Pháp thoại Đại học Đông phương Linh sơn Thế giới Ngày 09/01/2011 hồi 14 giờ 30



tải về 27.78 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích27.78 Kb.
#26906
Pháp thoại

Đại học Đông phương Linh sơn Thế giới

Ngày 09/01/2011 hồi 14 giờ 30

Đề tài : Tứ diệu đế.
Xuất xứ : Tứ diệu đế là Giáo lý căn bản của đạo Phật và cũng là phần cốt yếu trong bài pháp đầu tiên, tức kinh Chuyển Pháp Luân, của Đức Phật nói với năm vị đạo sĩ nhóm ông Kondanna (Kiều Trần Như) tại vườn nai trong làng Isipatana gần thành phố Benares vào năm 589 trước tây lịch, lúc Đức Phật được 35 tuổi, sau khi ngài vừa thành đạo dưới cội Bồ đề tại làng Uruvela gần thành phố Gayà.
Ý nghĩa của « Tứ diệu đế » : Bốn sự thật nhiệm mầu giúp con người thoát khổ được vui ngay trong đời sống hiện tại và tiến lần đến sự giải thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi trong tương lai, đạt đến Niết bàn an lạc thanh tịnh.
Nội dung của « Tứ Diệu đế » : Tứ diệu đế gồm có :

Khổ đế (dukkha ariya sacca) : Sự thật về những cảnh khổ trong đời sống.

    • Khổ về thân : sanh, già, bệnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, thương tích, ngũ ấm xí thạnh …

    • Khổ về tâm : ái ly, oán hội, cầu bất đắc, bất toại nguyện, tham lam, giận tức, hoài nghi, sợ hãi …

Tập đế (dukkha samudaya ariya sacca) : Sự thật về các nguyên nhân sanh khổ. Muốn tận diệt khổ phải tìm ra các nguyên nhân sanh khổ. Đức Phật dạy chúng ta nên thực hành chánh tư duy như sau :

    • Do đâu mà có già, bệnh, chết ?

    • Do có sanh nên có già, bệnh, chết.

    • Do đâu mà có sanh ?

    • Do có « hữu » tức là có chấp ngã, có nghiệp, nên có sanh.

    • Do đâu mà có « hữu » ?

    • Do có « thủ » tức là có chấp là mình hay là của mình, nên có « hữu ».

    • Do đâu mà có « thủ » ?

    • Do có ái nên có « thủ ».

Như vậy chính do « tham ái » (tanhà) nên có thủ, do có thủ nên có hữu, do có hữu nên có sanh, do có sanh nên có già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não … Nếu đoạn diệt được tham ái là đoạn diệt được sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não …

Thông thường ai cũng biết cách trừ « tham ái », nhưng muốn đoạn tận « tham ái » thì cũng phải tìm ra các nguyên nhân sanh « tham ái » như sau :



    • Do đâu mà có tham ái ?

    • Do có « thọ » tức có cảm giác sướng khổ, nên có tham ái.

    • Do đâu mà có « thọ » ?

    • Do có « xúc » tức là có sự tiếp xúc giữa căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nên có nhận thức và có « thọ ».

Như vậy chính nhận thức khi căn tiếp xúc với trần làm phát sanh các cảm thọ sướng khổ, rồi các cảm thọ sướng khổ sanh ra « tham ái ».

Nếu có « giác niệm » (la perception éveillée)1 hay có « chánh niệm » (la perception juste)2 ngay khi căn tiếp xúc với trần, không cho nhận thức và cảm thọ phát sanh thì « tham ái » không đủ nhân duyên để sanh khởi. Đoạn trừ được tham ái là đoạn trừ được khổ.

Muốn có được « giác niệm », muốn có được « chánh niệm » để làm được việc ấy thì phải thực hành Bát Chánh Đạo và Như Lai Thiền.

Diệt đế (dukkha nirodha ariya sacca) : Sự thật về khổ đoạn diệt. Chính là tâm đã hoàn toàn xa lìa và tận diệt tham ái, không còn ham muốn lợi danh, không còn chạy theo dục vọng các căn. Đó là tâm rời bỏ, từ khước, thoát ly và không luyến tiếc, không vướng mắc. Diệt đế chính là Niết bàn an lạc thanh tịnh, là Hạnh phúc tối thượng. Hạnh phúc tối thượng này không phải đợi đến chết rồi mới có. Chúng ta có thể thưởng thức nó từ từ với sự tiến bước trên đường tu tập Bát Chánh Đạo và Như Lai Thiền.

Đạo đế (dukkha nirodha gamini patipada ariya sacca) : Sự thật về con đường đưa đến hết khổ. Chính là Bát Chánh Đạo, còn gọi là Bát Thánh Đạo. Đức Phật đã nói với vị đệ tử cuối cùng của ngài là Subhadda rằng : « Này Subhadda, ở đâu, trong đoàn thể nào có sự thực hành Bát Chánh Đạo là ở đó có những người đạt đạo quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán. »

Bát Chánh Đạo gồm có :



  1. Chánh kiến (sammà ditthi) :

    • Thấy biết mọi sự vật đúng như thật, không bị các thành kiến, tham sân si và các cảm thọ lừa gạt.

    • Dùng trí tuệ bát-nhã nhận chân được các thật tánh vô thường, khổ, vô ngã, rỗng không, như như của mọi sự vật.

    • Thấy đời là khổ nên không tham luyến ; biết nguyên nhân của khổ để trừ nên không bi quan lo sợ ; biết niết bàn là vắng lặng, thanh tịnh sáng suốt, là chân hạnh phúc ; biết Bát chánh đạo là con đường đưa đến hạnh phúc chân thật.

  1. Chánh tư duy (sammà sankappa) :

    • Biết suy tư theo lý nhân duyên để tìm ra nguyên nhân của mọi đau khổ.

    • Biết suy tư theo lý nhân duyên để đoạn trừ mọi đau khổ.

    • Biết suy tư theo lý nhân duyên để đoạn trừ các pháp ác và bất thiện.

  1. Chánh ngữ (sammà vaca) :

Nói lời hòa nhã, chân thật, giúp người hết khổ, được vui.

  1. Chánh nghiệp (sammà kammantà) :

Hành động chân chánh, giữ thân khẩu ý luôn luôn thanh tịnh.

  1. Chánh mạng (sammà ajiva) :

Sinh sống bằng nghề chân chánh lợi mình lợi người.

  1. Chánh tinh tấn (sammà vàyàma) :

Luôn luôn siêng làm điều lành, năng tránh điều ác.

  1. Chánh niệm (sammà sati) :

    • Xa lìa tạp niệm, chuyện đời, chuyện thế tục.

    • Giữ tâm an lạc, thanh tịnh, sáng suốt.

    • Niêm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Xả.

  1. Chánh định (sammà samàdhi) :

    • Tâm an lạc, thanh tịnh, sáng suốt, không loạn động.

    • Tâm an lạc, thanh tịnh, giải thoát.

    • Thực hành Như Lai Thiền để đạt từ Sơ thiền đến Diệt thọ tưởng định.

Tu Bát Chánh Đạo tức là tu ba vô lậu học3 Giới Định Tuệ. Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc Tuệ ; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh Mạng, Chánh tinh tấn thuộc Giới ; Chánh niệm, Chánh định thuộc Định.

Thực hành Bát Chánh Đạo đến khi đoạn trừ được ba kiết sử4 là thân kiến5, giới cấm thủ6 và hoài nghi7 thì đạt được quả vị Tu-đà-hoàn.

Thực hành Bát Chánh Đạo đến khi đoạn trừ được ba kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi, và làm giảm nhẹ tham và sân thì đạt được quả vị Tư-đà-hàm.

Thực hành Bát Chánh Đạo đến khi đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi, tham và sân thì đạt được quả vị A-na-hàm.

Thực hành Bát Chánh Đạo đến khi đoạn trừ được năm thượng phần kiết sử là sắc ái8, vô sắc ái9, trạo cử10, mạn11, vô minh12 thì đạt được quả vị A-la-hán.


Kết luận : Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, là bài pháp đầu tiên của Đức Phật, là trái tim của Phật pháp. Bất cứ người tu theo tông phái nào, pháp môn nào của đạo Phật cũng cần thông hiểu rõ ràng Tứ Diệu Đế và thực hành đầy đủ Bát Chánh Đạo. Mức độ thông hiểu Tứ Điệu Đế và thực hành Bát Chánh Đạo có thể xem là thước đo trình độ tu tiến của người Phật tử vậy.
Hết
Minh Thiện Trần Hữu Danh


1 Giác niệm (la perception éveillée) : Nhận thức sáng suốt ngay khi căn (giác quan) vừa mới tiếp xúc với trần (cảnh tượng bên ngoài).

2 Chánh niệm (la perception juste) : Nhận thức đúng theo Chánh pháp.

3 Ba vô lậu học : Ba môn học chánh yếu giúp người tu luôn luôn tiến bước trên đường đạo, không bao giờ bị thối chuyển (vô lậu : không rơi xuống, không thối chuyển).

4 Ba kiết sử : Ba điều ràng buộc sai khiến con người làm điều sai quấy, không tiến tu được.

5 Thấn kiến : Chấp thân này là ta.

6 Giới cấm thủ : Chấp chặt vào các thành kiến, phong tục, tập quán xưa, tâm không rộng mở để đón nhận Chánh pháp.

7 Hoài nghi : Hoài nghi Chánh pháp nhưng không chịu học hỏi để tìm hiểu.

8 Sắc ái : Sai đắm cõi sắc nên không chịu tiến tu thêm nữa.

9 Vô sắc ái : Sai đắm cõi vô sắc nên không chịu tiến tu thêm nữa.

10 Trạo cử : Hay thay đổi ý kiến, không quyết tâm tu tiến đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

11 Mạn : Vẫn còn ngã chấp vi tế.

12 Vô minh : Vẫn chưa đạt được Tam minh (túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh).

Trang : /

tải về 27.78 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương