PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI



tải về 208.68 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích208.68 Kb.
#37988
  1   2   3

PHẦN THỨ NHẤT: VĂN HỌC THĂNG LONG - HÀ NỘI




VĂN HỌC DÂN GIAN




VIỆC NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA HÀ NỘI


TỪ XƯA ĐẾN NAY1

Đinh Gia Khánh

Việc tìm hiểu văn hóa dân gian (folklore) của Hà Nội đã được quan tâm từ rất lâu, từ hàng nghìn năm nay rồi.

Tình hình ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung có hai nguyên nhân cơ bản.

Một là vì khi nói đến văn hóa Việt Nam thì khá nhiều tác giả lại thấy cần phải trước hết đề cập đến Hà Nội, nơi tiêu biểu nhất và cũng là nơi tập trung nhất tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Hai là vì văn hóa dân gian của Hà Nội phong phú vào bậc nhất ở nước ta, có bề dày lịch sử rất lớn, lại có sự phát triển liên tục từ mười thế kỷ qua, nếu tính từ khi Lý Công Uẩn định đô ở thành phố này và đặt cho nó cái tên là Thăng Long. Nếu tính từ thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc, tức là từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì lịch sử văn hóa dân gian của vùng Hà Nội muộn nhất cũng bắt đầu với việc xây dựng thành Cổ Loa (thế kỷ III trước công nguyên).

Việc tìm hiểu văn hóa dân gian của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thể hiện ở những dạng thức và trình độ khác nhau, từ việc miêu tả các hiện tượng, sưu tập các hiện tượng theo những hệ thống nào đó đến việc giải thích các hiện tượng ấy theo cách nhìn huyền thoại, theo cách nhìn của Nho gia, hoặc là theo quan điểm khoa học của phương Tây. Cuối cùng, việc tìm hiểu văn hóa dân gian Hà Nội đã vươn lên quan điểm của chủ nghĩa xã hội, khoa học. Và bên cạnh việc miêu tả giải thích các tác giả đã quan tâm tới các vấn đề lý luận của khoa Hà Nội học.

Trước hết, cần thấy rằng trong văn hóa dân gian, có những tác phẩm đã tìm cách giải thích những hiện tượng, di tích, sự kiện lịch sử của Hà Nội theo cách nhìn của nhân dân.

Có thể thấy tình hình ấy qua sự tích Hồ Tây. Nhân dân đã giải thích sự hình thành Hồ Tây theo những cách khác nhau. Từ lâu rồi, đã lưu hành truyền thuyết về việc Lạc Long Quân đánh đuổi con cáo chín đuôi, một quái vật đã gây ra nhiều tai họa cho dân. Bị Lạc Long Quân đánh đuổi, con cáo chín đuôi chạy cuống cuồng, chạy quanh nhiều vòng khiến cho đất sụt lở, và nơi ấy trở thành Hồ Tây. Con cáo chín đuôi sau cùng trốn vào một cái hang sâu không dám ra ngoài để làm hại dân nữa. Hang ấy gọi là hang Cáo, hiện còn vết tích ở thôn Cáo Đỉnh, thuộc làng Xuân Đỉnh, phía bắc Hồ Tây hiện nay. Bên cạnh cách giải thích sự hình thành Hồ Tây như thế lại có cách giải thích khác liên quan đến Nguyễn Minh Không, tức Lý triều quốc sư. Vâng lệnh vua nhà Lý, Nguyễn Minh Không đã sang Trung Quốc vay số đồng chứa trong mấy nhà kho đồng của vua Trung Quốc đem về đúc một quả chuông khổng lồ cho chùa Báo Thiên. Khi đem treo quả chuông và gõ lên thì tiếng vang bay sang Trung Quốc. Con trâu vàng trong kho vàng của vua Trung Quốc nghe tiếng chuông, tưởng mẹ nó gọi, bèn chạy sang nước ta, vết chân của nó làm thành con sông Kim Ngưu ở Thăng Long. Sau cùng, nó chạy quanh một vòng phía Bắc Thăng Long, làm cho Hồ Tây mở rộng ra, sụt sâu thêm. Tiếp đó, con trâu vàng ấy lặn sâu dưới nước, nằm im dưới đáy hồ. Ai có mười con trai thì có thể sai mười người con ấy lặn xuống Hồ Tây mà kéo con trâu vàng ấy lên. Hiềm một nỗi chưa ai có được mười con trai để có thể làm việc ấy mà trở nên giàu có.

Bên cạnh việc giải thích sự hình thành Hồ Tây, lại có những sự tích về cái tên Hồ Hoàn Kiếm, cái tên Đầm Mực, cái tên sông Tô Lịch, v.v...

Tất cả những sự tích ấy đều giải thích các địa danh ấy của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội theo cách nhìn huyền thoại. Dù sao, qua các sự tích ấy, có thể rút được kết luận là : những địa điểm, những danh thắng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, từ lâu đã được nhân dân quan tâm tìm hiểu và giải thích.

Trong thời Bắc thuộc, người Trung Quốc cũng có ghi chép về thành Tống Bình (ở địa phận quận Ba Đình ngày nay) và về thành Đại La. Đáng chú ý là việc ghi chép sự tích quan đô hộ nhà Đường tên là Lý Nguyên Gia đi trên dòng sông Tô Lịch để tìm địa thế lập phủ thành đô hộ và sau đó xây thành Đại La.

Sử sách của nước ta ghi chép về phong vật của kinh đô nước Đại Việt từ đời Lý đến nay thì đời nào cũng có. Trước hết, phải kể đến bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ. Trong bài Chiếu đời đô, Lý Thái Tổ đã phân tích sâu sắc ý nghĩa địa - chính trị (géo - politique) của nơi đóng đô mới mà nhà vua sẽ đặt tên là Thăng Long. Nhà vua viết rằng nơi ấy "ở vào chính giữa bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí thích trung với bốn phương đông, tây, nam, bắc, tiện cả hai bề núi sông quay vào ngoảnh ra. Địa thế vừa rộng rãi lại vừa bằng phẳng, đất đai vừa cao ráo lại vừa sáng sủa, dân cư không khổ vì tối tăm ẩm thấp, muôn vật đều phong phú tốt tươi, là nơi then chốt của bốn phương hội lại và cũng là chốn thượng đô của đế vương muôn đời". Và nhà vua cho biết là dời đô đến nơi ấy vì "muốn đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu muôn đời", vì "trên theo mệnh trời, dưới chiều lòng dân, thấy thuận lợi mới thay đổi, thì vận nước vững bền, phong tục giàu thịnh".

Nhận thức về kinh đô Thăng Long của Lý Thái Tổ sẽ trở thành nhận thức của các nhà cầm quyền cũng như của các nhà văn hóa nước Đại Việt trong hàng nghìn năm. Và các nhà văn hóa Đại Việt viết khá nhiều về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Trong sách Việt điện u linh (viết năm 1329) của Lý Tế Xuyên và sách Lĩnh nam chích quái do Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV) và Vũ Quỳnh, Kiều Phú (cuối thế kỷ XV) kế tục nhau biên soạn, đều có những bài, những truyện liên quan đến Thăng Long. Đó hoặc là những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hoặc là nhân vật, sản vật và sinh hoạt văn hóa của Thăng Long, từ thế kỷ XIV trở về trước.

Nguyễn Trãi viết sách Dư địa chí năm 1435, trong điều mục thứ 15, đã miêu tả Thượng Kinh (tức Thăng Long, Đông Đô) với 36 phường với các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nổi tiếng.

Các bộ sử như Đại Việt sử lược (đời Trần), Đại Việt sử ký toàn thư (đời Lê), Việt sử thông giám cương mục (đời Nguyễn) đều có nhiều đoạn viết về Thăng Long và các sinh hoạt văn hóa ở đấy.

Trong đời Hậu Lê và đời Nguyễn, có rất nhiều tác giả viết về Thăng Long và đời sống văn hóa ở đấy, bao gồm cả văn hóa dân gian.

Các tác giả cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX như Lê Hữu Trác với Thượng Kinh ký sự, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án với Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục, Vũ Phương Đề với Công dư tiệp ký, Nguyễn Hành với Minh Quyên thi tập, Nguyễn Huy Lượng với Tụng Tây hồ phú, Đoàn Nguyễn Tuấn với Thi tập đều đã đề cập đến những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, trong đó có những nét liên quan đến văn hóa dân gian của Thăng Long.

Trong số các tác giả viết về văn hóa của Thăng Long đáng chú ý nhất là Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu.

Lê Quý Đôn (cuối thế kỷ XVIII), trong Kiến văn tiểu lục, đặc biệt là trong Thượng kinh phong vật chí, đã ghi chép về địa vực, nhân vật, nghề nghiệp, sản phẩm, phong tục và lối sống của Thăng Long. Phan Huy Chú (đầu thế kỷ XIX) trong Lịch triều hiến chương loại chí đặc biệt là trong các phần Dư địa chí, Nhân vật chí, Văn tịch chí, Lễ nghi chí đã viết về địa vực, nhân vật và văn hóa của Thăng Long.

Nguyễn Văn Siêu (giữa thế kỷ XIX), trong Phương Đình địa chí loại, đã dành một chương riêng viết về Thăng Long với các mục như : hình thể, địa vực, sản vật, đơn vị hành chính, di tích lịch sử.

Bên cạnh những tác giả quan trọng vừa nêu ở trên lại còn nhiều tác giả, khi viết văn, làm thơ hoặc khảo cứu, trước tác, đã lúc này lúc khác, đề cập đến văn hóa và phong vật của Thăng Long, đến nhiều tư liệu liên quan đến văn hóa dân gian.

Đáng chú ý là rất nhiều trước tác khuyết danh viết về văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng của Thăng Long lại được lưu trữ trong các tủ sách tư gia, hoặc ở chùa, đền, đình. Một số các trước tác ấy đã được in hoặc được sao chép và thuộc danh mục các sách ở thư viện của Viện Hán Nôm, của Viện Thông tin, Thư viện quốc gia, Thư viện Hà Nội và một số thư viện khác.

Ở đây hãy nêu một vài thí dụ về các tác phẩm ấy như : Bắc Thành địa dư chí lục, Long Biên bách nhị vịnh, Hà Nội sơn xuyên phong vực, Long thành cảnh trí, Long thành cổ tích khảo, Trấn Vũ quán lục, Tây Hồ chí, Thăng Long thành hoài cổ, Văn miếu nghi tiết, v.v... Ngoài các sách viết chung về thủ đô lại phải kể đến các xã chí, hương ước, hội biên của các làng và các phường.

Trong việc tìm hiểu văn hóa Hà Nội nói chung, văn hóa dân gian Hà Nội nói riêng, có không ít tác giả miêu tả được nhiều sự kiện phong phú, nhiều chi tiết sinh động. “Truyện Hà Ô Lôi” (Lĩnh Nam chích quái thế kỷ XIV), trong khi kể lại sự tích một nghệ nhân dân gian có tài đời Trần, đã phản ánh được sinh hoạt văn hóa dân gian ở Thăng Long trong thời ấy. Bài khảo cứu về "Cách uống chè" (Vũ trung tùy bút - đầu thế kỷ XIX) đã phản ánh sinh hoạt và thời thượng của dân Thăng Long hồi cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt là Lê Quý Đôn trong Thượng kinh phong vật chí thì đã miêu tả mọi mặt sinh hoạt vật chất và tinh thần của Thăng Long, trong đó có những nét rất cụ thể về lối sống và phong tục, tập quán của nhân dân Thăng Long thế kỷ XVIII.

Nhìn chung các tác gia xưa thường tỏ niềm tự hào về Thăng Long nghìn năm văn vật. Đầu thế kỷ XVI, trong bài Phụng Thành xuân sắc phú, Nguyễn Giản Thanh đã miêu tả Phụng Thành, tức thành Thăng Long với những lời lẽ đầy hào hứng như sau :

"... Sum một chốn y quan, lễ nhạc,



Vầy một nơi văn vật thanh danh

...

Cõi giữa bang trung,

Đứng trên quốc thượng,

Đỉnh Tản sơn hùm chiếm tây nam,

Dòng Nhĩ thủy rồng chầu đông bắc.

...

Chợ chợ nhà nhà, trăm dáng tựa đồ bôi tám bước ;

Thành thành thị thị, muôn tía chen thức ánh nghìn hồng".

Kể từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, các tác giả xưa thường coi Thăng Long là nơi thắng địa, hơn nữa là nơi linh địa. Các tác giả xưa đã cho rằng Thăng Long là nơi hội tụ của linh khí núi sông. Quan niệm về linh khí núi sông ấy đượm màu thần bí. Nhận thức ấy, qua sự khúc xạ của một thứ tự nhiên thần luận (déisme) như thế, dù sao cũng đã phản ánh một thực tế : đó là vị trí địa - chính trị (position géopolitique) và vị trí địa - văn hóa (position géo-culturelle) của Thăng Long. Với nhận thức đúng về vị trí địa - chính trị và địa - văn hóa của Thăng Long, các bài văn, bài thơ, các bài khảo cứu của các tác gia xưa nhiều khi đã tiếp cận được chân lý.

Xuất hiện muộn hơn các tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của các tác giả Việt Nam, các trước tác của học giả phương Tây cũng góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu văn hóa dân gian nước ta nói chung, văn hóa dân gian của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng.

Tác giả phương Tây viết về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội sớm nhất có lẽ là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Trong sách Histoire du Royaume du Tonquin (Lịch sử của vương quốc Đông Kinh - viết năm 1646), ông đã miêu tả phố xá Thăng Long, các lễ hội, các đám rước ở đó hồi thế kỷ XVII.

Các trước tác như A description ò the kingdom Tonqueen 1680 (Miêu tả vương quốc Đông Kinh) của Samuel Baron, Voyages and discoveries 1658 (Các chuyến du lịch và các phát kiến) của William Dampier, Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tonkin et de Lao - 1666 (Du ký mới và kỳ thú về các vương quốc Đông Kinh và Lào) của C.F.Marini, Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin - 1778 (Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị của Đông Kinh) của Abbé Richard, Report by Sir B.Robertson respecting hí visit to Tonkin - 1786 (Báo cáo của Huân tước B.Roberton về chuyến du lịch đến Đông Kinh) của Robertson là những tư liệu cổ của người phương Tây viết về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Trong các trước tác ấy, họ đã gọi Đông Đô là Đông Kinh. Triều đình Lê Trịnh khi ấy đóng đô ở Đông Đô tức là Đông Kinh đã cai trị cả xứ Đàng Ngoài (Bắc Hà). Do đó họ lại gọi cả xứ Đàng Ngoài là Đông Kinh tức Tonquin, (Tonqueen hoặc Tonkin).

Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, sau khi nước ta trở thành thuộc địa của Pháp, các tác giả Pháp đã viết khá nhiều về Hà Nội. Trong các tạp chí như B.E.F.E.O., B.S.E.I., Indochine v.v... có nhiều tài liệu sưu tầm điền dã, và nhiều công trình khảo cứu liên quan đến Hà Nội của học giả Pháp. Trong số ấy đã nổi bật lên những công trình như Hanoi et ses environs - 1892 (Hà Nội và các vùng phụ cận) của Ch. Halais, Hanoi Notes de geographie urbaine de Hanoi - 1895 (Ghi chép về địa lý đô thị của Hà Nội) và Les origines de Hanoi - 1858 (Nguồn gốc của Hà Nội) của G.Azambre, Hanoi pendant la période héroique 1929 (Hà Nội trong thời đại anh hùng) của A.Masson, Le temple royal confuceén de Hanoi - 1884 (Văn Miếu Hà Nội), Le temple des deux Dames 1884 (Đền Hai Bà), Les Pagodes de Hanoi, 1887 (Các chùa ở Hà Nội), Le Grand Bouddha de Hanoi 1888 (Tượng Quán Thánh ở Hà Nội) và Une fête religieuse annamite au village de Phù Đổng - 1883 (Một lễ hội ở làng Phù Đổng) của G.Dumoutier, Le théâtre annamite 1912 (Sân khấu An Nam) của G.Cordier, Connaissames du Viet Nam - 1954 (Hiểu biết về Việt Nam) của P.Huard và M.Durand - La Pagode Lý Quốc Sư - 1949 (Chùa Lý Quốc Sư) của M.Durand, Matières alimentaires au Ton kin - 1918 (Thức ăn Bắc Kỳ) và La fabrique du papier au Tonkin - 1907 (Nghề làm giấy ở Bắc Kỳ) của Ch.Crevost, La poterie indigene au Tonkin - 1912 (Nghề gốm bản xứ ở Bắc Kỳ) của A.Barbotin, Les ouvriers d'art au Tonkin - 1993 (Những người thợ mỹ nghệ ở Bắc Kỳ) của M.Bernadose, Notes sur l'inerustation du TonKin - 1882 (Ghi chép về nghề thảm ở Bắc Kỳ) của Kergaradec, Les artisans et l'industrie autrefois et aujourd'hui - 1887 (Những nghệ nhân thủ công và kỹ nghệ xưa và nay) của Lemoine, La soufflerie de bijouterie et du forgeron - 1937 (Bễ của thợ bạc và của thợ rèn) Outillage artisanal, 1939 (Dụng cụ thủ công mỹ nghệ An - Nam), Notes sur les terres cuites du Nord Vietnam - 1955 (Ghi chép về đồ đất nung ở Bắc Việt Nam) Prosédés de fonderie artisanale au Tonkin - 1956 (Các phương pháp đúc thủ công ở Bắc Kỳ) của R.Mercier. Les Maitres laqueurs de Hanoi - 1941 (Các bậc thầy nghề sơn của Hà Nội), La laque - 1941 (Sơn mài), L'woire - 1942 (Chạm khắc ngà) của Passignat, L'industrie des foss - sticks au Tonkin - 1890 (Nghề làm hương ở xứ Bắc Kỳ) của Pougat, Les Jardins en miniature - 1941 (Vườn cảnh) của R.Stein, v.v...

Học giả phương Tây, đặc biệt là học giả Pháp, từ hơn một thế kỷ qua, đã có vai trò khá lớn trong việc đưa các phương pháp khoa học hiện đại vào việc nghiên cứu văn hóa nước ta nói chung, văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng. Những quy trình và thao tác của các khoa học xã hội như khảo cổ học, dân tộc học, sử học, văn học, ngôn ngữ học, v.v... đã đều được họ vận dụng trong việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa vùng Hà Nội nói riêng.

So sánh văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long với văn hóa các nước phương Tây, các thành thị phương Tây, họ đã thấy được những nét tương đồng cũng như những nét dị biệt. S.Baron đã so sánh các phố phường của Thăng Long hồi thế kỷ XVII với các phường hội ở thành thị châu Âu như sau : "Tất cả các thứ hàng trong thành phố (Thăng Long) đều mỗi thứ được bán riêng ở một phố mà mỗi phố lại dành cho một, hai hay nhiều làng mà những người của làng ấy mới được phép mở cửa hàng tại đây. Thật không khác gì các hội buôn hay các phường ở các thành thị châu Âu".(1)

Giáo sĩ Richard thì ghi chép về bến sông Nhĩ Hà như sau : "Số lượng thuyền bè rất lớn, đến nỗi khó mà lội xuống bờ sông. Những bến sông sầm uất của chúng ta, kể cả thành Vơ-ni-dơ(2), với tất cả thuyền bè lớn nhỏ ở đấy cũng không thể khiến người ta hình dung được cho đúng sự hoạt động buôn bán tấp nập và cư dân đông đúc ven sông Kẻ Chợ"(3).

Người phương Tây nhiều khi đã tỏ ra thán phục các công trình kiến trúc của Thăng Long. S.Baron đã viết về hoàng thành đời Lê hồi thế kỷ XVII như sau : "Khi đứng trước ba lớp tường thành và cung điện cổ, người ta phải lấy làm ngạc nhiên. Những di tích còn lại tỏ ra rằng thành ấy được xây rất vững chắc. Cung điện cổ có chu vi độ 6 hoặc 7 dặm. Cứ xem các cửa ngõ, sân và các gian nhà còn lại cũng đã biết lâu đài đó trước kia đẹp đẽ huy hoàng"(4).

Giáo sĩ Marini đã tả quang cảnh bên trong của hoàng thành Thăng Long thế kỷ XVII như sau : "Nếu ta đi từ kinh thành tức là từ khu phố xá mà vào triều đình nơi cung điện nhà vua ở... thì chúng ta sẽ trông thấy không những một tòa cung điện mà cả một khu xây dựng rất đẹp và rộng... Tuy cung vua chỉ xây dựng bằng gỗ nhưng ở đây có rất nhiều đồ vàng, đồ thêu, chiếu thảm rất tốt và đủ các màu sắc để tô điểm, thật không đâu sách kịp... Cung điện, nơi vua ở... là một lâu đài xây dựng trên một rừng cột rất chắc chắn. Kèo cột trong cung điện làm rất kỹ và rất đẹp, không nhà nào bằng..."(5)

Về mặt sinh hoạt văn hóa dân gian vùng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, học giả phương Tây cũng có những nhận xét độc đáo vì họ có điều kiện để so sánh với văn hóa của nước họ. Tiêu biểu nhất là trường hợp của G.Dumoutier.

Khảo sát hội Phù Đổng, ông đã cảm nhận được không khí trang nghiêm của hội Phù Đổng và tinh thần hào hứng của nhân dân khi tham dự hội ấy. Ông viết về lễ thức ở hội Phù Đổng như sau : "Chắc chắn rằng chưa có lễ Mixa nào mà Giáo hoàng cử hành lại được những người dự lễ im lặng theo dõi một cách chăm chú hơn, lại có những người trợ tế thấm nhuần sâu sắc hơn phận sự đáng kính, việc làm thiêng liêng của họ"(6). Và ông đặt câu hỏi : "Ở châu Âu cổ kính của chúng ta, thử hỏi có dân tộc nào lại có thể tự hào là còn được tiến hành kỷ niệm một sự kiện anh hùng trong lịch sử của bản thân đã diễn ra từ 2300 năm trước ?"(7)

Nhìn chung, các tác giả phương Tây phần lớn chưa thoát ra ngoài chủ nghĩa lấy Âu châu làm trung tâm (eurocentrisme). Một số không ít lại tìm hiểu văn hóa dân gian nước ta với một tinh thần hiếu kỳ, ngoại dị (exotisme). Tuy nhiên, với các quy trình, thao tác và phương pháp khoa học hiện đại, và nhiều khi còn bị chinh phục bởi cái đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng mà nhiều người cũng tiếp cận được chân lý. Hơn nữa, vì đến từ một nền văn hóa khác họ dễ phát hiện ra qua sự so sánh, những nét độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam. Có khi họ nhìn thấy rõ hơn bản chất của một số hiện tượng mà chúng ta vì quá quen thuộc cho nên không chú ý tới.

Khoa học hiện đại phương Tây đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà nghiên cứu Việt Nam trong non một thế kỷ qua. Từ năm 1945, đặc biệt là từ năm 1954 đến nay, phương pháp duy vật lịch sử và phương pháp duy vật biện chứng đã khiến cho các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian mác-xít đạt được những thành tựu lớn trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu của học giả nước ta thời kỳ Đại Việt, cũng như các học giả phương Tây thời kỳ cận và hiện đại.

Cổ nhất trong các tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ có đề cập nhiều đến văn hóa Hà Nội là tập bút ký nhan đề "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi" của Trương Vĩnh Ký viết năm Binh Tý 1876. Qua tác phẩm này có thể thấy được quang cảnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội vào năm Ất Hợi (1875), và nhiều mặt sinh hoạt của dân Hà Nội khi ấy.

Hồi nửa đầu thế kỷ XX, trong các báo và tạp chí, đặc biệt là các tạp chí Nam Phong, Đông Dương tạp chí, Ích Hữu, Tri Tân, Thanh Nghị, có nhiều bài viết về văn hóa dân gian Hà Nội.

Trong các tác giả Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nổi lên tên tuổi của những người như Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên.

Phan Kế Bính viết nhiều về phong tục tập quán của nhân dân ta, đặc biệt là sách Việt Nam phong tục. Trong sách ấy có đề cập nhiều tới phong tục tập quán của nhân dân Hà Nội. Nguyễn Văn Vĩnh viết về ca dao, tục ngữ Hà Nội, đặc biệt là hệ thống các bài nhan đề Trẻ con hát, trẻ con chơi. Phạm Quỳnh viết tác phẩm Le paysan du delta Tonkinois à travers le parler populaire (Nông dân châu thổ Bắc Kỳ qua lối nói dân gian) trong đó có nhiều ca dao, tục ngữ của vùng Hà Nội.

Nguyễn Văn Tố viết tác phẩm Paysages et monuments du Tonkin - 1942 (Các thắng cảnh và các công trình kiến trúc ở Bắc Kỳ) trong đó có nhiều thắng cảnh và đền chùa ở Hà Nội.

Nguyễn Văn Huyên viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp trong đó đề cập nhiều đến văn hóa dân gian Hà Nội. Đó là các tác phẩm Le costume annamite, son esvolution et son sens social - 1940 (Y phục An-nam, sự tiến hóa và ý nghĩa xã hội), Le culte des immortels en An-nam 1942 (Tục thờ cúng các vị bất tử ở An-nam), Les fêtes annamites du Doan Ngo - 1942 (Các lễ tiết An-nam về ngày Đoan Ngọ). Lami-automre - 1942 (Tết trung thu), Les fêtes de Phù Đổng - 1938 (Hội Phù Đổng) và đặc biệt là sách La civilisation annamite - 1994 (Văn minh Việt Nam).

Doãn Kế Thiện viết tác phẩm Hà Nội cũ - 1943 , Dương Tự Quán viết tác phẩm Các thắng cảnh Hà Nội ở Việt Nam 1923, Nguyễn Văn Tố viết Di tích thành Đại La - 1932, Vết tích thành Đại La - 1943, Những tên thành Hà Nội từ xưa đến nay - 1943, Nguyễn Văn Huyên viết Dấu cũ Loa Thành - 1941, Tiên Đàm (Nguyễn Tường Phượng) viết Tháp Báo thiên - 1938, Ứng Hòe (Nguyễn Văn Tố) viết Lịch sử vùng Hồ Tây - 1944, Trần Huy Bá viết Thành Thăng Long với cuộc đổi thay - 1941, Huyện Thăng Long với cuộc đổi thay - 1941, Huyện Thọ Xương với thành phố Hà Nội - 1942 , Trần Hàm Tấn viết, Tỉnh lỵ Hà Nội - 1944, Chu Ngọc Chi viết Phong dao, ca dao, phương ngôn tục ngữ - 1943, Nguyễn Văn Ngọc viết Tục ngữ phong dao - 1928, Anh Đạt viết Thi thả chim ở Hội Trèm - 1941, Lê Ta viết : Xem Hội Gióng - 1934, Nguyễn Công Tôn viết Nghệ thuật công truyền - 1935, v.v... Việc nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội của không ít tác giả Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX thường là tản mạn, không theo một kế hoạch, một phương hướng nhất định. Nhiều tác giả cũng chưa thể hiện được một phương pháp khoa học rõ rệt. Tuy nhiên, ngay cả các tác phẩm chỉ có tính chất miêu tả phiến diện, vụn vặt đi nữa cũng rất đáng quý vì đã lưu lại được nhiều tư liệu về những sinh hoạt văn hóa dân gian của Hà Nội ngày trước mà hiện nay không còn nữa.

Vả lại, những tác phẩm của Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Tường Phượng, nhất là của Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Tố đều có giá trị khoa học và đều thể hiện một niềm tin tự hào về những truyền thống văn hóa của Hà Nội.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, nhất là từ 1954 cho đến nay, việc nghiên cứu văn hóa dân gian ngày càng phát triển. Và dần dần việc nghiên cứu văn hóa dân gian được tiến hành một cách có phương hướng rõ ràng và có kế hoạch hơn trước kia.

Trong hơn hai mươi năm qua, giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam lại đã dần dần đưa việc nghiên cứu văn hóa dân gian lên thành một khoa học với quy phạm (discipline) ngày càng rành mạch và tinh tế hơn. Và đến năm 1983, việc thành lập Viện Văn hóa dân gian bên cạnh các viện khác nghiên cứu về khoa học xã hội (Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện văn hóa nghệ thuật…) đã phản ánh một yêu cầu mới, yêu cầu xử lý một cách khoa học những vấn đề văn hóa dân gian.

Trong những thành tựu của giới nghiên cứu trong bốn chục năm qua, có những thành tựu đáng kể về việc nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội.

Hoàng Đạo Thúy viết sách Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - 1969, sách Phố phường Hà Nội xưa - 1974, sách Người và cảnh Hà Nội - 1982, Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá viết sách Đường phố Hà Nội - 1979, Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản sách Danh nhân Hà Nội - 1973, Nguyễn Đổng Chi viết Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1958 - 1982) trong đó có nhiều tư liệu về văn hóa dân gian Hà Nội, Doãn Kế Thiện viết sách Cổ tích thắng cảnh Hà Nội - 1959, Đinh Gia Khánh viết sách Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám - 1968 (trong đó có nhiều tư liệu văn hóa dân gian Hà Nội), Cao Huy Đỉnh viết sách Người anh hùng làng Dóng - 1969, Bùi Văn Nguyên, Vũ Tuấn Sán viết sách Truyền thuyết ven Hồ Tây, Đinh Gia Khánh viết sách Ca dao Hà Nội xưa và nay - 1960, Vũ Ngọc Phan viết sách Tục ngữ và ca dao dân ca Việt Nam - 1956, trong đó có ca dao tục ngữ Hà Nội. Nhà xuất bản Văn học in sách Ca dao Việt Nam - 1983 trong đó có nhiều bài ca dao Hà Nội. Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản sách Ca dao ngoại thành Hà Nội - 1977. Nguyễn Thọ Sơn viết sách Hoa tay đất Rồng - 1976, Kim Thanh viết sách Trăm nghề trăm vẻ - 1960, Tạ Phong Châu viết sách Truyện các ngành nghề - 1977 trong đó có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Ngoài ra, trong các báo và tạp chí, đặc biệt là tạp chí Văn hóa dân gian, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tạp chí Văn học, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, các báo Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, Hà Nội mới, Nhân dân, v.v... rải rác đăng những bài nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, về văn nghệ dân gian Hà Nội, về các ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội, về các danh thắng Hà Nội, về các lễ hội dân gian Hà Nội, v.v... Trung tâm Văn miếu Quốc Tử Giám, Hội Văn nghệ Hà Nội, và giới Hà Nội học lại đang thực hiện nhiều công trình có giá trị (hiện chưa xuất bản) về danh lam thắng cảnh, về Văn miếu Quốc Tử Giám, về hội lễ dân gian Hà Nội v.v...



Trên cơ sở những thành tựu đã đạt tới của việc nghiên cứu về văn hóa dân gian Hà Nội, một tập thể các nhà Hà Nội học đã hoàn thành sách Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1991) do Đinh Gia Khánh và Trần Tiến chủ biên. Đây là công trình có tính chất tổng hợp và có hệ thống giới thiệu một cách toàn diện về đất nước và con người Hà Nội, về ca dao, tục ngữ, truyện dân gian, ca múa nhạc dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian, lễ thức và phong tục, kiến trúc và điêu khắc dân gian, các nghề thủ công mỹ nghệ dân gian và danh nhân văn hóa của thủ đô.

Hiện nay cùng với việc nâng cao trình độ của khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, việc tìm hiểu văn hóa dân gian Hà Nội đang ngày càng phát triển.

Việc nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội đang đứng trước nhiều vấn đề hiện đang chờ được giải đáp. Trong số đó có hai vấn đề quan trọng sau đây.

Một là : ở một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ở một nơi mà văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp đang ngày càng phát triển, mà văn hóa, văn nghệ hiện đại nước ngoài ngày càng có nhiều ảnh hưởng, mà các phương tiện thông tin đại chúng (báo, chí, đài phát thanh, đài truyền hình, v.v...) hàng ngày cung cấp cho nhân dân một lượng thông tin phong phú, kể cả thông tin văn hóa, văn nghệ, thì văn hóa dân gian còn giữ được vị trí như thế nào, dưới dạng thức nào hay là sẽ ngày càng suy giảm về mặt chức năng và giá trị?

Hai là : trong tình trạng xã hội bước sang kinh tế thị trường, khi việc sử dụng nhiều giá trị văn hóa dân gian, cũng như việc tổ chức nhiều hội lễ dân gian đang chịu ảnh hưởng của tư tưởng coi trọng lợi nhuận thì làm thế nào để bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian truyền thống, nhất là những giá trị thẩm mỹ, đạo đức?

Hiện nay chúng ta vẫn đang tìm cách giải đáp hai vấn đề ấy. Chắc rằng từ yêu cầu ấy sẽ xuất hiện những chuyên luận rất được mong chờ.

Dù sao, những thành tựu trong việc nghiên cứu văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn cho phép rút ra một số kết luận :

Một là : bề dày và mức tập trung của các thành tựu văn hóa dân gian ở vùng văn hóa quan trọng hàng đầu ấy. Trong dòng chảy của lịch sử đã hình thành ở vùng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nhiều tầng lớp văn hóa dân gian bồi tụ lên nhau giống như những tầng lớp phù sa, lớp sau chồng chất lên lớp trước, lớp trước pha trộn với lớp sau. Sự phong phú vì thế lại gắn với sự phức tạp của đối tượng nghiên cứu. Và việc bóc tách các tầng lớp văn hóa ấy có thể giúp nhiều vào việc tìm hiểu lịch sử văn hóa, không những của thủ đô mà của cả nước.

Hai là : vì không đâu bằng ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, văn hóa bác học (văn hóa chuyên nghiệp) phát triển rất cao, mà ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa bác học (văn hóa chuyên nghiệp) và văn hóa dân gian rất là mật thiết. Việc nghiên cứu ảnh hưởng qua lại ấy ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội rất có ích cho việc tìm hiểu tiến trình hình thành văn hóa dân tộc, bởi vì văn hóa dân tộc ở nước ta bao gồm hai dòng dân gian và bác học, tuy khác nhau, nhưng lại nhiều khi hòa quyện với nhau, hỗ trợ lẫn nhau.

Ba là : sự phong phú của tiến trình thâu hóa (acculturation) hoặc còn gọi là tiến trình tiếp biến văn hóa (tiếp thu và cải biến các thành tựu văn hóa của nước ngoài theo yêu cầu của đời sống dân tộc). Tiến trình thâu hóa đã diễn ra ở mọi nơi trên đất nước ta, nhưng đã diễn ra một cách đặc biệt phong phú ở thủ đô Thăng Long. Điều này cũng dễ hiểu, vì thủ đô là nơi mà cư dân có điều kiện tiếp xúc với ảnh hưởng văn hóa nước ngoài nhiều hơn là các nơi khác.

Bốn là : tính chất hội tụ và lan tỏa của tiến trình văn hóa dân gian. Trong trường kỳ lịch sử, các tầng lớp cư dân khác nhau, nhân tài bách nghệ, nhân tài chính trị, kinh tế và văn hóa từ khắp nơi trong đất nước đến sống và làm việc ở thủ đô, làm cho văn hóa vật chất và tinh thần của thủ đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngày càng phong phú. Thủ đô là nơi tinh hoa văn hóa của bốn phương được khai thác, chắt lọc và nâng cao. Những giá trị được hội tụ và nâng cao ở thủ đô lại lan tỏa đi bốn phương, và được phổ cập vào văn hóa vật chất và tinh thần của khắp nơi trong nước.

Trong phần Đại cương sách Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chủ biên của sách ấy đã nhận thức được ý nghĩa và giá trị của văn hóa dân gian thủ đô khi viết như sau : "Ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, một nơi mà các giá trị truyền thống thì rất phong phú và có tính chất bền vững, mà các yêu cầu cách tân thì rất đa dạng và có tính chất thường xuyên, trong văn hóa dân gian đã có tình hình như thế nào ? Nói chung, sự cách tân thường trước hết diễn ra trên bề mặt và trong chi tiết, khi người ta phải kịp thời thích nghi với thế ứng xử mới, khi người ta phải ứng tác để phục vụ theo yêu cầu cấp bách trước mắt. Vì vậy mà tính dị bản trong văn hóa dân gian thể hiện rất rõ trong các loại hình, các tác phẩm, các sản phẩm văn hóa dân gian ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Tính dị bản của văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thường nổi bật hơn là ở các nơi khác. Nó thể hiện sự linh hoạt trong lối xứng xử của nhân dân thủ đô cũng như tài ứng tác kịp thời của nghệ nhân dân gian thủ đô.

Trong khi sự cách tân trước hết diễn ra trên bề mặt thì truyền thống bền vững của một vùng đất cổ vốn tự hào về quá khứ của mình như Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội lại vẫn giữ vững tính chất là nền tảng, là hệ thống trong chiều sâu của văn hóa dân gian. Khi thành tựu của sự cách tân đáp ứng được một cách sâu sắc cho cuộc sống thì nó bèn được tiếp nhận vào kho tàng truyền thống và thuộc về những giá trị trường tồn.

Trong tiến trình lịch sử, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thường đi đầu trong sự cách tân. Tuy nhiên, có những thời kỳ vì nhiều lý do khác nhau, thủ đô lại đi sau địa phương này hoặc địa phương khác. Một trong những lý do chủ yếu là ở chỗ tính bảo thủ của không ít giá trị truyền thống đã bám chắc vào lề thói, vào nếp sống của vùng đất cổ này.

Tuy nhiên, với tính cách là thủ đô, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thường xuyên chịu ảnh hưởng của văn hóa của bốn phương dội vào và trước sau thì cũng tiếp thu được những thành tựu của các vùng khác. Và khi thủ đô tiếp thu được thành tựu cách tân của các vùng khác thì những thành tựu ấy lại có khả năng được phát huy và nâng cao lên rất nhiều. Sự nâng cao này có thể đạt tới vì nó dựa trên cơ sở thế mạnh của thủ đô. Thế mạnh ấy là môi trường văn hóa rộng lớn và sống động, là nền sản xuất có quy mô và trình độ kỹ thuật cao của một thành phố lớn. Thế mạnh ấy là tầm nhìn rộng mà vị trí thủ đô đã tạo ra cho cư dân Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là những điển phạm văn hóa đã được đúc kết nên trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất cổ này.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội có lúc đi sau vùng này hoặc vùng khác về mặt này hay mặt khác, nhưng một khi đã tiếp thu được thành tựu văn hóa mới của các vùng ấy thì thủ đô lại có thể là nơi chung đúc cuối cùng, nâng các thành tựu ấy lên một trình độ cao hơn hẳn.

Đó là xu thế chung của hiện thực. Nhưng biết dựa vào xu thế ấy để thúc đẩy nhanh sự phát triển của hiện thực theo hướng có lợi nhất cho sự nghiệp văn hóa thủ đô thì đó là thuộc về trách nhiệm của những người lãnh đạo và quản lý thủ đô, nhất là những người phụ trách công tác văn hóa. Đồng thời, đó cũng lại còn thuộc về trách nhiệm của toàn thể nhân dân thủ đô nữa.

........................................................................................................................................





Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> An Nam phong tục
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 208.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương