River of fire, river of water



tải về 1.1 Mb.
trang16/16
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.1 Mb.
#35570
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

37 - KHI MỘT NGƯỜI CHẾT


Điều gì xảy ra khi một người chết ? Ông hay bà ấy đi đâu ? Có cái gì sống mãi hay không ? Có cái gì là ý nghĩa cho sự việc chết ? Những câu hỏi này thường được nhiều người hỏi, dù có tôn giáo hay không. Những người Phật giáo xem những câu hỏi này là nghiêm trọng, bởi vì những câu trả lời liên quan đến việc chúng ta sống ở cuộc đời không thể lập lại này như thế nào.

Phật giáo khuyến khích người ta đối diện với cái chết một cách thẳng thắn để thức dậy với một thực tại còn nguyên sơ, căn bản hơn đời sống và cái chết. Hơn là ám ảnh bởi cái chết, nó cung cấp cho một sự mở ra để cảm kích và tôn vinh đời sống chân thật và thực sự. Như thế, những lễ tang và lễ giỗ được tuân thủ vì sự sống cũng nhiều như cho người chết. Nó cung cấp cơ hội khác cho sự lắng nghe sâu xa Phật Pháp. Vấn đề cái chết cần thiết đi vào toàn thể hiện thể của chúng ta với ý nghĩa của đời sống.

Một vài năm trước một thảm cảnh khủng khiếp xảy ra trong thành phố của tôi. Một bà mẹ trẻ và đứa con trai nhỏ bị giết một cách tàn nhẫn bởi cha của đứa bé. Điều này tàn phá gia đình và chấn động cộng đồng. Bà của đứa bé cực kỳ đau đớn và sau đó bà hỏi tôi cái gì xảy ra khi người ta chết. Câu hỏi của bà không phải từ tôn giáo, nên tôi cố gắng hết sức để có một sự trả lời bà có thể hiểu nhưng còn thúc đẩy bà đi đến một sự tìm kiếm tôn giáo.

Tôi sống trong rừng ngoại ô thành phố, thỉnh thoảng chúng tôi thấy những con chuột đi vào căn gác xép của chúng tôi. Đôi khi tôi ngồi yên lặng, tôi có thể nghe những con chuột “chơi đá bóng” trên trần nhà. Tôi ngồi đó tự hỏi điều gì xảy ra trên đó, nhưng tôi không thể thấy qua trần nhà để biết. Tôi ăn ba bữa mỗi ngày, nhưng tôi không biết điều gì xảy ra trong bao tử, ruột gan tôi. Tôi lái xe đi làm mỗi ngày, nhưng tôi thực sự không biết cái gì diễn ra dưới sàn xe. Tôi sống trong một căn nhà tiện nghi, nhưng mới đây cúp điện tôi không biết phải làm gì. Mẹ tôi tám mươi tám tuổi, rất lanh lợi với một tâm thức sôi nổi, nhưng tôi không dò được những ý nghĩ hay cảm giác của bà.

Sự bất lực này trải dài đến những chân lý siêu hình học : trong một thí dụ nổi tiếng của Phật giáo nguyên thủy về mũi tên tẩm độc, một nhà sư trẻ, Malunkyaputta, không vui bởi vì đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi siêu hình học. Chúng gồm mười bốn câu hỏi không được trả lời, như vũ trụ có cùng tận hay không cùng tận, thế giới vĩnh cửu hay không, một vị thánh có sống sau khi chết hay không v.v...

Đức Phật nói với nhà sư rằng lời dạy của ngài không phải để trả lời những câu hỏi siêu hình học, bởi vì con đường Trung Đạo của ngài là con đường thực hành nhằm giải quyết những vấn nạn trực tiếp của cuộc sống. Rồi ngài cho một thí dụ. Đức Phật hỏi, nếu anh đang đi trong rừng và bị một mũi tên độc bắn trúng, anh làm gì ? Anh sẽ nhổ mũi tên ra lập tức hay trước hết anh hỏi những câu hỏi về mũi tên và yêu cầu những câu trả lời trước khi làm bất cứ điều gì ? Những câu hỏi không cùng có thể khởi lên – ai bắn tên, người ấy từ đâu đến, thuộc giai cấp nào, người ấy giống ai, ai làm ra thuốc độc ?

Việc có ý nghĩa là tức khắc rút mũi tên độc ra và để cho tiến trình chữa lành bắt đầu. Giáo lý của đức Phật là để giáp mặt với những vấn nạn thực tiễn, hàng ngày và tìm thấy những giải pháp khả thi. Nó không quan tâm với những câu hỏi không thể chứng thực bằng kinh nghiệm. Câu hỏi về sự việc chết cũng được tiếp cận theo cách ấy.

Thứ nhất, sự bất lực của chúng ta không thể biết cái gì xảy ra cho một người sau khi chết là bằng cớ hiển nhiên của trí năng hạn hẹp của chúng ta. Điều này bắt chúng ta phải xem xét đời sống của chính mình. Khi làm thế, chúng ta đối diện với sự hữu hạn của chính chúng ta – rằng chúng ta không sống mãi mãi. Bấy giờ chúng ta bắt đầu hỏi những câu hỏi căn bản thường lãng quên trong đời sống hàng ngày : Tôi là ai, tôi sống vì mục đích gì, đời sống đến từ đâu, nó đi về đâu ?

Thứ hai, khi nỗ lực để hiểu, chúng ta ý thức được rõ ràng rằng một số vấn đề trong cả đời sống và cái chết không có câu trả lời. Nếu là như vậy, công việc của chúng ta là yêu quý khoảnh khắc sống này, chăm sóc tốt cho thân thể, mở lòng và trí ra với những người khác, trân trọng những tình bạn, và sống trọn vẹn ở đây và bây giờ. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta đến chỗ thấy cái chết trong một ánh sáng khác. Cái chết không đe dọa chúng ta từ bên ngoài ; nó luôn luôn ở trong chúng ta từ khi sanh ra. Chúng ta sẽ thấy cả hai cái sống và chết là những biểu lộ của một tiến trình tự nhiên. Khi thức tỉnh với sự kiện này, những hiểu biết về sự việc chết dần dần biến đổi thành một sự cảm kích tri ân sâu xa đời sống này.

Thứ ba, bởi vì một sự cảm kích tri ân như thế vượt khỏi lý trí hay suy nghĩ lý luận quy ước, nó không thể hiểu bằng chỉ một mình cái ngã hẹp hòi. Nhưng khi chúng ta thức tỉnh, được Ánh Sáng của lòng bi chạm đến, chúng ta sẽ thấy nó rõ ràng. Đời sống dồi dào luôn luôn ở đây với chúng ta, nhưng hiếm khi chúng ta nhận ra nó vì sự chú ý của bị trệch hướng. Đời sống của chúng ta có thể được là nhờ những tặng phẩm không khí, ánh sáng mặt trời và nước, nhưng chúng ta không nghĩ đến chúng và thậm chí ít tỏ lộ sự biết ơn đối với chúng. Bây giờ, lòng bi vô biên thấm nhuần không chỉ đời sống mà còn cả cái chết của chúng ta ; nó thấm vào vũ trụ thấy được và không thấy được, nó xuyên qua sự sống và cái chết của chúng ta. Thiền sư Đạo Nguyên nói chính xác : “Đời sống là sự biểu lộ của công việc toàn khắp năng động ; cái chết là sự biểu lộ của công việc toàn khắp năng động.”

Tất cả điều này chứa đựng trong Danh Hiệu kêu gọi, âm vang của “Nam mô A Di Đà Phật.” Bất kể ai, cái gì hay ở đâu, dù sống hay chết, mỗi chúng ta là nam mô, nối kết không tách lìa với đời sống năng động là A Di Đà Phật. Như thế, bất cứ nơi nào “Nam mô A Di Đà Phật” được trổi lên, tất cả chúng sanh trong đời sống và trong cái chết thực sự sống lần đầu. Sự phân chia giữa cái sống và chết được vượt qua bởi Danh Hiệu kêu gọi.

Câu hỏi cháy bỏng khi bạn tôi chấm dứt cuộc đời anh là, Bạn tôi có hạnh phúc bây giờ không ? Nhưng với năm tháng trôi qua tôi nhận ra rằng chúng sanh chúng ta, đang lang thang trong bóng tối của vô minh, chúng ta không bao giờ có thể biết cái gì vượt ngoài cuộc sống này. Thậm chí chúng ta không thể biết những sự vật rõ ràng nhất – tâm thức của người khác, cái gì xảy ra trong phòng trên trần, cái gì chờ đợi chúng ta ngay khoảnh khắc tiếp theo của đời sống. Sự không thể biết mọi sự là sự định nghĩa chính xác nhất của cái gọi là con người. Tuy nhiên, không thật sự biết chính mình như vậy, chúng ta không bao giờ có thể thỏa mãn với những thành công xã hội hay vật chất, và chúng ta không bao giờ có thể biết sự thành tựu hoàn mãn chân thật là gì.

Đã được soi sáng, thậm chí yếu ớt, với thực tại của sự tự mê lầm của tôi, tôi đến chỗ thấy chính mình là đối tượng của lòng bi vô biên. Nhưng tôi không thấy chỉ chính tôi – tôi còn thấy bạn Teruo của tôi là mối quan tâm tối hậu của đại bi. Nhưng năm tháng trôi qua, anh còn hơn là thế, vì tôi đến chỗ thấy anh càng ngày càng là một bồ tát đến từ cơn lốc của lòng bi vô biên để hướng dẫn tôi vào vũ trụ của đời sống chân thường.

Bất cứ lúc nào nghĩ về người bạn đã ra đi của tôi, tôi nhớ lại bài thơ được chuyền tay trong những tín đồ Phật giáo Chân tông. Trong sự nhớ thương những người thân yêu của chúng ta, chúng ta nghe lời kêu gọi thiết tha của họ :

Nếu bạn mất tôi,
Hãy niệm Nam Mô A Di Đà Phật
Cho tôi, vì tôi cũng sống
Trong sáu chữ này.

Niệm Phật không phải là một câu vô tình mà là một xác định vĩ đại đời sống trong đó chúng ta khám phá ra rằng cả sống và chết chứa đựng ý nghĩa không cùng tận. Trong một sự cảm kích tri ân như vậy chúng ta lấy lại sức mạnh và can đảm để sống mỗi khoảnh khắc một cách trọn vẹn và biết ơn, trải rộng lòng bi đến tất cả chúng sanh vô tận.

---o0o---

38 - CĂN NHÀ VÀ MÁI NHÀ


Một căn nhà, theo tự điển, là một kết cấu có nhiệm vụ đặc biệt, trước hết là dùng để ở cho một hay nhiều gia đình. Một mái nhà, ngược lại, không chỉ là một kiến trúc mà là một nơi cư ngụ cho những liên hệ gia đình. Nó là một nơi chốn nghỉ ngơi, thường đầy ắp tình thương, ấm cúng và tiếng cười. Sự khác biệt giữa một căn nhà và một mái nhà không là chuyện đơn giản, vì một số căn nhà có người sống trong đó có thể trống rỗng và lạnh lẽo, trong khi những căn nhà khác chỉ với một người ở lại đầy ấm cúng...

Sự khác biệt đầy ý nghĩa giữa một căn nhà và mái nhà có thể được tìm thấy trong ngôn ngữ hàng ngày. Chẳng hạn, chúng ta nói, “Tôi cảm thấy đang ở nhà” để gợi ra một cảm giác dễ chịu và thoải mái dù đang ở một chỗ lạ. “Như ở nhà” để chỉ sự quen thuộc với một ngoại ngữ, một dụng cụ mới, hay sự khéo léo tinh xảo.

Tôi thấy nơi con người có một cái gì tương tự với căn nhà và mái nhà. Khi chúng ta nghĩ về chính mình chủ yếu về mặt vật lý hay những đặc tính bên ngoài, đấy cũng giống như nói về một căn nhà. Nhưng khi chúng ta thấy mình như hiện thân của một đời sống giàu có hơn ở bên trong, đặc biệt về tâm linh, nó cho một cảm giác một mái nhà. Trong sự tương tự này, thân thể như một cái để chứa (căn nhà) trong đó đời sống chân thật và đích thực (mái nhà) trôi chảy. Đời sống cốt lõi này được gọi theo tôn giáo là Ánh Sáng và Đời Sống Vô Lượng.

Mục đích của người Phật giáo là thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự đang chảy trong chúng ta. Nhưng đời sống này không tách lìa với cái chứa đựng thuộc vật chất. Như thế, khi cả hai hoàn toàn hòa nhập với nhau nhờ sự trau dồi và thực hành tôn giáo, cả tâm và thân trở nên mềm dẻo và rộng mở. Điều này trái với suy nghĩ thông thường phân chia tâm và thân, tạo ra một sự mất căn bằng giữa hai cái, thành ra một tâm cứng cỏi và một thân căng thẳng. Cách tập Yoga đang thịnh hành có thể góp phần cho một thân thể khỏe mạnh, nhưng ý nghĩa chân thực của nó chỉ được nhận biết khi nó được theo đuổi như là phần của một thực hành tâm linh hòa nhập của Ấn Độ.

Bởi vì phần đông chúng ta lơ là hay không biết đời sống chân thật và thực sự đang trôi chảy qua chúng ta, nó kêu gọi sự chú ý đến nó qua Danh Hiệu, “Nam mô A Di Đà Phật.” Trong khi niệm nam mô A Di Đà Phật, chính là đời sống kêu gọi chính đời sống, dù người ta có ý thức điều đó hay không. Khi chúng ta đáp ứng trọn vẹn sự kêu gọi này, chúng ta xé rách vỏ bọc bản ngã và trở về sự tự do của đời sống chân thật và thực sự. Vị thầy Chân tông Daiei Kaneko diễn tả điều này một cách sinh động, “Niệm Phật là âm thanh của sự tan rã bản ngã và người làm việc đó đau đớn vì một cái ngã mới được sanh ra.”

Nam mô A Di Đà Phật xác nhận bản tánh nền tảng của người ta chính là đời sống chân thật và thực sự. Cái nam mô lẻ loi, lang thang và bấp bênh cuối cùng đã về đến nhà A Di Đà Phật. Sự về đến này tôn vinh cả sự yên nghỉ lẫn sự làm mới lại. Saichi viết :

Nam mô A Di Đà Phật
Nó như mặt trăng, như mặt trời ;
Nó như mặt trời đang lên.
Tâm thức tôi ấm dần, thân thể cũng thế.
Hãy để tôi nghỉ một lát ở đây.
Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật.

Bởi vì người ta đã đến nhà, không có gì được đòi hỏi nữa. Người ta chỉ để ý tới thân thể được ban cho, bởi vì không có nó thì sự thức tỉnh với đời sống sinh động sẽ bị ngăn chặn, và người ta hành động một cách bi mẫn trong thế giới như là cách thức tự nhiên nhất của đời sống. Con người niệm Phật thì luôn luôn ở nhà, bất kể ở đâu và làm gì. Không vướng bận với điều kiện hoàn cảnh nào, thậm chí cả với niệm Phật.

Tôi không nói lời niệm Phật nào
Nó không cần thiết.
Được cứu độ bởi lòng bi Phật đà,
Tôi biết ơn biết bao nhiêu.
Nam mô A Di Đà Phật bao giờ cũng ở với tôi,
Và tôi bao giờ cũng ở với nó.
Khi ngủ, nam mô A Di Đà Phật.
Khi dậy, nam mô A Di Đà Phật.
Khi đi, đứng, ngồi hay nằm, nam mô A Di Đà Phật.
Khi làm việc, nam mô A Di Đà Phật.


---o0o---


39 - ĐỜI SỐNG CHÂN THẬT VÀ THẬT SỰ


Năm 1975 tôi dạy ở Đại Học Hawaii như một giáo sư mời giảng về triết học và tôn giáo, đồng thời tôi được bổ nhiệm làm Học giả thường trực của Trung Tâm Nghiên Cứu Phật giáo (BSC) ở gần trường. BSC là một phần của tổ chức Phật giáo Chân tông Giáo đoàn Honpa Hongwaiji ở Hawaii. Ở trung tâm này mỗi tuần tôi có những buổi thuyết giảng về Phật giáo Chân tông cho thính giả nhiều chủng tộc. Trong số những người tham dự đều đặn có một phụ nữ miền Caucase đến từ Wahia-wa, một tỉnh thành nhỏ trong tỉnh Oahu, khoảng bốn mươi lăm phút chạy xe tính từ Trung Tâm.

Một hôm bà yêu cầu tôi thăm mẹ bà ở Bệnh viện Wahiawa. Bà mẹ tám mươi sáu tuổi, hoàn toàn điếc, và không ăn gì cả. Điều này gây ra khổ đau và lo âu lớn lao cho gia đình, và họ nghĩ tôi có thể nói với mẹ họ ăn trở lại. Vào ngày tôi nhận đến thăm bà, tôi có một chương trình làm việc đầy ắp nên tôi không có thời gian để sửa soạn điều sắp nói. Tôi sẽ gặp một người hoàn toàn lạ, tai điếc và chưa bao giờ biết Phật giáo.

Dù gầy guộc, xanh xao, ốm yếu, bà gây cho tôi ấn tượng một sự bướng bỉnh của tuổi già. Tuy nhiên, khi cầm tay bà, một nụ cười yếu ớt hiện trên mặt bà, tiếng thì thầm nghe không rõ, nhưng tôi hiểu bà đã chờ đợi tôi.

Tôi đem cuộn giấy đến cạnh giường và viết những chữ lớn cho người đàn bà điếc dễ dàng đọc :

Thân thể bà là một bình chứa của đời sống. Nó chứa đựng đời sống chân thật và thực sự. Thân thể bà và đời sống chân thực và thật sự của bà không phải là hai cái khác biệt, khác nhau nhưng liên hệ với nhau.

Tôi xé mảnh giấy và đưa cho bà. Rồi tôi lập tức bắt đầu viết tờ giấy thứ hai :

Thân thể bà đã già và mệt mỏi và không muốn tiếp tục sống nữa, nhưng đời sống chân thật và thực sự bên trong bà thì không như vậy. Thật vậy, nó muốn sống mãi mãi.

Xé tờ giấy và đưa cho bà, tôi tiếp tục viết mười một trang liên tiếp :

Bà đã chăm sóc cho thân thể bà đến lúc này, nhưng bây giờ bà phải chăm lo đời sống chân thật và thực sự tuôn chảy trong bà. Có cái gì sâu thẳm bên trong bà muốn bà thức tỉnh với đời sống quý giá đang chuyển động trong bà.

Khi bà thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự bên trong bà, bà sẽ cảm thấy tốt đẹp, ấm áp và sống động. Rồi mọi người, gồm những người yêu mến bà, cũng sẽ thức tỉnh với cùng đời sống chân thật và thực sự ấy.

Dù tôi không biết bà, trong một nghĩa nào đó tôi đã luôn luôn biết bà – qua đời sống chân thật và thực sự đang chảy trong bà và trong tôi và trong mọi người quanh chúng ta. Bởi vì đời sống được chia xẻ này, tôi yêu thương bà sâu sắc như tôi thương tôi sâu sắc.

Khi chúng ta cảm kích và biết ơn đời sống chân thật và thật sự đang trôi chảy trong những phần sâu thẳm nhất của chúng ta, bấy giờ chúng ta cũng chăm sóc tốt cho cái chứa đựng đời sống đó, tức là thân thể này, vì không có nó chúng ta không bao giờ đến chỗ nhận biết đời sống chân thật và thực sự.

Chết hay không chết – chúng ta thực sự không có quyền chọn lựa. Nếu chúng ta có thể chọn lựa, thì sự việc quá đơn giản. Tất cả điều chúng ta có thể làm là chăm sóc cho thân thể và đời sống của chúng ta, cho đến khi hoàn tất thời gian và khép lại sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất này.

Khi bà đọc từng trang chầm chậm được đưa cho bà, bà càng lúc càng trở nên tỉnh táo, đôi mắt chăm chú vào từng chữ.

Trong đời tôi, tôi thường quên đời sống chân thật và thực sự ở sâu trong tôi. Nhưng bất cứ lúc nào tôi đơn độc, bất hạnh, chán nản hay giận dữ, một cái gì sâu thẳm trong tôi kêu gọi tôi thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự.

Sự kêu gọi là một kêu gọi cho tôi để trở về với mái nhà thực sự của tôi, nhà của tất cả các nhà, nơi tất cả hiện hữu thực sự sống. Tôi nghe sự kêu gọi qua lời nói, nam mô A Di Đà Phật. Đây là Danh Hiệu kêu gọi.

Nam mô là tôi – lạc lõng, rối bời, và muốn tìm về nhà thực của tôi. A Di Đà là Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng – đời sống chân thật và thực sự, nó là nhà tôi trong tất cả mọi nhà. Phật là Bậc Giác Ngộ – sự thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự này. Ba cái ấy không tách lìa nhau mà là một, thế nên chúng ta nói nam mô A Di Đà Phật.

Để trả lời Danh Hiệu kêu gọi, tôi nói nam mô A Di Đà Phật. Đây là sự chấp nhận và xác định của tôi về đời sống chân thật và thực sự. Không cần hiểu, không cần giải thích điều gì, không cần thuyết phục một ai. Chỉ nam mô A Di Đà Phật.

Dù bản thân tôi không thể thực sự thương yêu người khác, nhiều người yêu thương tôi – nhiều khi trong những cách mà tôi không biết. Dù tôi không cảm kích sự quan tâm của những người khác dành cho tôi, họ thực sự duy trì nâng đỡ đời tôi. Nhưng khi tôi sống nam mô A Di Đà Phật, tôi được khiến cho cảm kích và biết ơn những người khác và muốn cám ơn họ – tất cả đều nhờ đời sống chân thật và thực sự.

Bấy giờ tôi tràn đầy ấm áp, tình yêu thương và lòng bi. Nguyện bà thức tỉnh với đời sống chân thật và thực sự đang trôi chảy trong bà, trong tôi, trong những người yêu mến của bà và trong tất cả chúng sanh. Cám ơn bà đã nghe – không phải nghe tôi mà sự kêu gọi của đời sống chân thường đến từ nơi sâu thẳm nhất trong bà và trong tôi.

Dù tôi có một chương trình dày đặc hôm ấy – ngồi thiền sáng sớm, gặp gỡ sinh viên trong ngày, thu truyền hình vào buổi chiều và chuẩn bị cho buổi giảng thuyết Tannisho vào buổi tối – những chi tiết phai mờ khỏi trí nhớ tôi trong quá khứ mờ sương. Sau này tôi được biết bà bắt đầu ăn trở lại, tuy nhiên cái còn lại với tôi là khuôn mặt hốc hác nhưng hy vọng của người đàn bà già nua, tham dự vào từng trang giấy viết.


---o0o---


40 - PHẬT TÁNH


Một lần tôi nghe một thiền sư lỗi lạc nói rằng thậm chí Hitler cũng có Phật tánh nhưng không may nó chưa hề biểu lộ. Điều này chắc chắn, theo quan điểm Đại thừa, nhưng Thân Loan sẽ không đồng ý. Do sự thấu hiểu hiện thực của ngài về bản chất giới hạn, ngu dại và nhiễm ô của con người, ngài thấy thậm chí chính ngài cũng hoàn toàn không có Phật tánh. Điều này có nghĩa gì trong bối cảnh phổ khắp của Phật tánh ?

Lập trường của Chân tông là Phật tánh không phải là một cái đã được cho, cũng không phải giáo lý trừu tượng. Đối với tâm ước mong giác ngộ (Bồ đề tâm) cũng như vậy, nó cũng gần như không hiện hữu ở người mức độ trung bình. Thân Loan phát biểu nhận xét của ngài trong bài kệ sau :

Nghiệp xấu vốn không có hình tướng ;
Nó đến từ những mê lầm và tư tưởng điên đảo ;
Bản tánh của Tâm vốn là thanh tịnh,
Nhưng không ai có một tâm chân thật và thành thực.

Dù “không ai có một tâm chân thật và thành thực”, khi một người được thức tỉnh bởi ánh sáng của lòng bi chân thật, nguyện vọng giác ngộ trở nên thực sự sống động và Phật tánh lần đầu tiên trở nên thực sự năng động.

Tuy nhiên tất cả điều này phụ thuộc vào sự tin cậy chân thật, sự tin cậy này là công việc của A Di Đà biểu lộ trong đời sống của chúng ta. Tin cậy chân thật không thể đến từ một chúng sanh bị nghiệp ràng buộc ; nó trở nên chân thật và thực sự do lòng đại bi, công việc phổ khắp của Như Lai thấm nhuần thế giới. Trong cách trình bày của Thân Loan :

Phật tánh không gì khác hơn Như Lai. Như Lai này phổ khắp vô số thế giới ; nó làm đầy lòng và tâm của đại dương tất cả chúng sanh. Như thế, cỏ, cây và cõi nước, tất cả đều đạt đến Phật quả. Bởi vì chính với tâm này của tất cả chúng sanh mà họ giao phó chính họ cho Lời Nguyện của pháp thân như là lòng bi, sự tin cậy này không gì khác hơn Phật tánh.

Khi chúng ta giao phó mình cho Phật A Di Đà, chính Phật tánh xuất hiện cụ thể trong đời sống chúng ta. Khi Thân Loan đặt tin cậy, giao phó chân thật ngang bằng với giác ngộ tối thượng, Phật hay Như Lai, ngài không nói rằng chúng đồng nhất. Hơn nữa, ngài gợi ý rằng nội dung tin cậy chân thật đến từ Phật, khiến con người có sự tin cậy chân thật “ngang bằng” với Phật. Sự chứng ngộ tối hậu này được Thân Loan tóm lại :

Con người có tin cậy chân thật


Thì ngang bằng với Như Lai ;
Tin cậy chân thật là Phật tánh,
Phật tánh là Như Lai.

Quan điểm của Thân Loan về Phật tánh hòa hợp rốt ráo với tư tưởng chung của Đại thừa nhưng có một phẩm tính thực dụng. Chúng ta có thể mở rộng sự thấu hiểu kinh nghiệm của ngài trong hệ thống được biết là “Như Lai tạng” (Tathagatagarbha). Từ ngữ này có hai hàm ý. Thứ nhất, chứa trong mỗi chúng ta là một tạng hay dạ con có tiềm năng sanh ra Như Lai. Và thứ hai, đồng thời, mỗi chúng ta được chứa đựng trong tạng hay dạ con của Như Lai. Trong từ vựng Tịnh Độ mỗi chúng ta được chứa trong đại bi của Phật A Di Đà, và khi lòng bi này thức tỉnh trong chúng ta, Phật tánh trở thành một thực tại. A Di Đà gieo trồng Phật tánh vào chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy những kiểu mẫu khác nhau của tính chất hai phần này trong thế giới tôn giáo, nhưng một giải thích hiện đại và khêu gợi là “cõi giới huyền thoại” của Alexander Eliot. Trong công trình mới nhất, Huyền Thoại Trái Đất, Eliot viết rằng :

“Cõi giới huyền thoại” giống như vòm đêm huy hoàng bởi đầy ánh trăng và tuy nhiên đồng thời nó ít nhiều giống với xương sọ của chúng ta. Thế nên chúng ta có thể nói rằng nó ở trong da chúng ta. Ngược lại, đôi khi chúng ta thấy chính mình trong cõi giới huyền thoại ! Không có ảnh hưởng có kết quả phồn tạp của nó, đời sống tâm trí của chúng ta sẽ hầu như hoang vắng như mặt trăng.

“Cõi giới huyền thoại” này là lòng bi vô biên của Phật bao trùm vũ trụ, nhưng nó cũng được thực hiện trong mỗi chúng ta như là Phật tánh. Công việc của chúng ta ở đời là thức tỉnh với chiều sâu, chiều rộng và sự giàu có của cõi giới huyền thoại.


---o0o---


41 - MẸ TERESA VÀ HITLER


Vài năm trước ở Smith College có một cuộc khủng hoảng giữa sinh viên Ấn Độ và sinh viên Do Thái. Những sinh viên Nam Á treo những áp phích với chữ vạn trên đó, thông báo Lễ Ánh Sáng vào giữa tháng mười một. Đó là Divali, một lễ tiết Ấn giáo thiêng liêng nhất. Điều này làm cho những sinh viên Do Thái khó chịu, họ cũng có lễ Kristall-nacht vào cùng thời gian đó. Kristallnacht là một sự tưởng nhớ triều đại khủng bố chống lại người Do Thái ở Đức và Áo vào ngày 10 tháng mười một năm 1938. Đám đông dân chúng, bị kích động bởi chính quyền Quốc Xã, đã phá hủy 7.000 cơ sở kinh doanh, 267 giáo đường Do Thái giáo, và gởi hàng ngàn người vào trại tập trung. Ngày tưởng niệm này trùng với Lễ Ánh Sáng của Ấn Độ.

Những sinh viên Do Thái xem những áp phích như là sự xúc phạm cao nhất đối với dân tộc và đức tin của họ. Họ yêu cầu những sinh viên Ấn Độ phải gỡ những tấm áp phích xuống. Sinh viên Ấn Độ cương quyết từ chối, chữ vạn là biểu tượng thiêng liêng của Ấn giáo. Họ tố cáo những người Do Thái là không khoan dung và cuồng tín. Những sinh viên có những cuộc gặp gỡ do Viện trưởng chủ tọa để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Viện trưởng mời vài thành viên của các phân khoa, có cả tôi, để tham dự những buổi gặp gỡ sau chót. Để chuẩn bị, tôi nghiên cứu qua lịch sử của chữ vạn và khám phá sự phổ biến rộng rãi của nó từ thời tiền sử trong các nền văn minh khác nhau. Biểu tượng của điềm lành này có trong Mohenjo-daro, Mesopotamia, Troy cổ, Cyprus, Athens, Meso-america, trung Âu, Palestine, Ý, Scandinavia, Đức và vân vân. Nó thuộc về di sản Aryan bao hàm trong những văn hóa Ấn-Âu. Hitler đã dùng nó theo cách riêng.

Sau hai giờ tranh luận hăng say, xúc động giữa những sinh viên, chúng tôi được hỏi cho ý kiến về chủ đề. Nói với tư cách một người Phật giáo, tôi nói với những sinh viên rằng tôi cũng xem chữ vạn là một biểu tượng thiêng liêng của đức tin của tôi. Nó được tìm thấy trong nghệ thuật và điêu khắc của Phật giáo thời sơ khởi ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Về sau nó được truyền qua Tây Tạng, Trung hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và các xứ Đông Á khác. Chữ vạn trang hoàng những kinh điển, mạn đà la, y phục, cột trụ, cổng và chánh điện các chùa và tu viện. Tôi không ngăn được sự bày tỏ thiện cảm với những sinh viên Ấn Độ.

Nhưng như bất kỳ ai sống trong thế kỷ hai mươi tôi cũng không thể không biết sự diệt chủng của Phát Xít Quốc Xã hàng triệu người Do Thái, Ba Lan, Cộng Sản, dân Gypsy, người đồng tính luyến ái và tù nhân chính trị trong Thế Chiến Thứ Hai. Trong lịch sử thế giới hiện đại chữ vạn trở thành biểu tượng rốt ráo của cái ác. Như thế, bắt buộc tôi phải công nhận việc làm méo mó chữ Vạn này của Quốc Xã chứa đựng một năng lực đen tối, đáng sợ.

Cuộc xung đột bế tắc không có giải pháp hợp lý thỏa mãn cả đôi bên. Là một người ngoại cuộc, tôi không bao giờ có thể thấu tận đáy nỗi đau đớn và kinh hoàng của người Do Thái dưới sự cai trị Quốc Xã, tôi cũng không thể thực sự cảm thấy sự bị tổn thương và nhục mạ của các sinh viên Ấn Độ xa quê hương, bị tố cáo là không nhạy cảm. Nhưng, tôi nói, có cái gì tất cả chúng ta có thể làm hôm nay, bất kể chúng ta đến từ đâu. Đó là tự hỏi chính chúng ta : Tôi có luôn luôn thoát khỏi cuồng tín và bất công ? Tôi có luôn luôn đối xử với những người khác, dù nhóm hay cá nhân, với sự tôn trọng ? Tôi có luôn luôn thoát khỏi sự không nhạy cảm với những người không giống chúng ta ? Tôi có không bao giờ lợi dụng những người khác cho những cái được của riêng tôi ? Tôi có nói vì sự đối xử bình đẳng mọi người, bất kể màu da, tín ngưỡng, phái tính, tuổi tác, giai cấp ?

Cuộc tranh luận thù hằn lắng xuống và buổi gặp gỡ chấm dứt một cách im lặng. Không có giải pháp nào đạt được cho đêm nay. Kỳ nghỉ tạ ơn sớm tiếp theo, và mọi sinh viên rời khu đại học. Nhưng đúng một năm sau một đồng nghiệp Do Thái nói với tôi rằng sự yêu cầu tự phản tỉnh của tôi đã đánh trúng nhiều người, tháo bớt căng thẳng và mở ra khả năng đối thoại thực sự.

Sự tự hỏi mà tôi đề nghị đến từ kinh nghiệm viếng thăm những di tích của trại tập trung Dachau một mùa hè vài năm trước đó. Tác động do sự tiêu diệt người Do Thái không thực sự làm chấn động tôi cho đến cuộc viếng thăm không định trước ấy. Lần dừng chân đầu tiên của ba tuần ngoạn cảnh châu Âu của tôi và vợ tôi là Munich, Đức. Lý do hàng đầu khiến tôi đi thăm Dachau, gần Munich, là một đề mục tin tôi đọc trên báo. Nó kể lại một cuộc họp mặt ở San Francisco giữa những nạn nhân sống sót ở Dachau và những lính Mỹ-Nhật của Trung Đoàn 442. Những người lính này là những người đầu tiên giải thoát cho một trại của Dachau ngày 14 tháng 4 năm 1944, nhưng những tin tức bị chính phủ Mỹ dìm đi gần nửa thế kỷ, bởi vì những gia đình của nhiều lính Mỹ dòng dõi Nhật Bản này còn bị giữ trong những hàng rào kẽm gai ở Mỹ.

Thấy những ảnh của sự tàn sát đối với dân Do Thái, mục tiêu của chuyến du lịch của tôi đổi từ ngắm cảnh thành ra nhìn xem lại sự ngược đãi Do Thái bất cứ nơi nào tôi đến : Salzburg, Vienna, Budapest, Warsau, Gdansk, Cracow, Auschwitz, Prague và Amsterdam. Ở mỗi chỗ dừng chân tôi tự hỏi : Nếu tôi là một thanh niên ở Thế Chiến Thứ Hai ở những nơi này, tôi có là nạn nhân hay người gây ác ?

Trong lịch sử hiện thời Hitler được nhìn như một hiện thân xấu ác, và Mẹ Teresa như hiện thân của tình thương. Sự khác biệt của họ thì không thể nhầm lẫn, nhưng cả hai đều là con người. Là con người, chúng ta có thể hoặc là Hitler hay Mẹ Teresa. Vấn đề then chốt cho mỗi chúng ta thành ra, Tôi là ai, một Hitler hay một Mẹ Teresa ?

Một lần khi Mẹ Teresa được hỏi tại sao bà hiến đời mình cho người nghèo và thiếu thốn ở Calcutta, nghe rằng bà trả lời, “Bởi vì tôi nhận ra rằng tôi có một Hitler bên trong tôi.” Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng sự thừa nhận của bà đi vào cốt lõi của sự thức tỉnh tôn giáo. Không có tỉnh giác về tiềm năng làm sự xấu ác của mình, ma quỷ trong ta vẫn không được nhận biết và thử thách. Tiềm năng gây ra tàn phá, dù trong đời sống cá nhân hay xã hội, chờ đợi bùng nổ từ bên trong chúng ta vào bất cứ lúc nào. Nhưng khi chúng ta trở nên tỉnh thức hoàn toàn với bóng tối của chúng ta, cái xấu sẽ mất quyền lực của nó đối với chúng ta, và năng lượng thúc đẩy nó được chuyển hóa thành một năng lực cho cái tốt đẹp.


---o0o---


42 - CHỈ MỘT SỢI CHỈ


Vào giữa đời, sau khi lầm lẫn với khuynh hướng thật sự của mình và ghen tỵ vì những thành công trong nghề nghiệp của các bạn mình, Basho tuyên bố sự hâm mộ của ông chỉ dành cho thơ hài cú. Đã có lúc ông muốn trở thành một ông quan cao cấp và có lúc khác ông nổi bật như một tu sĩ. Nhưng ông bỏ hết và gắn mình với nghệ thuật thơ hài cú, tuyên bố rằng : “Không có tài và khả năng trong mọi thứ, tôi gắn mình với chỉ một sợi chỉ này.” Đối với Basho sợi chỉ này xâu kết lại đời sống, thiên nhiên và vũ trụ thành một toàn thể đơn nhất.

Thật vậy, Basho khẳng định rằng một sợi chỉ chung đã kết lại những thành tựu của văn hóa Nhật Bản-Saigyo trong thơ truyền thống, Rikyu trong nghệ thuật lễ trà, và nghề thơ hài cú của ông. Sợi dây độc nhất này còn đến ngày nay, hợp nhất sự sáng tạo mỹ thuật (con người) và sự sáng tạo vũ trụ (thiên nhiên).

Khổng tử là một tư tưởng gia vĩ đại, sống vào Thời Trục của lịch sử thế giới. Theo Karl Jaspers, người đặt ra từ ngữ này, những người đồng thời với ông là Lão tử và Mặc tử ở Trung Hoa, Phật và Mahavira ở Ấn Độ, Socrates và Plato ở Hy Lạp và những tiên tri của Do Thái-Isaiah, Jejemiah và Isaiah Thứ Nhì. Những học trò của Khổng tử tôn kính ông như một vị thầy dạy minh triết tối thượng, nhưng Khổng tử từ chối những ca ngợi như vậy, nói rằng, “Ta chỉ có một sợi chỉ để xâu suốt hết tất cả lại.” Sợi chỉ độc nhất này là thành, sự tận tâm chu đáo với chính mình và với những người khác, nền tảng của đời sống đạo lý. Sợi chỉ vàng này dệt thành một trong những tấm thảm lớn nhất của thế giới văn minh, ảnh hưởng dòng sinh mệnh của toàn thể thế giới Đông Á.

Trong khi Basho và Khổng tử là thiên tài và đã khám phá được thiên mệnh của mình kêu gọi, Saichi chỉ là một thợ rừng không chữ nghĩa, đơn giản, nhưng ông cũng được kêu gọi đến một đời sống tận tâm giao phó riêng biệt :

Đã nhận được sợi chỉ độc nhất của niệm Phật
Con đường độc nhất tôi chọn là không sai lầm ;
Đi cùng nam mô A Di Đà Phật
Cũng sâu thẳm như lòng Saichi –
Còn sâu thẳm hơn thế nữa là lòng của A Di Đà.

Đối với Saichi sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật đã được Bổn Nguyện của A Di Đà chọn cho ông. Đến từ lòng đại bi, sâu thẳm vô cùng hơn mọi cái con người có thể hình dung được, sợi chỉ độc nhất của niệm Phật là một món quà trao một cách nhưng không cho bất kỳ ai tìm kiếm một trung tâm hợp nhất trong đời sống. Thực hành niệm Phật tối ư đơn giản, nhưng đồng thời hiệu quả không thể sánh để dẫn đến giải thoát và tự do, bởi vì chính công việc của Phật giúp chúng ta vượt qua những đam mê mù quáng của tham và sân.

Gần đến khi chấm dứt cuộc đời lâu dài và phong nhiêu chín mươi tuổi, Thân Loan ở Kyoto tiếp đãi những học trò xưa kia đến từ quận Kanto xa xôi. Đi bộ hơn bốn trăm dặm, họ yêu cầu ngài làm sáng tỏ những điểm tinh tế của giáo lý. Nhưng Thân Loan không trả lời, bảo họ đi kiếm tìm những nhà sư học rộng của những tu viện ở Nara và Núi Tỷ Duệ cho những câu trả lời mang tính giáo lý. Sự trả lời của ngài thì rõ ràng và không thể lầm lẫn :

Đối với tôi, Thân Loan, tôi chỉ nhận những lời của vị thầy thân yêu của tôi, Pháp Nhiên, “Hãy chỉ niệm Phật và được cứu độ bởi A Di Đà”, và hiến mình giao phó cho Bổn Nguyện. Ngoài điều ấy ra không có gì khác. (Tannisho II)

Các đệ tử của ngài thất vọng biết bao ! Tuy nhiên Thân Loan chỉ xác nhận điều duy nhất thực sự quan hệ trong đời ngài : sợi chỉ niệm Phật hợp nhất quá khứ vô cùng và tương lai vô cùng, Bổn Nguyện và Tịnh Độ, cả hai là ở đây và bây giờ.

Hiểu biết giáo lý có thể gây thích thú nhưng rốt ráo thì không cần thiết, thực hành thiền định có thể nhiều ý nghĩa nhưng cuối cùng không sanh sôi, và đạo đức có thể được cổ vũ nhưng không giải thoát chúng ta khỏi vô minh mê lầm. Thân Loan kết luận buổi gặp gỡ bằng những lời từ giã : “Trong cốt tủy, đó là sự tin cậy giao phó chân thật được thực hành bởi gã ngu dốt này. Bây giờ, các ông có chấp nhận niệm Phật và đặt mình một cách tin cậy vào nó hay từ chối nó, đó là quyết định của các ông.”

Trong sợi dây đơn chiếc của niệm Phật chứa đựng hết mười a tăng tỳ kiếp, tất cả lòng bi của vô số vũ trụ, sự hy sinh của vô số bồ tát, Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, Tịnh Độ Cực Lạc ngơi nghỉ an bình. Tất cả những cái đó sống động trong mỗi lời niệm nam mô A Di Đà Phật.

Đã lìa bỏ những con đường nhỏ


Của vô số thực hành và thiện hạnh,
Tôi trở về với Bổn Nguyện, thực tại chân thực duy nhất,
Nhanh chóng đạt đến giác ngộ là Niết Bàn.

---o0o---


LỜI BẠT


Ngày nay, khi tôi tiếp tục đi trên con đường trắng ngang qua sông lửa và sông nước, ba câu hỏi thúc đẩy cuộc hành trình của tôi vẫn còn là khuôn khổ của đời tôi và thế giới quan của tôi. Trong những năm gần đây con đường ấy rộng thêm và trải dài một cách lớn lao, vì Bổn Nguyện tự nó là con đường trắng vĩ đại. Và Bổn Nguyện như là công việc của đại bi có chỗ cho những tên cướp của giáo lý khô khan và cho những con thú hoang dã của những đam mê mù quáng chung sống với tôi trên con đường. Khác với ẩn dụ người du khách một mình bước trên đường, bỏ lại những tên cướp và thú dữ bên bờ phía đông, chúng đều đi bên cạnh tôi, nhắc nhở tôi thực tại của mình như một chúng sanh hữu hạn nghiệp báo sẵn sàng cho mọi loại cám dỗ. Nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau đạt đến giải thoát và tự do trọn vẹn là Tịnh Độ ở bờ xa kia.

Cũng như những tên cướp và những thú dữ luôn luôn ở với tôi chừng nào tôi còn là một chúng sanh bị nghiệp ràng buộc, sông lửa và sông nước sẽ còn không tách lìa khỏi con đường trắng. Dù những con sông đã lặng và có vẻ yên bình, tôi biết rằng chúng có thể trở lại thành những ngọn lửa hừng hực và những ngọn sóng phủ chụp trong một khoảnh khắc. Đó là sự tham muốn của tôi, tượng trưng bởi nước, thì không thể thỏa mãn, bởi vì tôi muốn sống mãi mãi và thu xếp cuộc đời theo những tính toán quy ngã của tôi. Và sự giận dữ của tôi, tượng trưng bởi lửa, vẫn nằm dưới sự kiểm soát, nhưng khi sự việc không đi theo ý tôi muốn, nó có thể nổ bùng. Dù cho những người khác không thể thấy tham và sân ẩn núp trong tôi, chúng là có thực như sông lửa và sông nước trong thí dụ.

Bởi vì cuộc đời nghiệp báo của tôi không thể hình dung ra mà không có những tên cướp và thú dữ, lửa và nước, tôi chỉ có thể theo lệnh của Phật Thích Ca và nghe sự kêu gọi của Phật A Di Đà. Dù khi sự chú tâm của tôi mờ nhòa và sự quan tâm của tôi khuyết hụt, lời niệm Phật đem tôi trở lại thực tại của con đường trắng.

Như một lời kết, tôi trở lại với ba câu hỏi mà do chúng cuộc hành trình của tôi đã bắt đầu để tìm ra ý nghĩa. Thứ nhất, tôi là ai ? Từ đâu tôi đến ? Tôi đi về đâu ? Câu trả lời thì đơn giản. Tôi là một chúng sanh giới hạn và nghiệp báo, đầy vô minh và mãi mãi lạc loài, kẻ đó đã được ban cho một món quà, sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật. Được hướng dẫn bởi sợi chỉ đơn nhất của niệm Phật, tôi trồi lên khỏi bóng tối của vô số kiếp quá khứ và thấy ánh sáng ban ngày, nó cho phép tôi trở nên chính tôi một cách chân thật và thực sự. Tôi đã đến, tôi đã về nhà. Những xáo động và hỗn loạn trong đời tôi là phần của thực tại của tôi, và tôi biết rõ ràng đầy đủ rằng định mệnh tối hậu của tôi là Tịnh Độ của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng.

Thứ hai, cái gì là một lời nói của lòng bi ? Bây giờ tôi nhận ra rằng không phải là lời nói mà nguồn tâm mới là cốt yếu. Bất kể lưu loát thế nào, nếu lời nói đến từ một trí năng hạn hẹp và tâm thức tính toán, nó sẽ chỉ là trò chơi ngôn ngữ (hý luận), bao phủ vô minh của người ta và không bao giờ đạt đến chiều sâu của cảm nhận con người. Nhưng sự tỉnh giác này cho phép tôi từ bỏ những chiến thuật lan man và giao phó mình cho thực tại của đại bi. Từ chiều sâu của nó, bấy giờ trổi lên lời chân thật nâng lên toàn thể đời sống như nó vốn là. Nó có thể xuất hiện như chỉ một lời nói, hay một sự im lặng hùng biện, hay bản thân nam mô A Di đà Phật.

Cuối cùng, bạn tôi có hạnh phúc bây giờ không ? Ai phải nói đây ? Tôi càng quan tâm, tôi không có chọn lựa nào ngoài việc giao phó mình cho công việc của đại bi. Đại bi đó nguyện làm việc không ngừng nghỉ cho tới khi tất cả chúng sanh, dù một cọng cỏ, được giải thoát vào vũ trụ của ánh sáng vô biên. Tôi không cần thuyết phục rằng bạn tôi bây giờ đang sống trong lòng của đại bi, vượt ngoài hạn lượng của hạnh phúc và bất hạnh. Anh hợp vào giàn hợp xướng của vô số chúng sanh giác ngộ trong vũ trụ mà mỗi mỗi đều ca ngợi Danh Hiệu A Di Đà, và bất cứ khi nào tôi nghe nam mô A Di Đà Phật cất lên, tôi nghe giọng nói đầy an tâm của anh rằng tất cả đều tốt đẹp.

Con mắt thấy cái không thể thấy,
Lỗ tai nghe cái không thể nghe,
Thân thể biết cái không được biết.

—Kanjiro Kawai



---o0o---

THUẬT NGỮ NHỮNG CHỮ THEN CHỐT


A Di Đà Phật : Phật của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng, ngài là Bồ tát Pháp Tạng (Dharmakara) đã thành tựu bốn mươi tám lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh và đạt đến giác ngộ tối thượng.

Aikido : Nghệ thuật võ Nhật Bản do Ueshiba Morihei (1883-1969) sáng lập, kết hợp những hình thức võ thuật khác nhau trước kia và ủng hộ một triết lý bất bạo động.

Amida : Amida (A Di Đà) là sự phối hợp Đông Á của amitabha (Vô Lượng Quang) và amitayus (Vô Lượng Thọ).

An trụ thực sự : Trạng thái tối hậu của tin cậy giao phó nơi đó mọi nghi ngờ tan biến và giác ngộ hoàn hảo được bảo đảm.

Ánh Sáng Không Ngăn Ngại : Một đồng nghĩa thường dùng để chỉ A Di Đà, nghĩa là năng lực thấu nhập của Ánh Sáng đại bi không có gì có thể ngăn ngại, cản trở. Ánh Sáng này soi sáng bóng tối vô minh và chuyển hóa nó thành nội dung của giác ngộ.

Ánh Sáng Vô Lượng : Phẩm tính của A Di Đà như đã nguyện trong lời nguyện thứ mười ba.

Ba Kinh : Những kinh điển căn bản của Tịnh Độ : Đại Kinh của Tịnh Độ (Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm), Tiểu Kinh của Tịnh Độ (Kinh A Di Đà) và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Ba Tâm : Ba từ ngữ then chốt trong lời nguyện thứ mười tám : tâm chân thành, tin cậy hoan hỷ, và ước mong sanh trong Tịnh Độ. Thân Loan biến đổi chúng từ những thái độ của con người cần thiết cho đời sống tôn giáo thành công việc của Phật bên trong mỗi chúng ta đáp ứng đời sống tôn giáo.

Bất nhị : Đây không phải là một phủ định đơn giản sự nhị nguyên, mà là sự phủ định cái bản ngã đối đầu với thế giới. Sự phủ nhận này xác nhận tính đa thù nội tại trong thế giới hiện tượng từ một vị trí không quy ngã.

Bất thối chuyển : Giai đoạn của bồ tát không trượt lui hay lùi lại nữa xuống những giai đoạn trước, kém phát triển hơn. Trong Phật giáo Chân tông nó diễn tả sự tin cậy giao phó chân thật, nó không phải là một hành động cá nhân mà là sự biểu lộ của Phật A Di Đà trong đời sống của một người.

Bonno (klesha) : Phiền não, cái làm xáo động thân tâm. Được dịch trong sách là đam mê mù quáng.

Bốn mươi tám lời nguyện : Những lời nguyện của bồ tát Pháp Tạng vì mọi chúng sanh khổ đau được nói trong Đại Kinh.

Bổn Nguyện : Dù dùng để diễn tả tất cả bốn mươi tám lời nguyện của A Di Đà, nó được dùng chủ yếu như một đồng nghĩa với lời nguyện thứ mười tám.

Chuyển hóa : Kinh nghiệm tôn giáo trung tâm trong Chân tông, nhờ đó xấu được chuyển hóa thành tốt nhờ năng lực đại bi.

Chúng sanh ngu dại (bonbu) : Một người nhận thức đời người là giới hạn, bất toàn, ngắn ngủi và đầy bóng tối vô minh. Theo lời của Thân Loan, “Như được diễn tả trong thí dụ hai dòng sông và con đường trắng, chúng ta đầy vô minh và phiền não. Tham muốn của chúng ta thì vô số, và sân giận, ghen ghét, đố kỵ tràn ngập, khởi lên không ngừng. Cho đến khoảnh khắc chót của cuộc đời chúng không dứt, không biến mất, không cạn kiệt.” Ghi Chú về Một Lần Gọi và Nhiều Lần Gọi.

Con đường của những bậc Thông Tuệ : Những trường phái tu viện của Phật giáo như Thiền, đòi hỏi từ bỏ đời sống gia đình, tuân thủ giới luật, độc thân và những hạn chế về ăn uống với mục đích thực hiện trí huệ.

Con Đường Tịnh Độ : Truyền thống trong Phật giáo Đại thừa mở cho tất cả mọi người và chỉ dạy sự siêu vượt rốt ráo khỏi khổ đau qua công việc của đại bi.

Công đức (toku) : Thường thấy trong bản dịch Anh ngữ những tác phẩm Tịnh Độ, nó hàm ý sự thực hiện tiềm năng trọn vẹn nhất của con người được thành tựu bởi việc thể hiện Pháp.

Danh Hiệu : Dịch chữ myogo, thực tại tối hậu là Phật A Di Đà.

Danh Hiệu kêu gọi : Dịch chữ “niệm Phật” theo cách giải thích, gợi ý sự quan tâm chính yếu của đại bi đối với chúng sanh nghiệp báo trong sanh tử.

Đời Sống Vô Lượng : Phẩm tính của A Di Đà như đã nguyện trong lời nguyện thứ mười hai.

Đức tin : Đức tin đặt nền trên nhị nguyên chủ thể-đối tượng được tóm tắt trong câu nói, “Sự tin tưởng vào những việc được mong mỏi, tin vào những sự việc không thấy.” Khác với đức tin là sự tin cậy, giao phó chân thật, đặt nền trên bất nhị. Đức tin này được A Di Đà ban cho những chúng sanh ngu dại trong sanh tử.

Hakarai : Từ ngữ nghĩa là dự định, tiên đoán, tính toán và thi hành, và được dùng theo hai cách. Như một đồng nghĩa với tự lực, nó ám chỉ lối suy nghĩ nhị nguyên của chúng sanh ngu dại ; và như một miêu tả công việc của Tha Lực, nó diễn tả công trình của Bổn Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh.

Kalyanamitra : Nghĩa đen, một người bạn tốt nhưng nó được áp dụng cho một người hướng dẫn tâm linh chỉ dạy người ta tiến bộ trên con đường giác ngộ.

Khí (ki) : Từ ngữ này có hai nghĩa. Thứ nhất, nó chỉ năng lực sinh khí hòa thấm trong thế giới hiện tượng, gồm cả con người. Thứ hai, như được dùng trong Phật giáo Chân tông ki-ho ittai, ám chỉ tiềm năng tâm linh của một con người (ki) và hợp nhất (ittai) với pháp hay Phật A Di Đà (ho).

Kiếp (kalpa) : Một đơn vị vô cùng dài của thời gian, được diễn tả một cách ẩn dụ, để hàm ý những nối kết rộng lớn với quá khứ sâu xa.

Lắng nghe sâu xa (monpo) : Sự thực hành này, cùng với niệm Phật tạo thành đời sống tôn giáo của Chân tông.

Lời Nguyện Thứ Mười Tám : Lời này tóm kết ý định của tất cả bốn mươi tám lời nguyện, đại diện cho tất cả Bổn Nguyện nên thường được gọi là Bổn Nguyện.
Mahasthamaprapta : Bồ tát của trí huệ. Cùng với Bồ tát của lòng bi Quán Thế Âm là hai vị Bồ tát thường trực với Phật A Di Đà. Tiếng Việt : Đại Thế Chí.

Mappo : Thời kỳ thứ ba trong ba thời kỳ của Phật giáo : Thời Chánh pháp (năm trăm năm), Thời Tượng pháp (một ngàn năm) và thời Mạt pháp (mười ngàn năm). Những quan niệm phân chia thời gian có khác nhau, nhưng với Thân Loan, mạt pháp không chỉ là lịch sử mà có tính cách hiện sinh ; đó là bản chất hư hoại trong thân phận con người, dù quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Myokonin : Nghĩa đen là “người hiếm có và đặc biệt”, thường có dòng dõi tầm thường và không có một nền giáo dục chính thức sống sự niệm Phật trong đời sống hàng ngày. Myokonin giống như hoa sen đẹp nở trong nước bùn, nhưng họ không phải là những “vị thánh”, vì họ không thánh thiện thiêng liêng và không được phong Thánh.

Nam mô A Di Đà Phật : Đây là Danh Hiệu Phật A Di Đà xác nhận mỗi cá nhân (nam mô) được ôm trùm bởi đại bi (A Di Đà Phật).

Nghiệp : Từ gốc tiếng Sanskrit (karma) nghĩa là “hành động”, nó đưa đến luật nhân quả. Trong Phật giáo Chân tông, nó được dùng để chỉ hiện hữu giới hạn, bất toàn và hữu hạn, như nói chúng sanh nghiệp báo, chúng sanh nghiệp báo trói buộc hay nghiệp xấu.

Nghiệp xấu : Ở đây nghiệp ám chỉ cội nguồn sâu xa không thể biết của bóng tối vô minh gây ra mọi loại hậu quả tiêu cực đưa đến khổ đau cho chính mình và cho những người khác. Do đó nó được gọi là xấu.

Ngũ nghịch : Năm trọng tội : giết cha, mẹ, nhà sư, làm chảy máu thân Phật và phá vỡ sự hòa hiệp của Tăng đoàn. Trong Phật giáo Đại thừa, chúng bao gồm từ chỉ trích, phá hoại cơ cấu Phật giáo cho đến lơ là với công việc nền tảng của luật nhân quả.

Niệm Phật : Từ ngữ này ám chỉ nam mô A Di Đà Phật có hai hàm ý. Khi chúng ta hiểu như Danh Hiệu hay myogo, nó là thực tại tối hậu ; và khi được dùng cho sự xướng âm Danh Hiệu, nó là sự nói lên Danh Hiệu.

Pháp thân : Thực tại nền tảng vượt ngoài ý niệm của con người và diễn tả ngôn ngữ. Nó được gọi là dharmata dharmakaya (pháp thân như là chân như) xuất hiện trong thế giới ngôn ngữ con người như là upaya dharmakaya (pháp thân như là lòng bi) và biểu lộ cụ thể thành nam mô A Di Đà Phật. Thân Loan giải thích sự tương quan giữa hai cái : “Pháp thân như là lòng bi khởi từ pháp thân như là chân như, và pháp thân như là chân như khởi lên trong thức con người như pháp thân như là lòng bi. Hai phương diện này của pháp thân khác biệt nhưng không tách lìa ; chúng là một nhưng không đồng nhất.” Lời dạy III.

Phật tánh : Tiềm năng giác ngộ trong mọi chúng sanh và mở rộng là thực tại nền tảng thấm nhuần khắp thế giới hiện tượng.

Tha Lực : Đại bi vượt khỏi mọi đối tượng hóa (bất nhị) nhưng tham gia vào đời sống tâm linh của tất cả chúng sanh. Theo Thân Loan, “Tha Lực là cái thoát khỏi mọi hình thức tính toán.” Xem Những Bức Thơ của Thân Loan.

Tin cậy, giao phó chân thật (shinjin : tín tâm) Có hai hàm ý : (1) tâm và lòng chân thật của Phật A Di Đà thấm trong tâm và lòng ngu dại của chúng sanh, và (2) bởi thế làm cho có thể tin cậy, giao phó chính mình cho A Di Đà.

Tịnh Độ : Cõi của những người giác ngộ, nhưng ngày nay được dùng thường nhất để chỉ cõi Tây phương của Phật A Di Đà.

Tự lực : Những nỗ lực tự sinh của con người để mở đường vào giải thoát và tự do, nhưng một chúng sanh giới hạn không bao giờ có thể thực hiện trọn vẹn mục đích vô hạn này. Theo Thân Loan : “Tự lực là nỗ lực để đạt đến sự sanh (vào các cõi khác), hoặc bằng tụng cầu các danh hiệu của chư Phật khác với A Di Đà và thực hành những thiện hạnh khác với niệm Phật, phù hợp với hoàn cảnh và cơ hội riêng của bạn ; hay bằng cách nỗ lực tự làm cho mình xứng đáng nhờ sửa đổi sự lầm lạc trong thân, ngữ, ý, tin vào năng lực của chính mình và được hướng dẫn bởi sự tính toán của mình.” Xem Những Bức Thơ của Thân Loan.

Tự nhiên (Jinen) : Năng lực của mỗi sinh thể (tự) thành tựu chính nó, trở thành cái nó phải trở thành (nhiên).

Vô sanh của mọi sự : Trí huệ thấy biết tánh Không của thực tại hiện tượng.


---o0o---
HẾT

tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương