiều tổn thất, nhưng rồi thất bại cùng bối cảnh chung của phong trào Cần Vương cả nước. Cuộc hưởng ứng Cần Vương cứu nước của nhân dân Phú Yên đã bị thực dân Pháp đàn áp. Thủ lĩnh của phong trào bị bắt, bị kẻ địch dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng Lê Thành Phương đã khẳng khái trước mặt kẻ thù: “ninh thọ tử – bất ninh thọ nhục” (thà chịu chết chứ không sống nhục). Cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử mà niềm ngưỡng mộ cảm thương ngậm ngùi còn mãi với đất nước và con người Phú Yên.



Ô Loan nước lặng như tờ

Thương người chí sĩ dựng cờ Cần vương

Trải bao gối đất màn sương

Một lòng vì nước, nêu gương anh hùng!

Nối tiếp cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương, các cuộc vận động chống Pháp ở Phú Yên liên tục diễn ra như Nguyễn Hào Sự (1890-1892), Võ Trứ và Trần Cao Vân những năm 1898-1900, đã góp phần ngăn cản quá trình bình định của thực dân Pháp trên dải đất miền Trung và cả nước.

Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào duy tân của các sĩ phu yêu nước tiến bộ dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, phong trào vận động chống đồi phong bại tục, mở trường dạy chữ quốc ngữ, cổ động dùng hàng nội hóa, chống cường hào nhũng nhiễu. Cuộc biểu tình của đông đảo nhân dân đòi giảm sưu, giảm thuế ở Phú Yên bắt đầu diễn ra (1906-1908). Những câu vè trong nhân dân địa phương còn lưu truyền, cũng phản ánh điều đó:

Tai nghe Tam tổng đầu thầy



Đồng bào tuyên thệ cúp rày đầu đi.

Ngọ, Mùi mới khởi một khi,

Năm này là chính vậy thì Mậu Thân”10 .

Nơi diễn ra chủ yếu của phong trào đó là ở Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân do nho sĩ Nguyễn Hữu Dực và Lê Văn Hanh lãnh đạo đã làm cho bộ máy Nam triều ở các địa phương trong tỉnh hoảng hốt, thực dân Pháp lo sợ liền có chính sách giảm sưu thuế11 cho nông dân.

Đầu năm 1930, phong trào yêu nước chống Pháp ở Phú Yên phát triển cùng với phong trào chung của cả nước, nhất là sự chuyển biến nhanh chóng của phong trào yêu nước sang khuynh hướng vô sản. Bước ngoặt của cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2-1930) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo cuộc đấu tranh. Phú Yên sau sự kiện đó một thời gian, ngày 5 tháng 10 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư.

Công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bước sang một giai đoạn cách mạng mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chiến lược đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển của thời đại, Đảng cộng sản đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân trong cả nước, khơi dậy ngọn lửa yêu nước, chiến đấu được hun đúc suốt chiều dài của lịch sử vùng lên như đợt sóng trào vĩ đại làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng mùa Thu tháng Tám năm 1945.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, song niềm vui được xây dựng cuộc đời mới trong tự do, độc lập chưa được bao lâu, thì cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Phú Yên lại phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai xâm lược với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Với tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng, toàn dân đoàn kết triệu người như một “thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không gì quý hơn độc lập, tự do” dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975. Với 54 đơn vị xã, huyện, thị và 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang với 14.000 liệt sĩ, 857 bà mẹ Việt Nam anh hùng đã nói lên diện mạo kỳ vĩ, cuộc chiến đấu anh hùng, sự hy sinh vô bờ bến của người dân trên đất Phú Yên này cho những giá trị giành được hôm nay!

Con người Phú Yên chất phác, hiền hòa, dũng cảm và thông minh đã sống, lao động và chiến đấu trong suốt chiều dài lịch sử để bảo vệ và dựng xây quê hương giàu và đẹp xứng đáng với niềm tự hào đứng trong hàng ngũ đại gia đình Việt Nam, điều đó đã được hun đúc nên một nền văn hiến ngàn đời của dân tộc, một nền văn hóa giáo dục đậm đà bản sắc Việt Nam.



Каталог: vanban -> vb thongbao
vanban -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vanban -> Sè: 90/2003/Q§-ub
vanban -> Bch đOÀn tỉnh thanh hóa số: 381 bc/TĐtn-btg đOÀn tncs hồ chí minh
vanban -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 35/2008/NĐ-cp ngàY 25 tháng 03 NĂM 2008
vanban -> BỘ NÔng nghiệP & phát triển nông thôn cục trồng trọt giới Thiệu
vanban -> 10tcn tiêu chuẩn ngành 10tcn 1011 : 2006 giống cà RỐt-quy phạm khảo nghiệm tính khác biệT, TÍnh đỒng nhấT
vanban -> TIÊu chuẩn ngành 10tcn 683 : 2006 giống dưa chuột-quy phạm khảo nghiệM
vanban -> QuyếT ĐỊnh của bộ trưỞng bộ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số 41/2004/QĐ-bnn ngàY 30 tháng 8 NĂM 2004
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương