QUỐc hội khóa XII kỳ HỌp thứ 03 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 442.92 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích442.92 Kb.
#37998
1   2   3   4
Cao Sĩ Kiêm  - Thái Bình 

Kính thưa Chủ tịch đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Mở rộng Hà Nội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương mà có đủ điều kiện sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh trong thời kỳ hội nhập, cũng như giải quyết các tồn tại ách tắc hiện nay. Các Nghị quyết của Trung ương và giải trình của Chính phủ, đặc biệt Báo cáo của Uỷ ban Pháp luật, tôi thấy đã chỉ ra rất nhiều vấn đề, nội dung để đại biểu chúng ta thảo luận và quyết định. Qua ý kiến đại biểu và tôi suy nghĩ thấy rằng định hướng, chủ trương rõ và tôi thống nhất cao, nhưng điều kiện để thực hiện còn phải bàn tiếp một số việc. Theo tôi nên bàn 3 việc sau:

Một là, đề nghị Chính phủ nên lấy ý kiến dân, ý kiến các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ, các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực, qua các thời kỳ mà hiện nay không công tác. Nếu Chính phủ đã lấy rồi, đề nghị công khai nói ý kiến đóng góp và tiếp thu, nếu chưa lấy có thể phải lấy tiếp.

Vấn đề thứ hai là vấn đề kinh phí, tôi cũng đồng ý phải chờ quyết định thì mới có dự toán một cách rõ ràng, đầy đủ, nhưng phải nêu được khái toán những vấn đề lớn vì chúng ta phát triển thủ đô ở thời kỳ hội nhập, kể cả kế hoạch trung hạn, dài hạn, ngắn hạn, kể cả kế hoạch 5 năm và kế hoạch 2008 này có những vấn đề phải có thông báo, để chúng ta có lượng sức chuẩn bị. Thứ hai là những vấn đề cực lớn như xây dựng một hạ tầng một thủ đô lớn như thế này, xây dựng hạ tầng cho vùng nông thôn bao la như thế này, xây dựng những khu hành chính chuyển về Láng - Hòa Lạc, rồi vấn đề đói nghèo và xóa đói giảm nghèo của khu vực ngoại thị lớn như thế này là phải được biết số tiền là bao nhiêu, khái toán bao nhiêu, để chúng ta lượng sức mình, để chúng ta xử lý và giải quyết.

Vấn đề thứ ba là vấn đề cán bộ. Khi chúng ta quản lý một thủ đô, một thành phố tăng gấp 3 lần hiện nay, rất nhanh như thế và có 29 đơn vị hành chính, có một vùng nông thôn, nông nghiệp rất rộng lớn và cũng rất khó khăn. Đặc biệt quản lý thủ đô ở vùng lại có cả dân tộc miền núi thì khả năng quản lý, cơ chế quản lý, đội ngủ cán bộ của chúng ta là hết sức lớn, phải được chuẩn bị hết sức cụ thể và có lộ trình rõ ràng. Vấn đề này chúng tôi đề nghị phải có đánh giá, có khảo sát, có kế hoạch đào tạo, kể cả của Hà Nội, kể cả nước, Trung ương viện trợ, kể cả các địa phương viện trợ thì chúng ta mới có khả năng. Căn cứ vào cái này chúng ta lượng sức để bố trí lộ trình cho thích hợp. Theo tôi quyết hay không quyết là phải trên cơ sở các điều kiện để chúng ta quyết định, khi các điều kiện đã đủ rồi, mà chúng ta thấy quyết yên tâm thì thời gian quyết Hội nghị này hay các Hội nghị khác không thành vấn đề. Nếu chúng ta chuẩn bị nhanh và kịp thì có thể quyết được nhanh, nếu vấn đề còn phân tán, ý kiến khác nhau thì chắc chắn khi đại biểu bấm nút và biểu quyết sẽ phân vân và sẽ rất phân tán.

Theo tôi cũng không nên đặt thời hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng vì căn cứ vào công việc chúng ta phải giải quyết, căn cứ vào thực trạng vấn đề đang tồn tại, căn cứ vào lực lượng và đội ngũ cán bộ chúng ta hiện có và khả năng xử lý các vấn đề của chúng ta, chúng ta sẽ quyết định thời hạn là sau khi Quốc hội ra quyết định thì bao giờ triển khai để phù hợp và có khả năng thực thi. Tôi xin phát biểu 3 ý kiến như vậy, xin hết.


Nguyễn Hữu Quang  - Nghệ An 

Kính thưa Chủ toạ phiên họp,

Kính thưa Quốc hội, việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội là một chủ trương lớn của đất nước đang được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, điều này cũng thể hiện ngay trong kỳ họp này, có rất nhiều ý kiến phát biểu khác nhau trước tôi.

Nhiệm vụ của Quốc hội trong kỳ họp này là bàn bạc và quyết định sự cần thiết phải mở rộng Thủ đô Hà Nội, thời điểm triển khai và quy mô mở rộng để trên cơ sở đó Chính phủ triển khai các công việc tiếp theo. Là một đại biểu ở xa thủ đô, do khả năng tiếp cận thông tin cũng như thời gian hạn chế, tuy nhiên với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, tôi xin trình bày một số quan điểm của mình về vấn đề này như sau.

Trước hết đó là sự cần thiết phải mở rộng Thủ đô Hà Nội, chúng ta phải trả lời được câu hỏi có cần thiết phải mở rộng Thủ đô Hà Nội hay không? Nhìn ra nước ngoài, như một số đại biểu đã phân tích, ở một số nước có nền kinh tế phát triển ở mức độ cao nhưng quy mô thủ đô cũng rất khiêm tốn. Tôi nói ví dụ ở Canada, Thủ đô là Ottawa chứ không phải Montreal, ở Úc thủ đô là Canberra, chứ không phải là những thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Ở Thụy Sỹ thủ đô là Bern, chứ không phải những thành phố lớn như Zurich hay Giơnevơ. Đặc biệt, ở Mỹ là một nước có trình độ kinh tế phát triển nhất thế giới thì thủ đô là Washington, chứ không phải là New York hay Losangioles. Ngược lại, ở một số nước khác, chúng ta có thể thấy quy mô thủ đô của họ rất lớn, ví dụ Tokyo- Nhật Bản, London- Anh, ở khu vực Châu Á là Xeun- Hàn Quốc, Băng kok- Thái Lan v.v...Vậy, câu hỏi là Thủ đô có cần lớn hay không, nó phụ thuộc vào vị thế phát triển thủ đô của chúng ta, là đơn chức năng hay đa chức năng?

Đối với nước ta, nhìn lại lịch sử cách đây 1 nghìn năm, từ khi nhà Lý quyết định dời đô từ Hoa Lư, là nơi có vị trí phòng thủ, quốc phòng rất thuận lợi, về Thăng Long là nơi có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương. Như vậy, nhà Lý đã xác định thủ đô của chúng ta là một thủ đô đa chức năng. Đến thời nhà Trần, trải qua các cuộc chiến tranh, chúng ta đã chiến thắng quân Nguyên, sau này mỗi lần đưa quân ra phía Bắc thì vua tôi nhà Trần đã phải dời kinh đô lên vùng Kinh Bắc, nhưng sau mỗi cuộc chiến tranh, vua tôi nhà Trần lại quay lại xây dựng thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Điều đó chứng tỏ tổ tiên của chúng ta xác định thủ đô của chúng ta không chỉ là trung tâm hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế văn hóa.

Khi người Pháp đặt chân lên Đông Dương, mặc dù thủ đô không phải là Hà Nội nhưng người Pháp đã đặt Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, đã xây dựng và quy hoạch xây dựng Hà Nội thành một thành phố ngang tầm với các thành phố của Châu Âu, như nhà sử học Trần Huy Liệu đã nói trong cuốn Lịch sử Thủ đô Hà Nội là "đúc kết kinh nghiệm phát triển của thế giới, kế thừa tinh hoa của dân tộc". Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ngày 15/12/2000 và Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28/12/2000 đã xác định Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Ngoài ra, đất nước chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong lúc chúng ta chưa đủ tiềm lực để phát triển đồng đều trên cả nước, chỉ theo kinh nghiệm của một số nước phát triển gần đây cần phải hình thành các trung tâm kinh tế khu vực. Nếu như ở miền Nam có Thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung có Đà Nẵng, phía Bắc sẽ là ở đâu thích hợp hơn Hà Nội?

Với những căn cứ nêu trên, tôi cho rằng để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một Thủ đô đa chức năng của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai, việc mở rộng địa giới Hà Nội để có quy mô, diện tích và dân số phù hợp là một điều không thể không làm.

Thứ hai, mở rộng Thủ đô vào lúc nào? Tôi cho rằng Thủ đô Hà Nội hiện nay đang bất cập như nhiều đại biểu phát biểu, hiện nay các địa phương xung quanh Hà Nội phát triển theo chiến lược quy hoạch riêng của tỉnh mình, phát triển không đồng đều và nhiều nơi phát triển một cách tự phát dẫn đến lãng phí đất đai và nguồn lực. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta cần quyết định sớm việc mở rộng Thủ đô để giữ gìn quỹ đất, để Chính phủ có thể triển khai ngay việc xây dựng quy hoạch Thủ đô, đưa việc phát triển thiếu quy hoạch hiện nay vào kiểm soát, nếu không chúng ta sẽ trả giá đắt trong tương lai.

Thứ ba, quy mô mở rộng như thế nào? Mặc dù không phải là nhà chuyên môn nhưng tôi có cảm nhận phương án 1 do Chính phủ đưa ra là phù hợp.

Điều cuối cùng về thời gian tôi cho rằng chúng ta đang nghiên cứu và triển khai công việc này trong 8 năm, mặc dù điều kiện thông tin chưa đầy đủ nhưng 8 năm đó là một thời gian đủ để chúng ta đi đến quyết định vấn đề.

Kính thưa Quốc hội, với những suy nghĩ nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng địa giới như phương án Chính phủ đã trình bày trong kỳ họp này. Nếu được Quốc hội thông qua tôi cũng đề nghị Chính phủ với trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết mở rộng thủ đô và triển khai các bước thích hợp để xây dựng thủ đô đáp ứng các mục tiêu đã đề ra, để nhân dân cả nước luôn hướng về thủ đô với một niềm tin, một niềm tự hào to lớn. Vì ở đó có Đảng, có Quốc hội, có Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã chú ý lắng nghe, xin hết.


Hoàng Văn Toàn  - Vĩnh Phúc 

Kính thưa Quốc hội

Tỉnh Vĩnh Phúc có huyện Mê Linh dự kiến sẽ mở rộng và trở về Hà Nội theo Tờ trình của Chính phủ, do vậy chúng tôi cũng sớm được tiếp cận với chủ trương rất quan trọng này. Thay mặt cho Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Vĩnh Phúc tôi cũng xin có 3 ý kiến.

Thứ nhất, về mặt nhận thức chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng mang một tầm vóc lịch sử như nhiều đại biểu đã phân tích. Chúng tôi thấy chủ trương lớn này cũng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức nghiên cứu từ năm 2000 và đã tổ chức được rất nhiều cuộc hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đưa ra được nhiều phương án để lựa chọn nhằm khắc phục được những hạn chế, những bất cập hiện nay của thủ đô Hà Nội như các đại biểu đã phân tích rất nhiều về hạ tầng kỹ thuật, về quy hoạch, về môi trường, về tắc nghẽn giao thông như thực tế của thủ đô Hà Nội hiện nay.

Thứ hai, tỉnh Vĩnh Phúc sau khi nhận được chủ trương của Chính phủ thì chúng tôi đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là trong nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chỉ đạo để Hội đồng nhân dân huyện Mê Linh và Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức họp, có thể nói thảo luận rất sôi nổi.

Báo cáo với Quốc hội, lúc đầu ở Hội đồng nhân dân huyện cũng như ở Hội đồng nhân dân tỉnh có rất nhiều ý kiến băn khoăn, nhất là Vĩnh Phúc có di tích Hai Bà Trưng nó gắn nền văn hóa với tình cảm của người dân Vĩnh Phúc. Nhưng sau khi được trao đổi về chủ trương của Đảng, về xu hướng mở rộng của thủ đô Hà Nội, nhất là khi được tuyên truyền về tương lai dịch chuyển thủ đô hành chính của thủ đô Hà Nội, các đại biểu cũng trao đổi và cũng đồng thuận rất cao.

Báo cáo với Quốc hội, cả huyện Mê Linh và Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc 100% sau khi được trao đổi cùng nhất trí đồng ý để chuyển Mê Linh về với thủ đô Hà Nội.

Thứ ba, nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, tôi xin đề nghị Chính phủ cũng cần phải khẩn trương có qui hoạch tổng thể cùng với qui hoạch chi tiết để, chúng ta sử dụng một cách thật hiệu quả, theo tôi hiệu quả tới từng mét vuông đất ở thủ đô Hà Nội mới, khắc phục bất cập hiện nay mà như nhiều đại biểu cũng phân tích chúng ta bất cập do chúng ta thiếu qui hoạch. Do vậy, sử dụng các diện tích đất của Hà Nội cũ là kém hiệu quả và hiện nay khắc phục nó là rất khó khăn.

Chính vì thế tôi đề nghị Chính phủ phải khẩn trương có qui hoạch tổng thể gắn với qui hoạch chi tiết, đồng thời phải có một hệ thống các giải pháp thật tích cực, thật triệt để và phải xác định được lộ trình thật rõ ràng và cũng cần phải có một sự tuyên truyền rất sâu rộng, kịp thời và khoa học để nhân dân chấp nhận, tạo được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mới mà nhân dân cả nước. Để thực hiện được mục tiêu đề án đã đặt ra thì phải xác định rõ thế mạnh của từng địa phương, từng vùng. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một Thủ đô mới văn minh, hiện đại như đề án Chính phủ trình. Chúng tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin cám ơn Quốc hội.
Nguyễn Thị Hoa  - TP Hà Nội 

Kính thưa Quốc hội,

Trước tiên, tôi nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Như chúng ta biết Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô đã xác định vị trí Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước v.v... Như vậy, chúng ta phải khẳng định rằng Hà Nội hiện nay và tương lai là thủ đô có vị trí đa chức năng.

Trong thời gian qua Hà Nội đang phát triển theo hướng này, hiện tại đang gặp một số khó khăn bất cập về không gian và quá tải, do vậy việc mở rộng Hà Nội là một tất yếu khách quan. Mặc dù hiện nay Hà Nội vẫn còn một số việc chưa giải quyết được như một số đại biểu đã nêu, một số nơi tuy còn nghèo, cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện, chưa đạt yêu cầu, đặc biệt giao thông ở một số vùng nông thôn, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Hà Nội hiện nay đang có tốc độ phát triển rất mạnh, chúng ta không vì một số tồn tại nhỏ để ảnh hướng đến định hướng phát triển của một thủ đô sau này.

Việc mở rộng Hà Nội chúng tôi biết đã được chuẩn bị nhiều năm nay, tuy nhiên thông tin của Chính phủ đối với người dân còn thiếu, chỉ có điều quy mô và thời điểm hiện nay Chính phủ mới quyết định. Qua thăm dò ý kiến của cử tri cũng đồng tình với ý kiến mở rộng Hà Nội, song Tờ trình của Chính phủ trình bày còn sơ sài, thiếu tính thuyết phục, do vậy làm cho nhiều đại biểu tỏ ra còn băn khoăn.

Theo tôi nếu chúng ta coi Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước vì Hà Nội thì việc sát nhập Thủ đô Hà Nội với Hà Tây, việc tách một số địa phương của Hòa Bình, Vĩnh Phúc về Hà Nội là những vùng đẹp của các tỉnh, vừa là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của các địa phương này.

Trong Báo cáo nghiên cứu của Chính phủ đã trình bày cân nhắc việc mở rộng hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng, cố gắng tránh những biến động không có lợi cho nhân dân ở các địa phương, đảm bảo tính lịch sử, văn hóa và sinh hoạt của người dân, tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng để đề án thành công. Nếu chúng ta nhất trí với chủ trương mở rộng Hà Nội, theo tôi càng thực hiện sớm càng tốt, càng chậm càng khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch của Hà Nội sau này. Vì hiện này Hà Tây cũng đang thực hiện quy hoạch của mình, chưa chắc đã phù hợp với quy hoạch của Hà Nội sau khi mở rộng. Tuy nhiên tôi có một số ý kiến đề nghị như sau:

Thứ nhất, để thông qua được Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này, tôi đề nghị Chính phủ có Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, song vì thời gian không còn nhiều để chuẩn bị kỹ lưỡng được. Cho nên tôi đề nghị Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ hoàn thiện đề án và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau, nếu như Nghị quyết được thông qua trong kỳ này. Đặc biệt đề án cần phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Thứ hai, đề án mở rộng Hà Nội là đề án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được cử tri cả nước quan tâm, với quy mô lớn như vậy sẽ gặp những khó khăn, đề nghị Chính phủ cần phân công cụ thể cho các bộ, ngành phối hợp giúp đỡ Hà Nội cả về nhân lực và tài chính, để Hà Nội sớm khắc phục được những khó khăn, đi vào ổn định, để xây dựng và phát triển thủ đô sau khi mở rộng. Đồng thời tạo điều kiện và giúp đỡ các địa phương có diện tích chuyển về Hà Nội có điều kiện phát triển tốt hơn.

Thứ ba, sau khi mở rộng đề nghị chính quyền Hà Nội mới bao gồm cả chính quyền Hà Nội cũ và chính quyền Hà Tây sáng suốt, tạo ra một cơ chế quản lý mới hợp lòng dân, tạo sự đồng thuận trong dân, để nhân dân tích cực đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển của thủ đô mới, đạt được mục tiêu đề ra. Tôi xin hết ý kiến.
Cao Đức Phát  - Cao Bằng 

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi xin biểu thị sự nhất trí về sự cần thiết phải điều chỉnh địa giới của Hà Nội vì những lý do đã được nêu và định hướng quy hoạch thủ đô do các cơ quan chức năng của Chính phủ đã chuẩn bị và báo cáo với Quốc hội. Hà Nội cần có không gian để phát triển các khu chức năng và các đô thị vệ tinh theo một mô hình hiện đại. Với tư cách là người đại diện cho cơ quan nông nghiệp và phòng chống lụt bão, chúng tôi cũng xin có một số giải trình với Quốc hội, bổ sung như sau:

Trong Tờ trình số 60 của Chính phủ có nêu "tỉnh Hà Tây được xác định là vùng tiêu lũ khi mực nước sông Hồng lên cao, đạt mức nguy hiểm cho thủ đô Hà Nội". Tôi xin được giải trình rõ thêm là: Trong nhiều biện pháp phòng chống lũ trên hệ thống sông Hồng để bảo vệ Hà Nội, Chính phủ có quy hoạch một số vùng phân chậm lũ, trong đó có vùng Lương Phú - Quảng Oai và Vân Cốc trên địa bàn Hà Tây. Nếu thực hiện thì việc phân chậm lũ này sẽ ảnh hưởng đến diện tích khoảng 60.000 ha/tổng số 220.000 ha của tỉnh Hà Tây, thuộc về các xã dọc theo sông Tích và hữu ngạn sông Đáy thuộc 8 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức của Hà Tây. Vùng này được giới hạn về phía đông bởi đê tả Đáy. Tuy nhiên, việc xả lũ vào vùng này chỉ thực hiện khi đã sử dụng hết dung tích cắt lũ trên 8,5 tỷ m3 của các hồ chứa thượng lưu Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà và các vùng phân chậm lũ vùng thượng nguồn như Tam Thanh, Lập Thạch. Khi thực hết hiện các biện pháp đó thì nguy cơ mức nước trên sông Hồng tại Hà Nội vượt mức 13,4m còn rất lớn thì mới xả lũ vào vùng này. Với việc xây dựng các hồ chứa trên thượng nguồn sông Đà khả năng phải sử dụng cơ chế phân chậm lũ giảm đi rất nhiều.

Tuy vậy, trong phương án quy hoạch mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội khía cạnh này cũng đã được xem xét, nhưng theo tôi, việc bố trí vùng phát triển mở rộng đô thị của Hà nội đến vùng thoát lũ sông Đáy, tức là đến giáp với đê Tả Đáy cũng như việc bố trí phát triển các đô thị vệ tinh dọc theo đường 21 là hợp lý. Mặt khác việc quy hoạch, bố trí các vùng sản xuất nông nghiệp như nêu trong đề án cho phép phát huy các vùng nông nghiệp truyền thống hiện có. Tuy nhiên các phương án quy hoạch này cần được sớm tiếp tục hoàn chỉnh, cụ thể hoá để có hiệu lực làm cơ sở quản lý đất đai và quá trình phát triển theo một sự chỉ đạo thống nhất, tránh những tốn kém to lớn do không làm đúng quy hoạch và phải sửa lại sau này. Do vậy tôi đề nghị Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội để sớm triển khai các công việc cần thiết tiếp theo. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Bàn Đức Vinh  - Hà Giang 

Kính thưa Chủ trì Kỳ họp.

Thưa toàn thể Quốc hội.

Tôi xin phát biểu trên 3 phương diện: Thứ nhất là sự đồng cảm, chia sẻ của cá nhân tôi với các địa phương trong diện điều chỉnh. Thứ hai là chính kiến của cá nhân tôi - một đại biểu. Thứ ba là kiến nghị đề xuất với Quốc hội và Chính phủ.

Lời đầu cho phép tôi đồng cảm và chia sẻ với những trăn trở của các đại biểu ở những địa phương nằm trong vùng điều chỉnh như Hà Tây, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Phước trong việc điều chỉnh trong phạm vi hẹp. Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và thành phố Hà Nội trong phạm vi lớn, những trăn trở hay băn khoăn của các vị đại biểu trong vùng điều chỉnh cũng như các vị đại biểu khác và toàn thể cử tri là có lý. Bởi vì những công việc đã làm, đang làm đã quen thuộc từ bao đời nay và trong khoảng thời gian dài về người, về đất, về công trình và tình người và các mối quan hệ trước đó đã quá lâu. Nhưng nay sau khi điều chỉnh là phải tạo lập mới mọi mối quan hệ mới, theo cá nhân tôi những băn khoăn và trăn trở đó là có lý, nhưng vẫn khắc phục được và là phần nhỏ. Còn việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa các tỉnh cũng như việc mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội là việc lớn và trọng đại. Muốn có được việc lớn và việc trọng đại thì mọi cá nhân hãy biết hy sinh và biết gác lại những việc nhỏ để tạo lập được việc lớn thì mới có ngày mai và hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn. Vấn đề thứ hai là chính kiến của cá nhân tôi cũng như của đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang.

Thưa Quốc hội, sau khi nghe Chính phủ trình bày các Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số tỉnh và mở rộng địa giới thành phố Hà Nội. Tôi và toàn thể các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu của tỉnh Hà Giang hoàn toàn đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh địa giới của 4 tỉnh và mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội như Tờ trình của Chính phủ đã trình. Bởi vì thời điểm mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội đã chín mùi và đã đến lúc phải mở rộng, lúc này không quyết định mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội thì sẽ kéo dài, kéo lùi lại sự phát triển của cả nước vì thời gian có hạn nên tôi không giải thích và phân tích thêm nữa.

Thứ ba, những kiến nghị đề suất với Quốc hội và Chính phủ, tôi mạnh dạn đề suất với Quốc hội và Chính phủ là sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội phải có phương án đồng bộ về phương án sử dụng không gian của thành phố Hà Nội sau khi mở rộng, kế hoạch, qui hoạch cụ thể việc sử dụng không gian sử dụng quỹ đất cụ thể, như một số đại biểu đã nói đến từng mét vuông đất một và được tổ chức triển lãm nhiều lần, nhiều nơi, làm tốt và lắng nghe ý kiến của người dân của cử tri cả nước, của các bậc lão thành cách mạng, các nhà khoa học. Từ đó quyết định phương án chính xác nhất, tránh việc làm ồ ạt, không lắng nghe ý kiến của nhân dân, không lắng nghe ý kiến của cử tri, của các nhà khoa học, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng có lỗi, nói đúng hơn là có tội.

Phải thực sự, thực hiện câu nói quen thuộc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đó là "Việc gì có lợi cho dân thì dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng mà làm. Còn việc gì có hại đến dân thì dù có nhỏ cũng tuyệt đối tránh và tuyệt đối không được làm". Chính hôm nay theo cá nhân tôi hiểu Bác Hồ cũng đang dôi theo việc Quốc hội bàn, việc nội dung mở rộng thủ đô Hà Nội và điều chỉnh một số đơn vị hành chính của một số tỉnh, chắc Bác sẽ đồng ý với việc quyết định của Quốc hội trong việc mở rộng thủ đô.

Còn lựa chọn phương án nào, cá nhân tôi và đoàn của tỉnh Hà Giang xin đồng ý chọn phương án số 1 với số điểm được chọn cao nhất đó là 1.282 điểm/5 phương án được lựa chọn.

Quốc hội trong các kỳ qua đã bàn và quyết định rất nhiều việc lớn, ví dụ như Cầu Thăng Long, đường điện 500KV Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh Bắc - Nam, dự án Thủy điện Sơn La v.v... Trong khi bàn Quốc hội cũng có nhiều ý kiến băn khoăn nhưng cuối cùng đến ngày hôm nay ta đã thấy hiệu quả của các công trình trên.

Còn hôm nay 19/5 Quốc hội bàn mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội đồng nghĩa với mở rộng thủ đô Hà Nội cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng theo cá nhân tôi, các đại biểu hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương Đảng, sự quyết đoán chính xác của Quốc hội và sự điều hành linh hoạt của Chính phủ nhất định việc sử dụng không gian thành phố Hà Nội sau khi mở rộng sẽ có một thủ đô đúng tầm của đất nước Việt Nam ở tầm nhìn năm 2030 - 2050, có thể đến năm 2100 cho con cháu ta ngang tầm quốc tế. Lúc này có đau chỉ đau một lần để con cháu ta được khoan thai nhiều năm, nhiều thế hệ mai sau, cớ sao ta lại còn chần chừ mà không quyết định, vì các điều kiện cần, đủ và thời điểm đã đến lúc.

Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, tôi xin cung cấp thêm một số số liệu nữa, ví dụ như điều kiện cần là gì, ai cũng bảo là cần, các đại biểu phát biểu cần phải mở rộng, đủ vì Hội đồng nhân dân các huyện, các tỉnh nằm trong diện điều chỉnh đã có Nghị quyết, nếu hôm nay Quốc hội không quyết định thông qua Nghị quyết này, rõ ràng các Nghị quyết của cấp tỉnh phải hủy đi, đã đến lúc chưa? đã đến lúc rồi. Do vậy, cá nhân tôi, tôi đồng tình cao việc mở rộng và thông qua kỳ họp này. Tôi xin hết.


Hồ Trọng Ngũ  - Ninh Thuận 

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi muốn thể hiện sự ủng hộ cao quyết tâm chính trị của Chính phủ, của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trong việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô. Về vấn đề như các đại biểu đã phân tích tôi không nói thêm, rõ ràng có những cơ sở khoa học để phát triển địa giới hành chính của Thủ đô, đó là kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã làm, đó cũng là quy luật khách quan, vì mọi sự vật trong quá trình phát triển không phải tồn tại nguyên. Thủ đô Hà Nội cũng cần phát triển để phục vụ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Qua phát biểu của các đại biểu, đặc biệt chúng tôi lưu ý các thành viên của Chính phủ đã phát biểu, chúng tôi thấy Chính phủ rất quyết tâm, chứng tỏ Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã bàn bạc tìm một giải pháp cho Thủ đô Hà Nội và cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi không đồng ý với ý kiến nói là Chính phủ không tính toán, không thể ngờ vực chuyện Chính phủ không có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước. Chúng tôi ủng hộ thể hiện một tình cảm, một thái độ ủng hộ nhiệt liệt Chính phủ trong việc mở rộng địa giới thủ đô.

Tuy nhiên qua phân tích của nhiều nhà khoa học, của các đại biểu là các nhà khoa học trong Quốc hội, chúng tôi cũng thấy còn một vài khía cạnh có lẽ do quá trình chuẩn bị các cơ quan tham mưu của Chính phủ chưa tính toán kỹ lắm, làm cho sự đồng thuận cao của Quốc hội chưa được cao. Tôi chỉ phân vân có một điểm nếu như thông tin đưa ra mà nhân dân, đồng bào của chúng ta hiểu không đúng, không chính xác thì sẽ có sự phân tâm, điều mà tôi nghĩ là muốn bàn đến bất cứ một giải pháp nào phát triển đất nước thì điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề an dân. Nếu chúng ta bàn mà dân không thấu hiểu, dân không đồng thuận, không có một sự đồng thuận cao, vấn đề phát triển không được sự đồng thuận của dân thì đấy là vấn đề rất đáng phải tính toán và suy nghĩ. Vì thế tôi thấy kết hợp với những ý kiến các đại biểu đã nói để giải quyết trên hai phương diện, một mặt là chúng ta ủng hộ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ trong việc phải có các giải pháp mạnh để phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Vì thế đề nghị Quốc hội có nghị quyết lần này để bàn đến chuyện mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội.

Mặt khác tôi đề nghị vì trong Tờ trình của Chính phủ, trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cũng đã nói đến chuyện có 5 phương án đưa ra và được Chính phủ cũng đã bàn bạc đến những phương án đó và qua theo dõi tài liệu chúng tôi thấy không phải hoàn toàn trong Chính phủ đã đồng ý là 1 phương án. Vì thế theo tôi có thể chọn hai phương án trong số 5 phương án khả dĩ nhất được đưa ra Chính phủ, nên chăng như vậy để Quốc hội biểu quyết chọn một trong hai phương án đấy, vừa thuận với tình cảm chung của Quốc hội, vì tôi thấy đại đa số các đại biểu đều ủng hộ Chính phủ trong việc mở rộng địa giới, vấn đề là về cách làm và giới hạn v.v... như đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu ban đầu. Tôi đề nghị nên chọn hai phương án để biểu quyết 1 phương án. Xin cám ơn Quốc hội.


Hà Hùng Cường  - Quảng Bình 

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi xin tham gia phát biểu một số vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý của việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.

Thứ nhất, về mô hình và quy mô của Thành phố Hà Nội, các đồng chí đã phát biểu nhiều. Đúng là trên thế giới tồn tại hai mô hình như đã phát biểu. Tuy nhiên, đối với Thủ đô Hà Nội tôi hiểu rằng trong suốt quá trình hình thành và phát triển 1 nghìn năm qua, Thăng Long- Hà Nội luôn đóng vai trò là thủ đô hoặc thành phố đa chức năng. Đặc biệt, từ năm 2000 đến giờ mô hình xây dựng Thủ đô Hà Nội đa chức năng đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết 15 năm 2000 của Bộ Chính trị đã xác định, các đại biểu đã nêu nhiều, tôi xin không nhắc lại. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28/12/2000 đã xác định về mặt pháp lý Thủ đô Hà Nội là Trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Điều 1 đã xác định như vậy.

Việc xác định mô hình Thủ đô Hà Nội từ năm 2000, 2003 cho đến bây giờ trong Nghị quyết của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước, tôi hiểu rằng đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Do vậy, mô hình Thủ đô Hà Nội đa chức năng mà Chính phủ trình Quốc hội chính là sự kế thừa lịch sử, truyền thống, phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở mô hình thủ đô đa chức năng đó, Đảng ta cũng đề ra nhiệm vụ là phấn đấu để xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực. Từ đó thể chế hóa đường lối của Đảng, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đã xác định 6 mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, do thời gian có hạn tôi xin chỉ nêu 4 mục tiêu:

Mục tiêu thứ nhất là xây dựng phát triển thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Mục tiêu thứ hai là có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.

Mục tiêu thứ ba là thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

Mục tiêu thứ tư là phát triển kinh tế thủ đô với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý.

Từ mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đã được thể chế hóa trong Pháp lệnh của Thủ đô, chúng tôi nghĩ rằng việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội theo phương án Chính phủ đã trình Quốc hội là tất yếu, cần thiết và hoàn toàn phù hợp.

Vấn đề thứ hai là về quy trình thực hiện việc mở rộng, điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Cho đến nay Nhà nước ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng về quy trình, trình tự thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính các cấp. Tuy nhiên một số văn bản pháp luật cũng đã đề cập đến vấn đề này, như Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 và riêng đối với cấp xã có các quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 cách đây chưa được một năm. Theo đó, trình tự thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính đối với đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh được thực hiện như sau:

Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã thì trong trường hợp điều chỉnh nhập nguyên vẹn xã vào một huyện, tỉnh phải được Hội đồng nhân dân xã thông qua để đề nghị cấp trên quyết định ở Khoản 4 Điều 34 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Như vậy đối với việc sáp nhập nguyên vẹn 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình về Thành phố Hà Nội không cần phải cần lấy ý kiến nhân dân mà chỉ cần lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp thông qua và quy trình này đã được thực hiện đầy đủ với 4 xã của huyện Lương Sơn. Tuy nhiên trong Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có quy định việc lấy ý kiến của nhân dân trong xã chỉ phải tiến hành trong trường hợp điều chỉnh địa giới liên quan trực tiếp đến cấp xã ở Khoản 4 Điều 19 của Pháp lệnh. Chúng tôi hiểu rằng trực tiếp liên quan đến cấp xã và thực tiễn vừa qua đã làm là việc lấy ý kiến đối với việc thành lập mới cấp xã, nhập các xã với nhau, chia một xã thành nhiều xã, tách một số thôn, làng, bản, ấp v.v. của xã này vào xã khác.

Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp huyện thì phải được Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để đề nghị cấp trên xem xét theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Tương tự như vậy đối với cấp tỉnh.

Ngoài ra việc chuẩn bị để báo cáo Quốc hội Đề án Mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội đã được Chính phủ thông qua tập thể tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ. Như vậy việc xây dựng Đề án Mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Trong quy trình đó có vấn đề đặt ra là Đề án điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính có phải công bố và triển lãm rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân hay không? Theo chúng tôi, cho đến nay chưa có quy định nào của pháp luật về việc công bố rộng rãi, lấy ý kiến nhân dân, trừ trường hợp đối với việc chia, tách cấp xã, cấp phường, thị trấn vừa báo cáo ở trên. Theo chúng tôi biết thì cho đến nay việc thực hiện Hiến pháp năm 1992 và một số tỉnh chúng ta đã chia, tách thì chúng ta cũng chưa có tiền lệ lấy ý kiến nhân dân của các xã.

Tuy nhiên, việc công bố lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch chi tiết xây dựng một đề án, một khu đô thị theo Luật Xây dựng thì lại là vấn đề khác và do Luật Xây dựng điều chỉnh. Về vấn đề này Luật Xây dựng quy định là trong quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan theo nhiệm vụ của từng loại quy hoạch xây dựng, (Điều 32 của Luật Xây dựng). Như thế, chúng tôi nghĩ rằng là không nên có sự nhầm lẫn giữa việc lấy ý kiến về điều chỉnh địa giới hành chính với việc lấy ý kiến một quy hoạch xây dựng. Xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Văn Tiên  - Tiền Giang 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi có rất nhiều ý kiến đồng tình với đồng chí đại biểu Hà Hùng Cường vừa phát biểu. Tôi chỉ bổ sung thêm một số vấn đề:

Thứ nhất, tôi thấy những phiên họp nào mà có chủ đề về sát nhập, chia, tách thì phiên họp ấy rất là sôi nổi, gay go. Đây cũng là một cái mà khi đưa ra cái này chúng ta phải rút kinh nghiệm cho những đợt sau như thế nào? Trong đợt này, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Chính phủ và tán thành với các phương án của Chính phủ về Tờ trình và đồng ý, nhưng chúng tôi thấy đúng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật đã nói Tờ trình của Chính phủ chuẩn bị quá sơ sài và chúng tôi cũng đề nghị đây là một cái rút kinh nghiệm cho Chính phủ, lần sau phải cung cấp thông tin đầy đủ hơn, giá như hôm mà Ủy ban pháp luật thẩm tra Chính phủ giải trình ngay những vấn đề đó thì chắc không không có gì thảo luận nóng như hôm nay.

Vấn đề thứ hai liên quan đến cụ thể, tôi thấy thứ nhất chủ trương này có hợp hiến, hợp pháp không thì tôi nhất trí với đại biểu Hà Hùng Cường đã phát biểu hoàn toàn hợp pháp. Vì hiến pháp chúng ta cũng quy định, pháp lệnh chúng ta cũng quy định, do đó khi Chính phủ trình thì Quốc hội thấy cái này tuân thủ đúng pháp luật.

Vấn đề thứ hai là tính khả thi, đây là một nội dung quan trọng của các Báo cáo thẩm tra và đây cũng là một dự án rất đặc biệt. Tuy nhiên, khi chúng ta thảo luận thì chúng ta cũng phải thấy rằng Quốc hội mạnh về cái gì, Chính phủ mạnh về cái gì. Quốc hội bao giờ cũng mạnh về lập pháp, chúng ta có thể bác, có thể chê, có thể đề nghị sửa cái này nhưng về tính khả thi thì Quốc hội bao giờ cũng yếu hơn so với Chính phủ. Bởi vì Chính phủ là cơ quan chủ yếu thẩm tra, thẩm định, cho nên những ý kiến tôi thấy trong Hội trường các đại biểu đều xoáy sâu vào tính khả thi. Nhưng khi đưa ra thì Chính phủ đưa ra những thông tin người ta sẽ bác bỏ những ý kiến đó ngay tức khắc. Như vậy, tôi thấy đây cũng là một cái mà lần sau chúng tôi mong rằng Quốc hội quan tâm, tập trung vào những ý kiến thảo luận đúng chức năng của mình.

Vấn đề thứ ba là lấy ý kiến, tôi cũng nhất trí với đại biểu Hà Hùng Cường, chúng ta phải có luật về lấy ý kiến, những cái gì cần lấy ý kiến. Ví dụ điều chỉnh như thế này thì chúng ta phải làm theo luật. Nhưng ta thấy đại biểu này thì bảo lấy ý kiến, nhưng Chính phủ người ta bảo không phải lấy ý kiến thì lúc đó ai phân xử chỗ đó. Đấy là ý kiến thứ ba.

Thứ tư, tôi thấy chúng ta cũng phải có bài học, hiện nay trên thực tế thế giới diễn ra như thế nào. Một là động đất, các tòa nhà cao tầng rất nguyên hiểm. Hai là vấn đề an ninh. Thứ ba là vấn đề đa cực hay đơn cực. Từ đó chúng ta ngẫm nghĩ xem khi xây dựng thủ đô. Một là có nên xây dựng quá cao tầng không? Nếu không cao tầng thì chúng ta phải mở rộng và vấn đề an ninh thì có nên xây quá các khu cao tầng không thì chúng ta cũng phải xây vừa vừa và muốn cái đó thì chúng ta phải mở rộng.

Vấn đề thứ ba là trên thế giới người ta đang phấn đấu cho một thế giới đa cực, trong một quốc gia cũng vậy chúng ta phải cân nhắc khía cạnh này.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy qua bài học này để Quốc hội thảo luận có chất lượng và không nóng lên như thế này, đề nghị Quốc hội phải nghiên cứu và đưa vào ban hành Luật về điều chỉnh địa giới hành chính vì chúng ta có thể tách, nhập một số tỉnh nữa. Chúng ta phải có luật thì chúng ta mới làm theo đó được. Hai nữa là phải có Luật lấy ý kiến, những công trình nào phải lấy ý kiến, những vấn đề nào phải lấy ý kiến, sau này chúng ta cứ thế mà làm. Quốc hội phải làm theo luật nếu không thảo luận sẽ rất khó khăn. Thứ ba nữa tôi thấy chúng ta phải có cơ chế riêng cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đề nghị nếu Quốc hội nhất trí thông qua thì mỗi một kỳ họp tới Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện việc này như thế nào để chúng ta thúc đẩy Chính phủ, nếu như để như bộ máy vừa qua cũng có một số vấn đề. Chính phủ phải liên tục báo cáo cho đến khi chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Xin trân trọng cảm ơn, xin hết.
Vũ Văn Hiến  - Hậu Giang 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội, tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu khẳng định chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội là đúng đắn và tôi nhất trí với phương án 1. Nói một cách công bằng nếu nói Chính phủ chuẩn bị không đàng hoàng, còn vội vã thì cũng chưa thực sự khách quan. Với một khoảng thời gian là 7 năm, tới 20 cuộc hội thảo, đưa ra 5 phương án, rõ ràng là rất cẩn thận, kỹ càng. Bởi vì 5 phương án là phải có sự phản biện và phải có nhóm nghiên cứu khác nhau và 20 cuộc hội thảo, tôi không biết thành phần cuộc hội thảo như thế nào nhưng chắc chắn là có sự tham gia rộng rãi. Tôi nghĩ rằng phương án 1 là phương án có lẽ là tốt nhất trong các phương án, cho dù nó có một điểm mà nhiều đại biểu của chúng ta băn khoăn đó là diện tích rộng quá. Nhưng thử hỏi chúng ta ở một phương án khác diện tích nhỏ hơn nhưng chúng ta lấy ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Tây mỗi nơi một ít và đều là những chỗ tốt nhất, những chỗ phát triển nhất, động lực kinh tế và nguồn thu các tỉnh tình hình chắc chắn sẽ rất phức tạp.

Tôi nhớ trong nhiệm kỳ lần trước khi phong phanh nghe nói có lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị lấy Hưng Yên đến Phố Nối và Vĩnh phúc lấy mấy huyện, Hà Tây lấy dẻo Hòa Lạc vào đến Hà Đông thì lúc đó đã rất căng thẳng. Còn bây giờ tôi thấy thực sự một số đồng chí cũng băn khoăn chuyện lòng dân và Quốc hội thì Thường vụ Quốc hội sẽ có nhiều thông tin, nhưng ở một cơ quan thông tin tuyên truyền thấy người dân không có vấn đề gì về lòng dân thực sự như vậy, nói tuyệt đối không có, nhưng nói chung thì không có cái gì căng thẳng và nhiều người dân Hà Tây khi nói về Hà Nội rất phấn khởi, đấy là sự thật. Cho nên nếu nói lòng dân thì không đúng và nếu như chúng ta lấy một phương án khác mỗi nơi chỗ tốt nhất thì chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Tôi xin nói như vậy.

Một điểm nữa, tôi xin nói rằng, nếu chúng ta chờ đến năm 2010 hay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chúng ta mới quyết định, bấy giờ mới chủ trương thì tôi thấy sẽ rất phức tạp. Nếu như đòi hỏi Chính phủ phải có qui hoạch chi tiết thì Quốc hội mới thông qua. Ngay cả thuê tư vấn nước ngoài để qui hoạch thì không có đầu bài, không thể đưa ra đầu bài khi anh không biết diện tích bao nhiêu, không biết vị trí thế nào. Tôi nói đấy là một vấn đề phải được Quốc hội thông qua thì mới làm những việc chi tiết, giống như bây giờ cứ đòi hỏi một người phải thiết kế cái nhà đó đàng hoàng mà không biết miếng đất ở đâu, không biết bao nhiêu mét thì rất khó.

Một điểm cuối cùng, tôi xin nói nếu chúng ta để đến năm 2010 mới thông qua, bây giờ Quốc hội chúng ta nhất trí về phương hướng nhưng phải nghiên cứu thì vô hình chung chúng ta đã đẩy mấy triệu người vào một tình trạng qui hoạch treo từ nay đến năm 2010. Thử hỏi tâm lý người dân, cán bộ ở đấy chờ đợi mấy năm trời thì sẽ như thế nào? Lợi hay hại? Tôi xin nói chúng ta thấy đúng thì chúng ta Quốc hội phải quyết và chúng ta cũng tin tưởng ở Hội đồng nhân dân các cấp đã có sự thông qua. Bởi vì họ đến cuộc họp đó cũng phải có ý kiến của người dân, cũng phải tham khảo ý kiến của người dân, dù rằng chúng ta không có hình thức chính thức lấy ý kiến của người dân. Nhưng chúng ta cũng tin tưởng vào sự đại diện của người dân, của các đại biểu Hội đồng nhân dân, giống như cử tri cả nước tin tưởng sự đại diện của Quốc hội chúng ta chứ không nên đánh giá thấp sự quyết định của Hội đồng nhân dân của các tỉnh. Xin cám ơn Quốc hội.


Nguyễn Bá Thanh  - TP Đà Nẵng 

Kính thưa Quốc hội.

Việc mở rộng Thủ đô Hà Nội như các đồng chí biết đó là một việc rất lớn, rất hệ trọng. Một việc rất lớn như thế này tôi cho rằng có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, tôn trọng và lắng nghe từng ý kiến của các đại biểu phát biểu. Tôi tin rằng ý kiến tán thành mở rộng Thủ đô Hà Nội hoặc cả những ý kiến không tán thành mở rộng Thủ đô Hà Nội, đó là những ý kiến mong muốn làm sao cho Thủ đô của nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh, văn minh.

Nhìn chung qua thảo luận phần lớn các đại biểu đều thấy rằng cần thiết phải mở rộng địa giới của Thủ đô Hà Nội, nhưng mở rộng đến đâu. Nói về Hà Tây, tôi cũng có thời kỳ tham gia làm công tác quy hoạch, tôi thấy có lẽ phương án 1 là phương án tối ưu, vì chúng ta không thể lấy Hà Đông, lấy Sơn Tây, còn lại những huyện như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, những huyện cực nghèo của Hà Tây, không biết còn lại là tỉnh Hà Tây hay huyện Hà Tây. Cho nên, một việc rất khó khăn trong công tác quy hoạch.

Có đại biểu nói rằng phải có lộ trình, tôi cũng đồng ý là phải có lộ trình, nhưng bây giờ chúng ta đang làm lộ trình, nếu lúc này mà dừng lại thì cũng hết sức phân tâm, chưa chắc đã có lợi, như một số đại biểu nghĩ là chúng ta sẽ từ từ chúng ta làm, chúng ta nghĩ cho chín. Đến một lúc nào đó chín thì không thấy, nhưng khi xong được thủ tục là Quốc hội thông qua thì lúc đó tôi tin rằng nhiều vùng đất khi đó Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ không thể nào có thể lắp ghép được, không thể nào quy hoạch lại được. Cũng phải thừa nhận Tờ trình nhìn chung cũng chưa có sức thuyết phục lắm, cái đó ta rút kinh nghiệm, có những ý kiến đặt vấn đề cho rằng có gì đó không bình thường. Ví dụ Hội đồng nhân dân ở Hà Tây giơ tay biểu quyết 100%, chúng tôi làm dưới địa phương thấy chuyện này cũng bình thường, làm theo đúng luật và ở dưới địa phương những vấn đề như thế này đều biểu quyết công khai bằng giơ tay, chứ không phải lấy phiếu kín như một số đại biểu suy nghĩ như vậy. Cho nên nhầm lẫn tưởng đây là làm cái gì đó mù mờ, không rõ ràng, mang tính áp đặt, cũng có thể còn có những ý kiến khác nhau như tôi nói ban đầu, cũng có thể còn có một số người dân họ chưa tán thành, tôi tin rằng đa số người ta cũng thống nhất với phương án của Chính phủ đưa ra.

Vấn đề người ta băn khoăn là người ta muốn rằng thêm Hà Tây thì đừng thêm nhiều con sông Tô Lịch, thêm nhiều nhà máy khói bụi, thế này thế khác, người ta mong có một thủ đô đẹp hơn.

Vấn đề còn lại là vấn đề tổ chức thực hiện, tôi đề nghị có mấy vấn đề hết sức cần thiết nếu như được Quốc hội thông qua, tôi tin rằng chắc Quốc hội sẽ thông qua, nếu Quốc hội thông qua thì ngay từ bây giờ chứ chưa đợi phải Quốc hội thông qua việc quản lý quy hoạch, quản lý đất đai của địa giới thủ đô mới mở rộng, kể cả thủ đô cũ cho đến bây giờ là việc cần làm trước hết và phải ưu tiên đưa lên hàng đầu. Chính quỹ đất của Hà Nội, của Hà Tây có thể sau này làm những tuyến tàu điện ngầm, kinh phí nguồn thu từ quỹ đất khai thác được có thể làm tuyến tàu điện ngầm từ trung tâm Thủ đô cũ này cho đến Hà Đông, Sơn Tây là chuyện trong tầm tay của chúng ta, chứ không có vấn đề gì quá quắt đâu. Tôi nhắc lại là kinh phí thu được từ quỹ đất, còn nếu không trong khi qũy đất chia năm, xẻ bảy rồi nó về tay một số doanh nghiệp tư nhân thì điều đó rất khó khăn cho việc sau này khi chúng ta phát triển Thủ đô trong tương lai.

Vấn đề thứ hai là vấn đề cán bộ. Vấn đề cán bộ của Thủ đô mới tôi không lạm bàn việc này, nhưng tôi đề nghị cũng phải bắt tay vào làm sớm và phải có độ chính xác tương đối, có như vậy mới tạo ra sự hài hoà, sự đoàn kết, thống nhất để thực hiện những phương án mà Chính phủ nêu ra. Tôi cho đây là việc cực kỳ khó khăn chứ không phải dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta đi đúng hướng thì vấn đề còn lại là vấn đề làm. Làm như thế nào? Làm sao đó để khi có phương án mới, có Thủ đô mới hình thành như Phương án 1 thì Hà Nội cũ cũng có lợi, Hà Tây cũng có lợi, cả nước cũng có lợi thì như thế chúng ta mới thành công. Chứ nếu chúng ta tổ chức thực hiện không tốt có khi phương án thì tốt mà tổ chức thực hiện tồi nó cũng dẫn đến thất bại.

Xin cám ơn Quốc hội.
Trần Văn Tuấn  - Nam Định 

Kính thưa Quốc hội,

Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, tôi xin phép phát biểu trao đổi về một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội đã đề cập. Ngày 13/5/2008 Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội Tờ trình số 60 về mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội, qua theo dõi kết quả thảo luận ở tổ và trên Hội trường, chúng tôi xin phép báo cáo một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội. Trên cơ sở có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ mới có căn cứ pháp lý để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung về xây dựng và quy hoạch các phân khu chức năng các trung tâm mang tính chuyên dùng của Thành phố Hà Nội mới, xin ý kiến nhân dân báo cáo với Quốc hội. Chính phủ trong các bản trình khẳng định sẽ cố gắng tập trung chỉ đạo thực hiện việc này trong 2 năm, phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội mới để chào mừng đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về lộ trình thực hiện phương án mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội, chúng tôi xin báo cáo như sau:

Thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô và phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ năm 2003. Năm 2005, sau khi làm việc với Bộ Chính trị Khóa IX đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo của thành phố Hà Nội. Năm 2006 cùng với việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng Thủ đô sớm xây dựng dự án mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, xây dựng mô hình quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Thủ đô trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình cơ quan Nhà nước quyết định.

Ngày 28/1/2008, Ban chấp hành Trung ương Khóa X, Kỳ họp thứ 6 sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và phương án mở rộng địa giới Thành phố Hà Nội đã có kết luận số 19 thống nhất về mặt chủ trương như phương án Bộ Chính trị đã trình và giao cho Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo xây dựng Tờ trình để trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ đã xây dựng Tờ trình số 60 về mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và đã báo cáo Quốc hội ngày 13/5/2008. Lần này, Tờ trình của Chính phủ đã được chuẩn bị đúng như nội dung và trình tự Chính phủ các khoá trước đã trình Quốc hội các khoá, trước khi xem xét sáp nhập, chia tách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Pháp luật của nước ta cũng quy định xác định địa giới hành chính trước rồi mới quy hoạch xây dựng sau.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 của Luật xây dựng năm 2003 thì cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch xây dựng chỉ thực hiện trong địa giới hành chính do mình quản lý. Do đó Chính phủ không thể chỉ đạo Bộ Xây dựng mở rộng các vị trí địa giới các tỉnh xung quanh, vì vậy Chính phủ cũng chưa thể xây dựng được quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch các phân khu chức năng để xin ý kiến nhân dân và báo cáo Quốc hội. Điều này chỉ được tiến hành theo Luật xây dựng khi Quốc hội đã cho phép Thành phố Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính.

Hai, về mốc thời gian thực hiện, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 1/7/2008 là vì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội mở rộng năm 2009 phải được chính quyền Thành phố Hà Nội mở rộng, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm nhất vào tháng 10/2008. Do đó chính quyền Thành phố Hà Nội mở rộng phải tiến hành chuẩn bị việc này trong quý III năm 2008. Công tác tổ chức cán bộ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng phải bắt đầu sắp xếp từ tháng 7/2008 và ổn định dần vào cuối năm. Công tác tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc Thành phố Hà Nội mới cũng sáp nhập 4 xã của Hoà Bình vào huyện nào thuộc thẩm quyền đề nghị của Thành phố Hà Nội sau mở rộng. Vì vậy chính quyền Thành phố Hà Nội mở rộng sẽ chuẩn bị xây dựng phương án vào quý III năm 2008 và trình Chính phủ quyết định theo thẩm quyền vào quý IV năm 2008 để sớm đi vào ổn định.

Ba, về một số lý giải trong Tờ trình số 60, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các hội nghị trình với Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam v.v... bộ phận biên tập đã nghiêm túc tiếp thu. Tuy nhiên do đề cập nội dung còn quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm, ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ, khắc phục độ lõm v.v... Với trách nhiệm của mình tôi xin nhận khuyết điểm về việc đã không soát xét kỹ để có những sai sót như trên, kính mong Quốc hội chấp thuận. Tuy nhiên những chi tiết thiếu sót trên không làm thay đổi nội dung của Tờ trình, việc mở rộng địa giới là rất cần thiết. Kính mong Quốc hội ủng hộ, có chủ trương mở rộng địa giới để Chính phủ thực hiện các bước quy hoạch theo pháp luật. Xin cám ơn.
Nguyễn Phú Trọng  - Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội,

Chúng ta đã qua một buổi sáng thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm, làm sáng tổ thêm nhiều vấn đề. Đã có 31 vị đại biểu phát biểu, trên tổng số 39 vị đại biểu đăng ký, hiện nay còn 8 vị đại biểu chưa có điều kiện phát biểu. Cũng như các phiên khác mong các vị đại biểu vui lòng gửi lại cho Đoàn thư ký, chúng tôi sẽ tổng hợp lại, các vị hết sức thông cảm vì thời gian có hạn.

Thứ hai, nói gì thì nói chúng ta có 493 vị đại biểu, dù có phát biểu 7 phút trên hội trường thì cũng mới được 31 vị phát biểu thôi. Cho nên, theo ý kiến của một số vị đại biểu đề nghị gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu, có 3 nội dung, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm như chúng ta vẫn thường nói, mong các vị đại biểu suy nghĩ, cân nhắc kỹ và tỏ chính kiến của mình.

Đầu giờ chiều nay, xin các vị gửi lại để đoàn Thư ký kịp tổng hợp, chúng tôi sẽ chỉ đạo tổng hợp một cách đầy đủ. Đề nghị Chính phủ chuẩn bị giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc nhất. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định các bước sau.

Xin phép Quốc hội cho dừng tại đây. Chiều tiếp tục chương trình như đã định.

Xin cám ơn Quốc hội.

(Quốc hội nghỉ)







Hội trường Bộ Quốc phòng

Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 442.92 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương