Số 722 QĐ/tu đẢng cộng sản việt nam



tải về 57.12 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích57.12 Kb.
#24975


TỈNH ỦY VĨNH PHÚC

*

Số 722 - QĐ/TU



ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Vĩnh Yên, ngày 27 tháng 3 năm 2012



QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản

Căn cứ Quyết định số 155-QĐ/TW, ngày 23/4/2008 của Ban Bí thư Trung ương Ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí;

Căn cứ Quyết định số 283-QĐ/TW, ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư Trung ương Ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản;

Căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 14/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản.

BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản.

Điều 2. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.



 


T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ

(Đã ký)

Nguyễn Thế Trường


QUY ĐỊNH

Về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền

thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền trong công tác

chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản

(Ban hành kèm theo Quyết định số 722-QĐ/TU ngày 27 tháng 3 năm 2012

của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

 

Điều 1. Quy định chung

a) Nguyên tắc phối hợp

- Phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các ban Đảng và Văn Phòng Tỉnh ủy (gọi tắt là các ban Đảng), các cơ quan báo chí, các sở, ngành, đoàn thể theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia.

- Phối hợp theo yêu cầu đẩy mạnh thông tin hai chiều, cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tạo điều kiện để các bên tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của từng đơn vị (sở, ban, ngành, đoàn thể); góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản.

b) Giải thích một số từ ngữ sử dụng trong Quy định

- “Báo chí” là tên gọi chung đối với các loại hình báo chí gồm báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử.

- “Cơ quan chỉ đạo báo chí” là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cơ quan giúp Tỉnh ủy chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin báo chí của tỉnh.

- “Cơ quan quản lý báo chí, xuất bản” là Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản.

- “Cơ quan chủ quản báo chí” là cơ quan đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.

- “Lãnh đạo cơ quan báo chí” là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Giám đốc, Phó Giám đốc cơ quan báo chí.

Điều 2. Phối hợp trong công tác tham mưu

1- Tham mưu xây dựng chỉ thị, nghị quyết, định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác báo chí, xuất bản:

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các ban Đảng của Tỉnh ủy; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các cơ quan báo chí.

- Nội dung: Tham mưu xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy về định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; định hướng phát triển báo chí; công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, công tác xây dựng Đảng; công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản

2- Tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí, xuất bản.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ban Đảng của Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí.

- Nội dung: Tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách về báo chí, xuất bản; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí, xuất bản; kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chế độ thông tin, báo cáo

Chậm nhất vào ngày 30 hằng tháng:

- Cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, các cơ quan báo chí, xuất bản gửi báo cáo kết quả hoạt động tháng trước về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh gửi thông báo tóm tắt kết quả hoạt động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và những định hướng chính cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông.

Điều 4. Tổ chức giao ban báo chí định kỳ hằng tháng (hoặc đột xuất khi có nội dung quan trọng, phức tạp)

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí; có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, văn phòng đại diện cơ quan báo chí, phóng viên báo chí thường trú tại tỉnh và một số sở, ngành có nội dung cần tập trung thông tin, định hướng tuyên truyền.

- Nội dung:

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nhận xét, đánh giá khái quát công tác thông tin, tuyên truyền; tình hình và định hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin của báo chí và trong hoạt động xuất bản; lưu ý những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong công tác thông tin, tuyên truyền và trong nội dung xuất bản phẩm; cung cấp thông tin về tình hình báo Trung ương, báo Ngành viết về Vĩnh Phúc, tình hình dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông nhận xét, đánh giá nội dung thông tin trên báo, đài, xuất bản phẩm dưới góc độ quản lý nhà nước; lưu ý, nhắc nhở, xử lý các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí.

Hội Nhà báo tỉnh báo cáo hoạt động nổi bật của Hội; công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; phê bình, xử lý những sai phạm của tổ chức Hội và hội viên.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị theo yêu cầu cụ thể, báo cáo một số vấn đề liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí nêu ý kiến để trao đổi, thảo luận; kiến nghị, đề xuất.

Lãnh đạo cơ quan chủ trì kết luận. Sau cuộc giao ban có báo cáo nội dung, kết quả đến Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng thời gửi cho các cơ quan liên quan.

Điều 5. Phối hợp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan báo chí (Theo Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và Quyết định số 155-QĐ/TU, ngày 23/8/2008 của Ban Bí thư về Ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí ).

Trường hợp bổ bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm công văn, hồ sơ hiệp y với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, sau đó Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Điều 6. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì khảo sát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xây dựng và thẩm định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản và cơ quan báo chí.

Cơ quan phối hợp: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Hội Nhà báo tỉnh, Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan báo chí.

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí.

Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Hội Nhà báo tỉnh, Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan báo chí.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì khảo sát, lập kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách về báo chí, xuất bản cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản.

Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí.

- Hội Nhà báo tỉnh có nhiệm vụ bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên.

Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan báo chí.

Điều 7. Đề nghị cấp phép, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động báo chí, nhà xuất bản

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Nội dung:

+ Cấp phép hoạt động báo chí, nhà xuất bản:

Cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản (cơ quan báo chí, nhà xuất bản) làm công văn, tờ trình, hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động báo chí, nhà xuất bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sở Thông tin và Truyền thông xem xét các tiêu chuẩn cấp phép hoạt động báo chí, nhà xuất bản theo quy định của pháp luật, gửi công văn hiệp y với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xem xét, thống nhất bằng văn bản với Sở Thông tin và Truyền thông. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau, lãnh đạo hai cơ quan trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản. Trên cơ sở thống nhất giữa hai cơ quan, Sở Thông tin và Truyền thông có công văn trả lời cơ quan xin cấp phép, sau đó gửi hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.

+ Đề nghị thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động báo chí, xuất bản

Căn cứ mức độ sai phạm của cơ quan báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, Sở Thông tin và Truyền thông tham khảo ý kiến của cơ quan chủ quản báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo tỉnh, sau đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động báo chí, xuất bản.



Điều 8. Đề nghị cấp hoặc thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên hội nhà báo

Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (hoặc thu hồi) thẻ nhà báo của phóng viên báo chí tại địa phương theo quy định.

Hội Nhà báo tỉnh xem xét, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cấp (hoặc thu hồi) thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.



Trong trường hợp có vấn đề cần trao đổi, thống nhất, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tham khảo ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan để xem xét, quyết định.

Điều 9. Phối hợp trong việc phát hiện và xử lý báo chí, xuất bản phẩm vi phạm pháp luật, quy định của Đảng và Nhà nước về nội dung chính trị, tư tưởng

1- Phối hợp trong việc phát hiện và xử lý báo chí, xuất bản phẩm vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về nội dung chính trị, tư tưởng

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.



- Nội dung: Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

2- Phối hợp trong việc phát hiện và xử lý báo chí, xuất bản phẩm vi phạm pháp luật về báo chí, xuất bản

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.



- Nội dung: Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Điều 10. Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; cơ quan báo chí về việc thi hành Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng trong hoạt động báo chí

- Cơ quan chủ trì : Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan.

- Nội dung: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên về việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản và cơ quan báo chí. Phát hiện kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; đồng thời nhắc nhở, xử lý kỷ luật những tổ chức đảng và đảng viên chấp hành không nghiêm hoặc vi phạm kỷ luật Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thông báo cho các cơ quan phối hợp biết về kết quả kiểm tra.



Điều 11. Quản lý tài chính trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan.

- Nội dung: Hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện công tác quản lý tài chính theo quy định của Trung ương; kiểm tra, thanh tra công tác quản lý tài chính, nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan báo chí.

Điều 12. Tổ chức giải báo chí và Hội Báo Xuân cấp tỉnh hằng năm

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí và địa phương, đơn vị liên quan.

- Nội dung: Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức Giải Báo chí cấp tỉnh (nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9) và Hội Báo Xuân (nhân dịp Tết Nguyên đán).

Điều 13. Quy định về quan hệ và lề lối làm việc

- Định kỳ hằng năm (hoặc họp đột xuất khi có nội dung quan trọng, cấp bách), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan họp đánh giá, nhận xét việc thực hiện Quy định. Sau cuộc họp, có thông báo về nội dung, kết quả; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản cho thời gian tiếp theo. Thông báo được gửi cho tất cả các cơ quan tham gia.

- Các vấn đề cần trao đổi để đi đến thống nhất, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời hạn không quá 15 ngày (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), nếu không thể trả lời đúng thời hạn thì có công văn phúc đáp, nêu rõ lý do, đề xuất ý kiến. Những trường hợp cần thống nhất ý kiến xử lý nhanh, lãnh đạo các cơ quan tham gia thực hiện Quy định này có thể trao đổi trực tiếp hoặc bằng hình thức thông tin phù hợp nhưng sau đó phải văn bản hóa để lưu trữ.

- Các cơ quan tham gia thực hiện Quy định này có chế độ thông tin, trao đổi, thông báo kịp thời các vấn đề cần phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản.



- Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan phản ánh kịp thời về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

 



tải về 57.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương