Số: 28 /vhtt-bc hội An, ngày 4 tháng 4 năm 2016



tải về 242.34 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu19.09.2016
Kích242.34 Kb.
#32245
  1   2   3   4
UBND THÀNH PHỐ HỘI AN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 28 /VHTT-BC Hội An, ngày 4 tháng 4 năm 2016

TỔNG HỢP

Thông tin Hội An trên báo chí từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 2016

Từ ngày 28/3 đến ngày 3/4/2016 các báo đã có hơn 20 tin bài viết về Hội An, được Ban Biên tập tổng hợp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Thành phố Hội An – Website www.hoian.gov.vn (mục Hội An qua báo chí), sau đây là một số tin, bài nổi bật:

1. CHÍNH TRỊ - THỜI LUẬN:

* Báo Tiền Phong ngày 30/3/2016 có bài viết: NHÀ BÁO MỸ ĐỀ XUẤT DÙNG MẠNG XÃ HỘI CỨU BIỂN ĐÔNG. Trong bài báo này đề cập rất nhiều đến mô hình quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An:

Trung Quốc không có quyền phá hủy các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân ven biển trên biển Đông”, James Borton, cựu phóng viên quốc tế báo Mỹ The Washington Times, khẳng định. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông đề nghị thực hiện một chiến dịch mạng xã hội mà ông tạm lấy tên là “Cứu biển Đông”.



Bài 1: Trung Quốc hủy hoại môi trường biển

Trung Quốc đã và đang gây tổn hại không thể phục hồi đối với đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái nhiều khu vực thuộc biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa.



Biển Đông - Ngư trường truyền thống của Việt Nam

Tại sao ông quan tâm môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là biển Đông?

Tôi có duyên nợ với sông nước từ lâu, từng là thủy thủ và làm nhiều việc trên đại dương. Đại dương của chúng ta đang bị tấn công bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết El Nino, nước biển dâng, acid hóa đại dương và cơn thèm khát cá của thế giới. Tiếp cận nguồn cá rất quan trọng, không chỉ đối với ngư dân Việt Nam mà còn đối với các quốc gia ven biển.

Biển Đông là huyết mạch thương mại của quốc gia và là một trong những vùng dồi dào cá nhất thế giới. Nó luôn là ngư trường truyền thống của Việt Nam, nếu không muốn nói là ngư trường do tổ tiên để lại. Tương lai sẽ xác định tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam nếu thế hệ trẻ hiện nay không thực hiện các bước theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển đang suy giảm.

Chính xác những vấn đề môi trường ở biển Đông là gì?

Các hoạt động nạo vét của Trung Quốc ở Trường Sa ảnh hưởng đáng kể môi trường biển trong khu vực. Đa dạng sinh học rộng lớn ở quần đảo Trường Sa đang bị tấn công và Trung Quốc đang gây thiệt hại không thể đảo ngược và lan rộng đến đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

Quan điểm này được các nhà khoa học môi trường hàng đầu ủng hộ, bao gồm TS Nguyễn Chu Hồi (ĐH Quốc gia Hà Nội) của Việt Nam và những người khác. Nguy hiểm đang gia tăng khi các tuyên bố về chủ quyền đối lập nhau nóng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta cần rất rõ ràng rằng, Trung Quốc không có quyền phá hủy các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân ven biển trên biển Đông.

Trung Quốc cưỡng đoạt biển Đông

Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc gây nguy hại như thế nào?

Việc người Trung Quốc bồi đắp các bãi đá bằng cách đào cát từ các rạn san hô gần đó đã làm đảo lộn hệ sinh thái biển của khu vực, phá hủy hoàn toàn các rạn san hô được hình thành, trong đó có một số rạn san hô hàng trăm năm tuổi. Và trong quá trình đó, họ đã phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển.

Có nhiều vấn đề ngày càng trở nên bức xúc liên quan các đảo san hô, các dàn khoan dầu, vùng đặc quyền kinh tế, tự do hàng hải, giám sát quân sự, các nguồn tài nguyên khí đốt và dầu mỏ rộng lớn chưa được thăm dò. Tiếp cận các ngư trường không thể bị xem nhẹ, dù nảy sinh bất cứ vấn đề mới nào nêu trên. Bảo vệ môi trường sinh thái biển là một vấn đề lớn ở biển Đông và vấn đề này cần trở thành mối quan tâm tầm quốc gia.

Vấn đề an ninh lương thực liên quan thế nào đến biển Đông?

Trong khi Trung Quốc tuyên bố là “cùng thuyền” với các quốc gia ven biển khác, các hành động đặc biệt mang tính cưỡng đoạt trên biển Đông bằng các tàu đánh cá vỏ thép lớn và quấy rối các tàu đánh cá bằng gỗ truyền thống của Việt Nam đã dẫn đến một cuộc chạy đua đánh bắt làm cạn kiệt các loài cá còn lại. Kể từ những năm 1960, số lượng loài cá ở biển Đông đã giảm rõ rệt từ 487 xuống còn 238.

Hoạt động đánh bắt quá mức và không bền vững, cũng như ô nhiễm từ đất liền, phá hủy các rạn san hô và các yếu tố khác, đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm của ngành thủy sản. Các nhà khoa học biển bày tỏ mối lo ngại đối với các loài san hô mềm, cá heo Spinner (đôi khi được gọi là cá heo mũi dài), rùa biển và cá mú. Đánh bắt quá mức vẫn là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết ở biển Đông, vì Trung Quốc khuyến khích ngư dân và tàu chế biến cá khổng lồ của họ đánh cá ở những vùng biển tranh chấp.

Cù Lao Chàm - Một mô hình bảo vệ biển Đông

Gần đây ông đến Cù Lao Chàm. Xin cho biết vì sao ông đến đó?

Tôi được TS Chu Mạnh Trinh (Phó phòng Kỹ thuật Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) mời, người đi cùng tôi đến Cù Lao Chàm. Trong 11 năm qua, nhà khoa học biển 53 tuổi còn đầy nhiệt huyết và đam mê đại dương đã vượt qua 20 km trên biển từ cảng Cửa Đại (Hội An) để đảm bảo sự thành công của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và để bảo tồn thiên đường này. Lần đầu tiên ông ấy đến đảo, túi nylon, rác rưởi và xác động vật biển vứt bừa bãi trên đảo. 

Tôi nhận ra rằng ông ấy đã bắt tay vào một nhiệm vụ lâu dài nhằm nâng cao nhận thức về môi trường của dân địa phương và làm tăng sức hấp dẫn của hòn đảo với khách du lịch. Bất cứ nơi nào trên đảo chúng tôi đến, bà con địa phương cũng chào đón ông nhiệt tình như một “giáo sư” không những để thể hiện sự tôn trọng mà còn như thể ông là một phần của gia đình họ. Từ bắt cua đến bắt cá, ông Trinh đã cung cấp một bản đồ đi biển cho tương lai của họ bằng cách giáo dục họ về bảo tồn và hành nghề một cách bền vững.



Ông nghĩ gì về khu bảo tồn biển này?

Việt Nam đã quy hoạch và phê duyệt các khu bảo tồn biển. Trong khi nhiều khu bảo tồn biển đã thất bại hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu quản lý, tôi được trực tiếp chứng kiến mô hình du lịch sinh thái thành công này, phơi lộ cả một cầu vồng của cuộc sống nhiệt đới ẩn nấp giữa những loài san hô cứng và mềm. Trên hòn đảo hoang sơ này, đến bằng tàu nhanh từ bến cảng Hội An trong 25 phút, tôi đã gặp gỡ các ngư dân địa phương, những người hiểu và đã bảo tồn cá và đánh bắt một cách bền vững. 

Tất cả cư dân sống trên đảo đều biết rằng, biển Đông và vùng ven biển bảo hộ, bảo đảm cho cuộc sống của họ. Tôi nhớ những gì tôi đọc trong cuốn “Đời sống Đại dương” (The Ocean Life) của nhà sinh học biển Callum Roberts: “Điều cần thiết cho cuộc sống đại dương và cho chính chúng ta là chúng ta phải thay đổi từ sử dụng tài nguyên thành chở che và nuôi dưỡng chúng”.

Ông James Borton đang viết cuốn sách “Thông điệp từ biển Đông” về ngư trường do tổ tiên để lại của Việt Nam, về những thợ đóng tàu và ngư dân. Vừa qua, ông đến Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

* Ngày 31/3/2016 Báo Tiền Phong tiếp tục bài viết: NHÀ BÁO MỸ ĐỀ XUẤT DÙNG MẠNG XÃ HỘI CỨU BIỂN ĐÔNG – BÀI CUỐI – CHIẾN DỊCH “ CỨU BIỂN ĐÔNG”

Hãy bắt đầu một chiến dịch bảo tồn và gìn giữ biển Đông ngay từ bây giờ”, ông James Borton, thành viên quốc gia Câu lạc bộ Nhà thám hiểm (nơi hội tụ các chuyên gia đa ngành quốc tế có trụ sở ở Mỹ), đề xuất.



Ông ấn tượng gì về cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm?

Khi nói chuyện với một ngư dân người Kinh 60 tuổi tên là Nguyễn Quí Hiền về văn hóa tín ngưỡng của họ liên quan bảo vệ cá voi, tôi hiểu rõ hơn những giới hạn, hiểu rõ hơn về “trí tuệ xanh” (blue mind - thanh thản, yên bình, hòa hợp, cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn với cuộc sống). Trong một cộng đồng sống dựa vào nước, hằng ngày, người ta sống hòa hợp với các thành tố khác nhau và thường đầu tư vào môi trường sinh sống của họ bằng các loại thành tố màu nhiệm.

Trên hòn đảo này, không có sự cạnh tranh giữa các ngư dân mà là sự hợp tác. Tôi thấy họ sửa lưới đánh cá, làm việc trên thuyền, và bán cá ngoài chợ. Làng chài của cha ông bây giờ là một khu dự trữ sinh quyển, bảo tồn và bảo vệ các rạn san hô, đa dạng sinh thái và di sản văn hóa. Ý nghĩa quá khứ tổ tiên này của họ được phản ánh ở nhiều ngôi chùa và đền thờ dành riêng nhằm tôn vinh cá voi.

Trong tín ngưỡng và lễ hội của họ, các cư dân đảo cho thấy niềm tự hào của họ trong cuộc sống và quan trọng hơn trong cộng đồng. Cù Lao Chàm thực sự là một quần thể đảo đá hoa cương (granite) đẹp đến nghẹt thở, nơi sinh kế của dân chúng phụ thuộc vào ngư trường và các nguồn lợi khác từ biển.



Có thể học được những gì từ cộng đồng này?

Tôi nghĩ rằng, họ có thể dạy cho tất cả chúng ta về sự cần thiết để bảo tồn và gìn giữ đại dương. TS Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) và những người khác ở vùng biển được bảo vệ dạy cho người Kinh rằng, bằng cách bảo vệ các rạn san hô, họ đang để dành vùng biển của mình để có nhiều cá hơn cho các thế hệ tương lai. Đảo có quyền kiêu hãnh với 277 loài san hô và 270 loài cá sống dựa vào rạn san hô cũng như một kho tàng cảnh đẹp thiên nhiên và sự phong phú tri thức, phong tục truyền thống.

Ở đây không có khách sạn. Hiện nay, cộng đồng sống trên đảo có thu nhập mới bằng cách cho các thợ lặn và khách du lịch sinh thái thuê trọ ở nhà mình. Tôi cũng học được từ họ cách mọi người có thể thực sự kết nối cảm xúc sâu hơn với biển khơi. Biển Đông tạo cảm hứng, gây xúc động và thậm chí xoa dịu mọi người. Tôi muốn cổ vũ các bạn trẻ Việt Nam đến thăm hòn đảo huyền diệu để có thể trải nghiệm cách thức sinh thể nước này, biển Đông, bỏ bùa và níu giữ chúng ta trong một tấm lưới huyền diệu vĩnh cửu ra sao. Tôi biết rằng, tôi sẽ sớm trở lại.

Tạo đối thoại quốc gia

Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo dạy học sinh cách viết. Ông có lời khuyên nào cho thanh niên Việt Nam trong việc giải quyết tương lai của biển Đông?

Tại sao không bắt đầu một chiến dịch truyền cảm hứng thông qua phương tiện truyền thông xã hội giữa các mạng trẻ tuổi của Việt Nam - những công dân có lương tri. Một vài người đã đề nghị gọi chiến dịch là “Cứu biển Đông” hay “Lưu giữ biển Đông”.

Một điều đang ngày càng trở thành hiển nhiên rằng, lịch sử hàng hải quan trọng của Việt Nam có thể được phát hiện trong mọi hoạt động văn hóa và kinh tế được tìm thấy trong ngư trường do tổ tiên để lại của quốc gia, trong ngành công nghiệp đóng tàu truyền thống, và trong các khu bảo tồn biển.

Những gì Việt Nam đang chứng kiến là sự tiếp nối truyền thống đối lập với những thay đổi văn hóa nhanh chóng. Có lẽ những người trẻ tuổi có thể tạo ra một cuộc đối thoại tầm quốc gia về một số vấn đề liên quan truyền thống của tổ tiên ở biển Đông và những thách thức để gìn giữ chúng.



Vì sao ông nghĩ chủ đề hoặc thông điệp truyền thông xã hội này có tính thời sự và có thể khiến thanh niên quan tâm?

Các đại dương là nguồn sống của Trái Đất và là nơi trú ẩn của các loài sinh vật đặc hữu nhất và cổ xưa nhất của chúng ta. Hủy hoại nhanh chóng các rạn san hô ở biển Đông đồng nghĩa với việc không còn cơ hội lặn để quan sát san hô nữa. Một phần tư rạn san hô thế giới đã bị phá hủy bởi ô nhiễm và thay đổi khí hậu.

Thanh niên Việt Nam nên cho chính phủ biết họ không chấp nhận các hành động liều lĩnh của Trung Quốc - cải tạo đảo và phá hủy rạn san hô. Hơn nữa, các cộng đồng ngư dân Việt Nam là trung tâm của bất kỳ sự kiểm chứng nào về chủ quyền và cần được đưa vào cuộc thảo luận tầm quốc gia như một phần của chiến lược “ngoại giao mềm” trên khắp cả nước đáp lại những hành động hung hăng đang tiếp diễn của phía Trung Quốc ở biển Đông. Cuối cùng, đánh bắt quá mức và ô nhiễm sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến cuộc sống của họ hôm nay và mai sau.

Hãy kiểm soát tương lai



Ông muốn nhắn nhủ điều gì với độc giả của chúng tôi?

Hãy chịu trách nhiệm và kiểm soát tương lai của các bạn. Hãy bắt đầu một chiến dịch bảo tồn và gìn giữ biển Đông ngay từ bây giờ. Hãy lập kế hoạch cho một buổi lễ trong tuần đầu tiên của tháng 6/2016 ở Cù Lao Chàm.

Chương trình thậm chí có thể lồng ghép hoặc tương thích với một hội thảo trực tuyến và diễn ra trong thời gian thực, dự kiến 2-3 ngày viết về “Hiểu biết những thách thức về môi trường của Việt Nam ở biển Đông”. Tất cả điều này có thể trở thành một sự kiện lớn hướng đến Ngày Đại dương Thế giới được tổ chức vào 8/6/2016.

Trong tuần lễ này, khắp bờ biển Việt Nam, các bạn trẻ có thể tham gia vào một chiến dịch làm sạch môi trường vùng ven biển và gửi đến chính phủ thông tin đã được các bên thông qua về môi trường và sự kiện “Cứu biển Đông”.

Tất cả những nỗ lực này có thể thành công nếu biết huy động và đoàn kết nhân dân Việt Nam trong việc tuyên bố và bảo vệ ngư trường mong manh và quý giá của tổ tiên để lại. Kết quả khả dĩ nhất trong số các kịch bản có thể xảy ra là một chiến dịch truyền thông xã hội Việt Nam khuyến khích một kiểu tinh thần dân tộc về môi trường và có lẽ cũng sẽ truyền cảm hứng cho các nước láng giềng khác để thúc đẩy bảo tồn và phát triển bền vững.
2. SỰ KIỆN – VẤN ĐỀ:

Trong tuần qua sự kiện Lễ hội văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu á 2016 đã thu thút được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí:

* Báo Điện tử VTV ngày 28/3/2016 đưa tin: LẦN ĐẦU TIÊN HỘI AN ĐĂNG CAI FESTIVAL VĂN HÓA TƠ LỤA VIỆT NAM – CHÂU Á

Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3.

Lần đầu tiên, một Festival dành riêng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt, hòa quyện với sự phát triển của lụa tơ tằm châu Á sẽ diễn ra tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, với sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia có nền tơ lụa nổi tiếng thế giới.

Với chủ đề “Đưa tơ lụa trở lại đời sống hiện đại”, Festival sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú giới thiệu về nghề tơ lụa truyền thống của Việt Nam; trong đó có các hoạt động phục dựng những nét văn hóa truyền thống của lụa Việt; giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống và hiện đại cũng như sản phẩm lụa của các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar...

Liên hoan còn có Hội thảo với chủ đề “Tơ lụa trong đời sống hiện đại”, trong đó có ý kiến của các nghệ nhân trong nước, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm đến từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa, Festival chính là cơ hội để Việt Nam mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường cũng như quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Hội An ra thế giới.

* Ngày 28/3/2016 Báo Người Lao dộng đưa tin: 9 NƯỚC THAM GIA LỄ HỘI TƠ LỤA VIỆT NAM – CHÂU Á

Ngày 28-3, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á với sự tham gia của đại diện 9 quốc gia châu Á đã diễn ra tại Làng lụa Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Lễ hội đã phục dựng lịch sử “Con đường tơ lụa trên biển”, khởi thủy từ một bà phi của chúa Nguyễn có công phát triển nghề dâu tằm dệt lụa tại tỉnh Quảng Nam, từ đó cung cấp hàng hóa tơ lụa xuất khẩu đi các nước Bắc Á và châu Âu cách đây 300 năm. Từ cột mốc này, lễ hội tái hiện không gian văn hóa những làng tơ lụa Việt Nam là nơi cung cấp sản phẩm cho giao thương tơ lụa trên biển. Đại diện của các quốc gia tham dự đã làm lễ dâng hương Bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết festival này là dịp tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa, đưa lụa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là sự kiện có giá trị kinh tế cao, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa mà còn kết nối các quốc gia sản xuất lụa gần nhau hơn.

* Trang giadinh.net.vn ngày 28/3/2016 có bài viết: KHÁCH “TÂY” THÍCH THÚ KHI THẤY TẰM ĂN LÁ DÂU RỒI NHẢ RA TƠ

Lần đầu tiên người dân Hội An và du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của hàng loạt quốc gia có nền sản xuất tơ lụa hàng nghìn năm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar...

Trong hai ngày 28 và 29/3, Làng lụa Hội An (Quảng Nam) đã tổ chức Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam-Châu Á với sự tham gia của đại diện 9 quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên, một festival văn hóa dành riêng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt hòa quyện với sự phát triển của lụa tơ tằm châu Á.

Lần đầu tiên người dân Hội An và du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của hàng loạt quốc gia có nền sản xuất tơ lụa hàng nghìn năm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar...

Với một không gian làng thuần Việt với vẻ đẹp kiến trúc cổ truyền xứ Quảng đã diễn ra lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang, trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của những làng lụa Việt nam nổi tiếng như Tân Châu (An Giang), đũi ở Thái Bình, Cơ-tu Quảng Nam, Đặc Chăm Ninh Thuận. Đặc biệt nhất là sự phô diễn niềm tự hào của các nghệ nhân khi dày công giữ gìn những hoa văn cổ đã lưu truyền từ bao đời như những dòng chảy của đời sống văn hóa.

Những kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm, dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu, lụa tơ tằm thiên nhiên làng nghề miền Bắc tại tỉnh Bắc Giang. Tất cả các cuộc trình diễn đều được phối hợp với nghệ nhân các làng nghề, trình diễn, hình ảnh và sản phẩm thật...và lụa bỗng thật sự nổi bật như một đại diện văn hóa, chứ không đơn thuần là một mặt hàng tiêu dùng nhờ sự tiếp nối thú vị giữa quá khứ và hiện đại, giữa trình diễn và sản xuất thật sự ngay tại không gian Làng lụa Hội An.

Những giá trị mang tính dân gian đã làm say lòng khách và thuyết phục các khách mời quan trọng quốc tế. Sáng nay, sau khi trò chuyện về Festival Ông Li Jilin – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới đã đánh giá Festival Văn hóa Tơ Lụa Việt Nam-Châu Á là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa.

Với triển lãm Tơ lụa Việt Nam Châu Á đã qui tụ 40 gian hàng của các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Việt Nam, một sự so sánh giữa công nghệ sạch, sản phẩm hiện đại và những sản phẩm làm tay. Các gian hàng sẽ thu hút cho tính tiện dụng cao trong đời sống.

Làm lễ hội văn hóa nghề, hoặc một sản phẩm như trước nay chúng ta vẫn thấy ở các lễ hội hoa, trà, cà phê, và nay là một doanh nghiệp làm lễ hội lụa, chính khả năng khai thác chiều sâu, liên kết lịch sử văn hóa giao thương với các nước trong khu vực.

* Báo Tuổi trẻ online ngày 29/3/2016 có bài viết: HỘI AN RỰC RỠ TƠ LỤA

Lễ hội tơ lụa mang tầm quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của các làng nghề ươm tơ dệt lụa lâu đời.

Ngày 28-3, Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 khai mạc tại không gian làng lụa Hội An (28 Nguyễn Tất Thành, TP Hội An, Quảng Nam).

Sự kiện được Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Tơ lụa thế giới tổ chức với sự tham gia của 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia.

Lễ hội tơ lụa mang tầm quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của các làng nghề ươm tơ dệt lụa ở Việt Nam, những làng nghề có từ lâu đời như Vạn Phúc, Mã Châu, Bảo Lộc, An Giang, Mỹ Nghiệp.

Tại ngày hội, hàng trăm sản phẩm từ lụa bung sắc rực rỡ ở các gian hàng tham dự triển lãm tơ lụa quốc tế và được trưng bày ngay trong không gian cổ kính của làng lụa Hội An.

Nhiều sản phẩm đặc sắc của 3 làng nghề dệt lụa nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam gồm Bảo Lộc, Hà Đông, Thái Bình cùng 5 quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Ý đem đến cho người mê lụa cái nhìn mới mẻ, kiến thức sâu rộng hơn về lụa.

Song song với hoạt động lễ hội, chiều cùng ngày, các đại biểu là cán bộ cấp cao của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và đại diện của 40 tập đoàn “quy tụ” tại Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 lần này đã có buổi hội thảo xoay quanh vấn đề tơ lụa trong thời đại hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Takao Watanabe (Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto) bộc bạch thẳng thắn rằng người Nhật đang gặp vô vàn khó khăn vì không tìm ra cách thoát khỏi tình cảnh tồn tại bấy lâu là sản phẩm lụa “thuần Nhật” hiện nay phần lớn chỉ cho người Nhật sử dụng.

Ngoài ra, ý kiến của một nhà quản lí đến từ Trung Quốc khi khẳng định chính vì quốc gia này biết chuyển dịch một cách nhẹ nhàng trong khâu thiết kế áo lụa từ truyền thống sang hiện đại là điều hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo loại hàng như Sườn xám không bị lỗi thời…

"Festival lần này là một cơ hội không nhỏ để doanh nghiệp tơ lụa từ các nước có điều kiện tìm hiểu, giao lưu và hợp tác lẫn nhau” - ông Li Jilin (Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới) đúc kết tại hội thảo.

* Báo Thanh Niên ngày 29/3/2016 có bài viết: TINH HOA TƠ LỤA HỘI TỤ

Ngày 28.3, Ngày hội văn hóa tơ lụa VN - châu Á 2016 tổ chức lần đầu tiên ở làng lụa Hội An (Quảng Nam).

Các chuyên gia đến từ những nền văn hóa tơ lụa hàng đầu thế giới đã cùng kết nối và tìm hướng phát triển cho ngành lụa.

Đưa lụa vào đời sống hiện đại

Làm cách nào để tơ lụa phát triển và được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện đại, đó là trăn trở của hơn 70 đại diện đến từ các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội tơ lụa, các tập đoàn tơ lụa nổi tiếng ở châu Á và thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á, ông Dilip Barooah (người Ấn Độ), cho biết: “Mặc dù trên thực tế, sản phẩm tơ lụa chỉ chiếm 0,5% thị phần thương mại thời trang toàn cầu, trong tổng số quy mô thị trường là 1,15 nghìn tỉ USD, nhưng tôi vẫn tự tin khẳng định, thị trường tơ lụa truyền thống đang trong xu hướng phát triển. Trong đó, châu Á luôn là thị trường giàu tiềm năng của sản phẩm tơ lụa, không chỉ về mặt sản xuất mà cả tiêu thụ”.

Đại diện Ấn Độ mang đến 2 dòng sản phẩm tơ lụa nổi tiếng thế giới là lụa Mumbai và Cashmere. Đây là lần đầu tiên lụa Cashmere Ấn Độ đến VN qua những sản phẩm sử dụng thường nhật như váy áo, lụa, khăn lụa... Trung Quốc có sản phẩm của thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên với những sản phẩm lụa mang tính ứng dụng cao vào đời sống hiện đại từ khâu thiết kế mẫu đến khả năng giặt và sử dụng dễ dàng. Myanmar có những dải lụa với hoa văn rất đặc biệt và rực rỡ, dành riêng cho các sự kiện, lễ hội... VN có sản phẩm và nghệ nhân đến từ các làng lụa cả nghìn năm tuổi như lụa An Giang, Vạn Phúc, Thái Bình, Hà Đông, lụa Chăm - Ninh Thuận, Mã Châu - Duy Xuyên...

Nói đến phát triển ngành may công nghiệp với các sản phẩm cao cấp từ tơ lụa phải nhắc đến Nhật Bản. Ông Takao Watanabe, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto (Nhật Bản), đã chia sẻ cách làm của ngành lụa Nhật: “Ở nước chúng tôi, các viện nghiên cứu nông nghiệp sẽ nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Và hiện tại, chúng tôi có hơn 200 công ty may mặc, giới thiệu gần 600 sản phẩm lụa khác nhau, với các mẫu mã độc đáo nhất để người Nhật hiểu rõ đây là hàng “Made in Japan” và trước tiên hướng tới người tiêu dùng Nhật Bản”.

Trung Quốc thì chọn cách đưa lụa vào tay người trẻ. “Nhiều nhà thiết kế nước ngoài đến làm ăn tại Trung Quốc vẫn phải kết hợp với các nhà thiết kế trẻ Trung Quốc và nhận định đó là con đường đúng để có chỗ đứng trong thị hiếu của giới trẻ Trung Quốc”, một đại diện trẻ đến từ một tập đoàn tơ lụa lớn của Trung Quốc chia sẻ tại Ngày hội tơ lụa VN - châu Á.

Nguồn cảm hứng từ tơ lụa

Ông Li Jilin, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới, cho rằng: “Ngày hội văn hóa tơ lụa VN - châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa”.



tải về 242.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương