SỞ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 82.94 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích82.94 Kb.
#9601

UBND TỈNH HẢI DƯƠNG

SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Số: 1611 /BC-SGTVT






Hải Dương, ngày 17 tháng 7 năm 2015


BÁO CÁO

Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012

của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ,

đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông


Kính gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam.


Sở Giao thông vận tải Hải Dương xin báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông theo đề cương kèm theo Văn bản số 3427/TCĐBVN-ATGT ngày 03/7/2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam như sau:

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Hải Dương là tỉnh nằm giữa khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; điểm trung chuyển giữa thành phố cảng Hải Phòng và tỉnh biên giới Quảng Ninh với thủ đô Hà Nội; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là giao thông đường bộ được Chính Phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của khu vực và của tỉnh (toàn tỉnh có gần 13.000Km đường bộ, 274Km sông Trung ương và 122Km sông địa phương, trên 70Km đường sắt; trong đó có nhiều tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 5, QL18, QL37, QL38, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

Tuy nhiên, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh những năm qua còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN


  1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Văn bản chỉ đạo, Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, cụ thể:

- Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 12/6/2013 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2013 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ, Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”;

- Xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 1188/SGTVT-QLGT ngày 19/7/2013 về triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”;

- Trong năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, đã tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 05 Công điện, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã ban hành gần 200 văn bản để triển khai thực hiện.

2. Kết quả thực hiện

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khắc phục ùn tắc giao thông.



a) Tổ chức quán triệt, phổ biến các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Chỉ thị 18-CT/TW; phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên chức đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Đảng uỷ, Lãnh đạo Sở đã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TW; Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 44/CTHĐ-UBATGTQG của Ủy ban ATGT Quốc gia; Quyết định số 620/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải; Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy; Quyết định số 1391/QĐ-UBND của UBND tỉnh tới tất cả các phòng, ban, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên toàn ngành;

- Trên cơ sở Chương trình hành động của Sở, các phòng, ban, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện của phòng, ban, đơn vị mình. Hàng tháng, trong cuộc họp giao ban chuyên môn, các phòng, ban, đơn vị phải báo cáo việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông các bộ, công chức, viên chức và người lao động do mình quản lý;

- Thực hiện nghiêm quy chế cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải Hải Dương không uống rượu, bia vào buổi sáng, buổi trưa được các sở, ban, ngành bạn và các địa phương ghi nhận;

- Quán triệt và tăng cường chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tập trung vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo trì, thanh tra.

b) Tăng cường chỉ đạo chống tiêu cực trong các lĩnh vực: Đào tạo, sát hạch cấp GPLX; quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng công trình giao thông; quản lý hoạt động vận tải, đăng kiểm xe cơ giới; hoạt động thanh tra kiểm tra.

- Trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp GPLX: Tăng cường quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và sát hạch viên. Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông”; thực hiện việc sát hạch lý thuyết trên máy vi tính; kết nối camera trực tiếp để người dân trực tiếp giám sát việc sát hạch cấp giấy phép lái xe; không tuyển dụng giáo viên tại các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch bị chấm dứt hợp đồng vì vi phạm kỷ luật theo thoả thuận đã được ký kết giữa Sở với các cơ sở đào tạo, sát hạch. Thực hiện niêm yết công khai thủ tục nhập học, chương trình đào tạo, học phí theo quy định; không nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính thông qua trung gian.

- Trong lĩnh vực quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng công trình giao thông: Tăng cường quản lý chất lượng, tiến độ các công trình, đẩy mạnh việc thanh tra kiểm nhằm pháp hiện và chấn chỉnh các vi phạm. Riêng trong năm 2014 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra xây dựng cơ bản 15 dự án, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm của Chủ đầu tư và các đơn vị Tư vấn, nhà thầu thi công.

- Trong lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải, đăng kiểm xe cơ giới: Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải; kiểm tra, giám sát xe vận tải khách thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đúng luồng tuyến. Tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không vi phạm các quy định về chất lượng dịch vụ, chở hàng quá tải; đồng thời tổ chức theo dõi và có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệm vi phạm. Trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, bên cạnh việc đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở vật chất, đưa công nghệ vào kiểm tra giám sát, Sở đã quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ quản lý, đăng kiểm viên.

- Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra: Để phòng, chống tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, Sở đã luôn quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, cho cán bộ, công chức, viên chức trong lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (có tổ chức kiểm tra đánh giá từng đợt). Quy định cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ không được mang theo điện thoại cá nhân; không được can thiệp vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng; đặc biệt là trong thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải.

2.2. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Trong những năm qua, Sở luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông:

- Tổ chức tuyên truyền về rượu bia với tai nạn giao thông, kỹ năng đi xe máy an toàn gắn với tập huấn về giao thông nông thông cho tất cả Chủ tịch, cán bộ giao thông 265 xã, phường, thị trấn và gần 1.500 cán bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương thường xuyên có tin, bài tuyên truyền về an toàn giao thông theo chủ đề;

- Phối hợp với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông đến các đoàn viên, hội viên; Đảng ủy Sở đã giao Đoàn Thanh niên tổ chức phát tờ rơi, tham gia hướng dẫn giao thông tại các bến xe, các đầu mối giao thông vào các đợt cao điểm;

- Hàng năm, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền về hành lang an toàn giao thông bằng xe tuyên truyền lưu động;

2.3. Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao chất lượng công trình giao thông, nâng cao năng lực vận tải.

a) Rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án phát triển giao thông đường bộ; tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực vận tải; có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; tập trung thực hiện các dự án trong điểm, ưu tiên các công trình bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, xóa bỏ điểm đen, xử lý điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung thi công đoạn nối nút giao lập thể ngã Ba Hàng với QL37 nhằm giải quyết ùn tắc tại ngã ba Tiền Trung - QL5; triển khai dự án xây dựng đường 62m kéo dài (giai đoạn 2) theo hình thức BT; triển khai dự án trục Bắc - Nam; cầu Hàn …

- Sở đã lập và trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố quy hoạch chi tiết các bến xe khách trên địa bàn tỉnh; quy hoạch điểm đấu nối với các quốc lộ trên địa bàn tỉnh; quy hoạch vận tải hành khách theo tuyến cố định giai đoạn 2014-2020; trình UBND tỉnh về hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư thay thế xe mới để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng;

- Lập, trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư đường gom đường sắt đoạn nối nút giao lập thể với đường tỉnh 390B; đường tỉnh 389B đoạn từ cầu An Lưu 2 đến đường tỉnh 389; đường tỉnh 398B đoạn Km8 - Km9+500;

- Tổ chức kiểm tra, có phương án xử lý kịp thời các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ do Sở quản lý. Kiến nghị Tổng cục Đường bộ xem xét, giải quyết đối với vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến Quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ I quản lý.

b) Tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATGTĐB theo Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 và Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục triển khai Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 và Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2004-2020. Hiện nay, Sở đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

- Hàng năm, Sở đã xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT đường bộ ở cả 12/12 huyện, thị xã, thành phố; tất cả các trường hợp vi phạm về đấu nối với đường tỉnh, quốc lộ ủy thác đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2013 đến nay, Sở đã phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ ủy thác. Kết quả đã tháo dỡ 14.366,25m2 nhà tạm; 31.700m2 lều quán; 50.431,47m2 mái che, mái vẩy; 5536 biển quảng cáo các loại; 21.937m2 tường rào; 11.869 cây cối các loại; thu dọn 3.855m3 các vật liệu khác; phát hiện và ngăn chặn 1.355 trường hợp phạm hành lang ATGT.

c) Đẩy mạnh kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác để tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ.

Việc thực hiện quyết liệt kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ đã có tác động tích cực đến vận tải đường sắt và đường thủy nội địa. Trên địa bàn tỉnh đối với hàng hóa như vật liệu xây dựng, sắt thép và hàng nông sản như ngô, gạo đã có bước chuyển mạnh từ vận bằng đường bộ sang kết hợp giữa vận tải đường thủy và đường bộ. Trên Quốc lộ 5, do hạn chế về năng lực vận tải đường sắt nên phương tiện vận tải đường bộ vẫn được sử dụng là chủ yếu và do tăng cường kiểm soát tải trọng xe dẫn đến lưu lượng gia tăng tạo sức ép về an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ này.



đ) Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng và thúc đẩy tiến độ các dự án công trình đường bộ xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công tác quản lý bảo trì đường bộ đang khai thác.

- Đối với các công trình do Sở làm chủ đầu tư, tổ chức quản lý chặt chẽ ngay từ khâu khảo sát thiết kế, thẩm định, tổ chức lựa chọn nhà thầu và thi công xây dựng. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng, tiến độ. Đối với các công trình do các chủ đầu tư khác quản lý, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh những vi phạm về chất lượng, tiến độ.

- Chủ trì tổ chức công tác GPMB, thỏa thuận thiết kế, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông các dự án do trung ương đầu tư như: Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Cất - QL38B, cầu Dốc - QL38; cầu Tràng Thưa, cầu Neo; dự án BOT cải tạo nâng cấp QL38, QL18...

2.4. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.



a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về trật tự an toàn giao thông đường bộ phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là quy định về cải cách TTHC, quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chất lượng công trình giao thông đường bộ.

- Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật, đề án nhằm tăng cường quản lý và đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải như: Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quy định sử dụng tạm thời phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông; Quy định tiêu chuẩn nâng cấp đường bộ trên địa bàn tỉnh, Đề án phát triển giao thông nông thôn; Đề án phát triển dịch vụ vận tải.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, từ năm 2013 Sở GTVT Hải Dương đã tiết giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" với tiêu chí: Nhanh chóng, chính xác, kịp thời; giữ mối liên hệ tốt, không gây phiền hà với cơ quan, đơn vị và công dân. Giải đáp kịp thời các ý kiến phản ánh của tổ chức và công dân.

- Nghiêm túc thực hiện và chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức cơ quan; tiếp tục duy trì làm việc ngày thứ 7 đối với các bộ phận cấp, đổi các loại giấy phép, giấy chứng nhận…phục vụ nhu cầu của nhân dân.

- Ban hành và thực hiện quy chế văn hóa giao tiếp, ứng xử cán bộ, công chức, viên chức; theo phương châm 4 xin “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn” và 4 luôn “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”.

b) Tăng cường công tác tổ chức giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

- Sở được giao quản lý 327Km đường tỉnh và 84Km đường quốc lộ ủy thác. Đến nay, trên hệ thống đường tỉnh đã lắp đặt đầy đủ biển báo theo quy định, cột Km và cột H được dán màng phản quang tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại; trên quốc lộ ủy thác đang thực hiện thay thế, lắp đặt bổ sung biển báo theo đúng tiêu chuẩn quy định (đã thực hiện thay thế, lắp đặt 2.526 biển báo các loại theo Quy chuẩn 41; 325 cột Km và 1584 cột H được bọc dán màng phản quang). Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hàng tháng Sở phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra điều kiện hạ tầng và có kiến nghị tăng cường biện pháp bảo an toàn giao thông tại các điểm xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

- Duy trì trực 100% quân số bảo đảm giao thông khi có bão, lũ. Tại các vị trí cầu hẹp, phối hợp với chính quyền các địa phương cử người hướng dẫn giao thông vào thời gian cao điểm để tránh ùn tắc.

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả đạt được

- Tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế;

- Công tác bảo đảm dảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện;

- Công tác xây dựng và quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường về chất lượng và an toàn giao thông;

- Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được đổi mới cả về nội dung, hình thức;

- Công tác quản lý hành lang an toàn giao thông được quan tâm và chỉ đạo thực hiện thường xuyên;

- Công tác quản lý vận tải, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp GPLX; đăng ký, đăng kiểm được quản lý chặt chẽ, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

- Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh; đặc biệt trong hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.



2. Khó khăn vướng mắc và tồn tại

- Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn chủ yếu tập trung vào Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải.

- Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ ngày càng tăng và diễn biến phức tạp như: Xây dựng công trình nhà ở, lều quán, đấu nối trái phép; lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang bảo vệ công trình giao thông là biểu hiện của việc coi thường kỷ cương pháp luật, gây mất trật tự xã hội... chưa được xử lý kiên quyết, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông đã được tăng cường và đổi mới nhưng có thời điểm chưa thực hiện thường xuyên liên tục.

- Nguồn vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu, công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Công tác giải toả hành lang an toàn giao thông chính quyền cấp xã có nơi còn buông lỏng chưa kiên quyết xử lý ngay từ khi vi phạm dẫn đến phải tổ chức cưỡng chế giải toả mất nhiều thời gian, tốn kém kinh phí. Việc quản lý hành lang an toàn giao thông sau giải toả của chính quyền cấp xã cũng chưa được chú trọng, nhiều trường hợp đã giải toả tái lấn chiếm nhiều lần, kỷ cương, pháp luật không được thực thi nghiêm.

- Việc quy hoạch, xây dựng các điểm đỗ xe chưa được cấp huyện quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều tuyến đường các phương tiện ôtô, xe máy chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe trái phép gây cản trở và mất an toàn giao thông.

- Trên địa bàn còn nhiều điểm giao cắt đường bộ với đường sắt chưa được ngành đường sắt bố trí rào chắn, đường gom tiềm ẩn tai nạn giao thông.

- Các cơ sở, doanh nghiệp vận tải còn hạn chế về quy mô, năng lực quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Các doanh nghiệp cổ phần, HTX, Công ty TNHH phó mặc cho lái xe, không quan tâm đến điều hành, quản lý dẫn đến lái xe vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải. Việc quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp chưa tốt, bộ phận quản lý, điều hành vận tải chưa thường xuyên kiểm tra, xem xét hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình hoặc không biết khai thác lợi ích của thiết bị giám sát hành trình đem lại;

- Công tác quản lý vận tải hàng hóa mặc dù đã có sự kiểm tra, xử lý mạnh của các cơ quan chức năng tuy nhiên xe vận tải hàng hóa quá tải vẫn lén lút hoạt động trên các tuyến đường;

- Còn tồn tại một số phương tiện vận tải thủy không đăng ký, đăng kiểm;

IV. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hải Dương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo; đồng thời chủ động thực hiện các nhiệm vụ sau:



1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến các địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT:

- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 12/6/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1391/QĐ-UBND ngày 01/7/2013 của UBND tỉnh;

- Sau Đại hội Đảng cơ sở và kiện toàn xong Bí thư Chi bộ thôn, khu dân cư, tổ chức quán triệt các Chỉ đạo của Đảng về công tác TTATGT và tập huấn ATGT, văn hóa giao thông cho các Bí thư thôn, khu dân cư khóa mới.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông:

- Huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật TTATGT; tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, từ xã phường đến thôn bản; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh xã, phường.

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trong các doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện.

- Khẩu hiệu tuyên truyền: “ATGT - trách nhiệm của mỗi người”; “Không chở quá tải, quá số người quy định”; “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “Đã uống rượu, bia không lái xe”; “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy”; “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”; “Dừng lại quan sát trước khi qua đường”; “Chấp hành quy định an toàn khi đi đò”; “nghiêm túc chấp hành quy định về tốc độ”.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.



3. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; trong đó tập trung vào quản lý các doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm soát chặt chẽ công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm ATGT của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác và quá trình thi công nâng cấp, bảo trì và giải tỏa hành lang ATGT:

- Hoàn thiện các Văn bản quy phạm pháp luật, các Đề án liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT;

- Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác bảo đảm TTATGT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương;

- Tăng cường công tác cưỡng chế vi phạm TTATGT, tập trung vào cưỡng chế, kiểm soát tải trọng xe, cương quyết xử lý các phương tiện chở quá tải trọng cho phép; đồng thời tập trung vào các lỗi là nguyên nhân làm tăng TNGT và ùn tắc giao thông như: vi phạm về quy định tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường làn đường, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe trái quy định tập trung vào đối tượng lái xe khách, xe tải nặng, xe container, phương tiện thủy không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, thiếu dụng cụ cứu sinh…;

- Tổ chức phối hợp các lực lượng thực hiện biện pháp phòng, chống đua xe trái phép. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe, tụ tập gây mất TTATGT, chống người thi hành công vụ;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đổi mới phương thức đào tạo giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, kiểm soát chặt chẽ quy trình sát hạch, cấp, đổi Giấy phép lái xe; tập trung đào tạo, đào tạo lại giáo viên dạy lái xe; kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, kiên quyết đình chỉ các cơ sở, các doanh nghiệp vi phạm quy định, quy trình hoạt động, tùy theo mức độ sai phạm xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về TTATGT, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm;

- Nâng cao chất lượng nguồn lực, đổi mới quy trình thực hiện, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung vào quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm ATGT của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác và trong quá trình thi công nâng cấp, bảo trì, sửa chữa và tiếp tục giải tỏa hành lang ATGT;

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải phục vụ công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm TTATGT;



4. Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, hành vi chở quá tải trọng phương tiện trong vận tải hàng hóa. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ:

- Thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT; tập trung vào các lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, như: tuần tra xử lý vi phạm; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp, đổi Giấy phép lái xe; điều tra, giải quyết TNGT, cấp giấy phép vận tải. Điều chuyển công tác những cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm quy trình nghiệp vụ, nội quy, quy chế của ngành và của cơ quan;

- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, chiến sỹ, nhất là trong các lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, hoạt động vận tải, quản lý giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ. Có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân mắc khuyết điểm trong công tác này;

- Tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, quy trình công tác, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng bảo đảm TTATGT.

Sở Giao thông vận tải Hải Dương xin Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông./.


Nơi nhận:

- Như trên;



- Giám đốc Sở; (Email)

- Các Phó GĐ Sở;

- Website Sở;

- L­ưu: VT, Bôn 03b (7039).



GIÁM ĐỐC

(Đã ký)


Lê Đình Long







tải về 82.94 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương