Qcvn 41: 2012/bgtvt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia



tải về 0.89 Mb.
trang1/13
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.89 Mb.
#20023
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13
QCVN 41: 2012/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ



National Technical Regulation on Road Signs and Signals

Lời nói đầu

- QCVN 41: 2012/BGTVT do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012.



MỤC LỤC

Chương I. Quy định chung ....................................................................................

Chương II. Hiệu lệnh điều khiển giao thông .........................................................

Chương III. Biển báo hiệu .....................................................................................

Chương IV. Biển báo cấm .....................................................................................

Chương V. Biển báo nguy hiểm ............................................................................

Chương VI. Biển hiệu lệnh ....................................................................................

Chương VII. Biển chỉ dẫn ......................................................................................

Chương VIII. Biển phụ, biển viết bằng chữ ..........................................................

Chương IX. Vạch kẻ đường ..................................................................................

Chương X. Cọc tiêu, tường bảo vệ và hàng rào chắn ............................................

Chương XI. Cột Kilômét, Cọc H ...........................................................................

Chương XII. Mốc lộ giới .......................................................................................

Chương XIII. Báo hiệu cấm đi lại .........................................................................

Chương XIV. Gương cầu lồi và dải phân cách tôn sóng......................................

Chương XV. Các quy định quản lý có liên quan ..................................................

Chương XVI. Tổ chức thực hiện...........................................................................

Phụ lục A. Đèn tín hiệu .........................................................................................

Phụ lục B. Ý nghĩa - Sử dụng biển báo cấm .........................................................

Phụ lục C. Ý nghĩa - Sử dụng biển báo nguy hiểm ...............................................

Phụ lục D. Ý nghĩa - Sử dụng biển hiệu lệnh ....�..................................................

Phụ lục E. Ý nghĩa - Sử dụng biển chỉ dẫn ............................................................

Phụ lục F. Ý nghĩa - Sử dụng các biển phụ ...........................................................

Phụ lục G. Vạch tín hiệu giao thông trên đường có tốc độ >60km/h ....................

Phụ lục H. Vạch tín hiệu giao thông trên đường có tốc độ ≤60km/h ....................

Phụ lục I. Cột Kilômét - Cọc H - Mốc lộ giới.......................................................

Phụ lục K. Kích thước chữ viết và con số trên biển báo .......................................

Phụ Lục L. Biển báo hiệu trên các tuyến đường đối ngoại ...................................



Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ và rào chắn, cột kilômét, cọc H, mốc lộ giới, gương cầu lồi và dải phân cách tôn sóng.



Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng, và các đường nằm trong hệ thống đường tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên - sau đây gọi là các tuyến đường đối ngoại (Hiệp định GMS-CBTA; các thỏa thuận trong ASEAN và các thỏa thuận quốc tế khác).



Điều 3. Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu

3.1. Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu cùng ở một khu vực có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:

3.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

3.1.2. Tín hiệu đèn hoặc cờ;

3.1.3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;

3.1.4. Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

3.2. Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người sử dụng đường phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:



4.1. Đường cao tốc (ĐCT) là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định;

4.2. Quốc lộ (QL) là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực;

4.3. Đường tỉnh (ĐT) là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

4.4. Đường huyện (ĐH) là đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện;

4.5. Đường xã (ĐX) đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của xã;

4.6. Đường đô thị (ĐĐT) là đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;

4.7. Đường chuyên dùng (ĐCD) là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân;

4.8. Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ;

4.9. Đường dành riêng cho các loại phương tiện cơ giới là tuyến đường hoặc phần đường dành cho phương tiện cơ giới lưu thông tách biệt với phần đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ và bằng dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền;

4.10. Đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ là tuyến đường hoặc phần đường, được phân biệt với phần đường dành riêng cho phương tiện cơ giới bằng các dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền;

4.11. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

4.11.1. Xác định đường ưu tiên (đường chính) theo thứ tự quy định như sau:

- Đường cao tốc;

- Quốc lộ;

- Đường đô thị;

- Đường tỉnh;

- Đường huyện;

- Đường xã;

- Đường chuyên dùng.



4.11.2. Nếu hai đường cùng thứ tự, giao nhau cùng mức, việc xác định đường nào là đường ưu tiên theo quy định sau:

- Khi lưu lượng xe bằng nhau, đường nào có nhiều ôtô vận tải công cộng hoặc đường nào có tốc độ xe lớn hơn thì đường đó là đường ưu tiên. Khi lưu lượng xe khác nhau, đường nào có lưu lượng xe lớn hơn thì đường đó là đường ưu tiên;

- Đường nào có mặt đường cấp cao hơn thì đường đó là đường ưu tiên.

4.11.3. Không được quy định cả hai đường giao nhau cùng mức cùng đồng thời là đường ưu tiên;

4.12. Đường không ưu tiên là chỉ những đường giao cùng mức với đường ưu tiên;

4.13. Đường một chiều là để chỉ những đường chỉ cho đi một chiều;

4.14. Đường hai chiều là để chỉ những đường dùng chung cho cả hai chiều đi và về mà không có dải phân cách hoặc vạch dọc liền;

4.15. Đường đôi là để chỉ những đường mà chiều đi và về được phân biệt bằng dải phân cách hoặc các vạch dọc liền;

4.16. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông qua lại;

4.17. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn;

4.18. Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc phần đường nhiều loại xe khác nhau.

4.19. Nơi đường giao nhau là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, bao gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó;

4.20. Tên các bộ phận chủ yếu của con đường được chỉ dẫn ở hình cắt ngang kèm theo (Hình 1 và 2):

Bảng 1. Các bộ phận chủ yếu của đường

Số ký hiệu

Tên bộ phận

Số ký hiệu

Tên bộ phận

1

2

3



4

5

6



7

Phần xe chạy

Lề đường


Mái taluy nền đường

Hành lang an toàn đường bộ


Nền đường

Tim đường

Vai đường



8

9

10



11

12

13



14

Dấu hiệu mép phần xe chạy

Đỉnh mui luyện

Dải phân cách giữa

Dải đất dọc hai bên đường bộ, dành cho quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ

Dấu hiệu phân làn

Phần lề đường gia cố

Rãnh dọc




Hình 1 - Mặt cắt ngang đường

CHÚ THÍCH: Bề rộng hành lang an toàn đường bộ và phần đất dành cho bảo vệ, quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định của Chính phủ.



4.21. Khu đông dân cư là chỉ vùng giới hạn nội thành các thành phố, nội thị các thị xã, thị trấn, trung tâm hành chính xã hoặc cụm xã mà đường bộ đi qua.

Những nơi quy định là "Khu đông dân cư" thì người sử dụng đường bộ phải chấp hành các hạn chế theo quy định của pháp luật.



4.22. Xe cơ giới là chỉ các loại xe ôtô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe môtô hai bánh; xe môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

4.23. Ôtô con là chỉ ôtô chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe, hoặc ôtô chở hàng với trọng tải không quá 1,5 tấn. Ôtô con bao gồm cả các loại có kết cấu như môtô ba bánh nhưng khối lượng bản thân lớn hơn 400kg trở lên và trọng tải không quá 1,5 tấn.

4.24. Ôtô tải là chỉ ôtô chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên.

4.25. Ôtô khách là chỉ ôtô chở người với số chỗ ngồi lớn hơn 9, ôtô khách bao gồm cả xe buýt. Xe buýt là ôtô khách có số chỗ ngồi ít hơn số chỗ đứng.

4.26. Ôtô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc là chỉ những loại xe cơ giới chuyên chở hàng hóa hoặc chở người mà thùng xe là sơ mi rơ moóc được thiết kế nối với ôtô đầu kéo và truyền một phần trọng lượng đáng kể lên ôtô đầu kéo và ôtô đầu kéo không có bộ phận chở hàng hóa hoặc chở người (ôtô đầu kéo là ôtô được thiết kế để kéo sơ-mi rơ-moóc).

4.27. Ôtô kéo rơ-moóc là chỉ ôtô được thiết kế dành riêng hoặc chủ yếu dùng để kéo rơ-moóc.

4.28. Rơ-moóc là chỉ phương tiện có kết cấu để sao cho khối lượng toàn bộ của rơ-moóc không đặt lên ôtô kéo.

4.29. Máy kéo là chỉ đầu máy tự di chuyển bằng xích hay bánh lốp để thực hiện các công việc đào, xúc, nâng, ủi, gạt, kéo, đẩy.

4.30. Xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400kg đối với môtô hai bánh hoặc sức chở từ 350kg đến 500kg đối với môtô 3 bánh. Định nghĩa này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 4.31 của Điều này.

4.31. Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3.

4.32. Xe thô sơ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe súc vật kéo, xe lăn dùng cho người khuyết tật và các loại xe tương tự.

4.33. Xe đạp là chỉ phương tiện có hai bánh xe hoặc ba bánh và di chuyển được bằng sức người đạp. Kể cả xe chuyên dùng của người tàn tật có tính năng tương tự.

4.34. Xe đạp thồ là chỉ xe đạp chở hàng trên giá đèo hàng hoặc chằng buộc hai bên thành xe.

4.35. Xe người kéo là chỉ những loại phương tiện thô sơ có một hoặc nhiều bánh và chuyển động được nhờ sức người kéo hoặc đẩy. Trừ xe nôi trẻ em và phương tiện chuyên dùng đi lại của người tàn tật.

4.36. Xe súc vật kéo là chỉ những phương tiện thô sơ chuyển động được do súc vật kéo.

4.37. Người sử dụng đường (người tham gia giao thông) là chỉ những người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường.

4.38. Xe ưu tiên là chỉ xe được quyền ưu tiên theo Luật Giao thông đường bộ:

4.38.1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

4.38.2. Xe quy định tại các Tiết a, b, c và d Điểm 4.38.1 của Điều này khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

4.39. Mốc lộ giới là chỉ cọc mốc được cắm ở mép ngoài cùng xác định ranh giới của đất dành cho đường bộ theo chiều ngang đường;

4.40. Giá long môn là chỉ khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường, khi treo biển thì cạnh dưới của biển (hoặc mép dưới của dầm nếu thấp hơn cạnh dưới biển) cách mặt đường ít nhất là 5m;



Hình 2. Giá long môn

4.41. Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

Chương II

HIỆU LỆNH ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Điều 5. Các phương pháp điều khiển giao thông

5.1. Các phương tiện điều khiển giao thông:

a) Bằng tay;

b) Bằng cờ;

c) Bằng gậy chỉ huy giao thông có màu đen trắng xen kẽ (có đèn hoặc không có đèn ở bên trong);

d) Bằng đèn tín hiệu ánh sáng.

5.2. Phương pháp chỉ huy giao thông:

a) Người điều khiển;

b) Bằng hệ thống tín hiệu ánh sáng tự động.

Điều 6. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

6.1. Hiệu lệnh của người điều khiển được thể hiện bằng tay, cờ hoặc gậy chỉ huy giao thông. Để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông, người điều khiển giao thông ngoài các phương pháp nêu trên còn dùng thêm còi.

6.2. Hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông:

a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại;

b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn hoặc; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi; Đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.



6.3. Quy định về việc sử dụng âm hiệu còi trong điều khiển giao thông của cảnh sát điều khiển giao thông như sau:

a) Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;

b) Một tiếng còi ngắn là cho phép đi;

c) Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái;

d) Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại;

e) Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;

g) Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

6.4. Trường hợp khi có tín hiệu hoặc hiệu lệnh phải dừng lại, nếu phương tiện tham gia giao thông đã đi vượt qua vạch sơn “Dừng lại” mà dừng lại sẽ gây mất an toàn giao thông thì cho phép đi tiếp; Người đi bộ còn đang đi ở phần đường dành cho người đi bộ trên lòng đường thì nhanh chóng đi hết hoặc dừng lại ở đảo an toàn, nếu không có đảo an toàn thì dừng lại ở vạch sơn phân chia 2 dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều;

6.5. Trường hợp người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

Điều 7. Hiệu lực của người điều khiển giao thông

Tất cả các lái xe và người đi bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.



Điều 8. Người điều khiển giao thông

Người điều khiển phải là cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định của Bộ Công an hoặc là người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông có mang băng đỏ rộng 10cm ở khoảng giữa cánh tay phải.



Điều 9. Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn

9.1. Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng 3 loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ, chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang:

9.1.1. Thứ tự tín hiệu lắp theo chiều thẳng đứng: trên cùng là đỏ, giữa là vàng và cuối cùng là xanh;

9.1.2. Thứ tự tín hiệu lắp đặt theo chiều ngang: đỏ ở phía bên tay trái, vàng ở giữa xanh ở phía bên tay phải.

9.2. Đèn tín hiệu ngoài 3 dạng đèn chính còn được bổ sung một số đèn phụ tùy thuộc vào quy mô nút giao và tổ chức giao thông:

9.2.1. Đèn phụ có hình mũi tên, được lắp đặt trên mặt phẳng ngang với tín hiệu xanh;

9.2.2. Đèn tín hiệu không có đèn phụ thì trong từng tín hiệu của đèn chính, có thể có hình mũi tên; Khi đó đèn được coi tương ứng với lắp đèn phụ. Nếu mũi tên chỉ của loại đèn tín hiệu không có đèn phụ này chỉ hướng cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu;

9.2.3. Đèn tín hiệu có kèm đồng hồ đếm ngược có tác dụng báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn chính;

9.2.4. Đèn tín hiệu có hình chữ thập màu đỏ báo hiệu xe phải dừng lại. Trong trường hợp xe đã ở trong nút giao thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nút giao.

9.3. Ý nghĩa của đèn tín hiệu:

9.3.1. Tín hiệu xanh: Cho phép đi;

9.3.2. Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Dừng lại”.

Trường hợp phương tiện và người đi bộ đã vượt quá vạch sơn “Dừng lại”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau;



9.3.3. Tín hiệu vàng nhấp nháy: Là được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác;

9.3.4. Tín hiệu đỏ: Cấm đi.

9.4. Ý nghĩa của đèn phụ hình mũi tên:

9.4.1. Nếu đèn có lắp đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu;

9.4.2. Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì người điều khiển các loại phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi;

9.4.3. Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. Những nơi bố trí mũi tên màu đỏ phải bố trí làn chờ rẽ cho xe đi hướng bị cấm.

9.5. Điều khiển giao thông bằng loại đèn hai màu.

9.5.1. Điều khiển giao thông đối với người đi bộ bằng loại đèn hai màu: Khi tín hiệu màu đỏ có tín hiệu hình người tư thế đứng hoặc chữ viết "Dừng lại"; Khi tín hiệu màu xanh, có hình người tư thế đi hoặc chữ viết "Đi";

Người đi bộ chỉ được phép đi qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng và đi trong hàng đinh gắn trên mặt đường, vạch sơn. Tín hiệu đèn xanh nhấp nháy báo hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu màu đỏ;



9.5.2. Loại đèn hai màu xanh và đỏ không nhấp nháy dùng để điều khiển giao thông ở những nơi giao nhau với đường sắt, bến phà, cầu cất, dải cho máy bay lên xuống ở độ cao không lớn v.v... Đèn xanh bật sáng: Cho phép các phương tiện giao thông được đi. Đèn đỏ bật sáng: Cấm đi. Hai đèn xanh và đỏ không được cùng bật sáng một lúc;

9.5.3. Loại đèn đỏ 2 bên thay nhau nhấp nháy nơi giao nhau với đường sắt, khi bật sáng thì mọi phương tiện phải ngừng lại và chỉ được đi khi đèn tắt. Ngoài ra để gây chú ý, ngoài đèn đỏ nhấp nháy còn trang bị thêm chuông điện hoặc tiếng nói nhắc nhở có tàu hỏa.


tải về 0.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương