Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê



tải về 211.51 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích211.51 Kb.
#2996
  1   2   3   4


SẢN XUẤT

THỊ TRƯỜNG

AN NINH LƯƠNG THỰC

BẢN TIN THÁNG CỦA

Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Địa chỉ: 10 Nguyễn Công Hoan – Ba Đình – Hà Nội

ĐT: 7 711508/8 343182 * E-mail: thongke@agroviet.gov.vn

Website: http://www.mard.gov.vn/fsiu





Số 8/08 Tháng 8-2008


Nội dung chính





  • Diễn biến và kết quả sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản tháng 8/2008

  • Kết quả xuất, nhập khẩu nông, lâm sản, vật tư, phân bón

  • Diễn biến và dự báo xu hướng giá cả - thị trường trong nước, thế giới một số mặt hàng nông sản chính

  • Tin liên quan đến an ninh lương thực trong nước, quốc tế

  • Các phụ lục số liệu tham khảo





Trồng trọt, bảo vệ thực vật

Mưa lũ sau bão số 4 (từ ngày 7-11/8/2008) đã gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc, làm hàng trăm người chết, mất tích và bị thương; một số tuyến quốc lộ, công trình thủy lợi quan trọng trong vùng bị sạt lở, bồi lấp hoặc hư hỏng nặng. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại về vật chất do bão lũ lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong đó diện tích lúa bị mất trắng hơn 19.000 ha, gia súc chết hơn 10.000 con, gia cầm chết gần 20.000 con,... Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ là những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất.

Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng các địa phương miền Bắc cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa và các cây rau, màu vụ hè thu/mùa. Các tỉnh vùng Trung du - miền núi phía Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề sau bão số 4 và áp thấp nhiệt đới. Các địa phương miền Nam tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu trước mùa mưa lũ, tiếp tục gieo cấy lúa mùa và gieo trồng rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu/mùa.

Lúa mùa : Tính đến ngày 15/8/2008, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.457,9 ngàn ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh miền Bắc đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy đạt 1.178,3 ngàn ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,5%, trong khi các tỉnh miền Nam, ngoài thời gian ưu tiên thu hoạch lúa hè thu đã tích cực triển khai xuống giống lúa mùa đạt gần 300 ngàn ha, tăng hơn cùng kỳ năm trước 4,1%.

Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc, một số địa bàn vùng trung du, miền núi đang khẩn trương gieo cấy lại diện tích lúa bị mất trắng, chăm sóc diện tích lúa mùa bị ngập sau bão, tiếp tục gieo cấy thêm lúa nương, lúa ở các chân ruộng cao. Các địa phương còn lại đang tập trung làm cỏ, bón phân, tưới nước cho lúa trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, trà lúa mùa sớm đã vào giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trỗ bông, trà lúa chính vụ và muộn đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.



Lúa hè thu: Tại địa bàn Bắc Trung bộ, lúa hè thu sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, lúa chính vụ đang ở giai đoạn trỗ. Sau thời kỳ nắng nóng kéo dài, do ảnh hưởng của bão số 4, một số địa bàn có mưa, trời dịu mát, lúa hè thu đang phát triển trong điều kiện thuận lợi, triển vọng cho thu hoạch khá hơn vụ trước.

Một số địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ như Bình Định, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Thuận đang thu hoạch rộ lúa hè thu; tại các địa phương còn lại lúa hè thu đại trà đang ở giai đoạn trỗ và vào chắc.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lúa hè thu đang trong thời kỳ thu hoạch rộ và được mùa. Tính đến trung tuần tháng 8, các địa phương đã thu hoạch đạt hơn 1,1 triệu ha, chiếm 63% diện tích gieo cấy. Một số địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh như Vĩnh Long (100% diện tích xuống giống), An Giang (89%), Long An (79%), Tiền Giang (75%), Kiên Giang (69%),...

Do giá lúa vẫn còn ở mức cao nên một số nơi có hiện tượng sau khi thu hoạch lúa hè thu đã xuống giống lúa vụ 3 ngay, không tuân thủ lịch thời vụ cũng như kế hoạch bố trí về diện tích. Hiện các địa phương đang chỉ đạo tăng cường quản lý gieo sạ lúa vụ 3 đúng lịch thời vụ, tập trung, né rầy, thường xuyên giám sát đồng ruộng phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời và hạn chế tăng diện tích so với kế hoạch.

Ngoài lúa, trong tháng 8 các địa phương tiếp tục gieo trồng và thu hoạch rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu và vụ mùa. Tính đến ngày 15/8/2008, tổng diện tích gieo trồng các cây màu lương thực trong cả nước đạt gần 1,45 triệu ha, bằng 96,6 % so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là diện tích sắn đạt 435,3 ngàn ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 17 ngàn ha. Việc trồng mới cây sắn nguyên liệu tăng cao do chi phí trồng thấp, nhiều nhà máy có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, diện tích sắn phát triển nhanh và quá nhiều sẽ phá vỡ cơ cấu sản xuất, dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu và nếu không được luân canh hợp lý sẽ có nguy cơ thoái hóa đất.

Tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đạt 608,9 ngàn ha, trong đó diện tích lạc đạt 226,4 ngàn ha, tăng 1,7 % so với cùng kỳ năm trước, còn một số cây khác như đậu tương, thuốc lá giảm so với cùng kỳ. Rau đậu các loại đạt 615,7 ngàn ha, tăng 2,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong tháng 8/2008, ngành tiếp tục nắm chắc diễn biến để chỉ đạo kịp thời phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng, đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Nam. Tiếp tục theo dõi diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ... trên lúa tại các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và các dịch hại khác ở miền Trung và Tây Nguyên. Đề xuất Bộ và Chính phủ tăng cường hỗ trợ nông dân phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tại các tỉnh phía Nam từ mức 2 triệu lên 5 triệu đồng/ha đối với diện tích lúa bị nhiễm phải tiêu hủy.

Tình hình sâu bệnh trên lúa

* Các tỉnh phía Bắc:

- Sâu đục thân 2 chấm lứa 3 gây dảnh héo trên lúa sớm. Diện tích nhiễm 9.872 ha, cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó nhiễm nặng 313 ha, lứa 4 bắt đầu gây bông bạc, dảnh héo tỷ lệ nhiễm thấp, diện tích nhiễm trứng trên 17.265 ha.

- Rầy nâu và rầy lưng trắng hại trên diện hẹp khoảng 2.000 ha; Sâu năn nhiễm 7.158 ha, trong đó nhiễm nặng 2.562 ha. Ốc bươu vàng gây hại trên 16.923 ha, các diện tích trên đều đã được phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn đã có hiện tượng nhiễm nhẹ trên diện hẹp.



* Các tỉnh phía Bắc Trung bộ, miền Trung và Tây Nguyên:

- Sâu đục thân 2 chấm phát sinh gây hại trên lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng với mật độ thấp. Diện tích nhiễm gần 3.000 ha, chủ yếu ở Thanh Hoá (1.393ha) và Quảng Bình (450ha).

- Rầy nâu, rầy lưng trắng nhiễm 7.327 ha lúa tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông. Ngoài ra còn có sâu cuốn lá xuất hiện với mật độ thấp, gây hại nhẹ, chuột hại cục bộ trên lúa làm đòng.

* Các tỉnh Nam bộ:

- Rầy nâu : Diện tích nhiễm là 244.645 ha, tăng hơn 100 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước, xuất hiện phổ biến trên các trà lúa từ giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng trổ bông, trong đó có gần 40 ngàn ha bị nhiễm nặng. Diện tích nhiễm phân bố chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá : Diện tích nhiễm trong tháng 8 gần 15 ngàn ha, tăng hơn 10 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trỗ bông, trong đó diện tích nhiễm nặng 8.365 ha.

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm bệnh bị cháy lá lên đến 28.300 ha, tăng 12.700 ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Vĩnh Long và Bình Thuận.

- Bệnh khô vằn nhiễm trên 18 ngàn ha, tăng gần 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 39,7 ngàn ha, tăng 23 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sâu bệnh trên các cây trồng khác

- Cây ngô : Sâu cuốn lá hại diện hẹp khoảng 100 ha tại các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Hoà Bình và Lạng Sơn với diện tích bị nhiễm là 70 ha. Ngoài ra còn có sâu xám, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá hại nhẹ.

- Cây đậu tương : Sâu cuốn lá hại cục bộ với diện tích bị nhiễm là 20 ha, phòng trừ 25 ha. Sâu đục quả hại cục bộ tỷ lệ nơi cao 5 - 8 % số quả, với diện tích bị nhiễm là 12 ha, phòng trừ 15 ha.

- Cà phê : Rệp sáp hại 10.617 ha, rệp vảy hại 13.732 ha tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc. Bệnh khô cành hại 9.774 ha, bệnh gỉ sắt hại 5.352 ha, bệnh thối rụng quả hại 10.064 ha.

- Cây thông : Sâu róm hại cục bộ 615 ha tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hải Dương.

Chăn nuôi, thú y


Bệnh tụ huyết trùng phát sinh trên đàn trâu ở một số tỉnh như Cao Bằng làm 82 con bị bệnh và chết, Yên Bái 20 con bị mắc bệnh.

Dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò đã được khống chế. Đàn bò có xu hướng tăng do giá thịt bò tăng cao khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt..

Dịch bệnh trên lợn đã có chiều hướng suy giảm, nhưng bệnh “tai xanh” ở lợn vẫn còn xuất hiện dai dẳngở các tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Nhờ giá thịt hơi tăng nên đàn lợn đã có chiều hướng tăng trở lại, tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng nên mức độ đầu tư tái đàn chưa nhiều.

Đàn gia cầm bắt đầu được khôi phục. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm vẫn tái phát tại một số địa phương đã làm 3.480 con gia cầm mắc bệnh và đã tiêu huỷ 3.965 con gà, vịt tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bến Tre, Kiên Giang đã hạn chế tốc độ tái đàn và mở rộng qui mô chăn nuôi gia cầm.







Theo báo cáo của các sở Nông nghiệp&PTNT, tính đến ngày 22/8/2008, diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước đạt 107,4 ngàn ha, bằng 53,4 % kế hoạch và bằng 90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 23,5 nghìn ha, bằng 57,4 % kế hoạch và bằng 93,6% so với cùng kỳ năm trước; Rừng sản xuất 83,9 ngàn ha, đạt 52,4 % kế hoạch và bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Chăm sóc rừng trồng 206 ngàn ha, đạt 130,4% kế hoạch, bằng 89,8% so với cùng kỳ năm trước. Trồng cây nhân dân đạt 138,7 triệu cây, bằng 69,4% kế hoạch. Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 647 ngàn ha, vượt kế hoạch 10,4%, nhưng kém cùng kỳ năm trước 16,6%. Khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 2.484,6 ngàn ha, vượt 60,3% kế hoạch. Khai thác gỗ đạt 2.053 ngàn m3, bằng 49,3% kế hoạch.

Các tỉnh miền Bắc: Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 từ ngày 7 - 11/8/2008, nhiều tỉnh miền Bắc có mưa to đến rất to. Một số tỉnh miền núi phía Bắc bị lũ quét nghiêm trọng như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... , đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ trồng rừng ngay từ đầu tháng. Tuy nhiên, nhờ có mưa đều trên diện rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trồng trồng rừng ở các địa phương khác. Tính đến hết tháng 8, công tác trồng rừng ở phần lớn các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch diện tích, một số tỉnh đang tiến hành trồng dặm. Tổng diện tích rừng trồng mới của các tỉnh miền Bắc đạt 95.976 ngàn ha, chiếm gần 90% tổng diện tích rừng trồng mới trong năm của cả nước. Một số tỉnh đạt kết quả trồng rừng khá gồm: Quảng Ninh 15.707 ha, Yên Bái 10.700 ha, Hà Giang 10.698 ha, Tuyên Quang 9.848 ha.

Các tỉnh miền Nam : Các địa phương đang tập trung hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị trồng rừng như: Thiết kế, thẩm định thiết kế, chuẩn bị đất, cây giống… để có thể sớm tiến hành trồng rừng khi điều kiện cho phép. Hiện nay, một số tỉnh đã tổ chức triển khai trồng rừng như Đắk Nông đã trồng mới được 2.283 ha, Bình Thuận 1.679ha, Đắk Lắk 1.174 ha,... Một số địa phương đang tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng rừng và trồng cây phân tán cho người dân để trồng rừng đạt hiệu quả.




Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, hiện nay các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ đang trong vụ sản xuất muối. Tính đến ngày 15/8/2008, sản lượng muối thu hoạch trên toàn quốc ước đạt 710 ngàn tấn, bằng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lượng muối tồn kho ước tính khoảng 123 ngàn tấn. Hiện giá muối tiếp tục đứng ở mức cao. Giá muối ráo bình quân tại miền Bắc từ 1.700 - 1.800 đ/kg; muối công nghiệp tại miền Trung là 1.600 đ/kg; muối trắng tại ĐBSCL là 1.500 - 1.600 đ/kg. Tuy nhiên, thời tiết mưa nhiều tại một số địa bàn đã làm cho sản lượng muối có phần giảm so với năm ngoái như ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm khoảng 24 ngàn tấn, Hải Phòng ước giảm 10%.




Khai thác

Do ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão số 3 và số 4 nên số tàu ra khơi đánh bắt hải sản chỉ đạt khoảng 70 - 80% so với tổng số tàu thuyền hiện có. Các tàu khai thác hải sản làm nghề vây rút chì, mành mực, lưới kéo, câu khơi hoạt động ổn định, sản lượng đạt khá. Hiện nay đang là vụ khai thác cá nam, nhờ thời tiết tại khu vực biển miền trung và nam tương đối thuận lợi, nhiều ngư dân các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hoà, Phú Yên, Bạc Liêu, … đang được mùa khai thác vụ cá nam. Sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, chế biến và làm thức ăn cho nghề nuôi trồng thủy sản của nhân dân trên địa bàn.

Ước sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 8 đạt 170 ngàn tấn, trong đó khai thác biển đạt 155 ngàn tấn và khai thác nội địa đạt 15 ngàn tấn đưa tổng sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm 2008 đạt 1.418 ngàn tấn, bằng 68% kế hoạch, tăng không đáng kể (0,21%) so với cùng kỳ năm 2007.

Trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao, giá hải sản tăng chậm hoặc không tăng, một số nơi đã xuất hiện các hình thức liên kết hợp tác sản xuất mới. Tại tỉnh Nghệ An, ngư dân đã lập các tổ tàu thuyền liên kết, hợp tác và khai thác trên biển, nhằm giảm chi phí nhiên liệu bằng cách dùng một thuyền nổ máy kéo hai đến ba thuyền ra ngư trường để khai thác. Khi đánh bắt xa bờ 20 - 30 hải lý, các tàu liên lạc với nhau để gom sản phẩm lại cho một thuyền chở vào bờ bán, số còn lại tiếp tục bám biển để khai thác vừa tăng thời gian sản xuất, giảm chi phí xăng dầu vừa giữ được ngư trường đánh bắt. Mặt khác, các tàu thuyền trong tổ hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển, thông tin cho nhau về giá cả thị trường nhanh chóng, kịp thời hơn. Không chỉ liên kết, hợp tác trên biển, các tổ thuyền còn lập quỹ hoặc góp vốn giúp nhau đầu tư máy móc, lưới nghề, trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bắt hải sản. Đây là một hình thức hợp tác sản xuất tốt giúp bà con ngư dân ven biển nâng cao hiệu quả sản xuất. Đề nghị các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổng kết hướng dẫn xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất trên biển để nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn cho nguời dân khi hoạt động trên biển.

Nuôi trồng


Ước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 8 đạt 220 ngàn tấn, trong đó sản lượng cá đạt 160 ngàn tấn, tôm 50 ngàn tấn, thủy sản khác 10 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng 8 tháng đầu năm 2008 của toàn ngành đạt 1.528 ngàn tấn, gần bằng 64% kế hoạch và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2007.

Tình hình tiêu thụ cá tra quá lứa tồn đọng tại ĐBSCL đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 22/8/2008, các doanh nghiệp trong vùng đã tiêu thụ được trên 200.000 tấn cá tra quá lứa. Hiện chỉ còn khoảng gần 100.000 tấn loại cá trên 1kg/con và tồn khoảng 150.000 tấn cá loại từ 0,7 – 1kg. Các ngân hàng đã giải ngân cho các doanh nghiệp vay hơn 4.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tiêu thụ cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, theo báo cáo của địa phương, giá cá hiện nay vẫn còn thấp trong khi giá thành sản xuất cao (16.000 đồng/kg). Cá quá lứa (từ 1,1 kg/con trở lên) chỉ ở mức 12.800 - 13.200 đồng/kg. Giá cá đạt chuẩn loại 1 có nhích lên 14.000 - 14.200 đồng/kg. Tính đến hết tháng 8 và đầu tháng 9/2008 các doanh nghiệp sẽ thu mua hết cá tra, ba sa quá lứa tồn đọng tại ĐBSCL. Tuy nhiên, với giá này, mỗi ký cá bán cho doanh nghiệp người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg.

Từ đầu năm 2008 đến nay, do có sự cạnh tranh gay gắt giữa tôm thẻ chân trắng và tôm sú về giá cả, thị trường xuất khẩu, đã khiến giá tôm sú giảm liên tục. Nhiều hộ dân vay tiền để đầu tư nuôi tôm sú nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều hộ tua lỗ nặng nề. Ngoài yếu tố giá cả còn do thời tiết không thuận, con giống nuôi kém chất lượng,... Tại vùng ĐBSCL, Cà Mau là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị chết nhiều nhất (636 ha), trong đó, phần lớn tôm ở giai đoạn từ 40 - 80 ngày tuổi, mắc các bệnh đỏ thân, đốm trắng,... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là do các yếu tố môi trường dao động lớn và chất lượng con giống kém.

Hiện nay, sau khi nuôi cá tra, basa không có lãi, bà con nông, ngư dân ở ĐBSCL chuyển sang nuôi nhiều loài thuỷ đặc sản khác, trong đó nuôi cá chình đang cho lợi nhuận nhiều nhất. Cá chình khá dễ nuôi, tập tính của chúng giống như cá bống tượng; thức ăn chủ yếu của chúng là tép, cá tạp, ốc bươu vàng xay nhuyễn... mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần. Giá thành sản xuất cá thương phẩm bao gồm con giống, đào ao, thức ăn,…khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi giá bán trên thị trường hiện nay là 300.000 đồng/kg, loại 3–4kg/con giá bán trên 350.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 200.000 đồng/kg.

Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL tiếp tục giảm. Tính đến ngày 15/8/2008, diện tích thả nuôi của các tỉnh An Giang là 1.392 ha, Cần Thơ - 1.250 ha, Đồng Tháp - 630 ha, Bến Tre - 563 ha, Vĩnh Long - 221 ha, Sóc Trăng - 212 ha, Hậu Giang - 171 ha và Tiền Giang - 118 ha. Đáng lo ngại là các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang có xu hướng giảm công suất hoạt động đến cuối năm. Cả người nuôi và hộ sản xuất cá giống đang gặp khó khăn do bán không được cá giống, bán cá với giá rẻ do quá lứa lại tiêu tốn nhiều thức ăn. Hiện nay, giá cá tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ chỉ ở mức 14.000 đồng/kg đối với cá tra thịt trắng và 12.000 đồng/kg cá tra thịt vàng, với giá này người nuôi lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Người nuôi treo ao nghỉ nuôi không chỉ do bị lỗ, mà còn do nhiều nguyên nhân khác như khó vay vốn nuôi tiếp, tiêu thụ gặp trở ngại, phải bán chịu cho các doanh nghiệp chế biến trong thời gian dài, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng. Trước đây người nuôi được nợ gối đầu từ 1 - 2 tháng cuối vụ khi mua thức ăn của các nhà máy, nhưng hiện nay do giá nguyên liệu tăng cao, gặp khó khăn về vốn nên người nuôi cá phải thanh toán tiền mặt 100% trước khi nhận thức ăn, trong khi cá quá lứa lại phải bán với giá thấp.

Dự kiến trong những tháng cuối năm 2008, nguyên liệu đang là mối lo lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản do sau thời gian người nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL lỗ nặng, nhiều hộ không còn khả năng tiếp tục nuôi lại gây nguy cơ thiếu cá nguyên liệu trong quí IV/2008.

Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang thiếu lao động do vào vụ thu hoạch lúa hè thu và thu đông 2008; lúa được giá, nhiều lao động nông thôn bỏ việc làm tại các doanh nghiệp trở về quê làm nông nghiệp. Số lao động cần tuyển bổ sung trong vài tháng gần đây của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL đã lên đến cả chục ngàn người. Trong bối cảnh tình hình giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay, đi làm xa nhà với nhiều khoản chi phí phát sinh, khó tích luỹ, nhiều người muốn tìm được việc làm ở gần nhà.








tải về 211.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương