PhÇn 2 PhÇn c¸c b¸o c¸o



tải về 2.63 Mb.
trang3/24
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.63 Mb.
#18788
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

T



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN LÒCH SÖÛ VIEÄT NAM TRUYEÀN THOÁNG



RIÕT Lý QU¢N Sù TRUYÒN THèNG VIÖT NAM

PGS.TS Nguyễn Minh Đức


Qua hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập, chủ quyền đất nước, tổ tiên ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có những triết lý quân sự – bộ phận quan trọng cấu thành triết lý truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, triết lý truyền thống nói chung, triết lý quân sự của tổ tiên nói riêng còn ít được nghiên cứu. Cho tới nay, chưa có một công trình nghiên cứu riêng về triết lý quân sự truyền thống Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu triết lý quân sự truyền thống của dân tộc sẽ góp phần làm rõ cơ sở của những tư tưởng quân sự độc đáo, đặc sắc, đồng thời tìm ra những triết lý cần kế thừa, phát triển trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bàn về khái niệm triết lý, các nhà nghiên cứu ở nước ta cho rằng, tuy ở phương Tây không có sự phân biệt giữa triết lý và triết học, nhưng trong tiếng Việt lại quan niệm đó là những khái niệm khác nhau, dùng để biểu đạt và phản ánh những đối tượng khác nhau. Các tác giả sách Triết lý phát triển ở Việt Nam Mấy vấn đề cốt yếu nêu định nghĩa: “Triết lý là kết quả của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết thành những quan điểm, luận điểm, phương châm cơ bản và cốt lõi nhất về cuộc sống cũng như về hoạt động thực tiễn rất đa dạng của con người trong xã hội. Chúng có vai trò định hướng trực tiếp ngược trở lại đối với cuộc sống và những hoạt động thực tiễn rất đa dạng ấy”38.

Bên cạnh đó, các tác giả sách Triết lý phát triển C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Triết lý có thể thể hiện bằng một mệnh đề hàm súc những ý nghĩa về nhân tình thế thái; về tự nhiên, về xã hội; nó cũng có thể là một hệ mệnh đề tạo thành một quan niệm, một luận thuyết... Triết lý đúng và khoa học thì nó trở thành cơ sở lý luận khoa học cho một hệ thống quan điểm, học thuyết; nó làm công cụ lý thuyết cho hành động hiệu quả của con người”39.

Như vậy, so với triết học, triết lý có thể được hiểu ở trình độ thấp hơn, chỉ là cơ sở lý luận của một hệ thống quan điểm, một học thuyết và theo nghĩa ở mức độ cao, nó chính là những quan niệm, tư tưởng sâu sắc nhất của con người về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng dù hiểu theo cách nào, cũng có thể thấy rằng, triết lý không phải là một cái gì duy tâm, siêu hình, mà nó là kết quả của những kinh nghiệm và lẽ sống của nhiều thế hệ đi trước đúc kết lại. Tất nhiên, triết lý nào cũng vừa có tính giai cấp vừa có tính lịch sử.

Quy tụ một số định nghĩa và cách giải thích về triết lý đã công bố, chúng tôi cho rằng, triết lý quân sự của tổ tiên là nhận thức và kinh nghiệm thiết thân của các thế hệ đi trước, được đúc kết lại dưới hình thức các mệnh đề hoặc tư tưởng về quân sự; có giá trị định hướng cho hoạt động của con người và cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề quân sự của dân tộc. Triết lý quân sự của tổ tiên có nội dung rất phong phú, đa dạng và thể hiện trong mọi mặt hoạt động quân sự, song tập trung nhất ở các vấn đề xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, huy động lực lượng, cách thức lựa chọn, sử dụng phương thức đấu tranh và vận dụng nghệ thuật quân sự để giành chiến thắng, như:

Một là, nêu cao tinh thần chiến đấu chống xâm lược để giữ nước, giữ nhà với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước”, quyết không chịu làm nô lệ.

Dân tộc Việt Nam từ khi dựng nước đã vượt qua bao gian nan thử thách của thiên tai, địch hoạ, từng bước tạo dựng nên một quốc gia có nền kinh tế phong phú, một chế độ xã hội ổn định và một nền văn hoá khá phát triển. Gắn bó máu thịt với đất nước, các thế hệ người Việt sớm có ý thức tự hào mình là một dân tộc riêng, có tiếng nói riêng, làm chủ một lãnh thổ giàu đẹp và có nền văn hoá riêng của mình. Họ chỉ mong muốn được sống hoà bình, hữu nghị với các dân tộc khác để được yên ổn làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng”, kẻ thù xâm lược hết lần này lượt khác luôn uy hiếp, đe doạ cướp nước ta, đồng hoá nhân dân ta, luôn gây nên những cuộc chiến tranh đẫm máu nhằm thôn tính nước ta, biến nước ta thành quận huyện của chúng và bắt dân ta sống đời nô lệ. Tình thế đó buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí chiến đấu và phải đánh thắng để chúng tồn tại và phát triển.

Với kinh nghiệm thiết thân của bao đời trong công cuộc dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta có nhận thức sâu sắc về sự nghiệp chiến đấu thiêng liêng của mình, đó là cuộc chiến đấu để giữ nước và giữ nhà, gắn giữ nước với giữ nhà, giữ nhà gắn với giữ nước. Bởi vì: “Nước và nhà vốn là một thể chứ không phải hai vật. Tách nước ra từng đơn vị nhỏ lại mà nói tức là nhà. Nước tức là do tổ chức hàng vạn nhà lại mà thành, sự mất còn của nước và nhà gắn chặt với nhau. Nước tức là nhà, nhà tức là nước”40. Cho nên, yêu nước là yêu nhà, yêu nhà tức là yêu nước. Quyền lợi, sinh mệnh của mỗi người dân, của mỗi gia đình gắn liền với quyền lợi, sinh mệnh của Tổ quốc Việt Nam. Tổ quốc có giữ vững tồn tại trong độc lập tự do thì nhà nhà mới được sum vầy trong hạnh phúc; ngược lại, nước mất thì nhà tan, mất nước là mất tất cả, mất cả cơm no áo ấm, mất cả hạnh phúc gia đình, mất cả quyền sống và mất cả nền văn hoá dân tộc... Trong Hịch tướng sỹ, Trần Quốc Tuấn đã nêu rất rõ mối quan hệ giữa giữ nước và giữ nhà và kêu gọi các tướng lĩnh hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ông gợi lên nỗi khổ nhục chung nếu để mất nước: “Lúc bấy giờ, chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết dường nào! Chẳng những thái ấp của ta bị tước mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị người khác bắt đi, chẳng những xã tắc tổ tông của ta bị người khác giày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị người khác bới đào, chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, dẫu trăm đời sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu mãi còn, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là viên bại tướng”41.

Bởi vậy, với người Việt Nam, Tổ quốc là trên hết; khi quyền lợi của Tổ quốc bị xâm phạm thì họ biết tạm gác bỏ một cách nhẹ nhàng lợi ích riêng của mình để bảo vệ lợi ích chung; họ thà hy sinh tất cả để Tổ quốc được độc lập, được tự do. Các thế hệ người Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia cuộc chiến đấu chống xâm lược với tinh thần “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”, như Trần Bình Trọng ở thế kỷ XIII bị sa vào tay giặc Mông – Nguyên đã khước từ mọi sự dụ dỗ mua chuộc của kẻ thù và khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”; hay Nguyễn Trung Trực dù bị thực dân Pháp bắt vẫn hiên ngang tuyên bố: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Có thể thấy rằng, từ lời thề của Hai Bà Trưng năm 40: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này” đến tuyên ngôn của Triệu Thị Trinh năm 248: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”; lời tuyên bố đanh thép của Trần Quốc Tuấn: “Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu tôi đi đã”; những tiếng hô “Quyết đánh” của các bô lão đời Trần tại Hội nghị Diên Hồng, tinh thần chiến đấu của Lê Phụ Trần, Trần Quốc Toản... trong kháng chiến chống Mông – Nguyên; của Lê Lai, Đinh Lễ... trong khởi nghĩa chống Minh là những biểu hiện khí phách quật cường, bất khuất của cả dân tộc quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giống nòi.

Tinh thần chiến đấu giữ nước, giữ nhà đã ăn sâu vào trí óc và tình cảm của mỗi người dân, trở thành ý thức thường trực của các thế hệ người Việt, như Nguyễn Huệ tổng kết: “Từ đời nhà Hán đến nay, chúng (tức là bọn phong kiến phương Bắc) đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các người không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta, đặt làm quận, huyện; không biết trông gương mấy đời nhà Tống, Nguyên, Minh xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các người là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng nên công lớn”42. Tất cả những điều đó chứng tỏ tổ tiên ta sớm có nhận thức rõ ràng và sâu sắc về mục tiêu chiến đấu của mình, hiểu rõ lý do vì sao mình phải chiến đấu chống quân thù. Ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược đã biến thành hành động, dám hy sinh vì nước, vì nhà của bao thế hệ người Việt Nam.



Hai là, cả nước đồng lòng đánh giặc: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt với cả thiên nhiên khắc nghiệt lẫn giặc ngoại xâm tàn bạo của nhiều thế hệ đã tạo ra cho người Việt một ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc hết sức mạnh mẽ. Theo thời gian, ý thức đó ngày càng được bồi đắp, trở thành lòng yêu nước, thương nòi, cơ sở quan trọng để thực hiện đoàn kết dân tộc và huy động toàn dân chống xâm lược.

Nhận thức được điều đó, tổ tiên ta luôn biết động viên, tổ chức được lực lượng toàn dân vào cuộc chiến đấu chống những kẻ thù ngoại xâm lớn mạnh. Văn bia chùa Linh Xứng ca ngợi Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI: “làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hoà giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng... Thái uý biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ,... nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đấy cả”43. Cho nên, khi dẫn quân vào đất Tống (năm 1075) triệt phá các căn cứ quân sự của giặc ở Ung – Khâm – Liêm, ông đã huy động được cả quân triều đình, quân địa phương vùng miền núi và đông đảo nhân dân đi theo, đến mức sử nhà Tống còn ghi: trong quân Lý có nhiều đàn bà, trẻ con và “man dân kéo hết cả nhà theo, chỉ để một vài người ốm yếu ở nhà”44.

Đến thế kỷ XIII, trước hiểm hoạ xâm lược của giặc Mông – Nguyên, nhà Trần yết bảng lệnh cho: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”45. Thực tế cho thấy, ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên là ba lần “toàn dân là lính”, “cả nước đánh giặc”. Khi giặc đến, quân đánh, dân đánh, quân và dân phối hợp cùng đánh, gái trai già trẻ đánh, dân làng cả miền ngược và miền xuôi cùng đánh bằng đủ mọi cách của mình. Những người không trực tiếp đánh giặc được thì cũng làm kế “thanh dã”, họ “giấu hết thóc gạo rồi lánh đi”, thực hiện vườn không nhà trống, bất hợp tác, gây khó khăn cho địch. Đúng như Trần Quốc Tuấn đã tổng kết: “Vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, nước nhà góp sức” nên đã đánh tan giặc.

Trong cuộc chiến tranh chống Minh ở thế kỷ XV, Bộ thống soái Lam Sơn không những hiểu rõ sức mạnh của tinh thần yêu nước và chính nghĩa, sức mạnh của nhân dân, mà còn biết dựa vào dân, đoàn kết nhân dân và tổ chức nhân dân đánh giặc cứu nước. Vì vậy, quân khởi nghĩa không chiến đấu đơn độc, lẻ loi mà luôn được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của tất cả các tầng lớp nhân dân yêu nước. Nghĩa quân đi đến đâu cũng “gạo nước đón rước, người theo đường đầy” và nhân dân khắp nơi đều “dắt díu nhau tới đông vui như đi chợ”9. Cho nên, sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ đơn thuần là sức mạnh của nghĩa quân mà còn là sức mạnh đoàn kết đấu tranh của toàn dân. Chính sức mạnh của nhân dân đã đưa cuộc chiến tranh giải phóng chống Minh từ chỗ “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một lữ” đến “Ôi! Một gươm đại định nên công oanh liệt vô song/ Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”10.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ở thế kỷ XVIII nêu khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân tham gia. Đồng thời, các lãnh tụ phong trào còn ban bố chính sách “đổi ấp làm đội, biên hết dân làm binh”11 nhằm huy động sự đóng góp sức người, sức của các làng xã vào cuộc chiến đấu. Trong trận tiến công quân Thanh ở Thăng Long đầu xuân Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân đã được đông đảo nhân dân Bắc Hà hưởng ứng, khiến cho quân “đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như nước thuỷ triều dâng” và nhanh chóng giành toàn thắng.

Như vậy, trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ vì độc lập tự chủ của đất nước, việc động viên cả nước ra đánh giặc đã trở thành kinh nghiệm thiết thân, sống còn của dân tộc ta trong mọi thời kỳ lịch sử. Khái quát bài học kinh nghiệm đó, tổ tiên ta đã đúc kết thành triết lý, phương châm hành động “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Điều đó có ngụ ý rằng, khi đất nước bị xâm lược thì ai cũng phải đánh giặc và ai cũng đánh được giặc, kể cả phụ nữ chân yếu tay mềm; mặt khác, đánh quân xâm lược không chỉ có lực lượng vũ trang mà còn có đông đảo nhân dân, trong đó phụ nữ cũng tham gia. Đó là cơ sở triết lý của quan điểm “Chúng chí thành thành” (ý chí quần chúng là bức tường thành của đất nước), “tận dân vi binh” (mọi người dân đều là lính), “Cử quốc nghênh địch” (đưa cả nước ra đánh giặc)... là những tư tưởng quân sự lớn, độc đáo của tổ tiên ta.

Ba là, đề cao nhân nghĩa, “bất đắc dĩ phải dụng binh”, tránh “độc binh cùng vũ”.

Các cuộc chiến tranh do kẻ thù xâm lược gây ra với nước ta trước đây đều có chung bản chất phi nghĩa tàn bạo với thủ đoạn khủng bố, cướp bóc bằng bạo lực là chủ yếu, kết hợp với thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp. Chúng thường nhân danh nước lớn, “thiên triều” có sứ mệnh mở rộng bờ cõi, khai hoá “man di”. Trong hoàn cảnh đó, tổ tiên ta sớm biết nêu cao ngọn cờ đại nghĩa, vạch trần bản chất xấu xa của kẻ thù, cổ vũ tinh thần yêu nước, căm thù giặc trong lòng quân đội và nhân dân để tạo ra và nhân lên nguồn sức mạnh của sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Đi đôi với việc dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt địch trên chiến trường, nhân dân ta đã biết phát huy sức mạnh chính nghĩa của chiến tranh yêu nước đánh vào chính trị, tinh thần binh lính địch, vốn là chỗ yếu chí mạng của kẻ xâm lược phi nghĩa. Cho nên, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, tổ tiên ta làm tuyên truyền không chỉ trong nội bộ quân và dân nước mình, mà tuyên truyền với cả quân và dân nước địch. Điển hình như trong chiến tranh giải phóng chống Minh (thế kỷ XV), Nguyễn Trãi viết Bình Ngô sách mà tư tưởng xuyên suốt không phải là đánh thành mà là đánh vào lòng người. Ông cùng Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn chủ trương “Đem đại nghĩa thắng để hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Ông cũng viết nhiều thư dụ hàng gửi tướng sỹ giặc Minh nêu rõ chính nghĩa của ta, vạch trần tội ác, bản chất cướp nước tàn bạo và thủ đoạn mị dân lừa bịp của chúng. Các hoạt động ấy được phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công quân sự làm hao mòn tinh thần và sức chiến đấu của quân xâm lược và góp phần vào thắng lợi của chiến tranh yêu nước.

Bên cạnh đó, tổ tiên ta còn sớm nhận biết và nêu lên tính chất bất đắc dĩ của các cuộc chiến tranh mà nhân dân phải tiến hành. Bởi vì, dù nhân dân ta vốn không muốn chiến tranh, nhưng kẻ thù cố tình cướp nước ta, nên ta phải cầm vũ khí chiến đấu. Cuộc chiến đấu đó là bất đắc dĩ và “bất đắc dĩ phải dụng binh” vì nhân dân ta không có con đường nào khác. Chính Lê Lợi, lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã lý giải rất sâu sắc về lý do “dấy binh” của mình: “Khi muôn việc rỗi rãi, vua thường cùng các quan bàn luận về những nguyên nhân hưng vong đắc thất xưa nay cùng là giặc Ngô sở dĩ bại, vua sở dĩ thắng là bởi đâu. Quần thần đều nói: Người Ngô hình nặng chính ác, mất hết lòng người. Vua thì làm trái hẳn lại, lấy nhân thay bạo, lấy trị thay loạn, bởi vậy nên thành công mau chóng. Vua nói: Bọn khanh nói tuy đúng lẽ, nhưng chưa hết. Trẫm xưa gặp lúc loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn vốn mưu giữ tròn tính mạng mà thôi, đầu vốn không có ý mưu lấy thiên hạ. Đến khi giặc càng ngày càng bạo ngược, dân không sống nổi, phàm người có tri thức đều bị hại. Trẫm tuy dốc hết gia tài để cung phụng nó, mong được khỏi vạ, nhưng cái bụng nó muốn hại Trẫm không từng nới chút nào. Việc khởi nghĩa thực là bất đắc dĩ mà phải làm vậy thôi”12.

Sau này, sử gia Ngô Thời Sỹ cũng khái quát lên tính chất bất đắc dĩ của các cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta “đều là do giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến”13. Dựa vào cái lẽ bất đắc dĩ ấy, tổ tiên ta đã mài sắc thêm lòng căm thù giặc, kích thích thêm tinh thần yêu nước và lôi cuốn tập hợp được toàn dân đứng lên chiến đấu chống xâm lược.

Đồng thời, trong hoàn cảnh chiến đấu chống các thế lực xâm lược lớn mạnh gấp nhiều lần, tổ tiên ta luôn biết kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, tránh “độc binh cùng vũ”, không ỷ vào vũ lực, không lấy vũ lực làm giải pháp duy nhất để giành thắng lợi. Do đó, mỗi khi giành được thắng lợi quân sự quyết định trên chiến trường, thì ta dùng ngoại giao tiến công buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Đánh để đi tới đàm phán, vừa đánh vừa đàm, kết hợp tiến công quân sự và tiến công ngoại giao là phương thức chiến tranh được đề cao, nhất là Nguyễn Trãi coi đây là kế sách lâu dài để “Tắt muôn đời chiến tranh. Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”14.

Bởi vậy, trong cuộc chiến tranh chống Minh, sau khi đánh tan đạo viện binh Liễu Thăng và Mộc Thạnh, Bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương “lấy toàn quân làm cốt mà cho dân được nghi”­15, chủ động đẩy mạnh đàm phán với đối phương để kết thúc chiến tranh, mở đường cho giặc được “toàn quân về nước” và “nếu như muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa xong, thuyền ghe sắm đủ, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần”16, thực chất là khiến quân Minh rút về nước trong danh dự. Những người chiến thắng thậm chí còn ăn thề với một kẻ đã đầu hàng, buộc viên Tổng binh quân Minh phải cam kết đình chỉ mọi hoạt động chiến tranh, rút hết quân theo thời hạn đã định và không được cướp bóc, sách nhiễu dân ta trên đường chúng rút quân. Lê Lợi nói: “Trả thù báo oán, đó là thường tình của mọi người nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì là điều xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao”17. Có lẽ trong lịch sử quân sự thế giới, hiếm có vị chủ tướng dụ các tướng sỹ và nhân dân nước mình về thái độ ứng xử trước kẻ thù với lời lẽ đầy nhân nghĩa, cao thượng và chính trực đến thế. Đó cũng là biểu hiện sâu sắc tính nhân nghĩa, nhân văn cao cả của sự nghiệp đánh giặc giữ nước Việt Nam, của triết lý và văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bốn là, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy nhỏ thắng lớn”.

Do phải thường xuyên chống lại kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, quân số đông, nên tổ tiên ta sớm biết tìm tòi, sáng tạo những cách đánh độc đáo để giành thắng lợi. Tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng nhìn chung ông cha ta đều biết dựa vào địa hình quen thuộc của đất nước để tạo ra sức mạnh chống giặc.

Thực tế cho thấy, ngay từ thế kỷ II tr.CN, người Việt đã biết lợi dụng thế hiểm yếu của địa hình, kiên trì chiến đấu hàng chục năm ròng, ngày thì trốn vào núi sâu rừng rậm, ban đêm lẻn ra đánh úp quân Tần, giết được chủ tướng giặc là Đồ Thư, buộc giặc phải rút. Hoặc Triệu Quang Phục dựa được lợi thế ở vùng đầm Dạ Trạch, lập căn cứ đánh lâu dài với quân Lương, nên dù lực lượng ít vẫn đứng vững và chống giặc suốt 3 năm (547 – 550) đến ngày toàn thắng. Các cuộc kháng chiến sau này cũng đều chú trọng đến nhân tố địa hình và biết khai thác địa thế hiểm yếu của sông núi để phục vụ sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Điều đó đã được Nguyễn Trãi khái quát trong bài thơ Bạch Đằng hải khẩu:

Quan hà bách nhị do thiên thiết

Hào kiệt công danh thử địa tằng18.

(Tạm dịch: Trời dựng lên quan hà hiểm yếu, ở đó hai người có thể địch nổi trăm người. Trên đất này, hào kiệt lập công danh.)

Dựa vào địa hình quen thuộc và với lực lượng của mình, tổ tiên ta đã tạo nên thế trận có lợi cho cuộc chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến ở thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt đã tổ chức thành công thế trận phá Tống, như thế trận phối hợp chặt chẽ giữa các cánh quân thuỷ, bộ tiến công sang đất giặc tiêu diệt các căn cứ xuất phát xâm lược của chúng với cuộc phòng thủ vững chắc ở trong nước; thế trận phối hợp chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu ngăn chặn đại binh giặc tiến xuống kinh đô Thăng Long với các hoạt động quấy rối sau lưng giặc, giữa cuộc chiến đấu đánh bại bộ binh địch ở chiến tuyến sông Cầu với các trận đánh kìm chân thuỷ binh giặc ở Đông Kênh (ven biển Đông Bắc).

Ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên ở thế kỷ XIII, nhà Trần đều tổ chức thế trận đánh giặc trên khắp đất nước. Khi giặc đến, cả quân chủ lực triều đình, quân các lộ, quân của các vương hầu, tôn thất, dân binh, thổ binh ở các làng xã, động, bản... cùng hợp sức đánh giặc.

Thời kỳ chiến tranh chống Minh ở thế kỷ XV, đó là thế trận tiến công hiểm hóc, tiến công liên tục từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn cục của quân khởi nghĩa Lam Sơn với sự giúp sức to lớn của nhân dân cả nước.

Trong kháng chiến chống quân Thanh ở thế kỷ XVIII, đó là thế trận phản công như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long. Với lối hành quân chiến đấu thần tốc, nghĩa quân đến đâu cũng thắng rất nhanh, chỉ đánh một trận là diệt gọn, khiến giặc không kịp trở tay đối phó, hoảng loạn bỏ chạy.

Đặc biệt, tổ tiên ta rất coi trọng dùng mưu kế đánh địch, thường “lánh chỗ thực, đánh chỗ hư, tránh nơi vững chắc, đánh nơi sơ hở”. Vận dụng triết lý dân gian “Đánh rắn phải đánh dập đầu” vào trong chiến đấu, tổ tiên ta xác định phải đánh thật mạnh, đánh thật đau vào những điểm huyệt của giặc, như đánh vào hậu cần quân sự của giặc, cắt đứt đường lương thực từ nước đối phương sang nước ta, hoặc đánh vào tổng hành dinh của địch... Thậm chí có lúc do nhiệm vụ chiến lược đòi hỏi và điều kiện cho phép, tổ tiên ta còn biết tập trung binh lực lớn, thực hành cơ động bao vây, vu hồi đánh những trận quyết chiến lược tiêu diệt đạo quân chủ lực của địch, giành thắng lợi quyết định, tiến lên đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Lối đánh thông minh sáng tạo ấy đã phát huy được sức mạnh của dân tộc, của đất nước, biến lực lượng ta vốn yếu trở nên mạnh, từ ít trở thành nhiều để chiến thắng kẻ thù xâm lược đông và mạnh.

Từ thực tiễn đó, các nhà quân sự lỗi lạc ở các thời trước đã đúc kết, khái quát thành lý luận, quan điểm, như Trần Quốc Tuấn viết: “Khái quát lại, địch cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh, lấy đoản chế trường là việc thường của binh pháp”. Nguyễn Trãi cũng nói: “Lấy yếu đánh mạnh hay đánh bất ngờ. Lấy ít địch nhiều thường dùng mai phục”. Nguyễn Huệ nói rõ thêm: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít”... Đó chính là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật tạo ra sức mạnh đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược để giành và giữ độc lập, chủ quyền của dân tộc ta.

Tóm lại, triết lý quân sự Việt Nam được hình thành trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài hàng ngàn năm. Nó không ngừng được bổ sung, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển, biến đổi của lịch sử, thực tiễn chiến tranh, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, cần kế thừa và phát huy những tinh hoa trong triết lý quân sự của tổ tiên và nâng lên một tầm cao mới, nhằm mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương