Quan hö Hä Hµng mét nguån vèn x· Héi trong ph¸t trión kinh tõ



tải về 108.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích108.31 Kb.
#13518
QUAN HÖ Hä HµNG - MéT NGUåN VèN

X· HéI TRONG PH¸T TRIÓN KINH TÕ

Hé GIA §×NH N¤NG TH¤N
NGUYỄN TUẤN ANH
1. Dẫn nhập

Họ hàng có vai trò quan trọng đối với xã hội nông thôn truyền thống (Trần Đình Hượu, 1996), và là một trong năm thiết chế cơ bản của làng Việt ở miền Bắc, bao gồm: giáp, họ hàng, ngõ-xóm, hội tự nguyện, và bộ máy quản lý làng xã (Trần Từ, 1984). Trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ họ hàng được thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau. Chẳng hạn, nếu một người nghèo không thể đóng được thuế, họ hàng của anh ta có thể lãnh trách nhiệm này (Popkin, 1979: 146). Hoặc là, khi một hộ gia đình gặp khó khăn về lao động, tiền bạc hay phương tiện sản xuất, hộ gia đình đó có thể nhờ vào sự giúp đỡ của anh em, họ hàng (Nguyễn Đức Truyến, 1999: 4). Về quan hệ họ hàng và đời sống kinh tế làng xã, Nguyễn Đổng Chi (1978: 196) nhận xét rằng nền tảng kinh tế là một lý do củng cố quan hệ họ hàng.

Thiết chế họ hàng đã thay đổi lớn từ khi có phong trào xây dựng hợp tác xã. Hợp tác xã với cách thức sản xuất hợp tác đã loại bỏ vai trò của quan hệ họ hàng vốn có ảnh hưởng quan trọng đối với kinh tế hộ gia đình trong xã hội truyền thống (Kerkvliet, 2005). Giai đoạn hợp tác hóa, chiến tranh và bao cấp cũng là giai đoạn mà chức năng của họ hàng trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, hay lễ nghi - tín ngưỡng suy giảm nhiều (Nguyễn Tuấn Anh, 2010). Chuyển sang giai đoạn đổi mới, khi tầm quan trọng của hộ gia đình trong đời sống kinh tế được khẳng định, các hộ gia đình không chỉ thể hiện vai trò của mình qua sản xuất nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác như tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ, dịch vụ (Vũ Tuấn Anh, Trần Thị Vân Anh, và McGee, 2000). Câu hỏi đặt ra ở đây là: quan hệ họ hàng có vai trò như thế nào trong đời sống kinh tế hộ gia đình nông thôn hiện nay? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã phát triển một đề tài về kinh tế hộ gia đình nông thôn dưới góc nhìn vốn xã hội, nhấn mạnh đến vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng.1 Bài viết này nhằm mục đích cụ thể hóa chủ đề nghiên cứu thông qua việc xem lại những nghiên cứu liên quan. Trước khi đi vào bàn luận và nêu lên những vấn đề cần khảo cứu trên thực địa về vốn xã hội, quan hệ họ hàng, và việc phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, chúng tôi đề cập đến vốn xã hội và quan hệ họ hàng trong bối cảnh làng xã.

2. Quan hệ họ hàng như là nguồn vốn xã hội

Xét về mặt lịch sử, Lyda Judson Hanifan được coi là người đầu tiên đưa ra khái niệm vốn xã hội vào năm 1916. Bốn mươi năm sau, vào những năm 1960, Jane Jacobs đã đề cập lại khái niệm vốn xã hội (Smith & Kulynch, 2002: 153-154). Đến những năm 1980, khái niệm vốn xã hội được đưa vào Từ điển khoa học xã hội (Fukuyama, 2002: 23), song trước đó, từ đầu những năm 1970, Bourdieu đã dùng khái niệm này trong các nghiên cứu của ông. Tuy nhiên, vốn xã hội chỉ thực sự trở thành khái niệm khoa học quan trọng trong tác phẩm Các hình thức của vốn do chính Bourdieu viết năm 1986 (Smith & Kulynch, 2002: 154-155; Portes, 1998: 3).

Cho đến nay, khái niệm vốn xã hội được thảo luận, phát triển với nhiều cách giải thích và định nghĩa khác nhau (Bourdieu, 1986; Coleman, 1988; Fukuyama 2001; Fukuyama, 2002; Portes, 1998; Putnam, 1995,…). Có một số điểm tương đồng giữa các tác giả (Bourdieu, 1986; Coleman, 1988; Fukuyama, 2001, 2002; Lin, 1999, 2001; Portes, 1998; Putnam, 1995, 2000) khi bàn về vốn xã hội như sau:

Thứ nhất, các tác giả đều đề cập đến mạng lưới xã hội. Chẳng hạn, Bourdieu (1986: 248-249) cho rằng vốn xã hội kết nối với mạng lưới xã hội tương đối bền vững, còn Coleman (1988: 98-100) nói vốn xã hội nằm trong quan hệ xã hội và mạng lưới xã hội. Trong khi đó Putnam (2000: 19) lại coi mạng lưới xã hội là một thành tố của vốn xã hội.

Thứ hai, nhiều tác giả dùng khái niệm nguồn lực để định nghĩa vốn xã hội. Nếu Bourdieu (1986: 248-249) quan niệm vốn xã hội là nguồn lực dựa trên mạng lưới được thừa nhận hoặc quen biết, thì Lin (2001: 25) định nghĩa vốn xã hội là nguồn lực nằm trong mạng lưới xã hội.

Thứ ba, vốn xã hội được tạo ra thông qua việc đầu tư vào các quan hệ xã hội, hoặc mạng lưới xã hội, và các cá nhân có thể sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm lợi ích. Với Bourdieu (1986: 249), vốn xã hội là kết quả của sự đầu tư và trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn, kết quả đó có thể được sử dụng để chuyển thành các loại vốn khác, chẳng hạn vốn kinh tế. Trong khi đó Fukuyama (2002: 26) nhấn mạnh: cá nhân có thể tạo ra và sử dụng vốn xã hội để phục vụ mục đích của mình.

Thứ tư, sự tin cậy và quan hệ qua lại hay là sự có đi-có lại (trust and recipocity) được nhiều tác giả đề cập đến khi bàn về vốn xã hội. Nếu Coleman (1988: 101-108) khẳng định trách nhiệm, sự mong đợi, và lòng tin là các hình thức của vốn xã hội, thì Fukuyama (2001: 7-8) quan niệm vốn xã hội gồm có chuẩn mực của sự có đi có lại, và vốn xã hội biểu thị sự tin cậy. Trong khi Portes (1998: 7-8) phát biểu: sự trao đổi qua lại và lòng tin là những nguồn gốc của vốn xã hội, Putnam (2000: 19) lại cho rằng vốn xã hội gồm các chuẩn mực của quan hệ trao đổi qua lại, và sự tin cẩn.

Trong khi có nhiều định nghĩa và cách giải thích khác nhau về vốn xã hội, thì có sự đồng thuận rằng: vốn xã hội phản ánh khả năng của chủ thể hành động trong việc tìm kiếm lợi ích thông qua tư cách thành viên của các mạng lưới xã hội hay các cấu trúc xã hội (Portes, 1998: 6), và vốn xã hội cho phép các cá nhân tập hợp lại với nhau để bảo vệ lợi ích chung, cũng như hỗ trợ những nhu cầu tập thể (Fukuyama, 2002: 26).

Từ những phân tích trên, có thể nói rằng ở nông thôn, vốn xã hội tạo nên cơ sở cho hành động tập thể của các làng để đối phó với những tình huống khó khăn như thảm họa thiên nhiên, trộm cướp hay chiến tranh (Trần Đình Hượu, 1996: 297), hoặc là chống lại sự xâm lấn của làng khác, hoặc là làm thủy lợi (Nguyễn Hồng Phong, 1978: 468-469). Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều xung đột giữa các nhóm nông dân trong làng hay xảy ra (Popkin, 1979: 96). Trên thực tế, mỗi làng thường có nhiều bè phái, mâu thuẫn giữa những người nông dân (Trần Từ, 1984: 30-31); nhiều khi những mâu thuẫn, bè phái này liên quan đến các nhóm họ hàng. Trần Từ (1984: 43) đã chỉ ra rằng có vô số mâu thuẫn trong các làng, mà ở đó người ta tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có quan hệ họ hàng với mình. Ngạn ngữ Việt còn nói “Đi làng thì bênh họ”, “Đủ bỏ vào họ, khó nhờ vào họ”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Vì thế có thể nói rằng cư dân của làng liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng làng. Tuy nhiên, bên trong mỗi làng luôn có sự phân hóa, phân chia, xung đột về khía cạnh này hay khía cạnh khác. Suốt chiều dài lịch sử, những đặc điểm đó của làng Việt vẫn tồn tại, như Đỗ Thái Đồng đã nhận xét: bất chấp những thay đổi, làng Việt luôn duy trì tinh thần làng, quan hệ làng (Đỗ Thái Đồng, 1995: 91). Đây là cơ sở để có thể giả định rằng: đối với những công việc chung của làng, vốn xã hội giữa các cư dân của làng cho phép họ tập hợp với nhau để đưa ra hành động tập thể. Nhưng, trong cuộc sống thường ngày, vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng là cơ sở quan trọng để dân làng đảm bảo sinh kế và tìm kiếm lợi ích.

Khi đề cập đến quan hệ họ hàng ở Việt Nam, các tác giả thường bàn đến dòng họ (Mai Văn Hai và Phan Đại Doãn, 2000; Phan Đại Doãn, 1988; Vũ Ngọc Khánh, 1997; Vũ Văn Quân, 2002,…). Dòng họ bao gồm những người có chung một vị tổ tiên về phía đàng bố (hình 1). Mỗi dòng họ được tạo nên từ các chi, nhánh. Mỗi chi, nhánh gồm có một số tiểu chi, tiểu nhánh, và các gia đình hợp thành các tiểu chi, tiểu nhánh (Nguyễn Văn Huyên, 2003[1939]: 771; Lê Văn Chưởng, 1999: 138). Dòng họ là một thực thể mang tính địa phương. Cả người chết lẫn người sống đều có tư cách thành viên dòng họ. Quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ mang tính đoàn kết và trật tự thứ bậc (Luong, 1984: 297-298). Về mặt truyền thống, dòng họ có nhiều chức năng, như: pháp lý, kinh tế, đạo đức và tôn giáo (Trịnh Thị Quang, 1984).

Xem xét quan hệ họ hàng ở Việt Nam từ góc nhìn dòng họ, chúng ta cũng cần lưu ý rằng: xã hội và văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng pha trộn từ phương Bắc (Trung Quốc) và phương Nam (Đông Nam Á), trên nền truyền thống bản địa (Hirschman và Vũ Mạnh Lợi, 1996: 229). Vì thế, quan hệ họ hàng ở Việt Nam không nên chỉ nhìn từ góc nhìn dòng họ. Luong Van Hy chỉ ra rằng họ hàng người Việt bao gồm hai kiểu: kiểu định hướng vào nam giới (dòng họ), và kiểu không định hướng vào nam giới (kiểu song hệ) (“the two structurally opposing male-oriented (“patrilineal”) and non-male-oriented (“bilateral”) models”) (Luong, 1989: 742). Thêm nữa, sự đoàn kết trong quan hệ họ hàng nhấn mạnh đến cả những người họ hàng đàng bố lẫn những người họ hàng đàng mẹ (Luong, 1984: 301).

Lý thuyết nhân học cho rằng trong các xã hội phức hợp (complex societies), họ hàng thường được xác định theo từng cá nhân cụ thể, hay họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm (ego’s kin networks or ego-based kin networks), hơn là họ hàng theo nghĩa dòng họ (Fox, 1967). Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng theo hướng xã hội phức hợp, đa dạng, thì bên cạnh việc xem xét quan hệ họ hàng dưới góc nhìn dòng họ và kiểu họ hàng song hệ, chúng ta cũng nên xem xét họ hàng Việt Nam theo nghĩa là mạng lưới họ hàng của cá nhân, hay mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, mà những mạng lưới này mang đặc điểm của mạng lưới xã hội như nhiều tác giả đã chỉ ra (Wellman & Berkowitz, 1998; Howell, 1998). Quan hệ họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm là một loại mạng lưới xã hội, được tạo nên bởi một số mạng lưới họ hàng liên quan đến cá nhân cụ thể. Theo nghĩa này, chúng tôi cho rằng mỗi cá nhân có những ràng buộc với ít nhất sáu mạng lưới sau (hình 2 và 3): họ hàng đàng mẹ (họ ngoại), họ hàng đàng bố (họ nội), họ hàng đàng nhà vợ/nhà chồng (đối với những người đã kết hôn), họ hàng đàng thông gia của con (đối với những người có con cái đã lấy vợ/chồng), họ hàng đàng thông gia của anh/chị em ruột (đối với những người có anh/chị em ruột đã lập gia đình), và vợ/chồng của con và cháu chắt (đối với những người có con cái, cháu chắt,…). Sáu mạng lưới họ hàng này có mức độ quan trọng khác nhau đối với đời sống của cá nhân.



Theo Bourdieu, người ta tìm kiếm vốn xã hội thông qua tư cách thành viên của một nhóm, như nhóm gia đình hay nhóm họ hàng. Tuy nhiên, vốn xã hội vận động trong quan hệ họ hàng chứ không chỉ được tạo ra trong quan hệ họ hàng (trích lại từ Edwards, 2004: 6). Từ góc nhìn mạng lưới xã hội như đã đề cập ở trên, cả dòng họ lẫn họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm đều là những mạng lưới được dệt nên từ quan hệ giữa các cá nhân thông qua liên kết họ hàng. Dưới giác độ vốn xã hội, trong quan hệ họ hàng, vốn xã hội được cá nhân (với tư cách là thành viên của dòng họ, hoặc là cá nhân trong mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm) tạo dựng nên, và có thể được cá nhân sử dụng để tìm kiếm lợi ích.
Hình 1: Quan hệ họ hàng hiểu theo nghĩa dòng họ


Hình 2: Quan hệ họ hàng hiểu theo nghĩa mạng lưới họ hàng

lấy cá nhân làm trung tâm

Hình 3: Quan hệ họ hàng hiểu theo nghĩa mạng lưới họ hàng

lấy cá nhân làm trung tâm

Tóm lại, trong nghiên cứu này, chúng tôi tiếp cận hệ thống quan hệ họ hàng theo nghĩa dòng họ, và mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, từ quan điểm vốn xã hội. Dưới góc nhìn này, hệ thống họ hàng có thể: 1) tạo nên sự trao đổi qua lại không cân xứng với những khác biệt về nội dung và mức độ trao đổi giữa các thành viên cùng mạng lưới, 2) kết nối các thành viên của mạng lưới một cách trực tiếp hay gián tiếp, 3) tạo nên những cụm, ranh giới và liên kết chéo, 4) tạo ra những liên kết chéo để kết nối các cụm, cũng như các cá nhân, 5) phân phối một cách khác biệt các nguồn lực, 6) tạo ra hoạt động hợp tác và cạnh tranh để tìm kiếm nguồn lực (Wellman, 1998: 40-46). Chúng ta có thế thấy rõ hơn những đặc điểm này của mạng lưới họ hàng, một loại mạng lưới xã hội, cụ thể như sau:

Trước hết, trong mạng lưới họ hàng, sự trao đổi qua lại không cân xứng giữa những người có quan hệ họ hàng thường diễn ra như là hình thức hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Một người nào đó giúp anh em họ hàng của anh ta thì sẽ nhận sự đáp lại từ người được giúp đỡ trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian nhận sự đền đáp, và hình thức đáp lại như thế nào thì không biết trước và không xác định trước.

Thứ hai, kết nối giữa những người họ hàng có thể là kết nối trực tiếp, chẳng hạn quan hệ giữa anh em ruột với nhau. Tuy nhiên, đó cũng có thể là kết nối gián tiếp như kết nối giữa một người với họ hàng đàng thông gia của anh hay em ruột người đó.

Thứ ba, trong hệ thống họ hàng, kết nối đã tạo ra các nhóm, ranh giới, và cả liên kết chéo. Chẳng hạn, trong trường hợp dòng họ, mỗi dòng họ bao gồm các nhánh, chi, phái; và mỗi chi, phái này tồn tại như một cụm các hộ gia đình. Giữa các chi, phái này tồn tại cả những ranh giới lẫn những liên kết chéo. Đối với trường hợp họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, có những ranh giới và những liên kết chéo giữa các mạng lưới hợp thành mạng lưới họ hàng của cá nhân.

Thứ tư, việc tạo ra các liên kết chéo giúp kết nối các cụm lẫn các cá nhân. Chẳng hạn, đối với trường hợp dòng họ, một cá nhân thuộc một chi này của dòng họ có thể kết nối với một cá nhân thuộc chi khác của dòng họ. Đối với trường hợp họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, cá nhân làm trung tâm có thể kết nối với những người ở các mạng lưới tạo nên mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm.

Thứ năm, các kết nối họ hàng có thể tạo ra các hoạt động hợp tác hoặc cạnh tranh để tìm kiếm những nguồn lực. Ví dụ, trong nhiều trường hợp liên quan đến di cư nông thôn-đô thị, những người có quan hệ họ hàng có thể hợp tác với nhau để tìm kiếm việc làm ở thành phố. Hoặc là trong nhiều trường hợp, những người dân sống trong làng có thể hợp tác với nhau trong sản xuất nông nghiệp, hay thành lập các nhóm nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hoặc tham gia hoạt động tín dụng.

Nói tóm lại, hệ thống họ hàng ở Việt Nam, như một loại mạng lưới xã hội, là nơi người ta có thể tạo dựng vốn xã hội nhằm tìm kiếm lợi ích. Sau đây chúng ta sẽ bàn sâu hơn những giả định về việc người nông dân sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm lợi ích trong các hoạt động kinh tế hộ gia đình.



3. Quan hệ họ hàng và kinh kế hộ gia đình nông thôn

3.1. Từ kinh tế hộ gia đình đến kinh tế hợp tác xã, quay trở lại kinh tế hộ gia đình

Một khoảng thời gian rất dài trong lịch sử, đời sống kinh tế cộng đồng làng xã ở miền Bắc mang tính tự cấp và tự túc, với đơn vị sản xuất cơ bản là hộ gia đình. Trong đó, người chủ gia đình tổ chức, điều hành sản xuất trên cơ sở độ tuổi và giới tính. Nhà sử học Nguyễn Hồng Phong đã miêu tả sinh động hoạt động kinh tế của hộ gia đình nông dân truyền thống như sau: “Trên đám ruộng của người tiểu nông họ trồng đủ các thứ lúa, khoai, vừng, lạc, đậu. Trong thửa vườn nho nhỏ mùa nào thứ ấy, mỗi thứ một tý. Có chuồng gia súc với trâu bò, lợn và có sân gia cầm: gà, vịt, ngỗng, ngan,… Ngoài ra lại có khung cửi để dệt vải lụa. Nghĩa là trong kinh tế gia đình chúng ta thấy đủ các thành phần của nền kinh tế toàn quốc: có cây công nghiệp như thầu dầu, vừng, lạc, đậu,… và cây lương thực; có chăn nuôi gia súc và gia cầm; có ao chuôm thả cá, thả bèo, thả rau muống; có thủ công nghiệp - nghề phụ của người dân” (Nguyễn Hồng Phong, 1978: 481).

Tuy nhiên, tính tự cấp, tự túc của đời sống kinh tế hộ gia đình nông thôn phần nào bị phá vỡ trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, khi hoạt động kinh tế của hộ gia đình bị hạ thấp, và hộ gia đình không phải là một đơn vị sản xuất. Ở nông thôn, đơn vị sản xuất cơ sở là đội sản xuất. Các thành viên của gia đình có thể tham gia vào những đội sản xuất khác nhau. Vì gia đình vẫn là đơn vị tự hạch toán thu chi, do đó, gia đình là đơn vị tiêu thụ chứ không phải là đơn vị sản xuất. Hoạt động kinh tế hộ gia đình theo đúng nghĩa của nó chỉ diễn ra ở 5% đất ruộng và mảnh vườn của gia đình (Tương Lai, 2002). Để có cái nhìn cụ thể hơn về hợp tác hóa nông nghiệp, chúng ta theo dõi diễn biến quá trình này qua miêu tả của nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Giàng về một xã cụ thể - xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An:

“Trong nông nghiệp, năm 1949 đã ra đời 4 tập đoàn sản xuất hay là tập đoàn đổi công giúp nhau những lúc thời vụ: gặt, cấy, cày, tát nước chống hạn,… Các tập đoàn này vào năm 1951-1952 được tiến hành dần lên tập đoàn cao cấp; góp ruộng đất, cày cấy chung, trâu bò, nông cụ được điều động cho sản xuất chung, hoa lợi của nhà nào, nhà ấy hưởng (hình thức làm chung, ăn riêng). Năm 1958, việc vận động nông dân vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thay đổi lối làm ăn cá thể bằng lối làm ăn tập thể,… diễn ra mạnh mẽ. Toàn xã thành lập 4 hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp… Đến cuối năm 1960, trên 80% hộ nông dân trong xã đã vào hợp tác xã nhỏ hợp thành 2 hợp tác xã, và đến năm 1962 thì thống nhất hợp thành hợp tác xã toàn xã (Hồ Sĩ Giàng, 1993: 60)”.

Trước những khó khăn của cơ chế hợp tác hóa trong nông nghiệp, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị của Ban Bí thư số 100-CT/TW, ngày 13 tháng 1 năm 1981, cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị này là sự cụ thể hóa chủ trương Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12 năm 1980) về “mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005 [1981]: 25). Đây là cơ chế: “Đội sản xuất khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động (gọi tắt là khoán sản phẩm) là một hình thức quản lý sản xuất và trả công lao động có gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động đối với sản phẩm cuối cùng một cách trực tiếp” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005 [1981]: 28). Tuy vậy, thực chất của cơ chế khoán này vẫn dựa trên sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và quản lý, chỉ đạo sản xuất theo nguyên tắc: “Hợp tác xã nông nghiệp phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất, sức kéo, phân bón, các công cụ và các cơ sở vật chất – kỹ thuật của tập thể” và “Hợp tác xã phải tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005 [1981]: 26).

Một bước tiến quan trọng khác của việc chuyển từ kiểu sản xuất hợp tác xã sang kiểu sản xuất dựa trên đơn vị sản xuất hộ gia đình là Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị ngày 5 tháng 4 năm 1988 về Đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Nghị quyết này xác định rõ việc “tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm hộ và hộ xã viên, đến người lao động và tổ, đội sản xuất,… Trong ngành trồng trọt, phải điều chỉnh diện tích giao khoán, khắc phục tình trạng phân chia ruộng đất manh mún hiện nay, bảo đảm cho người nhận khoán canh tác trên diện tích có quy mô thích hợp và ổn định trong khoảng 15 năm” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006 [1988-1989]: 115-116). Đến năm 1993, Luật đất đai ra đời đã quy định (điều 3, khoản 2): “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất” (Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 1993). Luật Đất đai năm 2003 cũng quy định (điều 9, khoản 2): “Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân) được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất” (Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2003).

Nhìn lại diễn tiến quá trình xác lập vai trò tự chủ của hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta thấy quá trình này đi từ cơ chế giao khoán cho các hộ nông dân đến hình thức các hộ gia đình được tự chủ trong sản xuất nông nghiệp trên những phần ruộng đất đã được giao ổn định, lâu dài. Tính đến cuối năm 1999, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nghị định 64/CP của Chính phủ, đã có 10.417.437 hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 5.852.750 ha chiếm 88,55% về số hộ và 81,79% về diện tích đất nông nghiệp được giao. Hộ nông dân đã trở thành đơn vị quản lý và sử dụng phần lớn đất đai nông nghiệp (Trương Thị Tiến, 2002: 30-39).

Như vậy, kinh tế của hộ gia đình đã được khôi phục sau những thay đổi về mặt chính sách kể từ năm 1981. Có thể nói rằng, đặc điểm của kinh tế hộ gia đình là dựa trên việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của lao động gia đình. Điều này tất yếu đòi hỏi sự liên kết giữa các hộ gia đình trong quá trình sản xuất để huy động vốn, chuyển giao kỹ thuật, công cụ sản xuất, tổ chức lao động, và tiếp cận thị trường. Nếu trước đây những hoạt động này được hợp tác xã và đội sản xuất đứng ra đảm nhiệm, thì nay hộ gia đình phải tự lo liệu. Điều đó đưa đến giả định rằng để sản xuất kinh doanh hiệu quả, các hộ gia đình cần phải hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất.

Dưới đây, chúng ta sẽ bàn thêm và đề xuất những câu hỏi, giả định về quan hệ họ hàng như là nguồn vốn xã hội mà các hộ gia đình vận dụng nhằm hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực quan trọng như sử dụng ruộng đất, tổ chức lao động khi mùa vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, và hoạt động tín dụng phi chính thức. Các câu hỏi, giả định này như là những gợi ý cho chúng tôi trong việc triển khai nghiên cứu thực nghiệm trên thực tế.

3.2. Quan hệ họ hàng trong việc sử dụng ruộng đất

Theo phân tích của Trần Từ thì ruộng đất của làng trước đây trong xã hội phong kiến vốn là đất công hữu, nhưng đã trải qua một quá trình tư hữu hóa lâu dài. Đến đầu thế kỷ XIX, số lượng đất tư đã lấn át số lượng đất công. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ruộng đất công chỉ chiếm khoảng 25% diện tích canh tác (Trần Từ, 1984: 19-21). Như vậy, chúng ta thấy rằng kinh tế hộ gia đình nông dân trước đây phần lớn gắn với ruộng tư hữu. Nhưng, trong giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp, như đã đề cập đến ở trên, với phong trào hợp tác hóa từ tổ đổi công đến hợp tác xã bậc thấp, bậc cao, và hợp tác xã toàn xã, đất đai và công cụ sản xuất đã thuộc về hợp tác xã. Lúc này, hộ gia đình không còn là đơn vị sản xuất gắn với ruộng tư hữu nữa.

Trải qua những lần thay đổi chính sách trong nông nghiệp kể từ năm 1981, hộ gia đình đã trở lại là đơn vị sản xuất và được giao sử dụng ruộng đất lâu dài. Sau khi nhà nước có chủ trương giao đất cho các hộ gia đình nông dân sử dụng lâu dài và họ có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế thì nhiều nơi ở khu vực nông thôn có những hiện tượng xã hội đáng lưu ý liên quan đến ruộng đất đã và đang diễn ra sau đây.

Thứ nhất là việc dồn điền đổi thửa. Trước đây, khi phân chia ruộng đất cho các hộ gia đình, để đảm bảo công bằng, mỗi hộ gia đình đều có ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng gần, ruộng xa nên đồng ruộng nhìn chung bị phân ra quá manh mún. Vì vậy, để tiện canh, tiện cư, thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, phù hợp với khả năng, năng lực từng gia đình, các hộ gia đình có thể chuyển đổi đất cho nhau trong từng vùng và từ vùng này sang vùng khác. Việc chuyển đổi như thế được nhà nước khuyến khích. Và trên thực tế, quá trình này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau trong khoảng hơn 10 năm vừa qua (Nguyễn Tuấn Anh, 2010; Thomése and Nguyễn Tuấn Anh, 2007).

Thứ hai là việc tích tụ ruộng đất, thuê mượn ruộng đất. Đây cũng là một hiện tượng rất phổ biến ở nhiều địa phương. Trên thực tế, có những hộ gia đình trước đây được chia ruộng đất canh tác nhưng hiện nay họ không có nhu cầu canh tác hoặc không có khả năng canh tác nữa. Đó thường là những hộ mà lao động chính đã rời bỏ làng quê đi tìm công ăn việc làm ở thành phố, khu công nghiệp; hay những hộ già cả không thể đảm đương việc canh tác; hoặc những hộ đã chuyển sang kinh doanh nghành nghề phi nông nghiệp. Ruộng đất của những hộ gia đình này được chuyển cho các hộ gia đình khác canh tác dưới danh nghĩa thuê, mượn ruộng (Thomése and Nguyễn Tuấn Anh, 2007).

Trước những biến động ruộng đất như trên, các câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là: việc thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất đã và đang diễn ra như thế nào ở các khu vực nông thôn? Những giao dịch đó có dựa trên các hợp đồng, thỏa thuận mang tính pháp lý không, hay chỉ dựa trên những thỏa thuận miệng và lòng tin giữa các bên? Những quan hệ xã hội nào làm cơ sở cho các giao dịch đó? Vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng, với nghĩa là dòng họ và họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, có vai trò như thế nào trong những giao dịch đó?



3.3. Quan hệ họ hàng với việc đổi công lao động và sử dụng trâu bò trong sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam cần đến nhiều lao động, nhất là khi cày cấy, và gặt hái. Vì thế, việc đổi công giữa các hộ gia đình trong dịp mùa vụ có vai trò rất quan trọng (Nguyễn Hồng Phong, 1978: 498; Mai Văn Hai & Phan Đại Doãn, 2000: 152). Nếu trong giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp, các lao động làm việc với nhau theo đội sản xuất thì hiện nay vì mỗi hộ gia đình là một đơn vị sản xuất độc lập nên các hộ gia đình cần phải hợp tác với các hộ gia đình khác để đáp ứng đủ lao động cho mùa vụ. Có thể nói rằng ba loại quan hệ chủ yếu mà các hộ gia đình có thể dựa vào để đổi công, bao gồm: quan hệ họ hàng, quan hệ láng giềng, quan hệ bạn bè. Câu hỏi đặt ra là các hộ gia đình chủ yếu dựa vào quan hệ nào để đổi công? Vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng có vai trò như thế nào trong việc đổi công lao động giữa các hộ gia đình?

Trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, trâu bò cày kéo vẫn đóng một vai trò quan trọng. Trước đây, với cơ chế hợp tác xã, trâu bò là tài sản của hợp tác xã. Khi hợp tác xã giải thể, trâu bò được phân về cho các nhóm hộ gia đình. Tuy nhiên, việc phân chia này thường được tiến hành một cách máy móc mà không tính đến các mối quan hệ xã hội, nhu cầu và mong muốn của các hộ gia đình. Vì thế, một thời gian ngắn sau khi phân chia trâu bò về cho các hộ gia đình, ở nhiều nơi những nhóm nuôi chung trâu bò như thế này tan rã. Trâu bò được bán đi, và tiền bán trâu bò được phân chia cho các hộ gia đình (Mai Văn Hai & Phan Đại Doãn, 2000: 82). Như vậy, có thể nói rằng quan hệ xã hội là cơ sở quan trọng để các nhóm nuôi chung trâu bò tồn tại bền vững. Hiện nay, trên thực tế, diện tích canh tác của mỗi hộ gia đình không nhiều nên không cần thiết mỗi hộ gia đình đều phải nuôi trâu bò để phục vụ mục đích sản xuất. Vì vậy, các hộ gia đình có thể hợp tác với nhau để nuôi chung trâu bò với mục đích cày kéo. Vậy, nếu cần hợp tác với các hộ gia đình khác để nuôi chung trâu bò cày kéo thì các hộ gia đình thường hợp tác với ai? Những nhóm nuôi chung trâu bò này tồn tại như thế nào, và dựa trên cơ sở nào? Vốn xã hội trong quan hệ họ hàng có vai trò gì đối với việc hình thành và vận hành của các nhóm nuôi chung trâu bò này?

3.4. Quan hệ họ hàng và sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Ở nông thôn miền Bắc, nông dân trong các làng cổ truyền trước đây thường đồng thời là thợ thủ công trong thời gian giữa các mùa vụ (Gourou, 2003 [1936]: 406). Nghề thủ công là hoạt động kinh tế quan trọng bổ sung cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp công ăn việc làm bán thời gian cho cư dân của làng (Scott, 1976: 61-62). Đặc điểm quan trọng của các nghề thủ công truyền thống trước đây là hoạt động dựa trên quan hệ họ hàng. Nếu một hộ gia đình vận hành xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì những người làm việc trong xưởng sản xuất đó thường có quan hệ họ hàng với nhau (Đào Duy Anh, 2000[1938]: 68). Bên cạnh nghề thủ công sản xuất tại nhà, nhiều nghề thủ công được tổ chức thành các nhóm thợ, như nhóm thợ mộc, nhóm thợ nề. Những nhóm thợ này thường tìm kiếm công việc trong làng lẫn ngoài làng (Đào Duy Anh, 2000 [1938]: 68; Gourou, 2003[1936]: 464).

Trong giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế quốc dân có hai thành phần cơ bản: kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Ở giai đoạn này, bên cạnh các hợp tác xã nông nghiệp, còn có hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Các hợp tác xã nông nghiệp này chủ yếu được xây dựng nên từ các phường nghề thủ công, nhóm thợ thủ công trong giai đoạn trước hợp tác hóa (Dương Duy Bằng, 2002: 563). Khi đổi mới, kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã nhường bước cho kinh tế thị trường. Điều này dẫn tới sự giải thể của kinh tế hợp tác kiểu cũ, và đi liền với đó là sự suy tàn của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (Dương Duy Bằng, 2002: 569).

Khi các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bị giải thể thì các phường nghề, nhóm thợ tiểu thủ công nghiệp hoạt động dựa trên sự hợp tác tự nguyện lại được khôi phục trở lại. Hiện nay, người dân ở các làng thường có nghề phụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Đây là cách để sử dụng thời gian nông nhàn giữa các mùa vụ. Những nghề tiểu thủ công nghiệp này gắn với thị trường và các chính sách của chính phủ (Nguyễn Tùng, Bế Viết Đẳng & Trần Văn Hà, 2003: 248). Câu hỏi đặt ra là: Quan hệ họ hàng có vai trò như thế nào đối với việc thành lập và hoạt động của những nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp? Sự hợp tác trong các nhóm nghề này có phải dựa trên vốn xã hội xuất phát từ dòng họ và mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm không? Nếu có, cơ chế vận hành của vốn xã hội ở đây như thế nào?



3.5. Quan hệ họ hàng và hệ thống tín dụng phi chính thức

Ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, các nhóm tín dụng xoay vòng (rotating credit asociation), hay còn gọi là chơi hụi rất phổ biến. Có thể coi đây là một hệ thống tín dụng phi chính thức vận hành trên cơ sở tương trợ lẫn nhau (Scott, 1976: 206). Cơ chế hoạt động của nhóm tín dụng xoay vòng diễn ra như sau: Một nhóm người tập hợp lại với nhau nhằm tích lũy tài chính để phục vụ mục đích của mỗi người. Sau một khoảng thời gian nhất định do thỏa thuận giữa các thành viên trong nhóm, chẳng hạn ba tháng, hay sáu tháng, mỗi thành viên của nhóm góp một khoản tiền như nhau. Dựa trên những tiêu chí nhất định do nhóm đặt ra, một thành viên trong nhóm sẽ được chọn để nhận khoản tiền này. Lần lượt, từng thành viên sẽ được nhận khoản tiền do các thành viên khác góp.

Hiện nay, hình thức tín dụng xoay vòng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhiều nước đang phát triển. Đây là cách chia sẻ rủi ro và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân, hộ gia đình. Chẳng hạn, thông qua khảo sát bốn làng ở miền Bắc Philippine, Fafchamps and Lund (2003) chỉ ra rằng các hộ gia đình thường gặp rủi ro trong nhiều tình huống như ốm đau, sâu bệnh phá hoại mùa màng, tổ chức tang lễ. Các nhóm tín dụng chính thức là một cách để họ chia sẻ rủi ro giữa những người họ hàng hay bạn bè.

Trong các làng Việt cổ truyền ở miền Bắc, hoạt động tín dụng giữa các hộ gia đình cũng phổ biến. Trần Từ qua tác phẩm Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ đã đề cập đến các nhóm này với tên gọi là “hội tư cấp” hay “họ”. Ông cho rằng nội dung cũng như mục đích của những nhóm này là giúp đỡ nhau, và chính nó góp phần quan trọng làm nên sự sôi động trong luồng buôn bán ở nông thôn Bắc Bộ, dù rằng luồng buôn bán này là nhỏ và dựa trên các phiên chợ đều kỳ của từng địa phương. Trần Từ còn nhấn mạnh rằng: tinh thần tập hợp các cá nhân thành “họ” chỉ là lòng tin giữa các cá nhân với nhau (Trần Từ, 1984: 88-89).

Trong giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân được thành lập ở các xã. Hợp tác xã tín dụng trong giai đoạn này gần như thay thế vai trò của nhóm tín dụng giữa các gia đình ở giai đoạn trước đó. Từ khi đổi mới, với sự thay đổi cơ chế kinh tế, các hợp tác xã tín dụng đã sụp đổ (Diệp Đình Hoa, 1994: 217). Sự sụp đổ của hợp tác xã tín dụng dẫn đến việc hồi sinh trở lại các nhóm tín dụng xoay vòng, hay tín dụng không chính thức, tức là phường tiền. Câu hỏi đặt ra ở đây là trong sự so sánh với mạng lưới láng giềng và bạn bè, họ hàng theo nghĩa là dòng họ và họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, với nguồn vốn xã hội trong đó, đóng vai trò như thế nào đối với việc thành lập và vận hành của các nhóm tín dụng phi chính thức ở nông thôn?

4. Quan hệ họ hàng và kinh tế hộ gia đình ở nông thôn từ góc nhìn vốn xã hội: vấn đề cần được nghiên cứu sâu trên thực địa

Có thể nói, việc nghiên cứu những chức năng kinh tế của mạng lưới họ hàng trong đời sống xã hội nông thôn nước ta hiện nay là rất cần thiết. Chúng ta không thể chỉ coi kinh tế hộ gia đình nông thôn như một hình thái kinh tế độc lập mà không có bất cứ liên hệ gì với quan hệ họ hàng, bởi vì như đã phân tích ở trên, quan hệ họ hàng trong lịch sử với ý nghĩa đầy đủ của nó luôn có mối liên hệ chặt chẽ với kinh tế hộ gia đình. Nói cách khác, quan hệ họ hàng không thể tách khỏi nguyên tắc tổ chức và sự vận hành của kinh tế hộ gia đình.

Như đã trình bày ở các phần trước, những hoạt động kinh tế quan trọng của hộ gia đình nông thôn hiện nay bao gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tín dụng và buôn bán nhỏ. Ở đây, chúng ta nhắc lại các giả định: Từ khi hộ gia đình trở lại là một đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu ở khu vực nông thôn, thì vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng đã và đang tạo điều kiện cho người nông dân hợp tác với nhau. Sự hợp tác này có thể xuất hiện dưới hình thức đổi công lao động, vay mượn, chuyển đổi ruộng đất, hay nuôi/sử dụng chung trâu bò. Thêm nữa, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ cũng được phát triển nhờ vào vốn xã hội trong mạng lưới quan hệ họ hàng. Ngoài ra, vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng còn là cơ sở cho hoạt động của hệ thống tín dụng phi chính thức và các nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp. Đây là những giả định mà chúng tôi dự định kiểm chứng trên thực tế qua khảo sát tại một số khu vực nông thôn ở miền Bắc.

Có thể nói rằng việc kiểm chứng các giả định nêu trên là một đóng góp quan trọng để hiểu sâu hơn những biến chuyển của xã hội nông thôn hiện nay. Trên thực tế, như chúng ta biết, kể từ khi hộ gia đình ở nông thôn được xác nhận trở lại là đơn vị tự chủ trong sản xuất và kinh doanh, cùng với việc giải thể mô hình hợp tác xã nông nghiệp trước đây, người nông dân đã chủ động khôi phục lại các nguồn vốn xã hội tiềm ẩn để thích ứng và phát triển kinh tế. Thế nhưng, từ ngày đổi mới (1986) đến nay, hơn 25 năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có các nghiên cứu khoa học tương đối đầy đủ và hệ thống để hiểu xem người nông dân đã tạo dựng và sử dụng vốn xã hội như thế nào. Đây là một khoảng cách có thực giữa hoạt động khoa học và đời sống thực tiễn của đất nước. Nghiên cứu mà chúng tôi đang tiến hành giữ ở mức độ nhất định, sẽ góp phần xóa dần đi khoảng cách đó. Thêm nữa, việc phân tích cách thức người dân nông thôn sử dụng vốn xã hội, trong đó có vốn xã hội xuất phát từ quan hệ họ hàng để phát triển kinh tế hộ gia đình, sẽ góp phần làm rõ các vấn đề đang đặt ra của tiến trình xây dựng nông thôn mới những năm sắp tới.


Tài liệu tham khảo

1. Bourdieu, P. 1986. "The Forms of Capital." Pp. 241-258 in Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education, edited by J. G. Richardson. New York: Greenwood.

2. Coleman, J. S. 1988. "Social Capital in the Creation of Human-Capital." American Journal of Sociology 94:S95-S120.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2005 [1981]. Văn kiện Đảng toàn tập (Tập 42, 1981). Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.- 2006 [1988-1989]. Văn kiện Đảng toàn tập (Tập 49, 1988-1989). Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

4. Đào Duy Anh. 2000 [1938]. Việt Nam văn hoá sử cương. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Thông tin

5. Diệp Đình Hoa. 1994. Làng Nguyễn. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

6. Đỗ Thái Đồng. 1995. "Làng hiện thực và biểu trưng." Trang 89-92, trong: Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. Chủ biên: Mạc Đường. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

7. Dương Duy Bằng. 2002. "Tiểu thủ công nghiệp ở Ninh Hiệp (Lịch sử và hiện tại)". Trang 553-576, trong: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, Chủ biên: P. Papin và O. Tessier. Hà Nội: Nxb. Lao động Xã hội.

8. Edwards, R. 2004. "Present and absent in troubling ways: families and social capital debates." Sociological Review 52:1-21.

9. Fox, Robin. 1967. Kinship and Marriage: An Anthropological Perspective. Harmondsworth, Middlesex: Penguin books.

10. Fukuyama, Francis. 2001. "Social Capital, Civil Society and Development." Third World Quarterly 22:7-20. -2002. "Social Capital and Development: The Coming Agenda." SAIS review 22:23-38.

11. Gourou, Pierre. 2003[1936]. Người nông dân ở châu thổ Bắc Kỳ. Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Nxb. Trẻ.

12. Hirschman, C. and Vu Manh Loi. 1996. "Family and Household Structure in Vietnam: Some Glimpses from a Recent Survey." Pacific Affairs 69:229-&.

13. Hồ Sĩ Giàng. 1993. Quỳnh Đôi chặng đường nối tiếp. Nghệ An: Nxb. Nghệ An.

14. Howell, N. 1988. "Understanding Simple Social Structure: Kinship Units and Ties." Pp. 62-82 in Social Structures: A Network Approach, edited by B. Wellman and S. D. Berkowitz. Cambridge etc.: Cambridge University Press.

15. Kerkvliet, Benedict J Tria. 2005. The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

16. Luong, Hy Van. 1984. "Brother and Uncle - an Analysis of Rules, Structural Contradictions, and Meaning in Vietnamese Kinship." American Anthropologist 86:290-315.

17. Luong Hy Van. 1989. "Vietnamese Kinship - Structural Principles and the Socialist Transformation in Northern Vietnam." Journal of Asian Studies 48:741-756.

17. Mai Văn Hai và Phan Đại Doãn. 2000. Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

18. Nguyễn Hồng Phong. 1978. "Di sản làng xã trước Cách mạng Xã hội chủ nghĩa". Trang 452-502, trong: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Chủ biên: Viện Sử học. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

19. Nguyen Tuan Anh. 2010. "Kinship as Social Capital: Economic, Social and Cultural Dimensions of Changing Kinship Relations in a Northern Vietnamese Village." Doctoral dissertation.Vrije Universiteit Amsterdam, The Netherlands. ISBN/EAN: 978-90-5335-271-7. 278 pages, 2010.

20. Nguyễn Tùng, Bế Viết Đẳng và Trần Văn Hà. 2003. "Biến đổi kinh tế". Trang 218-245, trong: Mông Phụ - Một làng ở Đồng bằng sông Hồng. Chủ biên: Nguyễn Tùng. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Thông tin.

21. Nguyễn Văn Huyên. 2003[1939]. Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập 2. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

22. Phan Đại Doãn. 1988. "Về dòng họ ở nông thôn hiện nay". Văn hoá Nghệ thuật 172: 9,10,24.

23. Portes, A. 1998. "Social Capital: Its Origins and Applications in Modern Sociology." Annual Review of Sociology 24:1-24.

24. Putnam, Robert D. 1995. "Bowling Alone: America's Declining Social Capital." Journal of Democracy 6:65-78.

25. Scott, James C. 1976. The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia. New Haven etc.: Yale University Press.

26. Smith, Stephen Samuel and Jessica Kulynch. 2002. "It May Be Social, but Why Is It Capital? The Social Construction of Social Capital and the Politics of Language." Politics & Society 30:149-186.

27. Thomése, Fleur &Nguyễn Tuấn Anh. 2007. "Quan hệ họ hàng với việc dồn điền đổi thửa và sử dụng ruộng đất dưới góc nhìn vốn xã hội ở một làng Bắc Trung Bộ." Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới 4:3-16.

28. Trần Đình Hượu. 1996. Đến hiện đại từ truyền thống. Hà Nội: Nxb. Văn hoá.

29. Trần Từ. 1984. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

30. Trịnh Thị Quang. 1984. "Một vài vấn đề về quan hệ thân tộc ở nông thôn." Tạp chí Xã hội học 2:47-52.

31. Trương Thị Tiến. 2002. "Quá trình xác lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân Việt Nam thời hiện đại." Tạp chí khoa học 4: 30-39.

32. Tương Lai. 2002. "Những biến đổi xã hội của nông thôn đồng bằng sông Hồng: cảm nhận và phân tích." Trang 471-499, trong: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ. Chủ biên: P. Papin and O. Tesier. Hà Nội: Nxb. Lao động Xã hội.

33. Vũ Ngọc Khánh. 1997. "Dòng họ Việt Nam từ nguồn gốc đến vận mệnh." Trang 79-85, trong: Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An. Chủ biên: Hội văn nghệ dân gian Nghệ An, Sở Khoa học công nghệ và môi trường Nghệ An, Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình Nghệ An và Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian. Nghệ An: Nxb. Nghệ An.

34. Vu Tuan Anh, Tran Thi Van Anh, and Terry G McGee. 2000. "Household Economy Under Impacts of Economic Reforms in Viet Nam." in Socioeconomic renovation in Vietnam: The Origin, Evolution, and Impact of Doi Moi, edited by P. Boothroyd and Pham Xuan Nam. Ottawa: International Development Research Centre (http://www.idrc.ca/en/ev-9407-201-1-DO_TOPIC.html), accessed September 2008.



35. Vũ Văn Quân. 2002. "Những biến đổi của quan hệ dòng họ ở Ninh Hiệp." Trang 305-332, trong: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ. Chủ biên: P. Papin and O. Tesier. Hà Nội: Nxb. Lao động Xã hội.

  1. 36. Wellman, Barry. 1998. "Structural analysis: from method and metaphor to theory and substance." Pp. 19-61 in Social structures: a network approach, edited by B. Wellman and S. D. Berkowitz. Cambridge etc.: Cambridge University Press.




 TS.; Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài viết trong khuôn khổ đề tài nhóm A của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2011: “Vốn xã hội trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.”

1 Đề tài: “Vốn xã hội trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.”



tải về 108.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương