Quy đỊnh của công ưỚc luật biển năM 1982 VỀ CÁc vùng biểN



tải về 71.64 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích71.64 Kb.
#13471

QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN NĂM 1982

VỀ CÁC VÙNG BIỂN

Hội nghị Luật Biển lần thứ III của Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước được mở ra cho các quốc gia ký vào ngày 10/12/1982.

Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương bởi vì đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.

1. Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển năm 1982

Theo Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển.



Nội thủy là toàn bộ vùng biển tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở của quốc gia ven biển. Trong vùng nội thuỷ của mình, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở của quốc gia ven biển. Theo luật biển vào những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước, lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ rộng 03 hải lý, tức khoảng 5,7km. Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ II của Liên hợp quốc, một số nước tiếp tục ủng hộ quan điểm lãnh hải 3 hải lý, nhưng một số nước khác chủ trương mở rộng lãnh hải đến 12 hải lý. Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ III các nước đã đạt nhận thức chung, do đó Công ước Luật Biển năm 1982 đã xác định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý. Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời ở trên lãnh hải, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

Tuy nhiên, tính chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì trong lãnh hải của quốc gia ven biển tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền đi qua không gây hại (tàu bay bay trên vùng trời vẫn phải xin phép). Công ước cũng đề ra những quy định rất cụ thể đối với việc đi qua không gây hại như không được đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển, hoặc dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; hoặc tuyên truyền, thu thập thông tin gây hại cho quốc phòng, an ninh của quốc gia ven biển v.v…

Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc đi qua trong lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, xuất, nhập cảnh, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển đặc thù nằm ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Vùng này cũng có chiều rộng 12 hải lý kể từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Có thể nói, vùng này như là một vùng đệm mà ở đó, các quốc gia ven biển có quyền thực hiện sự kiểm soát cần thiết nhằm mục đich ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm xảy ra trong lãnh hải của quốc gia đó. Ngoài khía cạnh này ra, quy chế của vùng này hoàn toàn như phần còn lại của vùng đặc quyền kinh tế.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý hoàn toàn mới. Mãi cho đến những năm 50 của thế kỷ XX hoàn toàn không có chế định này. Lúc đó các quốc gia ven biển chỉ có lãnh hải 3 hải lý. Ngoài lãnh hải 3 hải lý là vùng biển quốc tế. Với việc ra đời của vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của quốc gia ven biển được mở rộng và vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể.

Khác với nội thuỷ và lãnh hải, quốc gia ven biển không có chủ quyền mà chỉ có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó cũng như đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Hiện nay, tài nguyên thiên nhiên chính trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang quan tâm và đẩy mạnh thăm dò, khai thác là tôm, cá. Đối với số lượng tôm, cá mà quốc gia ven biển không đánh bắt hết thì có thể cho phép các quốc gia khác đánh bắt (nhưng họ phải trả lệ phí và tuân thủ các quy định của quốc gia ven biển). Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Bên cạnh đó, Công ước Luật Biển năm 1982 cũng quy định rõ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các quốc gia khác có một số quyền như quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển với chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Theo Công ước, quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý kể từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m (đường nối liền các điểm có độ sâu 2500m). Điều kiện để có thể mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý là quốc gia ven biển phải trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Thực hiện quyền này, các quốc gia ven biển đã trình lên Liên hợp quốc 60 Báo cáo quốc gia khác nhau, trong đó có 5 Báo cáo chung - do 2 hoặc 3, 4 nước cùng làm Báo cáo đối với một khu vực cụ thể. Ngày 6/5/2009, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc cùng với Đại diện Thường trực Ma-lai-xi-a trình Liên hợp quốc Báo cáo chung của Việt Nam và Ma-lai-xi-a về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Nam Biển Đông. Tiếp đó, ngày 7/5/2009, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã trình tiếp Báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc.

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Hiện nay, các nước ven biển tập trung thăm dò, khai thác nguồn lợi dầu khí để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong tương lai, ngoài dầu và khí, các nước sẽ thăm dò và khai thác các tài nguyên khác như quặng sắt, đồng, chì, thiếc v.v… Đặc biệt, khoản 2 Điều 77 của Công ước nhấn mạnh quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây, nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Như vậy, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển rất rõ ràng và minh bạch. Phù hợp với quy định của Công ước, các quốc gia ven biển có các quyền hợp pháp và chính đáng đối với mỗi vùng biển của mình. Khi thực hiện các quyền đó của mình, mỗi quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng các quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác. Đó là yêu cầu khách quan của trật tự pháp lý trên biển mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng nên. Các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết quốc tế luôn luôn phải song hành.

2. Quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế theo Công ước Luật Biển năm 1982

Vùng biển quốc tế: theo luật biển quốc tế trước đây thì vùng biển quốc tế rất rộng, tức là toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 3 hải lý của quốc gia ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, phạm vi vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể. Theo Công ước Luật Biển năm 1982, vùng biển quốc tế là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Ở vùng biển quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống ngầm, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền tự do này, các quốc gia phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển v.v…Công ước quy định vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hoà bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.

Đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định đáy biển quốc tế là di sản chung của nhân loại và không một quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó. Đây cũng là những quy định mới trong luật biển quốc tế hiện đại. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: khác với vùng biển quốc tế, ở đáy biển quốc tế các quốc gia không có quyền tự do khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đáy biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 đã quy định thành lập một tổ chức quốc tế mới là Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương.

Quy chế nói trên về đáy biển quốc tế là kết quả đấu tranh kiên trì của các nước đang phát triển. Theo luật biển quốc tế trước đây quy chế pháp lý của đáy biển cũng là quy chế tự do, tương tự như vùng biển quốc tế. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, các nước đang phát triển đã nỗ lực để cộng đồng quốc tế đi tới quy chế pháp lý này. Trong khi đó, một số nước nước công nghiệp phát triển, hoàn toàn không ủng hộ việc có một quy chế pháp lý như vậy. Do đó, vào những năm 90 của thế kỷ 20, trong khuôn khổ tham khảo không chính thức dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nước đã tiến hành thương lượng về nội dung của phần XI. Kết quả thương lượng đó dẫn đến sự ra đời của Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước. Theo đó, một số điều khoản của Công ước Luật Biển năm 1982 liên quan quy chế pháp lý của đáy biển quốc tế đã có thay đổi nhất định để đáp ứng yêu cầu của các nước phát triển.


3. Việt Nam và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982

Việc 107 quốc gia cùng ký vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển tại Montego Bay, Jamaica 30 năm trước đây là một thành quả hết sức quan trọng của Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật Biển. Sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật Biển 1982) đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một chuẩn mực pháp lý quốc tế công bằng mang tính toàn cầu đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Quá trình xây dựng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã diễn ra nhiều năm với sự nỗ lực của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Đến nay, thành viên của Công ước Luật biển năm 1982 đã lên tới 164 quốc gia. Công ước Luật biển 1982 không chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển mà còn đề cập đến quyền được tiếp cận với biển của các quốc gia không có biển, do vậy Công ước Luật Biển 1982 được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận. Công ước Luật Biển 1982 ra đời đã đặt nền tảng cho sự thiết lập một trật tự pháp lý mới liên quan đến các vấn đề biển và đại dương. Nội dung của Công ước 1982 đề cập toàn diện đến các lĩnh vực biển, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay nước đang phát triển, dù là nước nhỏ hay nước lớn, dù là nước có biển hay không có biển.

Từ khi có hiệu lực ngày 16/11/1994, Công ước Luật biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để điều phối các vấn đề liên quan đến biển, một công cụ pháp lý quan trọng để giải quyết, xử lý các tranh chấp biển và được coi là “Hiến pháp của đại dương”. Trong 30 năm tồn tại, Công ước Luật biển 1982 đã được vận dụng khá hiệu quả để giải quyết nhiều tranh chấp biển phức tạp kéo dài, tránh được những nguy cơ xung đột tiềm tàng.

Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3260 km, Việt Nam có nhiều lợi ích lớn gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển cả, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước Luật biển 1982; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực vào việc thực hiện Công ước.

1. Từ trước khi Công ước Luật biển 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng các văn bản pháp quy về biển. Căn cứ vào xu thế phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế, năm 1977 Việt Nam ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam” xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, cho phép mở rộng quyền của Việt Nam ra biển, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Với Tuyên bố này, Việt Nam cũng như các nước Kê-nya, Miến Điện, Cu-ba, Y-ê-men, Đô-mi-nic, Gua-tê-ma-la, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Mê-hi-cô, Xây-sen được coi như những nước đi tiên phong trong việc đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán và sau này trở thành một nội dung quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

2. Việt Nam là quốc gia tham gia Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật Biển tại Montego Bay, Jamaica. Ngay sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua, ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước. Trước khi Công ước có hiệu lực, ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Nghị quyết phê chuẩn khẳng định chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển 1982 và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế; yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Nghị quyết khẳng định chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định bởi những nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982.

3. Vận dụng các quy định của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường pháp lý cho công tác quản lý biển và các hoạt động kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Ngày 21/06/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển Việt Nam. Luật biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của Công ước Luật biển 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế và thực tiễn của các nước. Luật biển Việt Nam gồm 7 chương với 55 điều, đề cập đến các nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển. Với việc thông qua Luật biển, Việt Nam đã làm cho các quy định của luật pháp về biển của mình hài hoà với các quy định của Công ước Luật Biển 1982. Việc Luật biển Việt Nam khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 càng khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, thể hiện quyết tâm của Việt Nam phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trước đó, ngày 14/6/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã thông qua một số bộ luật khác liên quan đến quản lý và sử dụng biển như Luật Dầu khí (1993), Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Bảo vệ môi trường (1993), Luật Biên giới quốc gia (2003), Luật Thủy sản (2004) và nhiều pháp lệnh, nghị định khác.

4. Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã và đang tiến hành quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các đối tác nước ngoài trong hợp tác kinh tế, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của Công ước 1982. Việt Nam cũng đã chủ động và hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp phòng chống tội phạm trên biển, nhất là cướp biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước Luật biển 1982.

Vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển là vấn đề luôn được Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng và đã được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý biển của Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau như: vận tải biển, dầu khí, nuôi trồng khai thác thủy hải sản và kiểm soát và tuần tra biển. Việt Nam cũng là quốc gia đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến liên quan khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương, liên quan đến bảo vệ môi trường biển, chống nước biển dâng cao.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tìm kiếm và cứu nạn mà Công ước Luật Biển 1982 đặt ra cho các quốc gia ven biển, Việt Nam đã thành lập Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn theo quyết định số 780/TTg ngày 23 tháng 10 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm-cứu nạn người và phương tiện (tàu bay, tàu thuyền, thiết bị dầu khí…) bị lâm nạn trên không, trên biển và vùng trách nhiệm tiếp giáp giữa Việt Nam với các nước. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Công ước về Tìm kiếm Cứu nạn và đang chuẩn bị để đàm phán với các nước liên quan về phân định vùng tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển.

5. Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý, cụ thể là: Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về Phân định biển ngày 09/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định về Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về Phân định Thềm lục địa ngày 26/6/2003. Việt Nam đang đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xia và đang chuẩn đàm phán về vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác. Thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện phân định biển của Việt Nam với các nước láng giềng đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước Luật biển 1982, đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển. Kết quả đàm phán giải quyết phân định giữa Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc góp phần khẳng định xu thế không thể phủ nhận của việc sử dụng đường trung tuyến hoặc cách đều làm xuất phát điểm để đi tới một giải pháp phân định công bằng và xu thế sử dụng đường phân định đơn nhất cho phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông. Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào vào Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 11/10/2011. Điều đó cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung của Công ước.

6. Căn cứ vào khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công Luật Biển 1982, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các bên hữu quan tiến hành hợp tác cùng phát triển ở những khu vực thực sự có tranh chấp, phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982. Năm 1992, Việt Nam đã ký với Ma-lai-xia Thỏa thuận về việc hợp tác khai thác tài nguyên khoáng sản khu vực thềm lục địa chồng lấn và thỏa thuận này đang được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam đang cùng Thái Lan - Ma-lai-xia đàm phán về hợp tác tại khu vực biển chồng lấn 3 bên Việt Nam - Thái Lan - Ma-lai-xia.

7. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, sau gần 3 năm nỗ lực (từ 2007 đến 2009), Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa bảo đảm chất lượng, xác định một cách có cơ sở khoa học và pháp lý phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc. Đầu tháng 5-2009, Việt Nam đã trình lên Liên hợp quốc Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực phía Bắc và Báo cáo chung xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực phía Nam với Malaysia theo đúng thời hạn quy định của Liên hợp quốc. Trong các ngày 27 và 28/8/2009, Việt Nam đã trình bày hai bản Báo cáo này tại Ủy ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc, đồng thời đề nghị Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc sớm thành lập các Tiểu ban để xem xét Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như Quy tắc hoạt động của Uỷ ban Thềm lục địa. Việc làm này khẳng định rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi Công ước Luật biển 1982.

8. Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam là thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương và đã từng được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương. Việt Nam tham gia đầy đủ các Hội nghị của các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển 1982 được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Công ước; tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị Cơ quan quyền lực đáy đại dương trong đó đề cao vai trò của Công ước Luật Biển 1982; ủng hộ tăng cường hoạt động của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa và ủng hộ vai trò tư pháp của Toà án Luật biển quốc tế; đồng thời đóng góp đầy đủ niên liễm để các cơ quan được thành lập theo Công ước hoạt động. Tại các diễn đàn liên quan, Việt Nam luôn khẳng định: Trong hoạt động sử dụng biển, các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định trong Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và ủng hộ thông qua hai Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và về đánh cá trên biển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; tham gia tiến trình tham vấn không chính thức về các vấn đề đại dương và Luật biển hàng năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải Toàn cầu (GMDSS)..., đồng thời đã lập hệ thống đài thông tin duyên hải đáp ứng thông tin liên lạc giữa các tàu và giữa các tàu với bờ. Việc tiến hành kiểm tra tại cảng biển các tàu luôn tuân thủ các Thỏa thuận khu vực về kiểm tra nhà nước tại cảng biển. Ngoài Công ước Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Việt Nam đã tham gia rất nhiều các Công ước của IMO khác bao gồm: Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu, 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 (MARPOL 73/78), Công ước về tấn trọng tải (Tonnage 69), Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến đâm va giữa các tàu chung (COLREG 72), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển (SOLAS 74), Công ước quốc tế về Mạn khô (Load Line 66), Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên (STCW 78/95), Công ước quốc tế về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải (SUA 88) và Nghị định thư về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các dàn khoan cố định ở thềm lục địa; Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu (CLC 1992-Việt Nam tham gia ngày 1 tháng 7 năm 2003 và Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ 1 tháng 7 năm 2004) ; Công ước về Tạo thuận lợi trong giao thông đường biển (FAL); Công ước về Tìm kiếm, cứu nạn (SAR 79).

Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ hàng hải như: Hiệp định về tạo thuận lợi cho tàu biển bị nạn và cứu người trên tàu bị nạn ngày 15 tháng 5 năm 1975, Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hoá quá cảnh ngày 16 tháng 12 năm 1998, Hiệp định khung về thương mại dịch vụ (GATS) tháng 12 năm 1995, Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia ngày 26 tháng 3 năm 2012.

Việc Việt Nam tham gia các văn kiện pháp lý liên quan đến biển của khu vực và quốc tế thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của Công ước Luật Biển 1982.



Tóm lại, 30 năm nay, Công ước Luật biển 1982 đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, kể cả những tranh chấp về biển. Là một quốc gia gắn liền với biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, nếu các quốc gia ven biển đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định bởi Công ước Luật Biển 1982 thì nhân loại không những sẽ tránh được những căng thẳng, xung đột trên biển mà sẽ có điều kiện tốt hơn để khai thác biển và đại dương phục vụ lợi ích con người.

Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hành động theo mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của Công ước Luật Biển 1982; đồng thời yêu cầu, kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này./. 








tải về 71.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương