Rồi sẽ đi về đâu?



tải về 48.23 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích48.23 Kb.
#14223
Rồi sẽ đi về đâu?

Lữ Giang

Cuốn phim “Des hommes et des dieux” hay “Of Gods and Men” (Những thần linh và những con người) của nhà đạo diễn Pháp Xavier Beauvois đã được trình trước Cannes Film Festival lần thứ 63 vào tháng 5 năm 2010 và được giải Grand Prix. Cuốn phim được chiếu đầu tiên trong 5 tuần tại Pháp đã có 3.202.645 người đi xem.

Đây là một cuốn phim có nội dung tôn giáo hay nhất trong 30 năm vừa qua. Cuốn phim thuật lại câu chuyện của 7 tu sĩ dòng Trappist tại Tibhirine, Algeria, bị những người Hồi Giáo cực đoan sát hại năm 1996. Nội dung cuốn phim tập trung vào thời gian dẫn đến cái chết của họ.

Các tu sĩ Trappist tại Tibhirine là những người cuối cùng chết vì đức tin trong thế kỷ 20. Tất cả 7 vị đều là người Pháp đã đến sống trong một tu viện nằm trong dãy núi Atlas của Algerie. Tất cả hầu như chỉ làm việc giữa những người Hồi Giáo sống trong những thành phố và ngôi làng nhỏ bên cạnh tu viện. Một trong 7 vị là một bác sĩ chuyên chăm sóc y tế cho hàng trăm người nghèo xung quanh.

Thảm kịch được cuốn phim ghi lại cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Hồi Giáo cực đoan xung quanh tu viện. Các tu sĩ vốn đã nghe biết những lời đe dọa cũng như chứng kiến các vụ giết người. Bạo động còn diễn ra gần bên tu viện khi một nhóm người Croatia bị cắt cổ bên ngoài làng. Thế rồi, trong đêm Giáng Sinh năm 1996, một nhóm người có vũ trang đã đột nhập vào tu viện và yêu cầu cho gặp vị tu viện trưởng. Vị này đã ra tiếp đón họ một cách niềm nở. Ngạc nhiên trước thái độ can đảm của vị này, những kẻ vũ trang đành rút lui. Nhưng các tu sĩ Trappist Tibhirine tin rằng họ sẽ trở lại.

Đúng như vậy. Vào giữa đêm khuya, họ đến lôi các tu sĩ ra khỏi giường và nhét vào một chiếc xe tải. Sau đó, họ chở các vị vào trong sa mạc và một buổi sáng đầy tuyết, họ buộc các vị phải đi bộ vào trong một khu rừng. Đây là cảnh cuối cùng trong cuốn phim. Tuy không được ghi lại trong cuốn phim, các tu sĩ Trappist ở Tibhirine đã bị hạ sát và sau đó, người ta tìm thấy những thi thể không đầu của các vị.

Cuốn phim chỉ nói lên một trường hợp điển hình để đánh thức lương tâm nhân loại, nhất là lương tâm của khối Hồi Giáo.

Tuy không được thế giới biết và nói đến nhiều, nhưng thế kỷ 20 vừa qua được coi là thế kỷ có nhiều tín hữu Kitô tử đạo hơn cả 19 thế kỷ trước cộng lại. Các thảm cảnh này đã xẩy ra có khi hàng ngày, có khi hàng tuần... tại các quốc gia theo Hồi Giáo và Ấn Giáo, nhất là ở Phi Châu, Trung Đông, Pakistan, v.v. Cuộc “cách mạng hoa lài” đang làm cho các vụ bạo loạn và tàn sát tăng lên!



NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐẶT RA

Hiện nay, trong khi một số người Việt đấu tranh và “bình luận gia ta” mơ tưởng cuộc “cách mạng hoa lài” sắp lật đổ các chế độ độc tài tại Bắc Phi và Trung Đông để thiết lập các “chế độ dân chủ”, các nhà phân tích trên thế giới đã đặt ra nhiều câu hỏi về biến cố này và thử tìm câu trả lời:

1.- Nghị quyết ngày 17.3.2011 của Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi “áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Libya”, bao gồm cả biện pháp quân sự. Nhưng mục tiêu thật sự của nó là gì? Trước đây tại một số nước đã có những biến cố ghê rợn gây chết chóc cho dân thường gấp trăm ngàn lần ở Libya, tại sao LHQ và các quốc gia Tây phương không can thiệp để “bảo vệ người dân”, nay lại can thiệp vào Libya?

2.- Tại sao Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đi hàng đầu trong việc tấn công Libya?

3.- Tổng Thống Obama là người đã công khai đứng ra kêu gọi lật đổ Tổng Thống Mubarak và Tổng Thống Gaddafi, nhưng sau khi có nghị quyết của LHQ, tại sao Hoa Kỳ chỉ can thiệp lấy lệ rồi tìm cách bán cái cho khối NATO?

4.- Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Gaddafi bị lật đổ hay không bị lật đổ? Cuộc “cách mạng hoa lài” sẽ đưa về đâu?

Điều đáng buồn cười là một số người Việt đấu tranh và các “bình luận gia ta” không thích hay không phổ biến những bài phân tích về cuộc chiến Libya, họ chỉ thích những tin nói về sự “chiến thắng” của cuộc “cách mạng hoa lài” với ước mong nó sẽ tới Việt Nam, trong khi đó các báo chí ở trong nước lại trích dịch hoặc tóm lược những bài phân tích đó khá đầy đủ. Một thí dụ cụ thể: Ngày 20.3.2011, tờ Los Angeles Times, một nhật báo thuộc cở lớn ở Mỹ, đăng bài “As France takes the reins on Libya, Sarkozy triumphs” của Kim Willsher nói về lý do tại sao Tổng Thống Sarkozy đã đứng đầu trong chiến dịch tấn công Libya. Chúng tôi vừa đọc xong bài này và mở vietnamnet ở trong nước ra thì đã thấy có bài “Kiềm chế Libya, Tổng thống Pháp đắc lợi” do Thụy Phương dịch!

Giống như Tổng Thống Thiệu, người Việt đấu tranh ở hải ngoại chỉ thích suy nghĩ và hành động theo cảm tính, bất chấp thực tế như thế nào.



SỐNG CHẾT MẶC BÂY?

Nghị quyết của HĐBA LHQ nói rằng phải lập vùng cấm bay và áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả quân sự, để “bảo vệ người dân”, nhưng chỉ có những kẻ ngây thơ mới tin vào lý do đó.

Trong hai thập niên gần đây nhất, tại các nước Châu Phi và Trung Đông đã có nhiều cuộc đàn áp đối lập hay nội chiến không phải chỉ giết vài ngàn hay vài trăm ngàn mà đã giết vài triệu người dân, nhưng Mỹ, các cường quốc Tây phương và LHQ chỉ can thiệp lấy lệ rồi để “sống chết mặc bây”.

Trong cuộc nội chiến tại Congo từ 1998 đến 2003 đã có từ 3.800.000 đến 5.400.000 người dân bị giết. Phúc trình của LHQ dài 500 trang đã mô tả lại tình hình ở Congo lúc đó như là “địa ngục trần gian”. Phúc trình đã phản ánh một tình trạng vô luật pháp và vô nhân đạo tại đây: Phụ nữ và các bé gái bị cưỡng bức. Đàn ông bị tàn sát. Nạn dân bị giết bằng dao rựa và gậy gộc. Khoảng 800.000 người Tutsi và Hutu ôn hoà đã bị các phần tử Hutu cực đoan sát hại chỉ trong hơn 100 ngày!

Ông Scott Pegg, nhà hoạt động và nghiên cứu về vấn đề Phi Châu đã tuyên bố: “Cuộc chiến Congo là tệ hại nhất, đẫm máu nhất và bẩn thỉu nhất nhưng không được thế giới quan tâm.” Ông muốn ám chỉ thái độ thờ ơ của LHQ, Mỹ và các các cường quốc Tây phương đối với cuộc chiến này.

Ở Sudan, cuộc nội chiến đã kéo dài từ 1983 đến 2005. Dân miền Nam Sudan chống lại chính sách của chính phủ ở thủ đô Khartoum ở miền Bắc vốn theo Hồi Giáo cực đoan. Năm 1983 tổ chức “Sudan People's Liberation Army” (Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan - SPLA) được thành lập để chống lại chính quyền Hồi Giáo miền Bắc. Cuộc chiến đã làm cho khoảng nữa triệu người bị giết, đa số là thường dân. Một cuộc thương thuyết giữa chính phủ Khartoum và SPLA đã đưa tới cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 1 năm 2011 với kết quả 98,83% đồng ý chia Sudan thành hai nước, miền Nam độc lập thân Mỹ còn miền Bắc theo Hồi Giáo, vì ai cũng ngán chiến tranh! Tuy nhiên, chiến tranh giữa các bộ tộc vẫn còn tiếp diễn và càng ngày càng nghiêm trọng, biến Sudan thành một nước bất ổn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Somalia.

Tại Somalia, kể từ năm 1991, cuộc chiến đã xẩy ra giữa hai phe Nam – Bắc khiến khoảng 300.000 người bị giết. Năm 1992 HĐBA LHQ đã phải gởi quân đến gìn giữ hoà bình. Tuy nhiên, lãnh chúa Mohamed Farrah Aidid coi lực lượng LHQ như một đe doạ quyền lực của ông, nên ông cho mở cuộc tấn công quân của LHQ. Ngày 3.10.1995 Tổng Thống Clinton đã cho một đơn vị đặc nhiệm và Delta Force đột nhập vào thủ đô Mogadishu của Somalia, bắt một số sĩ quan của quân đội Aidid, đưa tới một cuộc đụng độ đẩm máu khiến khoảng tứ 500 đến 1500 người Somalia, 18 lính Mỹ và 1 lính Mã Lai bị giết. Các trực thăng chở các đơn vị này bị giữ lại. Cuối cùng Mỹ phải rút khỏi Somalia và sau đó là quân của LHQ. Aidid trở thành Tổng Thống Somalia. Ngày 24.7.1996 khi đang mở cuộc tấn công các lực lượng đối lập, ông bị đau tim và qua đời ngày 1 tháng 8.

Nhưng cuộc chiến chưa dứt. Các lực lượng được Ethiopia và Eritrea hẫu thuận đã đánh lẫn nhau rất ác liệt. Ngày 28.12.2006, quân đội đồng minh tiến vào Mogadishu, các chiến binh Hồi giáo đã bỏ chạy ra khỏi thủ đô. Ngày 31.1.2009, Sheikh Sharif Sheikh Ahmed được bầu làm tổng thống tại khách sạn Kempinski ở Djibouti. Lực lượng của chính phủ có khoảng 10.000 quân được Mỹ yểm trợ, nhưng thủ đô Mogadishu trở thành nơi bất ổn nhất thế giới, quân Mỹ phải rút lui và quân Ethiopia vào thay. Loạn quân Hồi Giáo thường đặt chất nổ các cơ sở của chính phủ và của quân Ethiopia trong thủ đô, bắn tiả lính Ethiopia, nhưng đa số người bị giết là thường dân.

Hiện nay, Somalia được coi là một nước vô chính phủ. Tổng Thống Ahmed chỉ cố gắng bảo vệ thủ đô, còn loạn quân Hồi Giáo kiểm soát các vùng khác. Al-Qaeda đã đến đây hoạt động, tuyển mộ tân binh, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị địa phương chống chính phủ, tổ chức các toán hải tặc đi cuớp tàu trên biển. Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương bỏ mặc.

TẠI SAO TẤN CÔNG LIBYA?

Một vài thí dụ điển hình mà chúng tôi vừa dẫn trên chứng minh mục tiêu của các cường quốc Tây phương và Hoa Kỳ không phải là “bảo vệ người dân” như họ đã nêu ra. Một câu hỏi được đặt ra: Sự tàn sát người dân hay các phe chống đối của Gaddafi không nghĩa lý gì nếu so với 3 cuộc tàn sát vừa nói, tại sao Mỹ và các cường quốc Tây phương đã nhanh chóng nhân danh “bảo vệ người dân” để mở cuộc tấn công vào Libya?

Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng đa số cho rằng dầu lửa là yếu tố chính. Năm 2003, Tổng Thống Bush mở cuộc tấn công vào Iraq bất chấp luật pháp quốc tế cũng vì dầu lửa.

Dầu lửa đã biến Libya thành một quốc gia giàu nhất ở Phi Châu: GDP tính theo đầu người là 12.500 USD, cao nhất Phi Châu; một hệ thống an sinh xã hội cao và rộng rãi đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và giáo dục. Dân số Libya chỉ khoảng 5,8 triệu người mà có đến 1,7 triệu học sinh và sinh viên, hơn 270.000 đang theo học tại các trường đại học. Giáo dục được miễn phí cho mọi người và ai cũng phải học đến cấp hai.

Nhưng Libya có dầu lửa chưa đủ yếu tố để bị tấn công. Libya phải ở một vị trí dễ tấn công và dễ khai thác dầu: Libya nằm ngay bờ biển Địa Trung Hải với các mỏ dầu đều nắm sát bờ biển. 90% dân số Libya sống trên một vùng chiếm chưa tới 10% lãnh thổ, đa số dọc theo bờ biển. Nới đây cũng có thể hình thành một căn cứ quân sự để chế ngự vùng Bắc Phi và Trung Đông rất lý tưởng.

Các phần tử Hồi Giáo quá khích ở Libya đã bị Gaddafi quét sạch, nên sau khi chiếm được, tình hình có thể dễ ổn định hơn.

Congo, Sudan hay Somalia không có dầu lửa hay chỉ có “tiềm năng” dầu lửa, dân chúng lại quá nghèo đói và lạc hậu, can thiệp và đó chẳng những không dẹp nổi loạn mà còn phải “nuôi báo cô”. Để chúng nó giết nhau, chết bớt đi càng nhiều càng tốt, đỡ phải cứu trợ triền miên. Hoa Kỳ, các cường quốc Tây Phương và LHQ ngu hay sao mà đến “bảo vệ người dân” ở những nơi đó?

Ngoài ra, những mưu đồ cá nhân của một số lãnh tụ Âu Châu cũng là một yếu tố khiến họ phải dùng sự “bảo vệ người dân” ở Libya làm chiêu bài.



SARKOZY MUỐN GÌ?

Khi biến cố Libya xẩy ra, Tổng Thống Sarkozy đã tiến lên hàng đầu trong chiến dịch đòi hạ bệ Gaddafi. Chính ông và thủ tướng Anh đã soạn thảo nghị quyết đặt vùng cấm bay và áp dụng bất cứ biện pháp nào để “bảo vệ người dân Libya”. Sau đó, Pháp là nước đầu tiên mở cuộc tấn công vào Lybya. Tại sao Sarkosy hung hăng con bọ xít như vậy?

Một vài tác giả cho rằng Tổng Thống Pháp muốn lợi dụng cơ hội này để biến Phi Châu thành “sân sau” của Pháp như trước đây. Libya có biên giới được 4 nước nói tiếng Pháp bao vây chung quanh là Tunisia, Algeria, Chad và Niger. Chiếm được Libya, Pháp sẽ chế ngự được cả vùng này. Tập đoàn dầu khổng lồ của Pháp là Total sẽ kiểm soát một mỏ dầu quan trọng tại Libya.

Vài tác giả khác tin rằng Pháp muốn biểu diễn cho các nước A-rập và Phi Châu thấy rằng võ khí của Pháp cũng lợi hại không thua gì võ khí của Mỹ và hơn cả võ khí của Nga, để họ mua võ khí của Pháp thay vì của Mỹ hay Nga.

Chúng tôi xin nhắc lại, trong năm 2010 Libya chỉ mua của Pháp 143 triệu Euro vũ khí, trong khi đó lại đặt mua của Nga lên tới 10 tỷ USD.

Hai lý do nói trên hình như không vững lắm. Pháp rất khó lấy lại “sân sau” của mình ở Phi Châu vì tình hình đã đổi khác. Ngay trong vụ lộn xộn ở Bờ Biển Ngà đã gây cho trên 1500 thường dân bị thiệt mạng, Pháp cũng chỉ dự trù tăng cường ở đó 1650 quân để “bảo vệ thường dân Pháp” mà thôi. Pháp không dám can thiệp trực tiếp vào nước cựu thuộc địa này vì sợ nuốt không trôi.

Còn mua vũ khí, Libya và các nước A-rập đã tính toán đúng. Họ phải mua vũ khí ở Nga vì chính sách của Nga ổn định hơn. Trái lại, Mỹ và các cường quốc Tây phương thường trở mặt như trở bàn tay, khi có biến gì họ ngưng cung cấp vũ khí là chết đứng. CSVN cũng đã quyết định mua vũ khí và tàu ngầm của Nga chứ không mua của Mỹ.

Có lẽ lý do được nhiều nhà phân tích ở Pháp nhấn mạnh là đúng nhất: Uy tín của Sarkosy đang xuống thấp tại Pháp, nếu Sarkosy không tạo được biến cố nào đặc biệt, ông sẽ thất cử năm 2012. Vì thế, ông phải nắm lấy cơ hội.

Tuy nhiên, một biến cố mới đang làm Sarkusy dừng lại. Mặc dầu đã có những nỗ lực “biểu dương khí thế” trong vụ Libya, trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh tại Pháp ngày 27.3.2011 vừa qua, Đảng Xã Hội đã dẫn dầu với hơn 35% số phiếu, hơn xa đảng cầm quyền UMP của Tổng Thống Sarkozy về nhì, chỉ được 20% mà thôi. Có lẽ ông phải tìm con đường khác để kiếm phiếu. Ông còn gặp một khó khăn khác là Mỹ từ chối tham dự tích cực vào chiến dịch. Ông đã yêu cầu bà Clinton mạnh mẽ hơn (more forcefully) trong hành động với Libya, nhưng bà trả lời: “Có những khó khăn” (There are difficulties) và từ chối bàn xa hơn. Không có Mỹ tích cực tham dự vào cuộc chiến, Pháp không đủ khả năng thanh toán Libya. Vì thế, Sarkozy đã từ bỏ vai trò lãnh đạo cuộc chiến và trao quyền lãnh đạo lại cho NATO.

OBAMA: “CON VỊT QUÈ”


Như chúng tôi đã nói, đối với các chính khách Mỹ, làm sao đắc cử là vấn đề quan trọng hơn các biến quan trọng trên thế giới. Trong năm tới, ông Obama không những phải làm sao để khỏi thất cử mà còn phải bảo vệ các ghế của Đảng Dân Chủ ở Thượng cũng như Hạ Viện. Nếu ông có một hành động sơ suất nào đó trong các biến cố ở Trung Đông và Nam Phi, Đảng Cộng Hoà sẽ khai thác để đánh bại ông và Đảng Dân Chủ.

Về đối nội, ông đã bị hạch hỏi tại sao đem quân ra tác chiến ở ngoại quốc mà không xin phép Quốc Hội và số chi phí đã được xử dụng ở Libya cho đến nay là bao nhiêu? Trong bài phát biểu tối 28.3.2011, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ không thể lật đổ Gaddfi bằng vũ lực cũng như hao tổn nhiều chi phí như trong cuộc chiến tranh tại Iraq. Ông nói thêm: “Thành thật mà nói, chúng ta đã mất 8 năm để thay đổi chính quyền Iraq, làm hại tới hàng ngàn, hàng vạn lính Mỹ cũng như người dân Iraq và tốn kém gần 1000 tỷ USD.”

Về đối ngoại, như chúng tôi đã nói, thay vì làm một cuộc đảo chánh gọn nhẹ để đưa Tổng Thống Mubarak đi, ông đã dùng cuộc “cách mạng hoa lài” để bứng ông Mubarak, làm cho sự nổi dậy của Hồi Giáo tràn lan khắp Trung Đông và Bắc Phi, khiến Mỹ không biết phải làm thế nào để bảo vệ vùng ảnh hưởng của mình. Tờ New Yorks Times hôm 3.4.2011 có đăng bài “Hoa Kỳ đi nước đôi trong việc tìm cách loại bỏ lãnh tụ của Yemen, một đồng minh” của hai ký giả Laura Kasinof và David E. Sanger. Bài báo tiết lộ rằng trong riêng tư chính quyền Obama vẫn duy trì sự ủng hộ Tổng Thống Saleh của Yemen và hạn chế việc công khai chỉ trích ông ta, mặc dầu lực lượng của ông ta đã bắn vào những người biểu tình ôn hoà, vì ông ta là một đồng minh chống Al-Qaeda.

Trên bào The Telegraph ngày 28.3.2011, bình luận gia Nile Gardiner viết: “Barack Obama trông gióng như một tổng thống vịt què (a lame duck president) không phải chỉ ở quốc nội mà còn ở quốc ngoại, bởi vì chính quyền của ông phải đối phó với những vấn đề phức tạp và những thách thức đe doạ cao.” Vịt què thường cứ nằm nổi trên mặt nước để cho sóng gió đẩy đưa.


RỒI CHUYỆN GÌ SẼ XẨY RA?


Sự thiếu kinh nghiệm của Tổng Thống Obama và việc muốn lợi dụng biến cố Libya để tạo khuôn mặt mới cho mình của Tổng Thống Sarkozy đang làm cho tình hình Trung Đông và Bắc Phi trở nên rối loạn. Hiện nay, do sự cứng rắn của Gaddafi, hai tổ chức Hồi Giáo mạnh và lớn nhất là Al-Quaeda và Huynh Đệ Hồi Giáo chưa đặt được cơ sở ở Libya. Họ sẽ xâm nhập vào sau khi Gaddafi bị lật đổ. Các nhóm nổi dậy ở Libya hiện đang do 4 nhóm Hồi Giáo sau đây lãnh đạo: Hội Gia Đình Hồi Giáo Châu Phi, Hội Nghị Quốc Gia của Đối Lập Libya, Mặt Trận Quốc Gia vì Sự Cứu Rỗi Libya và Liên Đoàn Nhân Quyền Libya. Do đó, nếu chế độ Gaddafi sụp đổ, Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương phải xây dụng được một chế độ độc tài quân phiệt khác mạnh như Gaddafi mới có thể khống chế được khối Hồi Giao và bảo vệ quyền lợi của họ.

Chưa chắc trong một hay hai thế kỷ nữa, nền dân chủ mà người Việt đấu tranh mơ ước có thể đến được tại các nước Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi. Ở đâu kinh Koran và luật Sharia được đội lên đầu, ở đó bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và dân quyền được lót xuống đít ngồi.



Ngày 5.4.2011

Lữ Giang








tải về 48.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương