ĐOÀn chủ TỊch số: 596 /bc-mttw-đct cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 83.1 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích83.1 Kb.
#38743

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM



ĐOÀN CHỦ TỊCH

Số: 596 /BC-MTTW-ĐCT



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2014




BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

(Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII)

Kính gửi: Quốc hội

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đến nay đã tổng hợp được 2.216 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 1.006 ý kiến của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 1.210 ý kiến của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Những tháng đầu năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của kinh tế thế giới suy thoái và những yếu kém của nội tại nền kinh tế đất nước, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế đã từng bước tăng trưởng cao hơn (tổng sản phẩm nội địa bốn tháng đầu năm tăng 4,96%); lạm phát được kiểm soát (chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng chỉ tăng 0,88%); cán cân thanh toán thặng dư khoảng 10 tỷ USD, xuất siêu hơn 2 tỷ USD, tỷ giá hối đoái ổn định; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tổ chức thành công kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa qua đã khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, được dư luận nhân dân đồng tình và ủng hộ.



Cử tri và nhân dân đánh giá cao về kết quả đạt được tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là đã thông qua Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật đất đai (sửa đổi). Hiến pháp có nhiều nội dung mới, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực cho việc phát triển đất nước. Nhân dân tin tưởng vào việc thực hiện các quyền đã được ghi trong Hiến pháp, nhất là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đông đảo cử tri và nhân dân hoan nghênh và quan tâm, theo dõi việc Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát việc thực hiện chính sách về bảo hiểm cho công nhân ở các doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp; giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ... Cử tri và nhân dân mong muốn thông qua hoạt động giám sát cụ thể này sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách và bảo đảm công bằng trong xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực, sản phẩm còn thấp, nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới như: hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế còn chậm; kiểm soát nợ công; tình hình tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp; công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả còn thấp, chưa đạt được yêu cầu.

Đặc biệt, nhân dân cả nước rất bất bình về việc Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar ngày 11/5/2014 và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 14/5/2014. Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời làm cho Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế, giữ gìn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân cũng kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.

II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CHỦ YẾU CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

1. Về quản lý thị trường và giá cả

Cử tri và nhân dân cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và tích cực trong chỉ đạo, tổ chức chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn. Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống hàng ngày; hiện nay thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại; trong khi đó hiệu quả xử lý và ngăn chặn của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, bất cập. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương có giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; có các biện pháp, chế tài mạnh đối với các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đầu năm 2014, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường tiếp tục tăng cao. Trên cơ sở kết quả thanh tra giá sữa của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: thực hiện quản lý giá tối đa theo Luật giá đối với sản phẩm sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn 12 tháng và thực hiện quản lý theo biện pháp đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng.

Nhân dân rất hoan nghênh quyết định kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện cương quyết, tránh tình trạng doanh nghiệp lại tìm cách lách luật.

Tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông, lâm, thủy hải sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi gây thiệt hại cho đất nước và bản thân nông dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng những biểu hiện bất thường trong việc thu mua hàng hóa của thương lái nước ngoài để có biện pháp xử lý.

2. Về sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Hiện nay, thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quan tâm đánh giá tác động trực tiếp của các chính sách đối với nông nghiệp và nông dân; tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi; nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân.



Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng được bán phổ biến, thiếu kiểm soát gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân. Việc sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong bảo quản thực phẩm, rau quả; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức hoặc các chất không được phép; tiêu thụ thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc, tiểm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, đe dọa an toàn, sức khỏe con người. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tăng cường quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sản xuất và sức khỏe của nhân dân.

Cử tri và nhân dân nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành hữu quan tiếp tục quan tâm đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, cần có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời bố trí hợp lý, kịp thời nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Mặt khác, trong những năm gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo vệ rừng xảy ra ở nhiều nơi. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực của lực lượng Kiểm lâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng trong tình hình hiện nay.

Cử tri và nhân dân làm nghề đánh bắt hải sản tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải tạo, hoán đổi tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai ở nhiều nơi, huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng với sự đầu tư của nhà nước góp phần thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, ở nhiều nơi có biểu hiện chệch mục tiêu của chương trình, còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa, cải thiện môi trường, đầu tư cho việc thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới ngành nghề sản xuất, kinh doanh để giúp người nông dân có điều kiện làm giàu chính đáng, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống như mục tiêu đề ra; một số nơi huy động sự đóng góp của người dân còn cao, trong lúc thu nhập bình quân ở địa phương còn thấp. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh những nơi thực hiện không đúng mục tiêu và nội dung của Chương trình; nghiên cứu sửa đổi và ban hành các cơ chế nhằm huy động sự tham gia của xã hội và các doanh nghiệp góp sức cùng chính quyền các cấp thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.

3. Về giao thông vận tải

Cử tri và nhân dân hoan nghênh lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thời gian qua quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ; kịp thời cho sửa chữa cầu yếu, làm mới cầu treo ở những nơi thiết yếu phục vụ dân sinh; xử lý kiên quyết đối với việc xe quá tải và triển khai đồng bộ những biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn; kiểm tra, xử lý các dấu hiệu tham nhũng trong Ban quản lý các dự án xây dựng đường sắt đô thị và những tồn tại khác trong ngành đường sắt…

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông; kịp thời xử lý các dự án giao thông thực hiện chậm tiến độ; có cơ chế quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương tiện quá trọng tải gây xuống cấp công trình giao thông; quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng giao thông ở các vùng nông thôn, đồng thời sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đang còn dở dang, nhằm tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tập trung nâng cao năng lực vận tải của ngành giao thông đường sắt, cải thiện lộ trình đưa tàu khách, tàu hàng đạt tốc độ cao, đẩy mạnh đổi mới chất lượng dịch vụ và tạo hình ảnh thân thiện với khách hàng.



4. Về y tế, giáo dục và đào tạo

Cử tri và nhân dân phấn khởi trước những thành tựu, tiến bộ của ngành y tế trong thời gian qua, nhất là các thành tựu về áp dụng các giải pháp kỹ thuật cao để khám, chữa bệnh, về đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ, chăm sóc sức khỏe, tăng cường năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức trong đội ngũ y, bác sỹ đã được quan tâm hơn.

Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều dịch, bệnh diễn ra liên quan đến công tác y tế dự phòng, như: dịch bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Cử tri cho rằng, đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu như làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh. Công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao, việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện chưa tốt dẫn đến số tử vong do sởi và liên quan tới sởi cao. Vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cử tri đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tổ chức kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vắc xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc.

Cử tri và nhân dân tiếp tục đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ; thực hiện luân chuyển các bác sỹ có chuyên môn cao xuống làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới, kết hợp với đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, góp phần giảm áp lực và tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Về giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa, theo đó, việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng để có sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng; không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội.

Nhiều ý kiến cử tri và nhân dân cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh việc ưu tiên trong thi cử. Việc thực hiện chính sách ưu tiên đối với con em thương binh, liệt sỹ theo cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay là chưa hợp lý; nên áp dụng hình thức ưu tiên bằng hỗ trợ kinh phí nhằm bảo đảm các điều kiện thiết yếu trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, khắc phục dần tình trạng chênh lệch về chất lượng chuyên môn giữa các trường ở cấp tiểu học, trung học ở các địa phương nhằm hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với bậc đại học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam cho học sinh, sinh viên; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trong nhân dân.



5. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm và các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Một số vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao1.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, nhất là trong vấn đề kê khai tài sản. Việc phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi hoàn thiện các quy định về giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.



6. Về bảo vệ tài nguyên, môi trường

Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Tuy nhiên trong thực tiễn, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập.



Cử tri và nhân dân một số địa phương lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, các làng nghề và một số cơ sở sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Vẫn còn có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lén lút xả chất thải độc hại chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất; có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống nước hợp vệ sinh tại các khu vực dân cư bị ô nhiễm nguồn nước, địa bàn vùng cao, vùng khó khăn để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng còn diễn ra ở một số địa phương nhưng việc xử lý, ngăn chặn còn nhiều hạn chế. Nhân dân bức xúc về nạn các tàu, thuyền khai thác cát trái phép ngang nhiên ở các dòng sông, gây sạt lở hai bờ sông, cản trở giao thông đường thủy nội địa, làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn thu của ngân sách, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Các hoạt động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và bức xúc đối với nhân dân ở nhiều địa phương, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền và các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, kiên quyết xử lý và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các qui định của pháp luật.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tuy đã đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 30/2012/QH13 của Quốc hội, song số diện tích còn lại chưa được cấp gặp nhiều vấn đề phức tạp; việc đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn do giá đền bù còn thấp, giá đất tái định cư cao thiếu thống nhất trong cùng dự án dẫn đến gia tăng tình trạng khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân. Một số dự án treo để đất hoang hóa, gây lãng phí đất đai, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Trong các dự án, việc quy hoạch kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư; xử lý nghiêm các dự án treo và các tổ chức, cá nhân sử dụng lãng phí đất đai; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai (sửa đổi) để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh những ý kiến, kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước hữu quan tiếp tục giải quyết các kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước như vấn đề tăng mức trợ cấp cho các gia đình thương binh, liệt sỹ để phù hợp với giá cả thị trường ngày càng tăng cao; về thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; về sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; về thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí nhằm khắc phục tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng.



Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết theo quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Nơi nhận:

- Các vị đại biểu Quốc hội;

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Chủ tịch nước;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Thường trực Chính phủ;

- Các vị trong ĐCT UBTWMTTQ VN;

- Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố;

- Lưu.


TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM



CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Thiện Nhân




1 Vụ án lợi dụng chức vu, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên; Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Lăk –Đăk Nông; Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại Ngân hàng ACB…




Каталог: Home -> vanbanHD -> Nam%202014
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 471 /kh-mttw-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 03 /hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 122/hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 129/hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Nam%202014 -> ĐIỀu lệ mttqvn khóa VIII
Nam%202014 -> Ban chấp hành trung ưƠng số 217-QĐ/tw đẢng cộng sản việt nam
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 28 /TTr-mttw-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> NGƯỜi việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Ưu tiên dùng hàng việt nam
Nam%202014 -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI, ban thưỜng trựC Ủy ban trung ưƠng mặt trận tổ quốc việt nam

tải về 83.1 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương