ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa


PHẨM 25 - QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT (PHỔ MÔN)



tải về 2.78 Mb.
trang34/41
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.78 Mb.
#39525
1   ...   30   31   32   33   34   35   36   37   ...   41

PHẨM 25 - QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT (PHỔ MÔN)


Trong hai mươi tám phẩm của kinh Pháp Hoa, không có phẩm nào đã bị diễn dịch sai lầm hơn phẩm này. Do bị hiểu một cách hời hợt và theo nghĩa đen, phẩm này bị xem là phẩm dạy về một đức tin dễ dãi: hễ ai kêu gọi Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ được cứu thoát mọi khổ đau ngay.

Quả thực là phân nửa đầu của phẩm này phần lớn nói về năng lực siêu nhiên của vị Bồ-tát này khi tuyên bố rằng nếu các chúng sanh tưởng niệm và tôn kính Bồ-tát Quán Thế Âm thì họ sẽ thoát khỏi bảy hiểm nạn về lửa, nước, gió, đao, quỷ, tội, cướp. Nếu họ tiếp tục tôn kính Bồ-tát này, họ sẽ được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh và chết. Nếu họ tôn kính Bồ-tát càng nhiều hơn, họ sẽ được thoát khỏi ba độc là tham, sân, si và sẽ có được loại con cái như ý họ mong muốn. Khi những người bình thường đọc phẩm 25 với sự nhận thức nông cạn, điều chỉ có thể xảy ra là họ sẽ rơi vào một niềm tin dễ dãi.


Sự diễn dịch sai lầm về phẩm này phát xuất từ sự nhận thức yếu kém về các giáo lý được giảng trong phần còn lại của kinh Pháp Hoa. Nếu họ thực sự hiểu được ít ra là phẩm 16, “Như Lai Thọ Mạng” thì họ sẽ không thể hiểu lầm phẩm 25 theo cách này được.

Về cơ bản, có hai nguyên nhân khiến họ hiểu lầm. Thứ nhất là ý niệm hời hợt của họ về sự cứu độ mà họ tìm kiếm ở một cái gì đó bên ngoài họ. Như đã được giải thích ở phẩm 16, sự cứu độ nằm trong ý thức của chúng ta về sự hiện hữu của đức Phật Vĩnh Hằng ở khắp nơi cả bên trong lẫn bên ngoài chúng ta và trong sự nhận thức nghiêm túc, chân thành rằng chúng ta được sống do bởi đứcPhật.

Một nhận thức xác quyết như vậy đưa chúng ta đến niềm an tịnh thực sự của tâm. Đồng thời lời nói và hành động của chúng ta tự nhiên sẽ hài hòa với đức Phật và sẽ tạo ra sự hài hòa chung quanh chúng ta. Cõi Tịnh Quang Vĩnh Hằng, tức một xã hội lý tưởng sẽ được hình thành khi một thế giới hài hòa lan rộng dần về mọi phía.

Sự cứu độ thực sự xảy ra theo cách như thế. Hiểu lầm sự cứu độ là do chúng ta nhìn cứu độ một cách sai lạc theo ý nghĩa sự giải thoát khỏi đau đớn, khổ ải nhờ sự giúp đỡ của một tác nhân ở bên ngoài. Điều này cũng giống như một người đang khổ vì chứng đau đầu do bị táo bón lại dùng thuốc Aspirin để chữa trị đau đầu. Người ấy tạm thời bớt đau đầu vì thuốc ấy, nhưng người ấy chỉ có thể khỏi hẳn nếu như được chữa lành cái căn nguyên là bệnh táo bón. Đằng này cũng vậy, hoàn toàn trông cậy vào năng lực ở bên ngoài thì sẽ không khiến cho người ta thực sự được cứu khỏi khổ đau, dù cho người ta có thể được cứu giúp khỏi một vấn đề trực tiếp.

Thứ hai, có một sự hiểu lầm lớn về địa vị của chư Bồ-tát. Sự cứu độ thực sự chỉ được thực hiện do đức Phật; điều này cần được nhận rõ từ nguyên lý về sự cứu độ đã được bàn trên đây. Sự cứu độ phát xuất từ nhận thức của chúng ta về sự hiện hữu của chân lý, và chỉ có một chân lý mà thôi. Một Bồ-tát là vị đã có mong muốn lớn lao là cứu độ những người khác và ngài có thể chắc chắn sẽ cứu độ hết thảy chúng sanh khỏi ảo tưởng và khỏi khổ đau trong những hoàn cảnh riêng biệt. Tuy nhiên, sự cứu độ căn bản chỉ xảy ra nếu chúng ta hiểu được sự hiện hữu của đức Phật.  Một Bồ-tát thể hiện sự cứu độ chúng sanh như thế nào ? Dĩ nhiên đây là một sự cứu độ do ngài phát hiện để cứu chúng sanh khỏi các ảo tưởng của họ và khỏi những hoàn cảnh riêng biệt. Tuy nhiên, sự cứu độ của ngài có một vận hành quan trọng hơn nhiều là truyền bá giáo lý của đức Phật với tư cách là sứ giả của Ngài và ban cho chúng ta một gương tốt về cuộc sống tôn giáo. Sự cứu độ thực sự của vị Bồ-tát gồm trong việc dẫn dắt chúng ta đến giải thoát nhờ gương tốt của ngài.

Chư Đại Bồ-tát đã thành tựu đức hạnh của chư vị và mỗi vị đều có những đức hạnh riêng của mình. Ví dụ, Bồ-tát Thường Bất Khinh có điểm đặc biệt là thực hành sự tôn kính những người khác và khai mở Phật tính của họ. Bồ-tát Dược Vương có đặc điểm là thể hiện sự đền đáp ân đức của đức Phật bằng việc thực hành giáo lý. Bồ-tát Diệu Âm đặc sắc ở chỗ ngài tu tập để có cái nhìn rộng lớn nhằm thực hiện một lý tưởng. Chúng ta có thể noi theo những đức hạnh của một trong nhiều vị Bồ-tát.

Bồ-tát Quán Thế Âm không phải là một vị Phật mà là một vị Bồ-tát. Ngài là vị mà chúng ta xem là một gương mẫu, nhưng ta chớ nên xem ngài là đối tượng để cầu xin giải thoát. Trong phẩm này, đức Phật dạy rằng thần thông của Bồ-tát Quán Thế Âm là một mẫu thức để khiến chúng ta mong được thắng diệu như vị Bồ-tát này và nỗ lực thật nhiều để thực hành giáo lý của kinh Pháp Hoa.

Nhớ đến và tôn kính Bồ-tát Quán Thế Âm là nghĩ đến vị Bồ-tát này và cảm thấy một sự mong mỏi ngài như là một mẫu thức lý tưởng. Niệm Bồ-tát này, với niềm thâm thiết mong mỏi ngài sẽ giúp cho tâm tính của ta được cải tiến. Tuy nhiên, từ xưa, đa số người ta chưa hiểu ý nghĩa của việc niệm Bồ-tát Quán Thế Âm theo cách như thế mà lại tôn thờ ngài để được thoát khỏi khổ đau hiện tại nhờ vào năng lực siêu nhiên của ngài. Như thế thì không thể được gọi là niềm tin thực sự, niềm tin thực sự thì thâm sâu hơn nhiều.

Ta hãy nghiên cứu phẩm 25 với những điểm căn bản này trong trí óc. Phẩm này gồm chứa một ít thuật ngữ khó hiểu hoặc rối rắm. Nhưng nếu ta hiểu được cái giáo lý tổng quát của phẩm và ý nghĩa của những điểm quan trọng thì cũng đủ chota.

---o0o---


QUÁN THẾ ÂM (AVALOKITESVARA) LÀ GÌ?


Phẩm này khởi đầu bằng câu của Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi đức Phật như sau: “Bạch Thế Tôn, tại sao Bồ-tát Quán Thế Âm lại được gọi là Quán Thế Âm ?” Đức Phật đáp rằng, nếu có vô số chúng sanh đang khổ vì đau đớn, ưu phiền mà gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm thì Bồ-tát lập tức quán được âm thanh của họ và tất cả họ sẽ được giải thoát, vì lý do này nên Bồ-tát được gọi là Quán Thế Âm.

Kanzeon hay Kannon là tên gọi theo tiếng Nhật của Avalokitesvara, vị Bồ-tát có lòng đại từ đại bi và tình thương. Kan (quán) nghĩa là nhìn xét một cái gì, và zeon (thế âm) trỏ ý về những tiếng kêu (âm thanh) của người ta. Những tiếng kêu này không chỉ giới hạn vào tiếng người ta phát ra mà còn gồm cả những mong muốn và ước ao tha thiết của họ. Bồ-tát Quán Thế Âm có thể được xem là vị Bồ-tát do tính chất thần thông của ngài, có thể nhìn đến và lưu tâm những tiếng kêu của người ta mỗi khi những tiếng kêu này biểu hiện đau khổ hay mong cầu mà khiến cho họ thoát khỏi khổ đau bằng cách thuyết giảng giáo lý thích hợp với từng người, dẫn dắt họ đến mong cầu của họ và xuất hiện trong hình tướng thích hợp với những người được dẫn dắt.

Đây là những điều kiện tuyệt đối cần thiết cho những ai đang lãnh đạo những người khác. Các bậc cha mẹ trong gia đình phải luôn luôn chăm sóc sức khỏe của con cái và trạng thái tâm của chúng để nuôi chúng lớn một cách đúng đắn. Khi các bậc cha mẹ lưu ý đến tiếng kêu của mỗi đứa con, đứa này cần thức ăn nào đó, hay đứa kia mong có thứ gì - thì họ chuẩn bị các bữa ăn thích hợp, đào tạo vững vàng cho chúng, và cố vấn cho chúng về các vấn đề của chúng. Cha mẹ hướng dẫn con cái một cách có ích cho sức khỏe chúng và thích hợp với ước muốn của chúng. Tất cả các bậc cha mẹ xứng đáng với tên gọi thì hy sinh cho hạnh phúc của con cái mình. Những người như thế là những bậc cha mẹ lý tưởng và cũng là một sự thể hiện của tinh thần Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trong công việc, những người quản lý và giám sát phải biết rõ đặc tính của từng người làm việc dưới quyền mình là gì, người ấy đang lo toan gì, khả năng của người ấy là bao nhiêu, người ấy đang ấp ủ hy vọng mong muốn nào, và họ phải hướng dẫn, điều hành từng nhân viên của mình theo cách thích hợp nhất đối với người ấy. Nhờ sự hiểu rõ hướng dẫn và điều hành như thế, họ có thể giám sát một số đông người và có thể cân nhắc khả năng của từng người. Các nhà quản lý do đó có thể hoàn thành một cách có hiệu quả công việc mà họ đảm nhiệm. Một tinh thần và một khả năng như thế thì cần thiết hơn rất nhiều trong trường hợp của các nhà điều hành cấp cao và các chủ tịch các công ty, các giáo sư có trách nhiệm giáo dục nhiều sinh viên, các chính khách và các bộ trưởng. Tất cả những nhà lãnh đạo cần phải có sự thông suốt đúng đắn về bản tính con người và có tinh thần của lòng đại tự bi khiến người ta sẵn sàng chịu hy sinh mình vì những người khác như trường hợp Bồ-tát Quán Thế Âm.

Một người tin vào kinh Pháp Hoa và thiết tha mong muốn quảng bá giáo lý của đức Phật, dẫn dắt mọi người đến con đường toàn thiện phẩm cách của họ và xây dựng một xã hội lý tưởng trong đời này dựa trên tinh thần đại từ bi mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã nêu tỏ thì phải hiểu rõ những ưu tư, khổ đau và ước muốn của những người chung quanh mình. Người ấy cũng phải có khả năng dẫn dắt những người khác một cách tự tại bằng những phương tiện thiện xảo phù hợp nhất đối với từng người. Thế rồi người ấy phải thực hiện các Bồ-tát hạnh một cách có hiệu quả.

Do có sức thần thông, Bồ-tát Quán Thế Âm có thể cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi bảy khổ nạn và ba thứ độc, cho họ những gì họ muốn và giảng Pháp một cách tự tại bằng cách hiện ra hóa thân nào thích hợp với tín đồ nhất trong ba mươi hai hóa thân của ngài. Thần thông mà vị Bồ-tát này thể hiện là mục tiêu mà một người tin kinh Pháp Hoa phải nỗ lực đạt tới bằng cách noi gương Bồ-tát, và đấy cũng là cái lý tưởng cần phải có ở một người lãnh đạo là người phải nêu gương tốt cho người khác qua địa vị của mình.

---o0o---

LÒNG TỪ BI CỦA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM:


Từ xưa, các tượng điêu khắc và tượng vẽ Bồ-tát Quán Thế Âm đã nêu bậc vẻ mặt rất từ bi và an tịnh của ngài. Các điêu khắc gia và họa gia có truyền thống miêu tả vị Bồ-tát này như là một Đạo sư lý tưởng có đặc điểm là sự nhu hòa, bao dung và từ bi. Tâm ta tự nhiên được hỷ lạc do tôn thờ một pho tượng hay một hình vẽ vị Bồ-tát này.

Tiến sĩ Hideki Yukawa - một nhà vật lý học lý thuyết được giải Nobel năm 1951 đã cho đăng một bức ảnh chụp tượng Quán Âm Mười một Mặt (Thập nhứt diện Quán Âm) với một ngàn cánh tay (thiên thủ) ở trong bìa trước của cuốn sách của ông Con Người Và Khoa Học. Ông chua thêm lời bàn sau đây: “Dù tượng Quán Âm này có mười một mặt và một ngàn cánh tay, hình như tượng chẳng mất đi chút hài hòa nào của toàn bộ thân thể và tỏa ra sự bình an tâm thức. Nó có thể không hợp với thị hiếu của con người hiện đại, tuy vậy những đặc trưng hoàn hảo của nó cũng thỏa mãn họ phần nào.

Con người hôm nay có nhiều mặt nhiều tay như là kết quả của sự tiến bộ quan trọng của khoa học và kỹ thuật. Giờ đây họ có những con mắt mới cho công việc của họ như kính hiển vi và kính tiềm vọng. Họ đã tạo ra những bàn tay kỳ diệu để tránh sự nguy hiểm của năng lực phóng xạ. Máy tính điện tử đã thay thế trí óc con người. Tất cả những thứ này giúp cho sự tiến bộ của con người nhờ khoa học. Tuy nhiên, con người ngày nay sống trong một thế giới bị máy móc vây quanh và đã dần dần trở nên trơ cứng, căng thẳng. Hình như họ đang khám phá một vẻ đẹp tươi tắn hơn, tinh tế hơn và hiệu lực hơn. Một biểu hiện của an tịnh và từ bi như biểu hiện của Bồ-tát Quán Âm không được người ngày nay nhìn thấy. Có sự nguy hiểm nào đó trong các khuynh hướng tin rằng một người không có phần nào bất ổn thần kinh là bất bình thường. Nhưng khuynh hướng này càng trở nên đáng chú ý thì người ta càng tìm kiếm sự an tịnh tâm thức và hòa bình thế giới thâm thiết hơn, há chẳng phải quả là như thế sao ?”

Chúng ta làm sao để có thể đạt được tinh thần tự hy sinh, năng lực tối cao về sự nhận biết và sự dẫn đạo tối thượng của Bồ-tát Quán Thế Âm ? Chúng ta chỉ có thể làm được như thế bằng cách thọ trì, học tập và thực hành giáo lý mà đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết giảng.  Bồ-tát này cũng đã đạt được thần thông nhờ vào chân lý mà đức Phật thuyết giảng. Điều này được diễn tả rõ ràng trong kinh như sau: “Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, nay con xin cúng dường Bồ-tát Quán ThếÂm".

“Thế rồi ngài tháo ở cổ ra một chuỗi anh lạc trị giá một trăm ngàn lượng vàng và trình với Bồ-tát Quán Thế Âm mà bảo:
"Thưa Nhân giả, xin hãy thọ nhận món cúng dường là chuỗi anh lạc này". Nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm không nhận.
  “Bồ-tát Vô Tận Ý lại nói vói Bồ-tát Quán Thế Âm: "Thưa Nhân giả, xin mở lòng thương chúng tôi mà nhận chuỗi anh lạc này". Bấy giờ đức Phật nói với Bồ-tát Quán Thế Âm: "Vì từ mẫn đối với Bồ-tát Vô Tận Ý này và đối với bốn chúng, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Người và Không phải người..., hãy nhận lấy chuỗi anh lạc này". Bồ-tát Quán Thế Âm vì lòng từ mẫn đối với tất cả bốn chúng và Trời, Rồng, các chúng sanh Người và Không phải người... mà nhận chuỗi anh lạc chia chuỗi làm hai phần, một phần dâng cúng đức Phật Thích-ca-mâu-ni và phần kia dâng lên tháp đức Phật Đa Bảo”.

Sự việc Bồ-tát Quán Thế Âm chia chuỗi anh lạc ra làm hai phần trỏ ý nghĩa sau đây: “Ta mang ơn đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni đã dạy ta chân lý, khiến ta được thần thông và mang ơn đức Như Lai Đa Bảo đã chứng kiến chân lý”. Ở đây Bồ-tát cho thấy rằng ngài đã đạt thần thông như là kết quả của việc thể nghiệm và thực hành chân lý mà đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni đã dạy. Vì nhiều người không thấy được điểm quan trọng này nên họ ấp ủ cái niềm tin hời hợt và dễ dãi rằng họ sẽ được cứu khổ nhờ chỉ cần nhớ niệm và tôn kính Bồ-tát Quán Thế Âm mà thôi. Con người hiện đại phải hoàn toàn từ bỏ niềm tin lầm lạc như thế.

---o0o---

HẠNH NGUYỆN CỦA QUÁN THẾ ÂM


Chúng ta có thể hiểu rõ điều này qua phần kệ sau đây do đức Phật đáp lời hỏi của Bồ-tát Vô Tận Ý rằng tại sao vị Bồ-tát này được gọi là Quán Thế Âm.

 “Hãy nghe hạnh Quán Âm


Khéo ứng khắp mọi phương;
Nguyện lớn sâu như biển
Kiếp kiếp không nghĩ bàn
Hầu nhiều ngàn ức Phật,
Phát nguyện đại thanh tịnh”

Nghĩa là: Trước hết hãy nghe tất cả các hạnh mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã tích tập. Vị Bồ-tát này đã có lời nguyện giúp mọi người thoát khỏi những khó khăn theo cách thích hợp với từng người. Lời nguyện rộng lớn của ngài sâu như biển và kiếp kiếp người bình thường không thể hiểu được lời nguyện ấy. Với đại nguyện ấy, ngài đã phụng sự vô lượng đức Phật và đã nguyện một nguyện đại thanh tịnh.

Từ phần kệ trên, ta thấy rằng các năng lực siêu nhiên của Bồ-tát Quán Thế Âm được đặt căn bản trên lời nguyện của ngài là cứu độ hết thảy chúng sanh bằng các năng lực của ngài và rằng ngài đạt được những thần thông như thế là kết quả của việc ngài đã phát nguyện này và đã thực hành giáo lý của đức Phật suốt một thời gian rất lâu dài. Phần văn xuôi của phẩm này nêu trỏ hiệu quả của sức thần thông của Bồ-tát và phần kệ thì nêu trỏ nguyên nhân của hiệu quả ấy - tức là cái đại nguyện. Qua cả hai phần của phẩm này, đức Phật dạy ta rằng nếu ta phát nguyện gây lợi lạc cho những người khác, nguyện từ bi, và nguyện quyết tâm thực hành thì chắc chắn ta sẽ đạt đến cấp độ như của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Phần kệ của phẩm này là một trong những phần kệ nổi bật trong kinh Pháp Hoa. Trong phần đầu, đức Phật nêu lên những khó khăn và những tai họa vây hãm các chúng sanh. Thế rồi để tổng kết, Ngài thuyết giảng như sau:

“Chúng sanh bị thúc bách
Bởi vô lượng khổ đau:
Quán Âm, diệu trí lực
Cứu khổ được thế gian,
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Trong khắp mọi quốc độ,
Không đâu không hiện thân
Hết thảy mọi đường ác
Địa ngục, quỷ, súc sanh
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Ngài dần khiến diệt mất”.

Diệu trí của đức Quán Thế Âm là trí tuệ mà nhờ năng lực của nó, ngài có thể nhận rõ tâm người ta và có thể ban bố cho họ giáo lý giải thoát thích hợp với họ. Đức Quán Thế Âm muốn được toàn hảo về các thần thông nhằm có thể cứu độ một thế giới khổ đau. Ngài mong được thực hành trí tuệ và phương tiện thiện xảo một cách mạnh mẽ và được hiện thân mà cứu vớt người ta trong khắp vũ trụ. Ngài mong cứu những ai bị rơi vào những cảnh giới tệ hại của sự sống, gồm cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ngài cũng lo toan gỡ boû những khổ đau vì sinh, già, bệnh, chết khỏi tâm người ta, và cuối cùng đưa họ đến đoạn diệt mọi khổ đau. Đây là đại nguyện mà đức Quán Thế Âm phát khởi.

Theo bản kinh bằng Phạn ngữ hiện có, phần kệ trên còn có thêm mấy câu tiếp là: “Nghe Phật dạy như thế / Vô Tận Ý hoan hỷ / Nói như thế bằng kệ”. Khi phần kệ này từ bản Phạn ngữ được đưa vào, tính liên tục trở nên rõ hơn và hài hòa với toàn bộ kinh Pháp Hoa.  Phần tiếp đó cần được xem là những câu kệ mà Bồ-tát Vô Tận Ý do xúc động về những câu kệ do đức Phật nói về nhiều hạnh nguyện về từ bi của đức Quán Thế Âm, đáp lại và ca ngợi Bồ-tát Quán Thế Âm.

“Quán thực, quán thanh tịnh,


Quán trí tuệ rộng lớn,
Quán bi và quán từ,
Mãi mong, mãi trông ngóng !
Sáng tinh ròng thanh tịnh
Mặt trời trí phá ám
Điều phục nạn gió, lửa
Chiếu sáng khắp thế gian !
Pháp bi mẫn, sấm động
Lòng từ đẹp như mây
Rải mưa pháp cam lộ
Dập tắt lửa phiền não !
Tranh tụng trước cửa quan
Sợ hãi trong chiến trận
Nếu niệm sức Quán Âm
Mọi kẻ thù tháo chạy
Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, Hải triều âm,
Thắng bỉ thế gian âm,
Do đó nên luôn niệm,
Mọi niệm, chớ sinh nghi
Quán Thế Âm tịnh diệu,
Trong khổ, não, tử, ách
Là chỗ nương tựa được.
Ngài đủ mọi công đức
Mắt từ nhìn chúng sanh
Phước như biển vô lượng !
Hãy kính đảnh lễ ngài”.

Quán thực nghĩa là khả năng thâm nhập vào chân lý của Bồ-tát, quán thanh tịnh nghĩa là sự tự tại đối với các ảo tưởng, quán trí tuệ rộng lớn nghĩa là cái trí tuệ toàn hảo cứu độ mọi chúng sanh của ngài, quán bi là lòng lân mẫn của ngài đối với mọi chúng sanh đang khổ đau và là quyết định của ngài nhằm cứu họ khỏi trạng thái khổ đau ấy, và quán từ là lòng từ mà theo đó ngài dẫn dắt họ đến hạnh phúc. Những phép quán này nhằm trỏ sự tán thán những con mắt mà Bồ-tát Quán Thế Âm vốn có. Tán thán những con mắt của Bồ-tát dĩ nhiên là trỏ đến sự tán thán tâm ngài.

Cú ngữ “mãi mong, mãi trông ngóng” có nghĩa là chúng ta muốn có những con mắt (cái tâm) như Bồ-tát Quán Thế Âm và xem Bồ-tát là mẫu thức của chúng ta.

Do tâm từ bi của ngài, Bồ-tát phát tỏa ra một ánh sáng thuần khiết và thanh tịnh chiếu sáng mọi vật chung quanh ngài.  Đây là ánh sáng do tính chất nồng ấm của ngài phát ra và dĩ nhiên nó soi sáng tâm của những người chung quanh ngài. Cú ngữ “sáng tinh ròng thanh tịnh” bao gồm ý nghĩa rất Thánh thiện này. Mặt trời trí tuệ của ngài tiêu hủy bóng tối. Như vẫn thường được nêu trong cuốn sách này, u ám tan biến ngay khi mặt trời của trí tuệ thực sự chiếu rọi vào đấy, vì u ám phát xuất từ trạng thái trong đó sự hiện hữu thực sự của mọi vật bị ảo tưởng bao phủ.  Khi ảo tưởng biến mất, những khổ nạn khác nhau sẽ tan biến đi và toàn bộ xã hội sẽ trở nên sáng sủa. Trạng thái này được diễn tả trong các dòng. “Điều phục nạn gió, lửa / Chiếu sáng khắp thế gian !”.

Các từ “Pháp bi mẫn, sấm động” ca ngợi cái năng lực lớn của các giới hạnh mà Bồ-tát thủ trì. Giá trị của giới hạnh tùy thuộc vào cái tinh thần căn bản của người thiết lập và thủ trì chúng. Giá trị của các quy tắc, luật lệ, quy định tùy thuộc vào tinh thần của những người thiết lập và ban hành chúng. Tinh thần của họ chứa đựng càng nhiều ích kỷ thì giá trị của các quy tắc, luật lệ quy định ấy càng trở nên thấp kém hơn. Quả là không hay ho khi không biết đến quần chúng, buộc họ phải tuân thủ những luật lệ hay quy tắc khó khăn, đơn giản là vì người làm luật ấy tự thân đã đạt đến trình độ cao về tâm thức; luật lệ hay nguyên tắc được đặt căn bản trên cái tiền đề quy ngã và tự mãn thì thấp kém.

Mặt khác, giới hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm khởi lên từ cái tâm từ bi của ngài, qua đó ngài cảm thấy thương xót hết thảy chúng sanh và muốn gỡ bỏ những khổ đau của họ. Giới hạnh của ngài được đặt căn bản trên cái tâm từ bi, có một năng lực lớn như tiếng sấm vang rền.


Đây là mẫu thức cho những
người đang ở trong địa vị lãnh đạo.

Một ý nghĩa sâu xa bao hàm trong các dòng sau đây: “Lòng từ đẹp như mây / Rải mưa pháp cam lộ / Dập tắt lửa phiền não !”

Lòng từ trỏ cái tinh thần của Bồ-tát Quán Thế Âm muốn làm cho tất cả chúng sanh hạnh phúc. Tâm từ của ngài vô hạn như đám mây lớn che phủ bầu trời. Với tinh thần này, ngài tưới mưa Pháp lên các chúng sanh và dập tắt lửa phiền não của họ như mưa móc làm hồi sinh các cây cỏ héo khô. Thần thông của Bồ-tát được miêu tả ở những dòng sau đây: “Tranh tụng trước cửa quan / Sợ hãi trong chiến trận, / Nếu niệm sức Quán Âm, / Mọi kẻ thù tháo chạy”. Ở đây chúng ta phải tìm ẩn ý của các dòng trên. Mọi tranh tụng dù lớn hay nhỏ, đều bắt nguồn từ sự mâu thuẫn của những cái tôi (ngã). Chúng phát sinh từ cái tâm tàn ác, không kể tới những gì xảy ra cho những người khác, và từ cái tâm không độ lượng, không tha thứ những người khác. Vào những lúc như thế, chúng ta phải niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm và phải nghĩ đến năng lực của ngài. Bồ-tát đã lập đại nguyện chiếu cố những tiếng kêu của tâm người ta và gỡ bỏ khổ đau của họ. Chúng ta phải nhớ cái tâm từ hòa, tinh thần hy sinh và gương mặt từ bi, tràn trề sự nồng ấm của ngài. Thế là sẽ có sự cảm thông giữa tâm ngài và tâm chúng ta.

---o0o---


SỰ THÔNG CẢM


Nếu ta nghĩ đến Bồ-tát Quán Thế Âm thì tâm ta tự nhiên được dẫn đến cái trạng thái tâm thức như ngài. Kết quả là ta sẽ phát sinh những cảm giác nồng ấm và vị tha. Ta có thể tách ra khỏi cái tính ưa tranh cãi do sự vị kỷ gây nên và đạt được một trạng thái an bình của tâm. Ta sẽ cảm thấy thoải mái ngay cả khi gặp phải những mâu thuẫn hay tranh cãi và do đó, những thứ này sẽ được hướng đến một sự thỏa thuận an hòa. Đây là ý nghĩa thực sự của sự cảm thông giữa Bồ-tát và những người bình thường.

Những dòng sau đây cũng chứa đựng những lời gây phấn khởi: “Diệu âm, Quán Thế Âm, / Phạm âm, Hải triều âm / Thẳng bỉ thế gian âm / Do đó nên luôn niệm”.

Như đã nêu trước đây, Diệu âm nghĩa là ngôn ngữ của chân lý. Từ “Quán Thế Âm” đã được giải thích. Từ “Phạm âm” trỏ ý về giáo lý được thuyết giảng với cái tâm thanh tịnh. Từ “Hải triều âm” trỏ rằng giáo lý tác động thâm sâu vào tâm người nghe, giống như tiếng sóng triều vang vọng đến dù người ta ở xa. Từ “Thắng bỉ thế gian âm” nghĩa là giáo lý có sức thần thông khiến nó thắng vượt mọi ảo tưởng và khổ đau trên đời. Do đó, tất cả mọi chúng sanh nên niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, vị giảng giáo lý tối thượng về mọi mặt và nên mong muốn được như Bồ-tát.

Phần kệ chấm dứt bằng các dòng sau đây:

“Mọi niệm, chớ sinh nghi
Quán Thế Âm tịnh diệu,
Trong khổ, não, tử, ách
Là chỗ nương tựa được.
Ngài đủ mọi công đức
Mắt từ nhìn chúng sanh
Phước như biển vô lượng !
Hãy kính đảnh lễ ngài”.

Chúng ta không nên niệm Bồ-tát Quán Thế Âm mà nghi ngờ rằng ước muốn của chúng ta có được thành tựu hay không.  Chúng ta có thể luôn luôn tin tưởng vị Bồ-tát này khi chúng ta gặp đau đớn, phiền não, chết chóc và hoạn nạn. Ngài toàn hảo về mọi công đức và nhìn hết thảy chúng sanh bằng những con mắt từ bi của ngài. Mọi phước lạc đều có thể được ban cho chúng ta nhờ công hạnh của sức từ bi của ngài. Vì thế, chúng ta phải đảnh lễ ngài, tôn kính ngài và noi theo những thực hành của ngài.

Phẩm 25 chấm dứt bằng các câu sau: “Bấy giờ Bồ-tát Trì Địa đứng lên khỏi chỗ ngồi, tiến lên phía trước và bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn ! Nếu có chúng sanh nào nghe đến sự nghiệp tối cao và các sức thần thông thị hiện rộng khắp (phổ môn) được miêu tả trong phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát này thì nên biết công đức của người ngày không phải la ửít".

“Trong khi đức Phật thuyết giảng phẩm Phổ Môn này, tám vạn bốn ngàn chúng sanh trong hội chúng đều phát tâm vô thượng Bồ-đề”.

Tổng kết các giáo lý của phẩm này, có thể nêu ba điểm sau đây:

Giáo lý thứ nhất là: Nếu một người đang ở trong một vị trí lãnh đạo, người ấy phải nhìn đến những mong ước của mọi người và với một cái tâm từ bi toàn hảo, hy sinh vì những người khốn khổ, và người ấy phải giúp đỡ họ khi họ bị khổ đau, sầu não. Giáo lý thứ hai là: Khi một người phải đối mặt với một vấn đề bức bách và rối rắm hoặc những mâu thuẫn, hoặc người ấy cảm thấy bị thúc bách vào mê đắm điều xấu ác, thì người ấy cần niệm Bồ-tát Quán Thế Âm ái hòa, an tịnh và độ lượng. Thế là người ấy sẽ có thể mở rộng tâm mình mà lặng lẽ đối mặt với bất cứ vấn đề gì dù bức bách hay rối rắm.Người ấy cũng sẽ trở nên tự tại khỏi sự tranh chấp và mọi xu hướng xấu ác. Giáo lý thứ ba là: Một người cần phải nhắm đạt đến cấp độ tâm thức của Bồ-tát Quán Thế Âm là vị có đức hạnh tuyệt hảo và năng lực siêu nhiên. Để đạt mục đích này, người ấy phải noi theo giáo lý của chân lý mà đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni dạy và thực hành giới luật mà không thối thất.

Từ ba giáo lý này, chúng ta có thể hiểu rõ ý định thực sự của đức Phật trong phẩm này.

 ---o0o---



Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義

tải về 2.78 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   30   31   32   33   34   35   36   37   ...   41




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương