River of fire, river of water



tải về 1.1 Mb.
trang14/16
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.1 Mb.
#35570
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

31 - HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI


Lời tuyên bố của Hy Lạp cổ “Hãy biết chính ngươi” áp dụng cho nhiều giáo lý tôn giáo và triết học. Những câu chuyện đầy dẫy trong văn học Phật giáo thuyết giảng sự trọng yếu của tự tri. Nhưng thực sự hiểu chính mình là một vấn đề gai góc, đầy mọi loại thử thách và chướng ngại. Khó nhất là khả năng kỳ lạ tự đánh lừa mình, rằng nhờ một số kinh nghiệm phi thường – linh kiến, thần lực siêu nhiên, thấy biết huyền bí – chúng ta hoàn thành một loại tự hiểu biết. Thật ra, Phật giáo nói rằng chúng chỉ làm dày thêm sự tự mê lầm của chúng ta.

Nhiều năm trước trong một cuốn sách ở trường tôi thấy một tranh hoạt họa về những ứng cử viên, họ giảo hoạt, họ nhắm đến những người Bắc đi vào Nam sau nội chiến lập nghiệp. Họ đeo đồ của họ trong những cái túi, một cái trước mặt và một cái sau lưng, cột dây trên vai. Họ thấy cái túi đằng trước, nhưng không bao giờ thấy cái sau lưng. Tự hiểu biết cũng tương tự như vậy. Chẳng hạn chúng ta sẵn sàng chấp nhận những lỗi lầm chúng ta biết, nhưng không bao giờ với những lỗi lầm chúng ta không thể thấy, dù chúng rất rõ ràng với người khác.

Vấn nạn này cắm rễ trong lối suy nghĩ nhị nguyên, quy ước, chia thực tại thành chủ thể và đối tượng, người biết và cái được biết. Không thể thực hiểu biết mình chừng nào người biết còn đối tượng hóa chính nó. Trong khi tìm cách hiểu biết như vậy, người biết luôn luôn lùi vào hậu trường và không tìm thấy được ở đâu cả. Tình trạng lưỡng nan này đã được nhiều triết gia chỉ ra. Chúng ta thấy chẳng hạn con mắt không thể thấy chính nó, cái dao không thể cắt chính nó, môi không thể tự hôn nó.

Cách độc nhất chúng ta có thể tự biết mình là trở thành chính mình. Hiểu biết bằng trở thành nghĩa là sự làm chủ hoàn toàn, bởi vì không có hố ngăn cách ý niệm giữa người biết và cái được biết, hay giữa “người khiêu vũ và sự khiêu vũ”, trích lời William Butler Yeats. Trong những truyền thống Á châu điều này đôi khi được nói đến như hiểu biết với thân thể ; nó cũng được ám chỉ như hiểu biết nhập thân hay trí huệ thể nghiệm. Bởi vì hiểu biết bằng trở thành bao hàm thân thể, nó vượt qua thông hiểu lý trí.

Một lần tôi nghe một buổi thuyết giảng của một nhà phân tâm học lỗi lạc người Nhật, ông áp dụng nguyên lý hiểu biết bằng trở thành này trong thực hành chữa bệnh. Ông nói rằng, chẳng hạn khi ông có một người bệnh có căn bản là Chân tông, ông yêu cầu người đó đọc một đoạn tuyển chọn từ Tannisho một trăm lần. Cũng thế, một người bệnh có căn bản là Thiên Chúa giáo sẽ được yêu cầu đọc những chương và những đoạn thơ từ Tân Ước một trăm lần. Nếu không đọc được kỹ, sâu, ông đòi hỏi những câu đoạn, ý nghĩa nhất được chép ra một trăm lần. Điều này chắc chắn làm cho người đọc đồng hóa chính mình hoàn toàn với điều nó đọc.

Chẳng hạn đoạn sau đây từ Tannisho IV có thể vang động đối với một người đang cố gắng giúp đỡ một người bạn trong cơn tuyệt vọng : “Trong đời này sự thương xót và thiện cảm chúng ta cảm thấy đối với những người khác có nhiều đến thế nào cũng không thể giúp đỡ họ như chúng ta thực sự muốn ; như thế lòng bi của chúng ta thì không bền bỉ và giới hạn.” Việc này còn hơn chỉ đọc một bản văn, vì người ta không chỉ biết điều được nói đến mà còn kinh nghiệm được mọi điều được nói. Theo Hans-Georg Gadamer, cũng đúng như vậy khi đọc kinh văn Thiên Chúa giáo : “Sự thấu hiểu một bản văn không bắt đầu chừng nào bản văn còn câm lặng... Tuy nhiên khi nó bắt đầu được đọc lên, đó không chỉ là đọc những chữ, luôn luôn như nhau, trong sự khô cứng không đời sống, mà bao giờ cũng cho những câu trả lời mới cho người hỏi nó và bao giờ cũng đặt ra những câu hỏi mới cho người trả lời nó. Hiểu một bản văn là đi đến chỗ hiểu chính mình trong một loại đối thoại.”

Một trong những chức năng hàng đầu của kinh điển Phật giáo là đem đến ánh sáng cho những mặt còn dấu kín của người đọc mà anh ta chưa hề biết. Tuy nhiên sự đọc lập đi lập lại kinh điển sớm muộn gì cũng mở ra những chân lý sâu kín về người đọc mà trước giờ chưa được biết. Điều này tạo thành giai đoạn cho sự hiểu biết bằng cách trở thành. Khi người ta đọc kinh điển theo cách này, người ta cũng có thể đọc những kinh nghiệm hàng ngày như là sự dạy dỗ và đưa tới sáng tỏ.

Masao Hanada, một người bạn thân của nhà phân tâm học này, kể cho tôi nghe câu chuyện sau. Khi còn trẻ, ông chuyên tâm niệm Phật, nhưng ông không thỏa mãn với nó. Rất lý tưởng, ông vào một cộng đồng tôn giáo ở Kyoto. Cộng đồng này dựa trên những giáo lý của những tôn giáo thế giới và khuyến khích phụng sự xã hội như là thực hành chính yếu. Công việc này được làm một cách im lặng không công khai ồn ào. Để trau dồi tính khiêm tốn, họ đi lau chùi những cầu tiêu công cộng ở thành phố Kyoto.

Một buổi sáng Hanada đang quỳ gối lau chùi sàn toa-lét, khi ngẩng lên ông thấy những nhà doanh nghiệp áo quần tươm tất lật đật đi đến chỗ làm với cặp xách tay của họ. Trong khoảnh khắc, ông chợt nghĩ, “Mình tốt đẹp hơn tất cả bọn họ !” Ngay lúc đó, một cảm giác hổ thẹn sâu xa tràn ngập ông. Ở đây ông tự cho là đang thực hành khiêm hạ, nhưng lại tỏ ra kiêu ngạo, khẳng định sự hơn đời của mình. Lập tức ông nhận ra thực tại chân thật của ông, cái ta nhơ bẩn, và điều đó làm cho ông khiêm tốn thực sự.

Là những chúng sanh giới hạn, chúng ta không thể biết điều gì về thế giới. Điều này đặc biệt đúng trong thời buổi này với cơn thác lũ thông tin trên Internet tràn ngập cuộc sống chúng ta. Nhưng không có sự tự hiểu biết mình đích thực, cuộc đời chúng ta không trọn vẹn. Không hiểu biết thực sự chính mình, làm sao chúng ta có thể được hạnh phúc đích thực ? Làm sao chúng ta có thể hiểu biết tấm lòng và tâm thức của người khác ? Làm sao chúng ta có thể cảm kích biết ơn tình thương những người khác trải ra cho chúng ta ? Làm sao chúng ta có thể chết một cách chân chính khi thời gian của chúng ta trên trái đất này đến chỗ kết thúc ?

---o0o---

32 - ĐỊA NGỤC LÀ CHỈ RIÊNG PHẦN TÔI


Sự tỉnh giác về chính mình như là một chúng sanh giới hạn trong nghiệp hiện ra trong chúng ta khi chúng ta cố gắng sống đời sống đạo đức cao nhất. Tỉnh giác của chúng ta về những khuyết điểm đáng buồn càng lớn lao hơn. Điều này có vẻ như tiêu cực, nhưng thật ra thực tại chân thật của chúng ta trở nên nổi bật hơn. Đó là nền tảng của lời thú tội nổi tiếng của Thân Loan : “Bởi vì tôi tuyệt đối bất lực với bất kỳ sự thực hành tôn giáo nào, địa ngục là chỉ riêng phần của tôi.” (Tannisho II) Điều này có nghĩa là gì ? Địa ngục (naraka) trong quan điểm Phật giáo là cái gì ? Điều gì xảy ra khi người ta kết thúc trong địa ngục.

Trong Phật giáo địa ngục không hiện hữu như một nơi chốn ; nó được tạo ra bởi tư tưởng, ngôn ngữ, hành động của mỗi cá nhân. Địa ngục là kết quả của nghiệp đời mà chỉ riêng mỗi người chịu trách nhiệm. Không thể đổ lỗi cho ai khác lịch sử quá khứ của mình, những hoàn cảnh hiện tại, hay những gì xảy ra trong tương lai. Luật nghiệp báo là hình thức tối hậu của trách nhiệm cá nhân, và tính vững chắc của nó phải được thử nghiệm qua sự tự khảo sát mình một cách nghiêm khắc và áp dụng vào tình trạng sống của mình. Nguyên lý nghiệp không bao giờ được áp dụng cho người khác, như những phát biểu vô ý thức đại loại “Đó là nghiệp của nó”, khi người khác gặp bất hạnh.

Theo thế giới quan Phật giáo, đời sống không giác ngộ căn bản là một lang thang không mục đích qua những trạng thái khác nhau của hiện hữu, gọi là sáu cõi. Sáu cõi là địa ngục, quỷ đói, thú vật, thần đánh nhau, con người và chúng sanh cõi trời. Sáu cõi được tìm thấy ngay ở đây và bây giờ khi chúng ta trải nghiệm những phút giây lo âu và đau đớn không thể chịu đựng (cõi địa ngục), bị thúc đẩy bởi những tham muốn không thể thỏa mãn và không thể kiểm soát (cõi quỷ đói), khi chúng ta không thể sống theo những hướng dẫn đạo đức và luân lý (cõi thú), khi chúng ta bị những cơn giận trấn áp (cõi những thần đánh nhau), khi chúng ta ở trong những khuôn khổ xã hội (cõi người), khi chúng ta biểu lộ những chớp sáng đặc biệt của tính không ích kỷ (cõi trời). Những cõi này không chỉ là những trạng thái tâm lý hay hoàn toàn vật lý, mà chúng được cảm nhận như những thực tại trong đời sống hàng ngày. Sự lang thang không mục đích qua sáu cõi này có thể tiếp diễn vô tận ; do đó nó được gọi là sự hữu hạn vô cùng của sanh tử luân hồi.

Vì sanh tử luân hồi là trường của hoạt động lòng bi, Phật xuất hiện trong sáu cõi. Trong hình vẽ sáu cõi, chẳng hạn chúng ta thấy Phật ở ngay trung tâm của bánh xe sanh tử. Ngài ngồi, bao quanh là bồ câu, rắn và heo tượng trưng cho tham, sân, si. Những cái gọi là ba độc này che khuất Phật và làm vòng sanh tử tiếp diễn không ngừng. Trong một số hình vẽ, đức Phật đứng giữa mỗi cõi này, sẵn sàng cứu vớt chúng sanh bất kể họ ở đâu. Chúng ta lại được chỉ cho thấy rằng đức Phật hiện hữu ngay giữa đời sống hư vọng của chúng ta, thậm chí chờ đợi chúng ta nơi đáy địa ngục. Trong trường hợp nào, bất kể chúng ta là gì hay làm gì, Phật đã thành tựu lời nguyện cứu vớt chúng ta ra khỏi sanh tử.

Thân Loan đã là một nhà sư ở tu viện Thiên Thai trên núi Tỷ Duệ trong hai mươi năm, từ chín tuổi ngài đã trải qua giới luật nghiêm ngặt, thông thạo kinh điển và đắm mình trong những thực hành tôn giáo – thiền định, quán tưởng, tụng tán, đi nhiễu... tuy nhiên ngài thất bại không có kinh nghiệm giải thoát nào. Sự thất bại chỉ làm nổi bật thêm bóng tối vô minh trong ngài. Ngài không thể chứa chấp ma quỷ bên trong và không thực hành hiện có nào có thể làm bình lặng những xáo trộn tâm hồn. Bởi vì không ai khác để đổ lỗi ngoài chính ngài, ngài kết luận, “Địa ngục là chỉ riêng phần tôi.”

Tuy nhiên con đường niệm Phật đã sẵn sàng dành cho Thân Loan và tất cả chúng sanh trong thời mạt pháp, khi không có một ai đạt được giác ngộ. Điều này nghĩa là mê lầm không còn là cá nhân hay tâm lý nữa ; nó là lịch sử và phổ quát. Nhưng chính một thời đại vô vọng như vậy là cơ hội cho con đường cho Tịnh Độ khởi lên như cách thức giải thoát cho mọi người. Trên tất cả, nó được chào đón bởi những người hiểu ra rằng không có sự thực hành tôn giáo hiện thời nào có thể giúp họ giải thoát được cơn khát tâm linh. Con đường mới này đã có được một sự trình bày mới do Thân Loan, ngài được mọi người tìm kiếm khao khát tán đồng :

Một người tốt mà được sanh về Tịnh Độ, thì một người xấu còn đáng được sanh về hơn bao nhiêu... Bổn Nguyện được thiết lập từ lòng bi sâu xa cho chúng ta, những người không thể giải thoát khỏi sanh tử nhờ vào bất cứ thực hành nào, vì quá nhiều đam mê phiền não mù quáng. Bởi vì ý định căn bản của Bổn Nguyện là làm cho một người xấu như vậy được giác ngộ, con người xấu giao phó mình cho Tha Lực thực sự là người đạt được sự sanh vào Tịnh Độ. Như thế, thậm chí người tốt mà được sanh về Tịnh Độ, thì người xấu còn đáng sanh về hơn bao nhiêu !

Nhưng theo Thân Loan, giáo lý Tịnh Độ thích hợp không chỉ cho thời mạt pháp mà cho cả mọi thời, đơn giản vì sự giới hạn của chúng sanh nghiệp báo là phổ quát, luôn luôn có khắp mọi thời. Như thế công việc của Bổn Nguyện không chỉ hướng đến những chúng sanh của một thời kỳ đặc biệt mà cho cả ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Thân Loan rõ ràng nhận định điều đó :

Trong ba thời Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt pháp
Bổn Nguyện của A Di Đà đều thịnh hành
Trong thời đại Tượng Pháp và Mạt Pháp của chúng ta
Mọi thực hành tốt đẹp đã đi vào Long Cung.

Khi Bổn Nguyện dành cho mọi thời, thì sự phá sản của những thực hành truyền thống yêu cầu nó trổi lên sân khấu trung tâm của lịch sử.

Sự có mặt của Phật trong đáy địa ngục là then chốt cho sự khẳng định của Thân Loan rằng “Một người tốt mà được sanh về Tịnh Độ, thì một người xấu còn đáng được sanh về hơn bao nhiêu.” Một lần ở ngôi chùa Chân tông, vị sư hỏi đại chúng, “Có bao nhiêu người trong các bạn chắc chắn đi địa ngục ?” Chỉ có một cánh tay đưa lên. Rồi vị sư hỏi tiếp, “Có bao nhiêu người trong các bạn chắc chắn sanh về Tịnh Độ ?” Một lần nữa chỉ có một cánh tay đưa lên. Cả hai lần đưa lên đều của Genza. Qua sự tích tập lắng nghe sâu xa, Genza biết rằng ông đáng về địa ngục, nhưng đồng thời ông vui mừng trong Bổn Nguyện đang hướng đến một chúng sanh nghiệp xấu như ông. Con người được xác định về địa ngục cũng là con người được xác định sanh trong Tịnh Độ, nhờ công đức của lòng bi chân thật. Thùng rỗng đi xuống giếng sâu cũng là cái thùng được kéo lên, bây giờ đầy nước.

Một sự chuyển hóa như vậy vượt ngoài hiểu biết. Thật vậy, năng lực của lý trí, luôn luôn chú trọng vào những cái bên ngoài, không thấy cái nghiệp báo bên trong và sự chuyển hóa rốt ráo của nó. Chỉ lý trí thì không thể hiểu chân lý nghịch lý ở trong lòng của giải thoát chân thật. Một trong những đặc điểm chính của sự hưng khởi Phật giáo ở Mỹ là việc không có vấn đề cái xấu ác. Như một quan sát viên nhận xét, người ở phương Tây bị thu hút vào “Phật giáo trị liệu”, trong khi ở Á châu nó là “Phật giáo đức tin”. Mục tiêu của trị liệu là đời sống khỏe mạnh, sung sướng và phồn thịnh. Điều ấy tốt, nhưng đó chỉ là một nửa của cuộc sống chúng ta. Trừ phi chúng ta vật lộn với nửa kia – cái xấu, tội lỗi, khổ đau và cái chết – nếu không chuyện đời chúng ta còn chưa trọn vẹn. Tất cả chúng ta đều cần xem xét một cách nghiêm cẩn những lời của học giả Do Thái Gershom Scholem : “Với trí óc vấn đề (cái xấu ác) không phải là vấn đề tí nào. Tất cả điều cần thiết là hiểu rằng cái xấu ác là tương đối, hơn nữa, nó không thực sự hiện hữu... (nhưng) năng lực của xấu ác là thật, và cái tâm ý thức sự kiện này từ chối bằng lòng với thành tựu xuất sắc của trí thức, dù có sáng chói, trí óc ấy cố gắng giải thích để cho quên sự hiện hữu của một cái gì nó biết là có ở đó.”


---o0o---

33 - THẾ GIỚI CỦA SƯƠNG


Khi Phật giáo được đưa vào Nhật Bản giữa thế kỷ thứ sáu, nó có một tác động lớn lao làm phong phú và nâng cao sự nhạy cảm đối với đời sống, thiên nhiên và thế giới. Như Earl Miner chỉ ra trong Một Dẫn Nhập Vào Thi Ca Cung Đình Nhật Bản, giáo lý Phật giáo về vô thường đã nâng cấp cảm thức cô đơn và tôn vinh trong những thi sĩ của thời Bình An (794-1185). Một trong những thí dụ được ưa chuộng để chỉ vô thường, biến dịch là những hạt sương, có nghĩa là bản chất mong manh, thoáng qua của đời người. Một thí dụ rất sớm của thời kỳ này là bài thơ sau của Ki no Tomorori :

Đời sống tốt đẹp gì ?


Thực sự nó không có bản chất gì hơn
Hạt sương đang khô buổi sáng –
Tôi muốn đổi nó không hối tiếc
Cho chỉ một đêm với người tôi yêu.

Trong thời kỳ ban đầu này ý niệm vô thường có một giọng điệu tiêu cực, nhuốm màu buồn rầu, thương tiếc, thống thiết. Nhưng với thời gian nó có một giọng điệu tích cực hơn, một sự khuyến khích khám phá một thực tại bền bỉ, bất biến vượt khỏi thế giới hiện tượng. Điều này rõ ràng được tìm thấy trong nhà thơ tu sĩ Ryokan (1756-1831). Ông là một thiền sư tràn đầy xúc cảm Tịnh Độ, đã viết vài bài thơ về A Di Đà, như bài sau :

Nếu không sống vì lời nguyện không thể 
nghĩ bàn của A Di Đà
Thì cái gì còn lại cho tôi
Như một vật lưu niệm của thế giới này ?

Ngài khuyến khích người ta theo con đường niệm Phật, bài thơ thường được trích là :

Hãy trở về A Di Đà,
Hãy trở về A Di Đà,
Mặc cho sương cứ rơi.

Mọi sự trong thế giới bay hơi của chúng ta thường trực nhắc nhở chúng ta chớ nương vào các vật đi qua, không thể tin cậy mà hãy giao phó mình cho cái không có thời gian – Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng là A Di Đà.

Ryokan cảnh giác chúng ta với sự kiện rằng khi chúng ta gặp những khó khăn và thất bại, thất vọng và chán chường, chúng đều nói với chúng ta, “Hãy trở về A Di Đà, hãy trở về A Di Đà.” Khi niềm tin của chúng ta bị phản bội hay tình yêu của chúng ta không thành, nó nói với chúng ta, “Hãy trở về A Di Đà, hãy trở về A Di Đà.” Khi thân thể chúng ta bắt đầu suy thoái và xương cốt bắt đầu kêu cót két, chúng ta lại được nhắc, “Hãy trở về A Di Đà, hãy trở về A Di Đà.” Khi dấu hiệu nhỏ nhất của bệnh hoạn gây sợ hãi và lo âu, thân thể cầu xin, “Hãy trở về A Di Đà, hãy trở về A Di Đà.” Và khi cái chết đến, dầu thích hay không, tất cả chúng ta sẽ “Hãy trở về A Di Đà, hãy trở về A Di Đà.” Đây không phải là một sự trốn thoát thế giới mà là một sự khám phá những cội rễ của chúng ta trong thực tại không có thời gian. Sự trở về gồm hai phần – trở về cội rễ và rồi trở lại đời sống hàng ngày – như thế chúng ta có thể sống với một lượng trí huệ và lòng bi.

Trong những bài thơ nổi tiếng nói đến sương có bài thơ của Issa (1763-1828), một nhà thơ tu sĩ Chân tông, mà nhiều bài hài cú tôn vinh những sự vật vô nghĩa – bọ chét, ếch, rắn và đom đóm – cũng như trẻ em, nông dân và thợ rừng. Thuộc truyền thống Chân tông, truyền thống này cho phép tu sĩ lập gia đình từ thế kỷ mười ba, Issa có gia đình trễ và có ba con. Cả ba đều chết trước khi lên một tuổi. Khi mất đứa con thứ ba, một bé gái, ông biểu lộ nỗi buồn rầu :

Thế giới của sương
Là thế giới của sương
Và nhưng, và nhưng...

Một lần ở hội thảo Phật giáo-Thiên Chúa giáo, người đối thoại với tôi trích dẫn bài thơ này để chứng minh rõ ràng Issa chưa đạt đến chứng ngộ. Dòng cuối nói lên ông không thể chấp nhận chân lý vô thường biểu lộ nơi cái chết của con gái. Từ một quan điểm nhị nguyên phân chia bám luyến với không bám luyến, sự giải thích của vị giáo sư này có vẻ vững chắc.

Tuy nhiên từ một quan điểm phi nhị nguyên, thì điều ngược lại mới đúng : bởi vì Issa là một người thức tỉnh trọn vẹn, ông có thể là chính mình một cách triệt để – bám níu, mong mỏi, và thương mến sâu xa người ông yêu quý. Sự buồn rầu đối với việc mất mát đứa con gái yêu quý vượt khỏi những giới hạn của cái hiểu thông thường. Thay vì cố gắng che phủ, đè nén, hay thăng hoa nỗi buồn – mọi thao tác tính toán – Issa có thể hoàn toàn là tự ngã ngu dốt của mình ở trong lòng bi vô biên của Phật. Sự không bám luyến chỉ sống bởi làm việc qua bám luyến ; nếu khác đi, bản thân không bám luyến trở thành chỉ là một chế tạo khác của con người, một đối tượng để bám luyến khác.

Trong hai dòng đầu Issa hoàn toàn đồng ý với chân lý vô thường. Vâng, ông nói, thế giới của sương này là thế giới của sương ; không có vấn đề nào cả về nó. Nhưng đó là một mệnh đề triết học. Khi nó đến với con gái mình, Issa nói, tôi không thể để cho qua, tôi không thể quên – “và nhưng và nhưng.” Trong không gian vô biên do lòng bi chân thật đem lại, Issa không thể làm gì ngoài việc là cái ta sầu muộn của mình. Trong sự giải thoát này, không chỉ Issa mà còn cả đứa con gái cũng thực sự sống động, siêu vượt thời gian và không gian.

Bất cứ khi nào nghĩ đến ẩn dụ sương, tôi nhớ lại một đoạn thơ của Percy Bysshe Sheley trong “Hellas” từ những ngày đi học :

Những thế giới quay tròn trên những thế giới


Từ sáng tạo đến hủy diệt,
Như những bong bóng nước trên một dòng sông,
Lấp lánh, vỡ tung và biến mất.

Đời chúng ta thì ngắn ngủi và thoáng qua, như bong bóng trên dòng sông. Vì lý do này những người Phật giáo Chân tông tôn vinh và trân trọng mỗi khoảnh khắc lấp lánh, tất cả còn quý giá hơn vì nó sẽ tan nhanh và biến mất. Nhưng đời sống, “vỡ tung và biến mất”, cũng là thực tại để xác định và trân trọng giữ gìn.


---o0o---



tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương