Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980



tải về 482.61 Kb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích482.61 Kb.
#13401
  1   2   3   4   5   6   7
Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980

Ngày 6/2/2006. Cập nhật lúc 10h 45'

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV  do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày




Ngày 16 tháng 12 năm 1976

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

 

Thưa các đồng chí đại biểu,

 

Tôi xin trình bày bản Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về: Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1976-1980.



 

Phần thứ nhất


Phương hướng, nhiệm vụ

và mục tiêu chung

 

Giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng kế hoạch 5 năm 1976-1980.



 

Đây là lúc chúng ta càng thấm thía những lời Di chúc của Hồ Chủ tịch mang lòng thương yêu vô hạn đối với quần chúng nhân dân, vạch ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta:

 

"Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.



 

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

 

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".



 

Kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải là một kế hoạch thật tốt.

 

Muốn vậy, kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải có sự bố trí chiến lược đúng, phát huy các lực lượng sản xuất bao gồm lực lượng lao động và phương tiện sản xuất, khai thác các tiềm năng, khơi động lực lượng của quần chúng, một sự bố trí chiến lược hợp cho 5 năm này và thuận với hướng tiến lên lâu dài. Đồng thời phải có tổ chức và biện pháp thực hiện có hiệu lực mạnh mẽ, rút được kết luận từ ưu điểm và khuyết điểm trong thời gian vừa qua, đáp ứng những yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân và của đời sống nhân dân.



 

*
*     *

Bước sang giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta phấn khởi và tự hào với những thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực.

 

Thực tiễn cách mạng rất phong phú chứng minh đường lối của Đảng vạch ra từ Đại hội III và được các hội nghị Trung ương từng bước bổ sung và cụ thể hoá phù hợp với những bước đi lên của cách mạng nước ta là rất đúng đắn.



 

Sau 20 năm cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà phần lớn thời gian phải làm đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, ngày nay trên miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân ta đã xây dựng một cách vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, với cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu của chủ nghĩa xã hội, với hệ tư tưởng và nền văn hoá mới, với cuộc sống mới và những con người mới.

 

Thực tiễn cách mạng trên miền Bắc đã làm nổi bật tác dụng lãnh đạo của Đảng, chế độ làm chủ tập thể của nhân dân, vai trò quản lý của Nhà nước, đã chứng minh sự tất yếu phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đã vạch rõ nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đã cho thấy tác động qua lại giữa xây dựng và cải tạo, giữa cải tạo và xây dựng, đã soi sáng sự gắn bó chặt chẽ, thành cơ cấu, giữa công nghiệp và nông nghiệp, đã đặt ra vấn đề tổ chức và quản lý với tất cả ý nghĩa quan trọng của nó.



 

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta có thêm nhiều năng lực sản xuất mới rất phong phú; kinh tế hai miền hỗ trợ và bổ sung cho nhau; tiềm lực kinh tế và tiềm lực mọi mặt của nước ta tăng lên gấp bội đã tạo ra những triển vọng rất to lớn, mở ra tiền đồ xán lạn cho Tổ quốc ta.

 

Những bài học và những kinh nghiệm về xây dựng và quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cùng với những kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước kể từ sau ngày chiến thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, là vô cùng quý báu đối với chúng ta.



 

Cũng như trước đây trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngày nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, chúng ta ra sức phát huy truyền thống và bản lĩnh của dân tộc, động viên mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, tranh thủ sự ủng hộ của anh em và bè bạn, vận dụng một cách thông minh những bài học lớn vào việc phát triển kinh tế và văn hoá.

 

Như bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày đã vạch rõ, đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội là: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".



 

Đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: "Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tăng cường quan hệ phân công, hợp tác, tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi; làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc".

 

Kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải vận dụng đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng hợp với tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội hiện nay, đồng thời mở ra hướng tiến lên tốt đẹp của cả nước ta.



 

ánh sáng của đường lối của Đảng làm nổi bật những thuận lợi to lớn và cơ bản, những khó khăn tạm thời trong bước trưởng thành, cho thấy rõ nền kinh tế của chúng ta là một nền kinh tế đang trên đà lớn mạnh, bản thân nó có sức sống mãnh liệt, với những khả năng dồi dào cho phép đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh.

 

Chúng ta có đội ngũ 22 triệu người lao động, mỗi năm tăng thêm chừng 1 triệu người lao động mới; trong đội ngũ đó hiện có nửa triệu cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và một triệu công nhân có nghề. Chúng ta có một diện tích đất nông nghiệp có thể mở rộng đến hơn 10 triệu hécta và làm nhiều vụ trong năm; 3.200 kilômét bờ biển và vùng biển rộng lớn; hàng chục triệu hécta rừng và đất rừng; nguồn năng lượng đa dạng và nhiều loại khoáng sản đủ để xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; đường giao thông thuận lợi cho giao lưu trong nước và với nước ngoài. Chúng ta có một số cơ sở công nghiệp nặng, một hệ thống công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, một khối lượng thiết bị, máy móc, vật tư mà hiện nay chúng ta chưa tận dụng hết khả năng.



 

Lao động dồi dào, tài nguyên phong phú và những cơ sở vật chất - kỹ thuật nói ở trên, hiện nay phân bố chưa hợp lý, chưa thành một cơ cấu kinh tế cân đối và đồng bộ, chưa được quản lý tốt, cho nên nguồn tạo của cải thì nhiều mà khối của cải được sản xuất ra chưa tương xứng. Trong tình trạng đó đã nảy sinh nhiều sự lãng phí, nhiều điều khó khăn và những hiện tượng kinh tế, xã hội tiêu cực mà chúng ta phải đấu tranh để khắc phục.

 

Những khó khăn và những chỗ yếu, kém kể trên bắt nguồn từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh nhiều năm và chủ nghĩa thực dân mới phá hoại nặng nề.



 

Để thực hiện đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải thực hiện một sự bố trí chiến lược đúng đắn, nhằm hai mục tiêu cơ bản:

 

1. Xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước mà bộ phận chủ yếu là cơ cấu công - nông nghiệp.



 

2. Cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.

 

Làm tốt hai việc đó là chuẩn bị cơ sở và tiền đề, tạo ra bàn đạp để đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những kế hoạch tiếp sau.



 

Xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong 5 năm 1976-1980 đòi hỏi phải tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lao động, đi đôi với một chính sách đầu tư đúng hướng nhằm sử dụng tốt nhất lực lượng lao động, các thiết bị, máy móc, vật tư, tác động ngay đến các loại tài nguyên cần khai thác trước nhất và nhanh nhất, tăng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân theo một nhịp độ nhanh. Đồng thời, phải bước đầu hình thành một cơ cấu kinh tế phù hợp với đường lối của Đảng, quán triệt nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cho phép giải quyết tốt các mối quan hệ lớn của nền kinh tế quốc dân, như đã được nêu rõ trong đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

 

Cải thiện một bước đời sống của nhân dân (đặc biệt chú trọng nhân dân các vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề) là nhằm trước hết những nhu cầu thông thường về ăn, mặc, ở, đồ dùng hàng ngày, về học tập, bảo vệ sức khoẻ..., thực hiện phân phối công bằng, hợp lý, thuận tiện cho nhân dân, chú trọng những tầng lớp nhân dân lao động hiện đang làm những việc khó khăn, nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật cao, sản xuất nhiều sản phẩm quý, xây dựng những công trình quan trọng. Đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất, phải chú trọng cải thiện đời sống văn hoá của nhân dân, tạo ra cuộc sống mới, với những quan hệ xã hội tốt đẹp, là nguồn phấn khởi và niềm vui của người lao động.

 

Theo hai mục tiêu trên đây, những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976-1980 là:



 

1. Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp; phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm (bao gồm cả thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp) nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng thông dụng; cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, tạo tích luỹ cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

 

2. Phát huy năng lực sẵn có và xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là cơ khí, nhằm phục vụ trước hết cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp nhẹ, chuẩn bị cho bước trang bị kỹ thuật trong thời kỳ tiếp theo. Tích cực mở mang giao thông vận tải; tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản; đẩy mạnh công tác khoa học - kỹ thuật. Chuẩn bị về mọi mặt để triển khai xây dựng lớn trong những kế hoạch dài hạn sau này.



 

3. Sử dụng hết mọi lực lượng lao động xã hội; tổ chức và quản lý tốt lao động, phân bố lại lao động giữa các vùng và các ngành nhằm tăng rõ rệt năng suất lao động xã hội. Hình thành bước đầu cơ cấu kinh tế mới công - nông nghiệp, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, từng bước xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

 

4. Hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; cải tiến mạnh mẽ công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính, ngân hàng.



 

5. Tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, trước hết là sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài.

 

6. Ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, tiến hành cải cách giáo dục, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân; thanh toán hậu quả của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới về mặt xã hội.



 

7. Thực hiện một sự chuyển biến sâu sắc trong tổ chức và quản lý kinh tế, xây dựng một hệ thống mới về quản lý kinh tế trong cả nước.

 

Sự bố trí chiến lược trên đây trong 5 năm này là hết sức cần thiết và thuận lợi; nó đáp ứng những yêu cầu rất cấp bách, đồng thời nó phát huy những thế mạnh nhất của chúng ta là nguồn lao động dồi dào, đất đai và những tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước ta.



 

Nhưng, có thể có những đồng chí lo ngại rằng trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, chúng ta tập trung lực lượng phát triển nông nghiệp và một số ngành như đã trình bày, thì có coi nhẹ công nghiệp nặng không? Không một chút nào, vì rằng:

 

1. Tập trung lực lượng phát triển nông nghiệp chủ yếu là tập trung lực lượng các ngành công nghiệp nặng để trang bị cho nông nghiệp; nếu không như vậy thì nông nghiệp nhất định không thể nào vươn lên được.



 

2. Nông nghiệp cùng lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phát triển nhanh chóng sẽ là cơ sở cho sự phát triển với nhịp độ nhanh của các ngành công nghiệp nặng.

 

Khâu trung tâm của toàn bộ sự lớn lên của nền kinh tế quốc dân là cơ cấu công - nông nghiệp ngày càng hiện đại, gắn liền với sự kết hợp kinh tế trung ương và kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Có thể ví cơ cấu công - nông nghiệp ngày càng hiện đại như bộ xương của cơ thể con người, bộ xương có lớn lên vững mạnh và cân đối thì toàn bộ cơ thể mới phát triển đều đặn và tráng kiện.

 

Nội dung chính của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 gồm hai bộ phận liên quan chặt chẽ với nhau, một bên đóng vai trò cơ sở là nông nghiệp, cùng với lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng, một bên đóng vai trò chủ đạo là công nghiệp nặng, trước hết là cơ khí cùng các ngành công nghiệp nặng khác.



 

Muốn đẩy mạnh các ngành cơ sở phát triển bao nhiêu, thì phải phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp nặng bấy nhiêu, đồng thời cơ sở càng phát triển, thì càng đòi hỏi công nghiệp nặng vươn lên, cung ứng tư liệu sản xuất, trang bị kỹ thuật cho các ngành cơ sở.

 

Cơ cấu những ngành chủ yếu đó phải được bố trí hợp lý trên quy mô cả nước cũng như ở từng vùng lãnh thổ, từng tỉnh, huyện, kết hợp chặt chẽ kinh tế trung ương và kinh tế địa phương. Đó là chính sách cơ cấu đúng đắn, nó mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của nền kinh tế quốc dân.



 

Như vậy, những chủ trương lớn của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 thể hiện nội dung cách mạng và khoa học của đường lối của Đảng vận dụng đúng đắn và sáng tạo quy luật phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, từ sản xuất nhỏ tiến thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

 

Trong quá trình tiến lên của nền kinh tế quốc dân, công nghiệp nặng sẽ phát triển với tốc độ ngày càng cao, quy mô ngày càng lớn. Công nghiệp nặng ngày càng được cung ứng nhiều hơn về vốn đầu tư, lực lượng lao động và các lực lượng sản xuất khác, sẽ phát triển nhanh hơn các ngành khác, để trang bị kỹ thuật mới cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong khi đó, nông nghiệp tiếp tục được coi trọng, cũng lớn lên không ngừng dưới tác động chủ đạo của công nghiệp nặng, để luôn luôn làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp nặng.



 

Trong suốt quá trình tăng cường lực lượng sản xuất, hai mặt xây dựng và cải tạo gắn liền nhau, tác động qua lại với nhau, làm cho quan hệ sản xuất ngày càng được củng cố và hoàn thiện, kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã đều lớn lên.

 

Đồng thời, đó cũng là quá trình giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ cả về lượng và về chất, nông dân xã viên ngày càng chuyển theo quan điểm tư tưởng của giai cấp công nhân và phong cách lao động công nghiệp, người lao động dần dần được công nhân hoá, con người mới nảy nở dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, về tư tưởng, chính trị cũng như mọi mặt của đời sống, ngày càng hấp thụ và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin.



 

Tương lai tươi sáng đó mở đầu từ kế hoạch 5 năm này. Những viên đá nền tảng được đặt đúng chỗ và xây vững vàng, thì trên cơ sở đó cả sự nghiệp sẽ lớn lên.

 

Có đồng chí lo ngại: hiện nay chúng ta gặp khó khăn vì thiếu vật tư, và đây là các loại vật tư nhập khẩu từ nước ngoài (nhất là đối với những cơ sở sản xuất ở miền Nam). Khó khăn đó mọi người chúng ta đều biết, và xét cho cùng, đó là khó khăn của bước đường đi lên. Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải nhìn một cách rộng lớn hơn những vướng mắc cụ thể của từng ngành, từng đơn vị sản xuất. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước biết bao công việc hoàn toàn có thể làm được với vật tư trong nước hoặc vật tư ta đang nhập khẩu, với lực lượng lao động và đội ngũ người làm khoa học - kỹ thuật của nước ta. Trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các ngành, nghề sản xuất hàng tiêu dùng, cho đến các ngành công nghiệp nặng như cơ khí, hoá chất, năng lượng, vật liệu xây dựng, khả năng tự lực cánh sinh, sáng chế phát minh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta thật là rộng lớn. Chỉ cần tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết chiến quyết thắng, thì thông minh và sáng tạo sẽ nảy nở và chiến công sẽ đến với những người chiến sĩ kiên cường. Cũng phải thấy rằng chỉ có dựa vào sức mình là chính để phát triển kinh tế, phát triển nhanh hơn mức bình thường các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu, thì chúng ta mới có khả năng nhập khẩu những mặt hàng mà chúng ta phải nhập, và ngày càng phải nhập nhiều hơn, nhất là các loại thiết bị và vật tư mà ta chưa sản xuất được.



 

Cũng có đồng chí lo ngại về trình độ và năng lực, trình độ lý luận Mác - Lênin, trình độ chính trị, năng lực quản lý, năng lực tổ chức. Đúng, chỗ yếu đáng lo nhất của chúng ta hiện nay là năng lực quản lý, năng lực tổ chức. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại bài học của hai cuộc kháng chiến. Phải đánh 9 năm mới thắng trận Điện Biên Phủ. Phải đánh hơn 15 năm mới có Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trình độ và năng lực về mọi mặt của chúng ta trong việc thực hiện đường lối chung và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ lớn lên trong quá trình phấn đấu nhằm biến những chỉ tiêu của kế hoạch thành hiện thực sinh động.

 

Lịch sử chỉ đặt ra những vấn đề mà điều kiện giải quyết đã sẵn có hoặc đang xuất hiện. Nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 đòi hỏi chúng ta phải lớn lên nhanh chóng về mọi mặt, phải tiến nhanh, phải cố gắng tiến rất nhanh về năng lực và trình độ quản lý nền kinh tế quốc dân.



 

Tóm lại, kế hoạch 5 năm đầu tiên sau chiến tranh ở nước ta đặt nhiệm vụ kết hợp phát triển công nghiệp với nông nghiệp trong một cơ cấu kinh tế thống nhất, trên phạm vi cả nước và trên địa bàn từng địa phương, là bước đi hợp lý nhất; tất nhiên, trong quá trình thực hiện phải tuỳ điều kiện địa lý và tài nguyên thiên nhiên từng nơi, mà kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lâm nghiệp, hoặc kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và ngư nghiệp.

 

Một loạt vấn đề trọng yếu và cấp bách đang và sắp được giải quyết trong kế hoạch 5 năm này, đồng thời một loạt vấn đề mới khác, to lớn hơn, sẽ đặt ra trước mắt chúng ta và phải tiếp tục được giải quyết trong những năm sau. Đây chính là tính liên tục của quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chúng ta không một chút nào coi nhẹ tăng cường quốc phòng, và tăng cường quốc phòng gắn liền với phát triển kinh tế, phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trang bị cho mọi người dân ý chí chiến đấu để bảo vệ thành quả của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa vĩ đại tự tay mình đã dựng lên.



 

Sự bố trí chiến lược của kế hoạch 5 năm đòi hỏi tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng lao động, biến cả nước ta thành một công trường. Đó là công trình tổ chức và quản lý có quy mô to lớn và tính chất phức tạp chưa từng có, đặt ra biết bao yêu cầu cấp bách, đòi hỏi giải quyết biết bao vấn đề mới mẻ.

 

Các cơ quan quản lý nền kinh tế quốc dân từ trung ương đến địa phương và cơ sở phải biết sử dụng một cách hợp lý lực lượng sản xuất hiện có và khả năng tiềm tàng có thể sử dụng được trong việc phát triển ngành, nghề, phát triển sản xuất theo chiều sâu và chiều rộng, thu hút toàn bộ lực lượng lao động của xã hội vào sản xuất và vào mọi công việc cần thiết khác; hàng năm thu hút thêm gần một triệu sức lao động mới. Đây là nguồn vốn quý báu nhất làm ra mọi của cải vật chất và văn hoá, làm thay đổi hàng ngày, hàng giờ bộ mặt của đất nước ta, làm nên những thành tựu kỳ diệu mà chúng ta chưa lường hết được, đưa nước ta, từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thành một nước giàu mạnh, văn minh, với nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên đà phát triển mạnh mẽ.



 

Phần thứ hai


Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu phát triển

các ngành kinh tế và văn hoá

 

Thưa các đồng chí,

 

Theo những nhiệm vụ và mục tiêu nêu ở phần trên, kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 phải tận dụng hợp lý nhất và càng nhanh càng tốt mọi lực lượng sản xuất hiện có, bao gồm lực lượng lao động, các nguồn lợi thiên nhiên và phương tiện vật chất, trong đó quan trọng nhất là lao động và đất đai.



 

Việc tận dụng các lực lượng sản xuất theo tinh thần đó đòi hỏi tất yếu phải đặt lên hàng đầu công cuộc phát triển nền nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Phấn đấu đạt một bước tiến vượt bậc về nông nghiệp là nhiệm vụ cao nhất và cấp bách nhất của kế hoạch 5 năm này.

 

Một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lâm nghiệp, ngư nghiệp, đề ra những yêu cầu rất lớn đối với các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đối với xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, lưu thông phân phối, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển cân đối, nhịp nhàng và với tốc độ cao, một bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong kế hoạch 5 năm tiếp sau.



 

Triển vọng mới, tốt đẹp, mở ra trên lãnh thổ nước ta, từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông, với sự xuất hiện những vùng nông nghiệp chuyên môn hoá và thâm canh, những vùng kinh tế mới có cơ cấu thích hợp với đồng bằng, trung du, miền núi và ven biển, đưa tới sự hình thành và phát triển nhiều ngành,nghề mới rất phong phú.

 

Trọng tâm của toàn bộ công cuộc tổ chức lại nền sản xuất xã hội là phân bố lại và sử dụng tốt 22 triệu người lao động; cùng với sự phân bố lại lao động và dân cư, là sự bố trí lại tương ứng các thiết bị, máy móc, vật tư hiện có, và sự phân phối tương ứng các nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch 5 năm này.



Với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đồng đầu tư trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, chúng ta dành gần 30% cho nông nghiệp; 35% cho công nghiệp.

 

Một triệu hécta đất canh tác được mở rộng, cùng với những cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp được xây dựng mới; tăng thêm ba triệu hécta đất gieo trồng. Hơn một triệu hécta rừng được trồng mới hoặc được tu bổ, cải tạo. Nhiều cơ sở mới tăng lên trong công nghiệp rừng, ngư nghiệp, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng. Một số cơ sở công nghiệp nặng có nhu cầu cấp bách được xúc tiến xây dựng để phát huy tác dụng trong 5 năm này, một số cơ sở quan trọng khác sẽ được bắt đầu khởi công, để phát huy tác dụng trong kế hoạch sau.


Каталог: coltech -> sites -> default -> files
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Cơ học kỹ thuật
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> I- nhậN ĐỊnh tình hình miền bắC
files -> Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đảng Cộng sản Việt Nam
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 2020 Ngày 4/3/2011. Cập nhật lúc 16
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 2010 Ngày 12/7/2003. Cập nhật lúc 15
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Khoa học máy tính

tải về 482.61 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương