QuyếT ĐỊnh củA Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàu về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa



tải về 89.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích89.82 Kb.
#25126

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 739/2004/QĐ.UB Vũng Tàu, ngày 25 tháng 02 năm 2004
QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng
vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa
-Vũng Tàu

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi);

- Căn cứ Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, ban hành kèm theo quyết định số 06/QĐ-BTNMT ngày 19/9/2003 của Bộ Tài nguyên & Môi trường;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 87/TT-STNMT ngày 15/01/2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp” để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 02/QĐ.UBT ngày 05/01/1998 của UBND Tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp. Mọi quy định của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây về quản lý, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

TM.UBND TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
TRẦN MINH SANH

QUY CHẾ
Quản lý, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp
trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,


Ban hành kèm theo Quyết định số 739/2004/QĐ.UB ngày 25/02/2004
của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
.

CHƯƠNG I


NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Vật liệu san lấp là nguồn tài nguyên quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UBND Tỉnh thống nhất quản lý, chỉ được khai thác để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và dân dụng trên địa bàn tỉnh, không được vận chuyển ra khỏi địa bàn Tỉnh.

2. Quy chế này điều chỉnh các hoạt động về quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những nội dung không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 2: Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vật liệu san lấp bao gồm các loại đất, cát, đất pha cát, đất lẫn đá dăm, cuội, đất phún (laterit) đạt tiêu chuẩn sử dụng để san lấp, cấp phối trong xây dựng công trình nói chung;

2. Mỏ vật liệu san lấp là những tích tụ vật liệu san lấp có số lượng và chất lượng đạt chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khai thác mỏ, đã được quy hoạch khoanh vùng khai thác;

3. Khảo sát địa chất vật liệu san lấp là hoạt động khảo sát thực tế, lấy mẫu phân tích, nghiên cứu tư liệu địa chất về vật liệu san lấp nhằm xác định chất lượng, trữ lượng vật liệu san lấp và chứng minh vùng dự kiến khai thác không có khoáng sản khác có giá trị cao hơn;

4. Khai thác vật liệu san lấp là hoạt động khai đào và các hoạt động liên quan trực tiếp nhằm thu vật liệu san lấp;

5. Tận thu vật liệu san lấp là hoạt động không nhằm mục đích chính là kinh doanh vật liệu san lấp mà chỉ nhằm mục đích tận thu vật liệu san lấp dư thừa trong khuôn khổ các dự án xây dựng công trình nói chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kể cả việc đào ao hồ, cải tạo mặt bằng đất để canh tác hoặc xây dựng của các tổ chức, cá nhân và việc bóc đất tầng phủ để khai thác khoáng sản.



Điều 3: Mọi hoạt động khảo sát địa chất, khai thác, khai thác tận thu vật liệu san lấp để phục vụ san lấp công trình đều phải xin phép, trừ các trường hợp quy định tại điều 62, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Điều 4: Đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách của tỉnh, khối lượng vật liệu san lấp dư thừa sẽ được các ngành chức năng tính toán giá trị trình UBND Tỉnh trừ vào nguồn vốn cấp.
CHƯƠNG II

THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU SAN LẤP

Điều 5: Thẩm quyền của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu:

1. UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và vật liệu san lấp nói riêng trên địa bàn Tỉnh theo Luật Khoáng sản và Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi).

2. UBND Tỉnh là cấp duy nhất có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác mỏ vật liệu san lấp. Nghiêm cấm UBND các Huyện, Thành phố, Thị xã, Xã, Phường, Thị trấn cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp dưới mọi quy mô hình thức.

3. UBND Tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép tận thu vật liệu san lấp trong quá trình đào ao hồ để chứa nước, nuôi trồng thuỷ sản, san hạ cải tạo mặt bằng đất để canh tác hoặc xây dựng cho các tổ chức, cá nhân trên cơ sở ý kiến chấp thuận và đề nghị của UBND huyện theo các Điều 17, 18 của Quy chế này.

4. Đối với các trường hợp không phải xin phép theo quy định tại điều 62, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi): khai thác tận thu vật liệu san lấp trong khuôn khổ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế xây dựng hoặc khai thác tận thu vật liệu san lấp trong phạm vi đất đã được Chính phủ giao cho các tổ chức và cá nhân sử dụng mà không nhằm mục đích chính là kinh doanh vật liệu san lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra công suất, khối lượng, thiết bị, kế hoạch khai thác tận thu do tổ chức cá nhân đăng ký và có văn bản thỏa thuận các nội dung đã đăng ký cho các tổ chức và cá nhân.

5. Sau khi cấp phép tận thu vật liệu san lấp hoặc thỏa thuận đăng ký đối với các trường hợp không phải xin phép, Sở Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo đầy đủ cho UBND Tỉnh và thông báo cho UBND địa phương biết để phối hợp quản lý.



Điều 6: Thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản nói chung và vật liệu san lấp nói riêng trên địa bàn tỉnh theo Thông tư Liên tịch số 01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2003 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường – Nội vụ và quyết định số 6941/QĐ.UB ngày 25/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ giúp UBND Tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, cấp mỏ vật liệu san lấp, đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vật liệu san lấp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững của Tỉnh và bảo vệ tài nguyên môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp nhận đơn, hồ sơ xin cấp, gia hạn giấy phép khai thác, khai thác tận thu vật liệu san lấp:

- Chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, tham mưu đề xuất trình UBND Tỉnh xem xét cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác vật liệu san lấp, kiểm tra việc thực hiện sau giấy phép và xử lý vi phạm theo thẩm quyền;

- Cấp phép tận thu vật liệu san lấp theo uỷ quyền của UBND Tỉnh hoặc đăng ký, thỏa theo cho tận thu vật liệu san lấp đúng luật Khoáng sản, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Quy chế này, phối hợp với UBND huyện kiểm tra việc thực hiện sau khi cấp phép hoặc sau khi đăng ký, thỏa thuận cho tận thu vật liệu san lấp;

- Phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương và các cơ quan hữu trách trong công tác quản lý hoạt động khai thác vật liệu san lấp từ khâu quy hoạch, cấp phép, kiểm tra việc thực hiện sau giấy phép và kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác vật liệu san lấp không phép, trái phép.

Điều 7: Các Sở Ban Ngành chức năng, theo phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương trong công tác quản lý vật liệu san lấp từ bước lập, thẩm định, phê duyệt các dự án quy hoạch, Dự án đầu tư, thiết kế dự toán các công trình có sử dụng vật liệu san lấp đến việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý vật liệu san lấp, cụ thể như sau:

1. Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm định kỹ các dự án quy hoạch, dự án đầu tư, thiết kế dự toán các công trình có sử dụng vật liệu san lấp trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền, không thẩm định, phê duyệt các dự án có sử dụng vật liệu san lấp nhưng không tính toán nhu cầu về khối lượng, chủng loại vật liệu san lấp, giá trị dự toán và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thỏa thuận về nguồn cung cấp vật liệu san lấp;

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá không quyết toán khối lượng vật liệu san lấp có nguồn gốc bất hợp pháp đối với những công trình đầu tư bằng vốn ngân sách;

3. Công an tỉnh chỉ đạo cho Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh và lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát kinh tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng, phương tiện vi phạm Quy chế này và các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật khi được yêu cầu phối hợp giúp đỡ.



Điều 8: UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn, xã, phường (gọi chung là cấp huyện, xã) theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn vật liệu san lấp chưa khai thác ở địa phương, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, tài sản của nhà nước và công dân;

2. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho tổ chức, cá nhân được phép khảo sát và khai thác vật liệu san lấp theo quy định của pháp luật;

3. Tuyên truyền giáo dục, giám sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản và Quy chế này, tham gia giải quyết tranh chấp về quyền khai thác vật liệu san lấp và xử phạt theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản phát sinh tại địa phương theo quy định của pháp luật;

4. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu trách trong công tác quản lý hoạt động khai thác vật liệu san lấp từ khâu quy hoạch, cấp phép, kiểm tra việc thực hiện sau giấy phép và kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác vật liệu san lấp không phép, trái phép.

5. UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về mọi hoạt động khai thác vật liệu san lấp không có giấy phép, khai thác trái phép trên địa bàn quản lý. UBND huyện, xã phải thường xuyên kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường biết để phối hợp xử lý các trường hợp khai thác vật liệu san lấp trái phép trên địa bàn.


CHƯƠNG III

NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
KHAI THÁC - KHAI THÁC TẬN THU VẬT LIỆU SAN LẤP


Điều 9: Nghĩa vụ của tổ chức khai thác vật liệu san lấp:

1. Nộp lệ phí cấp giấy phép, tiền sử dụng số liệu, thông tin về tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, thuế tài nguyên, ký quỹ phục hồi môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định chung của pháp luật;

2. Bảo đảm hoạt động khai thác vật liệu san lấp phù hợp với dự án đầu tư (hoặc đề án khai thác), báo cáo đánh giá tác động môi trường và nội dung giấy phép được cấp;

3. Tận thu tối đa nguồn vật liệu san lấp, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác;

4. Thu thập, lưu giữ thông tin liên quan đến hoạt động khai thác và báo cáo định kỳ hàng tháng, 6 tháng, năm về kết quả hoạt động khai thác cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác có liên quan cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

5. Đăng ký ngày bắt đầu hoạt động khai thác, kế hoạch khai thác với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND địa phương (huyện, xã) nơi có mỏ trước khi thực hiện;

6. Thực hiện các nghĩa vụ về việc đảm bảo quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có mỏ khai thác: kết hợp yêu cầu của hoạt động khai thác với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường môi sinh và đất đai sau khai thác theo Dự án đầu tư, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án khai thác đã được chấp thuận; ưu tiên thu hút lao động địa phương vào hoạt động khai thác và các hoạt động có liên quan;

7. Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác gây ra theo quy định của pháp luật;

8. Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động khai thác cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản trước khi giấy phép khai thác hết hạn; thực hiện việc đóng cửa mỏ khi giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực và bàn giao các công trình thực hiện theo dự án, đề án cho cơ quan chức năng quản lý;

9. Thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.



Điều 10: Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép tận thu vật liệu san lấp:

1. Nộp lệ phí giấy phép (trừ các trường hợp không phải xin phép theo quy định tại điều 62, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính Phủ), các khoản thuế theo quy định của Pháp luật đối với khối lượng vật liệu san lấp tận thu được;

2. Tuân thủ đúng nội dung giấy phép hoặc thỏa thuận cho tận thu vật liệu san lấp; Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, bảo đảm khả năng sử dụng hợp lý đất đai sau khi kết thúc khai thác tận thu vật liệu san lấp theo đúng mục đích ban đầu;

3. Đăng ký ngày bắt đầu thực hiện theo giấy phép và báo cáo kế hoạch thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND địa phương (huyện, xã) trước khi thực hiện;

4. Báo cáo kết quả thực hiện giấy phép cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND địa phương (huyện, xã) trong thời gian 10 ngày kể từ ngày giấy phép hết hiệu lực.

5. Thực hiện các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;


CHƯƠNG III



NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP
KHAI THÁC – KHAI THÁC TẬN THU VẬT LIỆU SAN LẤP


Điều 11: Đối tượng được cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp:

1. Là Tổ chức kinh tế Việt Nam được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, có chức năng khai thác khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp, đăng ký kinh doanh hợp lệ;

2. Ưu tiên cấp phép khai thác cho các đơn vị tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn ngân sách của Tỉnh, chủ đầu tư các công trình đổi bằng quỹ đất cần nguồn vật liệu san lấp lớn nếu đủ điều kiện;

3. Ưu tiên cho các doanh nghiệp trong Tỉnh có cùng điều kiện.



Điều 12: Những căn cứ để cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp:

1. Sự phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

2. Sự phù hợp với quy hoạch khai thác vật liệu san lấp được UBND Tỉnh phê duyệt, có tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của từng hoạt động khai thác vật liệu san lấp cụ thể trên từng địa bàn, gắn liền với các yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nói chung, không làm hư hại các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, di tích lịch sử văn hóa;

3. Các điều kiện về tư cách pháp lý của chủ đơn theo quy định của pháp luật và các điều kiện cụ thể khác theo quy định của Quy chế này;

4. Kết quả khảo sát địa chất và trữ lượng vật liệu san lấp ở khu vực xin khai thác được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định (nếu có);

5. Dự án đầu tư (hoặc đề án khai thác), Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật;



Điều 13: Mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện trong việc thỏa thuận chủ trương cho phép đầu tư khai thác vật liệu san lấp:

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin được đầu tư khai thác vật liệu san lấp tại các mỏ trong quy hoạch khai thác vật liệu san lấp đã được UBND Tỉnh phê duyệt của tổ chức, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản hỏi ý kiến UBND huyện nơi có mỏ trước khi xem xét trình UBND Tỉnh chấp thuận về nguyên tắc cho tổ chức được lập thủ tục đầu tư khai thác mỏ vật liệu san lấp.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện phải có văn bản trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu quá thời hạn kể trên mà UBND huyện không có văn bản trả lời thì xem như UBND huyện đồng ý cho các tổ chức được lập thủ tục đầu tư khai thác mỏ vật liệu san lấp.

Điều 14: Thủ tục xin khai thác vật liệu san lấp:

Tổ chức muốn được khai thác vật liệu san lấp phải gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường hồ sơ sau:

1. Đơn xin khai thác vật liệu san lấp (theo mẫu);

2. Báo cáo kết quả khảo sát địa chất vùng dự kiến khai thác (nếu có);

3. Dự án đầu tư hoặc đề án khai thác được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành. Nội dung Dự án phải nêu rõ định hướng và thiết kế sử dụng lại mặt bằng sau khai thác hợp lý;

4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê chuẩn;

5. Bản đồ khu vực khai thác vật liệu san lấp trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ không nhỏ hơn 1/5.000, có hệ thống tọa độ vuông góc VN2000 (theo mẫu);

6. Bản sao công chứng về tư cách pháp nhân của chủ đơn.

Trong thời hạn không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức (không kể thời gian Sở Tài nguyên và Môi trường thu thập ý kiến của các cơ quan hữu trách và thời gian tổ chức bổ sung hồ sơ theo yêu cầu), Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định cấp giấy phép khai thác hoặc trả lời tổ chức bằng văn bản về lý do giấy phép không được cấp.

Điều 15: Để được gia hạn giấy phép khai thác vật liệu san lấp thì trước ngày giấy phép hết hạn không ít hơn chín mươi (90) ngày, tổ chức phải gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác vật liệu san lấp (theo mẫu);

2. Báo cáo kết quả hoạt động khai thác kể từ ngày giấy phép có hiệu lực đến thời điểm xin gia hạn, các nghĩa vụ đã thực hiện: nộp thuế, bồi thường thiệt hại, bảo vệ môi trường, phục hồi đất đai ở các diện tích đã chấm dứt hoạt động khai thác; Trữ lượng vật liệu san lấp còn lại và diện tích xin tiếp tục khai thác;

3. Bản đồ hiện trạng mỏ tại thời điểm xin gia hạn;

4. Văn bản kiểm tra và đề nghị của UBND huyện sở tại.

Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường phải xem xét trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định gia hạn giấy phép khai thác hoặc trả lời tổ chức bằng văn bản về việc giấy phép không được gia hạn.

Trong trường hợp giấy phép khai thác vật liệu san lấp đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét thì giấy phép đó tiếp tục có hiệu lực đến thời điểm được gia hạn hoặc có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn.

Điều 16: Đăng ký khu vực khai thác:

Giấy phép khai thác vật liệu san lấp do UBND Tỉnh cấp kèm theo bản đồ khu vực khai thác được chuyển đến đăng ký tại Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi giao giấy phép cho chủ đơn; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi đến Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam để báo cáo (01 bộ) và thông báo cho UBND huyện nơi có mỏ biết để phối hợp quản lý.



Điều 17: Thủ tục xin phép đào ao hồ, san hạ cải tạo mặt bằng đất có tận thu vật liệu san lấp:

Tổ chức, cá nhân muốn được phép đào ao, hồ để chứa nước, nuôi trồng thuỷ sản, san hạ cải tạo mặt bằng đất để canh tác hoặc xây dựng có tận thu vật liệu san lấp phải gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Đơn xin đào ao, hồ, cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu vật liệu san lấp. Trong đó nêu rõ lý do, mục đích, vị trí, diện tích, độ sâu đào ao, khối lượng, thời gian thực hiện và cam kết nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, sử dụng đất đai và bị thu hồi quyền sử dụng đất. Đơn xin phải được xác nhận của UBND xã sở tại;

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kèm theo bản đồ giải thửa khu đất xin đào ao hồ, cải tạo mặt bằng tỷ lệ không nhỏ hơn.000 được UBND xã hoặc Phòng Địa chính huyện xác nhận;

3. Bản đồ địa hình tỷ lệ không nhỏ hơn 1/5.000 thể hiện tình trạng ao hồ, mặt bằng sau khi kết thúc tận thu vật liệu san lấp, có các mặt cắt đặc trưng để minh hoạ;

4. Biên bản xác minh thực địa của các cơ quan chức năng của UBND huyện;

5. Văn bản chấp thuận của UBND huyện về việc đào ao hồ, san hạ mặt bằng cải tạo đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép tận thu vật liệu san lấp với các điều kiện không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, các khu quy hoạch và lợi ích công cộng khác;

6. Thỏa thuận của Sở Xây dựng trong trường hợp vị trí đào ao, hồ, cải tạo mặt bằng thuộc khu vực quy hoạch dân cư, công nghiệp, du lịch, nội thành, nội thị.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa và cấp giấy phép hoặc trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản về lý do giấy phép không được cấp.

Điều 18: Thủ tục xin gia hạn giấy phép đào ao hồ, cải tạo mặt bằng đất tận thu vật liệu san lấp:

Để được gia hạn giấy phép đào ao hồ, cải tạo mặt bằng đất tận thu vật liệu san lấp thì trước ngày giấy phép hết hạn không ít hơn 15 ngày, tổ chức, cá nhân phải gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Đơn xin gia hạn giấy phép tận thu vật liệu san lấp khi đào ao hồ, cải tạo mặt bằng đất, có nêu rõ kết quả hoạt động khai thác tận thu kể từ ngày giấy phép có hiệu lực đến thời điểm xin gia hạn, các nghĩa vụ đã thực hiện (nộp thuế, bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác); Trữ lượng vật liệu san lấp còn lại và diện tích xin tiếp tục khai thác tận thu;

2. Văn bản đề nghị cho gia hạn giấy phép của UBND huyện;

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường phải xem xét quyết định gia hạn giấy phép hoặc trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản về lý do giấy phép không được gia hạn.

Điều 19: Giấy phép khai thác vật liệu san lấp, giấy phép đào ao, hồ, cải tạo mặt bằng đất kết hợp tận thu vật liệu san lấp bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

1. Sau 12 tháng đối với giấy phép do UBND Tỉnh cấp và sau 60 ngày đối với giấy phép do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép chưa bắt đầu hoạt động khai thác, đào ao, hồ, cải tạo mặt bằng mà không có lý do chính đáng;

2. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác vật liệu san lấp, đào ao, hồ, cải tạo mặt bằng vi phạm một trong các quy định của các điều 9, 10 của Quy chế này mà không khắc phục trong thời hạn do Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu bằng văn bản.

CHƯƠNG IV



SỬ DỤNG VẬT LIỆU SAN LẤP

Điều 20: Tất cả các dự án đầu tư, dự án quy hoạch có sử dụng vật liệu san lấp đều phải tính toán cụ thể nhu cầu về khối lượng, chủng loại vật liệu san lấp, khả năng cân đối đào đắp trong phạm vi dự án để hạn chế tối đa mức sử dụng vật liệu san lấp, dự kiến nguồn cung cấp vật liệu san lấp (sau khi thỏa thuận với Sở Tài nguyên và Môi trường) và giá trị dự toán trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND Tỉnh không phê duyệt các dự án trên nếu chưa có tính toán cụ thể về khối lượng vật liệu san lấp và nguồn từ đâu.

Điều 21: Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp để thi công xây dựng công trình nói chung, khi ký hợp đồng mua vật liệu san lấp và khi thực hiện hợp đồng, có quyền và có trách nhiệm yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp vật liệu san lấp:

- Xuất trình giấy phép khai thác hoặc khai thác tận thu vật liệu san lấp của cấp có thẩm quyền;

- Có Hóa đơn xuất hàng theo quy định của Bộ tài chính;

Điều 22: Các trường hợp ký hợp đồng sai nguyên tắc với đơn vị không có chức năng, không có giấy phép khai thác hoặc khai thác tận thu vật liệu san lấp, không có hóa đơn xuất hàng, không chứng minh được tính hợp pháp của nguồn vật liệu san lấp thì tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu san lấp, chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như là đồng loã với tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu san lấp trái phép và không được quyết toán khối lượng vật liệu san lấp nếu sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách.

CHƯƠNG V


THANH TRA VIỆC QUẢN LÝ, KHAI THÁC,
SỬ DỤNG VẬT LIỆU SAN LẤP


Điều 23: Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về khoáng sản nói chung và vật liệu san lấp nói riêng. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về khoáng sản tuân theo quy định tại các điều 59, 60 của Luật Khoáng sản và các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 24: Hoạt động Thanh tra khoáng sản và vật liệu san lấp chỉ tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo chính xác, khách quan, công khai và kịp thời. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra khoáng sản và vật liệu san lấp.

Điều 25: Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hành vi hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính của Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên;

Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền khởi kiện về quyết định hoặc biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Điều 26: Tổ chức, cá nhân là đối tượng được thanh tra có nghĩa vụ:

- Cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu, chứng từ, sổ sách theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu cung cấp;

- Thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định của Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên và báo cáo kết quả thực hiện trong thời hạn quy định của Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên;

- Trường hợp có khiếu nại thì trong khi chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định của Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên.


CHƯƠNG VI



XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27: Tổ chức, cá nhân khai thác, khai thác tận thu vật liệu san lấp không có giấy phép của cấp có thẩm quyền, khai thác vật liệu san lấp trái phép, cản trở việc bảo vệ tài nguyên vật liệu san lấp, cản trở hoạt động khai thác hoặc khai thác tận thu vật liệu san lấp hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cản trở việc kiểm tra, thanh tra về vật liệu san lấp hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật và Quy chế này thì tuỳ thuộc mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).

CHƯƠNG VII



ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28: Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, xã triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, sửa đổi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định.

TM. UBND TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
TRẦN MINH SANH
Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 89.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương