PHẬt giáo truyền thống tây tạng buddhisme in the Tibetan Tradition



tải về 224.19 Kb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích224.19 Kb.
#38284
  1   2   3   4   5   6
PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG TÂY TẠNG 
Buddhisme in the Tibetan Tradition. 
Nguyên tác của Geshe Kelsang Gyatso,


Dịch Giả : N.s Trí Hải.

Nguồn

http://thuvienhoasen.org

Chuyển sang ebook 6-8-2009

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

GIỚI THIỆU

LỜI NÓI ÐẦU

CHƯƠNG 1 - PHÁP LÀ GÌ?

CHƯƠNG 2 - THIỆN TÂM

I.- CHUYỂN HÓA TÂM TIÊU CỰC

II.- BA KHÍA CẠNH CHÍNH CỦA CON ÐƯỜNG TU TẬP

CHƯƠNG 3 - VÔ THƯỜNG

I.- THIỀN QUÁN VỀ CÁI CHẾT VÀ VÔ THƯỜNG

II.- VÔ THƯỜNG VI TẾ

CHƯƠNG 4 - SỰ TÁI SANH

I.- DẤU ẤN TÂM LINH

II.- DÒNG TÂM THỨC TƯƠNG TỤC

III.- NHỮNG MỘNG TƯỞNG

IV.- NĂNG LỰC CỦA NHỮNG VÍ DỤ

V.- CHÂN KINH


---o0o---


GIỚI THIỆU


Một sự trình bày rõ ràng và trung thực về Phật giáo Tây Tạng, quyển sách này trình bày căn bản của Phật pháp theo một đường lối mà mọi người đều có thể hiểu được khi đọc và dễ dàng tu tập trong cuộc sống hàng ngày. Ðược soạn thảo riêng cho những người mới tìm hiểu vấn đề này lần đầu tiên, quyển sách này cũng còn cung cấp những kiến thức quý báu cho những đệ tử đã thông hiểu Phật giáo Tây Tạng. 

Tác giả trình bày Phật pháp với một tấm lòng từ bi và thận trọng, giảng dạy cách thức đào luyện sự thực chứng nội tâm để bảo vệ chúng sinh khỏi đau khổ. Ngài cũng vạch ra con đường để phát huy tâm từ và tạo được sự yên ổn cho chính họ và những người khác. Ngài cũng bàn đến những vấn đề như sự tái sinh, nghiệp và quả, tánh không, giải thoát và giác ngộ. 

Mặc dù mỗi con người đều có những mục đích và cách sống khác nhau, song chúng ta đều quan tâm về cách thức làm thế nào tránh những khổ đau và tìm đến hạnh phúc cho riêng mình. Thực hành những điều như nhẫn, bi và tâm, thực chứng về tánh không để đào luyện tâm vị tha của sự giác ngộ sẽ giúp chúng ta đạt được điều này. Khi đọc quyển sách này, hãy suy tưởng về ý nghĩa của nó và đem tất cả vào thực hành, chúng ta sẽ đạt được sự thông suốt về con đường tâm linh thâm thúy này. 

---o0o---


LỜI NÓI ÐẦU


Thường thường những người có ý thích nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng thường bị trở ngại vì họ không thể nào tìm được một quyển sách mà họ có thể thông hiểu được dễ dàng. Ðiều này càng đúng hơn nữa cho những ai đã để cả đời để kiếm sống, sự áp lực và căn thẳng đã làm cho họ không có thì giờ cho chuyện gì khác. Cùng lúc đó, cách sống hiện tại của chúng ta đã không giúp gì được để giải quyết những khó khăn của chúng ta, và thực sự, chỉ có một cách đúng nhất để sống cuộc sống ít ít căng thẳng dường như là phát triển khả năng về tinh thần và tín ngưỡng. 

Vì vậy tôi sung sướng được biết Geshe Kelsang Gyatso có ý định trình bày cái căn bản giáo lý Phật trong một cách mà mọi người có thể thu thập được và thực hành trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi rất cảm ơn dịch giả và nhà xuất bản cho sự đóng góp của họ. 

H.H.The Dalai Lama. 

---o0o---


CHƯƠNG 1 - PHÁP LÀ GÌ?


Tất cả chúng ta đều có được một thân người, điều ấy còn có giá trị hơn cả cây đèn thần của Aladin - nếu chúng ta biết sử dụng nó. Nếu không biệt sử dụng thân người của mình, thì sự việc mang một thân người không có giá trị lớn lao gì cho lắm. Không biết sử dụng thân người của mình thì cũng giống như người có tài sản lớn, nhưng thay vì dùng nó để giúp người thì lại hại người. 

Thật vô cùng quan trọng để sử dụng đúng tiềm năng thân xác. Lý do tại sao mà điều này quan trọng là bởi vì thân người thật hiếm có và đầy ý nghĩa. Dù trên thế giới có bao nhiêu người đi nữa, mỗi người cũng chỉ có được một cái thân mà thôi. Như mọi người đều biết, một người không thể duy trì hai thân xác. Mặc dù một người nam hay nữ có thể sắm nhiều nhà, nhiều xe, nhưng họ chỉ có thể giữ được một cái thân xác mà thôi. Lại nữa, khi chiếc xe hơi hay sở hữu khác của ta bị hỏng, chúng ta có thể thay cái khác; thế nhưng, khi thân xác chúng ta hư hoại thì không thể nào mua hay mượn một thân khác được. Vì thế thân người này là tài sản hiếm hoi nhất của chúng ta. 

Thân xác chúng ta không chỉ hiếm hoi mà còn đầy ý nghĩa. Ðiều này có nghĩa rằng chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc tối thượng nhờ sự dụng thân người của ta một cách thích đáng. Chỉ có pháp mới là phương sách để đạt hạnh phúc tối thượng đó. 

Nói chung, pháp là những lời dạy của đức Phật, nhưng nghĩa thật của pháp là những thực chứng nội tâm trực tiếp che chở cho hữu tình (chúng sinh) thoát khỏi những đau khổ (the inner realizations which directly protect living being from their sufferings). Nếu không quán xét bản chất của pháp, thì ta sẽ không thể hiểu được những lợi ích, khả năng và vai trò của pháp, và cũng không thể xét xem chúng ta có cần pháp hay không. 

Danh từ "Pháp" tiếng Phạn là "Dharma" nghĩa đen là "cái gì gìn giữ". Chính là pháp đã giữ gìn chúng sinh tránh khỏi những khổ đau, lo sơ và hiểm nguy. Tuy thế, nếu chúng ta muốn thoát khỏi những vấn đề và đau khổ của chính mình, thì ta cần phải thi thố một nỗ lực lớn lao để đạt đến sự chứng ngộ pháp. Cũng như một phương thuốc dù rất công hiệu, mà người bệnh không chịu uống thì bệnh cũng không thể lành. 

Pháp ví như thuốc, Phật như bác sĩ, và đoàn thể những người thực hành pháp ví như những người điều dưỡng. Như người bệnh cần lương y, thuốc đúng bệnh và người điều dưỡng tốt, cũng vậy, chúng ta cần nương tựa Phật như bác sĩ, nương tựa pháp như thuốc, nương tựa tăng đoàn như những người điều dưỡng, nếu chúng ta muốn thoát khỏi những khổ đau. 

Pháp bảo vệ ta một cách trực tiếp như thế nào? Nếu ta đạt được vài kinh nghiệm tâm linh, thì những kinh nghiệm này chắc chắn sẽ giải quyết vài vấn đề nội tâm của ta. Ví dụ nếu ta thực chứng và có kinh nghiệm về sự nhẫn nhục, thì điều này sẽ giải quyết cho ta mọi vấn đề do giận dữ gây nên. Cũng vậy, nếu chúng ta thành tựu được sự thực chứng về lòng bi mẫn thì điều này sẽ giải quyết mọi rắc rối phát sinh do thói ganh tỵ. Và cuối cùng, nếu ta đạt thực chứng về tánh không (realization of emptiness) - bản chất tối hậu của mọi hiện tượng (the utimate nature of all phenomena) - thì sự thực chứng này sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của chúng ta và trừ khử mọi đau khổ. Tóm lại, những thực chứng về pháp tận diệt mọi vấn đề nội tâm của ta và đưa ta đến sự bình an tạm thời và vĩnh cửu. 

Ngoài những đức tính nói trên, pháp còn có đặc tính là làm nơi nương tựa vững chắc cho chúng ta. Một số người nghĩ rằng của cải, tài sản, thân quyến, bạn bè có thể giải quyết những vấn đề của mình và giúp mình được an tâm. Như thế là họ lấy những thứ này làm chỗ quy y để đỡ khổ đau. Dĩ nhiên, đôi khi tài sản, thân quyến hay bạn bè có thể giải quyết một số vấn đề và đem lại cho ta một vài hạnh phúc. Nhưng có nhiều vấn đề họ không thể giải quyết mà đôi khi còn tạo thêm rắc rối và đau khổ cho ta. Ta không thể dựa vào tài sản, thân quyến, bạn bè để giúp đỡ mình trong mọi tình huống. Bởi thế đấy không phải là chỗ nương tựa chắc chắn cho ta. Ngoài pháp ra, ta không thể tìm thấy được một chỗ nương tựa nào thực sự. 

Theo truyền thống, trước khi thuyết pháp, những vị Lạt ma nói lời dẫn nhập. Mục đích của việc này là để thiết lập một cách khởi tâm chính đáng về phía vị thầy cũng như về phía đệ tử. Phù hợp với truyền thống này, ở đây sẽ giải thích một câu thơ mà bậc thầy đã làm để khuyên một ông vua, bạn của ngài. Câu thơ ấy như sau: 

"Thân thể hiện tại của bạn chỉ như vật mượn của người khác" 

Ðiều này có nghĩa rằng nguồn gốc xác thân ta thuộc về những người khác. Cái thân ta phát triển từ sự giao hợp giữa tinh chất của cha và trứng của mẹ. Thần thức nhập vào sự giao hợp ấy rồi từ từ thân ta phát triển. 

Khi chết chúng ta không thể nào mang thân xác chúng ta qua đời sống mới. Chúng ta không thể ngăn cản sự tàn tạ và tan rã của thân xác sau khi chết. Do đó mà nói rằng tâm giống như người khách ở trong cái nhà trọ - là thân xác. Chúng ta rất nên ghi nhớ và quán tưởng điều quan trọng này, chính vì chúng ta thường chấp chặt thân xác của mình (strong clinging to our body). Câu thơ này rất thích hợp cho chúng ta ngày nay cũng như khi nó được thốt lên cho vị vua ngày trước. 

Khi chết thần thức lìa thân xác như một du khách rời bỏ nhà trọ để đi đến nơi khác. Một số người có trình độ tu chứng cao có thể di chuyển thần thức qua thân xác khác theo ý muốn, y hệt như người ta dọn đến nhà mới. Chúng ta nên luôn quán tưởng điều không thể tránh là ta phải rời bỏ thân xác vào lúc chết, và ý thức rằng mình chỉ như một du khách trên đời này, không phải vĩnh viễn dính liền với thân xác hiện hữu. 

Ý tưởng cho rằng chúng ta sẽ ở nơi này mãi mãi đưa đến nhiều vấn đề rắc rối. Khi ấy bản ngã cố gắng tự che chở bằng cách vây quanh mình đủ thứ phụ tùng trên đời, như những sở hữu và thành công về mặt thế gian. Chúng ta quên rằng vào lúc chết, ta cần phải để lại đằng sau tất cả những thứ ấy. 

Chúng ta không hy vọng được lợi ích nhiều nơi pháp nếu chỉ thụ động ngồi nghe hay đọc, như thể là đang xem truyền hình. Ta có thể được vài lợi ích nhờ nghiên cứu pháp trên bình diện tri thức, nhưng muốn được lợi toàn vẹn, thì ta phải sống với pháp bằng tất cả con người mình và thực chứng pháp bằng kinh nghiệm bản thân. 

"Mặc dù thân của bạn chỉ như một nhà khách, 


Nếu thực hành pháp, bạn sẽ được nhiều kết quả". 

Ðiều này có nghĩa rằng nên sử dụng thân xác ta, mà ta chỉ có được trong một thời gian ngắn, để thực hành pháp. Ta không nên lãng phí thân người như dụng cụ quý báu này, vì nó có thể giúp ta đạt tới giác ngộ. Nếu sử dụng sai, thì thân xác này có thể phạm đủ thứ ác nghiệp thay vì giúp chúng ta đi trên con đường tu tâm. Nhưng nhờ thực hành pháp mà chúng ta có thể thành tựu trọn vẹn tiềm năng của thân người. 

Nhờ thực hành pháp ta có thể thành tựu ba ý nghĩa (hay mục đích). Ý nghĩa cao nhất là đạt đến toàn giác (to reach full Enlightenment), thành Phật ngay trong đời này. Loại ý nghĩa trung bình là sự đạt giải thoát cho riêng mình khỏi những sợ hãi và khổ đau trong vòng sanh tử. Mục đích thấp nhất là cố gắng để được tâm an ổn, để tự giải quyết những vấn đề nội tâm mình và để khỏi sinh vào các đọa xứ. Như thế, bậc thầy đã khuyên nhà vua bạn mình thực hành pháp, nhắm đến một trong ba phạm vi hay ba tầng mức ý nghĩa này. 

Loài người chúng ta có được cơ may thực hành pháp là nhờ thân người quý báu của chúng ta. Khi biết điều này và thấy được lợi lạc rộng rãi mà chúng ta có thể đạt được, thì chúng ta nên cố gắng học hiểu và thực hành Phật pháp. Những chương sau đây sẽ đưa ra vài giải thích về cách thức làm sao để thực hiện việc này.

---o0o---



tải về 224.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương