ĐÁP Án cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình – 130 năm xây dựng và phát triển 1886 2016”



tải về 157.71 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích157.71 Kb.
#38291
ĐÁP ÁN

Cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình – 130 năm xây dựng và phát triển 1886 - 2016”
Câu 1. Bạn hiểu “nền Văn hóa Hòa Bình” như thế nào? Phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm “nền Văn hóa Hòa Bình” với “Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình”?

Những giá trị tiêu biểu của “Văn hóa Mo Mường” đối với người Mường ở tỉnh Hòa Bình là gì?

Đáp án:

*Khái niệm “ nền Văn hóa Hòa Bình”:

- “Nền Văn hóa Hòa Bình” là tên gọi nền văn hóa thời kỳ tiền sử - nền văn hóa đặc trưng cho các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc - trong đó, tỉnh Hòa Bình là địa điểm đầu tiên được phát hiện.

- Niên đại của “Văn hóa Hòa Bình” khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm.

- Do độ đậm đặc các di chỉ của tầng văn hóa này ở tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của tỉnh đặt cho nền văn hóa ấy.

- Trên cơ sở khai quật các di chỉ tại vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình, năm 1927 nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani đã đề xuất khái niệm “Văn hóa Hòa Bình”. Năm 1932, Hội nghị Các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã thừa nhận thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình”, khẳng định Hòa Bình là một trong những trung tâm của người nguyên thủy ở Việt Nam.

- “Văn hóa Hòa Bình” có phạm vi phân bố rất rộng trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh; từ Nam Trung Quốc đến Đông Sumatra (In-đô-nê-xia) và hầu khắp các nước Đông Nam Á lục địa. Ở Việt Nam, “Văn hóa Hòa Bình” tập trung đậm đặc nhất ở tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa.



* Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình

- Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình là sản phẩm trí tuệ được nhân dân các dân tộc đúc rút, sáng tạo trong quá trình lao động, sinh hoạt. Là tỉnh miền núi gồm 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (Kinh, Mường, Thái, Tày, Mông, Dao, Hoa), mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo cho Hòa Bình sự phong phú, đa dạng về văn hóa, góp phần tạo nên những giá trị to lớn không chỉ của đất nước Việt Nam mà còn của cả thế giới.

- Nền văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình cũng là sự tiếp nối liên tục của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử; nếu không có nền tảng “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử, sẽ không có sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa tỉnh Hòa Bình suốt thời kỳ phong kiến, từ khi thành lập tỉnh cho đến ngày nay.

- Bản sắc văn hoá Hoà Bình bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của nhân dân các dân tộc sinh sống trên vùng đất tỉnh Hòa Bình tạo nên nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và cốt cách, đặc trưng văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình.



* Những giá trị tiêu biểu của “Văn hóa Mo Mường” đối với người Mường ở tỉnh Hòa Bình

- Mo Mường là di sản văn hóa độc đáo của tộc người Mường nói chung, của người Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng. Là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử, huyền thoại của tộc người Mường.

- Giá trị tiêu biểu của Mo Mường Hòa Bình: Mo Mường thể hiện quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan và lịch sử phát triển của tộc người về sự sống, cái chết, sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn con người; thể hiện sự cố kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn mong ước hướng tới một tương lai tốt đẹp. Cụ thể:

1. Tái hiện lịch sử loài người.

2. Những bài học về đời sống cộng đồng và xã hội.

3. Là một chỉnh thể nguyên hợp về văn hóa dân gian của người Mường, biểu hiện trên các phương diện:

+ Là một loại hình văn học dân gian.

+ Diễn xướng dân gian, trong đó có sử dụng âm nhạc, múa … (xét về hình thức thể hiện); truyền tải nội dung tín ngưỡng thông qua các nghi lễ dân gian.

+ Truyền tải tri thức dân gian về lao động, sản xuất; về sáng tạo nghệ thuật; về thế giới tự nhiên, ứng xử giữa người với người, với gia đình và xã hội.

(Nguồn Địa chí tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010 và một số báo cáo chuyên đề của Sở Văn hóa thể thao và du lịch).
 Câu hỏi 2: Bạn hãy nêu những thay đổi về địa giới hành chính tỉnh Hòa Bình từ năm 1886 đến nay (đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh)? Tên gọi “tỉnh Hòa Bình" có nguồn gốc xuất xứ như thế nào?.

Đáp án:

* Những thay về địa giới hành chính tỉnh Hòa Bình từ năm 1886 đến nay như sau:

Ngày 22-6-1886, Kinh lược Bắc Kỳ ký Nghị định thành lập tỉnh Mường gồm 04 phủ là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Ngày 27-7-1886, Tổng sứ Trung - Bắc Kỳ của Pháp tại Huế ra Nghị định chuẩn y Nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ.

Ngày 21/3/1890 phủ Lương Sơn được sát nhập vào Đạo Mỹ Đức, Hà Nội.

Tháng 10/1890 châu Mai và châu Đà Bắc hợp nhất thành châu Mai Đà.

Ngày 18/3/1891 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xoá bỏ Đạo Mỹ Đức, sát nhập châu Lương Sơn trở lại tỉnh Hoà Bình.

Ngày 5-9-1896 tỉnh Mường chính thức được đổi thành tỉnh Hòa Bình, với 04 châu là: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và Mai Đà, huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn.

Năm 1901, châu Mai Đà tách thành 02 châu là Đà Bắc và Mai Châu; Huyện Lạc Thủy đổi thành châu Lạc Thủy. Đến năm 1901, tỉnh Hòa Bình gồm 06 châu là: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Thủy và tỉnh lỵ Hòa Bình.

Tháng 10 – 1908, châu Lạc Thuỷ chuyển về tỉnh Hà Nam.

Năm 1941, châu Đà Bắc và châu Mai sáp nhập thành châu Mai Đà.

Tháng 5/1947 châu Mai Đà được sáp nhập vào khu XIV (chủ yếu là vùng Đà Bắc). Tháng 1/1948 khu 10 và khu 14 được hợp nhất thành Liên khu 10 (sau là Liên khu Việt Bắc). Theo Sắc lệnh số 148-SL, 25/3/1948 của Chủ tịch phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, địa danh phủ, châu, quận được đổi thành huyện.

Tháng 10/1948, Liên khu ủy III quyết định giao Liên xã Mai Châu thuộc Đoàn công tác Miền Tây phụ trách.

Năm 1949, tỉnh Hòa Bình có 03 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn (bao gồm cả Tân Lạc), thị xã Hòa Bình giặc Pháp hoàn toàn chiếm đóng.

Tháng 1/1950, liên xã Mai Châu thuộc huyện Lạc Sơn.

Ngày 6/4/1951, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị định số 79 - TTg trả lại huyện Mai Đà xã Mai Châu hiện thuộc huyện Lạc Sơn cùng tỉnh.

Ngày 1/5/1953, huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình) được chuyển về tỉnh Hòa Bình.

Ngày 15/05/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 530-TTg tái lập thị xã Hòa Bình.

Ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 1053-TTg chia huyện Mai Đà thành 2 huyện: Mai Châu và Đà Bắc.

Ngày 15/10/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 480-TTg chia tách huyện Lạc Sơn thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc.

Ngày 17/04/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 153/TTg chia tách huyện Lương Sơn thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi.

Ngày 17/08/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 126-CP chia huyện Lạc Thủy thành 2 huyện: Lạc Thủy và Yên Thủy.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V ngày 27/12/1975 đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Tỉnh Hà Sơn Bình chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/04/1976.

Ngày 12 tháng 08 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII quyết định chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh: Hòa Bình và Hà Tây. Tỉnh Hoà Bình có diện tích tự nhiên 4.697 km2, dân số 670.000 người, gồm 10 đơn vị hành chính là thị xã Hoà Bình và 9 huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thuỷ và Yên Thuỷ. Tỉnh Hòa Bình được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/1991. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hoà Bình.

Ngày 12/12/2001, Chính Phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị Định số 95/2001/NĐ - CP chia huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong.

Ngày 27 tháng 10 năm 2006, Chính phủ ra Nghị định số 126/2006/NĐ-CP công nhận thị xã Hoà Bình trở thành đô thị loại 3 với tên gọi mới là thành phố Hoà Bình.

Ngày 14-7-2009, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 31/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình, trong đó chuyển 04 xã: Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình và Yên Trung huyện Lương Sơn về huyện Thạch Thất và Quốc Oai thuộc thành phố Hà Nội.

Hiện nay, diện tích toàn tỉnh là 4.608,7 km2, bao gồm 10 huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình với 210 xã, phường, thị trấn.



* Nguồn gốc xuất xứ tên gọi “tỉnh Hòa Bình":

Ngày 22-6-1886, quyền kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp ký Nghị định cắt đất đai có đông đồng bào Mường cư trú thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình thành lập một tỉnh mới gọi là tỉnh Mường.

Từ đó đến năm 1896, tỉnh lỵ và tổ chức hành chính của tỉnh Mường có nhiều thay đổi. Ngày 29 -11-1886, Tổng sứ Trung - Bắc Kỳ ra quyết định chuyển tỉnh lỵ về Phương Lâm, cho nên tỉnh Mường còn được gọi là tỉnh Phương Lâm.

Tỉnh lỵ ở Phương Lâm, song vì ở đây thường bị ngập lụt nên thực dân Pháp lại chuyển lên Chợ Bờ. Sau cuộc tấn công bất ngờ của nghĩa quân Đốc Ngữ vào Chợ Bờ đêm 29 rạng ngày 30-1-1891, tiêu diệt tên Phó sứ Ru-giơ-ri (Rougery), ngày 18-3-1891, thực dân Pháp hoảng sợ chuyển một bộ phận hành chính của tỉnh lỵ Chợ Bờ về xã Hòa Bình (Kỳ Sơn), nhưng vẫn duy trì nhiệm sở ở Chợ Bờ.

Ngày 5-9-1896, tỉnh lỵ tỉnh Mường chính thức được chuyển về đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, phía tả ngạn sông Đà, đối diện với Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường chính thức được gọi là tỉnh Hòa Bình.

Thành lập tỉnh Hoà Bình, thực dân Pháp nhằm thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc. Xét về số lượng, cuối thế kỷ XIX, người Mường ở Hoà Bình không đông bằng người Mường ở Thanh Hoá. Nhưng, thực dân Pháp chỉ cắt đất có đông người Mường cư trú của các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Hoá để lập lên một tỉnh riêng gọi là tỉnh Mường, vừa có tính chất chia rẽ, vừa có tính chất miệt thị dân tộc, đặt lỵ sở ở Chợ Bờ. Các sách sử thực dân đều gọi là tỉnh Mường, còn dân ta gọi là tỉnh Chợ Bờ. Về sau, lỵ sở tỉnh chuyển về Phương Lâm, dân ta lại gọi là tỉnh Phương Lâm, chuyển lỵ sở từ Phương lâm sang xã Hòa Bình dân ta lại gọi là tỉnh Hòa Bình. Đó là cơ sở để Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tỉnh Phương Lâm thành tỉnh Hoà Bình.

Chính sách chia rẽ dân tộc để đàn áp và thống trị của thực dân Pháp hết sức thâm độc, nhưng đã hoàn toàn thất bại trước truyền thống đoàn kết dân tộc, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nắm quyền lãnh đạo, đã cùng toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại.
(Nguồn: Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997, Địa chí tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010, Lịch sử Đảng bộ các huyện thành phố trong tỉnh,Tỉnh Mường Hòa Bình” của Pierre Grossin).

Câu 3. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có bao nhiêu di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh? Hãy nêu sơ lược về các di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia?

Đáp án:

* Tính đến tháng 4/2016, tỉnh Hòa Bình có 41 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Trong đó:

- Cấp tỉnh: Có 24 di tích lịch sử văn hóa; 05 di tích lịch sử cách mạng; 01 di tích danh thắng. Di tích cấp tỉnh do Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định và cấp bằng công nhận.

- Cấp quốc gia: 14 di tích lịch sử văn hóa; 09 di tích lịch sử cách mạng; 18 di tích danh thắng. Di tích cấp quốc gia do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) ra quyết định và cấp bằng công nhận..

* Danh sách các di tích cấp quốc gia

- Di tích lịch sử văn hóa

1. Động Tiên thuộc xóm Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy; năm công nhận 1989.

2. Hang Chùa và Chùa Hang thuộc xóm Á Đồng, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy; năm công nhận 1994.

3. Di tích lịch sử văn hóa Hang Muối thuộc Khu I, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc; năm công nhận 1995.

4. Khu Mộ cổ Đống Thếch thuộc xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi; năm công nhận 1997.

5. Hang Khoài thuộc xóm Sun, xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu; năm công nhận 1997.

6. Đền và Miếu Trung Báo thuộc thôn Trung Báo, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn; năm công nhận 1997.

7. Hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2000.

8. Hang Núi Sáng thuộc xóm Sáng, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2000.

9. Hang Tằm thuộc xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2000.

10. Hang Xóm Trại thuộc xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; công nhận năm 2001.

11. Hang Làng Đồi (hang Đồng Thớt) thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy; công nhận năm 2001.

12. Hang Bưng thuộc xóm Nẻ, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; công nhận năm 2003.

13. Mái đá Làng Vành thuộc xóm Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn; công nhận 2003.

14. Hang Láng thuộc xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu; công nhận năm 2005.
- Di tích danh thắng

1. Động Mường Chiềng thuộc xóm Chiềng, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc; công nhận năm 1997.

2. Hang Nước và động Thiên Tôn thuộc xóm Nghìa, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy; công nhận năm 1997.

3. Động Tiên Phi thuộc xóm Gai, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình; công nhận năm 2000.

4. Động Mãn Nguyện thuộc xóm Cao, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2000.

5. Động Đá Bạc thuộc xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2000.

6. Hang Mỏ Luông thuộc thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; công nhận năm 2000.

7. Hang Chiều thuộc thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; năm công nhận 2001.

8. Hang Luồn thuộc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy; công nhận năm 2001.

9. Động Trung Sơn thuộc xóm Chũm, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2003.

10. Động Hoa Tiên thuộc xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; công nhận năm 2003.

11. Động Thiên Long thuộc xóm Yên Mu, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy; công nhận 2003.

12. Hang Khụ Thượng thuộc xóm Cao, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; công nhận năm 2005.

13. Hang Piềng Kẻm thuộc xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu; năm công nhận 2005.

14. Động Nam Sơn thuộc xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc; công nhận năm 2007.

15. Động Thác Bờ thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; công nhận năm 2007.

16. Quần thể Hang động khu vực Chùa Tiên thuộc xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy; công nhận năm 2011.

17. Quần thể Hang động tại núi Đầu Rồng thuộc thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; công nhận năm 2012.

18. Quần thể Hang động danh thắng Núi Niệm thuộc xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy; công nhận năm 2013.
- Di tích lịch sử cách mạng

1. Nơi lưu dấu chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan năm 1951 thuộc xóm Giang, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong; công nhận năm 1993.

2. Di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Mường Khói thuộc xóm Re, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn; công nhận năm 1993.

3. Địa điểm Chiến thắng Dốc Tra thuộc xóm Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc; công nhận năm 1996.

4. Khu Căn cứ cách mạng Mường Diềm thuộc xóm Bay, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc; công nhận năm 1996.

5. Khu Căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương thuộc các xã Hiền Lương, Tu Lý và Cao Sơn của huyện Đà Bắc; công nhận năm 1996.

6. Khu Căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên thuộc xã Yên Thượng, xã Tân Phong, xã Thu Phong của huyện Cao Phong; công nhận năm 1996.

7. Nhà tù Hòa Bình thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; công nhận năm 2000.

8. Địa điểm Nhà máy In tiền tại Đồn điền Chi Nê (1946-1947) thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy; công nhận năm 2007.

9. Địa điểm Huấn luyện Chính trị và Tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thuộc phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình; công nhận năm 2012.


(Nguồn: Sở Văn hóa thể thao và du lịch)

*******


Câu 4: Hãy nêu những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ? Nêu khái quát một số trận đánh tiêu biểu của quân dân tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ này?

Đáp án:

*Thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945:

Ngày 18-8-1945, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được truyền tới Hòa Bình. Ngay ngày hôm đó, đồng chí Vũ Thơ, Trưởng ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khu căn cứ, chi bộ thị xã và các cơ sở khác trong tỉnh với phương án là tập trung lãnh đạo khởi nghĩa ở một điểm chắc thắng rồi từ đó tiến lên giành chính quyền tỉnh và các châu khác. Ban chỉ huy khởi nghĩa quyết định chọn châu Lạc Sơn là điểm đầu tiên.

Theo đúng kế hoạch đã định, ngày 20-8-1945, đơn vị vũ trang tập trung, tự vệ chiến đấu và quần chúng từ khu căn cứ Mường Khói cùng với cán bộ, hội viên cứu quốc, nhân dân thị trấn Vụ Bản và các xóm xã xung quanh được vũ trang bằng nỏ, dao, gậy,... biểu tình, vũ trang tiến hành chiếm châu lỵ Lạc Sơn. Việc giành chính quyền châu Lạc Sơn diễn ra thuận lợi, nhanh gọn.

Ngày 22-8-1945, đông đảo nhân dân thị xã, nòng cốt là tự vệ cứu quốc đã biểu tình vũ trang chiếm trụ sở Hội đồng thị xã, Châu đường Kỳ Sơn một cách nhanh gọn.

Ngày 23/8/1945 với lực lượng cách mạng hùng hậu của thị xã và các khu căn cứ Mường Khói, Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý-Hiền Lương cuộc khởi nghĩa giành chính quyền bù nhìn đầu sỏ ở tỉnh diễn ra thuận lợi, nhanh gọn. Ủy ban quân sự cách mạng tỉnh đã ra mắt quần chúng trong niềm vui vô hạn của đông đảo nhân dân các dân tộc. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền ở những nơi còn lại.

Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền châu Mai Đà thắng lợi. Sau đó lực lượng khởi nghĩa châu Mai Đà theo lệnh của Xứ ủy Bắc Kỳ đã tiến lên Sơn La, phối hợp cùng nhân dân địa phương giành chính quyền ở Mộc Châu thắng lợi.

Tại Lương Sơn, theo mối chỉ đạo từ Chương Mỹ, Mỹ Đức (tỉnh Hà Đông cũ - nay thuộc Hà Nội) và Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh, việc giành chính quyền ở châu lỵ Lương Sơn giành thắng lợi vào sáng ngày 26-8-1945.

Châu Lạc Thủy thời gian này vẫn thuộc tỉnh Hà Nam, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây diễn ra thắng lợi vào ngày 22/8/1945 do Đảng bộ tỉnh Hà Nam chỉ đạo.

Như vậy, từ ngày 20 đến ngày 26-8-1945, bằng lực lượng từ các khu căn cứ kết hợp với lực lượng nhân dân vũ trang khởi nghĩa nổi dậy, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành thắng lợi việc giành chính quyền ở châu, tỉnh, thị trấn và một số xã có cơ sở cách mạng.

* Những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954:

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Hòa Bình trở thành một trong những hậu cứ vững mạnh của chiến trường Liên khu III; chi viện sức người, sức của đến mức cao nhất phục vụ chiến trường chung; Đặc biệt là đã bảo vệ thành công con đường giao thông có ý nghĩa chiến lược giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV.

Toàn tỉnh có 955 thanh niên các dân tộc tham gia quân đội, 414 liệt sỹ, 58 thương binh; cử 1.169 lượt người đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường với tổng số 2.543.620 ngày công; ủng hộ 708 con trâu bò, 4.720kg thịt lợn, 39.517 tấn thực phẩm khác, 600 tấn thóc gạo, 905 xe đạp thồ, cung cấp hàng chục triệu cây gỗ, bương, tre, nứa; vận chuyển 4.900.000 tấn hàng, 170.000 người xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội và cung cấp cho mặt trận…

Quân dân trong tỉnh đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 1.831 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.370 tên xâm lược; phá hủy 18 khẩu trọng pháo, trung đại liên, 56 xe vận tải, 3 kho quân trang, quân dụng; thu 529 súng các loại, trong đó có 40 trung đại liên, 120.000 viên đạn các loại...

Cùng với thắng lợi về quân sự, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh còn giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là từng bước đã hạn chế, đi đến xóa bỏ hoàn toàn chế độ nhà lang với những đặc quyền tuyệt đối của giai cấp phong kiến lang đạo, giải phóng nông dân thoát khỏi ách bóc lột, trói buộc nghiệt ngã của chế độ nhà lang tồn tại đã bao đời.

* Những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954-1975:

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương, chi viện sức người, sức của cho miền Nam giành chiến thắng, góp phần vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Toàn tỉnh có 11.460 con em các dân tộc Hòa Bình nhập ngũ, trong đó có 1.440 gia đình có từ 2 con nhập ngũ trở lên, 15.670 thanh niên xung phong, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 162.000 tấn lương thực, 14.336 tấn thực phẩm... Có 3.623 liệt sỹ, 670 thương binh, 624 bệnh binh. 14 Huân chương quân công, 25 Huân chương chiến công, 32 Huân chương lao động, 705 đơn vị Quyết thắng, 29 chiến sĩ Quyết thắng, 396 cán bộ, chiến sĩ thi đua các cấp.

Quân và dân Hòa Bình bắn rơi 49 máy bay, bắt sống hàng chục giặc lái.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã có bước trưởng thành to lớn. Năm 1954, toàn Đảng bộ có 2.218 đảng viên sinh hoạt ở 124 chi bộ, năm 1975 đã có 12.223 đảng viên sinh hoạt ở các chi, đảng bộ hầu khắp xã, phường, xí nghiệp, công, nông lâm trường, trạm, trại, trường học, bệnh viện.

* Một số trận chiến đấu tiêu biểu của quân dân tỉnh Hòa Bình từ năm 1945-1975:

- Khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh lỵ Hòa Bình, ngày 23/8/1945.

- Trận mai phục tiêu diệt Đảng trưởng Lý Đông A (tức Trần Khắc Tường) và sào huyệt của tổ chức phản động Đại Việt duy dân tại Bến Chương của quân và dân châu Mai Đà (nay thuộc huyện Đà Bắc), ngày 02/5/1946.

- Trận phục kích tiêu diệt địch tại dốc Tra của trung đội du kích xã Toàn Sơn, châu Mai Đà (nay thuộc huyện Đà Bắc) ngày 10/9/1947.

- Trận phối hợp đánh 3 tầu địch trên sông Bôi của du kích xã Khoan Dụ, xã Xích Thổ và bộ đội chủ lực, ngày 05/11/1947.

- Trận đánh của Đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm huyện Lạc Sơn (nay là xã Phú Lương) tiêu diệt 250 tên địch bằng rượu cần lá Ngón, ngày 30/10/1948.

- Trận chiến đấu bên dòng thác Mu (Lạc Sơn) của Đại đội 121- Trung đoàn 52 Tây Tiến, ngày 20/11/1948.

- Trận chiến đấu tập kích tiêu diệt địch tại Đồn Máy của du kích xã Hòa Bình, ngày 25/11/1949.

- Trận chiến đấu tập kích tiêu diệt địch tại Đồn Bò của dân quân du kích xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, ngày 10/12/1949.

- Trận tập kích tiêu diệt bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Quận hành chính châu Lương Sơn, ngày 19/5/1950.

- Trận đánh tập kích địch tại Bình Hẻm của lực lượng du kích, bộ đội địa phương huyện Lạc Sơn, ngày 05/9/1950.

- Trận phối hợp phục kích tiêu diệt gọn 1 đoàn xe quân sự 34 chiếc của địch tại cầu Mè (Mông Hóa - Kỳ Sơn) của quân và dân huyện Kỳ Sơn cùng Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304, ngày 02/12/1951.

- Trận Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn (huyện Cao Phong ngày nay) tiêu diệt và bắt sống hơn một đại đội lính Âu Phi, phá huỷ nhiều xe cơ giới và xe tăng địch, ngày 13/12/1951.

- Trận phục kích đánh tàu chiến địch trên sông Đà của quân và dân xã Yên Mông, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình), ngày 22/12/1951.

- Trận chiến đấu bắn rơi 01 máy bay phản lực F.4H không quân Mỹ của dân quân xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp), huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ngày 31/5/1965.

- Trận chiến đấu bắn rơi máy bay RF101 Mỹ của quân và dân xã Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày 29/4/1966.

- Trận chiến đấu bắn rơi máy bay F.105 không quân Mỹ của dân quân xã Thu Phong, Kỳ Sơn (nay là huyện Cao Phong) ngày 20/7/1966.

- Trận chiến đấu bắn rơi máy bay phản lực F.105 không quân Mỹ của dân quân xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ngày 30/4/1967.

- Trận chiến đấu tại Đồi Bù của quân và dân xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, từ ngày 22 - 29/12/1972.

(Bài dự thi có thể lựa chọn 3-5 trận chiến đấu tiêu biểu trong số trận chiến đấu mà Ban Tổ chức Cuộc thi giới thiệu hoặc người dự thi lựa chọn trên cơ sở văn bản, tài liệu của tỉnh, của Trung ương)

(Nguồn: Địa chí tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010, Lịch sử Đảng bộ các huyện thành phố trong tỉnh, Lịch sử kháng chiến và lịch sử quân sự các huyện, thành phố trong tỉnh)
Câu 5: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mấy lần về thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình ? ( Thời gian, địa điểm, nội dung chủ yếu của các lần Bác về thăm ).

Đáp án:

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình 04 lần, cụ thể như sau:



1- Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồn điền Chi Nê (nay thuộc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy) ngày 21/02/1947. Tại đây, Bác đã đi thăm Xưởng in tiền đầu tiên của Bộ Tài chính, thăm xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy và chợ Đầm Đa (nay thuộc xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy).

Đồn điền Chi Nê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ chân khi Người đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa tháng 2-1947. Ba giờ sáng ngày 21-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại đồn điền Chi Nê. Sáng ngày 21-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Trưởng ban Tài chính của Đảng, người trực tiếp chỉ đạo việc in tiền và gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện đã đến thăm Xưởng in tiền đặt tại đồn điền, thăm chợ Đầm Đa, thăm một số gia đình tại xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Thăm các cơ sở của đồn điền, trong đó có xưởng in tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn ông Đỗ Đình Thiện cần tìm ngay nơi sơ tán, đề phòng địch đánh phá. Thăm chợ Đầm Đa, Người nhắc nhở Ủy ban hành chính Phú Lão: “Phải rời ngay đến nơi kín đáo đề phòng máy bay giặc bắn phá”. Thăm một số gia đình đồng bào Mường tại xã Cố Nghĩa, Người động viên bà con: “Cố gắng tăng gia sản xuất làm ra nhiều ngô, lúa để ăn và ủng hộ kháng chiến”. Đêm 21-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời đồn điền về chùa Một Mái (Quốc Oai). Sáng ngày 22-2-1947, máy bay giặc Pháp đã tới ném bom oanh tạc đồn điền Đỗ Đình Thiện, nhưng Xưởng in tiền và Kho Bạc tại xóm Đồng Thung vẫn an toàn. Cán bộ, công nhân nhà máy vẫn vững vàng, tích cực sản xuất in nhiều tiền phục vụ nền tài chính nước nhà.

2- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Hợp tác hoá Nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc (Kỳ Sơn) ngày 19/10/1958.

Trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa với bao khó khăn của buổi ban đầu, ngày 19-10-1958, Bác Hồ đến thăm tỉnh Hòa Bình và nói chuyện với trên 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tại Trường hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc (Kỳ Sơn). Bác đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong phong trào sản xuất chung của tỉnh ta đó là: “Cán bộ, đồng bào có một số sợ khó khăn, không muốn cải tiến cách làm việc, không muốn cải tiến kỹ thuật. Cái đó là bảo thủ do ngại khó… Phải dần dần sửa chữa khuyết điểm đó mới sản xuất tốt được”. Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Bác cũng nói: “Cố gắng sản xuất lương thực trước hết là thóc, thế là đúng, nhưng hình như đồng bào chưa chú ý đến hoa màu... hoa màu cũng cần làm tốt”. Sau khi khen ngợi, động viên những cố gắng mà tỉnh ta đã đạt được; phê bình những khuyết điểm cần sửa chữa, Bác đã ân cần dặn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Hòa Bình: “Đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân và dân, giữa lương và giáo. Cố gắng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, nên tổ chức hơn nữa tổ đổi công và hợp tác xã, vì như thế tăng gia sản xuất mới có nhiều kết quả. Phải cảnh giác vì ta xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, bọn Mỹ - Diệm sẽ tìm cách phá hoại”. Bác còn nhắc nhở “Đồng bào, cán bộ, cần chú ý giúp đỡ đồng bào rẻo cao vì ở đây làm ăn khó nhọc hơn”.

Trên đường công tác trở về từ trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc (Kỳ Sơn), Bác đã ghé thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa thuộc Liên đoàn sản xuất Cửu Long của cán bộ miền Nam tập kết đóng ở xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Sau khi thăm nhà ở, nhà bếp, nơi vệ sinh và một vòng xung quanh Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, Bác và các đồng chí trong đoàn nghỉ chân dưới tán cây khế lớn. Bác đã trò chuyện thân mật, động viên đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, ân cần thăm hỏi và căn dặn mọi người yên tâm, phấn khởi sản xuất, nâng cao đời sống là thiết thực đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác căn dặn: Các cô, các chú ra đây không phải là để nghỉ ngơi mà phải tiếp tục kháng chiến, tiếp tục chiến đấu bằng học tập, công tác, lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và sau này về xây dựng miền Nam; các chú nên giữ cây khế này để vừa có bóng mát lại vừa có quả ăn, đừng chặt phá...

3- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/08/1962.

Ngày 17-8-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Đây là trường điển hình đầu tiên ở miền Bắc về kết hợp giáo dục với lao động sản xuất theo phương thức “vừa học vừa làm”, làm ra của cải vật chất ngay trong điều kiện học tập. Nói chuyện với hơn 400 cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh của trường, Người căn dặn: “Phải làm sao huyện nào cũng đều có trường vừa học vừa làm”, “vừa học tập vừa lao động để tự túc là cách học tốt nhất”. Tại đây Bác đã lưu lại bút tích với căn dặn đối với thầy, trò nhà trường là:



Fải.

Học tập tốt, lao động tốt,

Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”.
4- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại cơ quan Huyện uỷ Kim Bôi ngày 19/09/1964.

Ngày 19-9-1964, một vinh dự lớn tiếp tục đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình: Bác Hồ về thăm cơ quan Huyện ủy Kim Bôi. Tới nơi bác đi thăm nhà ăn, nhà bếp, giếng nước và khu nhà vệ sinh. Xem xét giếng nước, người nhắc "phải làm nắp đậy phòng các cháu nhỏ chơi đùa rơi xuống giếng”. Đến nhà ăn thấy chiếc chạn đựng thức ăn có tấm lưới sắt bị thủng, Bắc nhắc phải giữ gìn vệ sinh. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Huyện ủy báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương, Bác ân cần nhắc nhở: Năng suất cây lương thực còn thấp, diện tích bỏ hóa còn nhiều, cố gắng đi vào thâm canh. Cần làm tốt việc trồng cây công nghiệp. Bác khuyên nhủ mọi người phải nêu cao ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa và căn dặn Huyện ủy phải chỉ đạo mọi mặt tốt hơn nữa.Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân huyện Kim Bôi nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung đã ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ là căn cứ hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn anh hùng.


(Nguồn: sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Hà Sơn Bình”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010” và một số cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố. )

Câu 6: Tính đến năm 2016, tỉnh Hoà Bình đã có bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng? Bao nhiêu cá nhân và tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động được Nhà nước phong tặng (hoặc truy tặng)?

Hãy giới thiệu về một tập thể hoặc cá nhân Anh hùng mà bạn tâm đắc nhất.

Đáp án:

Tính đến năm 2016, số lượng tập thể, cá nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Hòa Bình gồm:

- 73 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (bao gồm cả đơn vị xã Yên Bình nay đã chuyển về Hà Nội).

- 04 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. (Khuyến khích Bài Dự thi bổ sung thêm một đơn vị được phong tặng năm 2015 là trường PTTH chuyên Hoàng Văn Thụ).

- 10 cá nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Liệt sỹ Triệu Phúc Lịch, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quyết định số 201/KT- CTN ngày 11/6/1999.

+ Liệt sỹ Bùi Văn Nê, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truy tặng ngày 20/12/1973.

+ Liệt sỹ Bùi Văn Hợp, xã Vĩnh Đồng huyện Kim Bôi, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truy tặng ngày 15/01/1976.

+ Liệt sỹ Quách Văn Thắm, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, Anh hùng LLVTND thời kỳ Bảo vệ Tổ quốc, truy tặng ngày 25/01/1983.

+ Liệt sỹ Bùi Xuân Tiếp, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Anh hùng LLVTND thời kỳ Bảo vệ Tổ quốc, truy tặng ngày 25/01/1983.

+ Liệt sỹ Bùi Văn Tình, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Anh hùng LLVTND thời Bảo vệ Tổ quốc, truy tặng ngày 29/8/1985.

+ Liệt sỹ Bùi Văn Dù, xã Xuân Phong, huyện Cao Phong, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truy tặng ngày 9/10/2014 (Quyết định số 2557-QĐ/CTN)

+ Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngoạn, quê quán xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quyết định số 789/QĐ-CTN ngày 25/4/2015.

+ Liệt sỹ Phạm Văn Bảy, quê quán Thừa Thiên - Huế, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quyết định của Chủ tịch nước truy tặng ngày 17/8/1983.

+ Liệt sỹ Bùi Văn Ba, Quê quán Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

- 02 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động theo hồ sơ quản lý của Sở Lao động thương binh xã hội .

+ Bà Nguyễn Thị Khương, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, phong tặng năm 1958 (Đã mất).

+ Ông Trần Văn Cường, xã yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hiện sinh sống tại tổ 24, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; Quyết định phong tặng số 196-KT/HĐNN của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 8/02/1989.

+ Khuyến khích Bài Dự thi bổ sung thêm ông Lưu Huy Thành, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, hiện sinh sống tại tổ 23, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; Quyết định phong tặng số 440-KT/CTN của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 22/9/2000.)

- 224 bà mẹ được Nhà nước phong tặng (hoặc truy tặng) danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (Bao gồm cả các mẹ Việt nam Anh hùng thuộc 4 xã nay chuyển về Hà Nội).

+ Đáp án cuộc thi tính số lượng đến đầu năm 2016, khuyến khích các bài Dự thi bổ sung thêm số lượng các bà mẹ được phong tặng tháng 6/2016.
Câu 7: Từ năm 1945 đến nay, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tổ chức bao nhiêu kỳ đại hội, các kỳ đại hội diễn ra vào ngày, tháng, năm nào? Nêu mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020?
Đáp án:

Từ năm 1945 đến nay, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 16 kỳ đại hội.



1- Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất:

Diễn ra từ ngày 21 đến 25/5/1948 tại làng Lập, xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay là xã Lập Chiệng, Huyện Kim Bôi). Dự Đại hội có 120 đại biểu đại diện cho 333 đảng viên ở 37 chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh.



Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá I gồm 11 đồng chí. Trong phiên họp đầu tiên, BCH Đảng bộ tỉnh Hoà Bình khoá I đã bầu 03 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đồng chí Đào An Thái được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Quách Hy được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Hữu Lê được bầu làm uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ.

2- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ II:

Diễn ra từ ngày 10/4 đến 22/4/1951 tại xóm Đồng Lốc, xã Nật Sơn, huyện Lương Sơn (nay thuộc xã Sơn Thuỷ, huyện Kim Bôi). Dự Đại hội có 125 đại biểu thay mặt cho trên 2.000 đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 17 đồng chí (13 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết); Bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá II gồm 05 đồng chí. Đồng chí Lê Đạm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ khoá II, đồng chí Nguyễn Đình Khanh là Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

3- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ III

Tổ chức từ ngày 19/01 đến 25/01/1959 tại trụ sở Trường Đảng tỉnh (Phố Đúng, thị xã Hòa Bình). Sau 2 kỳ Đại hội tại khu căn cứ kháng chiến của tỉnh, đây là lần đầu tiên Đại hội họp giữa thị xã tỉnh lỵ giải phóng. Dự Đại hội có 116 đại biểu (23 đại biểu dự thính) đại diện cho hơn 3.000 đảng viên trong toàn tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III gồm 28 uỷ viên, trong đó có 5 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 08 đồng chí. Đồng chí Lê Đạm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Bùi Văn Kín được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

4- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ IV

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ IV tiến hành hai vòng

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ IV (vòng I) diễn ra từ ngày 07/6 đến 16/6/1960 tại thị xã Hòa Bình với 204 đại biểu. Đại hội tập trung thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và bầu Đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình đi dự Đảng toàn quốc lần thứ III gồm 5 đồng chí.

* Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ IV (vòng II) tiến hành từ ngày 20/01 đến 30/01/1961 tại thị xã Hòa Bình. Dự Đại hội có 193 đại biểu (10 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho 5.179 đảng viên (chưa kể đảng viên của các chi, Đảng bộ nông lâm trường) ở 335 cơ sở Đảng.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IV gồm 27 uỷ viên, trong đó có 6 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 07 đồng chí. Đồng chí Lê Đạm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Bùi Văn Kín được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

5- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ V

Được tổ chức từ ngày 24/5 đến 01/6/1963 tại Rạp chiếu bóng - Tiểu khu Phương Lâm - thị xã Hoà Bình (nay là Phường Phương Lâm - thành phố Hoà Bình). Dự Đại hội có 227 đại biểu thay mặt cho 7.952 đảng viên trong tỉnh.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá V gồm 25 uỷ viên chính thức, 05 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hoà Bình khoá V đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 07 đồng chí. Đồng chí Bùi Văn Kín được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vũ Kiên được bầu làm Phó Bí thư Thường trực và đồng chí Nguyễn Văn Hậu được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

6- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ VI

Tổ chức từ ngày 01/3 đến 12/3/1970 tại hội trường Tỉnh đội Hoà Bình - phường Chăm Mát - thị xã Hoà Bình (nay là Thành phố Hoà Bình). Dự Đại hội có 276 đại biểu đại diện cho 16.287 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI gồm 27 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết, Ban chấp hành Đảng bộ khoá VI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Bùi Văn Kín được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vũ Kiên được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Hậu được bầu là Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh.

7- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ I

Nghị quyết kỳ họp thứ 2 ngày 27/12/1975 Quốc hội khoá V hợp nhất tỉnh Hoà Bình và Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ I tiến hành 02 vòng:

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ nhất (vòng I) họp từ ngày 11/11 đến 20/11/1976 tại Hội trường Nhà Văn hóa thị xã Hà Đông. Dự Đại hội có 600 đại biểu thay mặt cho trên 07 vạn đảng viên trong toàn tỉnh.

* Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ I (vòng II) diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 30/4/1977 tại Hội trường Nhà Văn hóa thị xã Hà Đông, có 592 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Ban chấp hành khoá I gồm 36 uỷ viên chính thức và 02 uỷ viên dự khuyết.

Ban chấp hành Đảng bộ khoá I đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Thụ được bầu là Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Minh Đức được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Văn Hậu được bầu là Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

8- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ II

Diễn ra từ ngày 08 đến 12/10/1979 tại Hội trường Nhà Văn hóa Trung tâm thị xã Hà Đông, với 419 đại biểu chính thức và 37 đại biểu dự khuyết.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1979 - 1981 gồm 40 uỷ viên chính thức và 04 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ khóa II họp phiên Thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Thụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Minh Đức và đồng chí Nguyễn Trọng Thơ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

9- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ III

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ III tiến hành 2 vòng:

* Từ ngày 05-13/01/1982, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ III (vòng 1) diễn ra tại thị xã Hà Đông, với 440 đại biểu.

* Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ III (vòng 2) diễn ra từ ngày 14/01 đến ngày 19/01/1983 tại thị xã Hà Đông. Đại hội bầu Ban chấp hành khoá III gồm 42 ủy viên chính thức và 03 ủy viên dự khuyết. BCH Đảng bộ Hà Sơn Bình (khóa III) bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đình Sở được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lý Bá Lung và Nguyễn Trọng Thơ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.



10- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ IV

Diễn ra từ ngày 14/10 đến 20/10/1986 tại thị xã Hà Đông, với 444 đại biểu đại diện cho 62.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.



Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1986-1990 gồm 58 đồng chí, trong đó có 45 uỷ viên chính thức, 13 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ (khóa IV) bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm có 15 uỷ viên, đồng chí Nguyễn Đình Sở được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Tiến Hòa và đồng chí Nguyễn Nhiêu Cốc được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

11- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XI:

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hà Sơn Bình được chia thành hai tỉnh: Hà Tây và Hòa Bình. Ngày 01/10/1991, tỉnh Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI được tổ chức từ ngày 18/3 đến 20/3/1992 tại Nhà Văn hóa trung tâm thị xã Hòa Bình. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu thay mặt cho trên 25 ngàn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu 39 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (khóa XI). Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XI được tính trên cơ sở kế thừa 6 kỳ đại hội của tỉnh Hòa Bình trước khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây và 4 kỳ đại hội thời kỳ chung tỉnh Hà Sơn Bình.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI gồm 39 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 09 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Nhiêu Cốc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Nguyễn Văn Cửu, Bạch Công Điệu được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.



12- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XII

Diễn ra từ ngày 07 đến 09/5/1996 tại thị xã Hòa Bình. Dự Đại hội có 297 đại biểu thay mặt cho trên 26.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã bầu 45 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Hon được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Vương Xuân Sơn được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

13- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XIII

Tiến hành từ ngày 01/01/2001 đến ngày 04/01/2001 tại Cung Văn hóa tỉnh. Dự Đại hội có 295 đại biểu thay mặt cho 32.375 đảng viên sinh hoạt tại 673 tổ chức cơ sở Đảng thuộc 10 Đảng bộ huyện, thị xã và 4 Đảng bộ trực thuộc.



Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII gồm 47 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ khóa XIII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Hon được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hà Công Dộng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

14- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XIV

Tổ chức từ ngày 18/12/2005 đến ngày 21/12/2005 tại Cung Văn hóa tỉnh, với 300 đại biểu thay mặt cho trên 43.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIV (nhiệm kỳ 2005-2010) gồm 49 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIV họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Lưu Hải được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Hoàng Việt Cường và Bùi Văn Tỉnh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

15- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XV

Tổ chức từ ngày 18/10 đến 20/10/2010 tại Cung văn hoá tỉnh. Dự Đại hội có 305 đại biểu, đại diện cho gần 50.000 đảng viên trong toàn tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ (khóa XV) gồm 53 ủy viên. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Hoàng Việt Cường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Bùi Văn Tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Quang được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

16- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVI

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 năm 2015 tại Cung Văn hoá tỉnh Hòa Bình. Dự Đại hội có 343 đại biểu thay mặt cho gần 6 vạn đảng viên toàn đảng bộ.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ (khóa XVI) gồm 54 ủy viên. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Đăng Ninh làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Quang được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. 

1- Mục tiêu:

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; huy động mọi nguồn lực để phát triển KT -XH nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

 2- Chỉ tiêu chủ yếu

a) Về kinh tế: Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5% - 9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm bằng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách Nhà nước tăng 17%/năm. Đến năm 2020: GRDP bình quân đầu người đạt 60 - 65 triệu đồng; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Công nghiệp - xây dựng 57,8%, dịch vụ 26,4%, nông nghiệp 15,8%; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 40% trở lên.

 b) Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55% đến 60%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 20% đến 22%; có 8,5 bác sỹ và 25 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 85% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,0%/năm.

c) Về môi trường: Đến năm 2020, có 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 95% chất thải nguy hại, 90% -100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng trên 50%. 

d) Xây dựng Đảng: Hằng năm tỷ lệ số tổ chức cở sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh đạt 50%. 

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm:

a) Phát triển kinh tế và thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước 

- Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối với thành phố Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

- Thứ hai: Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là: 

* Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ

*Phát triển nguồn nhân lực

* Hoàn thiện thể chế



- Thứ ba: Phát triển các ngành kinh tế

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục phát triển công nghiệp với vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tập trung phát triển mạnh các loại hình thương mại và các ngành dịch vụ có lợi thế có giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế...



- Thứ tư: Phát triển các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, thu hút đầu tư; tài chính, tín dụng.

b) Phát triển văn hoá - xã hội 

- Thứ nhất: Phát triển văn hoá, thể thao, thông tin, truyền thông.

- Thứ hai: Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

- Thứ ba: Tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tốt công tác dân số.

- Thứ tư: Phát triển khoa học và công nghệ.

- Thứ năm: Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Thứ sáu: Quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội.

- Thứ bảy: Tiếp tục quan tâm phát triển KT - XH, nâng cao đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo.

c) Giữ vững thế trận QP - ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;  

d) Tăng cường hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đối ngoại



đ) Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc.
(Nguồn: sách “Đảng bộ tỉnh Hòa Bình qua các kỳ đại hội 1945-2005”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010”, “Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020”).

Câu 8: Trong 130 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Hòa Bình, sự kiện tiêu biểu nào mà bạn tâm đắc nhất? Vì sao? Hãy nêu cảm nghĩ của bản thân về sự phát triển, đổi mới của quê hương Hòa Bình? (Phần cảm nghĩ của bản thân dài không quá 3.000 từ).




Каталог: UploadFile -> Portals
Portals -> TỈnh ủy hòa bìNH
Portals -> I. thủ TỤc hồ SƠ Quy trình giải quyết hồ sơ mới đăng ký tham gia bhxh, bhyt bắt buộc Mã số 101
Portals -> Ban tổ chức cuộc thi số: 01
Portals -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam bảo hiểm xã HỘi thành phố HÀ NỘI Độc lập Tự do Hạnh phúc
Portals -> TỈnh ủy hòa bình số 29 kh/tu đẢng cộng sản việt nam
Portals -> Quyết định số 466/QĐ-bhxh ngày 19 tháng 04 năm 2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình giám định bảo hiểm y tế
Portals -> TỈnh ủy hòa bình số 13-kh/tu đẢng cộng sản việt nam
Portals -> Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Portals -> BẢo hiểm xã HỘi thành phố HÀ NỘi số: 986 /kh-bhxh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 157.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương