PHẦn mở ĐẦu lí do chọn đề tài



tải về 0.5 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.5 Mb.
#20239
  1   2   3   4   5   6   7
PHẦN MỞ ĐẦU


  1. Lí do chọn đề tài

Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là hai tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Công chúng biết đến Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi với nhiều vở kịch đặc sắc và ghi nhận những đóng góp quan trọng của hai ông trong thể loại này.

Nguyễn Huy Tưởng là kịch tác gia tiêu biểu nhất thời kỳ cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Kịch của ông có xu hướng kết hợp giữa tính thời sự và tính chất lịch sử, chất anh hùng ca và trữ tình, chất hiện thực và lãng mạn bay bổng. Nguyễn Huy Tưởng nổi tiếng với vở kịch đầu tay Vũ Như Tô được sáng tác vào năm 1941. Tác phẩm này được xem là vở kịch đặc sắc nhất của ông và là vở kịch xuất sắc của Việt Nam. Đây là một vở kịch lịch sử có giá trị về nhiều mặt, một tác phẩm lớn, đa nghĩa, đã và sẽ tiếp tục thu hút giới nghiên cứu tìm hiểu nhằm phát hiện ra những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

Cùng thời với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi được biết đến như một nghệ sĩ đa tài mà sự nghiệp của ông đạt được những thành công trên rất nhiều thể loại. Ông cũng có những đóng góp quan trọng về nghệ thuật kịch. Tác phẩm của Nguyễn Đình Thi mang đặc trưng của kịch “tâm lý - trữ tình”. Trong đó phải kể đến Rừng trúc - tác phẩm được coi là lớn nhất trong gia tài kịch của Nguyễn Đình Thi, đánh dấu bước chuyển mình của nền kịch nói Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX. Có một điều đặc biệt là: giống như vở kịch Vũ Như Tô trải qua nhiều trắc trở mới đến được với đông đảo công chúng, số phận của vở Rừng trúc cũng gập gềnh không kém. Vũ Như Tô gần như bị lãng quên suốt một thời gian dài, mãi đến những năm 60 của thế kỉ XX mới được các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu còn Rừng trúc được sáng tác từ năm 1978 nhưng phải trải qua chặng đường long đong suốt 21 năm mới được công diễn trên sân khấu (và đạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999).

Vũ Như TôRừng trúc đều là hai vở kịch lịch sử mang tầm tư tưởng sâu sắc, gây được nhiều tiếng vang và thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu gần đây. Chúng tôi nhận thấy hai vở kịch này tuy sáng tác cách nhau hơn 30 năm nhưng có điểm gần gũi trong cảm hứng khai thác đề tài lịch sử để khơi gợi ra những bài học giàu ý nghĩa đối với hiện tại. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa Rừng trúc và Vũ Như Tô là những lựa chọn riêng về mặt thi pháp thể loại. Đây là những gợi ý bước đầu để người viết xác định đề tài nghiên cứu so sánh kịch Vũ Như TôRừng trúc.

So sánh là một thao tác của tư duy, một phương pháp nhận thức mà qua việc đối chiếu các đối tượng để tìm ra những tương đồng và khác biệt giữa chúng. Người viết cho rằng khi so sánh hai vở kịch này từ góc nhìn thi pháp thể loại, khoá luận sẽ tìm thấy những điểm tương đồng mang tính kế thừa cơ sở truyền thống kịch Việt Nam trước đó và phát hiện ra sự khác biệt về thi pháp thể loại giữa kịch Vũ Như TôRừng trúc. Điều này phần nào chứng tỏ nỗ lực cách tân, đổi mới không ngừng của nền văn học kịch Việt Nam từ giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám đến những năm đầu sau khi đất nước được giải phóng. Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được xem là một vở bi kịch xuất sắc đưa nền nghệ thuật kịch còn khá non trẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ lên đỉnh cao của thể loại. Tìm đến thử sức với sân khấu muộn hơn so với Nguyễn Huy Tưởng nhưng Nguyễn Đình Thi cũng đã có những khám phá mới mẻ và rất đáng ghi nhận. Rừng trúc là một vở kịch tiêu biểu đánh dấu đóng góp của ông đối với sự phát triển của thể loại, đó là tác phẩm đi đầu cho khuynh hướng kịch “tâm lý - trữ tình” phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ ở những năm 80 của thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, tiếp cận đề tài theo hướng so sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại sẽ giúp người viết có cái nhìn sâu rộng, toàn diện về hai vở kịch lịch sử này trong hệ thống chỉnh thể các đặc trưng riêng của thể loại kịch. Khi nghiên cứu đề tài này, người viết dự định sẽ tìm ra những điểm tương đồng, những điểm khác biệt, những yếu tố phá thể trong thi pháp thể loại ở hai vở kịch và qua đó làm sáng tỏ dấu ấn phong cách riêng của từng tác giả. Kịch của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi vừa mang hơi thở thời đại vừa mang giá trị lịch sử. Cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi cùng khai thác đề tài lịch sử nhưng lại soi chiếu lịch sử ở những góc độ khác nhau để gửi gắm tư tưởng và những bài học sâu sắc mang tính thời đại. Chính sự khác biệt ở góc độ soi chiếu lịch sử đã góp phần thể hiện phong cách nổi bật của từng tác giả.

Từ những lí do trên, người viết quyết định lựa chọn đề tài: “So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại”.

2. Lịch sử vấn đề

Do khoá luận của chúng tôi nghiên cứu đề tài “So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại” nên người viết sẽ bám sát vấn đề này để khảo sát tư liệu, từ phạm vi rộng đến hẹp.

Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu về thi pháp kịch, chúng tôi thấy vấn đề này đã được đề cập đến từ rất sớm qua một số công trình đáng chú ý như: từ thời cổ đại, cuốn Thi học của Aristote đã đưa ra những nguyên tắc chung về sáng tạo nghệ thuật, trong đó có bi kịch; sang đến thế kỉ XVII, Boalo viết cuốn Nghệ thuật kịch chỉ ra những đổi mới so với thi pháp Aristote. Qua thời gian, lí thuyết về thi pháp học cũng có nhiều thay đổi. Thi pháp hiện đại ra đời. Ở Việt Nam, phải kể đến Đỗ Đức Hiểu với cuốn Thi pháp hiện đại đã có đóng góp giới thiệu thi pháp học một cách khá toàn diện qua việc xem xét theo phạm vi thể loại.

Từ những kết quả trên, chúng tôi tiếp tục khảo sát mảng tài liệu nghiên cứu về phong cách kịch Nguyễn Huy Tưởng, phong cách kịch Nguyễn Đình Thi rồi tìm hiểu phạm vi hẹp hơn là các tài liệu nghiên cứu về vở Vũ Như TôRừng Trúc để xem đã có nhà nghiên cứu nào tiếp cận chúng ở góc nhìn thi pháp thể loại hay chưa?



2.1. Lịch sử nghiên cứu phong cách kịch Nguyễn Huy Tưởng và nghiên cứu kịch Vũ Như Tô

2.1.1. Nghiên cứu phong cách kịch Nguyễn Huy Tưởng

Các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Tưởng được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ XX. Cùng với thời gian, giới nghiên cứu khám phá thêm nhiều đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật trong kịch Nguyễn Huy Tưởng. Thi pháp kịch của ông đã được phần nào làm rõ qua các bài nghiên cứu đáng chú ý sau:

Hà Minh Đức trong bài viết “Kịch Nguyễn Huy Tưởng” (được tập hợp trong cuốn Nguyễn Huy Tưởng Về tác gia và tác phẩm) đã đưa ra nhận xét khái quát về phong cách của kịch tác gia này với những đặc điểm nổi bật là giàu chất sử thi, có khả năng khái quát rộng rãi, giàu chất trữ tình, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, vừa giàu chất hiện thực, vừa ước mơ bay bổng.

Tiếp đến, Phan Cự Đệ cũng với bài viết mang tên “Kịch Nguyễn Huy Tưởng” đăng trên Tạp chí Văn học số 3 năm 1964 đã khẳng định một số nét phong cách của kịch tác gia này. Đó là Nguyễn Huy Tưởng “thường dựng những mâu thuẫn kịch từ những mâu thuẫn khách quan của xã hội”, “có xu hướng quy mô và có khả năng khái quát rộng rãi”, “thường đi sâu vào những suy nghĩ nội tâm của nhân vật”[5,29], từ đó đặt ra những vấn đề có chiều sâu về tư tưởng, những vấn đề làm cho người đọc phải suy nghĩ, nhân vật thường được lí tưởng hoá và phóng đại, đậm chất lãng mạn…

Bích Thu và Tôn Thảo Miên trong bài “Nguyễn Huy Tưởng - khát vọng một đời văn” (in trong cuốn Nguyễn Huy Tưởng Về tác gia và tác phẩm) đã đưa ra nhận xét về phong cách kịch của Nguyễn Huy Tưởng: “Điểm dễ nhận thấy trong kịch của ông là chất sử thi dựa trên cơ sở khai thác những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, những xung đột quyết liệt liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc… vấn đề ông đặt ra trong kịch thường có tầm khái quát rộng rãi và nhân vật cũng giàu chất sống nội tâm. Ngòi bút sử thi kết hợp với phong vị lãng mạn, trữ tình là đặc điểm cơ bản trong kịch Nguyễn Huy Tưởng” [46 ,28].

2.1.2. Nghiên cứu vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng

Trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô được xem là vở kịch thành công nhất của ông. Tác phẩm này là đề tài hấp dẫn của các nhà nghiên cứu trong những năm gần đây.

Trong những bài nghiên cứu về vở kịch này, có bài viết “Bi kịch Vũ Như Tô” của Đỗ Đức Hiểu đăng trên Tạp chí Văn học số 10 năm 1997 đã tiếp cận tác phẩm này ở góc độ thi pháp học, phân tích về đối thoại - hành động, không gian - thời gian trong vở kịch Vũ Như Tô. Bài viết đã phần nào gợi ý cho chúng tôi so sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại.

Ngoài ra, Phạm Vĩnh Cư trong bài “Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô” đăng trên Tạp chí Văn học số 7 năm 2000 đã đưa đến một hướng tiếp cận mới về vở kịch này từ góc độ đặc trưng thể loại qua một số bình diện cơ bản của bi kịch: xung đột bi kịch, nhân vật bi kịch, tội lỗi bi kịch và hiệu ứng bi kịch.



2.2. Lịch sử nghiên cứu phong cách kịch Nguyễn Đình Thi và nghiên cứu kịch Rừng trúc

2.2.1. Nghiên cứu phong cách kịch Nguyễn Đình Thi

Số lượng các bài nghiên cứu - phê bình về kịch Nguyễn Đình Thi đến nay vẫn còn dừng lại ở con số khá khiêm tốn. Điều này càng cho thấy ý nghĩa khoa học của những bài báo và công trình nghiên cứu góp phần nhận diện thi pháp kịch của Nguyễn Đình Thi như:

Trong cuốn Nguyễn Đình Thi tác giả - tác phẩm của Nhà xuất bản Văn hoá thông tin có tập hợp bài viết “Thế giới kịch Nguyễn Đình Thi” của Tất Thắng. Ở bài viết này, Tất Thắng đã đưa ra nhận xét khái quát về thế giới kịch của Nguyễn Đình Thi: “thế giới kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hoá nơi mà dấu vết văn hoá cổ kim và đông tây, dân gian và bác học… được hội tụ nhân bản và tinh thần nhân đạo nó có sức kì diệu đưa con người và cảnh đời từ hiện thực trở thành huyền thoại” [22,370].

Trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 9 năm 2004, Lê Thị Chính với bài “Một số hình thái xung đột trong kịch Nguyễn Đình Thi” đã khái quát một đặc điểm của Nguyễn Đình Thi trong khai thác xung đột là “nhà văn không hướng tới khai thác những xung đột mang tính chất bạo biệt (như xung đột địch - ta, xung đột giai cấp…) mà hướng tới xung đột thật - giả, xung đột lịch sử, xung đột giữa việc nước và việc người, xung đột giữa quyền lực và quyền sống tự do, tự nhiên của con người…” [3,86].

Ngoài ra, trong luận án tiến sĩ Nguyễn Đình Thi với thơ và kịch, Lê Thị Chính trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các nhà nghiên cứu trước, đã tiếp cận một cách cụ thể, hệ thống về kịch của Nguyễn Đình Thi dựa theo đặc trưng thể loại.

Gần đây nhất, năm 2009, phải kể đến luận văn thạc sĩ Phong cách kịch Nguyễn Đình Thi của Bùi Thị Thanh Nhàn đã mang đến một cái nhìn đầy đủ hơn về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực sân khấu và nhận diện khái quát phong cách kịch Nguyễn Đình Thi: “kịch Nguyễn Đình Thi có chất trữ tình, lãng mạn của thơ, có âm điệu trầm hùng của nhạc, có phong cách sử thi của tiểu thuyết và phảng phất triết luận”[28,94].

Tuy nhiên, các bài nghiên cứu về kịch Nguyễn Đình Thi còn rất ít, phần lớn chỉ là những nhận xét khái quát.

Trong cuốn Lịch sử Văn học Việt Nam, tập III, Chu Văn Sơn đã có cái nhìn khá sắc sảo về nhiều phương diện trong kịch Nguyễn Đình Thi. Ông khẳng định kịch Nguyễn Đình Thi có chất văn đậm đặc: “Về căn bản kịch của Nguyễn Đình Thi không phải là những tác phẩm sân khấu của một nhà biên kịch mà vẫn là tác phẩm văn học theo phương thức kịch của một nhà văn… Phần lớn các vở kịch của Nguyễn Đình Thi đều ít nhiều mang màu sắc bi kịch, tỏ rõ khuynh hướng tượng trưng và đậm chất triết lý” [30,544].

Nguyễn Văn Thành chú ý đến sự tìm tòi, sáng tạo của Nguyễn Đình Thi trong thể loại kịch. Theo ông, các kịch bản của Nguyễn Đình Thi “kịch bản nào cũng được viết với một bút pháp tân kỳ, táo bạo, thật sự là nỗ lực cách tân cung cách biên kịch nhằm mở rộng dung lượng, sức chứa cũng như tăng cường chất văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch” [29,237].

2.2.2. Nghiên cứu vở kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi

Rừng trúc là một trong những vở kịch thể hiện rõ nét phong cách của Nguyễn Đình Thi nhưng chỉ đến khi vở kịch được công diễn trên sân khấu và giành được Huy chương vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999 thì các nhà nghiên cứu và công chúng mới bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và phê bình về vở kịch này.

Phan Trọng Thưởng với bài “Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi và một số vấn đề lí luận sáng tác về đề tài lịch sử” đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1999 đã nhận thấy tài năng của Nguyễn Đình Thi qua vở kịch này là “khả năng khai thác vào các sự kiện lịch sử tưởng như đã cũ để tìm ra trong đó những bài học mới về đạo đức, nhân sinh, khả năng lí giải những vấn đề lớn đặt ra cho mọi thời đại”[49,17].

Nhìn chung những bài viết nghiên cứu về vở Rừng trúc còn rất ít và chưa có nhà nghiên cứu nào tiếp cận vở kịch này một cách toàn diện từ góc nhìn thi pháp thể loại.

Như vậy điểm qua các bài nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chưa có bài viết nào so sánh kịch Vũ Như TôRừng trúc. Cách tiếp cận hai vở kịch này từ góc nhìn thi pháp thể loại để so sánh là hoàn toàn hợp lý và mới mẻ. Điều này khẳng định đóng góp mới của chúng tôi khi quyết định nghiên cứu đề tài: “So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc độ thi pháp thể loại”.


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Khi thực hiện nghiên cứu đề tài “So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại”, người viết tập trung nghiên cứu và so sánh hai tác phẩm kịch: Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi.

Ngoài ra, trong khoá luận này, người viết cũng có sự liên hệ với các sáng tác khác về đề tài lịch sử (thuộc cả thể loại kịch và tiểu thuyết) của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi để làm rõ khuynh hướng khai thác đề tài lịch sử. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục chứng minh sự khác biệt thể loại giữa tiểu thuyết và kịch khi khai thác đề tài lịch sử để thấy rõ ưu thế riêng của thể loại kịch trong việc thể hiện đề tài “đặc biệt” này.
4. Mục đích nghiên cứu, ý nghĩa khoa học của đề tài

Mục đích nghiên cứu đề tài này của chúng tôi là so sánh để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt trong thi pháp kịch ở vở Vũ Như TôRừng trúc để qua đó thấy rõ nỗ lực đổi mới, cách tân của kịch nói Việt Nam trong tiến trình phát triển và nhận diện phong cách nghệ thuật đặc sắc riêng của từng tác giả.

Đây là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu so sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại vì vậy chúng tôi khẳng định đề tài này có đóng góp mới cho việc tìm hiểu, khám phá thêm những giá trị của hai vở kịch lịch sử Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp kịch; đồng thời qua đó góp phần thấy được những nét nổi bật trong phong cách kịch của từng tác giả và sự đổi mới, không ngừng thể nghiệm, phát triển của kịch nói Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám đến những năm đầu sau khi đất nước thống nhất.
5. Phương pháp nghiên cứu

Khi thực hiện đề tài khoa học này, cơ sở phương pháp luận căn bản nhất mà chúng tôi lấy làm “tinh thần chính” là thi pháp thể loại. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp phân tích tổng hợp

- Phương pháp thống kê ngôn ngữ học
6. Cấu trúc khoá luận

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần nội dung gồm 3 chương:

- Chương 1: Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của đề tài

- Chương 2: So sánh kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại

- Chương 3: Vấn đề thể hiện đề tài lịch sử qua kịch Vũ Như TôRừng trúc

PHẦN NỘI DUNG
Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI


1.1. Cơ sở lý luận

      1. Thi pháp kịch

1.1.1.1. Khái niệm “thi pháp”

Thuật ngữ “thi pháp” đã được quan niệm một cách hệ thống trong tư tưởng nhận thức của giới nghiên cứu văn học. “Thi pháp” chính là một bộ phận của lí luận văn học. Tất Thắng trong cuốn Về thi pháp kịch đã nêu ra cách hiểu về khái niệm “thi pháp” như sau: “Nếu lý luận văn học ôm trùm cả một phạm vi lớn rộng những vấn đề của sáng tác và tiếp nhận văn học, của mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, giữa nhà văn và người đọc, giữa văn học và tác phẩm, tóm lại là những vấn đề văn học với tư cách là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội… thì đến lượt mình, thi pháp chỉ nghiên cứu những vấn đề nghệ thuật của thi ca” [42,7]. Còn Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu thì cho rằng “thi pháp” là “nghiên cứu hình thức nghệ thuật trong tính chỉnh thể, trong tính quan niệm” [31,17].

Ngày nay, khi khoa học về văn học chú ý nhiều đến khái niệm “thi pháp” thì thi pháp học lại mở rộng đến cả các ngành nhánh thi pháp thể loại, thi pháp tác gia, thi pháp tác phẩm.

1.1.1.2. Thi pháp thể loại và thi pháp kịch

Tất Thắng cho biết đối tượng của thi pháp thể loại là “nghiên cứu những vấn đề nghệ thuật của từng thể loại, đặc biệt là những đặc trưng thể loại” [42,8] như thi pháp tiểu thuyết, thi pháp thơ, thi pháp truyện… Từ đó, Tất Thắng khẳng định “thi pháp kịch là thi pháp thể loại” [42,8]. Như vậy, thi pháp kịch nghiên cứu những đặc trưng của thể loại kịch.

Kịch là một loại hình nghệ thuật sân khấu, đồng thời là một trong ba phương thức phản ánh của văn học. Ở cấp độ loại thể, kịch là một thể loại gắn với một phương thức phản ánh tồn tại độc lập - phương thức kịch. Chất liệu để nhà viết kịch xây dựng nên tác phẩm kịch nói là ngôn ngữ văn học. Chính vì lẽ đó, kịch bản là một trong những thể loại có lịch sử lâu đời của văn học với những đặc điểm thi pháp nổi bật. Kịch bao gồm hai bộ phận lớn: Kịch bản và trình diễn. Kịch bản và trình diễn không thể tách rời nhau. Là một thể loại nằm trong loại hình nghệ thuật kịch, kịch bản văn học chỉ thực sự được khai thác trọn vẹn khi được biểu diễn trên sân khấu. Như vậy, kịch vừa có cái riêng của văn học, lại có cả cái chung của sân khấu. Phần thuộc về văn học là phương diện kịch bản. Phần thuộc về sân khấu là nghệ thuật trình diễn. Là một loại thể văn học có đầy đủ những đặc trưng và tính chất riêng trong cấu trúc hình tượng, trong phương thức biểu hiện, trong ngôn ngữ nghệ thuật, công chúng vẫn có thể thưởng thức tác phẩm bằng cách đọc kịch bản văn học. Tuy nhiên, kịch bản không thể thay thế và bộc lộ được trọn vẹn vẻ đẹp của một tác phẩm kịch như khi nó được trình diễn trên sân khấu.

1.1.1.3. Các nội dung cơ bản trong thi pháp kịch

Chúng tôi xin nêu ra các thành tố cơ bản của thế giới kịch bao gồm xung đột, hành động, nhân vật, ngôn ngữ, không gian và thời gian - đây được coi là những nội dung cơ bản của thi pháp kịch:



1.1.1.3.1. Xung đột kịch

Xung đột là cơ sở của kịch. Nhắc đến kịch là phải nhắc đến xung đột. Xung đột có mặt ở hầu hết các thể loại nhưng với kịch, yếu tố xung đột mang theo một sắc thái thẩm mĩ khác. Đó là tính chất tập trung cao độ của những khối mâu thuẫn lớn, chi phối trực tiếp của đến cấu trúc tác phẩm và nhịp độ vận động dồn dập khác thường của cốt truyện. Xung đột là động lực thúc đẩy sự phát triển của hành động kịch nhằm xác lập những quan hệ mới giữa các nhân vật vốn được coi là kết thúc tất yếu của tác phẩm kịch.

Trong bài viết “Bi kịch Vũ Như Tô”, Đỗ Đức Hiểu đã đưa ra nhận định: “Thi pháp cổ điển cho rằng, xung đột là đặc trưng cơ bản, đặc trưng số một của kịch. Thi pháp kịch hiện đại nhận định xung đột là biểu hiện bên ngoài, bề mặt của những lực bên trong, những lực này chuyển động tạo thành những mâu thuẫn, trái chiều nhau, xung đột với nhau. Nó quyết định sự tiến triển của hành động, đồng thời nó chỉ rõ những mối quan hệ phức hợp giữa các lực, sự di chuyển của các lực ấy”[51,166].

Qua xung đột có thể thấy những mâu thuẫn lớn của hiện thực xã hội, đồng thời cũng cho thấy tư tưởng, chủ đề của vở kịch, lập trường quan điểm của tác giả. Cách thức triển khai và giải quyết xung đột làm thành hạt nhân của tư tưởng nghệ thuật.



1.1.1.3.2. Hành động kịch

Kịch là thể loại mang lại sự nhận thức thông qua yếu tố hành động. Nếu xung đột được coi là điều kiện cần thiết làm nảy sinh tác phẩm thì hành động lại là yếu tố duy trì sự vận hành của tác phẩm. Hành động kịch chính là sự thể hiện trực tiếp nội dung của xung đột kịch. Xung đột càng căng thẳng thì hành động càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt.

Hành động kịch không đơn giản là những hành động đơn lẻ, ngắt quãng mà là một chuỗi hành động liên tiếp xoáy quanh trục xung đột. Hành động kịch chính là cốt truyện kịch được tổ chức một cách thống nhất, chặt chẽ trong khuôn khổ văn bản kịch.

1.1.1.3.3. Nhân vật kịch

Nhân vật kịch chủ yếu được khắc họa bằng hành động, bao gồm hành động bên trong và hành động bên ngoài. Hành động bên trong là những hoạt động thầm kín trong đầu óc của con người như suy nghĩ, tính toán, đấu tranh tư tưởng… Còn hoạt động bên ngoài là những động tác, cử chỉ, ngôn ngữ. Qua hành động, nhân vật kịch bộc lộ tính cách của mình - những tính cách đó tham gia vào những xung đột kịch và được biểu hiện cụ thể, sinh động. Do đặc trưng của thể loại, nhân vật kịch không được khắc họa tỉ mỉ từ nhiều góc độ như các nhân vật trong tác phẩm tự sự dài mà nhân vật hiện lên đúng vào thời điểm “bước ngoặt số phận”. Khi thiết lập xung đột kịch, tác giả đồng thời đẩy nhân vật vào những “hành động” trắc trở. Hành động của nhân vật góp phần thúc đẩy cốt truyện và biểu hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Cũng trong bài “Bi kịch Vũ Như Tô”, Đỗ Đức Hiểu đã nêu: “Thi pháp cổ điển nghiên cứu nhân vật kịch như một “tâm lý”, một “tính cách”, nhân vật “bắt chước cuộc sống”, trở thành những “điển hình”,… Thi pháp kịch hiện đại quan niệm nhân vật kịch là con người sống, một cá nhân, một cá tính luôn biến động trong không gian, trong thời gian. Kịch sĩ xây dựng từng bước, từ cảnh này qua cảnh khác, bằng kịch bản, tức là đối thoại, nhân vật của mình, nhân vật tự hình thành dần, thêm bề dày, chiều sâu, trở thành một nhân vật phức hợp, nhiều chiều.” [51,170]

1.1.1.3.4. Ngôn ngữ kịch

Trong kịch không tồn tại ngôn ngữ của người kể chuyện. Tác giả kịch bản không có chỗ đứng trong tác phẩm với tư cách là người kể chuyện, thuyết minh, biện giải… cho nhân vật. Một trong những thi pháp nổi bật của kịch đó là sử dụng ngôn ngữ nhân vật làm hình thái tồn tại duy nhất của ngôn ngữ kịch. Ngôn ngữ nhân vật tồn tại ở hai dạng chính: đối thoại và độc thoại. Đối thoại là các nhân vật nói với nhau, còn độc thoại là nhân vật tự nói với chính mình. Dù là đối thoại hay độc thoại thì ngôn ngữ kịch cũng phải phù hợp với tính cách nhân vật. Tóm lại, do ngôn ngữ kịch chỉ biểu hiện bằng ngôn ngữ của nhân vật nên ngôn ngữ kịch phải đảm bảo có tính hành động, tính hàm súc, tính tổng hợp và phải phù hợp với tính cách nhân vật.



1.1.1.3.5. Không gian và thời gian kịch

Không gian và thời gian trong kịch bản văn học có những điểm riêng tiêu biểu cho thi pháp thể loại. Đặc trưng của kịch là tính giới hạn về không - thời gian.

Không gian của kịch bản bao gồm có không gian sân khấu và không gian ngoài sân khấu. Không gian sân khấu bao bọc trong nó nhân vật, đồ đạc, cảnh trí... Không gian ngoài sân khấu là không gian tưởng tượng, không gian tâm tưởng, không gian kí ức… được mở ra theo mạch đối thoại và sự vận động của cốt truyện.

Thời gian của kịch bản bao gồm thời gian diễn xuất và thời gian hành động. Thời gian diễn xuất - thời gian sân khấu - tính từ lúc mở màn đến lúc hạ màn kéo dài khoảng chừng ba tiếng đồng hồ và có thể chia nhỏ hơn thành thời gian của từng hồi, từng lớp, từng cảnh. Thời gian hành động được tính bằng năm tháng theo tuổi đời nhân vật. Phá vỡ nguyên tắc hành động chỉ diễn ra trong một ngày của kịch cổ điển Pháp, thời gian hành động của nhân vật trong các trường phái, trào lưu kịch sau cổ điển được kéo thành thời gian của một thời, một đoạn hay một quãng đời dài.

Trên đây chúng tôi đã trình bày những nội dung cơ bản của thi pháp kịch. Khi thực hiện đề tài so sánh vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi từ góc nhìn thi pháp thể loại, chúng tôi sẽ dựa vào các đặc trưng cơ bản đó của kịch và lấy đó làm tiêu chí để tiến hành so sánh.


Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương