PHÁt triển nông thôN



tải về 156.27 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích156.27 Kb.
#19743

UBND TỈNH VĨNH LONG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Số : 215/BC.SNN&PTNT Vĩnh Long, ngày 25 tháng 11 năm 2010


BÁO CÁO


TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NĂM 2010

VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2011

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN




PHẦN I: KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2010



A. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP:

1. Nông nghiệp:

1.1. Trồng trọt:

* Cây luá:

Tổng diện tích lúa cả năm: 169.979 ha, đạt 102,4% KH, giảm 6.700 ha ≈ 3,8% so với năm 2009 do chuyển dịch diện tích đất lúa sang trồng màu, cây lâu năm. Năng suất bình quân 5,47 tấn/ha, đạt 102,8% KH, tăng 307 kg/ha ≈ 5,9% so với năm 2009 nhờ ứng dụng tốt ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật. Sản lượng: 928.972 tấn, đạt 105,3% KH, tăng 17.597 tấn ≈ 1,9% so với năm 2009. (Xem bảng chi tiết).

+ Vụ lúa Đông Xuân 2009-2010: năng suất lúa 6,78 tấn/ha, mặc dù diện tích lúa giảm gần 700 ha, nhưng do tăng năng suất nên sản lượng đã tăng thêm 26.415 tấn. Lúa Đông Xuân năm nay xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy, sâu bệnh ít, công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT được tăng cường và phát huy hiệu quả.

+ Vụ lúa Hè Thu và lúa Thu Đông phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh nằm trong tầm kiểm soát, rầy nâu xuất hiện với mật số thấp do thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp về phòng trừ sâu bệnh.

Ngành Nông nghiệp & PTNT đã kết hợp với địa phương hướng dẫn nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống tập trung né rầy; khuyến cáo bà con nông dân áp dụng phương pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, bón phân theo bảng so màu lá lúa, ứng dụng mô hình cộng đồng sản xuất lúa theo hướng bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận gần 80% diện tích canh tác với các bộ giống chủ lực kháng sâu rầy cho năng suất và chất lượng gạo cao. Hạn chế việc canh tác lúa chất lượng thấp như IR50404, OM 576, móng chim không vượt quá 20% trong cơ cấu giống của địa phương, nhằm giảm áp lực giải quyết đầu ra.

Qua công tác dự báo Sở Nông Nghiệp & PTNT đã chủ động trong việc cấp kinh phí để phòng chống úng đầu vụ Đông Xuân và hạn trong vụ Hè Thu, nên trong 6 tháng đầu năm nắng nóng kéo dài, nhưng đối với những nơi khô hạn chính quyền đã hỗ trợ kinh phí cho người dân kịp thời bơm nước, nên mức độ thiệt hại không đáng kể.



* Cây màu:

Diện tích gieo trồng màu cả năm 34.607 ha, đạt 100,3% KH, tăng 2.374 ha  7,4% so năm 2009. Diện tích trồng màu trên đất lúa 14.423 ha, tăng 3.083 ha so năm 2009. Ước sản lượng màu: 618.781 tấn, tăng 9,3% so năm 2009.

Sản xuất rau màu tiếp tục phát triển và có xu thế tăng trưởng khá trên cả diện tích chuyên canh và diện tích đưa cây màu xuống ruộng. Chủng loại rau màu phong phú tập trung ở các xã phía bắc quốc lộ I A của huyện Bình Tân, dọc tuyến sông Măng của huyện Tam Bình, cặp tuyến sông Tiền của huyện Long Hồ, Mang Thít. Tình hình sâu bệnh hại phổ biến trên rau màu có sâu tơ, sâu ăn tạp, sâu xanh, rầy mềm,... với mật số và tỷ lệ thấp.

* Cây lâu năm:

Diện tích cây lâu năm: 46.966 ha (trong đó diện tích đang cho trái là 39.720 ha), đạt 99,93% KH, tăng 1,53% so năm 2009. Ước sản lượng cây lâu năm: 516.000 tấn, đạt 96,45% KH và tăng 4,34% so năm 2009.

- Tình hình sâu bệnh chủ yếu trên cây lâu năm là vàng lá, thối rễ trên cây có múi; bệnh chết nhánh, chổi rồng trên cây nhãn,…. gây hại từ nhẹ - trung bình. Bệnh chổi rồng trên cây nhãn và bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi tuy có giảm, nhưng vẫn còn gây hại nhiều, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con, nhất là đối với các vùng chuyên canh nhãn như các xã cù lao của huyện Long Hồ, vùng cam sành của huyện Tam Bình và Trà Ôn.

Diện tích cây lâu năm trong những năm gần đây tăng chậm; mặc dù giá cả cây ăn quả năm nay khá cao, nhưng không ổn định; diện tích vườn manh mún khó bảo vệ trong mùa lũ nên nông dân chưa mạnh dạn lên líp lập vườn mới, cũng như cải tạo, thâm canh vườn già cỗi. Trong năm trồng mới trên 700 ha cây lâu năm, phần lớn diện tích tăng thêm do trồng cây cam sành, ca cao,...

Nhìn chung trên lĩnh vực trồng trọt: dịch bệnh ở mức độ thấp, nằm trong tầm kiểm soát, nông dân ứng dụng tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; giá nông sản tương đối ổn định ở mức cao, tạo điều kiện cho người dân đầu tư thâm canh. Ngành trồng trọt tiếp tục chuyển biến trên nhiều mặt theo hướng đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển cây màu bằng phương thức đưa sản xuất màu luân canh trên ruộng lúa, tận dụng phụ phẩm rợm rạ làm nấm rơm, thức ăn cho bò, tiếp tục chuyển dịch diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn quả, cải tạo phục hồi vườn cây ăn quả chuyên canh có giá trị kinh tế cao; từ đó đã làm cho giá trị sản xuất của ngành trồng trọt cũng như thu nhập của ngành trồng trọt tăng lên đáng kể.

1.2. Chăn nuôi:

• Theo số liệu điều tra 1/10/2010, toàn tỉnh có:

+ Đàn heo: 353.196 con, đạt 103,9 % KH, tăng 6,6% so với năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch heo tai xanh nhưng đàn heo vẫn tiếp tục phát triển.

+ Đàn bò: 67.243 con, đạt 98,9% KH, tăng 1,5% so với năm 2009.

+ Đàn gia cầm: 4.709.309 con, đạt 109,5% KH, tăng 18,1% so với năm 2009.

Bệnh heo tai xanh: xảy ra trên địa bàn 90 xã thuộc 08 huyện, thành phố, ở 1.539 hộ với 24.569 con heo mắc bệnh, trong đó: đã chết và tiêu hủy 8.691 con, điều trị khỏi bệnh 15.736 con. Đến nay đàn vật nuôi của tỉnh phát triển ổn định, ngày 05/11/2010, UBND tỉnh ra quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn toàn tỉnh. Dịch heo tai xanh bùn phát mạnh, nhưng nhanh chóng được khống chế; các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y, khép kín từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm đã bảo vệ tốt đàn heo trong đợt dịch vừa qua và đã có được lợi nhuận khá cao sau đợt dịch. Hiện tại trên địa bàn tỉnh công ty CP đã đầu tư 57 trang trại chăn nuôi heo thịt, gà thịt trong đó có mô hình chăn nuôi của trang trại Tư Thạch với 6 trại gà thịt, qui mô 90.000 con/ lứa/2 tháng; trang trại nuôi heo nái như trang trại Trương Thành Nghĩa, Đại Á với qui mô 250 nái/trang trại.

Trên lĩnh vực chăn nuôi: đàn heo, đàn bò tốc độ tăng so với năm trước nhưng chưa đạt yêu cầu, đàn heo phát triển chưa mạnh, có xu hướng chững lại do ảnh hưởng của dịch heo tai xanh, trong thời gian dịch bệnh bùn phát mạnh và sau dịch bệnh do tâm lý của người tiêu dùng ngán ngại thịt heo đã làm cho giá heo hơi sụt giảm mạnh, khó tiêu thụ; gây thua lỗ nặng nề cho người chăn nuôi. Giá thịt heo gần cuối năm có tăng nhẹ, tuy nhiên giá thức ăn có tốc độ tăng nhanh hơn, người chăn nuôi vẫn tiếp tục chịu nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp, bấp bênh. Giá nhiều sản phẩm gia cầm tiếp tục tăng và ở mức khá cao, tiêu thụ thuận lợi nên đàn gia cầm đã phục hồi nhanh chóng và đang phát triển theo hướng tập trung với qui mô lớn, đảm bảo vệ sinh thú y và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

2. Thủy sản:

- Toàn tỉnh hiện có:

+ 2.380,3 ha nuôi thủy sản, đạt 95,2% KH, giảm 6,65% so năm 2009. Trong đó: diện tích nuôi cá tra thâm canh 532,5 ha, giảm 6,81% so với năm 2009.

+ 663 lồng, bè nuôi thủy sản, tăng 157 chiếc  31,03% so với năm 2009.

- Ước tổng sản lượng thủy sản: 140.458 tấn, đạt 105,4% KH, tăng 18.830 tấn ≈ 15,48% so với năm 2009. Trong đó: sản lượng nuôi thủy sản: 132.782 tấn, đạt 105,8% KH, tăng 18.923 tấn ≈ 16,62% so với năm 2009. Riêng sản lượng nuôi cá tra thâm canh: 114.428 tấn, tăng 18,59% so với năm 2009.

Trong những tháng đầu năm giá cá tra thất thường, trong tháng 6/2010 giá chỉ ở mức 15.500-15.800 đ/kg , trong khi giá thức ăn tăng liên tục (có tháng tăng 4-5 lần), người nuôi bị lỗ nặng, không có khả năng tái sản xuất làm cho 110 ha chưa thả nuôi trở lại và 29,9 ha phải chuyển sang nuôi các đối tượng khác. Những tháng cuối năm giá cá tra có tăng, người nuôi cá có lời từ 2.000-2.500 đ/kg. Giá cá tra tương đối cao (thiếu ổn định), nhưng do giá thức ăn tăng cao, lợi nhuận khá bấp bênh, có thể thua lỗ nếu tỷ lệ cá sống thấp; nên đến nay nhiều cơ sở chăn nuôi cá tra vẫn chưa đầu tư thả nuôi lại, mặt khác đã có nhiều cơ sở thua lỗ kéo dài, nên không còn vốn để sản xuất tiếp.

Nuôi thủy sản có chiều hướng tăng nhờ đa dạng hóa các đối tượng nuôi như cá phi, điêu hồng, rô đồng,..... Nuôi cá tra xuất khẩu đang có chiều hướng phát triển ở các vùng ven sông Tiền, sông Hậu (cồn và các bãi bồi,..). Giá cá các loại tăng nhanh do ảnh hưởng của dịch heo tai xanh; bình quân giá cá điêu hồng hiện nay tăng 10.000 đ/kg so với đầu năm.

3. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất:

- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010: 6.153.612 triệu đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 5,64% so năm 2009, xấp xỉ chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh Ủy (5,7%). Trong đó:

+ Giá trị sản xuất nông nghiệp: 5.345.052 triệu đồng, đạt 99,4% KH, tăng 4,4% so năm 2009.

+ Giá trị sản xuất lâm nghiệp: 34.145 triệu đồng, đạt 101,2% KH, giảm 0,2% so năm 2009.

+ Giá trị sản xuất thủy sản: 774.415 triệu đồng, đạt 105,2% KH, tăng 15,2% so năm 2009.

* Cơ cấu giá trị nông-lâm-thủy sản:

+ Nông nghiệp: 82,1%, giảm 1,1% so với năm 2009.

+ Lâm nghiệp : 0,6%, giảm 0,1% so với năm 2009.

+ Thủy sản : 17,3%, tăng 1,2% so với năm 2009.

* Cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp:

+ Trồng trọt: 69,7%, tăng 0,3% so với năm 2009.

+ Chăn nuôi: 26,3%, giảm 0,5% so với năm 2009 (do ảnh hưởng của bệnh tai xanh trên heo).

+ Dịch vụ : 4,0%, tăng 0,2% so với năm 2009.

* Cơ cấu trong nội bộ ngành trồng trọt:

+ Lúa : 42,6%, giảm 6,7% so với năm 2009.

+ Rau màu : 25,1%, tăng 5,8% so với năm 2009.

+ Cây lâu năm: 32,3%, tăng 0,9% so với năm 2009.

* Giá trị sản xuất bình quân/1 ha đất sản xuất nông nghiệp:

- Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 đơn vị diện tích năm 2010 ước đạt 92 triệu đồng, tăng 6,8% so với năm 2009.



* Diện tích chuyển đổi:

- Diện tích cây màu xuống ruộng: 14.423 ha, chiếm 41,8% diện tích màu, tăng 3.083 ha so với năm 2009.

- Diện tích màu xen vườn: 1.700ha

- Diện tích cải tạo vườn tạp: 860 ha.

- Diện tích chuyển dịch từ lúa sang vườn cây lâu năm: 702 ha, diện tích vườn chuyển lúa: 3,5 ha (Đông Thành – BM, Long An – LH).

- Diện tích chuyển dịch từ chuyên sản xuất nông nghiệp sang thuỷ sản: 07 ha, tương đương năm 2009.

- Diện tích nuôi thủy sản xen lúa: 384 ha, tăng 184 ha ≈ 1,9 lần so với năm 2009.

- Phong trào chăn nuôi có bước phát triển, đàn gia cầm tăng 18,1% , đàn heo tăng 6,6%, đàn bò tăng 1,5% so với năm 2009.


4. Xuất khẩu nông sản:

Ước cả năm xuất khẩu được:

- Gạo 355.741 tấn, giảm 15,5% so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 144.014.600 USD, giảm 11,5% so với năm 2009.

- Nấm rơm và mặt hàng trái cây: 3.536 tấn, giảm 9,2% so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.357.500 USD, giảm 2,1% so với năm 2009.

- Thủy sản đông lạnh: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17.431.300 USD, tăng 56,27% so với năm 2009.

B. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN:

I. CHƯƠNG TRÌNH GIỐNG NÔNG NGHIỆP 2010:

Triển khai thực hiện 06 dự án (chuyển tiếp từ năm 2009) với tổng vốn đầu tư 2.403 triệu đồng, đến tháng 11 đã giải ngân được 1.638,95 triệu đồng, đạt 68,2% so kế hoạch được duyệt. Trong đó:

- DA Lúa chất lượng cao: thực hiện đạt 100% KH, giải ngân 530 triệu đồng (đạt 94,4% KH).

- DA Nâng cao chất lượng đàn heo: thực hiện ước đạt 30,6% KH, giải ngân 185,15 triệu đồng (đạt 32,5% KH).

- DA Hỗ trợ sản xuất giống cây ăn trái và quản lý đàn cá tra giống bố mẹ: thực hiện ước đạt 94,3% KH, giải ngân 378 triệu đồng (đạt 85,6% KH).

- DA Nâng cao chất lượng giống bò thịt: thực hiện ước đạt 93,3% KH, giải ngân 98,8 triệu đồng (đạt 39,1% KH).

- DA Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý giống nông nghiệp: thực hiện ước đạt 85% KH, giải ngân 200 triệu đồng (đạt 70% KH).

- DA phát triển cây ca cao: thực hiện ước đạt 85% KH, giải ngân 247 triệu đồng (đạt 85% KH).


II. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ:

1. Vốn thực hiện:

Trong năm, ngành ước thực hiện 216.684 triệu đồng, ước giải ngân 216.684 triệu đồng (trong tổng vốn được bố trí 247.898 triệu đồng do tỉnh quản lý), đạt 87,4% KH. Thực hiện:

 Quy hoạch: Thực hiện 05 DA quy hoạch các lĩnh vực thuộc ngành giá trị: 1.600 triệu đồng.

 Chuẩn bị đầu tư: thực hiện 15 dự án, giá trị 6.298 triệu đồng

 Đầu tư lĩnh vực thủy lợi:

- Đầu tư hơn 30 công trình thủy lợi phục vụ và bảo vệ sản xuất với tổng kinh phí đầu tư 185.726 triệu đồng. Bao gồm:

+ Đầu tư các công trình thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện 23.165 triệu đồng.

+ 11 dự án sự nghiệp thủy lợi và duy tu sửa chữa công trình thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện 5.535 triệu đồng.

+ 05 dự án kiên cố hoá kênh mương ở huyện Tam Bình, Bình Minh, Bình Tân và TP. Vĩnh Long với tổng kinh phí thực hiện 10.175 triệu đồng.

+ 06 đê bao cụm tuyến dân cư vượt lũ (bảo vệ dân cư và vườn cây ăn trái) với tổng kinh phí thực hiện 18.514 triệu đồng.

+ 03 hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm cá xen lúa ở 03 huyện Mang Thít, Bình Tân và Vũng Liêm với tổng kinh phí thực hiện 7.500 triệu đồng.

+ Đầu tư công trình chống sạt lở bờ sông kết hợp chỉnh trang đô thị: dự án kè sông Cổ Chiên TP Vĩnh Long với tổng kinh phí đầu tư 120.837 triệu đồng.

 Đầu tư giống nông nghiệp:

Trại giống vật nuôi nông nghiệp : 2.500 triệu đồng:

 Đầu tư phát triển nông thôn:

- Xây dựng mới 01 hệ thống cấp nước tập trung và nâng cấp, mở rộng 17 hệ thống cấp nước tập trung cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 17.360 triệu đồng.

- Điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá và công tác sự nghiệp về nước sạch & VSMTNT với tổng kinh phí đầu tư 1.640 triệu đồng.

- Dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 800 triệu đồng.

 Đầu tư các dự án về an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm với tổng kinh phí đầu tư 240 triệu đồng.

- DA đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn MT & ATTP đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng với tổng kinh phí đầu tư 460 triệu đồng.

 Đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã:

- Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý , Tập huấn nghiệp vụ kế toán và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản cho các HTX với tổng kinh phí đầu tư 60 triệu đồng.
2. Hiệu quả đầu tư:

- Ước diện tích khép kín chủ động tưới tiêu trong năm 2010 là 2.000 ha, nâng tổng số diện tích: 100.000 ha, chiếm 84,3% diện tích đất nông nghiệp, trong đó: diện tích khép kín cây hàng năm: 68.637 ha (chiếm 94,92% tổng diện tích cây hàng năm), diện tích khép kín cây lâu năm 29.363 ha (chiếm 68,1% tổng diện tích cây lâu năm).

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 88%, trong đó hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 09/2005/QĐ-BYT ước đạt 55%.

III. CHUYỂN GIAO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:
1. Khuyến nông, khuyến ngư:

- Thực hiện 229 cuộc tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với hơn 7.500 lượt người tham dự.

- Xây dựng mô hình: 54 điểm nuôi cá mương vườn, ao vèo; 01 điểm nuôi rắn ri voi, 5 điểm luân canh 1 lúa – 1 tôm; 12 điểm nuôi lươn hộ gia đình; 07 điểm (5.058 cây) trồng hoa phong lan.

- Thực hiện dự án: 20,6 ha nhân giống đậu tương; 102 ha lúa chất lượng cao theo 3 giảm-3 tăng; nuôi 8.650 con vịt an toàn sinh học; gieo tinh nhân tạo 1.119 con bò; nâng cao chất lượng đàn heo 98 con; 56 con heo sinh sản hướng nạc; 125 công trình khí sinh học.



2/ Bảo vệ thực vật:

Thực hiện 100 cuộc tập huấn với hơn 2.700 lượt người tham dự; hơn 500 cuộc hội thảo nông dược với hơn 28.000 lượt người tham dự. Triển khai 13 mô hình “Cộng đồng sản xuất lúa theo hướng bền vững”; 01 mô hình liên kết 4 nhà; 02 mô hình quản lý sâu hại trên lúa bằng chế phẩm sinh học “Nấm xanh”. Qua các mô hình được người dân đánh giá tốt và hưởng ứng nhân rộng.



3/ Thủy sản:

Tổ chức 21 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và cách phòng trị bệnh thủy sản với 660 lượt người tham dự; 01 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận về kỹ thuật thu mẩu và kiểm định giống thủy sản cho 28 lượt cán bộ chuyên trách thủy sản và các cơ sở SX giống thủy sản.



4/ Xã hội hoá công tác giống:

Toàn tỉnh có 150 cơ sở sản xuất giống lúa, 47 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây ăn trái, 210 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống rau màu, 475 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản, 80 hộ nuôi heo đực giống, 175 hộ nuôi bò đực giống. Năng lực sản xuất chung đảm bảo trên 80% nhu cầu giống lúa, 100% nhu cầu giống cho cây ăn trái, 100% nhu cầu rau màu, giống cá tra đạt 62,5%, thuỷ sản khác đạt 100% nhu cầu, 80% nhu cầu giống heo và 100% nhu cầu giống bò...



C. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC:

1. Công tác tổ chức và cải cách hành chính:

1.1/ Tổ chức:

- Thành lập mới Chi cục kiểm lâm.

- Bổ nhiệm mới 10 cán bộ công chức, bổ nhiệm lại 07 cán bộ công chức, điều động bổ nhiệm 10 cán bộ công chức, điều động công tác 08 công chức. Tuyển dụng mới 17 cán bộ công chức. Cử đi đào tạo 155 lượt người.

1.2/ Cải cách hành chính:

Ngành đã sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ có năng lực làm việc ở bộ phận “một cửa”; rà soát lại các thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước. Toàn ngành đã cấp 217 chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y, BVTV, thủy sản; 80 chứng nhận đủ ĐKKD thuốc thú y, thủy sản; 146 chứng nhận đăng ký tàu cá, bè cá; 70 giấy phép hành nghề nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã.



2. Công tác thanh tra chuyên ngành:

- Thực hiện 21 cuộc thanh kiểm tra, kiểm tra được 5.233 cơ sở. Kết quả có 200 vụ vi phạm, chiếm tỉ lệ 3,8%, giảm 0,37% so với năm 2009. Đã xử lý nhắc nhở 90 vụ, cảnh cáo 09 vụ, phạt tiền 101 vụ (thu phạt: 35,6 triệu đồng).

- Tiếp dân: 02 lượt. Nhận 06 đơn, thư khiếu nại; đã giải quyết theo thẩm quyền .

3. Phòng chống thiên tai:

- Triển khai thực hiện phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, chú trọng thực hiện phương châm 4 tại chỗ; củng cố kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, huyện; kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa lũ.

- Tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp. Từ cuối tháng 3/2010 nắng nóng xảy ra trên diện rộng nên có 468 ha lúa Hè Thu ở xã Ngãi Tứ huyện Tam Bình, xã Trung An huyện Vũng Liêm bị hạn nhẹ, người dân đã bơm tưới kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.

- Triều cường ngày 30/8 âm lịch vừa qua đã làm cho 420,5 ha màu ở huyện Bình Tân bị ngập; trong đó có 17,5 ha khoai lang bị thiệt hại, ước thiệt hại 140 triệu đồng.

- Có xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông các huyện trong tỉnh, địa phương đã có biện pháp khắc phục, xử lý.

- Thực hiện công tác cảnh báo, cung cấp thông tin phục vụ sản xuất, dân sinh…. Tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão ở huyện. Hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa (25 căn nhà bị sập, 37 căn nhà bị tốc mái do gió lốc) với số tiền là 115 triệu đồng.



4. Quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm:

- Thanh tra chuyên ngành thu 42 mẫu (thức ăn chăn nuôi, thủy sản và phân bón) của các cơ sở để gởi đi phân tích chất lượng. Đã có kết quả 28 mẫu, trong đó: đạt 21 mẫu (chiếm tỉ lệ 75%, tăng 04% so năm 2009); không đạt chất lượng 07 mẫu (chiếm tỉ lệ 25%, giảm 4% so với năm 2009).

- Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thu 225 mẫu (cá; thịt gia súc, gia cầm; rau) để kiểm tra dư lượng các chất độc hại; đã có kết quả 188 mẫu, trong đó: đạt 185 mẫu (chiếm tỉ lệ 98,4%), không đạt 03 mẫu (chiếm tỉ lệ 1,6%).

D. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN:

- Cung cấp hơn 4 triệu m3 nước sạch cho dân nông thôn (đạt 100% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2009), lắp đặt thêm hơn 4.000 đồng hồ cho hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch (đạt 100% kế hoạch). Trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả điều tra Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá Nước sạch & VSMTNT tỉnh Vĩnh Long năm 2010.

- Thực hiện dự án khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề năm 2010. Nội dung: đầu tư 56 máy nông nghiệp các loại, 39 bò cái lai Sind, 25 máy xay bột, 04 bộ thiết bị sấy lục bình, 1.400 kg lúa giống nguyên chủng, 1.500 cây giống (nhãn, chôm chôm) và meo giống nấm rơm (cho 11.000 m mô); thực hiện mô hình sản xuất lúa giống tại xã Tân Long, mô hình trôồg nấm rơm tại xã Hoà Bình, mô hình cây ăn trái tại xã Bình Hoà Phước.

E. KINH TẾ TẬP THỂ, KINH TẾ TRANG TRẠI:
1. Kinh tế tập thể, kinh tế trang trại:

Toàn tỉnh hiện có:

+ 35 HTX nông nghiệp (trồng trọt: 15, chăn nuôi: 04, thủy sản: 07, tổng hợp: 05, dịch vụ: 04). Nhìn chung các HTX còn lúng túng trong quản lý, điều hành, tỉ lệ HTX làm ăn có lãi chưa đạt so yêu cầu đặt ra. Do đó, ngành đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp phát triển HTX nông nghiệp bền vững; xây dựng kế hoạch bồi duỡng kinh tế tập thể theo Quyết định 317/QĐ-TTg; tập huấn chính sách thuế trong HTX nông nghiệp; tập huấn về trình tự, thủ tục xây dựng thương hiệu nông sản cho HTX nông nghiệp.

+ 2.106 tổ hợp tác (trồng trọt: 1.855, chăn nuôi: 21, thủy sản: 18, dịch vụ: 212) với hoạt động còn giản đơn. Ngành đã tăng cường tập huấn Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác và Thông tư 04/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho tổ trưởng các tổ hợp tác.

+ 529 trang trại (trồng cây hàng năm: 159, trồng cây lâu năm: 94, chăn nuôi: 106, thủy sản: 153, tổng hợp: 15). Trong đó: được cấp giấy chứng nhận 114 trang trại, chiếm tỷ lệ 21,6% (trồng cây hàng năm: 16, trồng cây lâu năm: 29, chăn nuôi: 50, thủy sản: 04, tổng hợp: 15). Ngành đang dự thảo tiêu chí, trình tự thủ tục, thời gian cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

F. CHƯƠNG TRÌNH NÔNG NGHIỆP - NÔNG DÂN - NÔNG THÔN:
1. Các chương trình, đề án thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT:
- Triển khai thực hiện dự án Sản xuất rau an toàn và dự án cải tạo, thâm canh nâng cao chất lượng bưởi năm roi với tổng kinh phí 279 triệu đồng (dự án năm 2010).

- Hoàn thành 03 đề án:

+ Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững giai đoạn 2011-2015

+ Phát triển trồng trọt bền vững giai đoạn 2011-2015

+ Phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2011-2015

dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 11/2010.

- Đã có quyết định phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng và thực hiện cá tra giống theo tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt toàn cầu (300 triệu đồng). Đang thẩm định dự án Chuyển giao công nghệ sản xuất giống các tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL.

- Thực hiện các dự án quy hoạch nông nghiệp, thủy sản, phát triển ngành nghề nông thôn, nước sạch & VSMTNT và xây dựng thủy lợi.

- Đã xây dựng danh mục 06 dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện trong năm 2011 với tổng kinh phí 2.100 triệu đồng.

- Triển khai kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ xã điểm của tỉnh (Trung Hiếu và Thành Đông).


2. Tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện đề án xã nông thôn mới:

- Tỉnh đã chọn 2 xã: Trung Hiếu huyện Vũng Liêm và Thành Đông huyện Bình Tân làm 2 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Kết quả thực hiện:



* Xã Trung Hiếu: đã đầu tư 9,985 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hổ trợ để xây dựng 4 công trình và đầu tư 7,671 tỷ đồng từ nguồn vốn lồng ghép để xây dựng 9 công trình khác. Đến cuối năm 2010 xã Trung Hiếu đã đạt 10/19 tiêu chí (tiêu chí 3, 4, 7, 8, 11, 13, 15, 16, 18 và 19 là thủy lợi, điện, chợ, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, tỷ lệ ấp đạt văn hóa, tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh và an ninh). Còn lại 9/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có 2 tiêu chí gần đạt (tiêu chí 1, 17 là quy hoạch, môi trường) và 7 tiêu chí cần phấn đấu mới đạt (tiêu chí 2, 5, 6, 9, 10, 12, 14 là giao thông, trường học đạt chuẩn, nhà văn hóa-khu thể thao, nhà ở, thu nhập, tỷ lệ lao động nông nghiệp và giáo dục).

* Xã Thành Đông: đã đầu tư 9,894 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hổ trợ để xây dựng 09 công trình và mua đất chuẩn bị xây dựng 4 công trình khác. Phần vốn lồng ghép đầu tư tại xã chưa thống kê đầy đủ. Đến cuối năm 2010 xã Thành đông đã đạt 6/19 tiêu chí (tiêu chí 3, 4, 8, 11, 13, 19 là thủy lợi, điện, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, và an ninh). Còn lại 13/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có 6 tiêu chí gần đạt (tiêu chí 1, 5, 7, 9, 15, 16 là quy hoạch, trường học đạt chuẩn, chợ nông thôn, nhà ở, y tế, tỷ lệ ấp đạt văn hóa) và 7 tiêu chí cần phấn đấu mới đạt (tiêu chí 2, 6, 10, 12, 14, 17, 18 là giao thông, nhà văn hóa-khu thể thao, thu nhập, tỷ lệ lao động nông nghiệp, giáo dục, môi trường và hệ thống chính trị vững mạnh).

- Mỗi huyện còn lại của tỉnh cũng chọn 02 đến 04 xã điểm hoặc diện thực hiện xã nông thôn mới đến 2015. Kết quả toàn tỉnh có 22 xã đăng ký đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới đến 2015. Cụ thể : Bình Minh : 02, Bình Tân : 03, Mang Thít : 03, Vũng Liêm : 04, Long Hồ : 03, Trà Ôn : 03, Tam Bình : 04.

- Ban Chỉ đạo đã có văn bản số 11/BCĐ.NNNDNT ngày 14/10/2010 về xây dựng kế hoạch hỗ trợ xã điểm, diện thực hiện xã nông thôn mới. Theo đó chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã điểm đã đăng ký.
G. XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN:
- Trong năm ngành tham gia 04 đợt hội chợ, triển lãm: Hội chợ kinh tế nông nghiệp & ĐBSCL năm 2010 (Vĩnh Long), Festival Thủy sản (Cần Thơ), Hội chợ Agroviet 2010 (Hà Nội), Tuần lễ Đồng Bằng sông Cửu Long (TP.HCM). Ngoài ra, ngành còn tham gia tổ chức trưng bày, triển lãm chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IX.

- Tham gia tổ chức hội thi Trái ngon an toàn; bình xét địa chỉ xanh, địa chỉ vàng giống lúa và cây ăn quả chất lượng cao 2010 và nhiều cuộc hội thảo về nông nghiệp-nông thôn khác. Tuyển chọn nông dân tham dự lễ hội tôn vinh nông dân điển hình tiên tiến sáng tạo tại Hội chợ Bông lúa vàng.

- Hỗ trợ 21 lượt thông tin về hội chợ triển lãm trong và ngoài nước cho trên 100 lượt doanh nghiệp. Đưa hơn 500 thông tin về xúc tiến thương mại đến các cơ sở SXKD, công ty, doanh nghiệp trong tỉnh.

- Phối hợp Công ty Cagrill và Công ty Hùng Vương về việc thông tin tình hình giá cá tra và ca cao hàng ngày trên đài Phát thanh truyền hình.

- Phát hành 6.500 bản tin nông nghiệp nông thôn (12 số) và 10.700 bản tin khuyến nông thị trường (38 số).
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

- Năm 2010 ngành Nông Nghiệp & PTNT vẫn còn chịu rất nhiều khó khăn thách thức: dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thời tiết bất lợi cho sản xuất, giá cá tra trong những tháng đầu năm sụt giảm,....Được sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Nông Nghiệp & PTNT đã góp phần đưa nền kinh tế tình nhà tiếp tục phát triển, thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Ước Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 100% kế hoạch năm, tốc độ tăng so với năm 2009 là 5,64%, xấp xỉ với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh Ủy (5,7%), các lĩnh vực trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm và thủy sản đều có tốc độ tăng khá.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 5,64%, trong khi bình quân cả nước có tốc độ tăng từ 3,5-4%/năm, ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển chiều sâu như:

+ Đối với cây lúa tuy diện tích lúa giảm so với năm 2009 gần 7.000 ha, nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và chất lượng lúa được nâng lên, năng suất lúa bình quân cả năm đạt trên 5,4 tấn/ha, tăng 4,7% so với năm trước, là năm có năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay.

+ Đối với ngành chăn nuôi: trước tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp như hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh đang thay thế dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ qua hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại do nuôi tập trung mới có khả năng cạnh tranh cao cũng như ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, tiêm phòng,...

+ Đối với thủy sản: tình hình giá cá tra sụt giảm liên tục trong năm, ngành đã tuyên truyền tập huấn cho người sản xuất nên đa dạng hóa đối tượng nuôi, thực hiện GAP trong nuôi trồng thủy sản.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp tiếp tục phát triển đúng hướng. Cơ cấu Nông, lâm, ngư nghiệp: Ngành nông nghiệp giảm 1,1%, ngành thủy sản tăng 1,2%. Ngành thủy sản, nhất là nuôi cá tra thâm canh vẫn phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng trong hướng chuyển dịch cơ cấu của ngành. Các phương thức chăn nuôi trang trại phát triển, nên mặc dù trong năm có phát sinh dịch heo tai xanh, nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục phục hồi và phát triển với tốc độ khá.

Phong trào đưa cây màu xuống ruộng phát triển khá (trên 14.400 ha), tăng 7% so với năm trước, Sản xuất rau màu tiếp tục phát triển và có xu thế tăng trưởng khá trên cả diện tích chuyên canh và diện tích đưa cây màu xuống ruộng. Chương trình cải tạo vườn tạp, lập vườn mới và đầu tư thâm canh cây ăn quả tiếp tục phát triển.

* Về thực hiện các dự án đầu tư: các công trình được đầu tư đều đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu hàng năm của ngành, có định hướng phát triển thủy sản, rau màu, chủ động tưới, tiêu, bảo vệ vườn cây ăn trái và phục vụ sản xuất. Nhìn chung công trình được đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách tập trung hoàn thành theo đúng kế hoạch giao; nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi: thực hiện chậm so yêu cầu; các công trình thuộc chương trình MTQG ước thực hiện đạt 100% kế hoạch; nguồn vốn TW hỗ trợ có mục tiêu ước thực hiện cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2010.
* Tồn tại:
- Giá lúa, hàng nông sản thường không ổn định, người dân sản xuất không tự quyết định giá bán nông sản của mình; vụ Hè Thu thu hoạch gặp mưa, lúa ướt, không có kho chứa, thiếu máy sấy lúa; sản xuất nhưng không có hợp đồng tiêu thụ. Các doanh nghiệp phần lớn không đầu tư tạo vùng nguyên liệu ổn định, bao tiêu hàng hoá, làm cho sản xuất nông nghiệp không bền vững, các doanh nghiệp khi thấy giá bán có lợi mới mua cho nông dân, với xu hướng này thì người nông dân chịu tất cả mọi rủi ro phát sinh, không có sự chia sẻ của doanh nghiệp; cũng như khi doanh nghiệp được hưởng lợi không phân phối lại cho người nông dân.

- Trên lĩnh vực thủy sản: Giá cá tra thất thường, hiện tại tình hình thả nuôi cá tra trong dân vẫn trầm lắng mặc dù giá cá tra tăng khá, người nuôi ứng dụng kỷ thuật tốt sẽ có lãi, tuy nhiên đến nay, người nuôi cá tra chịu quá nhiều rủi ro nên đã không mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp. Diện tích thả nuôi mới tăng không đáng kể sẽ gây khó khăn cho việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào những tháng đầu năm sau, làm cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản chưa thật sự bền vững.

- Nguồn kinh phí do Ngân Sách cấp cho công tác khuyến nông các năm qua không tăng, tình hình vật tư nông nghiệp biến động tăng liên tục, công tác phí cho cán bộ kỷ thuật tăng, do đó ảnh hưởng rất nhiều gây hạn chế cho việc xây dựng các mô hình tập huấn cho nông dân về kiến thức cũng như ứng dụng khoa học kỷ thuật vào trong sản xuất.

- Kinh tế tập thể phát triển chậm so với nhu cầu, chất lượng hoạt động kém, chưa đáp ứng yêu cầu của các xã viên. Phần lớn HTX chưa đảm trách nổi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa nông sản. Trong điều kiện ruộng đất còn manh mún, HTX hoạt động yếu kém, hiệu quả thấp; nếu không có tích tụ ruộng đất sẽ làm cho người có vốn lại không có đất với qui mô lớn để tạo sản lượng hàng hóa tập trung; người có sức lao động lại thiếu vốn với diện tích đất sản xuất nhỏ, thu nhập không đủ tái sản xuất; từ đó việc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp rất khó thực hiện.

- Tình hình dịch bệnh phát sinh gây hại cây trồng vật nuôi còn diễn biến phức tạp và phòng chống khó khăn do xuống giống không đồng loạt giữa các tỉnh và giữa các vùng trong tỉnh. Một số bệnh chưa có biện pháp phòng trị hữu hiệu, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân như: bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, bệnh chổi rồng trên cây nhãn, chết nhánh trên cây chanh, cây nhãn.

- Các năm gần đây tỷ lệ tiêm phòng không đạt yêu cầu, một phần do địa bàn chăn nuôi quá rộng (do nuôi phân tán, nhỏ lẻ), chi phí hỗ trợ cho cộng tác viên đi tiêm phòng thấp, không khuyến khích, một phần do ý thức của người dân trong công tác tiêm phòng chưa cao. Nguy cơ bùng phát dịch còn cao, do người dân chưa ý thức được lợi ích của công tác tiêm phòng đàn vật nuôi, có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ tiêm phòng của Nhà nước.

- Công tác xây dựng cơ bản:

+ Các công trình triển khai thực hiện phần lớn đều gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

+ Hàng năm nguồn vốn bố trí thực hiện đầu tư mới, nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước đều rất hạn chế, không đảm bảo nhu cầu và chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh.

+ Nguồn vốn bố trí thực hiện dự án Hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung thiếu so nhu cầu (bố trí 100 triệu đồng, ước thực hiện 2.000 triệu đồng).

+ Nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí Sở Tài chính cấp cho huyện còn gặp nhiều khó khăn về đảm bảo mục tiêu đầu tư và thanh quyết toán vốn với Trung Ương.

PHẦN THỨ HAI: KẾ HOẠCH NĂM 2011



A. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NĂM 2011:

- Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông lâm thủy sản cao hơn năm 2010 và cao hơn chỉ tiêu do Nghị quyết đề ra.

- Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản.

- Phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


B. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

1. Tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản (giá CĐ 94): 6.451.120 triệu đồng, tăng 5% so năm 2010. Trong đó:

- Giá trị sản xuất nông nghiệp: 5.612.920 triệu đồng, tăng 4,7% so năm 2010.

- Giá trị sản xuất lâm nghiệp: 35.000 triệu đồng, tăng 2,5% so năm 2010.

- Giá trị sản xuất thuỷ sản: 803.200 triệu đồng, tăng 7,5% so năm 2010.


2. Chỉ tiêu sản xuất:

- Lúa cả năm: + Diện tích : 164.000 ha.

+ Sản lượng: 894.000 tấn.

- Diện tích màu cả năm : 35.800 ha.

- Sản lượng màu cả năm: 702.600 tấn

- Diện tích cây lâu năm : 47.500 ha.

- Sản lượng cây lâu năm: 550.000 tấn

- Tổng đàn heo : 360.000 con.

- Tổng đàn bò : 69.000 con.

- Tổng đàn gia cầm : 5.000 ngàn con.

- Sản lượng thủy sản : 146.050 tấn (Trong đó sản lượng nuôi trồng: 138.400 tấn).

- Lồng, bè nuôi thủy sản: 470 chiếc



3. Chỉ tiêu đầu tư phát triển:

- Diện tích khép kín chủ động tưới tiêu 1.000 ha, nâng tổng số diện tích lên 101.000 ha, chiếm 86,9% diện tích đất nông nghiệp, trong đó: diện tích khép kín cây hàng năm: 68.000 ha (chiếm 95% tổng diện tích cây hàng năm), diện tích khép kín cây lâu năm 33.000 (chiếm 75,37% tổng diện tích cây lâu năm).

- Tổng số 60% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo số liệu điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch & VSMTNT đến ngày 01/10/2010 tỉ lệ này đạt 54,37%), trong đó có 32% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y Tế (theo số liệu điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch & VSMTNT đến ngày 01/10/2010 tỉ lệ này đạt 28,43%).
C. THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM:
2.1/ Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa có số lượng lớn và chất lượng đồng đều :

Phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trong năm là 5%. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng hàng hoá, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng yếu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thủy sản, chăn nuôi và cây ăn trái để nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác. Xây dựng vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, cá tra tiêu chuẩn VietGAP, globalGAP gắn với thương hiệu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng hiệu quả cho người nông dân. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư, liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông thôn.

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tiếp tục thâm canh sản xuất lúa chất lượng cao. Đảm bảo sử dụng trên 80% giống lúa xác nhận, các giống lúa kháng rầy chất lượng cao. Tiếp tục xây dựng lịch thời vụ theo phương pháp né rầy; phát triển vùng sản xuất lúa thơm đặc sản của huyện Trà Ôn.

Phát triển mở rộng quy mô sản xuất màu luân canh trên ruộng lúa và rau an toàn, đặc biệt các loại rau có giá trị kinh tế cao như: xà lách son, bắp, đậu các loại. Xây dựng vùng chuyên canh khoai lang, đậu nành, bắp để đa dạng hoá nông sản với hệ thống canh tác khoa học.

Phát triển thâm canh vườn cây lâu năm, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đầu tư thâm canh phát triển bưởi Năm roi, cam sành, chôm chôm, tiếp tục phát triển các chủng loại cây ăn trái khác: nhãn, xoài, dừa,...

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi tập trung được bao tiêu sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung để có điều kiện kiểm soát, đăng ký và tiêm phòng đầy đủ. Phát triển đàn bò về số lượng và chất lượng, phải dành quỹ đất hợp lý để trồng cỏ.

Phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh cá tra và đa dạng hoá các thủy đặc sản khác như: cá Điêu hồng, thác lác, ếch,.. Phát triển hợp lý diện tích nuôi cá tra ao công nghiệp theo hướng cân đối môi trường nước cho ao nuôi và nước sinh hoạt của dân. Tăng diên tích nuôi cá trên ruộng lúa ở những nơi có điều kiện, đặc biệt trong vụ Thu Đông (lúa vụ 3). Nhân rộng phương pháp nuôi theo hướng GAP. Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát giống thuỷ sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nguồn giống nhập về tỉnh.


2.2/ Giải quyết đầu ra cho nông sản:
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung qua hình thức đẩy mạnh đầu tư phát triển các HTX sản xuất nông sản với số lượng lớn và chất lượng cao thông qua hợp đồng với nông dân; khuyến khích những hộ dân có đất nhưng thiếu vốn, thiếu sức lao động cho các doanh nghiệp thuê sản xuất nông sản.

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa trên cơ sở liên kết 4 nhà và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành, tăng chất lượng để chủ động cạnh tranh. Đẩy mạnh sản xuất và cung ứng giống xác nhận, sản xuất ổn định từ 1 đến 2 giống lúa có các đặc tính tương đồng, đảm bảo chất lượng gạo ổn định, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt nam.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường đối với sản phẩm chủ lực như: lúa, cá tra, bưởi 5 Roi, cam sành, rau an toàn, sản phẩm từ cây lác, lục bình,…, để có điều kiện nghiên cứu, quyết định sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chính sách hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Thực hiện liên kết vùng, liên kết 4 nhà, kết hợp với các nhà khoa học để ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao độ đồng đều về năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ đó nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá nông sản, tạo điều kiện phân phối lại thu nhập hợp lý hơn giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi, người sản xuất sẽ không còn bị ép giá khi trúng mùa.



2.3/ Tập trung đầu tư chương trình giống nông nghiệp:

Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, nhất là công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, từng bước tạo tập đoàn giống nông nghiệp, thủy sản ngày càng đa dạng, phong phú và có nhiều đặc tính sinh học, kinh tế vượt trội so với các giống hiện có.

Tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hoá công tác giống nông nghiệp và thủy sản theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước qui định. Đảm bảo 80% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận, đáp ứng 100% nhu cầu giống cây ăn trái, 100% nhu cầu giống rau màu, 100% nhu cầu giống thủy sản.

Hợp tác với các trung tâm nghiên cứu ứng dụng có chọn lọc một số giống công nghệ sinh học, trước mắt là giống bắp, đậu nành đưa vào sản xuất làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Phát triển những giống cây ăn quả có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng cao cấp để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu các giống cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời vụ thay đổi.

Tăng cường công tác quản lý Nhà Nước đối với các giống cây trồng, vật nuôi về chất lượng và dịch bệnh, bảo đảm có giống tốt phục vụ sản xuất.

2.4/ Ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu:

Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi phù hợp với quy hoạch vùng trong tình hình biến đổi khí hậu. Gia cố đê bao, tu sửa bờ vùng, cống bọng; đắp bổ sung đập thời vụ để bảo vệ sản xuất khi có diễn biến xâm nhập mặn.

Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn trong tỉnh. Hướng dẫn các địa phương tổ chức công tác diễn tập phòng chống lụt bão và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Tham mưu cho Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh triển khai, giải quyết các tình huống khi có lũ bão xảy ra.
2.5/ Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phòng dịch bệnh:
Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường kỹ thuật sản xuất cho nông dân để gia tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hoá.

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch vào công đoạn sơ chế, bảo quản, chế biến. Nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến lương thực, thực phẩm và nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường năng lực quản lý về môi trường, đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

2.6/ Đào tạo nguồn nhân lực:

Tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho nông dân. Tập trung đào tạo kỹ năng về sản xuất, quản lý và thị trường cho các hộ sản xuất kinh doanh có qui mô lớn, trang trại.

Đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn để lực lượng này có thể tìm được việc làm thích hợp tại các khu công nghiệp, dịch vụ.

2.7/ Thực hiện đề án nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch nông thôn, cộng đồng dân cư gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững môi trường, xã hội.

Xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí xã nông thôn mới. Riêng đối với ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu cho sản xuất nông nghiệp-thủy sản, kết hợp với giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm cho dân cư nông thôn.



2.8/ Chương trình nước sạch nông thôn:

Tiếp tục đầu tư, chuyển dần những công trình cấp nước đơn lẻ (giếng khoan tay, bể lọc cát chậm, giếng thấm gia đình) thành các công trình cấp nước tập trung với khả năng xử lý nước đạt tiêu chuẩn, phục vụ có hiệu quả các cụm, tuyến dân cư từ 300-500 hộ.

Trong năm 2011 đầu tư thi công mới 10 hệ cấp nước tập trung, mở rộng tuyến ống nước của 08 trạm cấp nước chưa khai thác hết công suất, phấn đấu đến năm 2011 đạt tỷ lệ 30% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y Tế.

2.9/ Tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng:

Đầu tư xây dựng phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu: thực hiện xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, kè chống sạt lở bở sông, các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các dự án phát triển hạ tầng phục vụ nuôi thuỷ sản tập trung, vùng chuyên màu và cây ăn trái.



2.10/ Tăng cường quản lý Nhà Nước ngành nông nghiệp:

- Tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế “một cửa”. Giải quyết nhanh, chính xác các yêu cầu của công dân. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh và chất lượng hàng hoá lĩnh vực nông nghiệp thủy sản; về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã. Đồng thời phối hợp kiểm tra liên ngành chống hàng gian hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

D. ĐỀ NGHỊ:

- Đề nghị Tỉnh có chính sách khuyến khích tiêm phòng các bệnh LMLM, tai xanh, cúm gia cầm để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Có chủ trương hỗ trợ nông dân có vật nuôi bị tiêu hủy khi phát sinh các bệnh LMLM, tai xanh, cúm gia cầm xảy ra lẻ tẻ chưa đến mức phải công bố dịch. Tăng cường đầu tư vật chất, trang thiết bị cho ngành trong công tác quản lý giống vật nuôi và phòng chống dịch bệnh.

- Đề nghị Tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải để bảo vệ môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.

- Đề nghị tỉnh tăng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung cho địa bàn nông thôn, bình quân từ 50-60 tỷ đồng/năm (sẽ tăng thêm # 6%/năm hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh qua TCN tập trung), để đến năm 2015 có khả năng đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ 60% qua TCN tập trung.

- Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh để ứng dụng tiến bộ KHKT.

- Tăng kinh phí Ngân sách tỉnh cấp hàng năm cho hoạt động khuyến nông, để nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn thực hiện chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong năm 2010.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT chuyển đổi và nâng cấp các tiêu chuẩn ngành sang tiêu chuẩn Việt Nam và các qui chuẩn mới về quản lý giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuoi trồng thủy sản.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT có những chương trình, dự án cụ thể để triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra của Chính Phủ đã phê duyệt.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT hoàn thiện hệ thống tổ chức thanh tra ngành nông nghiệp, thủy sản từ Trung Ương đến địa phương.




Nơi nhận: GIÁM ĐỐC

- Bộ Nông Nghiệp & PTNT;

- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;

- Đ/c Trương văn Sáu - PCT.UBT(để b/c);

- Các cục, vụ, Ban thuộc Bộ;

- Sở KH-ĐT, Sở TC;

- Ban Giám Đốc Sở;

- Lưu: VT(VP), KHTH.







tải về 156.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương