QUỐc hội khóa XI kỳ HỌp thứ 10 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 347.45 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích347.45 Kb.
#38184
  1   2   3

QUỐC HỘI KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 10

BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG

(Ghi theo băng ghi âm)

Buổi sáng ngày 26/10/2006

Nội dung:

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của

dự thảo Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu chủ trì
Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội

Thưa Quốc hội.

Xin phép Quốc hội bắt đầu chương trình làm việc sáng nay. Theo chương trình sáng nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội Báo cáo tiếp thu, giải trình chỉnh lý Dự án Luật Lấy, hiến, ghép mô bộ phận cơ thể người.

Bây giờ chúng tôi xin mời Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu thay mặt Thường vụ Quốc hội trình với Quốc hội Báo cáo nêu trên.


Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội

(Đọc báo cáo - có văn bản).


Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch Quốc hội

Xin cám ơn Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu.

Bây giờ chúng tôi xin mời các vị đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý kiến tiếp tục cho Dự thảo Luật.

Chúng tôi xin mời đại biểu Trương Thị Thu Hằng, đoàn Đồng Nai phát biểu, đề nghị đại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh đoàn Ninh Thuận chuẩn bị ý kiến.


Trương Thị Thu Hằng - Tỉnh Đồng Nai

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, tôi có mấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật cụ thể như sau:

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật. Đồng tình với việc ban hành Luật với tên gọi là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng triệu bệnh nhân trong và ngoài nước, Luật ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng thời sẽ là cánh cửa mở ra triển vọng phát triển của ngành cấy, ghép mô tạng của Việt Nam.

Tôi đồng ý với nguyên tắc tự nguyện vì mục đích nhân đạo và không nhằm mục đích thu lợi nhuận trong việc hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác thể hiện tại Điều 4.

Tôi cũng tán thành quy định cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô nhằm thể hiện tinh thần xã hội hoá, công tác y tế và những chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hợp tác đầu tư trong việc nghiên cứu, phát triển công tác hiến, lấy ghép, lưu trữ, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người, thể hiện tại Điều 9 của dự luật.

Tuy nhiên cần phải biết rằng lĩnh vực cấy ghép mô tạng là một lĩnh vực y học hết sức phức tạp, thời gian qua ngành y tế Việt Nam đã có thành tựu khá nổi bật trong việc cấy ghép giác mạc, ghép tuỷ, ghép thận. Đặc biệt sau thành công của ba ca ghép gan trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh do đại biểu Quốc hội Trần Đông A cùng các cộng sự thực hiện, đã mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền y học tiên tiến của các nước trong khu vực.

Nhưng trong thực tế chỉ là những thành tựu ban đầu còn ít kinh nghiệm và nhiều rủi ro. Mặt khác hành động hiến tặng các mô, tạng không phải là vấn đề y học thuần túy mà là một vấn đề mang tính xã hội hết sức nhạy cảm và phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tâm linh, văn hoá, đạo đức, tâm lý, pháp luật v.v... Chính vì vậy luật cần phải có những quy định hết sức chặt chẽ cụ thể, rõ ràng về tất cả những quy trình, thủ tục, điều kiện trong tất cả các khâu trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, nhằm đảm bảo quyền lợi của người hiến tặng và người được cấy ghép. Hạn chế thấp nhất nhưng khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất cho ngành cấy ghép mô, tạng tại Việt Nam được phát triển.

Từ những suy nghĩ trên, tôi hết sức băn khoăn khi Dự thảo Luật không nêu ra các biện pháp chế tài đối với những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 10. Tôi cho rằng, việc quy định một hệ thống biện pháp chế tài xử lý các vi phạm sẽ đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường được lòng tin của nhân dân đối với hoạt động lấy, cấy, ghép mô, tạng của Ngành Y tế, đồng thời cũng bảo vệ cho cán bộ y tế trong những ca cấy ghép thất bại không do trách nhiệm thiếu sót của cán bộ y tế mà do các yếu tố khách quan như những trường hợp thải ghép thì 1, thì 2 do không tương thích miễn dịch mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hiểu biết, có thể quy trách nhiệm cho cán bộ y tế. Có như thế thì người cán bộ y tế mới an tâm và cống hiến hết mình cho sự phát triển của Ngành Cấy ghép mô, tạng ở Việt Nam.

Vì những lẽ đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thêm những quy định về trách nhiệm hình sự thích hợp với từng hành vi vi phạm, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế, của các chuyên gia, của các cơ sở y tế và cán bộ y tế nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Cũng trong phạm vi các chế tài, khi nghiên cứ Điều 34, về "ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài", tôi cũng rất băn khoăn. Tôi hiểu rằng những quy định ở đây nhằm hạn chế, ngăn ngừa hành vi mua, bán nội tạng là một thực tế đã xảy ra ở một số nước có nền y học cấy, ghép mô tạng phát triển, là đảm bảo cho nguyên tắc vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận của việc hiến, lấy, ghép mô tạng. Tôi cơ bản nhất trí điều đó về mặt nguyên tắc, nhưng nếu quy định như Khoản 1, Điều 34 là: Người nước ngoài chỉ được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam. Trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh được ghép thì điều đó không khả thi.

Tôi xin dẫn ra trường hợp cụ thể: chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Huấn luyện viên Riedl của đội tuyển bóng đá Việt Nam, khi biết ông bị suy thận nặng có nhu cầu ghép thận, đã có rất nhiều người Việt Nam do lòng hâm mộ bóng đá, hâm mộ đội tuyển Việt Nam, qua đó hâm mộ luôn huấn luyện viên đội tuyển nên tự nguyện hiến thận cho ông vô điều kiện. Điều này đã làm cho Huấn luyện viên Riedl vô cùng cảm kích và thốt lên rằng: chỉ có ở Việt Nam mới có những con người như thế. Nhưng điều chắc chắn là nếu tìm được quả thận tương thích của một người Việt Nam thì ông Riedl sẽ không muốn được ghép thận tại Việt Nam mà sẽ yêu cầu được đưa về cơ sở y tế đã từng chăm sóc sức khoẻ và điều trị cho ông ở nước ngoài để được cấy, ghép. Điều đó là nhu cầu chính đáng và hoàn toàn hợp lý của ông nhưng lại đi ngược với quy định của luật. Sẽ có một số người Việt Nam có điều kiện kinh tế cao, có nguyện vọng cấy ghép mô, tạng của người Việt Nam, vì cho rằng tạng của người Việt Nam sẽ thích hợp với người Việt Nam hơn, nhưng sẽ thực hiện tại một cơ sở y tế có bề dày kinh nghiệm, điều kiện điều trị tốt hơn trong nước, điều đó cũng ngược với quy định của luật.

Khoản 2, Điều 34 quy định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam để ghép bộ phận cơ thể người, chỉ được ghép khi chứng minh có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi 3 đời với người hiến" Tôi cho điều này làm hạn chế quyền lợi được ghép tạng của người Việt Nam. Khi đó với người nước ngoài, điều kiện duy nhất để được ghép tạng chỉ là có sự tương thích về miễn dịch đối với bộ phận cơ thể được ghép,

Khoản 3, Điều 34 quy định: "Người Việt Nam ra nước ngoài để hiến bộ phân cơ thể, chỉ được hiến khi chứng minh có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi 3 đời với người được ghép" Điều đó cũng khó kiểm soát, vì khi đã ra nước ngoài việc hiến, tặng bộ phận cơ thể người sẽ chịu sự chi phối của luật pháp nước đó. Qua phân tích, tôi đề nghị bỏ Điều 34, tăng cường các biện pháp chế tài nghiêm minh hơn, thích đáng hơn để kiểm soát hành vi mua bán nội tạng.

Về vấn đề viện phí và chế độ bảo hiểm y tế đối với người ghép bộ phận cơ thể người, ta biết rằng chi phí cho một ca ghép mô, tạng là rất lớn, bao gồm trước, trong và sau khi phẫu thuật. Thời gian điều trị sau khi phẫu thuật rất lâu dài, gần như suốt đời, vì vậy cần phải tính đến những quy định bảo hiểm y tế phù hợp với những đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế, mức phí phải đóng và thời gian tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay với mức đóng hiện hành và phạm vi thanh toán mở rộng đã khiến cho bảo hiểm y tế có nguy cơ bị phá vỡ, nếu không tính toán khi luật được ban hành càng làm mất cân bằng khi chi trả cho các bệnh nhân được cấy ghép mô tạng.

Về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép bộ phận cơ thể người tại Điều 16, để đáp ứng với điều kiện về nhân sự bao gồm đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn về cấy, ghép bộ phận cơ thể, gây mê, hồi sức sau ghép, đội ngũ cán bộ giải phẫu tử thi, bảo vệ mô, tạng trong trường hợp lấy, hiến xác. Tôi đề nghị Bộ Y tế cần mở rộng quy mô đào tạo, vì hiện tại đội ngũ cán bộ này đang rất mỏng, chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thực tế khi luật được ban hành.

Ngoài ra Nhà nước cần có chính sách thu hút, đãi ngộ, xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ này, có chính sách đào tạo ở nước ngoài để tiếp thu những công nghệ hiện đại về cấy, ghép mô, tạng trên thế giới. Một chính sách hợp lý trong đào tạo tuyển dụng và sử dụng cán bộ chuyên môn sẽ có tác dụng khuyến khích và góp phần tích cực thúc đẩy sự thành công và phát triển ngành y học cấy, ghép mô, tạng của Việt Nam. Xin cám ơn Quốc hội.
Huỳnh Thị Dã Thanh - Tỉnh Ninh Thuận

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến đối với luật.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Tôi tán thành với phạm vi điều chỉnh cả về việc hiến bộ phận cơ thể người sống và hiến xác như dự thảo luật đã trình. Luật này cụ thể hoá một số nội dung lớn về quyền nhân thân của công dân đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Là luật chuyên ngành nên xây dựng rất khó và phức tạp, liên quan đến nhiều quy định chuyên sâu. Nhưng với tinh thần trên, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh, sửa nhiều nội dung đã được góp ý qua các kỳ họp. Luật đã đáp ứng tương đối yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, về tên gọi của luật. Tôi nhận thức rằng khi sống người ta đăng ký hiến tặng các bộ phận cơ thể, sau khi chết được mổ lấy các bộ phận đó. Cho nên ngay việc hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết đã thể hiện việc hiến xác. Cho nên theo tôi tên gọi luật là hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã bao hàm tất cả các trường hợp, cả hiến xác và lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể rồi. Không cần thay đổi hay thêm, bớt gì về tên điều luật nữa.

Thứ ba, về vấn đề hiến xác, lấy mô, bộ phận cơ thể người. Điều 21, Điều 22 quy định điều kiện đối với việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người chết và lấy xác khi đã có thể đăng ký hiến, hoặc không đăng ký hiến và người dưới 18 tuổi sau khi chết cũng tương đối đầy đủ. Nhưng ở vấn đề này tôi cũng có băn khoăn ở trường hợp người có ý nguyện đã đăng ký, nhưng khi chết gia đình không cho, không đồng ý với việc lấy mô, lấy xác thì phải giải quyết như thế nào đây? Nên hoặc không nên lấy, nếu cứ thực hiện theo ý người đã đăng ký, trong khi người thân và gia đình họ phản ứng thì sẽ gây căng thẳng, bức xúc đối với người sống, với cộng đồng.

Điều này không phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với phong tục, tập quán của người Việt Nam ta, còn rất nặng về phần tâm linh thì tôi e rằng rất khó khi mà ý của người sống không cùng ý với người chết. Vấn đề này rất phức tạp, làm cho những người thực hiện nhiệm vụ có sự phân vân trong sự thi hành luật pháp và xử sự theo truyền thống đạo lý.

Để đảm bảo tính khả thi, theo tôi luật ngoài sự tự nguyện của người đăng ký hiến thì nên chăng phải có ý kiến của người thân, của gia đình. Người thân ở đây là cha, mẹ, hoặc vợ, hoặc chồng, hoặc các con đã thành niên. Người hiến khi thể hiện ý trí, nguyện vọng của mình thì nên bàn bạc với gia đình, để có sự đồng thuận, sự đồng thuận này sẽ được thể hiện trong bản đăng ký hiến, để tạo điều kiện dễ dàng, thuận tiện cho cơ quan y tế thực hiện nhiệm vụ.

Điều kiện đối với việc lấy xác. Điều 22, điều này có 2 khoản. Khoản 1, quy định việc lấy xác thực hiện một trong các trường hợp sau:

Ở Điểm a, Điểm b và Điểm d quy định rất rõ, nhưng riêng ở Điểm c: Người chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng, có giấy chứng tử do Uỷ ban nhân dân xã, nơi người đó chết cấp. Tôi thấy quy định như trên chưa minh bạch và xác đáng. Khi triển khai thực hiện dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Khi người chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng của họ, có thể đó là khách vãng lai. Đi lại với nhiều lý do, không mang theo giấy tờ tuỳ thân, khi đến một địa phương cụ thể nào đó họ bị chết bởi bất cứ nguyên nhân gì. Rất khó xác định được nơi cư trú cuối cùng sống, nên không thể chỉ cần giấy chứng tử của Uỷ ban nhân dân xã nơi người đó chết cấp là việc lấy xác được thực hiện. Quy định như vậy có đơn giản quá không? Trong khi Hiến pháp quy định đây là một quyền thân nhân rất quan trọng của công dân, cần được bảo vệ. Sẽ có nhiều lý do để chậm xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, nhưng họ không phải là những cái xác không người nhận. Vì vậy, tôi đề nghị luật cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn ở ý này. Có nghĩa là trong thời gian bao lâu khi đã dùng nhiều biện pháp, ví dụ như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không xác định được danh tính của người chết, lúc đó chúng ta mới có quyền sử dụng xác của họ.

Thứ tư, về vấn đề độ tuổi, Điều 5 đã quy định người đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Tôi nhận thức rằng về độ tuổi có cần quy định tuổi tối thiểu đối với tất cả các trường hợp hay không, hay chúng ta cũng cần phân biệt với việc hiến mô, bộ phận cơ thể người sống với việc hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Hiến xác có nhất thiết phải quy định cứng độ tuổi, vì khi họ đã chết thì cần gì phải tính tuổi, bao nhiêu tuổi mà chẳng được, không ảnh hưởng gì cả, các bộ phận cơ thể họ hiến đều rất cần và có ích cho xã hội, chắc họ yên lòng nhắm mắt khi biết rằng tuy mình đã chết nhưng vẫn còn có ích cho đời.

Thứ hai, về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có nên quy định tuổi tối thiểu là 18 tuổi khi thực tiễn trong xã hội có những bệnh như ung thư tuỷ, ung thư máu, một số bệnh không chờ tuổi tác rất cần những bộ phận cơ thể của người hiến là anh, chị, em cùng huyết thống để cứu người thân của mình. Tôi cũng đề nghị dự thảo luật cần lưu ý chỉ những trường hợp đối với bộ phận mô, tạng có thể tái sinh lại được và cũng chỉ là những người trong cùng dòng máu, người hiến có thể từ 16 - 18 tuổi. Trong những trường hợp đặc biệt này cần phải quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục. Ngoài ý nguyện của người hiến, người nhận phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ, của người giám hộ v.v... để làm thế nào vừa bảo đảm được truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, vừa cứu được người mà không vi phạm pháp luật.

Điều cuối cùng về ngân hàng mô, trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ngân hàng mô cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với loại ý kiến thứ nhất là đồng ý cho thành lập ngân hàng mô tư nhân và cũng cho rằng trong xu thế hội nhập, khuyến khích mở rộng các thành phần kinh tế thì việc cho phép thành lập ngân hàng mô tư nhân là phù hợp và cần thiết để nhằm thể hiện xã hội hóa công tác y tế và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi cũng tán thành ý kiến trên, nhưng tôi suy nghĩ liệu với nguyên tắc việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Điều 4 là không nhằm mục đích thu lợi nhuận thì có cần quy định, các quy định về thủ tục, điều kiện , tiêu chuẩn v.v... đối với ngân hàng mô ở Điều 35 đã đầy đủ để triển khai thực hiện chưa? Mô hình này hoàn toàn mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm tổ chức quản lý, vấn đề đặt ra cho ngân hàng mô là mô hình gì? loại hình dịch vụ gì? sẽ tổ chức hoạt động như thế nào để xác định phi lợi nhuận. Nếu là ngân hành mô do Nhà nước thành lập thì có thể được cấp kinh phí từ ngân sách của Nhà nước để hoạt động. Nhưng với ngân hàng mô tư nhân thì sao? có hoạt động theo nguyên tắc phi thương mại được không? Nói là phi thương mại không thu lợi nhuận thì tiền đâu để tổ chức hoạt động, chẳng lẽ làm từ thiện? Làm sao để tái hoạt động chi phí những khoản tiền cần thiết phục vụ cho việc giữ gìn, bảo quản để cấy ghép v.v... Chắc chắn sẽ phải có lợi nhuận dù ít, dù nhiều, có thế mới tổ chức hoạt động được.

Vậy thì làm sao tránh được việc lạm dụng dẫn đến mua bán, kinh doanh mô, bộ phận cơ thể người lại phải tuân thủ cho được nguyên tắc không nhằm mục đích thu lợi nhuận? Theo tôi, nếu thấy vấn đề còn quá mới, quá phức tạp trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát khi cho phép ngân hàng mô tư nhân thành lập thì chúng ta cứ để ngân hàng mô Nhà nước hoạt động, chỉ đạo, rút kinh nghiệm sau đó mới mở rộng ra các loại hình, nghĩa là phải có bước đi thận trọng và thích hợp khi kinh tế - xã hội phát triển. Tôi xin hết


Nguyễn Thị Mai Hoa - Tỉnh Nghệ An

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin bày tỏ một số ý kiến của mình về Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

So với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 thì tại Kỳ họp này Ban soạn thảo đã tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình ra một dự thảo mới có chất lượng hơn về cả hình thức cũng như nội dung, chẳng hạn như việc sửa tên gọi, sắp xếp lại bố cục, điều chỉnh các nội dung trong các điều luật.

Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu Dự án Luật lần này thì chúng tôi cũng có một số băn khoăn:

Thứ nhất là vấn đề chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phần cơ thể người và hiến lấy xác. Đề cập về vấn đề này, Điều 9 với 6 khoản đã nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách liên quan tới hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Chẳng hạn, như việc hỗ trợ đầu tư do cơ sở y tế nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến v.v... Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn là chưa rõ chính sách của Nhà nước trong việc tăng cường công tác tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Tại Điều 8 đề cập tới vấn đề thông tin, tuyên truyền đã chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như các tổ chức xã hội. Tuy nhiên công tác tuyên truyền sẽ được thực hiện bằng nguồn lực nào? Nếu không giải được vấn đề kinh phí thì chúng tôi nghĩ dù có xác định được chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức v.v... như đã nêu được ở Điều 8 thì cũng sẽ bó tay bất lực. Trong thực tế chúng tôi thấy những năm qua khâu tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể cũng đã làm rất tốt.

Ví dụ: Tổ chức Hội phụ nữ cũng đã có tham gia trong việc công tác tuyên truyền nhiều vấn đề và hình thức tuyên truyền ngày một phong phú.

Ví dụ: Hình thức sân khấu hoá hay sinh hoạt câu lạc bộ v.v... Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng nguồn kinh phí của hội rất hạn hẹp, nhưng nhu cầu, nguyện vọng rất lớn. Vậy thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc có chính sách tăng một nguồn lực nào đấy để làm tốt công tác tuyên truyền cần phải quan tâm.

Một thực tế cho thấy ở Việt Nam việc cho, hiến, mô tạng, bộ phận cơ thể người, việc hiến xác vẫn đang là khái niệm rất mới mẻ và xa lạ đối với người dân hiện nay. Một số đại biểu trước tôi cũng đã phân tích về đặc điểm tâm sinh lý của người Việt Nam, rồi đặc điểm truyền thống của người Việt Nam, văn hoá người Việt Nam, tôi xin không nói nữa. Theo thông tin chuyên đề do Trung tâm thông tin thư viện và nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội cung cấp, qua nghiên cứu về nhận thức, thái độ và sự chấp nhận của cộng đồng đối với việc hiến, tặng mô, tạng ở Việt Nam cho thấy: tỷ lệ những người được hỏi đồng ý cho người thân đăng ký hiến, tặng mô, tạng chỉ là 15,7%, còn về bản thân mình có thể hiến, tặng mô, tạng thì chỉ chấp nhận với một tỷ lệ thấp hơn là 10,7%. và hệ quả tất yếu là hoạt động cấy, ghép mô, tạng của Việt Nam so với nhu cầu thực tế, cũng như so với các nước khác thì còn đang dừng lại ở mức độ rất khiêm tốn.

Theo điều tra của ngành y tế trong năm 2005, cả nước có khoảng 5.000 đến 6.000 người bị suy thận mãn, nhiều người trong số này có nhu cầu ghép thận. Trong khi đó từ năm 1992 đến ngày 30 tháng 4 năm 2005 chúng ta mới chỉ ghép thành công được 156 ca. Hoặc là số lượng người mắc bệnh gan mật cũng rất lớn, nhưng tính tới thời điểm này số ca ghép thành công mới chỉ được có 4 trường hợp. Một thông tin nữa cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ là tất cả các ca ghép thận, gan thực hiện ở Việt Nam đều do người thân cùng huyết thống cho nhau, chưa có một ca nào được ghép từ nguồn tạng hiến của người ngoài huyết thống. Thực tế cho thấy, kể cả khi luật này được thông qua và có hiệu lực, đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý thì lĩnh vực hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam cũng vẫn khó có cơ sở để phát triển. Và yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích nhân đạo, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và ý nghĩa của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Chúng tôi đề nghị cần bổ sung thêm một khoản nữa vào Điều 9, tức là Khoản 7 nói về chính sách của Nhà nước. Tôi xin thiết kế khoản này, tức là hỗ trợ nguồn lực phục vụ việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Vấn đề thứ hai, thủ tục đăng ký và thủ tục thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và thủ tục đăng ký hiến, lấy xác liên quan đến Điều 11, 12, 18, 19 và Điều 20. Cảm nhận chung của chúng tôi khi đọc các điều luật này là các điều quy định về thủ tục vừa thiếu thống nhất, vừa rườm rà, không khoa học. Chúng tôi xin được chứng minh tính thiếu thống nhất thể hiện ở nội dung các Điều 12 và Điều 20. Điều 12, Khoản 1 quy định thủ tục thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống. Người đăng ký hiến phải gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc huỷ bỏ đến cơ sở đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến. Tức là mới chỉ đề cập đến người đăng ký, thiếu thủ tục về phía cơ sở y tế. Trong khi đó ở Điều 20, Khoản 1, Khoản 2 quy định thủ tục thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác, bao gồm thủ tục xét về phía người đăng ký và thủ tục thể hiện trách nhiệm của cơ sở tiếp nhận đăng ký, như vậy theo chúng tôi đầy đủ hơn.

Dẫn chứng thứ hai về sự thiếu thống nhất này là khi chúng tôi so sánh các Điều 11, 18, 19 và Điều 20 nói về thủ tục đăng ký hoặc thủ tục thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký. Thiếu thống nhất ở chỗ, tức là đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống thì không đề cập đến thủ tục cấp thẻ. Còn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể của người sau khi chết, đăng ký hiến xác thì có cấp thẻ, chúng tôi cũng muốn Ban soạn thảo có lý giải vì sao có sự khác nhau này. Sau khi hoàn tất làm thủ tục đăng ký làm thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô bộ phận cơ thể người sau khi chết, thì cơ sở tiếp nhận đơn làm thủ tục có báo cáo danh sách cho Trung tâm điều phối quốc gia để quản lý danh sách, hoặc để thay đổi, hoặc loại khỏi danh sách đăng ký hiến, tức là liên quan tới Điều 18 và Điều 20, thủ tục báo cáo danh sách này không được quy định ở Điều 11, 12, tức là thủ tục đăng ký và thủ tục thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người ở người sống.

Điều 19, thủ tục đăng ký hiến xác, một điểm vô lý nữa là khi làm xong thủ tục đăng ký hiến xác, không báo danh sách cho Trung tâm điều phối quốc gia, nhưng khi làm thay đổi thủ tục, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến xác ở Điều 20 thì lại phải thông báo danh sách thay đổi hoặc huỷ bỏ đơn đăng ký. Chúng tôi thiết nghĩ vậy Trung tâm điều phối quốc gia sẽ căn cứ vào danh sách đăng ký nào để thay đổi hoặc huỷ bỏ.

Ngoài sự thiếu thống nhất, quy định về thủ tục đăng ký ở đây còn rườm rà, nặng về thủ tục hành chính, tôi xin đơn cử ở Điều 11 và Điều 18 gồm các bước:

Bước 1, người có ý nguyện hiến mô, bày tỏ nguyện vọng với cơ sở y tế.

Bước 2, cơ sở y tế có trách nhiệm báo cho Trung tâm điều phối quốc gia.

Bước 3, Trung tâm điều phối quốc gia thông báo cho cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục.

Bước 4, cơ sở y tế tư vấn, hướng dẫn đăng ký và cấp thẻ.

Bước 5, cơ sở y tế báo cáo danh sách cho trung tâm điều phối quốc gia. Ở đây có 2 hoạt động thông báo ở bước 2 và bước 3 là cơ sở y tế thông báo cho trung tâm điều phối quốc gia, rồi trung tâm điều phối quốc gia lại thông báo cho cơ sở y tế. Chúng tôi vẫn hiểu rằng thông báo của trung tâm điều phối quốc gia là thông báo cho phép. Tuy nhiên chúng tôi cảm nhận rằng với nhiều bước như thế thì quá nặng về thủ tục hành chính, đây mới chỉ là bước đăng ký và chúng ta mới chỉ làm công tác quản lý những người đã đăng ký.

Theo quy định này sẽ không tạo cho cơ sở y tế có quyền chủ động trong việc tiến hành các hoạt động của mình trong khi quy định của dự án luật, ở các điều luật khác thì cơ sở y tế có đủ các điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Mặt khác, theo kết luận của đề tài khoa học thì kết quả khảo sát ở một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy hầu hết người ở các địa phương chưa biết thủ tục đăng ký hiến, tặng mô, tạng, chỉ có 4,7% người biết thủ tục này. Nếu theo quy định về thủ tục đăng ký ở dự thảo luật phải qua khá nhiều bước, mất khá nhiều thời gian mới có thể hoàn tất thủ tục thì chúng tôi nghĩ có thể gây phiền hà và số người đăng ký có thể giảm đi.

Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo có nghiên cứu sau:

Thứ nhất, rà soát lại Điều 11, 12, 18, 19, 20 để có sự thống nhất trong quy định các thủ tục cần thiết.

Thứ hai, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường chủ động trong cơ sở y tế trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký, cũng như thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

Ý kiến cuối cùng của chúng tôi về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người liên quan tới Điều 36 Khoản 2. Trong Dự thảo Luật có bổ sung 2 chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Điều phối quốc gia ở Tiết a và Tiết b, tôi xin phép không đọc lại. Tuy nhiên, đối chiếu với các điều quy định thủ tục đăng ký ở Điều 11, 12, 18, 19, 20 không hề có quy định người đang ký phải gửi đơn đến Trung tâm Điều phối quốc gia, mà chỉ giao cho cơ sở y tế hoặc cơ sở nghiên cứu đào tạo nhiệm vụ hướng dẫn đăng ký, tiếp nhận đơn và cấp thẻ, đồng thời có trách nhiệm báo cáo danh sách cho Trung tâm Điều phối quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng, quy định theo thủ tục như vậy là hợp lý hơn. Vậy thì, quy định ở Điều 36 này giao cho Trung tâm Điều phối quốc gia tiếp nhận đơn và chuyển đơn cho cơ sở y tế thì chúng tôi cảm thấy không hợp lý.

Chúng tôi đề xuất: Thứ nhất là bỏ chức năng tiếp nhận đơn hiến, thay đổi, hủy bỏ đơn hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác cũng như chức năng chuyển phát đơn nói trên đến cơ sở y tế của Trung tâm Điều phối quốc gia, liên quan đến Tiết a và Tiết b của Khoản 2 Điều 36, chúng tôi nghĩ là nên bỏ chức năng này và trả chức năng, nhiệm vụ này cho cơ sở y tế hoặc cơ sở nghiên cứu, đào tạo theo như quy định ở các điều luật trước đó; Thứ hai là bổ sung chức năng quản lý danh sách người đang ký hiến, người đăng ký thay đổi hoặc hủy bỏ đơn hiến mô, bộ phận cơ thể người sống, danh sách người đăng ký hiến, người thay đổi hoặc hủy bỏ đơn hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Chúng tôi nghĩ làm như vậy sẽ thống nhất với quy định, thủ tục ở các Điều 11, 12, 18, 19, 20.

Tôi xin hết. Xin cám ơn



Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 347.45 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương