QuyếT ĐỊnh ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ ban thưỜng vụ thành đOÀN thành phố HỒ chí minh



tải về 193.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích193.65 Kb.
#25864




ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH TP. HỒ CHÍ MINH

*** TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 8 năm 2009

Số: 151/QĐ-ĐTN



QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ

______
BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


- Căn cứ Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Căn cứ Quyết định số 705-QĐ/TU ngày 24/3/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về phân cấp quản lý cán bộ;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Thành Đoàn khóa VIII, nhiệm kỳ (2007 – 2012);

- Căn cứ Quyết định số 140/QĐ-ĐTN ngày 30/7/2009 của Ban Thường vụ Thành Đoàn ban hành Quy định về tiêu chuẩn cán bộ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh;

- Xét đề nghị của Ban Tổ chức Thành Đoàn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản về phân cấp quản lý cán bộ do Ban Thường vụ Thành Đoàn ban hành trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3: Ban Chấp hành Thành Đoàn, các Ban, Trung tâm, Văn phòng Thành Đoàn; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Thành Đoàn; các Quận – Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn và các tập thể, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

TM. BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN


Nơi nhận:

- Như điều 3;

- TW Đoàn: Ban Bí thư, Ban Tổ chức,

Ban TNTH, Ban TNCNĐT, UBKT, VP,

Phòng CT Đoàn phía Nam;

- Thành ủy: TT, BDV, BTC, BTG, UBKT, VP;

- Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn;

- Công Đoàn cơ sở cơ quan Thành Đoàn;

- Đoàn cơ quan Thành Đoàn;

- Lưu (Q).


BÍ THƯ
(Đã ký)


Nguyễn Văn Hiếu

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH TP. HỒ CHÍ MINH

*** TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 8 năm 2009


QUY ĐỊNH

Về phân cấp quản lý cán bộ

_______

(Ban hành kèm theo Quyết định số 151/QĐ-ĐTN ngày 07 /8/2009

của Ban Thường vụ Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nội dung công tác quản lý cán bộ.
1. Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động và luân chuyển cán bộ.

2. Đánh giá cán bộ.

3. Quy hoạch, đào tạo và huấn luyện cán bộ.

4. Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

5. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

6. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

7. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ và công tác cán bộ.

8. Phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 2: Nguyên tắc quản lý cán bộ.
1. Công tác quản lý cán bộ phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Thành Đoàn, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, đồng thời phát huy trách nhiệm cá nhân, trước tiên là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ.
2. Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách về công tác quản lý cán bộ (đánh giá, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật,…) phải do người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tập thể cấp ủy và cấp bộ Đoàn có thẩm quyền đề xuất, thẩm định, thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và ý kiến của tập thể cấp ủy, cấp bộ Đoàn có thẩm quyền thì phải báo cáo với cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên xem xét, quyết định. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn thì áp dụng theo cơ chế Thủ trưởng và các quy chế, quy định của đơn vị theo đúng thẩm quyền và phân cấp quản lý của Ban Thường vụ Thành Đoàn.
3. Cá nhân đề xuất, cơ quan thẩm định, tập thể quyết định về cán bộ phải chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định, quyết định của mình.
4. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải chấp hành nghiêm chỉnh các nghị quyết, quyết định của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn; cơ quan, đơn vị cấp dưới phải chấp hành quyết định của cơ quan, đơn vị cấp trên về công tác cán bộ.
5. Ban Thường vụ Quận – Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (sau đây viết tắt là TNHH) một thành viên trực thuộc Thành Đoàn chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt trong phạm vi được phân cấp và chịu trách nhiệm trước cấp ủy và Ban Thường vụ Thành Đoàn về cán bộ thuộc quyền quản lý và sử dụng của mình.
6. Trong trường hợp một người đồng thời được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cấp khác nhau thì áp dụng theo các quy định hiện hành về phân cấp quản lý cán bộ.
Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CẤP BỘ ĐOÀN,

TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN TRONG QUẢN LÝ CÁN BỘ
Điều 3: Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ban Chấp hành Thành Đoàn).

1. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Thành ủy và Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quyết định của Trung ương Đoàn, Thành ủy và Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Căn cứ quy định về công tác cán bộ của Trung ương Đoàn và Thành ủy, Ban Chấp hành Thành Đoàn có trách nhiệm chuẩn bị đề án, thực hiện các bước theo hướng dẫn về nhân sự trong Ban Chấp hành, trong Ban Thường vụ, trong Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn trình Đại hội, Hội nghị Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh hoặc hội nghị Ban Chấp hành Thành Đoàn xem xét, quyết định theo quy định của Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.
3. Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành Đoàn; bầu Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn.
4. Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 4: Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ban Thường vụ Thành Đoàn).
1. Quyết định phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Thành Đoàn theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành Thành Đoàn.

2. Thảo luận và quyết định các vấn đề do các Ban chức năng trình trên cơ sở thống nhất đề nghị của Thường trựcThành Đoàn về công tác cán bộ, cụ thể:

2.1. Tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí, phân công công tác; giới thiệu ứng cử, chỉ định; quy hoạch, đào tạo, huấn luyện; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật; giải quyết thôi việc và thực hiện chính sách đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý (theo phụ lục số 01 đính kèm).

2.2. Chuẩn bị nhân sự, xin ý kiến Trung ương Đoàn, Thành ủy, Ban Chấp hành Thành Đoàn về các chức danh: Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Thành Đoàn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn.
2.3. Đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy về bố trí, phân công công tác, nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng cấp nhà nước, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chính sách đối với các chức danh cán bộ đang công tác tại cơ quan Thành Đoàn thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy.
3. Quyết định nhân sự Bí thư và Phó Bí thư các Quận - Huyện Đoàn và tương đương trực thuộc Thành Đoàn.
4. Quyết định nhân sự giữ chức vụ chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh.
5. Quyết định quy hoạch cán bộ dự bị các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.
6. Cho ý kiến về đề nghị xét tặng các loại huân chương, các danh hiệu nhà nước cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
7. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH 01 thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
Điều 5: Trách nhiệm và quyền hạn của Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Thường trực Thành Đoàn, gồm Bí thư và các Phó Bí thư Thành Đoàn).
1. Chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các quyết định về quy hoạch, đào tạo cán bộ và công tác cán bộ đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành Đoàn thông qua.

2. Được Ban Thường vụ Thành Đoàn ủy quyền:

2.1. Quyết định việc nghỉ hưu theo chế độ, việc thực hiện chế độ và chính sách tiền lương, cử đi học, đi công tác nước ngoài đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.

2.2. Quyết định nhân sự bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Quận – Huyện Đoàn và tương đương; nhân sự giám đốc Nhà Thiếu nhi Quận – Huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn (trường hợp cần thiết xin ý kiến Ban Thường vụ Thành Đoàn trước khi quyết định).
2.3. Quyết định thẩm tra cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý khi có vấn đề về lịch sử chính trị cần xem xét theo quy định hiện hành về bảo vệ chính trị nội bộ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận.
2.4. Quyết định nhân sự tham gia các tổ chức liên ngành.
2.5. Cho ý kiến về nhân sự Trưởng các phòng, ban tại các đơn vị báo chí trước khi Ban Biên tập ra quyết định bổ nhiệm.
2.6. Cho ý kiến về luân chuyển (ra khỏi khối cơ quan Thành Đoàn) đối với công chức, viên chức thuộc diện đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn trực tiếp quản lý.
2.7. Xét duyệt danh sách các cá nhân thuộc diện Thường trực và Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng các đơn vị có nhu cầu giữ lại để tiếp tục tham gia hỗ trợ đơn vị.
2.8. Quyết định nhân sự tham gia làm đại diện phần vốn của Thành Đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần; nhân sự tham gia Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Phó Giám đốc các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
2.9. Duyệt kế hoạch quy hoạch, đào tạo cán bộ và tổ chức bộ máy của các Ban, Trung tâm, đơn vị sự nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
2.10. Quyết định việc tuyển dụng mới cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn.
2.11. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ theo quy định của Điều lệ Đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giải quyết thôi việc đối với cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn (trừ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý).
2.12. Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn; quyết định xét trợ cấp khó khăn đối với cán bộ theo quy định.
2.13. Tổ chức hoặc tham gia tổ chức tang lễ cán bộ từ trần theo quy định.
3. Định kỳ hàng quý, Thường trực Thành Đoàn báo cáo Ban Thường vụ Thành Đoàn những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ được ủy quyền.
Điều 6: Trách nhiệm và quyền hạn của các Quận - Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn (gọi tắt là các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn).
1. Ban Chấp hành các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn:

1.1. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành Đoàn về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành Đoàn, Cấp ủy và Ban Chấp hành Đoàn cấp mình về cán bộ và công tác cán bộ tại đơn vị.
1.2. Căn cứ quy định của Trung ương Đoàn, Thành Đoàn và Cấp ủy cùng cấp, xây dựng đề án nhân sự đại hội, đề án bổ sung nhân sự khi khuyết, thực hiện các bước về công tác cán bộ (thăm dò, giới thiệu,…) và quyết định số lượng, nhân sự tham gia Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra (đối với Quận - Huyện Đoàn và tương đương).
1.3. Xem xét cho rút tên, xóa tên và thôi giữ các chức danh trong Ban Chấp hành Đoàn cấp mình. Tổ chức Hội nghị bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (đối với Quận - Huyện Đoàn và tương đương) khi khuyết và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành Đoàn và Cấp ủy cùng cấp.
1.4. Quyết định kiểm tra công tác cán bộ thuộc thẩm quyền.
2. Ban Thường vụ các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn:

2.1. Quyết định phân công công tác các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành cơ sở Đoàn.
2.2. Trên cơ sở đề nghị của đồng chí Bí thư và thống nhất của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn thảo luận và quyết định:
2.2.1. Tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí, phân công công tác, giới thiệu ứng cử, chỉ định bổ sung; xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo, huấn luyện cán bộ; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chính sách đối với cán bộ thuộc diện cơ sở Đoàn quản lý.
2.2.2. Xin ý kiến Ban Thường vụ Thành Đoàn và Cấp ủy cùng cấp những nội dung sau (trước khi thực hiện):

- Cho rút tên và giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh trong Ban Chấp hành cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn trước khi tổ chức hội nghị Ban Chấp hành bầu bổ sung;

- Bổ nhiệm Giám đốc Nhà Thiếu nhi Quận – Huyện.

- Việc bố trí, thay đổi nhân sự Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quận - Huyện Đoàn và tương đương phải trao đổi thống nhất với Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn; trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận - Huyện Đoàn và tương đương với Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn thì báo cáo Thường trực Thành Đoàn xem xét, quyết định.


2.3. Quyết định phân cấp quản lý cán bộ và kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ đối với cơ sở Đoàn trực thuộc.
2.4. Chuẩn y Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư các cơ sở Đoàn trực thuộc; chỉ định bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ cơ sở Đoàn trực thuộc, khi cần thiết chỉ định Bí thư, Phó Bí thư cơ sở Đoàn trực thuộc. Chỉ định tăng thêm số lượng Ủy viên Ban Chấp hành của cơ sở Đoàn trực thuộc trong phạm vi 15% so với số lượng Ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội đại biểu Đoàn cùng cấp quyết định.
2.5. Quyết định cho Ban Chấp hành cơ sở Đoàn trực thuộc bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành với số lượng vượt quá 2/3 Ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định nhưng không quá số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu về công tác cán bộ (phải có văn bản báo cáo và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành Đoàn và Cấp ủy cùng cấp).
Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP,

CÔNG TY TNHH 01 THÀNH VIÊN TRỰC THUỘC THÀNH ĐOÀN

Điều 7: Trách nhiệm và quyền hạn của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn.
Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn phối hợp với Cấp ủy đơn vị có trách nhiệm:

1. Trực tiếp quản lý cán bộ - công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị không thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý (quy hoạch, đào tạo, bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết nghỉ hưu, thôi việc,…) theo quy định của pháp luật và những quy định khác của đơn vị đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị.
2. Phân công, theo dõi, nhận xét quá trình công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.
3. Chuẩn bị nhân sự báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn xem xét bổ nhiệm hoặc cho ý kiến trước khi bổ nhiệm đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn quản lý tại đơn vị.
4. Xây dựng kế hoạch và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự bị cho các chức danh thuộc quyền quản lý và quy hoạch nguồn cán bộ dài hạn cho đơn vị.
Điều 8: Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thành viên các Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
1. Hội đồng thành viên các công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn trực tiếp quản lý cán bộ và người lao động tại đơn vị (không thuộc diện Thành Đoàn quản lý).

2. Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm:

2.1. Quyết định tổ chức, bộ máy công ty theo Điều lệ công ty quy định.

2.2. Chuẩn bị nhân sự báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành Đoàn xem xét bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Ban Kiểm soát công ty. Có ý kiến giới thiệu nhân sự chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc và Tổng Biên tập của doanh nghiệp khi có yêu cầu của Ban Thường vụ Thành Đoàn.
2.3. Phối hợp cùng cấp ủy đơn vị, lãnh đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác cán bộ (quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự bị cho các chức danh thuộc quyền quản lý và quy hoạch nguồn cán bộ dài hạn cho đơn vị) thuộc thẩm quyền quản lý của công ty.
2.4. Ủy quyền cho Giám đốc Công ty:

2.4.1. Chuẩn bị nhân sự báo cáo Hội đồng thành viên và xin ý kiến Ban Thường vụ Thành Đoàn trước khi bổ nhiệm đối với chức danh Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập, Kế toán trưởng Công ty.
2.4.2. Quyết định tuyển dụng mới cán bộ, người lao động.
2.4.3. Trao đổi và thống nhất ý kiến với Chủ tịch Hội đồng thành viên để quyết định việc bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, người lao động đang công tác tại công ty theo phân cấp. Trường hợp cần thiết thì báo cáo xin ý kiến Hội đồng thành viên công ty.
Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC BỘ PHẬN

THAM MƯU CỦA THÀNH ĐOÀN TRONG QUẢN LÝ CÁN BỘ

Điều 9: Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn.
1. Phối hợp với Ban Tổ chức Thành Đoàn tham gia ý kiến về công tác cán bộ theo quy định của Đảng và thực hiện các thủ tục về công tác cán bộ.
2. Chỉ đạo cấp ủy các đơn vị tham gia thực hiện các thủ tục về công tác quản lý cán bộ (tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động và luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ; kiểm tra, giám sát, công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ và công tác cán bộ).
3. Trực tiếp tham mưu Ban Thường vụ Thành Đoàn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tham gia thẩm định các khâu trong công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.


Điều 10: Ban Tổ chức Thành Đoàn.
1. Là bộ phận tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành Đoàn cụ thể hóa chủ trương, chính sách cán bộ và công tác cán bộ; nghiên cứu đề xuất, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định của Ban Chấp hành Thành Đoàn, Ban Thường vụ Thành Đoàn về cán bộ và công tác cán bộ.

2. Tổng hợp, theo dõi đội ngũ cán bộ diện Thành Đoàn quản lý, phối hợp với các cơ sở Đoàn, các Ban, Trung tâm, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Thành Đoàn giúp Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý, nhận xét, đánh giá, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc thẩm quyền trực tiếp quyết định của Ban Thường vụ Thành Đoàn và cán bộ thuộc diện quy hoạch để đảm nhận các chức danh này.
3. Tham mưu và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, đào tạo, huấn luyện cán bộ theo quy định của Trung ương Đoàn, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành Đoàn.
4. Chủ trì phối hợp với các Ban, Trung tâm Thành Đoàn, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia ý kiến, thẩm định về cán bộ và báo cáo kết quả thẩm định cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn; tổng hợp, đề xuất những vấn đề về cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn.
5. Chủ trì phối hợp với các Ban Thành Đoàn theo dõi, kiểm tra, tham gia ý kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển các chức danh cán bộ ở các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn, cán bộ đại diện vốn Thành Đoàn tại các doanh nghiệp có vốn Thành Đoàn thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.

6. Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định, chủ trương của Trung ương Đoàn, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành Đoàn về công tác cán bộ; hướng dẫn công tác xây dựng, quản lý hồ sơ cán bộ, cơ sở dữ liệu về cán bộ; trực tiếp quản lý hồ sơ, lý lịch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.
7. Thẩm định hồ sơ, tham mưu việc bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư các Quận - Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn trên cơ sở thống nhất với các Ban, Trung tâm Thành Đoàn theo quy định.
Điều 11: Ban Kiểm tra Thành Đoàn.
1. Kiểm tra, giám sát, tham gia ý kiến về bố trí, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý; kiểm tra, giám sát, kiến nghị Ban Thường vụ Thành Đoàn xem xét những văn bản không đúng quan điểm, đường lối, chính sách, quy định về công tác cán bộ.

2. Kiểm tra công việc liên quan đến công tác cán bộ. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo cho Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn, tham mưu Ban Thường vụ Thành Đoàn xem xét xử lý theo quy định.
3. Phối hợp với Ban Tổ chức Thành Đoàn thẩm định nhân sự dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý; có ý kiến về bố trí, thay đổi nhân sự Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các Quận - Huyện Đoàn và tương đương; theo dõi, kiểm tra, giám sát và tham gia thẩm định nhân sự để cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại đối với các chức danh cán bộ.
4. Thực hiện kiểm tra chuyên đề các vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ.
Điều 12: Ban Tuyên giáo Thành Đoàn.
Tham gia ý kiến các nội dung về công tác cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý tại các đơn vị khối tư tưởng văn hóa thuộc Thành Đoàn (cụ thể gồm các đơn vị: Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Sinh viên, Hãng phim Trẻ, Báo Tuổi Trẻ, Báo Khăn Quàng Đỏ, công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản Trẻ).
Điều 13: Văn phòng Thành Đoàn.
Tham gia ý kiến các nội dung về công tác cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý đang công tác tại các doanh nghiệp có vốn Thành Đoàn, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại kế toán trưởng hoặc phân công phụ trách kế toán tại các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
Điều 14: Các Ban đối tượng (Thanh niên Trường học, Ban Mặt trận – An ninh Quốc phòng – Địa bàn Dân cư, Công nhân Lao động) và các Ban, Trung tâm được phân công phụ trách cơ sở Đoàn, đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.
Căn cứ Quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh hiện hành, các Ban, Trung tâm tham gia cho ý kiến về nhân sự dự kiến bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn, nhân sự các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn do Ban, Trung tâm được phân công phụ trách (thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý).
Chương V

NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ
Điều 15: Tuyển dụng, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, quản lý hồ sơ cán bộ và cử cán bộ đi công tác.
1. Tuyển dụng lao động và tiếp nhận cán bộ.
1.1. Đối với cơ quan chuyên trách Thành Đoàn.

1.1.1. Điều kiện và tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Thành Đoàn về tiêu chuẩn các chức danh cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh và các văn bản, quy định hiện hành.
1.1.2. Việc tiếp nhận cán bộ phải dựa trên nhu cầu về cán bộ, định biên cho phép và khả năng của cơ quan chuyên trách Thành Đoàn.
1.1.3. Quy trình tuyển dụng:

* Đối với cán bộ tuyển dụng lần đầu.

Bước 1: Khi có nhu cầu về cán bộ, Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm có nhận xét về trình độ, năng lực, đạo đức, phẩm chất chính trị của người được giới thiệu và đề xuất nhân sự với Ban Tổ chức Thành Đoàn. Hồ sơ: Tờ trình (có báo cáo rõ lý lịch và nhận xét năng lực cán bộ), Lý lịch cán bộ (theo mẫu 2C/TCTW).


Bước 2: Ban Tổ chức Thành Đoàn tiến hành làm hồ sơ, xác minh làm rõ về lịch sử chính trị và tham mưu với Thường trực Thành Đoàn.
Bước 3: Khi được sự đồng ý của Thường trực Thành Đoàn, Ban Tổ chức Thành Đoàn thực hiện chế độ cộng tác viên với người lao động trong thời gian không quá 02 tháng với người lao động theo quy định của pháp luật lao động. Việc tuyển dụng lao động do Ban Tổ chức Thành Đoàn thực hiện trên cơ sở đề xuất của các Ban - Trung tâm và được sự đồng ý của Thường trực Thành Đoàn.
Bước 4: Sau thời gian cộng tác viên, Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm nơi công tác của cán bộ được tuyển dụng có nhận xét về năng lực công tác của người đó trong thời gian cộng tác viên, đề xuất ký hợp đồng chính thức (xác định thời hạn từ 01 năm trở lên đến 03 năm) trên cơ sở đồng ý của Thường trực Thành Đoàn.
* Đối với cán bộ điều động từ cơ sở.

Bước 1: Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm phối hợp với Ban Tổ chức báo cáo rõ lý lịch, nhận xét năng lực của cán bộ xin tiếp nhận và đề xuất hướng bố trí, phân công. Hồ sơ: Tờ trình (có báo cáo rõ lý lịch và nhận xét năng lực cán bộ), lý lịch cán bộ (theo mẫu 2C/TCTW).


Bước 2: Khi được sự đồng ý của Thường trực Thành Đoàn, Ban Tổ chức tiến hành lập hồ sơ thủ tục xin ý kiến Ban Thường vụ Thành Đoàn (đối với trường hợp dự kiến bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo Ban – Trung tâm).
Bước 3: Khi Thường trực, Ban Thường vụ Thành Đoàn đồng ý, Ban Tổ chức tiến hành làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan và thực hiện thủ tục tiếp nhận.
Bước 4: Thủ trưởng cơ quan và Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm tiếp nhận cán bộ sẽ tiếp xúc, giao nhiệm vụ khi cán bộ nhận quyết định.
1.1.4. Mọi trường hợp tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ về công tác tại cơ quan Thành Đoàn đều do Ban Tổ chức tham mưu và thực hiện theo đúng quy trình. Các Ban - Trung tâm không được nhận cộng tác viên hoặc sử dụng lao động thời vụ khi chưa được sự đồng ý của Thường trực Thành Đoàn. Cán bộ, nhân viên cơ quan Thành Đoàn được cấp Giấy chứng nhận cán bộ Thành Đoàn do Thủ trưởng cơ quan ký. Giấy chứng nhận này có giá trị một năm.
1.2. Đối với các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn.

- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Giám đốc công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn có thẩm quyền tuyển dụng lao động trên cơ sở nhu cầu và khả năng của đơn vị. Việc tuyển dụng lao động phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy chế hoạt động đơn vị sự nghiệp và điều lệ công ty.


- Đối với các trường hợp ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài phải xin ý kiến của Thường trực Thành Đoàn và đơn vị phải thực hiện đúng những quy định của Nhà nước về sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.
1.3. Đối với các đơn vị Quận - Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực Thành Đoàn.

Ban Thường vụ Quận - Huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn tuyển dụng lao động trên cơ sở quy định của Ban Thường vụ Quận – Huyện ủy, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.


2. Bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ, tổ chức bộ máy.

2.1. Cán bộ thuộc quyền quản lý của cấp nào do Thủ trưởng cấp đó bố trí, phân công, điều động theo yêu cầu của đơn vị hoặc luân chuyển cán bộ đến công tác tại đơn vị khác.
2.2. Việc bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ phải đảm bảo đúng theo quy trình, thủ tục về công tác cán bộ.
2.3. Việc giải quyết chế độ đối với cán bộ chuyển công tác do đơn vị thực hiện theo quy định.
2.4. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Hội đồng thành viên các công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức các phòng, khoa, ban, bộ phận trực thuộc trên cơ sở đề án tổ chức bộ máy, phương án quy hoạch đã được Thường trực Thành Đoàn phê duyệt.
Trường hợp có những thay đổi về tổ chức bộ máy, cần thiết lập những bộ phận, chi nhánh trực thuộc các đơn vị sự nghiệp, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn phải xin ý kiến Thường trực Thành Đoàn bằng đề án cụ thể và được sự đồng ý bằng văn bản.
3. Quản lý hồ sơ cán bộ.

3.1. Hồ sơ cán bộ gồm:

- Lý lịch ban đầu (lý lịch gốc) đã qua thẩm tra.

- Các mẫu lý lịch và bổ sung lý lịch theo yêu cầu.

- Những văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

- Các quyết định nhân sự, quyết định lương.

- Các bản đánh giá, nhận xét cán bộ hàng năm.

- Nhận xét, đánh giá của Cấp ủy địa phương nơi cư trú hàng năm (đối với các trường hợp cán bộ là đảng viên).

- Bản kê khai tài sản hàng năm.

- Các văn bản khác có liên quan (nếu có).
3.2. Hồ sơ cán bộ phải phản ánh được lai lịch và toàn bộ quá trình công tác của cán bộ, phải đảm bảo tính chính xác và được cập nhật thông tin thường xuyên.
3.3. Hồ sơ cán bộ do đơn vị trực tiếp quản lý được lưu giữ tại đơn vị. Ban Tổ chức Thành Đoàn quản lý hồ sơ cán bộ thuộc diện Thành Đoàn quản lý.
4. Cử cán bộ đi công tác.

4.1. Đi công tác trong nước: Cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn khi đi công tác đến các tỉnh, thành khác phải có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành Đoàn. Ban Tổ chức Thành Đoàn tham mưu quyết định cử đi công tác trong nước trên cơ sở kết luận của Thường trực Thành Đoàn.
4.2. Đi công tác nước ngoài: theo quy định xét duyệt nhân sự đi nước ngoài của Ban Thường vụ Thành Đoàn.
Điều 16: Nhận xét, đánh giá cán bộ.
1. Thời điểm đánh giá cán bộ, công chức.

1.1. Đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm.
1.2. Đánh giá cán bộ trước khi hết nhiệm kỳ.
1.3. Đánh giá cán bộ trước khi tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển công tác, khen thưởng, kỷ luật và theo yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ.
1.4. Đánh giá cán bộ đột xuất theo yêu cầu của cấp trên.
2. Yêu cầu đánh giá cán bộ, công chức.

2.1. Phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và chiều hướng phát triển của cán bộ.

2.2. Phải đảm bảo tính khách quan, tính khoa học, tính lịch sử, cụ thể.
2.3. Phải trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, công khai đối với cán bộ được đánh giá.
3. Quy trình nhận xét, đánh giá.

Bước 1: Cán bộ viết bản tự nhận xét cá nhân với các nội dung: việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật và việc chấp hành nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; lối sống, đạo đức; tinh thần học tập nâng cao trình độ,…


Riêng đối với Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm, Chánh Văn phòng Thành Đoàn, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn còn phải đánh giá thêm về kết quả hoạt động của Ban, Trung tâm, đơn vị; khả năng tổ chức quản lý và mối quan hệ phối hợp với các đơn vị khác.
Bước 2: Tập thể nơi cán bộ công tác, làm việc tham gia góp ý. Lãnh đạo bộ phận thực hiện đánh giá công chức (có tham khảo ý kiến góp ý của tập thể). Phiếu nhận xét, đánh giá cán bộ được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ.
Riêng đối với Trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm, Chánh Văn phòng Thành Đoàn, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn sẽ do Thường trực Thành Đoàn nhận xét, đánh giá.
4. Nội dung đánh giá và nhận xét cán bộ để làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
4.1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:

4.1.1. Nhận thức chính trị tư tưởng; việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước.

4.1.2. Việc tự rèn luyện thể hiện qua tinh thần học tập nâng cao trình độ: tính trung thực; ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; tinh thần tự phê bình và phê bình.

4.1.3. Quan hệ với quần chúng, đạo đức và lối sống; việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.

4.1.4. Thực hiện đoàn kết nội bộ, mối quan hệ, tinh thần và thái độ trong công tác.
4.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, chất lượng, hiệu quả công việc, sức quy tụ tập hợp trong quá trình thực hiệm nhiệm vụ của từng vị trí, từng thời điểm công tác của cán bộ.
4.3. Có xem xét đến kết quả xếp loại thi đua, kết quả phân tích chất lượng Đảng viên, phân tích chất lượng của tổ chức Đoàn thể để đánh giá.
4.4. Chiều hướng và khả năng phát triển của cán bộ.
Điều 17: Quy hoạch, đào tạo và huấn luyện cán bộ.
1. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ theo đề án đã được Thành Đoàn duyệt, công khai định hướng quy hoạch trong cơ quan đối với cán bộ - công nhân viên.
2. Hàng năm các đơn vị rà soát lại đội ngũ cán bộ, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo định hướng quy hoạch và có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ - công nhân viên học tập nâng cao trình độ.


3. Các đơn vị phối hợp với Ban Tổ chức Thành Đoàn trong công tác quy hoạch, đào tạo các chức danh thuộc diện Thành Đoàn quản lý.
Điều 18: Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

1. Cán bộ thuộc diện quản lý của cấp nào do thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quận - huyện Đoàn và tương đương, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn căn cứ tiêu chuẩn chức danh cán bộ thực hiện quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ sau khi đảm bảo các thủ tục, quy trình theo quy định.
2. Quy trình khi quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ thực hiện như sau:

2.1. Bộ phận tổ chức – nhân sự tham mưu đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trên cơ sở nhu cầu thực tế của đơn vị.

2.2. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tổ chức lấy ý kiến tham khảo của lãnh đạo các phòng, khoa, ban, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên có liên quan hoặc mở rộng đến quần chúng.

2.3. Trao đổi, thống nhất ý kiến với cấp ủy và ban lãnh đạo đơn vị.

2.4. Triển khai và thực hiện theo quy định.
3. Đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn quản lý:

3.1. Căn cứ tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định, thực hiện quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; thời hạn được bổ nhiệm và tái bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm; thời gian giữ nhiệm vụ tại một vị trí tối đa không quá 2 nhiệm kỳ, trường hợp đặc biệt sẽ do Ban Thường vụ, Thường trực Thành Đoàn xem xét quyết định.

Riêng đối với Báo Tuổi Trẻ, Báo Khăn Quàng Đỏ, công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản Trẻ: khi bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Ủy viên Ban Biên tập, Giám đốc, Phó Giám đốc, Ban Thường vụ Thành Đoàn sẽ thực hiện theo quy trình, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước (Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn khác).



3.2. Định kỳ hàng năm. Ban Thường vụ Thành Đoàn thực hiện việc đánh giá, nhận xét cán bộ thuộc diện quản lý, làm cơ sở quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

3.3. Trong quá trình hoạt động, khi cần thiết phải bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ thì lãnh đạo Ban, Trung tâm, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn thực hiện các thủ tục sau:

- Công văn đề nghị của Ban, Trung tâm, đơn vị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ gửi Ban Thường vụ Thành Đoàn thông qua Ban Tổ chức Thành Đoàn. Công văn nêu rõ nhu cầu của đơn vị, nhận xét đánh giá về năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ.

- Lý lịch cán bộ (theo mẫu 2a/TCTW).

- Lý lịch cán bộ (theo mẫu 2C/TCTW).

- Bản tự kiểm điểm của cán bộ.

- Bản đánh giá của lãnh đạo, cấp ủy đơn vị đối với cán bộ.

- Kết quả xác minh lý lịch (nếu có) trong trường hợp bổ nhiệm mới cán bộ.

- Văn bằng, chứng chỉ (nếu có).

- Bản kê khai tài sản (gần nhất).

- Và các văn bản có liên quan theo yêu cầu tại từng thời điểm cụ thể.


3.4. Trên cơ sở đề xuất của các Ban, Trung tâm, các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn, Ban Tổ chức Thành Đoàn phối hợp với Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn, các ban Thành Đoàn có liên quan thống nhất tham mưu Thường trực Thành Đoàn, Ban Thường vụ Thành Đoàn xem xét, quyết định.
Điều 19: Khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
1. Khen thưởng.

1.1. Việc khen thưởng cán bộ được thực hiện định kỳ trên cơ sở đánh giá lao động của từng cá nhân hoặc khen thưởng đột xuất do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
1.2. Chế độ khen thưởng được thực hiện theo quy định của Nhà nước và của tổ chức Đoàn.
1.3. Đối với hình thức khen thưởng bậc cao (các loại khen thưởng của Trung ương Đoàn, Ủy ban Nhân dân thành phố, khen thưởng cấp Nhà nước…): các đơn vị đề xuất với Thường trực và Ban Thường vụ Thành Đoàn thông qua Văn phòng Thành Đoàn.
2. Kỷ luật cán bộ.

2.1. Cán bộ, công chức, viên chức hoặc người lao động vi phạm nội quy, quy chế, điều lệ, tùy theo tính chất, mức độ sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức, Bộ Luật Lao động và các luật chuyên ngành khác có liên quan.
2.2. Việc xử lý kỷ luật cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp quản lý cán bộ do Hội đồng kỷ luật tham mưu cho thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn quyết định theo quy định.

2.3. Trong những trường hợp sau đây, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Thành Đoàn phải báo cáo với Hội đồng cơ quan Thành Đoàn xem xét quyết định
2.3.1. Cán bộ trong diện quản lý của Ban Thường vụ Thành Đoàn.
2.3.2. Cán bộ trong danh sách biên chế được duyệt (đối với các đơn vị sự nghiệp).

2.4. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, Hội đồng cơ quan Thành Đoàn tham mưu hình thức xử lý kỷ luật để Thủ trưởng cơ quan Thành Đoàn hoặc Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định.

Điều 20: Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
1. Chế độ lương.

1.1. Việc nâng lương:

1.1.1. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn có thẩm quyền nâng lương niên hạn đối với cán bộ thuộc diện quản lý sau khi hoàn tất quy trình, thủ tục theo quy định.
1.1.2. Những trường hợp sau phải thông qua Hội đồng lương cơ quan Thành Đoàn:

- Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý.



- Cán bộ trong danh sách biên chế được duyệt.
1.1.3. Hồ sơ nâng lương (thực hiện 6 tháng/lần) gửi về Ban Thường vụ Thành Đoàn (thông qua Ban Tổ chức Thành Đoàn) trước ngày 15/5 và 15/11 hàng năm.
1.1.4. Cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý sẽ do Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định nâng lương niên hạn sau khi hoàn tất quy trình, thủ tục theo quy định.
1.2. Nâng ngạch lương: việc nâng ngạch lương cán bộ phải qua thi nâng ngạch hoặc xét chuyển ngạch theo quy định hiện hành.
1.3. Việc điều chỉnh ngạch, bậc lương: khi có sự thay đổi vị trí, tính chất công tác hoặc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đơn vị làm văn bản đề nghị gởi về Ban Tổ chức Thành Đoàn (nêu rõ diễn tiến lương, lý do cần điều chỉnh và gởi kèm các quyết định có liên quan).
1.4. Lập dự trù lương hàng quý đối với các đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách: định kỳ hàng quý các đơn vị lập dự trù lương của đơn vị gởi về Tổ tài chính – Văn phòng Thành Đoàn thẩm định chính xác số liệu, báo rõ các trường hợp tăng giảm định biên (nếu có) theo mẫu quy định hiện hành. Sau khi Tổ tài chính – Văn phòng Thành Đoàn đã thẩm định chính xác số liệu, Ban Tổ chức Thành Đoàn tham mưu văn bản đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phê duyệt (khi cần thiết).
1.5. Duyệt quỹ lương doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp tự hạch toán thu chi: hàng năm Thường trực Thành Đoàn duyệt quỹ lương doanh nghiệp vào quý 1, 2. Các đơn vị lập dự trù gởi về Tổ Kinh tế – Văn phòng Thành Đoàn theo quy định.
2. Giải quyết nghỉ hưu, thôi việc

2.1. Khi cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoặc có nguyện vọng được thôi việc, Thủ trưởng đơn vị ra quyết định theo thẩm quyền quản lý cán bộ hoặc báo cáo Ban Thường vụ Thành Đoàn ra quyết định theo Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 07/5/2008 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cơ quan Đảng - Đoàn thể và việc cán bộ, công chức thôi tham gia cấp ủy các cấp; Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10/09/2007 của Chính phủ quy định về thủ tục nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu, công văn số 2752/BNV-CCVC ngày 24/09/2007 của Bộ Nội vụ về việc thực hiện Nghị định số 143/2007/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức; Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức; Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07/12/2005 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức và các văn bản có liên quan theo quy định hiện hành có sửa đổi bổ sung.

2.2. Việc giải quyết chế độ cho người nghỉ hưu, thôi việc của cán bộ được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
2.3. Trường hợp cán bộ đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu nhưng các đơn vị có nhu cầu tiếp tục sử dụng làm chuyên gia hay cộng tác viên phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải được sự đồng ý của Thường trực Thành Đoàn bằng văn bản.
Điều 21: Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ.
1. Khi có đơn khiếu nại, tố cáo chuyển đến Thành Đoàn, Ban Kiểm tra Thành Đoàn tiếp nhận và tùy theo trường hợp sẽ đề xuất hướng xử lý cụ thể theo thẩm quyền của từng cấp quản lý cán bộ.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa X thông qua ngày 02/12/1998, Luật số 26/2004/QH11 ngày 15/6/2004, Luật số 58/2005/QH11 ngày 29/11/2005 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản có liên quan theo quy định hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22: Các đơn vị phải thành lập bộ phận giúp việc hoặc phân công cán bộ theo dõi công tác tổ chức cán bộ, quản lý hồ sơ cán bộ ngay tại đơn vị mình.
Điều 23: Chế độ thông tin, báo cáo.
Các đơn vị sự nghiệp, công ty TNHH một thành viên trực thuộc Thành Đoàn, cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn phải thông tin, báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần (theo mẫu do Ban Tổ chức Thành Đoàn cung cấp) và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tình hình cán bộ, những vấn đề mới phát sinh, khó khăn, cần xin ý kiến Thành Đoàn để kịp thời xử lý.
Điều 24: Phân công Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra Thành Đoàn là bộ phận thường trực theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phân cấp quản lý cán bộ tại đơn vị, đồng thời đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành Đoàn những nội dung cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới của Đảng, Đoàn, Nhà nước khi cần thiết.

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN

DANH MỤC CÁC CHỨC DANH

T
PHỤ LỤC 1
HUỘC DIỆN BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN QUẢN LÝ


_________
1. Cơ quan chuyên trách Thành Đoàn - Chánh, Phó Văn phòng

- Trưởng, Phó ban

- Kế toán trưởng
2. Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


3. Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


4. Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


5. Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


6. Trung tâm Thông tin tư vấn kinh tế thanh niên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


7. Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại - Giám đốc, Phó Giám đốc

thanh thiếu nhi thành phố - Kế toán trưởng


8. Nhà Văn hóa Thanh niên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


9. Nhà Văn hóa Sinh viên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


10. Nhà Thiếu nhi thành phố - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


11. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


12. Ký túc xá Lào - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


13. Hãng phim trẻ - Giám đốc, Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


14. Trường Đoàn Lý Tự Trọng - Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng

- Kế toán trưởng

15. Trường Bổ túc Văn hóa Thành Đoàn - Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng

- Kế toán trưởng


16. Báo Tuổi Trẻ - Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập

- Ủy viên Ban Biên tập

- Tổng thư ký Tòa soạn

- Kế toán trưởng


17. Báo Khăn Quàng Đỏ - Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập

- Ủy viên Ban Biên tập

- Tổng thư ký Tòa soạn

- Kế toán trưởng


18. Công ty TNHH 01 TV Nhà Xuất bản Trẻ - Hội đồng thành viên

- Giám đốc

- Tổng Biên tập

- Ban Kiểm soát


19. Công ty TNHH 01 TV Lê Quang Lộc - Hội đồng thành viên

- Giám đốc

- Ban Kiểm soát
20. Các công ty Cổ phần có vốn Thành Đoàn - Đồng chí đại diện vốn Thành Đoàn
21. Công ty TNHH Huy hiệu thanh niên - Đồng chí đại diện vốn Thành Đoàn
22. Quận - Huyện Đoàn và tương đương - Bí thư

trực thuộc Thành Đoàn - Phó Bí thư


23. Nhân sự chủ chốt Hội LHTNVN TPHCM - Chủ tịch

- Phó Chủ tịch


24. Nhân sự chủ chốt Hội Sinh viên VN TPHCM - Chủ tịch

- Phó Chủ tịch


25. Nhân sự chủ chốt Hội Đồng Đội TPHCM - Chủ tịch

- Phó Chủ tịch



* Ghi chú: Tùy theo từng chức danh cụ thể phải có ý kiến tham gia của Ban chức năng, Ban đối tượng, Ban phụ trách trước khi trình Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định.
_________


DANH MỤC CÁC CHỨC DANH

T
PHỤ LỤC 2
HUỘC DIỆN THƯỜNG TRỰC THÀNH ĐOÀN QUẢN LÝ


___________

1. Cơ quan chuyên trách Thành Đoàn - Cán bộ các Ban – Trung tâm,

Văn phòng.

- Cộng tác viên các Ban – Trung

tâm, Văn phòng.
2. Quận – Huyện Đoàn và tương đương - Ủy viên Ban Thường vụ

- Giám đốc Nhà Thiếu nhi

3. Đoàn cơ sở trực thuộc - Bí thư

- Phó Bí thư


4. Công ty TNHH 01 TV Nhà Xuất bản Trẻ - Phó Giám đốc

- Phó Tổng Biên tập

- Kế toán trưởng
5. Công ty TNHH 01 TV Lê Quang Lộc - Phó Giám đốc

- Kế toán trưởng


6. Cán bộ phụ trách kế toán các đơn vị sự nghiệp.
7. Trưởng phòng, ban chuyên môn (hoặc tương đương) tại các báo Tuổi Trẻ, Khăn Quàng Đỏ.

* Ghi chú: Tùy theo từng chức danh cụ thể phải có ý kiến tham gia của Ban chức năng, Ban đối tượng, Ban phụ trách trước khi trình Thường trực Thành Đoàn quyết định.
_________

D
PHỤ LỤC 3
ANH MỤC CÁC CHỨC DANH PHẢI XIN Ý KIẾN


THÀNH ỦY VÀ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG

_________



STT

CHỨC DANH

CẤP CHO Ý KIẾN

1

- Ủy viên Ban Chấp hành Thành Đoàn

- Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn



- Ban Dân vận Thành ủy

- Ban Tổ chức Thành ủy

- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy

- Ban Thường vụ Trung ương Đoàn



2

- Phó Bí thư Thành Đoàn

- Bí thư Thành Đoàn



- Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thẩm định và trình Ban Thường vụ Thành ủy

- Ban Thường vụ Trung ương Đoàn



3

- Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các báo: Tuổi Trẻ, Khăn Quàng Đỏ

- Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Ban Tổ chức Thành ủy

- Sở Thông tin và truyền thông Thành phố

- Ban Thường vụ Thành ủy

- Bộ Thông tin và truyền thông

- Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng



4

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Trẻ:

- Giám đốc

- Tổng Biên tập.


- Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Ban Tổ chức Thành ủy

- Sở Thông tin và truyền thông Thành phố

- Ban Thường vụ Thành ủy

- Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng





- Phó Giám đốc.

- Phó Tổng Biên tập.



- Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Ban Tổ chức Thành ủy

- Sở Thông tin và Truyền thông TP



____________

DANH MỤC CÁC CHỨC DANH

C
PHỤ LỤC 4
Ó SỰ THẨM ĐỊNH CÁC BAN – TRUNG TÂM THÀNH ĐOÀN


_________


STT

CHỨC DANH

BAN PHỤ TRÁCH

1

- Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý đang công tác tại các doanh nghiệp có vốn Thành Đoàn

- Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý là kế toán trưởng hoặc cán bộ phụ trách kế toán các đơn vị.



- Văn phòng Thành Đoàn

- Ban Tổ chức Thành Đoàn

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn

- Đồng chí UVBTV Thành Đoàn phụ trách đơn vị


2

Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý tại các đơn vị thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hóa trực thuộc Thành Đoàn, gồm: Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Sinh viên, Hãng phim Trẻ, báo Tuổi Trẻ, báo Khăn Quàng Đỏ, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà Xuất bản Trẻ.

- Ban Tổ chức Thành Đoàn

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Ban Tuyên giáo Thành Đoàn

- Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn

- Đồng chí UVBTV Thành Đoàn phụ trách đơn vị


3

Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý đang công tác tại Báo Khăn Quàng Đỏ, Nhà Thiếu nhi thành phố.

- Ban Tổ chức Thành Đoàn

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Ban Thiếu nhi Thành Đoàn - Ban Tuyên giáo Thành Đoàn

- Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn

- Đồng chí UVBTV Thành Đoàn phụ trách đơn vị


4

- Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành Đoàn quản lý (nói chung).

- Đảng ủy cơ quan Thành Đoàn

- Ban Tổ chức Thành Đoàn

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Đồng chí UVBTV Thành Đoàn phụ trách đơn vị



5

- Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, các quận – huyện Đoàn và tương đương trực thuộc Thành Đoàn.

- Giám đốc Nhà thiếu nhi các quận, huyện.

- Bí thư, Phó Bí thư các Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn.


- Ban Tổ chức Thành Đoàn

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Ban phụ trách

- Ban đối tượng



6

- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các quận - huyện Đoàn và tương đương.

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Ban Tổ chức Thành Đoàn


__________



DANH MỤC CÁC CHỨC DANH TẠI CƠ SỞ

D
PHỤ LỤC 5
O CÁC BAN – TRUNG TÂM THÀNH ĐOÀN CHO Ý KIẾN


__________



STT

CHỨC DANH

BAN PHỤ TRÁCH

1

- Ủy viên Ban Chấp hành các quận – huyện Đoàn và tương đương trực thuộc Thành Đoàn.

- Ban Tổ chức Thành Đoàn (chủ trì)

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn

- Ban đối tượng

- Ban phụ trách



2

- Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành các Đoàn cơ sở trực thuộc Thành Đoàn.

- Ban Tổ chức Thành Đoàn (chủ trì)

- Ban Kiểm tra Thành Đoàn



- Ban đối tượng

* Ghi chú: nếu có ý kiến khác nhau thì báo cáo Thường trực Thành Đoàn xem xét, quyết định.
_________


Каталог: vanphong -> data -> news -> 2009
2009 -> ĐOÀn tncs hồ chí minh bch tp. HỒ chí minh
2009 -> LÒch laøm vieäc cuûa ban thöÔØng vuï thaønh ñOAØN
2009 -> LÒch laøm vieäc cuûa ban thöÔØng vuï thaønh ñOAØN
2009 -> HƯỚng dẫn tổ chức hoạt động chủ điểm tháng 11 – “Tri ân thầy cô” Chào mừng kỷ niệm 27 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
2009 -> Tổ chức đợt hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
2009 -> THÔng báo v/v Phân công cán bộ Thành Đoàn tham gia công tác tổ chức
2009 -> THÔng báo v/v tổ chức hành trình
2009 -> THÔng báo v/v Tổ chức buổi nói chuyện giữa ông Len Aldis và sinh viên Thành phố
2009 -> THÔng báo số 2 Về việc tham gia Hội thi “Tuổi trẻ làm theo lời Bác”
2009 -> THÔng báo số 3 Ngày hội học sinh trung học phổ thông lần 2 năm 2009

tải về 193.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương