PHẬt giáo nguyên thủy theravāda nền tảng phật giáO


ĐỀ MỤC NIỆM ÂN ĐỨC TĂNG (SAṂGHĀNUSSATI)



tải về 1.48 Mb.
trang10/25
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.48 Mb.
#22102
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   25

ĐỀ MỤC NIỆM ÂN ĐỨC TĂNG
(SAṂGHĀNUSSATI)


Ân đức Tăng là đối tượng của đề mục niệm Ân đức Tăng. Đề mục niệm Ân đức Tăng là 1 trong 10 đề mục niệm (ānussati) cũng là 1 trong 40 đề mục thiền định.

Muốn tiến hành đề mục niệm Ân đức Tăng, trước tiên hành giả cần phải học hỏi, nghiên cứu cho hiểu rõ ý nghĩa 9 Ân đức Tăng kỹ càng, từng các chi pháp cho thật rành rẽ phần pháp học.

Về phần pháp hành, trước khi tiến hành đề mục niệm Ân đức Tăng, hành giả có đức tin nơi Tam Bảo:

Nếu là người cận sự nam, cận sự nữ, thì nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới, cửu giới...

Nếu là Sadi, thì nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và Sadi thập giới với vị Thầy tế độ hoặc với một vị Đại đức.

Nếu là vị Tỳ khưu, thì nên xin sám hối āpatti với một vị Tỳ khưu khác.

Như vậy, là thuộc về phần pháp hành giới.

Khi hành giả đã có giới trong sạch trọn vẹn, sẽ làm nền tảng cho pháp hành thiền định đề mục niệm Ân đức Tăng.



Phương pháp niệm Ân đức Tăng

9 Ân đức Tăng này chỉ có hiện hữu đầy đủ trong chư Thánh Tăng mà thôi; chư Thánh Tăng là những bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn, có 4 đôi thành 8 bậc Thánh tính theo tâm Siêu tam giới. Nếu kể Thánh Nhân, thì có 4 bậc Thánh.



Bậc Thánh Nhập Lưu.
Bậc Thánh Nhất Lai.
Bậc Thánh Bất Lai.
Bậc Thánh Arahán
.

Muốn tiến hành đề mục niệm Ân đức Tăng, hành giả cần phải học hỏi hiểu rõ rành rẽ 9 Ân đức Tăng. Sau khi hiểu rõ 9 Ân đức Tăng xong rồi, hành giả nên tìm một nơi thanh vắng để thuận lợi tiến hành đề mục niệm Ân đức Tăng này.

Niệm Ân đức Tăng có nhiều cách.

Cách thứ nhất (phổ thông): Niệm 9 Ân đức Tăng.

Hành giả tiến hành niệm 9 Ân đức Tăng như sau:

Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā, esa Bhagavato sāvaka-saṃgho Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa...” làm đối tượng thiền định.

Hành giả tâm niệm đến Ân đức Tăng nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của Ân đức Tăng ấy, định tâm theo dõi mỗi Ân đức Tăng như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần... trong suốt thời gian tiến hành niệm 9 Ân đức Tăng, để làm tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Đức Tăng Bảo.



Cách thứ nhì (đặc biệt): Niệm một Ân đức Tăng.

Hành giả có thể chọn một Ân đức Tăng trong 9 Ân đức Tăng làm đối tượng, để tiến hành niệm Ân đức Tăng, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của Ân đức Tăng ấy, luôn luôn định tâm nơi Ân đức Tăng ấy.

Ví dụ: Niệm Ân đức Tăng thứ nhất: Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho..., Suppaṭipanno Bhaga- vato sāvakasaṃgho... làm đối tượng thiền định.

Hoặc: Niệm Ân đức Tăng thứ chín: Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa..., Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa... làm đối tượng thiền định.

Hành giả tâm niệm câu Ân đức Tăng ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của Ân đức Tăng ấy, định tâm theo dõi Ân đức Tăng ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần… trong suốt thời gian tiến hành niệm Ân đức Tăng, để làm tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Đức Tăng Bảo.

Đề mục niệm Ân đức Tăng là một đề mục dễ làm cho phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, mà đức tin là nền tảng mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp.

Như vậy, đề mục niệm Ân đức Tăng không chỉ là đề mục thiền định, có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định, mà còn là đối tượng làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ uẩn, diệt tận tham ái, phiền não, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn được. Như Đức Phật dạy:

– Này chư Tỳ khưu, có một pháp hành mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp - sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn.



Pháp hành ấy là gì?

Pháp hành ấy chính là Saṃghānussati: pháp hành niệm Ân đức Tăng.

Này chư Tỳ khưu, pháp hành niệm Ân đức Tăng, mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn [18] .

Qua lời giáo huấn của Đức Phật trên, thì đề mục niệm Ân đức Tăng không chỉ là đề mục thiền định, mà còn làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ nữa.

Đề mục niệm Ân đức Tăng có hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Đề mục niệm Ân đức Tăng thuộc thiền định, hành giả tiến hành niệm Ân đức Tăng có khả năng dẫn đến sự chứng đạt cận định. (phương pháp đã trình bày ở phần trước).

Giai đoạn sau: Sau khi tiến hành đề mục niệm Ân đức Tăng chứng đạt đến cận định, hành giả cần phải thoát ra khỏi đề mục niệm Ân đức Tăng, dùng tâm cận định của đề mục niệm Ân đức Tăng làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ.

Pháp hành thiền tuệ

Hành giả tiến hành thiền tuệ cần phải có danh pháp, sắc pháp hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) làm đối tượng thiền tuệ.



* Đề mục niệm Ân đức Tăng làm nền tảng, làm đối tượng để tiến hành thiền tuệ như thế nào?

Đúng theo thực tánh của các pháp, thì không có người niệm Ân đức Tăng, mà chỉ có tâm đại thiện hợp với trí tuệ làm phận sự niệm Ân đức Tăng mà thôi.

Hành giả tiến hành thiền định với đề mục niệm Ân đức Tăng đạt đến cận định được phân tích theo danh pháp sắc pháp như sau:

- Tâm cận định này là tâm đại thiện hợp với trí tuệ thuộc về danh pháp (thuộc về phần niệm tâm trong Tứ Niệm Xứ).

- Tâm cận định này nương nhờ nơi sắc ý căn (hadayavatthu) thuộc về sắc pháp.

Như vậy, danh pháp liên quan với sắc pháp này làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Hay một cách khác:

- Tâm cận định này là tâm đại thiện hợp với trí tuệ, thuộc về thức uẩn.

- Thọ tâm sở đồng sinh với tâm đại thiện ấy, thuộc về thọ uẩn.

- Tưởng tâm sở đồng sinh với tâm đại thiện ấy, thuộc về tưởng uẩn.

- Các tâm sở còn lại đồng sinh với tâm đại thiện ấy, thuộc về hành uẩn.

- Sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi nương nhờ để phát sinh tâm cận định (tâm đại thiện ấy), thuộc sắc uẩn.

(Ngũ uẩn này, thuộc về phần niệm pháp trong Tứ Niệm Xứ)

Như vậy, ngũ uẩn này là đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, có chánh niệm, có trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp hoặc ngũ uẩn có sự sinh, sự diệt; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp hoặc của ngũ uẩn dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán.

Như vậy, gọi là đề mục niệm Ân đức Tăng làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ.

Như Đức Phật dạy:

Này chư Tỳ khưu, pháp hành niệm Ân đức Tăng mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn”.

Quả báu đặc biệt niệm Ân đức Tăng

Hành giả tiến hành niệm Ân đức Tăng, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:



- Được phần đông chúng sinh kính trọng.

- Thiện tâm trong sạch thanh tịnh.

- Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.

- Sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý.

- Tái sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý.

- Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

- Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.

- Thân có mùi thơm tỏa ra.

- Miệng có mùi thơm tỏa ra.

- Có trí tuệ nhiều.

- Có trí tuệ sâu sắc.

- Có trí tuệ sắc bén.

- Có trí tuệ nhanh nhẹn.

- Có trí tuệ phong phú.

- Trí tuệ phi thường.

- Nói lời hay có lợi ích…

- Kiếp vị lai có duyên lành gặp Đức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn...

Đó là những quả báu phát sinh từ niệm Ân đức Tăng.

-ooOoo-


 


tải về 1.48 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương