Số: 09 /bc-vhtt hội An, ngày 29 tháng 01 năm 2016



tải về 199.51 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích199.51 Kb.
#28934
  1   2   3
UBND THÀNH PHỐ HỘI AN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 09 /BC-VHTT Hội An, ngày 29 tháng 01 năm 2016

TỔNG HỢP

Thông tin Hội An trên báo chí từ ngày 23 đến 29 tháng 01 năm 2016

Từ ngày 23 đến ngày 29/01/2015, các báo đã có hơn 20 tin, bài viết về Hội An, được tổng hợp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Thành phố Hội An – Website www.hoian.gov.vn (mục Hội An qua báo chí). Sau đây, Ban Biên tập chọn giới thiệu một số tin, bài nổi bật:

1.THỜI LUẬN - CHÍNH TRỊ:

* Báo Người Lao động ngày 24/01/2016 có bài viết: BẮN “ GẠO” LÊN TRỜI

Thường thì vật chất đủ đầy rồi mới tính chuyện thụ hưởng tinh thần nhưng hầu hết các tỉnh tổ chức bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016 lại phải xin trung ương cấp gạo cứu đói.

Bên cạnh một số tỉnh miền núi phía Bắc, xin gạo nhiều nhất dịp Tết sắp tới là các tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).



Xin gạo cứu đói

Tỉnh Phú Yên vừa gửi văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 291 tấn gạo nhằm cứu trợ khoảng 19.400 người của hơn 9.600 hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Chỉ có 8 huyện, thị xã trong tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói thôi!” - ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói.

Vì sao Phú Yên được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” nhưng vẫn xin gạo cứu đói, đại diện lãnh đạo tỉnh này cho biết bây giờ, ruộng đất đã được chia hết cho dân, không thể thu gạo của người này để chia cho người khác trong khi Phú Yên là một tỉnh còn nhiều khó khăn.

Khó khăn hơn Phú Yên, tỉnh Ninh Thuận xin trung ương hỗ trợ đến 2.092 tấn gạo cứu đói cho 14.000 nhân khẩu!

UBND tỉnh Quảng Ngãi thì đề nghị hỗ trợ 1.200 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Bính Thân cho 34.841 hộ với 80.000 nhân khẩu. Số gạo hỗ trợ sẽ được chia cho 14 huyện, thành phố của tỉnh. Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, giải thích: Năm 2015, thiên tai diễn biến phức tạp, hiện tượng El Nino gây khô hạn kéo dài, tác động đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là khu vực miền núi. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi là 28.836 và có tới 75.000 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em mồ côi… đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đã đề nghị Chính phủ trợ cấp 2.000 tấn gạo để hỗ trợ các hộ nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn ăn Tết. Hiện Chính phủ chưa phản hồi.

Tỉnh Quảng Trị có dân số trên 600.000 người, đến cuối năm 2015, tỉnh còn khoảng 6,92% hộ nghèo. Hầu như năm nào Quảng Trị cũng xin Chính phủ cấp gạo cho người dân ăn Tết Nguyên đán và mùa giáp hạt. Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, cho biết đã trình Chính phủ xin 859 tấn gạo cho Tết 2016. Tết năm ngoái, Chính phủ đã hỗ trợ Quảng Trị 669 tấn gạo. “Láng giềng” của Quảng Trị là Quảng Bình cũng xin trung ương phân bổ 1.000 tấn gạo cho người nghèo trong dịp Tết Bính Thân.

Nhiều nhất là Nghệ An. Tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ hơn 3.600 tấn gạo cứu đói dịp Tết Bính Thân này và mùa giáp hạt sau Tết, hiện đã được duyệt cấp. Năm ngoái, Nghệ An được Chính phủ cấp đến 5.400 tấn gạo ăn Tết và cứu đói giáp hạt.

Rất tốn kém”

Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Nghệ An đã lập Ban Chỉ đạo bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân năm 2016. Dự kiến, tỉnh sẽ bắn pháo hoa tầm thấp trong 15 phút tại Công viên Trung tâm TP Vinh vào đêm giao thừa, nguồn kinh phí ước tính hơn 500 triệu đồng.

Giao thừa Tết Bính Thân, tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 thuộc trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm trong khoảng 15 phút. Ông Nguyễn Long Biên, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết kinh phí dự kiến để bắn pháo hoa khoảng 450 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Nam thì tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm (TP Tam Kỳ, phố cổ Hội An và xã đảo Cù Lao Chàm thuộc TP Hội An). Kinh phí tổ chức bắn pháo hoa ở TP Tam Kỳ là khoảng 500 triệu đồng và tại 2 điểm ở TP Hội An là khoảng 800 triệu đồng.

Khủng” hơn là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh sẽ bắn pháo hoa ở TP Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn. Hiện số kinh phí chưa được thông báo cụ thể song dự báo sẽ “rất tốn kém”. Riêng năm 2015, Quảng Ngãi chỉ bắn pháo hoa tại huyện Minh Long và TP Quảng Ngãi mà đã tốn gần 1,5 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Trị đã lập kế hoạch bắn pháo hoa đêm giao thừa ở trước Trung tâm Văn hóa tỉnh trong khoảng 15 phút, kinh phí “từ nguồn ngân sách, khoảng vài trăm triệu đồng; còn nếu có đơn vị nào tài trợ, ủng hộ thì sẽ bắn pháo hoa nhiều hơn” - theo Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Nguyễn Đức Chính. Còn tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm, kinh phí cũng vài trăm triệu đồng…

Không bắn thì dân chửi (!?)

Trong lúc dư luận có ý kiến cho rằng các tỉnh còn khó khăn, phải xin gạo cứu đói mà lại tổ chức bắn pháo hoa thì lãng phí, chẳng khác nào bắn… gạo lên trời, lãnh đạo các địa phương đều có lý lẽ của mình.

Ông Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An - lập luận: “Xin gạo cứu đói cho người nghèo là cần thiết nhưng TP Vinh là bộ mặt của tỉnh Nghệ An, việc tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm ở trung tâm TP phục vụ nhu cầu vui Xuân đón Tết của bà con là hoàn toàn hợp lý”.

TP Hội An thì cho rằng họ đã lo xong cho các hộ chính sách, người nghèo đón Tết đầm ấm rồi nên bắn pháo hoa là phục vụ tinh thần. “Vật chất với tinh thần là phải đi đôi chứ còn mình chỉ tính mảng vật chất mà tinh thần dân thiếu thì cũng không được. Hơn nữa, TP Hội An còn là nơi tập trung khá đông du khách quốc tế nên bắn pháo hoa là cần thiết” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, lý giải.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, thì bảo: “Trước đây cũng có ý kiến nên dành kinh phí cho người nghèo nên Quảng Trị không tổ chức bắn pháo hoa, thế là nhiều người dân gọi điện, nhắn tin đến chửi các lãnh đạo tỉnh rằng không lo cho dân ăn Tết… Con em xa xứ về quê ăn Tết mà đêm giao thừa chỉ biết ngồi ở nhà xem truyền hình thì buồn lắm. Những nơi khác người ta sung sướng mà dân mình lại khổ thế sao! Tại sao dân mình không được hưởng niềm vui đó? Làm lãnh đạo thì phải biết tạo niềm vui, phấn khởi cho dân chứ khi nào cũng than nghèo, kể khổ thì làm sao phát triển được?!”.

Riêng ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, giải thích đơn giản rằng: “Việc bắn pháo hoa là truyền thống từ xưa đến giờ của người dân” (!)…
* Ngày 28/01 Báo Quảng Nam có bài viêt: MỞ RA TRANG SỬ MỚI

Những ngày qua, hòa chung niềm hân hoan, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.Hội An cũng đang từng ngày dõi theo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII…

Ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết, Đại hội lần này là dấu mốc lịch sử tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, đưa toàn dân tộc vững bước đi lên trên con đường đã chọn trong nhiệm kỳ 5 năm tới và những năm tiếp theo. “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, đồng thời từ những quyết nghị, định hướng lớn của Đại hội sẽ mở ra trang sử mới cho sự phát triển của đất nước ta” - ông Kiều Cư nói.

Gửi trọn niềm tin và kỳ vọng vào thành công của Đại hội, tạo bước chuyển mới trong chặng đường tiếp theo của đất nước và quê hương, bà Phạm Thị Vân - Bí thư Chi bộ khối Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu chia sẻ: “Tôi cho rằng vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản và hình ảnh Tổ quốc Việt Nam đã được khẳng định với vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Điều này thể hiện qua việc điện chúc mừng của hàng trăm các nước, các Đảng anh em gửi về Đại hội. Về Đại hội, Báo cáo chính trị do đồng chí Tổng Bí thư trình bày, theo tôi tuy ngắn gọn, súc tích nhưng đã đánh giá sát đúng, cụ thể công sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đóng góp trong 5 năm qua; những bài học kinh nghiệm rút ra mang ý nghĩa lớn, có tính giáo dục cao đối với toàn Đảng, toàn dân”.

Trong một tuần qua, người lao động của Công ty CP Công trình công cộng Hội An, mặc dù bận rộn và tất bật với những hoạt động dịch vụ công ích để làm sạch đẹp phố phường, làng xã hàng ngày và đặc biệt là những ngày trước cũng như trong và sau Đại hội, họ vẫn luôn ngóng chờ những thông tin từ Đại hội đáp ứng được lòng mong đợi của gần 300 cán bộ - công nhân lao động tại đây. Ông Nguyễn Thanh Đông - Tổng Giám đốc Công ty bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng, Đại hội lần này sẽ có nhiều quyết sách đúng đắn, định hướng cho đất nước phát triển mạnh mẽ trong những năm đến. Đồng thời tôi cũng hy vọng Đại hội đã bầu chọn được những đại biểu lãnh đạo có đầy đủ đức, tài như mong mỏi của toàn dân trong những ngày qua, để đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững”.

Dạo quanh Hội An những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng phấn khởi của các tầng lớp nhân dân chào mừng sự kiện trọng đại này. Từ đường phố đến làng quê rợp sắc màu cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm. Hòa trong không khí đón xuân, vui Tết Bính Thân sắp về, bà con háo hức rủ nhau, chung tay góp sức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải ở các tuyến giao thông, khu sinh hoạt văn hóa, tụ điểm công cộng... mong sao mọi việc luôn tươi mới, hanh thông.

Bà Trần Thị Thu Hòa - Chủ tịch Hội LHPN thành phố không giấu được niềm vui, trao đổi: “Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra trong thời điểm rất vui tươi, trong tháng đầu năm hứa hẹn một tương lai tươi sáng của đất nước. Tôi hy vọng sau Đại hội toàn quốc lần này, Đảng sẽ có nhiều chủ trương, chính sách đưa đất nước càng ngày càng phát triển đi lên và có nhiều quan tâm chăm lo cho đội ngũ cán bộ nữ trong thời gian tới”. Từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền dự họp, ông Trần Phúc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đảo Tân Hiệp chia sẻ: “Tôi tin rằng Đại hội đã lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới với các đồng chí có đủ tầm đức, tài để lãnh đạo đất nước và có những chiến lược để đưa các vùng sâu vùng xa, hải đảo phát triển hơn nữa”.

Với tuổi trẻ, mỗi kỳ Đại hội là một lần các bạn gửi trọn niềm tin yêu và hy vọng. “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, các bạn trẻ Hội An cũng đang đón chờ tín hiệu vui từ Đại hội này như đang chờ đón những mầm non và lộc biếc của mùa xuân mới. “Tôi tin tưởng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII này sẽ có nhiều chính sách về các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp đến đoàn viên - thanh niên như giáo dục đào tạo, chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để tuổi trẻ được thể hiện bản thân mình trong các lĩnh vực. Chúng tôi tin là sau Đại hội, sẽ có nhiều chính sách phù hợp tạo môi trường học tập, rèn luyện để đoàn viên - thanh niên phát triển toàn diện hơn” - đoàn viên Lê Ngọc Hiếu ở khối Tân Thanh, phường Tân An nói.


* Báo Quảng Nam ngày 28/01 đưa tin: LÃNH ĐẠO HỘI AN CHÚC TẾT VÀ TẶNG QUÁ BÀ CON ĐỒNG HƯƠNG Ở TÂY NGUYÊN

Từ ngày 25 - 27.1, đoàn đại biểu lãnh đạo TP.Hội An do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Kiều Cư dẫn đầu đã đến thăm và tặng quà cho bà con đồng hương Hội An đang sinh sống và làm ăn tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhân dịp Tết Bính Thân. Đoàn đã thăm hỏi, chúc tết và tặng quà cho gần 800 hộ thuộc 2 tỉnh (trong đó có 2 xã ở Kon Tum và 7 xã ở Gia Lai). Tổng giá trị quà trao tặng khoảng 400 triệu đồng. Đây là chuyến viếng thăm và trao quà lần thứ 2 của lãnh đạo TP.Hội An cho bà con đồng hương. Đợt 1 là vào tháng 3.2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Hội An, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.


2. KINH TẾ - TÀI CHÍNH:

* Ngày 28/01 Báo Quảng Nam đưa tin: MỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC LOẠI PHÍ

Các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí như sau: Mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cho một lần ra/vào cảng sử dụng cảng cá được quy định: mức thu đối với tàu, thuyền đánh cá cập cảng có công suất dưới 20 CV là 5 nghìn đồng, có công suất hơn 200CV là 50 nghìn đồng. Tàu, thuyền vận tải có trọng tải dưới 5 tấn là 10 nghìn đồng và có trọng tải trên 100 tấn là 80 nghìn đồng. Xe máy, xích lô, ba gác chở hàng là 1 nghìn đồng và phương tiện có trọng tải trên 10 tấn là 40 nghìn đồng; hàng thủy sản, động vật tươi sống 10 nghìn đồng/tấn; hàng hóa là container là 35 nghìn đồng/container và các loại hàng hóa khác: 4 nghìn đồng/tấn. Nếu phương tiện nộp phí theo tháng, quý, năm thì mức thu lần lượt bằng 20 lần, 60 lần, 240 lần phí lượt đối với từng loại đối tượng.

Theo quy định, trích để lại cho cơ quan quản lý thu 75% tổng số tiền thu được; nộp vào ngân sách nhà nước 25% theo phân cấp ngân sách hiện hành. Mức thu cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép) là 75 nghìn đồng; cấp giấy phép xây dựng các công trình khác 150 nghìn đồng. Trường hợp gia hạn giấy phép xây dựng là 15 nghìn đồng. Số tiền này trích để lại cho cơ quan quản lý thu 25% tổng số tiền thu được, nộp vào ngân sách nhà nước 75% theo phân cấp.

Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn phí tham quan Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định của Thủ tướng Chính phủ được giảm 50% mức phí tham quan. Người Việt Nam và người nước ngoài tham quan Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được áp dụng chung một mức vé là 40 nghìn đồng/lượt, nếu tham gia hoạt động bơi lặn biển có khí tài: 60 nghìn đồng/lượt. Số tiền thu được, nộp 50% vào ngân sách nhà nước theo phân cấp, 50% để lại cho cơ quan quản lý thu.

Mức thu phí sử dụng hè đường, lòng đường, lề đường, bến, bãi, mặt nước được quy định như sau: tập kết vật liệu, phế thải xây dựng, thi công công trình để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, tập kết vật liệu, thi công công trình có mức thu tối đa 10 nghìn đồng/m2/ngày; trông giữ xe đạp, xe máy tạm thời: 3 nghìn đồng/ m2/ngày, trông giữ xe lâu dài (trên 15 ngày) là 30 nghìn đồng/m2/tháng. Sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thường xuyên (cả ban ngày và ban đêm): 50 nghìn đồng/m2/tháng (trường hợp thời gian sử dụng không liên tục trong cả ngày (một buổi), thu 50%mức thu nêu trên.

Đặt bảng quảng cáo, pa nô, hộp đèn đối với tuyến quốc lộ có diện tích một mặt dưới 40m2 có mức thu 60 nghìn đồng/m2/năm; nếu diện tích lớn hơn 40m2 thì thu 70 nghìn đồng/m2/năm. Các tuyến tỉnh lộ, nếu bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 40m2, thu 50 nghìn đồng/m2/năm; nếu diện tích một mặt từ 40m2 trở lên: 60 nghìn đồng/m2/ năm. Đặt quảng cáo bằng băng rôn, thu 50 nghìn đồng/tấm/đợt; đặt quảng cáo bằng phướn: 30 nghìn đồng/tấm/ đợt. Tổng số tiền thu được, trích để lại cho cơ quan quản lý thu 30%; nộp vào ngân sách nhà nước 70% theo phân cấp.


* Báo Quảng Nam ngày 26/01 có bài viết: NÂNG CAO GIÁ TRỊ CÂY QUẬT

Lần đầu tiên, một sự kiện văn hóa du lịch liên quan đến cây quật đã được TP.Hội An phối hợp cùng UBND xã Cẩm Hà tổ chức nhằm đưa Cẩm Hà trở thành một điểm du lịch nông thôn, góp phần nâng giá trị cây quật lên thành một sản phẩm du lịch độc đáo, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.



Nghề truyền thống

Thú chơi quật từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về. Bởi, cây quật với nhiều trái trĩu nặng, chín vàng tượng trưng cho sự may mắn, bội thu, sung túc trong một năm. Ngoài ra, quật còn trồng để trang trí trong nhà, trong vườn, làm bonsai, lấy trái làm thuốc cũng như chế biến các loại mứt…. Tại Quảng Nam, quật được trồng chủ yếu ở một số xã, phường ở Hội An như Thanh Hà, Cẩm Châu, Tân An, tuy nhiên nhiều nhất phải kể đến Cẩm Hà. Hiện toàn xã có hơn 455 hộ trồng hoa cây cảnh với hơn 53 nghìn chậu quật cảnh và hơn 155 cây quật đất, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, riêng năm 2015 thu nhập kinh tế ước đạt 26 tỷ đồng. Cây quật đã thật sự góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo cũng như tạo cơ hội làm giàu cho một bộ phận người dân trên vùng cát này. Theo ông Nguyễn Kìm (thôn Đồng Nà, Cẩm Hà), nhờ trồng quật nên đa số người dân trong làng đã có thêm khoản tiền sắm sửa mỗi khi tết đến xuân về. Tuy vậy, điểm hạn chế của trồng quật là thời tiết; chỉ cần trời lạnh, mưa bão sẽ dẫn đến trái hư vì bị nấm hoặc cây gãy đổ. “Đây là cái nghề của làng bao đời nay nên phải duy trì liên tục, đó không chỉ là công việc làm ăn mà còn là nét văn hóa của mình. Nếu năm nào trời thương thì được hưởng còn mưa gió hư hại đành chịu, nên bây giờ phải làm sao nâng giá trị cây quật lên để người nông dân yên tâm duy trì phát triển làng nghề” - ông Kìm nói.

Phát triển quật thế cũng đã được nhiều hộ tập trung đầu tư với giá bán mỗi chậu có khi lên đến 30 triệu đồng. “Với giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao nên hiện nay cây quật đã được chính quyền và nhân dân địa phương đặt lên hàng đầu trong mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên đất cát để hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho cây quật Cẩm Hà” - ông Phương nói.

Xây dựng sản phẩm du lịch

Mới đây, một lễ hội cây quật cảnh đã được xã Cẩm Hà tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa làng nghề trồng hoa, cây cảnh, nhất là cây quật đến với khách hàng và du khách gần xa, hướng đến quy hoạch xây dựng Cẩm Hà trở thành điểm đến du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An, đã đến lúc biến các chậu quật trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, để người dân không chỉ sống vì cây quật mà còn có thể giàu lên từ nghề trồng quật. Đặc biệt, ở đó du khách có thể cùng trải nghiệm các quy trình từ chiết cành, ươm trồng, chăm sóc cũng như tự tay chế biến và thưởng thức các sản phẩm được làm từ trái quật như bánh, mứt, nước uống từ quật…. “Thời gian đến các làng trồng quật ở Cẩm Hà sẽ được quy hoạch trở thành một điểm du lịch sinh thái bên ngoài phố cổ như là một sản phẩm du lịch mới ở Hội An, nhằm mang đến sự đa dạng cho du lịch Hội An, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho người dân nơi đây” - ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, để phát triển du lịch tại làng trồng quật Cẩm Hà, trước mắt phải khắc phục được một số vấn đề về sản xuất hoa cây cảnh nơi đây do hiện tại việc sử dụng thuốc trong chăm sóc quật được người dân sử dụng khá nhiều, từ phòng trừ sâu bệnh đến ép quả chín, giữ quả lâu trên cây…, điều này chắc chắn sẽ tác động không tốt đến du khách khi phát triển du lịch. Ngoài ra, việc khoanh vùng chuyên canh phục hồi cây quật tổ (đã bị đốn) cũng cần phải tính tới để mang đến cho khách một câu chuyện hấp dẫn khi đến thăm làng. “Sắp tới phòng sẽ hỗ trợ người dân trong vấn đề phòng trừ sâu bệnh theo mô hình sinh thái hữu cơ và sẽ được áp dụng vào trình diễn cũng như hướng dẫn khách du lịch thực hành khi đến thăm làng” - bà Vân thông tin.

Thực tế, thời gian qua việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các sản phẩm nông nghiệp không phải là điều mới mẻ tại Hội An. Trong đó, sự thành công của các sản phẩm làng nghề sinh thái như rau Trà Quế hay bắp nếp Cẩm Nam đã tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, giúp khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ bên ngoài phố cổ. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Trong những năm đến chúng ta cần tập trung hơn nữa trong việc định hướng cho nông dân Cẩm Hà trồng cây quật thật sự có chất lượng, tính kỹ thuật cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Cần phải quy hoạch những vườn hoa cây cảnh để xây dựng thương hiệu cây quật cảnh Cẩm Hà ngày càng mang tính độc đáo, là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân và là một sản phẩm du lịch đặc trưng của du khách khi đến với Hội An”.


* Trang Cafef.vn ngày 26/01 có bài viết: HỘI AN ĐƯỢC MÙA QUẤT, MẤT MÙA HOA

Trong khi người trồng quất vui mừng vì được mùa, được giá, thì người trồng mai lại âu lo bởi hoa nở sớm, hoặc nở quá muộn không kịp bán Tết.

Đến thời điểm này, hơn 80% lượng cây quất cảnh ở Hội An đã được đặt mua tại vườn. Ông Nguyễn Quang ở thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An khoe rằng, năm nay thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây quất phát triển, giá bán cao hơn năm ngoái nên người trồng quất rất phấn khởi.

Ông Quang cho biết, gia đình ông chỉ trồng hơn 120 chậu quất cảnh, đến nay đã bán gần hết, với giá bán tại vườn dao động từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi chậu như hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Theo ông Quang, với những hộ trồng trên dưới 1.000 chậu quất thì dịp Tết này thu về bạc tỷ. “Năm nay đa số vườn cảnh đã bán hết quất, chỉ để lại một ít bán vui Xuân. Trước đây người ta thích quật cột nhưng gần đây dân chơi quật tự nhiên, trái lơi rất đẹp. Những cây quất lớn sẽ được để cho thuê từ 3 - 4 triệu đồng/chậu”, ông Quang cho hay.

Quất cảnh từ lâu là cây trồng chủ lực của nông dân phố Hội vào mỗi dịp Tết đến, tập trung ở xã Cẩm Hà và các phường Tân An, Thanh Hà. Theo những người trồng quất lâu năm ở đây thì năm nay thời tiết nắng nhiều thuận lợi cho cây quất cảnh phát triển, ít bị sâu bệnh. Hiện, hơn 80% lượng cây quất cảnh ở thành phố Hội An đã được thương lái đến tận vườn đặt mua chở đi bán tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắc Lắc, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng.

Năm nay, giá cây quất tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái nên hầu hết người trồng quất đều có lãi. Người lãi ít thì vài ba chục triệu, đến vài trăm triệu đồng. Người lãi nhiều như các ông Nguyễn Viết Ninh, Nguyễn Quang.. Tết này thu về hơn 1 tỷ đồng.

Trong khi người trồng quất cảnh vui mừng vì được mùa, được giá thì nhiều người trồng hoa ở thành phố Hội An lại buồn bã, âu lo. Ông Võ Văn Lệ, người trồng hoa lâu năm ở phường Cẩm Châu, thành phố Hội An cho biết, còn nửa tháng nữa mới đến Tết nhưng hoa mai đã nở rộ khắp vườn.

Các loại hoa vạn thọ, mãn đình hồng cũng nở sớm trước Tết cả tháng. Trong khi đó, hoa thược dược, cúc đại đóa, hoa đồng tiền … lại bị sâu bệnh không kịp ra hoa đúng Tết. Theo ông Võ Văn Lệ, cả năm nắng nóng kéo dài, đến gần Tết lại rét lạnh khiến cây hoa kém phát triển.

Nếu thời tiết tiếp tục rét lạnh 1 tuần nữa thì hoa sẽ trễ nhiều. Hoa thược dược làm 10 chậu thì 7 chậu không có hoa. Thị trường bây giờ cần những loại giống mới, hoa lạ, họ chuộng hoa gì người trồng theo hoa đó. Người nông dân muốn kiếm hoa mới cũng chỉ biết lên mạng để tìm. Năm nay hoa sẽ đắt”, ông Lệ chia sẻ.

Những năm gần đây doanh thu từ hoa, cây cảnh ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước khoảng 30%. Năm 2015, doanh thu từ hoa, cây cảnh của thành phố Hội An đạt gần 50 tỷ đồng.

Hiện, thành phố Hội An có gần 1.200 hộ trồng hoa, cây cảnh. Nhiều hộ thuê thêm đất trồng hoa Tết. Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển nghề này, cách đây 10 năm, thành phố Hội An đã quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung. Tuy nhiên do thiếu kinh phí và bị chồng lấn quy hoạch nên đến nay Dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Ông Lê Đình Tường, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh hợp lý, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng mới nhằm đưa hoa, cây cảnh trở thành cây trồng chủ lực, giúp nông dân phố Hội sống và làm giàu được từ nghề trồng hoa, cây cảnh.



Hàng năm thành phố đã tổ chức mô hình khuyến nông du nhập một số giống hoa, cây cảnh mới, hướng dẫn người dân trồng cây trong nhà kính, dùng phân vi sinh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển còn ít do ngân sách phân bổ hạn chế nên việc triển khai chưa đồng bộ. Ngoài ra, hàng năm thành phố đều tổ chức đoàn công tác đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ ở Bắc và Nam miền Trung để tìm đầu ra cho bà con”, ông Tường cho biết./.
* Ngày 28/01 Báo Quảng Nam có bài viết: HOA, QUẬT THẤP THỎM CHỜ TẾT

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng hàng trăm hộ nông dân trồng hoa và cây quật tại Hội An đang thấp thỏm vì chưa thấy thương lái đến thu mua, nguy cơ thất thu đang dần hiện hữu. Ông Nguyễn Nhân (tổ 32, thôn Bến Trễ, Cẩm Hà) cho biết, mọi năm qua tháng Chạp âm lịch là thương lái đã bắt đầu đến đặt cặp mua hoa, cây cảnh tại các nhà vườn, nhưng năm nay đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Những năm trước con buôn ở Đà Nẵng vô mua về bán lại nhưng vì khó tiêu thụ, không có lời nên năm nay họ ít mua hơn, do đó các nhà vườn phải tự chở đi bán” - ông Nhân nói. Để tìm hướng tiêu thụ, năm nay ông Nhân quyết định chở vào Tam Kỳ thuê mặt bằng bán lẻ, đồng nghĩa với việc tốn thêm chi phí vận chuyển, ăn ở, thuê mặt bằng… Hiện tại vườn nhà ông Nhân có khoảng 300 chậu cúc, gần 200 chậu quật trái nhưng do thời tiết nắng lạnh thất thường nên số lượng hoa kịp tết ít hơn so với mọi năm, chủ yếu là hoa cúc. Nỗi lo mất mùa cộng với thị trường đầu ra ảm đạm càng khiến ông Nhân thêm thấp thỏm. “Nói thật chứ năm trước, tôi trồng hơn 500 chậu cúc và gần 2.000 chậu quật nhưng không lo như năm nay vì thời tiết ổn định, còn thương lái thì qua tháng Chạp đã vào đặt cặp mua hơn một nữa rồi. Số còn lại, tôi mang ra Đà Nẵng bán rẻ cũng có lời, nhưng năm nay thì xem như thất thu” - ông Nhân cho biết thêm. Tương tự, gia đình bà Lê Thị Lan (thôn Sơn Phô 2, Cẩm Châu) dù năm nay tỷ lệ hoa trúng tết cao nhưng nỗi lo cũng nằm ở khâu tiêu thụ khi vẫn chưa thấy thương lái đến như mọi khi. Năm nay nhà bà trồng 130 cây vạn thọ, hơn 250 chậu dạ yến thảo, hơn 100 chậu mai dạ thảo cùng nhiều loại hoa khác nhưng tâm trạng cũng bất an. “Hoa trúng tết hết nhưng lại lo thị trường tiêu thụ thôi” - bà Lan chia sẻ. Dạo quanh các vườn hoa cây cảnh chuyên canh ở Hội An như Cẩm Hà, Cẩm Châu, Thanh Hà… đều dễ dàng bắt gặp cảnh người dân dùng mọi biện pháp “ép” hoa nở kịp tết với hy vọng vớt vát những chậu hoa “lỗi thời”. Tại vườn nhà ông Nguyễn Thêm (Sơn Phô 2, Cẩm Châu) diễn ra tình trạng trái ngược khi mà những loại hoa giá trị như mãn đình hồng, vạn thọ đã nở rộ sớm, nhưng các loại còn lại như cúc, thược dược, hồng xí muội… thì mới vừa ra nụ. “Chỉ đạt được một nửa thôi, thất bại rồi” - ông Thêm than thở. Năm nay ông trồng 500 chậu cúc, hơn 200 chậu thược dược, gần 100 chậu xác pháo, 150 chậu mãn đình hồng cùng một lượng lớn hoa vạn thọ nhưng đến thời điểm hiện tại hơn 50% số hoa các loại chỉ mới ra nụ. Tuy nhiên, theo ông Thêm, đau nhất vẫn là mãn đình hồng vì giá bán rất cao, một cặp giá khoảng chừng 500 nghìn đồng nhưng bây giờ xem như mất trắng, đồng nghĩa với hàng chục triệu đồng đã bị đổ sông đổ biển. Tuy vậy, không phải tất cả đều bi đát, thực tế một số hộ trồng quật ở CẩmHà tình hình tiêu thụ vẫn tương đối sáng sủa khi đã mở rộng được thị trường ra các tỉnh khác ngoài Đà Nẵng như Quảng Ngãi, Quảng Trị, thậm chí lên cả Tây Nguyên. Theo anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Trảng Kèo, Cẩm Hà), năm nay nhà anh trồng 300 chậu quật, đến nay hầu như đã bán hết cho thương lái ở các tỉnh khác với giá bình quân từ 300 đến 700 nghìn đồng/chậu, dù giá có rẻ hơn năm trước nhưng như vậy cũng đã đỡ nhiều vì khỏi phải tốn công chở đi bán lẻ. “Cái nghề này hên xui mà, có năm thì trúng lớn nhưng cũng có khi thì đổ sông, đổ rác, nhưng mà không thể bỏ nghề được vì đã là truyền thống của làng. Coi như mình góp chút cho xuân thêm rạng rỡ hơn!” - ông Thắng tâm sự.
* Báo Thanh niên ngày 28/01 có bài viết: VUI VỚI QUẬT, BUỒN VÌ MAI

Năm nay, người trồng quất ở Hội An (Quảng Nam) vui mừng vì trúng mùa, giá cao. Trong khi đó, những người trồng mai thì rơi nước mắt do mai nở sớm...

Vừa được mùa, vừa tăng giá









Hội An là địa phương có nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển nhất ở Quảng Nam với nhiều sản phẩm như quất, mai... có tiếng trên thị trường miền Trung - Tây nguyên. Năm 2015, doanh thu từ 1.200 hộ trồng hoa, cây cảnh ở Hội An đạt gần 50 tỉ đồng. 





Ông Nguyễn Hoan, Chủ nhiệm HTX Cẩm Hà (Hội An) vui ra mặt khi nói về cây quất của người dân Cẩm Hà năm nay.

Năm nay hơn 51.000 cây của 450 hộ trồng trên địa bàn xã Cẩm Hà đều phát triển tốt, hợp thời tiết nên cây nào trái cũng ra đúng mùa, trúng tết Nguyên đán. Chưa năm nào quất đẹp như vầy. Đáng mừng hơn, hầu hết những cây đó cũng đã có người đặt cọc mua, và giá cũng nhỉnh hơn những năm trước một chút, nên người dân thở phào nhẹ nhõm”, ông Hoan hoan hỉ.

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Hà, khoảng 80% cây quất cảnh ở đây đã được thương lái đến tận vườn đặt mua, chuyển đi các tỉnh,thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk... Có không ít hộ dân của làng năm nay trúng đậm, có hộ thu về hơn 500 triệu đồng/mùa tết và cũng có những hộ với cả ngàn chậu quất đều đậu quả, thu về cả tỉ đồng.

Trong niềm vui của người trồng trọt, ông Nguyễn Quang (Cẩm Hà) hào hứng dẫn khách vào thăm vườn quất của mình. Bỏ công sức gần một năm ươm trồng, vặt lá, bắt sâu, thành quả hơn 120 cây quất của ông Nguyễn Quang trồng chậu đều đơm hoa, kết trái đúng vụ, đúng thời điểm. Những cây quất trái chín vàng mơn mởn đã mang đến cho gia đình ông nguồn thu dồi dào trong dịp tết năm nay.

Vườn của nhà ông Quang giờ đã bán cho thương lái gần hết, chỉ còn vài chậu, giá bán ra xê xích từ 300 ngàn đến 1,5 triệu đồng/1 chậu. Anh Lê Trung (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà), người nổi tiếng với nghề trồng quất kiểng cũng vui mừng cho biết năm nay 700 cây anh trồng cũng trúng mùa đậm. Những cây quất 10-20 năm tuổi cũng ra trái lúc lỉu, giá bán từ 20-30 triệu đồng/cây.

Mọi năm thời tiết mưa nắng thất thường, nên canh cây rất khó. Năm nay trời hầu như không có lạnh, nên cây phát triển đều đặn. Bà con trồng quất ai cũng vui mừng”, anh Trung chia sẻ trong niềm vui chân chất của người nông dân được mùa.

“Khóc” với mai vàng

Trong khi người trồng quất vui mừng khôn kể, thì người trồng mai lại rầu rĩ bởi chưa năm nào cây mai lại thất bại như vậy. Kể cả những người có thâm niên trồng mai hàng chục năm cũng đành khoanh tay trước diễn biến thất thường của cây mai năm nay. Thông thường, cứ 45 ngày trước tết người dân lặt lá, nhưng năm nay hoa lại nở sớm. Một số cây giữ được để dành, khấp khởi mừng sẽ nở đúng tết để bù lỗ, nhưng đột ngột gặp đợt lạnh kéo dài mấy ngày liền khiến mai... yếu sức, không kết nhụy khai hoa nổi.

Thâm niên trồng mai như ông Võ Văn Ba (P.Cẩm Châu, Hội An) cũng khóc ròng với những cây mai trồng trong vườn nhà. Dù tết đã cận kề, nhưng mai đã nở rộ khắp cả vườn. Không chỉ cây mai, mà rất nhiều loại hoa khác như hoa vạn thọ, mãn đình hồng, hoa ly... năm nay cũng đã nở sớm. Còn các loại hoa như đồng tiền, cúc đại đóa, thược dược gặp sâu bệnh, không cứu chữa được, nên cũng thất bát. Vì vậy cận tết, nhiều nhà vườn bán tháo với giá rẻ, để thu lại vài đồng vốn tiền giống, còn công sức trở thành công cốc sau bao tháng ngày vất vả với hoa.

Ông Ba nói thêm: “Nhiều nông dân cứ ngỡ thời tiết đã kết thúc mùa lạnh, nên ra sức hãm không cho hoa nở. Nếu thời tiết lạnh kéo dài thêm nữa, thì những loại hoa cố hãm giữ trước đó, sẽ không đơm bông kịp để phục vụ tết”.


Каталог: Uploaded -> file
file -> LỜi giới thiệU
file -> Chỉ thị 20-ct/tw ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới
file -> Năm thứ ba mươi sáu. Phát hành mỗi tháng một kỳ Số 107 (229) Xuân Quý Tỵ 2013 Trong số này
file -> Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam §éc lËp Tù do H¹nh phóc
file -> Tiêu chuẩn mpeg-1 – Định dạng âm thanh, phim ảnh của nhóm chuyên gia ảnh động Tổng quan về mpeg-1
file -> CƠ SỞ DỮ liệu văn bản pháp luật lớn nhất việt nam
file -> QUỐc hội luật số: 34/2009/QH12 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> TỈnh quảng nam
file -> CHÍnh phủ Số: 158
file -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh quảng nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 199.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương