PHẠm văn tiềM ĐÁnh giá chọn lọc bò ĐỰc giống holstein friesian ở việt nam



tải về 1.34 Mb.
trang1/21
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.34 Mb.
#30998
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP &PTNT

VIỆN CHĂN NUÔI

------------------



PHẠM VĂN TIỀM

ĐÁNH GIÁ CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG

HOLSTEIN FRIESIAN Ở VIỆT NAM



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP

HÀ NỘI - 2014

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP &PTNT



VIỆN CHĂN NUÔI

------------------



PHẠM VĂN TIỀM

ĐÁNH GIÁ CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG

HOLSTEIN FRIESIAN Ở VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH : Chăn nuôi

MÃ SỐ : 62.62.01.05



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

1. PGS.TS. NGUYỄN VĂN ĐỨC

2. TS. LÊ VĂN THÔNG

HÀ NỘI - 2014





LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án này là trung thực, chính xác và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

Mọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện luận án này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận án này đã được chỉ rõ nguồn gốc.



Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2014

Tác giả luận án


Phạm Văn Tiềm

LỜI CẢM ƠN




Trước tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Đức và TS. Lê Văn Thông là hai thầy hướng dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án này.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tập thể Ban Giám đốc Viện Chăn Nuôi, Phòng Đào tạo và Thông tin, các thầy giáo, cô giáo đã giúp đỡ về mọi mặt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi hoàn thành luận án.

Đồng thời, tôi xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Moncada, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần sữa Đà lạt đã luôn ủng hộ, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ tôi về mọi mặt trong quá trình hoàn thành luận án.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn toàn thể gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi về mọi mặt, động viên khuyến khích tôi hoàn thành luận án này.


Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2014

Tác giả luận án

Phạm Văn Tiềm

MỤC LỤC


LỜI CAM ĐOAN ii

LỜI CẢM ƠN iii

MỤC LỤC iv

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT vi

DANH MỤC CÁC BẢNG viii

viii


MỞ ĐẦU 1

1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI 1

2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU 2

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 3

3.1. Ý nghĩa khoa học 3

3.2. Ý nghĩa thực tiễn 3

4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN 3

Chương 1


TỔNG QUAN TÀI LIỆU 5

1.1. CHỌN BÊ ĐỰC GIỐNG CHUYÊN SỮA THÔNG QUA ĐỜI TRƯỚC 5

1.2. CHỌN BÒ ĐỰC GIỐNG CHUYÊN SỮA THÔNG QUA BẢN THÂN 8

1.2.1. Khả năng sinh trưởng phát triển của bò đực giống và một số yếu tố ảnh hưởng 8

1.2.2. Khả năng sản xuất tinh của bò đực giống và một số yếu tố ảnh hưởng 13

1.3. CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG BẰNG GIÁ TRỊ GIỐNG ƯỚC TÍNH VỀ TIỀM NĂNG SỮA THÔNG QUA SẢN LƯỢNG SỮA CHỊ EM GÁI VÀ CON GÁI 22

1.3.1. Sản lượng sữa, chất lượng sữa và một số yếu tố ảnh hưởng 23

1.3.2. Giá trị giống về tiềm năng sữa của bò đực giống 34

1.4. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG CHUYÊN SỮA 44

1.4.1. Trên thế giới 44

1.4.2. Trong nước 47

Chương 2


ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 49

2.1. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN NGHIÊN CỨU 49

2.1.1. Đối tượng nghiên cứu 49

2.1.2. Địa điểm và điều kiện nghiên cứu 49

2.1.3. Thời gian nghiên cứu 51



2.2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 51

2.2.1. Chọn bê đực giống Holstein Friesian thông qua đời trước 51

2.2.2. Chọn bò đực giống Holstein Friesian thông qua bản thân 51

2.2.3. Chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian bằng giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa thông qua sản lượng sữa lứa đầu của đàn chị em gái 52

2.2.4. Chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian bằng giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa thông qua sản lượng sữa lứa đầu của đàn con gái 52

2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 52

2.3.1. Chọn bê đực giống Holstein Friesian thông qua đời trước 52

2.3.2. Chọn bò đực giống Holstein Friesian thông qua bản thân 53

2.3.3. Chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian bằng giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa thông qua sản lượng sữa lứa đầu của đàn chị em gái 56

2.3.4. Chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian bằng giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa thông qua sản lượng sữa lứa đầu của đàn con gái 61

2.4. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ SỐ LIỆU 63

Chương 3


KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 64

3.1. CHỌN BÊ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRIESIAN THÔNG QUA ĐỜI TRƯỚC 64

3.1.1. Tuyển chọn bê đực giống đạt tiêu chuẩn đưa vào kiểm tra qua đời sau 64

3.1.2. Tiềm năng sữa của bố và sản lượng sữa của mẹ các bê đực giống 67

3.1.3. Hiệu quả của tuyển chọn bê đực giống thông qua đời trước 69



3.2. CHỌN BÒ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRISIAN THÔNG QUA BẢN THÂN 71

3.2.1. Khả năng sinh trưởng phát triển của bò đực giống 71

3.2.2. Khả năng sản xuất tinh của bò đực giống 76

3.2.3. Hiệu quả của tuyển chọn bò đực giống thông qua bản thân 91



3.3. CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRIESIAN BẰNG GIÁ TRỊ GIỐNG ƯỚC TÍNH VỀ TIỀM NĂNG SỮA THÔNG QUA SẢN LƯỢNG SỮA LỨA ĐẦU CỦA ĐÀN CHỊ EM GÁI 92

3.3.1. Sản lượng sữa 305 ngày và sữa tiêu chuẩn lứa đầu của đàn bò chị em gái 92

3.3.2. Chất lượng sữa lứa đầu của đàn bò chị em gái 96

3.3.3. Giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa của bò đực giống thông qua sản lượng sữa lứa đầu đàn chị em gái 99

3.3.4. Hiệu quả chọn lọc bò đực giống thông qua chị em gái 103

3.4. CHỌN LỌC BÒ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRIESIAN BẰNG GIÁ TRỊ GIỐNG ƯỚC TÍNH VỀ TIỀM NĂNG SỮA THÔNG QUA SẢN LƯỢNG SỮA LỨA ĐẦU ĐÀN CON GÁI 105

3.4.1. Sản lượng sữa 305 ngày và sữa tiêu chuẩn lứa đầu của đàn bò con gái 106

3.4.2. Chất lượng sữa lứa đầu của đàn bò con gái 111

3.4.3. Giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa của bò đực giống Holstein Friesian thông qua sản lượng sữa lứa đầu đàn con gái 114

3.4.4. Hiệu quả chọn lọc bò đực giống qua con gái 121

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 125



1. KẾT LUẬN 125

2. ĐỀ NGHỊ 126

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN


ĐÃ CÔNG BỐ 128

TÀI LIỆU THAM KHẢO 129



PHỤ LỤC 145

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT


Chữ viết tắt

Ý nghĩa của chữ viết tắt

A

Hoạt lực tinh trùng

Asgđ

Hoạt lực tinh trùng sau giải đông

C

Nồng độ tinh trùng trong tinh dịch

CEG

Chị em gái

CG

Con gái

CR

Cọng rạ

cs.

Cộng sự

GTG

Giá trị giống ước tính (Estimated Breeding Value)

HF

Holstein Friesian

KHKT

Khoa học kỹ thuật

Mean

Giá trị trung bình

NN & PTNT

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nxb

Nhà xuất bản

SE

Sai số chuẩn

SH

Số hiệu

SLS

Sản lượng sữa

TC

Tiêu chuẩn

TLMS

Tỷ lệ mỡ sữa

TLPS

Tỷ lệ protein sữa

TNS

Tiềm năng sữa

V

Lượng xuất tinh

VAC

Tổng số tinh trùng sống và hoạt động tiến thẳng

DANH MỤC CÁC BẢNG


Bảng

Tên bảng

Trang

Bảng 3.1. Danh sách 15 bê đực được tuyển chọn qua đời trước 65

Bảng 3.2. Khả năng sản xuất sữa của bố mẹ các bê đực giống 68

Bảng 3.3. Tiềm năng sữa của bê đực giống Holstein Friesian
đánh giá qua hệ phả 70

Bảng 3.4. Khối lượng của bê đực Holstein Friesian qua các tháng tuổi 72

Bảng 3.5. Kích thước một số chiều đo cơ bản của bò đực giống Holstein Friesian lúc 12, 18 và 24 tháng (cm) 74

Bảng 3.6. Lượng xuất tinh của bò đực giống Holstein Friesian (ml/lần) 77

Bảng 3.7. Hoạt lực tinh trùng trong tinh dịch của bò đực
giống Holstein Friesian (%) 79

Bảng 3.8. Nồng độ tinh trùng trong tinh dịch bò đực giống


Holstein Friesian (tỷ/ml) 80

Bảng 3.9. Tỷ lệ tinh trùng sống trong tinh dịch


của bò đực giống Holstein Friesian (%) 83

Bảng 3.10. Tổng số tinh trùng sống tiến thẳng trong một lần khai thác tinh của bò đực giống Holstein Friesian (tỷ/lần khai thác) 85

Bảng 3.11. Hoạt lực tinh trùng bò Holstein Friesian sau giải đông (%) 88

Bảng 3.12. Số lượng tinh cọng rạ sản xuất được trong một lần


lấy tinh đạt tiêu chuẩn của từng bò đực giống 90

Bảng 3.13. Tiềm năng sữa của bò đực giống Holstein Friesian


đánh giá qua bản thân 91

Bảng 3.14. Sản lượng sữa 305 ngày và sản lượng sữa tiêu chuẩn lứa đầu đàn bò chị em gái của các bò đực giống Holstein Friesian 93

Bảng 3.15. Tỷ lệ mỡ sữa và protein sữa chu kỳ đầu đàn chị em gái
của từng bò đực giống Holstein Friesian (%) 98

Bảng 3.16. Giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa của bò đực Holstein Friesian thông qua sản lượng sữa đàn chị em gái 100

Bảng 3.17. Tiềm năng sữa của bò đực giống Holstein Friesian
đánh giá qua chị em gái 104

Bảng 3.18. Sản lượng sữa 305 ngày và sữa tiêu chuẩn/chu kỳ đầu


đàn con gái của từng bò đực giống Holstein Friesian 107

Bảng 3.19. Chất lượng sữa chu kỳ đầu đàn con gái của từng bò đực giống Holstein Friesian 112

Bảng 3.20. Giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa của bò đực giống Holstein Friesian thông qua sản lượng sữa con gái 116

Bảng 3.21. Tiềm năng sữa của bò đực giống Holstein Friesian qua 4 bước kiểm tra chọn lọc và hiệu quả


qua từng bước 122




MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu thực phẩm thịt, trứng, sữa ngày càng tăng không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Theo Tổng cục thống kê năm 2013, đàn bò sữa cả nước là 186.388 con, sản lượng sữa nguyên liệu sản xuất đạt 456.392 tấn, tăng 19,56% so với năm 2012. Song, sữa cũng chỉ mới đáp ứng được 28% nhu cầu, 72% còn lại là phải nhập khẩu (Tổng cục thống kê, 2013). Vì vậy, cần thiết phải đẩy nhanh, mạnh ngành chăn nuôi bò sữa cả về số lượng và chất lượng để từng bước đáp ứng nhu cầu sữa của cộng đồng.

Muốn ngành chăn nuôi bò sữa phát triển nhanh, chất lượng tốt, giống phải được đặt lên hàng đầu và muốn có đàn bò sữa tốt, bố mẹ phải tốt. Theo di truyền học, mỗi cá thể bò bố và bò mẹ sẽ truyền nguồn gen cho thế hệ sau là 50% từ bố và 50% từ mẹ. Để đàn bò sữa có năng suất cao, cần chọn được bố mẹ tốt, đặc biệt là bố phải có tiềm năng di truyền về sữa cao để truyền lại cho đời sau (Lê Văn Thông và cs., 2013). Một bò đực giống tốt, sản xuất tinh đông lạnh để phối giống bằng thụ tinh nhân tạo thì một năm có thể đóng góp nguồn gen cho ra đời hàng ngàn bê, đặc biệt có thể sử dụng hàng chục năm vẫn đạt tỷ lệ thụ thai cao khi được bảo quản tốt (Lê Văn Thông và cs., 2012). Như vậy, vai trò của đực giống vô cùng quan trọng trong chăn nuôi.

Việc chọn lọc bò đực giống chuyên sữa là rất khó khăn vì tính trạng sữa không biểu thị ở bò đực. Do đó, chọn lọc bò đực giống chuyên sữa phải dựa trên những phương pháp gián tiếp khác nhau. Một trong những phương pháp mang lại tính chính xác cao và hiệu quả nhất là kiểm tra qua đời sau. Phương pháp kiểm tra qua đời sau được dựa vào đời trước, bản thân, sản lượng sữa của đàn bò chị em gái cùng cha khác mẹ và con gái.

Trên thế giới, nhiều nước chăn nuôi bò sữa tiên tiến như Canada (Canwest, 2006; Brian Van Doormaal, 2007), Nhật (Takeo Abe, 1992)..., việc áp dụng phương pháp kiểm tra đực giống chuyên sữa qua đời sau đã mang lại thành công rất to lớn vì phương pháp đó đã chọn được chính xác những bò đực giống có chất lượng tốt nhất góp phần cải tiến, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đàn bò sữa.

Ở Việt Nam, sản xuất tinh bò đông lạnh đã được bắt đầu từ những năm 1970. Tuy đã gần 45 năm, song những bò đực giống sử dụng cho sản xuất tinh đông lạnh hầu hết đều được nhập từ nước ngoài và chủ yếu được chọn theo đời trước (ông bà, bố mẹ) và bản thân thông qua ngoại hình. Thực tiễn, nước ta đã có một số công trình nghiên cứu chọn bò đực giống chuyên sữa Holstein Friesian thông qua bản thân, đời sau (Võ Văn Sự và cs., 1996; Phạm Văn Giới, 2008; Nguyễn Văn Đức và cs., 2011; Lê Bá Quế, 2013; Lê Văn Thông và cs., 2013; Lê Văn Thông và cs., 2014), nhưng do thời gian nghiên cứu ngắn, chưa công trình nghiên cứu nào thực hiện hoàn chỉnh đầy đủ 4 bước của qui trình kiểm tra qua đời sau: Đời trước, bản thân, chị em gái và con gái. Trước thực tế đó, nhằm chọn được những bò đực giống Holstein Friesian tốt nhất đưa vào sản xuất tinh đông lạnh, phục vụ công tác phát triển giống bò sữa Việt Nam nhanh, hiệu quả, bền vững, sản lượng sữa cao, mang tính khoa học, thời sự, thực tiễn, chúng tôi nghiên cứu đề tài “Đánh giá chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian ở Việt Nam”.

2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Qua 4 bước của quy trình kiểm tra qua đời sau, chọn được những bò đực giống Holstein Friesian tốt nhất phục vụ công tác giống bò sữa Việt Nam.

Khẳng định được độ chính xác của phương pháp chọn lọc bò đực giống Holstein Friesian qua 4 bước.

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

3.1. Ý nghĩa khoa học

Kết quả nghiên cứu của đề tài là tư liệu khoa học về phương pháp kiểm tra đánh giá chọn lọc bò đực giống chuyên sữa Holstein Friesian đạt hiệu quả và độ chính xác cao nhất khi thực hiện đầy đủ 4 bước: Đời trước, bản thân, chị em gái và con gái của từng bò đực giống.

Khẳng định được phương pháp kiểm tra qua đời sau đối với bò đực giống chuyên sữa Holstein Friesian thực hiện đầy đủ 4 bước là chính xác nhất và đã thành công tại Việt Nam.

3.2. Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả của của công trình nghiên cứu là tư liệu khoa học quý phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu trong các trường Đại học, các Viện nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý, điều hành công tác giống bò sữa.

Kết quả của đề tài là căn cứ khoa học cho các nhà sản xuất giống bò sữa, các cơ sở chăn nuôi bò sữa chọn được những bò đực giống tốt nhất để xây dựng chương trình phối giống thích hợp bằng thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao sản lượng sữa đàn bò sữa.

Kết quả của đề tài nghiên cứu là tư liệu thực tiễn cho các nhà quản lý trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với bò đực giống chuyên sữa Holstein Friesian ở Việt Nam.

4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Luận án là công trình khoa học đầu tiên thành công tại Việt Nam về đánh giá, chọn lọc bò đực giống Hosltein Frisian thông qua đời sau được thực hiện đầy đủ theo 4 bước: Đời trước, bản thân, chị em gái và con gái.

Chọn lọc được bò đực giống Holstein Frisian bằng giá trị giống ước tính về tiềm năng sữa thông qua sản lượng sữa đàn chị em gái và con gái đạt độ chính xác cao, giúp cơ sở chăn nuôi bò đực giống chủ động nguồn đực giống có chất lượng tốt thông qua con đường chọn lọc này.

Xác định được hiệu quả qua từng bước đánh giá chọn lọc bò đực giống Holstein Frisian và khẳng định khi thực hiện đầy đủ 4 bước của phương pháp kiểm tra đực giống qua đời sau sẽ chọn được những cá thể bò đực giống HF tốt nhất, làm tăng 11,66% về tiềm năng sữa so với đánh giá tuyển chọn thông qua đời trước; tăng 10,92% về tiềm năng sữa so với đánh giá tuyển chọn thông qua bản thân và tăng 6,59% về tiềm năng sữa so với chọn lọc qua chị em gái.

Chương 1


TỔNG QUAN TÀI LIỆU

Trong ngành chăn nuôi bò sữa, việc chọn lọc bò đực giống chuyên sữa đã được thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau trên thế giới. Song, để chọn được bò đực giống chuyên sữa hiệu quả và chính xác, cần thực hiện kiểm tra, đánh giá tổng hợp qua 4 bước:

1.1. CHỌN BÊ ĐỰC GIỐNG CHUYÊN SỮA THÔNG QUA ĐỜI TRƯỚC

Theo di truyền học, mỗi cá thể bò bố và bò mẹ sẽ truyền nguồn gen cho thế hệ sau là 50% từ bố và 50% từ mẹ. Như vậy, để có bê sữa tốt chọn làm giống, đầu tiên phải dựa vào hệ phả đời trước để chọn ra những cá thể có nguồn gen tốt về tiềm năng sản xuất sữa cao.

Tuyển chọn bò đực giống chuyên sữa thông qua đời trước là căn cứ vào tiềm năng sữa (TNS) của bố, ông nội, ông ngoại và sản lượng sữa (SLS) của mẹ, bà nội, bà ngoại dựa trên hệ phả để chọn ra những bê đực tốt nhất, có đầy đủ tiêu chuẩn đưa vào kiểm tra, đánh giá chọn lọc làm giống. Tuyển chọn bò đực giống thông qua đời trước là bước quan trọng của phương pháp kiểm tra chọn lọc bò đực giống chuyên sữa qua đời sau.

Nhiều nước trên thế giới do kĩ thuật chăn nuôi bò sữa còn hạn chế và nền kinh tế chưa phát triển, phương pháp này đã được áp dụng để chọn lọc bò đực giống hướng sữa: chọn những bê đực có ngoại hình, sức khỏe tốt được sinh ra từ những cặp bò bố mẹ tốt, tiềm năng sữa của bố cao và sản lượng sữa của mẹ lớn. Song, đối với bò sữa, chọn bò đực giống chuyên sữa thông qua đời trước chỉ là bước khởi đầu nhằm đảm bảo đàn bê đực đưa vào nuôi kiểm tra, đánh giá chọn lọc đực giống có nguồn gốc bản chất di truyền tốt.

Tuyển chọn bê đực dựa vào hệ phả đưa vào kiểm tra chọn lọc làm giống chính là bước kiểm tra đầu tiên của phương pháp kiểm tra đực giống qua đời sau. Đánh giá chất lượng bò đực giống thông qua chất lượng đời trước là đánh giá tiềm năng di truyền về khả năng sản xuất sữa của đực giống. Muốn có đực giống tốt, khâu chọn bò bố và mẹ để tạo bê đực đưa vào kiểm tra đánh giá chọn làm giống là bước quan trọng của chọn lọc đực giống vì đó là chọn nguyên liệu di truyền, là bản chất của đực giống. Chọn bố và mẹ bò đực là chọn những cá thể bò đực và bò cái có chất lượng tốt nhất trong đàn hạt nhân với tiềm năng sữa cao nhất để tạo ra bê đực giống kế thừa nguồn gen sản xuất sữa cao từ bố và mẹ.

Tuyển chọn bê đực HF đưa vào kiểm tra chọn lọc nên dựa vào hệ thống giống hạt nhân mở (Nguyễn Văn Đức, 2004) và khả năng sản xuất, các đặc điểm cơ bản của giống thông qua bản chất di truyền của chúng (Nguyễn Văn Đức và cs., 2006). Khi chọn được bố mẹ tốt, sẽ tạo ra nguồn bê đực có khả năng tốt vì đã có nguồn gen tốt và đó là tiền đề, bước quan trọng của phương pháp chọn lọc bò đực giống qua đời sau để chọn ra được những bò đực giống tốt nhất cho việc cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng đàn bò sữa.

Để nâng cao sản lượng sữa của đàn bò sữa, việc tạo chọn và sử dụng đực giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong chương trình phát triển giống bò sữa nhanh, mạnh, bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao (Lê Văn Thông và cs., 2012).

Bò đực giống có vai trò quan trọng trong cải tạo, nhân nhanh số lượng và chất lượng đàn con bởi nếu một đực giống tốt được sản xuất tinh đông lạnh và sử dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thì một năm có thể cho ra đời hàng chục ngàn bê con. Do vậy, đối với bò sữa, việc tuyển chọn những bò bố tốt để cải tạo đời con được tập trung vào đánh giá ngoại hình, khả năng sinh trưởng phát triển, đặc biệt là tiềm năng sữa của đực giống. Song, tính trạng sản lượng sữa không được thể hiện trên bò đực giống nên một trong những giải pháp là tuyển chọn dựa vào tiềm năng sữa của đời trước. Vì vậy, chọn bò đực giống chuyên sữa trước hết phải dựa vào tiềm năng sữa và sản lượng sữa, chất lượng sữa của đời trước: ông bà nội ngoại, đặc biệt là bố mẹ của đực giống.

a. Chọn bò bố để tạo ra bê đực giống

Căn cứ vào hồ sơ lý lịch của bò bố: thông qua tiềm năng sữa của ông nội, ông ngoại và bố cũng như sản lượng sữa của bà nội, ngoại và mẹ để chọn bò đực giống.

Chọn những bò đực giống có ngoại hình đẹp, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng tinh dịch tốt, đặc biệt tiềm năng sữa cao của bố và sản lượng sữa cao của mẹ.

Ngoài ra, chọn bò đực giống có thể chọn từ nguồn tinh bò cao sản hoặc phôi bò cao sản được nhập khẩu từ những nước có nền chăn nuôi tiên tiến với tiềm năng sữa cao.

Từ những bò đực giống đã được tuyển chọn, phối giống với những bò cái cao sản nhằm tạo ra nguồn bê đực có chất lượng tốt để chọn làm giống.

Theo Nguyễn Văn Đức và cs. (2011), tiêu chuẩn về tiềm năng sữa bò đực giống trong tháp giống bò sữa HF của Việt Nam để chọn làm giống phải là những bò đực giống thuần chủng có giá trị giống về tiềm năng sữa ≥12.000 kg sữa/chu kỳ.



b. Chọn bò mẹ để tạo ra bê đực giống

Căn cứ hồ sơ, lý lịch của những cá thể trong đàn bò sữa hạt nhân, chọn những cá thể có ngoại hình đúng typ bò sữa, sinh trưởng, phát triển tốt, sinh sản tốt, sản lượng sữa cao, chất lượng sữa tốt để làm mẹ trong tạo nguồn bê đực giống.

Theo Nguyễn Văn Đức và cs. (2011), tiêu chuẩn về sản lượng sữa bò cái chuyên sữa HF hạt nhân của Việt Nam là những cá thể có sản lượng sữa >7.000 kg/chu kỳ.

Như vậy, căn cứ vào hệ phả và giá trị kiểu hình cũng như giá trị kiểu di truyền về khả năng sản xuất sữa của đàn bò đực, bò cái giống để tuyển chọn bố và mẹ đủ tiêu chuẩn đưa vào ghép đôi giao phối, tạo ra nguồn bê đực đảm bảo chất lượng tốt, từ đó tuyển chọn những cá thể có ngoại hình đạt tiêu chuẩn đưa vào chương trình kiểm tra bò đực giống qua đời sau.

1.2. CHỌN BÒ ĐỰC GIỐNG CHUYÊN SỮA THÔNG QUA BẢN THÂN

Những bê đực được sinh ra từ những bò bố có tiềm năng sữa >12.000 kg sữa/chu kỳ và sản lượng sữa bò mẹ >7.000 kg/chu kỳ trong đàn hạt nhân, có đầy đủ các tiêu chuẩn về ngoại hình như các bộ phận cơ thể cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn; khối lượng sơ sinh phải trên 35 kg; kiểu dáng của bò đực giống chuyên sữa HF, màu đặc trưng lang trắng đen; bộ phận sinh dục tốt, đặc biệt đôi hòn cà phát triển, cân đối là đủ điều kiện để tuyển chọn đưa vào kiểm tra chọn lọc đực giống.

Sau khi tuyển chọn, đàn bê đực được nuôi tại cơ sở để tiếp tục kiểm tra, đánh giá sinh trưởng phát triển cho đến khi cai sữa nhằm chọn được những cá thể tốt nhất đưa vào nuôi tại cơ sở đực giống để kiểm tra chọn lọc đực giống.

1.2.1. Khả năng sinh trưởng phát triển của bò đực giống và một số yếu tố ảnh hưởng



1.2.1.1. Khả năng sinh trưởng phát triển của bò đực giống

Sinh trưởng là quá trình tích lũy các chất dinh dưỡng trong cơ thể để gia súc tăng về chiều cao, chiều dài, bề ngang, khối lượng của cơ thể và các bộ phận trong cơ thể. Sinh trưởng là tính trạng số lượng chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố di truyền và môi trường bên ngoài. Do có sự tương tác giữa kiểu gen và ngoại cảnh mà sinh trưởng mang tính quy luật, đảm bảo cho cơ thể phát triển đạt tỷ lệ hài hoà và cân đối.

Sinh trưởng và phát dục của bê thường tuân theo quy luật sinh trưởng phát dục không đồng đều theo giai đoạn, tuổi và theo giới tính. Sinh trưởng và phát dục không tách rời nhau mà ảnh hưởng lẫn nhau,làm cho cơ thể con vật hoàn chỉnh, sinh trưởng có thể phát sinh từ phát dục và ngược lại sinh trưởng tạo điều kiện cho phát dục tiếp tục hoàn chỉnh (Trần Đình Miên và cs., 1992).

Khối lượng gia súc ở các tháng tuổi, biểu thị tốc độ sinh trưởng tích luỹ mà đường cong sinh trưởng lý thuyết có dạng chữ S: thoai thoải khi gia súc còn nhỏ, dốc dựng hơn khi gia súc ở giai đoạn sinh trưởng nhanh rồi thoải dần tiến tới nằm ngang, không tăng nữa ứng với giai đoạn con vật đã thành thục về thể vóc.

Nguyễn Văn Đức và cs. (2011) cho biết, khối lượng đàn bò đực giống HF nuôi tại Việt Nam lúc sơ sinh là 40,29 kg; 6 tháng là 182,40 kg; 18 tháng là 402,40 và 24 tháng 534,40 kg.

Lê Văn Thông và cs. (2013), thực hiện đề tài cấp Bộ giai đoạn 2008-2012 cho biết, khối lượng bò đực giống tại sơ sinh, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và trưởng thành là 42,14 kg; 211,03 kg; 309,41 kg; 448,24 kg; 554,66 kg; 747,24 kg và 931,21 kg.

Để biết được khả năng sinh trưởng của vật nuôi người ta thường dùng phương pháp cân và đo các chiều đo trên cơ thể gia súc. Thông qua các số liệu cân, đo người ta xác định được tốc độ sinh trưởng của vật nuôi. Các chiều đo dài thân, vòng ngực, cao vây, chỉ số cấu tạo thể hình có ý nghĩa lớn đối với đánh giá sinh trưởng phát dục của gia súc. Tính trạng này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố giống và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng ...

Các chiều đo chính của cơ thể bò đực giống bao gồm:

+ Cao vây đo bằng thước gậy vuông góc từ mặt đất đến đỉnh cao nhất của xương bả vai chiếu tới cột sống.

+ Dài thân chéo đo bằng thước gậy từ phía trước của khớp bả vai cánh tay tới sau u xương ngồi phía bên phải.

+ Vòng ngực dùng thước dây để đo phía sau xương bả vai, vòng thước sát chân trước qua ngực sang phía bên kia thành một vòng khép kín.

Lê Phan Dũng (2007) cho rằng, nên dùng chiều đo vòng ngực để tính toán xác định dự đoán khối lượng bò lai vì nó có tương quan chặt chẽ với khối lượng.

Theo Trần Đình Miên và cs. (1992), giai đoạn bào thai chịu ảnh hưởng nhiều của mẹ và sự tăng trưởng mang tính di truyền của đời trước nhiều hơn. Sau khi sinh ra, nếu được nuôi dưỡng tốt, bê sẽ tăng trưởng cao, sinh sản sớm, cho nhiều sữa. Các giống khác nhau thì khả năng sinh trưởng khác nhau: những giống bò thịt như Hereford, Santa Gertrudis... có tốc độ sinh trưởng nhanh, đạt 1.000-1.200 g/ngày; trong lúc đó, khả năng tăng trưởng các giống kiêm dụng như Red Sindhi, Brown Swiss chỉ đạt 600-800 g/ngày.

Các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả đều có nhận xét, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của bò sữa (Nguyễn Kim Ninh, 1994; Vũ Văn Nội và cs., 2001). Năng lượng và protein là 2 yếu tố quan trọng nhất giúp cho việc điều khiển tốc độ tăng trưởng của bò sữa (Schingoethe, 1996; Trần Trọng Thêm, 2006).

Nguyễn Văn Đức và cs. (2011) cho biết, kích thước một số chiều đo cơ bản của đàn bò đực giống HF tại 6 tháng tuổi: cao vây 114,23 ± 1,71cm, vòng ngực 138,00 ± 4,36cm, dài thân chéo 121,17 ± 1,88cm; 18 tháng tuổi: cao vây 134,87 ± 1,10cm, vòng ngực 176,40 ± 2,49cm, dài thân chéo 146,87 ± 1,85cm; 24 tháng tuổi: cao vây 142,69 ± 0,85cm, vòng ngực 193,50 ± 1,92cm, dài thân chéo 160,12 ± 1,94cm; 36 tháng tuổi: cao vây 151,04 ± 1,88cm, vòng ngực 209,71 ± 1,81cm, dài thân chéo 174,07 ± 1,68cm.

Lê Văn Thông và cs. (2013) cho biết, kích thước các chiều đo chính của bò đực giống HF nhập từ Hoa kỳ, Cu Ba và Australia lúc 12 tháng tuổi là cao vây 125,16cm, vòng ngực 155,66cm, dài thân chéo 135,02cm; 18 tháng tuổi là cao vây 136,51cm, vòng ngực 168,66cm, dài thân chéo 147,27cm; 24 thángtuổi là cao vây 144,22cm, vòng ngực 193,07cm, dài thân chéo 162,47cm; 36 tháng tuổi là cao vây 152,39cm, vòng ngực 208,17cm, dài thân chéo 175,95cm và trưởng thành là cao vây 162,28cm, vòng ngực 228,62cm, dài thân chéo 190,23cm.

Để giúp cho việc đánh giá đúng bản chất di truyền của từng tính trạng, góp phần xác định được phương pháp chọn lọc phù hợp nhất nhằm chọn được chính xác những cá thể đực giống chất lượng tốt, Lê Văn Thông và cs. (2013) đã cho biết nên sử dụng khối lượng sơ sinh trong việc chọn lọc đực giống HF vì mối quan hệ khá chặt chẽ với khối lượng các tháng tuổi sau. Đồng thời, nhóm tác giả cũng khuyên nên sử dụng khối lượng ở độ tuổi 18 và 24 tháng tuổi để chọn lọc bò đực giống HF vì có mối quan hệ chặt chẽ giữa khối lượng với kích thước các chiều đo và có tương quan chặt chẽ với chất lượng tinh dịch (số lượng cọng rạ/lần khai thác, tổng số tinh trùng tiến thẳng trong lần khai thác).

1.2.1.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển

a.Yếu tố di truyền

Về mặt sinh học, sinh trưởng được xem như là quá trình tích lũy các chất mà quan trọng là protein. Người ta lấy chỉ tiêu tăng trưởng làm chỉ tiêu sinh trưởng. Sự tăng trưởng bắt đầu từ khi trứng thụ tinh cho đến khi cơ thể trưởng thành, sự sinh trưởng chia ra làm 2 giai đoạn chính là trong thai và ngoài thai. Theo Trần Đình Miên và cs. (1992), giai đoạn bào thai chịu ảnh hưởng nhiều của mẹ, giai đoạn ngoài bào thai sự tăng trưởng mang tính di truyền của đời trước nhiều hơn. Nuôi dưỡng tốt bò, bê sẽ tăng trưởng cao, sinh sản sớm, cho nhiều sữa ở giai đoạn tiết sữa và nhiều thịt ở giai đoạn nuôi thịt và vỗ béo.

Trong thời kỳ bú sữa, khả năng sinh tồn của gia súc (điều hoà thân nhiệt, sự tiêu hoá...) chưa phát triển đầy đủ. Các giống khác nhau thì khả năng sinh trưởng cũng khác nhau. Chaudhary và cs. (1987) cho biết, khối lượng bò sữa lai ở Pakistan thấp nhất là F2 3/4Jersey đạt 296,20 ± 31,58 kg và cao nhất là 1/2 HF đạt 374,66 ± 67,54 kg

b. Yếu tố ngoại cảnh

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất trong số các các yếu tố ngoại cảnh chi phối sinh trưởng của bò sữa. Khi bò được cung cấp đầy đủ, cân đối về các chất dinh dưỡng sẽ tăng trưởng nhanh, tiêu tốn thức ăn/1kg tăng trưởng giảm và hệ quả là ảnh hưởng tốt đến sản lượng sữa sau này. Bò sữa có khối lượng lớn, cho sữa nhiều thì nhu cầu dinh dưỡng nhiều hơn so với bò có khối lượng nhỏ, cho sữa ít hoặc không cho sữa. Vì vậy, khẩu phần thức ăn hợp lý và khoa học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thức ăn có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của gia súc. Các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả đều có nhận xét chế độ dinh dưỡng đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của bò sữa (Nguyễn Kim Ninh, 1994, 2000; Vũ Văn Nội và cs., 2001; Resendiz và Bernal Santos, 1999; Hoàng Thị Thiên Hương, 2004).

Chăm sóc nuôi dưỡng tốt gia súc trong giai đoạn còn non sẽ có tác dụng tốt đến sinh trưởng và khả năng sản xuất sau này. Các yếu tố stress chủ yếu ảnh hưởng xấu tới quá trình trao đổi chất và sức sản xuất gồm: thay đổi nhiệt độ chuồng nuôi, tiểu khí hậu xấu, khẩu phần không hợp lý, chăm sóc nuôi dưỡng kém, tiêm phòng... Đinh Văn Cải và cs. (2004) cho biết, nhiệt độ môi trường ở các tỉnh nước ta trung bình là 25-330C, ẩm độ môi trường trên 80%. Nếu so sánh với môi trường ở Queensland thì nhiệt độ cao hơn 8-100C, ẩm độ cao gấp 1,5-2 lần, đây là yếu tố bất lợi cho bò HF. Nhiệt độ môi trường thích hợp cho bò sữa được ghi nhận là từ -40C đến +220C, bê con từ 100C đến 270C. Nhiệt độ tới hạn của môi trường đối với bò HF là 270C, Jersey là 300C và của bò Brahman là 350C, vượt quá nhiệt độ này sẽ có tác động xấu cho sự ổn định thân nhiệt. Ở phía Nam, khi trời nóng, nhiệt độ môi trường 33-360C, vượt quá xa nhiệt độ thích hợp đối với bò sữa. Hai nguồn chính ảnh hưởng đến nhiệt trong cơ thể bò là nhiệt sinh ra trong cơ thể do hoạt động, sản xuất, trao đổi chất, quá trình lên men ở dạ cỏ để tiêu hoá thức ăn và nhiệt độ môi trường bên ngoài. Bò năng suất càng cao, trao đổi chất càng mạnh, nhiệt sinh ra càng nhiều. Tiêu hoá thức ăn thô, khó tiêu làm tăng sinh nhiệt ở dạ cỏ. Khi nhiệt sinh ra trong cơ thể lớn hơn nhiệt thải ra từ cơ thể vào môi trường thì thân nhiệt vượt quá 390C và bò xuất hiện stress nhiệt.

Bò sữa là động vật đẳng nhiệt, để duy trì được trạng thái ổn định bò cần trạng thái cân bằng nhiệt độ với môi trường (Kadzere và Murphy, 2002). Do nhiệt độ và độ ẩm rất quan trọng đối với khả năng thích nghi của bò ở các vùng khí hậu khác nhau nên người ta đã xây dựng chỉ số nhiệt ẩm (THI) liên quan đến stress nhiệt của bò.

1.2.2. Khả năng sản xuất tinh của bò đực giống và một số yếu tố ảnh hưởng

1.2.2.1. Khả năng sản xuất tinh của bò đực giống

Trong sản xuất tinh đông lạnh có nhiều chỉ tiêu để đánh giá số lượng, chất lượng tinh dịch trước khi đưa vào sản xuất đông lạnh như: lượng xuất tinh, hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng, pH, mầu sắc, tỷ lệ tinh trùng sống, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình, tổng số tinh trùng hoạt động tiến thẳng, sức kháng của tinh trùng. Trong lúc đó, hoạt lực tinh trùng sau giải đông là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng tinh đông lạnh. Tinh dịch đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất là tinh dịch của những lần khai thác đạt đồng thời của tất cả các chỉ tiêu trên. Trong đó, lượng xuất tinh, hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng sống, tổng số tinh trùng hoạt động tiến thẳng, hoạt lực tinh trùng sau giải đông là những chỉ tiêu chính ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh đông lạnh của bò đực giống.

a. Lượng xuất tinh

Lượng xuất tinh (V) là thể tích tinh dịch của một lần khai thác tinh (ml/lần). Lượng xuất tinh liên quan chặt chẽ với giống, tuổi, chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, kích thước dịch hoàn, mùa vụ, mức độ kích thích tính dục trước khi khai thác, phản xạ nhẩy giá và kỹ thuật khai thác tinh. Ngoài ra, khoảng cách lấy tinh cũng ảnh hưởng tới lượng tinh xuất: khoảng cách lấy tinh quá ngắn lượng xuất tinh ít và khoảng cách lấy tinh dài lượng xuất tinh nhiều hơn (Cheng, 1992).

Theo Hiroshi (1992), lượng xuất tinh dao động từ 2 đến 10 ml. Nghiên cứu của Brito và cs. (2002) trên bò đực giống ở Brazil cho biết, lượng xuất tinh biến động từ 6,0 đến 7,8 ml; ở bò đực giống Bos taurus là 7,0 ml và ở bò đực giống Bos indicus là 6,6 ml. Sarder (2003) cho biết, lượng xuất tinh của bò đực giống ở Pakistan là 5-6 ml/lần khai thác.

Tại Việt Nam, nghiên cứu trên bò lai F3HF, Nguyễn Văn Đức và cs. (2004) công bố, lượng xuất tinh là 4,11ml. Phùng Thế Hải và cs. (2009), nghiên cứu trên bò đực giống HF trẻ sinh ra tại Việt Nam công bố, lượng xuất tinh là 5,42ml. Lê Bá Quế và cs. (2013) công bố, lượng xuất tinh của bò HF trung bình là 6,99 ml.



b. Hoạt lực tinh trùng

Hoạt lực tinh trùng (A) là chỉ tiêu thể hiện số lượng tinh trùng hoạt động tiến thẳng trong tinh dịch và được tính theo % biến động từ 0% đến 100%.

Trần Tiến Dũng và cs. (2002) cho biết, tuỳ theo sức sống mà tinh trùng sẽ vận động theo một trong ba phương thức: tiến thẳng, xoay vòng và lắc lư.

Chỉ có tinh trùng vận động tiến thẳng mới có khả năng tham gia quá trình thụ tinh. Do vậy, người ta đánh giá chất lượng tinh dịch thông qua ước lượng tỷ lệ tinh trùng tiến thẳng hoặc mức "sóng động’’ của mặt thoáng vi trường tinh dịch do hoạt lực của tinh trùng tạo nên.

Bajwa (1986), nghiên cứu ở Pakistan công bố hoạt lực tinh trùng dao động từ 67 đến 70%. Nghiên cứu của Hiroshi (1992) trên bò đực giống HF ở Nhật Bản công bố hoạt lực tinh trùng dao động từ 60 đến 90%. Sugulle (1999), công bố hoạt lực tinh trùng ở bò đực giống tại Bangladesh đạt từ 60 đến 68%. Nghiên cứu của Brito và cs. (2002) tại Brazil cho thấy hoạt lực tinh trùng của bò Bos taurus đạt từ 57,5 đến 61,2% và bò Bos indicus đạt 59%. Hoflack và cs. (2006) cho biết, hoạt lực tinh trùng của bò đực giống HF ở Bỉ dao động từ 40 đến 95%.

Tại Việt Nam, Nguyễn Văn Đức và cs. (2004) công bố, hoạt lực tinh trùng bình quân của bò đực giống HF lai là 61,77%. Phùng Thế Hải và cs. (2009), nghiên cứu trên bò đực giống HF trẻ sinh ra ở Việt Nam cho biết hoạt lực tinh trùng bình quân là 60,28%. Lê Bá Quế (2013), nghiên cứu trên đàn bò HF nhập từ Mỹ và Cu Ba cho biết hoạt lực tinh trùng trung bình là 66,39%.



c. Nồng độ tinh trùng

Nồng độ tinh trùng (C) là số lượng tinh trùng có trong một ml tinh dịch (tỷ/ml). Ở bò, nồng độ tinh trùng biến động từ 200 triệu đến 3.200 triệu tinh trùng/ml, trung bình 1.200-1.500 triệu tinh trùng/ml (American Breeders Service, 1991). Nếu nồng độ tinh trùng đạt 800 triệu/ml thì đạt tiêu chuẩn pha chế và đông lạnh (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2003; 2008; 2014).

Nồng độ tinh trùng có ý nghĩa khoa học thực tiễn, nó xác định số lượng tinh trùng trên một lần khai thác tinh để phân loại chất lượng tinh dịch, quyết định loại bỏ hay sử dụng cho các công đoạn sau. Nồng độ tinh trùng khi phối hợp với V và A cho biết tổng số tinh trùng hoạt động tiến thẳng của mỗi lần xuất tinh đó.

Nghiên cứu trên bò đực giống HF nuôi tại Hoa Kỳ, Garner và cs. (1996) cho biết, nồng độ tinh trùng bình quân là 1,5 tỷ/ml. Brito và cs. (2002), nghiên cứu trên 107 bò đực giống ở Brazil thấy rằng nồng độ tinh trùng bò đạt từ 1,3 đến 1,5 tỷ/ml. Sarder (2003), nghiên cứu ở Pakistan cho biết bò đực địa phương lai HF có nồng độ tinh trùng dao động từ 1,131 đến 1,471 tỷ/ml. Sugulle và cs. (2006), nghiên cứu trên bò lai HF ở Bangladesh cho biết, nồng độ tinh trùng biến động từ 0,983 đến 1,483 tỷ/ml. Nghiên cứu của Muino và cs. (2008) công bố, bò đực giống HF trưởng thành nuôi tại Tây Ba Nha có nồng độ tinh trùng bình quân là 1,18 tỷ/ml.

Ở Việt Nam, nồng độ tinh trùng của bò HF là 1,229 tỷ/ml (Nguyễn Xuân Hoàn, 1993); 1,215 tỷ/ml (Lê Bá Quế và cs., 2009). Phùng Thế Hải và cs. (2009), nghiên cứu trên bò đực giống HF trẻ sinh ra ở Việt Nam công bố nồng độ tinh trùng bình quân là 1,07 tỷ/ml. Lê Văn Thông và cs. (2013), nghiên cứu trên đàn bò HF nhập từ Australia công bố, nồng độ tinh trùng trung bình là 1,03 tỷ/ml.

d. Tỷ lệ tinh trùng sống

Tỷ lệ tinh trùng sống liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ thụ tinh của tinh trùng. Dựa vào nguyên lý màng của tinh trùng chết hoặc đang chết có khả năng cho các chất nhuộm màu thấm qua, do sự rối loạn tính thẩm thấu của màng tinh trùng. Trong khi đó, những tinh trùng sống màng tinh trùng không cho các chất nhuộm màu thấm qua nên không bắt màu khi nhuộm. Bằng cách này người ta đã sử dụng thuốc nhuộm màu eosine để nhuộm tinh trùng chết rồi đếm chúng trên kính hiển vi và tính tỷ lệ sống. Tỷ lệ tinh trùng sống phụ thuộc vào giống, độ tuổi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác tinh, môi trường pha loãng ... (Hiroshi, 1992).

Hoflack và cs. (2006) cho biết, tỷ lệ tinh trùng sống ở bò đực giống HF từ 77,25 đến 97,67% cao hơn so với bò đực giống Belgian Blue từ 29,5 đến 87,25%. Nghiên cứu trên bò đực giống HF tại Bỉ Hoflack và cs. (2008) cho biết tỷ lệ tinh trùng sống đạt 86,3%. Theo Muino và cs. (2008), nghiên cứu trên bò đực HF tại Tây Ba Nha cho biết tỷ lệ tinh trùng sống đạt 87,0%.

Theo kết quả nghiên cứu của Phùng Thế Hải và cs. (2009), nghiên cứu trên bò đực giống HF trẻ sinh ra tại Việt Nam cho biết tỷ lệ tinh trùng sống bình quân là 71,75%. Lê Bá Quế (2013), nghiên cứu trên đàn bò HF nhập từ Mỹ và Cu Ba có hoạt lực trung bình 78,65%.



e. Tổng số tinh trùng tiến thẳng/lần khai thác

Tổng số tinh trùng sống tiến thẳng trong tinh dịch (VAC) là chỉ tiêu tổng hợp quan trọng để đánh giá khả năng sản xuất tinh đông lạnh của từng bò đực giống, được tính là tích của V*A*C. Lượng xuất tinh, hoạt lực tinh trùng và nồng độ tinh trùng là 3 chỉ tiêu ảnh hưởng rõ rệt nhất đến số lượng, chất lượng tinh dịch của bò đực giống trong sản xuất tinh đông lạnh và là những chỉ tiêu quyết định đến sản xuất tinh đông lạnh nó liên quan chặt chẽ tới lượng môi trường pha chế và tương quan thuận với số liều tinh cọng rạ sản xuất được trong một lần khai thác.

Garner và cs. (1996) cho biết tổng số tinh trùng trong một lần khai thác của bò đực giống HF nuôi tại Hoa Kỳ là 6,20 tỷ/lần khai thác. Nghiên cứu của Brito và cs. (2002) cho biết tổng số tinh trùng trong một lần khai thác trên bò đực giống HF tại Brazil là 8,2 tỷ/lần khai thác.

Phùng Thế Hải (2009), tổng số tinh trùng tiến thẳng của bò đực giống HF sinh tại Việt Nam là 4,91 tỷ/lần khai thác. Lê Văn Thông và cs. (2013), nghiên cứu trên đàn bò HF tại Moncada công bố tổng số tinh trùng tiến thắng trong một lần khai thác là 5,46 tỷ.



f. Hoạt lực tinh trùng sau giải đông

Tinh cọng rạ sản xuất được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu -1960C, khi sử dụng cần phải được giải đông. Hoạt lực tinh trùng sau giải đông (Asgd %) là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng tinh đông lạnh. Chất lượng tinh đông lạnh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Chất lượng tinh tươi đưa vào sản xuất tinh, kỹ thuật sản xuất tinh, môi trường pha loãng, sức kháng đông của tinh trùng và kỹ thuật giải đông. Hoạt lực tinh trùng sau giải đông có tầm ảnh hưởng rất lớn trong kết quả thụ thai ở bò cái: nếu hoạt lực tinh trùng sau giải đông cao thì tỷ lệ thụ thai cao và ngược lại.

Theo Phùng Thế Hải (2009), hoạt lực tinh trùng sau giải đông của bò đực giống HF sinh tại Việt Nam là 40,44%. Lê Văn Thông và cs. (2013), nghiên cứu trên đàn bò HF tại Moncada, công bố hoạt lực tinh trùng sau giải đông là 41,28%.

1.2.2.2. Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh của bò đực giống

a. Giống và cá thể

Tuỳ từng giống, tầm vóc to hay nhỏ, cường độ trao đổi chất mạnh hay yếu, khả năng thích nghi với thời tiết khí hậu tốt hay không dẫn đến số lượng và chất lượng tinh dịch khác nhau. Ví dụ, bò đực giống ôn đới (800-1000 kg) mỗi lần khai thác tinh có thể cho 8-9ml, thậm chí 10-15ml; trong lúc đó, bò vàng Việt Nam chỉ cho được 3-5ml (Hà Văn Chiêu, 1996). Bò có nguồn gốc ôn đới nhập vào nước ta do thích nghi với khí hậu mùa hè kém nên lượng tinh dịch giảm và tính hăng cũng kém (Nguyễn Xuân Trạch, 2003).

Trong cùng giống, số lượng và chất lượng tinh dịch từng cá thể thường cũng khác nhau (Hà Văn Chiêu, 1996; Phùng Thế Hải, 2009; Lê Văn Thông và cs., 2013).

b. Tuổi

Số lượng và chất lượng tinh dịch của bò đực trưởng thành thường nhiều và ổn định hơn so với bò đực trẻ. Bò đực sản xuất tinh dịch tốt và ổn định nhất ở độ tuổi từ 3 đến 6 năm tuổi. Tinh dịch của bò đực già giảm tỷ lệ tinh trùng sống, tăng tỷ lệ tinh trùng kỳ hình và giảm khả năng có thể đông lạnh (Hiroshi, 1992).

Hà Minh Tuân và cs. (2012), nghiên cứu trên đàn bò đực giống nuôi tại Moncada cho biết lượng xuất tinh của giống bò HF giai đoạn 18-24 tháng tuổi đạt trung bình 4,82 ml/lần khai thác; giai đoạn 25-36 tháng tuổi trung bình 6,26 ml/lần khai thác và bò giai đoạn 49-60 tháng tuổi trung bình 7,51 ml/lần khai thác.

Tuổi thọ của bò đực giống có thể đạt 18-20 năm, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thường chỉ được sử dụng đến 8 năm tuổi (Nguyễn Xuân Trạch và cs., 2006).



c. Thời tiết khí hậu

Như mọi cơ thể sống khác, bò đực chịu tác động trực tiếp của thời tiết khí hậu, chủ yếu là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng vv... Theo quy luật giới hạn sinh thái (Hà Văn Chiêu, 1999), mỗi loài hoặc mỗi cơ thể đều có một khoảng thích hợp của một yếu tố khí hậu nào đó. Ngoài giới hạn thích hợp khả năng sống của cơ thể sẽ ảnh hưởng và bị tác động cộng hưởng bởi các yếu tố môi trường. Trong mối quan hệ giữa ngoại cảnh với sinh vật, tác động của môi trường tới sinh sản là quan trọng nhất, việc tác động của môi trường đến sản xuất tinh dịch của con đực là rất phức tạp, khó xác định được nhân tố nào là quan trọng vào từng thời điểm nhất định.

Ở các nước ôn đới, chất lượng tinh dịch kém nhất vào mùa Đông, tốt nhất vào mùa Hè và mùa Thu chủ yếu là do ánh sáng. Thế nhưng, ở nước ta tinh dịch thường kém nhất vào mùa Hè do nắng nóng, tốt nhất là mùa Đông-Xuân, mùa Hè giảm nhiều, mùa Thu lại tăng lên (Nguyễn Xuân Trạch và cs., 2006).

Vilakazi và Webb (2004), nghiên cứu trên loài bò Bos taurus thấy rằng, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình tăng cao ở mùa Hè và mùa Thu, phẩm chất tinh dịch trong mùa Đông tốt hơn rõ rệt so với mùa Hè.

Số lượng và chất lượng tinh dịch bị ảnh hưởng rõ rệt bởi mùa vụ, tinh dịch của bò đực trong mùa mưa có số lượng và chất lượng tốt nhất (Bhakat và cs., 2011). Số lượng và chất lượng tinh dịch bò HF nuôi ở Việt Nam chịu tác động khá rõ rệt bởi yếu tố mùa vụ (Phùng Thế Hải và cs., 2013).

d. Chế độ dinh dưỡng

Thức ăn là một trong những yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến số lượng và chất lượng tinh dịch. Trao đổi chất của bò đực giống cao hơn so với bò thường 10-12% vì thành phần tinh dịch là đặc biệt hơn so với các sản phẩm khác. Vì vậy, nhu cầu thức ăn cho bò đực giống đòi hỏi đầy đủ cả về số lượng và chất lượng (Nguyễn Xuân Trạch và Mai Thị Thơm, 2004).



e. Tần suất khai thác tinh

Khoảng cách khai thác tinh ảnh hưởng đến lượng xuất tinh, chất lượng tinh, nồng độ và hoạt lực của tinh trùng. Đối với bò đực giống HF, khoảng cách lấy tinh 3-5 ngày là tốt nhất. Nếu khoảng cách lấy tinh ngắn có thể lượng tinh/mỗi lần lấy tinh thu được ít, nhưng số lần lấy tinh thì nhiều (Hà Văn Chiêu, 1996) dẫn đến tổng lượng xuất tinh trong một khoảng thời gian nhất định tăng so với lấy tinh có khoảng cách dài. Nếu khoảng cách lấy tinh dài, lượng xuất tinh lấy được nhiều, nhưng tỷ lệ tinh trùng chết cao, hoạt lực tinh trùng yếu. Để duy trì khả năng sinh sản lâu dài của bò đực thì khoảng cách khai thác tinh thích hợp cho bò là 3-4 ngày/lần (Cheng Ruihe, 1992).



f. Chăm sóc nuôi dưỡng

Chăm sóc nuôi dưỡng là công việc tác động trực triếp lên cơ thể bò đực giống như: cách cho ăn, tắm chải, vận động, thái độ của người chăm sóc và trực tiếp lấy tinh sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng và chất lượng tinh khai thác. Có thể sẽ không lấy được ít tinh dịch nào trong một thời gian dài và có thể làm hỏng bò đực giống nếu chăm sóc quản lý không tốt (Nguyễn Xuân Trạch và cs., 2006).



g. Tay nghề của kỹ thuật viên khai thác tinh dịch

Để có được chất lượng tinh dịch tốt, ngoài các yếu tố nêu trên, tay nghề của kỹ thuật viên khai thác tinh dịch cũng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng.

Các thao tác chuẩn bị của kỹ thuật viên cần đảm bảo đúng theo các quy trình khai thác tinh dịch sẽ làm cho bò đực giống cảm nhận được sự hưng phấn gần như nhảy trực tiếp thì lượng xuất tinh dịch sẽ cao, chất lượng tinh dịch sẽ tốt (Hà Văn Chiêu, 1999).

h. Môi trường pha loãng tinh dịch bò

Pha loãng đã phát huy được tính ưu việt của thụ tinh nhân tạo như tăng khả năng chịu lạnh, tăng hiệu quả sử dụng tinh dịch bò. Thành phần cơ bản của môi trường pha loãng tinh dịch là đường saccharid, chất đệm và lòng đỏ trứng gà. Sức sống của tinh trùng khi đông lạnh và giải đông khác nhau tùy theo các thành phần này.



i. Tốc độ làm lạnh

Theo Hiroshi (1992), tốc độ làm lạnh quá cao sẽ gây tổn hại tới tinh trùng vì nó gây ra siêu lạnh, thể vẩn và nước lưu giữ trong tế bào. Điều đó gây ra đông lạnh ngoại bào và sau đó đông lạnh nội bào. Tốc độ làm lạnh chậm sẽ gây ra tập trung nồng độ cho cả dung dịch ngoại bào và dung dịch nội bào và sẽ làm rối loạn tế bào, đây được coi là ảnh hưởng của dung dịch. Tốc độ làm lạnh tối ưu là tốc độ làm giảm tối đa cả đông lạnh nội bào và ảnh hưởng của dung dịch.



Каталог: uploads -> files
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> Btl bộ ĐỘi biên phòng phòng tài chíNH
files -> Bch đOÀn tỉnh đIỆn biên số: 60 -hd/TĐtn-tg đOÀn tncs hồ chí minh
files -> BỘ NÔng nghiệP
files -> PHỤ LỤC 13 MẪU ĐƠN ĐỀ nghị HỌC, SÁt hạch đỂ CẤp giấy phép lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/tt-bgtvt ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ gtvt) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> TRƯỜng cao đẲng kinh tế KỸ thuật phú LÂm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CHƯƠng trình hoạT ĐỘng lễ HỘi trưỜng yên năM 2016 Từ ngày 14 17/04/2016
files -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
files -> MỤc lục mở ĐẦU 1 phần I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, kinh tế, XÃ HỘI 5
files -> LỜi cam đoan tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án này là trung thực, khách quan và chưa được ai bảo vệ ở bất kỳ học vị nào

tải về 1.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương