Số 1608-QĐ/tu đẢng cộng sản việt nam



tải về 46.17 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích46.17 Kb.
#9556



TỈNH ỦY QUẢNG NAM

*

Số 1608-QĐ/TU






ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tam Kỳ, ngày 28 tháng 3 năm 2014




QUYẾT ĐỊNH

ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy

và quan hệ công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam

______
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Căn cứ Quy định số 219-QĐ/TW ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XX;

- Theo đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy,
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 495-QĐ/TU ngày 14/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam.

Điều 3. Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ban đảng Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.


Nơi nhận:

- Ban Tổ chức Trung ương,

- Vụ II - Ban Tổ chức Trung ương,

- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc,

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn,

- Các ban đảng Tỉnh ủy,

- Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể,

- Các đ/c Tỉnh uỷ viên,

- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy.




T/M BAN THƯỜNG VỤ

BÍ THƯ


(đã ký)



Nguyễn Đức Hải


QUY ĐỊNH

về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy

và quan hệ công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1608-QĐ/TU, ngày 28/3/2014

của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam)

______

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 1. Chức năng

1. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng gồm: Tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị trong tỉnh.

2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Tỉnh ủy.

Điều 2. Nhiệm vụ

1- Nghiên cứu, đề xuất

a- Tham mưu xây dựng nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng; cụ thể hóa chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.

b- Xây dựng đề án về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ đảng thuộc thẩm quyền quyết định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

c- Tham mưu về công tác cán bộ, công chức, viên chức, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương theo phân cấp quản lý.

d- Sơ kết, tổng kết về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

a- Công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, thi hành Điều lệ Đảng đối với các cấp ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức có liên quan trực thuộc Tỉnh ủy theo phân cấp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; đồng thời tham mưu cho cấp ủy thực hiện kiểm tra, giám sát công tác tổ chức xây dựng đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.

b- Nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy.

c- Thực hiện phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

d- Công tác phát triển đảng viên, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ đảng viên, cơ sở dữ liệu đảng viên, giới thiệu sinh hoạt đảng, xét tặng huy hiệu Đảng, cấp phát thẻ đảng viên, giải quyết khiếu nại xóa tên đảng viên và vấn đề đảng tịch cho đảng viên trong đảng bộ.

3- Thẩm định, thẩm tra

a- Các đề án, văn bản về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của cấp ủy cấp dưới, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy trước khi trình Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy.

b- Tham gia thẩm định các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành và các cơ quan trong tỉnh theo phân cấp.

c- Thẩm định trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhân sự dự kiến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý và thừa ủy nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Thông báo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

d- Thẩm tra, xác minh đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định.

4- Phối hợp

a- Phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.

b- Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, quyết định của Đảng về lĩnh vực tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, bảo vệ chính trị nội bộ theo phân công, phân cấp.

c- Chủ trì phối hợp với các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng và kiểm tra thực hiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và các đảng ủy trực thuộc.

d- Phối hợp với Công an tỉnh và công an các địa phương trong tỉnh trong việc khai thác hồ sơ địch để lại phục vụ cho công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định, thẩm định lại tiêu chuẩn chính trị của cán bộ phục vụ cho công tác nhân sự, phát triển đảng viên của toàn tỉnh và giải quyết đơn thư khiếu nại (nếu có).

đ- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Nội vụ và các địa phương trong tỉnh tổ chức tang lễ cho các đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khi từ trần theo quy chế lễ tang của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

e- Chủ trì tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách, khen thưởng và kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Là cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng, nâng ngạch, xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh ủy theo phân cấp.

5- Thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao

a- Giúp Tỉnh ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quy hoạch cán bộ; thẩm định và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; đồng thời tham mưu thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ của đảng bộ theo phân cấp.

b- Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khối Đảng, đoàn thể ở địa phương. Phối hợp với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

c- Quản lý hồ sơ cán bộ diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và cán bộ, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.

d- Tham mưu, giải quyết các vấn đề về Đảng tịch; giải quyết hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề chính trị của cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

đ- Được cử cán bộ dự các cuộc họp, hội nghị bàn về công tác xây dựng Đảng thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của các sở, ban, ngành, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy trực thuộc, các cơ quan liên quan.

e- Thực hiện công tác thống kê cơ bản về công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở địa phương để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Trung ương theo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

g- Theo dõi đội ngũ cán bộ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên thuộc sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh và huyện, thành phố để phối hợp thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

h- Thực hiện các công việc khác khi được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ CÁN BỘ

Điều 3. Tổ chức bộ máy

1- Lãnh đạo Ban

Gồm Trưởng ban và không quá 04 phó trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban kiêm nhiệm (là Giám đốc Sở Nội vụ).



2- Các đơn vị trực thuộc

- Văn phòng Ban.

- Phòng Tổ chức - cán bộ.

- Phòng Tổ chức đảng - đảng viên.

- Phòng Chính sách và Đào tạo cán bộ (giữ lại, theo tình hình thực tế của địa phương).

- Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ.

Chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp làm việc của Văn phòng và từng phòng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy do Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy quy định. Mỗi phòng có trưởng phòng, các phó phòng; Văn phòng có Chánh Văn phòng, các phó chánh Văn phòng; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh trên do Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định theo thẩm quyền.

Điều 4. Biên chế

Biên chế của Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện theo quy định của Trung ương và quyết định phân bổ biên chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.



Chương III

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 5. Quan hệ với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Trung ương

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực được phân công với Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy.

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy định kỳ báo cáo, thống kê cơ bản về nhiệm vụ công tác với Ban Tổ chức Trung ương, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tổ chức Trung ương theo quy định.

Điều 6. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh

Quan hệ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh là quan hệ phối hợp:

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong phạm vi, lĩnh vực công tác.

- Phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận và kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu về phương hướng chuẩn bị cơ cấu nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh.

Điều 7. Quan hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh

Quan hệ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp:

- Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện theo quy định và đúng quy trình, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Các kỳ họp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh để bàn chủ trương, quyết định, chính sách, chế độ... có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn về công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ, chính sách đối với cán bộ thì mời đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.



Điều 8. Quan hệ với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và Ban Tổ chức huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy

- Quan hệ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, góp ý trong thực hiện về công tác tổ chức xây dựng đảng.

- Quan hệ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Ban Tổ chức huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công về công tác tổ chức xây dựng đảng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Căn cứ Quy định, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các phòng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 10. Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ban đảng Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm phối hợp thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì chưa phù hợp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kịp thời đề xuất để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi./.



_________________


tải về 46.17 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương