PHÁt triển mạng lưỚi cụm liên kết ngành ở việt nam ts. Võ Trí Thành & các cộng sự Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương



tải về 248.72 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu28.04.2018
Kích248.72 Kb.
#37541
  1   2
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CỤM LIÊN KẾT NGÀNH Ở VIỆT NAM

TS. Võ Trí Thành & các cộng sự

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế tri thức do năng lực cạnh tranh còn rất yếu kém, trong khi đó, các lợi thế so sánh - nhân tố chủ yếu của tăng trưởng trong những năm qua - đang dần cạn kiệt. Một “cứu cánh” cho Việt Nam là xây dựng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển cụm liên kết ngành. Tuy vậy, điều này chỉ thành công khi Việt Nam xây dựng được một chiến lược phát triển cụm liên kết ngành hữu hiệu, đổi mới hoàn thiện chính sách công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt vượt qua các rào cản thể chế.



1. Lời mở đầu

Trong ¼ thế kỷ qua, công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thành tựu về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua chủ yếu nhờ sự tăng trưởng theo chiều rộng, nghĩa là tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá nhân công rẻ và sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thô, hàng sơ chế có giá trị gia tăng rất thấp.

Trong thời gian tới, sự tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ bị đe dọa bởi năng lực cạnh tranh còn rất yếu kém và hầu như không được cải thiện trong những năm gần đây. Trong khi đó, lợi thế so sánh của đất nước đang dần cạn kiệt và “dư địa” tăng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều, nếu tiếp tục tăng có thể kéo theo nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô khó lường.

Để tăng năng lực cạnh tranh, giảm thiểu các bất ổn vĩ mô, một đường hướng chính sách quan trọng trên thế giới trong thời gian gần đây là xây dựng và phát triển hữu hiệu hệ thống cụm liên kết ngành (CLKN, hoặc nói ngắn gọn là cụm ngành) (industrial cluster) và gắn kết nó với công nghiệp hỗ trợ một cách chặt chẽ. Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, việc phát triển CLKN gắn liền với công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam càng trở nên bức thiết và có ý nghĩa chiến lược trong dài hạn.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc phát triển CLKN tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh (thông qua việc giảm giá thành sản xuất, chia sẻ thông tin và các nguồn lực khác), đổi mới (công nghệ, quản lý,…), phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Chính vì vậy, đến nay, trên thế giới có tới hơn 2.500 sáng kiến phát triển CLKN tại 75 nước thuộc tất cả trình độ phát triển khác nhau.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã có những đóng góp ban đầu cho công cuộc công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhầm lẫn giữa vai trò và bản chất của CCN và CLKN, với nhận thức chưa đầy đủ về vai trò rất quan trọng của các CLKN; chính vì vậy, khung pháp lý và chính sách về xây dựng và phát triển CCN chỉ mới được ban hành gần đây còn khung pháp lý về CLKN hầu như là chưa có.

Mục tiêu chủ yếu của tham luận này là đề xuất một số giải pháp chính sách cơ bản phù hợp với điều kiện Việt Nam để phát triển có hiệu quả các CLKN ở Việt Nam, thúc đẩy gắn kết chúng với sự phát triển của CCN và CNHT, qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới và dịch chuyển lên trên thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài phần Lời mở đầu, Tài liệu tham khảo, tham luận bao gồm 3 phần. Phần đầu tóm lược một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng chính sách phát triển CLKN trên thế giới. Phần kế tiếp đánh giá thực trạng phát triển và nguyên nhân của bất cập, yếu kém trong phát triển CCN, CLKN và CNHT ở Việt Nam. Phần cuối phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước trong thời gian tới, đưa ra các quan điểm, định hướng chính phát triển CLKN ở Việt Nam; đồng thời, đề xuất một số giải pháp chính sách cơ bản để hình thành và phát triển một mạng lưới CLKN hữu hiệu trong thời gian tới.



2. Một số lý luận cơ bản

Trên thế giới có nhiều định nghĩa về CLKN. Trong đó, định nghĩa chuẩn xác, đầy đủ nhất, được biết đến nhiều nhất là của Giáo sư Michael Porter, theo đó, CLKN là “nơi tập trung về địa lý (quần tụ) của các công ty có liên kết với nhau, các nhà cung cấp được chuyên môn hóa, các nhà cung cấp dịch vụ, công ty trong các ngành có liên quan, và các tổ chức liên quan (như trường đại học, các cơ quan tiêu chuẩn và hiệp hội ngành hàng) cùng cạnh tranh nhưng cũng cùng hợp tác” (Porter, 1998).

Theo Markusen (1996), có thể phân các CLKN thành 4 mô hình như sau: (1) mô hình Marshall (trong cụm chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoạt động); (2) mô hình trục bánh xe - nan hoa (trong cụm có doanh nghiệp lớn có trụ sở ở địa phương là đầu đàn); (3) theo mô hình vệ tinh (trong cụm chỉ có văn phòng chi nhánh của doanh nghiệp có trụ sở lớn ở địa phương); (4) mô hình do chính phủ dẫn dắt (CLKN hoạt động mang tính phi lợi nhuận hoặc mang tính hàng hóa công với quy mô lớn và các hãng cung ứng, công ty dịch vụ có liên quan).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phát triển CLKN là một đường hướng chính sách quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới (công nghệ, quản lý…), phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội khác. Hiện trên thế giới có 75 nước đang có các chương trình phát triển CLKN, với 2.500 sáng kiến phát triển cụm. Đáng lưu ý là tất cả các nhóm nước đều quan tâm phát triển CLKN, từ các nước OECD đến các nước đang phát triển, chuyển đổi và kém phát triển (ví dụ: Ethiopia). Đầu tiên, các sáng kiến cụm ngành được áp dụng ở những nền kinh tế phát triển, nhưng đặc biệt trong 15 năm gần đây, hàng trăm sáng kiến cụm ngành cũng đã được các tổ chức quốc tế hỗ trợ tổ chức thực hiện ở các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển.

Thực tiễn phát triển các CLKN trên thế giới cho thấy, chính sách công (sự can thiệp của chính phủ) có thể tác động tới định hướng của sự phát triển nhưng không thể tạo ra các CLKN trên tất các giai đoạn phát triển của chúng; CLKN thường hình thành và phát triển tự phát, là kết quả của các lực lượng thị trường cùng các nhân tố ảnh hưởng như điều kiện kinh tế, địa lý, xã hội và chính trị…

Theo đúc rút của Economic Competitiveness Group, Inc (2010), các điều kiện cơ bản để giúp phát triển có hiệu quả các cụm ngành bao gồm: (i) có các công ty dẫn đầu hay còn gọi là tiên phong (trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia (MNC)/xuyên quốc gia (TNC)); (ii) mạng lưới các công ty cung ứng hoạt động hữu hiệu (có được hệ thống CNHT phát triển); và (iii) các nền tảng kinh tế với những nhân tố sản xuất cơ bản như nguồn nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng cơ bản (Hình 1). Trên những nền tảng này, các mối liên kết và quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cung ứng, tiêu thụ và sản xuất của các doanh nghiệp quần tụ tại CLKN sẽ được định hình và phát triển; tạo nên mạng lưới các công ty cung ứng, phục vụ và đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ cuối cùng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra bên ngoài.



Một vấn đề cũng rất quan trọng là tạo dựng được các cơ chế khuyến khích, động lực để các đối tượng liên quan kết nối với nhau và thường xuyên được tăng cường (Hình 1). Các mối liên kết này phải thu hút được sự tham gia tích cực, hữu hiệu của các tổ chức nghiên cứu - triển khai, giáo dục, hiệp hội ngành hàng... Để hình thành và tăng cường các mối liên kết trên thực tế, cần có sự điều phối và định hướng nhất định từ chính sách phát triển kinh tế và phát triển ngành, trong đó có CNHT, chính sách công nghệ - giáo dục, phát triển doanh nghiệp, chính sách phối hợp giữa ba khu vực nhà nước - tư nhân - viện nghiên cứu, trường đại học… cũng như giúp tạo dựng được nguồn vốn xã hội. Những trọng trách này có vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước từ chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương.

Hình 1. Các nhân tố chủ yếu và quá trình phát triển của các CLKN


Nền tảng kinh tế


Nguồn: Economic Competitiveness Group, Inc, (2010).

Đáng lưu ý là cần bảo đảm rằng việc kết hợp đầy đủ 3 nhóm yếu tố (3 vế trong định nghĩa về CLKN của Porter) dẫn đến các lợi thế cạnh tranh được địa phương hóa cho các doanh nghiệp trong CLKN nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Với tất cả những nền tảng căn bản trên, năng lực cạnh tranh của cụm trong ngành nghề hoạt động được nâng cao và có khả năng tham gia vào những phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.



3. Thực trạng phát triển cụm liên kết ngành tại Việt Nam

Do ở Việt Nam, CCN vẫn còn bị nhầm lẫn với CLKN nên phần này cũng đánh giá thực trạng hoạt động của các CCN để có một cách nhìn rộng hơn về CLKN ở Việt Nam.



3.1. Khái lược tình hình hoạt động

3.1.1. Cụm công nghiệp

- Khung khổ pháp lý và chính sách:

Kể từ khi có Quyết định 132/2000/QĐ-TTg ngày 24.11.2000 về một số chính sách, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đến trước khi có Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19.8.2009 của Thủ tướng Chính phủ, CCN được hiểu và gọi tên rất khác nhau giữa các địa phương trong cả nước như cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp nông thôn, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, điểm công nghiệp…

Quyết định 105 ban hành Quy chế quản lý Cụm công nghiệp đã thống nhất tên gọi của các cụm, điểm công nghiệp ở Việt Nam thành CCN. Theo quyết định này thì CCN là khu vực tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. CCN có quy mô diện tích không quá 50 ha và không vượt quá 75 ha sau khi mở rộng. Theo Điều 3, Quyết định 105, mục tiêu chủ yếu của thành lập, phát triển CCN ở Việt Nam là thu hút, di dời các các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; sắp xếp làm tăng cơ sở hạ tầng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khắc phục ô nhiễm môi trường, áp dụng công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, thân thiện với môi trường…

Tuy vậy, cũng cần lưu ý là, lần đầu tiên Quyết định 105 đã khuyến khích các doanh nghiệp cùng sản xuất một, một nhóm sản phẩm đầu tư tại các CCN như các doanh nghiệp thuộc công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; và đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ (theo nguyên văn) (nghĩa là CNHT).

Như vậy, xét về bản chất CCN gần như là KCN thu nhỏ, được quản lý bởi Bộ Công thương. Mặc dù đã tạo cơ sở thu hút một số ngành có liên quan và một ngành CNHT song đây không phải là nội dung trọng tâm của Quyết định 105 và điều quan trọng đây chưa thể là CLKN như thường ngộ nhận và khó có thể biến chúng thành các CLKN nếu không có những chủ trương, chính sách thích hợp và hữu hiệu cần thiết.

Cần lưu ý là trước khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg được ban hành, các quy định pháp quy có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của các CCN được ban hành từ Trung ương tới địa phương.1 Các quy định này chủ yếu hỗ trợ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng cụm công nghiệp cũng như hỗ trợ về vốn ngân sách Trung ương (6 tỷ đồng/cụm và 70 tỷ đồng/tỉnh). Các địa phương cũng có những ưu đãi riêng để hình thành, phát triển các CCN. Ngoài nhu cầu cấp thiết để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, đến nay, trong cả nước đã có trên 40 địa phương ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển CCN. Cơ chế hỗ trợ của các địa phương tập trung vào đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc đến tận hàng rào các CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng.



- Kết quả hoạt động:

Các CCN đã có những bước tăng trưởng rất nhanh về số lượng trong thời gian ngắn. Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 31.12.2009, trên cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 CCN với diện tích đất tương ứng là 76.520 ha; trong đó có 918 CCN đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất tương đương 40.597 ha. Tuy nhiên, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê chỉ chiếm khoảng 7.510 ha, chiếm 26,4% diện tích đất công nghiệp của tổng các CCN.

Về số lượng, CCN nhiều hơn hẳn số các KCN hiện đang hoạt động. Theo tình trạng hoạt động, các CCN chiếm gần 52% tổng các loại hình khu (KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), CCN) năm 2007. Các CCN chiếm tỷ trọng áp đảo ở các vùng Đồng bằng sông Hồng (71%); Đông Bắc (68%), Nam Trung Bộ (77%) (Báo cáo Cạnh tranh Việt Nam 2010). Tuy vậy, xét về mức độ ảnh hưởng tới kinh tế địa phương, các CCN chưa có tác động lớn như KCN do quy mô nhỏ và đi vào hoạt động muộn hơn nhiều.

Trên thực tế, có thể chia thành 2 loại hình CCN chủ yếu. Thứ nhất, CCN được hình thành và phát triển chủ yếu để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa di dời từ những nơi thành thị, đông dân cư, sản xuất gây ô nhiễm và thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới khởi sự (Ví dụ: CCN Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội)). Hai là, CCN làng nghề, được hình thành và phát triển chủ yếu để tập trung các cơ sở sản xuất - kinh doanh của làng nghề (doanh nghiệp, hộ kinh doanh) nhằm mở rộng mặt bằng sản xuất, nâng cao cơ sở hạ tầng nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Ví dụ: CCN làng nghề xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Đáng lưu ý là, thực hiện Quyết định 105, một số địa phương đã quy hoạch, xây dựng một số CCN với việc mời gọi doanh nghiệp thuộc các ngành hàng có liên quan vào trong CCN. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh đã có những nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng các CCN như CCN Sửa chữa, Đóng mới tàu thuyền (xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng), CCN Chế biến nông sản Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ), CCN Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ (thị trấn Cô Tô)… Tuy nhiên, phần lớn các CCN dạng này đang trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng; hầu hết các CCN trong quá trình mời gọi các doanh nghiệp đã không đạt mục tiêu về cấu trúc CCN ban đầu, buộc ‘phải’ trở thành CCN “tổng hợp”, với các doanh nghiệp thuộc đa ngành hàng, dịch vụ. Một nguyên nhân rất quan trọng là các chủ đầu tư CNN chịu áp lực lấp đầy rất lớn để bù đắp chi phí đầu tư CCN ban đầu (đầu tư chìm), nhất là trong bối cảnh “bung ra” các loại hình KCN, CCN, KKT (xem phần sau) với những “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh.

Với những quy định cụ thể trong khung pháp lý để hình thành, phát triển CCN, nhất là trong Quyết định 105, các CCN Việt Nam bước đầu đã có những đóng góp tích cực vào: (i) chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Đối với một số tỉnh, giúp giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ và các địa phương cận kề; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định an sinh xã hội; (ii) tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường như: dành đất để trồng cây xanh trong cụm, xây dựng cơ sở xử lý chất thải tập trung và áp dụng các biện pháp khác để giảm ô nhiễm môi trường; (iii) đáp ứng được một phần nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; (iv) phục vụ mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư, giải quyết một bước tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề; (iv) tạo điều kiện để tăng năng suất, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong CCN thông qua việc tận dụng lợi thế bố trí gần nhau về mặt địa lý; (vi) giúp các doanh nghiệp chuyển dần từ sản xuất phân tán, manh mún sang sản xuất tập trung; qua đó, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng các dây chuyền công nghệ có công suất lớn hơn và hiện đại hơn. Tuy vậy, cần có những đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình, hiệu quả hoạt động của các CCN.



3.1.2. Cụm liên kết ngành

CLKN, xét theo bản chất về mối liên kết ngành, là một khái niệm tương ứng với khái niệm industrial cluster/district ở Hoa Kỳ và một số nước Tây Âu. Tuy nhiên, khái niệm industrial cluster/district chưa có sự đồng thuận trong khái niệm tiếng Việt tương ứng và điều quan trọng nhất là nó chưa được thể chế hóa trong các văn bản pháp quy (lưu ý là khái niệm supporting industry vẫn chưa có được khái niệm chung có giá trị pháp lý ở Việt Nam: bản thân Bộ Công thương sử dụng đồng thời hai thuật ngữ là “công nghiệp phụ trợ” và “công nghiệp hỗ trợ”). Khái niệm CCN tạo liên tưởng tới khái niệm industrial cluster, tuy nhiên, như đã đề cập, mục tiêu chủ yếu đặt ra ban đầu của Bộ Công thương khi xây dựng, phát triển CCN không phải là để tăng cường liên kết doanh nghiệp (xem phần trên, Quyết định 105/2009/QĐ-TTg có đề cập một phần, rất mờ nhạt). Chính vì vậy, nên đánh giá sự phát triển các CLKN một cách tách biệt với đánh giá thực trạng phát triển CCN do Việt Nam hầu như không có các quy định pháp quy chuyên biệt để hình thành, phát triển các cụm ngành liên kết.

Xét theo bản chất, hiện ở Việt Nam các CLKN đang tồn tại, phát triển ở dạng sau:

(1) Các làng nghề truyền thống là một dạng CLKN sơ khai. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề, hiện cả nước có khoảng 2.000 (năm 2007 có 2.017 làng nghề) làng nghề, trong đó có trên 30% làng nghề truyền thống, phân bố ở 58 tỉnh và thành phố trong cả nước. Trong vòng 10 năm qua, làng nghề nông thôn Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình khoảng 15%/năm (tính theo giá trị đầu ra), thu hút trên dưới 11 triệu lao động. Các làng nghề là nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp, chủ yếu là hộ gia đình sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc có liên quan với nhau; thường nằm trong khu vực dân cư và chủ doanh nghiệp là những người dân trong làng. Các làng nghề tiêu biểu như dệt La Phù, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái, cán thép Đa Hội…

(2) Các khu phố nghề (36 phố phường cũ) của Hà Nội cũng là hình thức sơ khai của CLKN về sản xuất - thương mại ở Việt Nam.

(3) Cụm liên kết ngành hiện đang “trú ngụ” trong chính các KCN như KCN Thăng Long (Nội Bài, Hà Nội) với công ty đầu đàn là Canon (Nhật Bản), KCN Namura (Hải Phòng) và KCN chuyên doanh như dệt may Phố Nối (Hưng Yên)… trong KKT mở (như KKT mở Chu Lai với Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải); hoặc “trú ngụ” trong chính một số CCN như CCN nhựa Đức Hòa (Long An); hoặc ở khu vực nông thôn như CLKN nông nghiệp ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hay trang trại nuôi cá ở các khu vực duyên hải khác.

Điều đáng lưu ý là hầu hết các CLKN tồn tại dưới các hình thức kể trên, với quá trình chuyên môn hóa và quần tụ của các hoạt động kinh tế tương tự nhau, đều được hình thành và phát triển một cách tự nhiên chứ không phải dưới sự can thiệp có chủ ý ban đầu của Chính phủ và các chính quyền địa phương. Đối với các làng nghề điều này là hiển nhiên. Đối với các dạng CLKN hiện đại khác điều này cũng đúng. Trường hợp khá thành công của KCN Thăng Long với doanh nghiệp tiên phong là Canon cũng là kết quả sáng kiến thu hút FDI nói chung của các bộ, ngành liên quan chứ không phải nhờ chủ đích là để xây dựng CLKN cho Bắc Ninh. KCN Nomura là kết quả nỗ lực và cũng là sự lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì mục tiêu nghiên cứu, trong tham luận này chỉ đánh giá các CLKN thuộc dạng 3, tức các dạng CLKN với tư cách là một chủ thể kinh tế hiện đang hoạt động tại các KCN (toàn bộ hoặc một phần) hoặc CCN.

Các CLKN tương đối thành công hầu hết được hình thành một cách tự nhiên, chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, địa lý của các/từng địa phương và đặc biệt là các lực lượng thị trường. Chẳng hạn, các CLKN du lịch, dầu khí được hình thành, phân bổ một cách tự nhiên tại các vùng được thiên nhiên ưu đãi (như cụm du lịch miền Trung, cụm dầu khí vùng Đông Nam Bộ hay cụm nông sản vùng đồng bằng Sông Cửu Long). Quan sát ban đầu cũng cho thấy, các cụm ngành công nghiệp nhẹ hoặc chế biến xuất khẩu thường tập trung nhiều ở phía Nam, nhất là khu vực xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh (ví dụ như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, điện tử…); trong khi đó, các cụm ngành công nghiệp nặng, sử dụng nhiều vốn thường có xu hướng tập trung ở phía Bắc nhiều hơn, khu vực xung quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận (ví dụ cụm cơ khí ô khô, xe máy, điện tử điện lạnh, đóng tàu…). Một nguyên nhân chủ yếu của sự phân bổ này có lẽ là do nhân tố lịch sử, bắt nguồn từ xu hướng thiên về sản xuất công nghiệp nặng thay thế nhập khẩu và vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa; trong khi đó, miền Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu năng động kể từ khi cải cách kinh tế và mở cửa thị trường. Chính vì vậy, khu vực miền Nam cũng là nơi tập trung nhiều các cụm dịch vụ phục vụ xuất khẩu như logistics, cảng biển…



3.2. Một số tồn tại, hạn chế trong phát triển CCN và CLKN

- Thứ nhất, tại một số địa phương CCN được phát triển tràn lan, dàn trải, thiếu quy hoạch, chiến lược hữu hiệu.

Như đã nêu, một bất cập trong phát triển CCN hiện nay là tỷ lệ lấp đầy rất thấp chỉ trên 26% đối với CCN, và do vậy, tác động đối với kinh tế địa phương là hạn chế, với các tác động tiêu cực và tích cực còn đan xen. Nguyên nhân chủ yếu đầu tiên chính là mức cung vượt quá xa cầu. Trên thực tế, việc rất nhiều địa phương đã giao quá nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho các doanh nghiệp đã làm cho số lượng các KCN, CCN trở nên quá dư thừa; trong khi đó, một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước. Nên lưu ý là chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 44.000 ha vào năm 2010 nhưng các địa phương đã “kịp” giao tới 93.000 ha, vượt 211,36%.2 Đáng lưu ý là nhiều địa phương trong khi tỷ lệ lấp đầy rất thấp, song vẫn xin mở thêm các KCN, CCN mới.



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 248.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương