Quy trình kỹ thuật trồng hoa lay-ơN



tải về 70 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích70 Kb.
#30811

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG HOA LAY-ƠN


(Ban hành kèm theo quyết định số 1251/QĐ-SNN, ngày 13/12/2012 của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)
I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH

Hoa lay–ơn (Gladiolus communis L.) thuộc lớp một lá mầm (Monocotyledoneae), họ Lay –ơn (Iridaceae). Chi lay-ơn (Gladiolus) có khoảng 260 loài với trên 10.000 giống khác nhau, trong đó 250 loài từ Châu Phi, 10 loài từ Châu Âu-Á.



1. Đặc điểm thực vật học

- Thân: Cây hoa lay-ơn có dạng thân thảo, thân giả được kết bởi các bẹ lá xếp chồng lên nhau, bẹ lá trước xếp phủ lên bẹ lá sau.

- Lá: Lá cứng hình lưỡi kiếm, cuống lá phần gốc rộng và to thành hình như cái bao xếp chồng lên nhau tạo thành củ lay -ơn. Lá dài khoảng 30-80cm, rộng 4-5cm, có gân dọc. Giữa phiến lá và bẹ lá không phân biệt rõ ràng. Lá xếp thành 2 dãy, mọc thẳng đứng, trên mặt lá phủ một lớp phấn sáp ít thấm nước.

- Hoa: Cánh hoa lớn, dạng hình lá bao vào nhau khi chưa nở. Khi nở hoa có dạng hình phễu, bao hoa dính nhau tạo thành một khối gồm 2 vòng hoa (2 lớp cánh), nhị và nhụy hoa ở vòng trong hoa, bao phấn hướng ra ngoài, bầu noãn phía dưới có 3 ngăn hình cầu. Cánh hoa có loại bằng, lượn sóng… Trên cành hoa mang nhiều hoa (12-20 hoa), xếp dọc theo chiều dài của cành theo kiểu zíc zắc

- Quả và hạt: có 3 ngăn chứa nhiều hạt phía trong, khi hạt trần có bao lớp màng màu nâu.

- Củ và rễ: củ chính là thân ngầm của cây hoa lay-ơn. Rễ dạng chùm ít ăn sâu mà phát triển theo bề ngang. Có 2 loại rễ: rễ mọc từ giống ban đầu (củ mẹ) gọi là rễ sơ cấp và rễ mọc từ củ con do củ mẹ đẻ ra gọi là rễ thứ cấp.

2. Yêu cầu về điều kiên ngoại cảnh

- Nhiệt độ

Lay-ơn ưa khí hậu mát mẻ, không chịu được nắng nóng. Nhiệt độ thích hợp là 15-270C. Ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ mùa hè cao quá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sinh trưởng của cây và chất lượng hoa (cây sinh trưởng chậm, hoa nhỏ, ít hoa, tuổi thọ cành hoa ngắn), sức đề kháng kém nên sâu bệnh hại nặng hơn.



- Ánh sáng

Lay-ơn là cây ưa ánh sáng, cần 100% ánh sáng trực tiếp. Nếu thiếu ánh sáng cây sinh trưởng yếu, bị vóng và dễ nhiễm bệnh, hoa nhỏ. Thời gian chiếu sáng mỗi ngày từ 12-14 giờ với cường độ chiếu sáng 6000lux là phù hợp nhất.



- Độ ẩm

Lay-ơn là loại hoa ưa ẩm nhưng không chịu được úng nước. Khi bị úng nước, bộ rễ sẽ bị tổn hại, củ thối, cây vàng úa và chết. Độ ẩm đất thích hợp đối với cây lay-ơn khoảng 70-75%. Nếu độ ẩm thấp cây sinh trưởng chậm, năng suất thấp.



- Đất

Đất trồng lay-ơn phải có độ tơi xốp cao, thoáng khí, giữ nước tốt và có độ phì nhiêu cao. Vì vậy, đất thịt là đất trồng lay-ơn lý tưởng nhất.



- Dinh dưỡng

+ Đạm (N): có vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt thời kỳ sinh tưởng và phát triển của cây, thiếu đạm cây sẽ cằn cỗi, lá nhỏ, vàng úa, cành hoa ngắn, hoa nhỏ, ít hoa. Trong thời kỳ đầu của cây, cần lượng đạm nhiều hơn để cây sinh trưởng khỏe và tạo phát hoa lớn. Tuy nhiên không nên bón quá nhiều cây sẽ bị vóng, lốp đổ và ra hoa muộn.

+ Lân (P): giúp bộ rễ phát triển mạnh, cây con khỏe, thân cứng cáp, hoa bền, màu sắc đẹp, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận. Thiếu lân bộ rễ sẽ chậm phát triển, ra hoa muộn, cành hoa ngắn, ít hoa và màu sắc nhợt nhạt. Lay-ơn thường cần lân ở giai đoạn đầu trồng cây và thời kỳ hình thành phát hoa. Đối với đất chua thì nên dùng phân lân nung chảy để cải tạo đất.

+ Kali (K): giúp cây chịu hạn, chịu rét và chống chịu sâu bệnh. Cùng với lân, kali giúp hoa nhanh nở, màu hoa tươi tắn, lâu tàn nên lay-ơn cần nhiều kali hơn ở giai đoạn phát hoa. Đối với lay-ơn, sau khi thu hoạch hoa sẽ còn một thời gian nuôi củ (1,0 -1,5 tháng) để tạo củ giống cho vụ sau nên cần phải cân bằng hàm lượng kali cho hợp lý trong giai đoạn này để cây cho củ giống tốt nhất.

+ Phân trung lượng và vi lượng: là các các loại phân quan trọng bổ sung các nguyên tố hóa học cây cần ở mức độ trung bình. Cây cần không nhiều nhưng không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Với loại phân này không nên bón thẳng vào đất mà chỉ phun qua lá khi có triệu chứng thiếu một loại vi lượng nào đó.

+ Calcium (Ca): giúp bộ rễ phát triển khỏe, cây khỏe, cứng cáp, hấp thụ đạm tốt. Thiếu calcium rễ yếu, cây phát triển chậm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, lá nhỏ và quăn ở mép, cành hoa yếu và hoa nhỏ;

+ Magnesium (Mg): giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, lá xanh tốt. Thiếu magnesium rễ phát triển kém, lá sẽ bị vàng úa nhưng gân lá vẫn xanh, hoa chậm nở;

+ Lưu huỳnh (S): thiếu lưu huỳnh cây trở nên cằn cỗi, lá chuyển màu vàng nhạt, viền lá hay bị bầm thối. Triệu chứng này thường xuất hiện ở lá non và đỉnh ngọn.

+ Sắt (Fe): giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, màu sắc hoa đẹp và đậm, kích thích nở hoa. Thiếu sắt bộ rễ chậm phát triển, hoa chậm nở, màu lá trở nên nhạt chuyển sang vàng đến bạc trắng;

+ Mangan (Mn): sự thừa hoặc thiếu mangan đều làm cây phát triển kém, sự hình thành nụ hoa sẽ giảm hoặc có khi không hình thành được nụ, hoa nhỏ và bị khô do thiếu mangan. Sự dư thừa mangan thường xuất hiện ở đất được xử lý bằng xông hơi đặc biệt là khi pH thấp. Thiếu mangan lá cây chuyển màu vàng nâu, có những chấm nhỏ màu nâu dọc theo mép lá;

+ Đồng (Cu): thiếu đồng làm cây sinh trưởng kém, lá mềm, dễ rụng; có thể nhận biết ở phần lá non bị bạc màu và có đốm trắng ở đầu lá;

+ Bor (Bo): thiếu Bo đọt cây thường bị khô hoặc thối, thân và lá bị nứt nẻ, lá quắn lại, rễ kém phát triển, cây còi cọc;



II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

  1. Chuẩn bị đất

- Chọn đất thịt nhẹ, tơi xốp, bằng phẳng, thoát nước tốt, pH = 6-6,5;

- Đất được làm sạch cỏ dại và tàn dư thực vật của vụ trước;

- Đất được cày sâu 30- 40 cm, tơi xốp, khử tuyến trùng bằng ethoprophos 10% (20-30 kg Mocap hạt/ ha), khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (30 kg/ ha) (cần tham khảo ý kiến nhà chuyên môn trước khi sử dụng);

Lưu ý: Không được trồng 2 vụ lay-ơn liên tục trên một mảnh đất, tốt nhất nên luân canh cây trồng khác 2- 3 năm.


  1. Lên luống, xẻ rạch

- Lên luống cao, bề mặt luống 1,2-1,3 m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm và phun thuốc diệt mầm cỏ dại;

- Rải phân lân, phân vi sinh và tưới ẩm trước khi xẻ rạch;

- Xẻ rạch: xẻ rạch theo chiều ngang của luống, độ sâu của rạch khoảng 12-15 cm, các rạch cách nhau 25-30cm.


  1. Chọn củ giống và trồng

- Chọn củ giống đồng đều về kích thước và màu sắc, mầm và rễ đều, khỏe mạnh, sạch bệnh và virus và không bị sứt sẹo.

- Củ giống nên được xử lý trước khi trồng: ngâm củ khoảng 10-15 phút trong Iprodione (Rovral), mancozed (Mancozed, Dithane) 2%, hong khô trước khi trồng.



* Cách trồng

- Đặt củ trong các rãnh đã xẻ trước, đặt ngay ngắn đáy củ tiếp xúc với mặt đất, mầm hướng lên phía giúp cho mầm củ phát triển tốt và thẳng, trồng với mật độ 250.000 -300.000/ha, tùy thuộc vào kích cỡ củ và loại giống;

- Lấp một lớp đất mặt dày khoảng 2,5 - 3 cm, lấp cẩn thận tránh không làm củ bị nghiêng ngã và gãy mầm trong khi lấp, tưới ẩm đều ngay sau khi trồng


  1. Phân bón và cách bón phân

  • Lượng phân bón sử dụng cho 1ha

+ Phân chuồng : 40 – 50m3

+ Vôi : 1000kg

+ Lượng phân vô cơ nguyên chất: 150kg N- 120kg P2O5 - 150kg K2O

+ Vi sinh: 300kg

+ Magiê sulphat: 100kg

- Phương pháp bón

Có thể sử dụng phân đơn chất hoặc phức hợp cân đối theo lượng nguyên chất nói trên:

* Nếu sử dụng phân đơn: cần 326 kg urê, 750 kg super lân, 250 kg kali đỏ

- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, lân super 375kg;

- Bón thúc:

Đợt bón

Thúc


Ngày sau trồng

Lượng phân (kg/ha)

Giai đoạn sau trồng

Ure

Super lân

Kali đỏ




1

10 – 15

81,5

187,5




Cây lên khỏi mặt đất

2

25 – 30

163

187,5

125

Lên luống

3

50 – 55

81,5

-

125

Cây bắt đầu trổ đòng

* Nếu sử dụng phân NPK 20 - 20 - 15: cần 600kg NPK, 65kg ure, 100kg kali đỏ

- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, 200 kg NPK;

- Bón thúc:

Đợt bón

Thúc


Ngày sau trồng

Lượng phân (kg/ha)

Giai đoạn sau trồng

NPK

Ure

Kali đỏ




1

10 – 15

100

32,5

-

Cây lên khỏi mặt đất

2

25 – 30

150

32,5

50

Lên luống

3

50 – 55

150

-

50

Cây bắt đầu trổ đòng

Bổ sung phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, Miracle, Ba lá xanh, Tinh phân cá… kết hợp với những lần bón thúc (phun trước khi cây phát sinh chồi hoa, phun vào lúc mát trời và tưới vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh).



  1. Tưới nước

- Mỗi thời kỳ sống cây lay-ơn cần nhu cầu về nước khác nhau. Đặc biệt trong giai đoạn cây mới trồng và bắt đầu ra lá thứ 5 đến lá thứ 8, cần nhu cầu rất lớn về nước, nếu thiếu nước cây mọc không đều và ảnh hưởng đến sự phân hóa hoa dẫn đến cành hoa ngắn, ít hoa.

- Tưới nước thường xuyên tưới nước đảm bảo độ ẩm cho cây, thiếu nước làm cho hoa ngắn và nhỏ, củ nhỏ.



  1. Tỉa nhánh, lên luống

- Sau khi trồng 7-10 ngày, mầm cây mọc lên khỏi mặt đất, tiến hành loại bỏ các chồi phụ chỉ để lại 1 chồi chính cây để phát triển khỏe mạnh.

- Lên luống lần 1: Khi cây được 2-3 lá tiến hành xăm xới, bón thúc và lên luống lần 1, vun nhẹ một lớp đất mỏng vào cạnh gốc. Khoảng 2 tuần sau đó tiến hành vun gốc đợt 2, đợt này cần vun cao để chống đổ cho cây và tạo điều kiện cho cây sinh củ con. Sau đợt vun này tiến hành giăng lưới giúp cho cây không đổ và cành hoa không bị cong.



III. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Lưu ý: Hiện nay, các thuốc BVTV đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa lay-ơn còn rất ít, một số đối tượng sâu bệnh hại không có loại thuốc nào được đăng kí phòng trừ. Chính vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc bảo vệ phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại tương tự trên cây trồng khác để sử dụng trên cây hoa lay-ơn. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.



1. Sâu hại chính và biện pháp phòng trừ

1.1. Sâu xám (Agrotis upsilon ):

Thường phá hoại ở thời kỳ cây non, khi gặp thời tiết ẩm và ấm sâu phát triển mạnh hơn.

Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau để phòng trừ: Diazinon, Abamectin, Cypermethrin + profenofos, Esfenvalerate.

1.2. Sâu khoang ăn lá (Spodoptera  litura):

Loại sâu này thường phá hoại suốt thời kỳ sinh trưởng của cây. Chúng thường cắn phá lá, hại hoa làm giản năng suất và chất lượng hoa.

Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin, Emamectin, Cypermethrin

1.3. Rầy xanh

Xuất hiện thường xuyên trên đồng ruộng, chích hút nhựa cây làm cây vàng úa. Rầy xanh còn là đối tượng trung gian truyền bệnh virus.

Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin, Acetamiprid, Azadirachtin, Buprofezin, Cypermethrin

1.4. Bọ trĩ (Frankliniella occidentalis):

Chúng có kích thước rất nhỏ, thường xuất hiện khi cây được 1 tháng tuổi, chúng chích hút thân làm cây sinh trưởng chậm làm hoa không nở được hoặc bị méo mó.

Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau để phòng trừ: Imdacloprid, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran, Emamectin benzoate1.

2. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ

2.1. Bệnh do Fusarium spp.

+ Đặc điểm gây hại:

Bệnh sinh ra bởi nấm Fusarium oxysporum f.sp. gladioli tồn tại trong đất. Chúng xâm phạm vào củ và dễ dàng lan rộng bởi cây mẹ mang bệnh. Củ có thể bị nhiễm mà không có những triệu chứng rõ ràng.

Bệnh thường xuất hiện ở phần thân giả nằm dưới mặt đất làm cho thân teo tóp, củ thối nhũn, cây không phát triển được hoặc bị dị dạng. Chỗ bị bệnh có phủ một lớp phấn màu hồng.

+ Biện pháp phòng trừ

- Trồng củ khỏe mạnh, loại bỏ củ nào có dấu hiệu của bệnh

- Thu hoạch củ khi thời tiết khô ráo, làm sạch và phơi khô ngay sau khi thu

- Loại bỏ tất cả củ bệnh khi thu họach vì Fusarium spp. có thể phát triển tốt trong thời gian lưu trữ.

- Nhổ bỏ cây nhiễm bệnh xuất hiện trên đồng ruộng.

- Dùng Fulhumaxin 5.65 SC. Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất sau để phòng trừ: Thiophanate – methyl, Benomyl, Iprodione, phun theo liều lượng khuyến cáo



2.2. Bệnh trắng lá (Septoria gladioli)

+ Đặc điểm gây hại:

- Do nấm Septoria gladioli gây ra, bệnh hại nặng trong điều kiện trồng trên đất cát có độ ẩm cao, đất vườn không luân canh, lưa cữu nhiều năm.

- Vết bệnh lúc đầu nhỏ như mũi kim, về sau to dần, có hình dạng tròn hoặc hình bầu dục, giữa màu trắng xám, ngoài viền nâu sẫm, trên vết bệnh về sau có màu đen, bệnh hại lá bánh tẻ, lá già. Bệnh nặng làm lá vàng nâu, chóng tàn.

- Biện pháp phòng trừ: Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau để phòng trừ: Hexaconazole, Thiophanate – Methyl, Propineb, Difenoconazole..

2.3. Bệnh mốc xám (Botrytis sp.)

+ Đặc điểm gây hại:

- Do nấm Botrytis blight gây ra, bệnh dễ xuất hiện trong điều kiện mưa nhiều và đất ẩm ướt.

- Những đốm nâu và ướt xuất hiện trên cánh hoa, thân, sau đó xâm nhập vào củ, củ sẽ tiếp tục thối trong thời gian lưu trữ.

+ Biện pháp phòng trừ:

Dùng Fulhumaxin 5.65 SC phun theo liều lượng khuyến cáo, ngoài ra có thể tham khảo sử dụng thuốc có các hoạt chất sau để phòng trừ: Iprodione, Chlorothalonil, Thiophanate-Methyl.



2.4. Bệnh thối xám (Sclerotinia gladioli)

+ Đặc điểm gây hại:

Bệnh xâm nhiễm trên lá và thân gây thối nhũn nhưng không có mùi hôi, bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Vết bệnh lúc đầu có màu nâu vàng hay nâu xám, trên mô bệnh thường thấy 1 lớp bào tử nấm màu trắng hay màu nâu đen hình bất định.



+ Biện pháp phòng trừ: Có thể tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau: Carbendazim, Chlorothalonil, Iprodione

2.5. Bệnh rỉ sắt (Uromyces transversalis)

+ Đặc điểm gây hại:

Trên lá xuất hiện những đốm bệnh hình dạng bất định, màu nâu đậm, phát triển theo chiều ngang của lá, bột bào tử màu nâu đỏ phủ trên vết bệnh.



+ Biện pháp phòng trừ:

- Tham khảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau: thuốc gốc đồng, Hexaconazole, Diniconazole, Carbendazim, diniconazole..



2.6. Bệnh đốm nâu (Pleospora herbarum)

+ Đặc điểm gây hại:

Vết bệnh nhiều, hình tròn, bầu dục màu nâu đen nằm rải rác ở mép lá, phiến lá, gặp thời tiết ẩm ướt vết bệnh lan rộng. Nấm phát triển thích hợp ở 18-300C, ẩm độ cao 90%. Trời mưa ẩm ướt bệnh phát triển mạnh.



+ Biện pháp phòng trừ: dùng Fulhumaxin 5.65SC, ngoài ra có thể tham khảo dụng thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất sau để phòng trừ: thuốc gốc đồng hoặc thuốc có gốc hóa học Carbendazim, Benomyl

2.7. Bệnh khảm lá do virus:

Các giống cũ thoái hóa thường bị bệnh nặng. Để phòng trừ bệnh cần được phục tráng giống, và phòng trừ tốt rầy, rệp,... là môi giới truyền bệnh.



IV. THU HOẠCH XỬ LÝ VÀ BẢO QUẢN

1. Thu hoạch hoa

- Thời điểm thu hoạch: thích hợp nhất là lúc trên gốc hoa tự có 1-2 hoa nhú thể hiện được màu, nhưng chưa nở trong một ngày là tốt nhất, nên thu hoạch trước 10 giờ sáng.

- Vị trí cắt: khi cắt phải chừa lại ít nhất 2-3 lá hoàn chỉnh trên cây để cho cây tiếp tục nuôi củ. Các dụng cụ để thu hoạch hoa phải sắc bén và được khử trùng, thu hái cẩn thận. Cắt vát 150 sát gốc nhằm tạo khả năng hút nước của hoa được dễ dàng.

- Không đặt hoa lên đất bẩn, tránh làm dập hoa. Hoa lay-ơn vừa thu hoạch nên cắm ngay vào nước khử ion hoặc tốt nhất là cắm vào dung dịch bảo quản. Vận chuyển ngay về nơi thoáng mát để không làm ảnh hưởng đến chất lượng cành hoa.

- Đóng gói: Cần loại bỏ những bông hoa bị bệnh, bị héo và bị dập do cơ học, bộ lá không đẹp, sâu bệnh…. Những bông đủ tiêu chuẩn nên được sắp xếp theo từng độ tuổi khác nhau, bó theo từng giống, độ dài cành và cấp hoa, bó bằng gốc. Tùy theo thị trường, yêu cầu của khách hàng đóng gói theo quy cách khác nhau. Đóng vào thùng carton khi vận chuyển đi xa. Thùng carton cần có đủ lỗ thông hơi được bố trí hợp lý. Nếu chưa vận chuyển ngay nên để hoa trong kho lạnh giữ ở nhiệt độ 4-6oC và cắm hoa trong dung dịch bảo quản Flocare-NH. Nếu vận chuyển xa nên vận chuyển bằng xe lạnh ở nhiệt độ 4-6oC hoặc vận chuyển vào ban đêm.

2. Thu hoạch củ

Sau khi thu hoạch hoa khoảng 6-8 tuần thì tiến hành thu họach thu hoạch củ. Trước khi thu hoạch, ngừng tưới nước 2 tuần để củ được khô ráo, thu vào những ngày nắng ráo. Thu cẩn thận tránh làm xây xát củ, thu kỹ cả củ lớn và hạt. Loại bỏ các củ bị bệnh ngay trên đồng ruộng để tránh lây lan mầm bệnh sang các củ khỏe mạnh.



* Xử lý củ

- Củ thu xong được rửa sạch và xử lý ngay để tránh nguồn bệnh lây lan.

- Dùng Iprodione, Mancozeb 0,2%, ngâm củ trong 15- 20 phút. Sau đó đem phơi ở nơi thoáng mát.

3. Bảo quản củ giống

- Sau khi xử lý phơi củ ở nơi thoáng mát, có nắng nhẹ, sau 7-10 ngày củ sẽ mất bớt nước

dư thừa giúp cho lưu trữ củ giống được tốt.

- Tách hạt nhỏ ra khỏi củ lớn, phân loại để tiện theo dõi và thuận lợi cho việc trồng vụ sau. Kho bảo quản củ giống phải thoáng, đủ sáng và có biện pháp tránh sâu, chuột thâm nhập. Kiểm tra kho thường xuyên để kịp xử lý khắc phục tình trạng sâu bệnh, chuột bọ. Có thể bảo quản ở nhiệt độ thường 18-25oC hoặc bảo quản ở trong kho lạnh 7-10oC.







tải về 70 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương