QuyếT ĐỊNH: Điều Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”



tải về 58.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích58.39 Kb.
#27632

Số 14 + 15 (6 - 08 - 2007)

CÔNG BÁO







ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BẮC KẠN

_______________

Số: 966/2007/QĐ-UBND


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________________________

Bắc Kạn, ngày 27 tháng 06 năm 2007


QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định

về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

____________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN


Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về dạy thêm học thêm;

Theo kết quả thẩm định dự thảo Quyết định về việc quy định dạy thêm học thêm của Sở Tư pháp Bắc Kạn tại Báo cáo số 74/BC-STP ngày 09/5/2007;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn tại Tờ trình số 570/TTr-GD&ĐT ngày 09/5/2007 và căn cứ ý kiến tham mưu mức thu tiền dạy thêm, học thêm của Sở Tài chính tại Công văn số 495/STC-QLNS ngày 13/6/2007,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.




TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH


KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Hoàng Thị Tảo






ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BẮC KẠN

______________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

______________________________________

QUY ĐỊNH

Về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 996/2007/QĐ-UBND ngày 27/6/2007

của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

_________________

Chương I


QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Dạy thêm học thêm được đề cập trong quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học thuộc Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo Dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Văn bản này quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm học thêm.

2. Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện dạy thêm học thêm.

1. Nội dung và phương pháp dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm của tâm sinh lý của người học; không gây nên tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp được miễn giấy phép tại Khoản 3 Điều 11 của Quy định này.

3. Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.



Điều 3. Các trường hợp không thực hiện dạy thêm học thêm.

1. Đối với các trường dạy học 2 buổi trong một ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng cho học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường.

2. Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Chương II


DẠY THÊM HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG

VÀ DẠY THÊM HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG

Điều 4. Dạy thêm học thêm trong nhà trường.

1. Dạy thêm học thêm trong nhà trường là dạy thêm học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.

2. Dạy thêm học thêm trong nhà trường bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp cho học sinh lớp 12. Khi mở lớp dạy thêm, phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 5. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.

1. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức nói tại khoản 1, Điều 4 của Quy định này, hoặc cá nhân thực hiện.

2. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường bao gồm: bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DẠY THÊM HỌC THÊM



Điều 6. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý đối với hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn về dạy thêm học thêm; tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

2. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn theo văn bản hướng dẫn của chính quyền các cấp và ngành Giáo dục và Đào tạo; tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn để kịp thời phát hiện hành vi sai phạm và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Thực hiện việc cấp giấy phép dạy thêm theo quy định.

2. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về dạy thêm học thêm.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

4. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và số điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý có hiệu quả.

Điều 8. Trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo.

1. Quản lý việc dạy thêm học thêm đối với các tổ chức, cá nhân theo phân cấp quản lý.

2. Hướng dẫn các quy định của pháp luật về dạy thêm học thêm cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

3. Tổ chức kiểm tra phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.

4. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và số điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý có hiệu quả tốt.

Điều 9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác.

Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác nói tại Khoản 1, Điều 4 của Quy định này chịu trách nhiệm:

1. Tổ chức và quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường và tại cơ sở giáo dục bảo đảm quyền lợi của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên, cán bộ nhân viên do nhà trường và cơ sở quản lý. Thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình; không cắt xén chương trình, nội dung dạy học đã được quy định để dành cho dạy thêm học thêm.

2. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về dạy thêm học thêm theo quy định; định kỳ tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.



Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường.

1. Thực hiện những quy định tại các văn bản dạy thêm học thêm và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Trước khi thực hiện dạy thêm, người tổ chức dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép về kế hoạch dạy thêm, nội dung dạy thêm, danh sách người học, danh sách người dạy.

2. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất là 30 ngày tính đến ngày tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.

Chương IV

TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO



TỔ CHỨC DẠY THÊM HỌC THÊM

Điều 11. Thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép và thu hồi giấy phép dạy thêm, các trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm.

1. Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép: Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Thủ tục cấp giấy phép:

2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

2.2. Trong trường hợp không cấp giấy phép dạy thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp phép cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều này.

2.3. Hồ sơ xin dạy thêm.

- Đối với cá nhân:

+ Đơn đề nghị cấp phép dạy thêm.

Đối với cán bộ, giáo viên đang công tác có ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp; Đối với các trường hợp khác có ý kiến của UBND cấp xã nơi cư trú.

+ Bằng chuyên nghiệp (bản phô tô công chứng).

+ Kế hoạch dạy thêm của cá nhân, bao gồm: nội dung chương trình, thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất lớp học, số lượng học sinh.

- Đối với tổ chức:

+ Đơn đề nghị cấp phép dạy thêm.

+ Danh sách người dạy có kê khai trình độ, chuyên ngành đào tạo, được cơ quan quản lý trực tiếp xác nhận.

+ Kế hoạch dạy thêm của tổ chức, nhà trường, bao gồm: nội dung chương trình, thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất lớp học, số lượng học sinh.

3. Miễn cấp giấy phép dạy thêm cho những cá nhân:

- Là cán bộ, giáo viên của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục khác trực tiếp dạy thêm tại đơn vị.

- Hợp đồng giảng dạy (thỉnh giảng) cho các trường học, các cơ sở giáo dục khác đã được cấp phép và cá nhân có tên trong danh sách dạy thêm của đơn vị đó.

4. Các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép dạy thêm nếu vi phạm một trong những nội dung sau:

- Không thực hiện đúng kế hoạch dạy thêm đã được cơ quan cấp giấy phép phê duyệt.

- Không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng dạy thêm học thêm nói tại Điều 12 của Quy định này.

Điều 12. Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy thêm học thêm.

1. Người dạy có đủ các tiêu chuẩn sau:

- Đạt trình độ chuẩn theo qui định của Điều lệ trường học.

- Có uy tín, tinh thần trách nhiệm, đạo đức người thầy giáo.

2. Cơ sở vật chất, địa điểm dạy thêm, số lượng học sinh mỗi lớp.

- Có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày/18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Số lượng học sinh trong một lớp không quá 45 học sinh đối với cấp trung học; 25 học sinh đối với cấp tiểu học.

Chương V

MỨC THU VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG TIỀN DẠY THÊM

Điều 13. Hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ được thu tiền khi đã sử dụng hết số giờ dạy của giáo viên theo qui định hiện hành.

Điều 14. Mức thu tiền dạy thêm.

1. Đối với những trường hợp dạy thêm cho học sinh tiểu học nói tại Khoản 2 Điều 3 của Quy định này, mức thu theo thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân với phụ huynh học sinh.

2. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông:

- Khung thu tiền dạy thêm như sau:

+ Cấp trung học cơ sở: từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng/1 buổi/1 lớp.

+ Cấp trung học phổ thông: từ 45.000 đồng đến 150.000 đồng/1 buổi/1 lớp.

- Mức thu: Căn cứ vào khung thu tiền dạy thêm và mức sống của nhân dân địa phương, các tổ chức, cá nhân dạy thêm thoả thuận với phụ huynh học sinh để đưa ra mức thu cụ thể phù hợp với điều kiện chung của địa phương.

Điều 15. Quản lý sử dụng tiền dạy thêm.

1. Tổ chức, cá nhân dạy thêm học thêm ngoài nhà trường được toàn quyền quản lý sử dụng kinh phí thu được.

2. Việc thu tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường do Hiệu trưởng nhà trường tổ chức thông qua giáo viên và tài vụ của nhà trường; việc qui định sử dụng như sau:

- 15% chi cho quản lý, tổ chức lớp học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm.

- 10% bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục (trả tiền điện nước, hao mòn tài sản…).

- 75% chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.



Chương VI

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM



Điều 16. Thanh tra, kiểm tra.

Hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục và của chính quyền các cấp.



Điều 17. Khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.



Điều 18. Xử lý vi phạm.

1. Tổ chức cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

2. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

3. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm học thêm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội thì phải được xử lý thích đáng, bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.



Điều 19. Điều khoản thi hành.

Trong quá trình thực hiện quy định này nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, giải quyết./.






TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH


KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Hoàng Thị Tảo


Каталог: 88257f8b005926f3.nsf
88257f8b005926f3.nsf -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc kạN
88257f8b005926f3.nsf -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập Tự do Hạnh phúc
88257f8b005926f3.nsf -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập Tự do Hạnh phúc
88257f8b005926f3.nsf -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc kạN
88257f8b005926f3.nsf -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
88257f8b005926f3.nsf -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc kạN
88257f8b005926f3.nsf -> UỶ ban nhân dân tỉnh bắc kạN
88257f8b005926f3.nsf -> TỈnh bắc kạn số: 1266/2007/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
88257f8b005926f3.nsf -> TỈnh bắc kạn số: 1287/2007/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
88257f8b005926f3.nsf -> Về việc ban hành Quy chế tiếp nhận và quản lý đối tượng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Kạn

tải về 58.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương