Nét tương đồng và khác biệt giữa triết lý Khổng Tử và Hồ Chí Minh về đối tượng giáo dục



tải về 68.71 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích68.71 Kb.
#17765
Nét tương đồng và khác biệt giữa triết lý Khổng Tử và Hồ Chí Minh về đối tượng giáo dục

Hoàng Trần Như Ngọc, Khoa Lý luận chính trị- Đại học Khoa học Huế

Tóm tắt:

Ở góc độ đối tượng giáo dục, Khổng Tử đưa ra triết lý “hữu giáo vô loại” đem lại sự bình đẳng trong giáo dục và cơ hội học tập cho người dân, đáp ứng phần nào nhu cầu được học của dân chúng thời bấy giờ. Đến thời đại Hồ Chí Minh thì Người chủ trương kiến tạo xã hội một nền giáo dục toàn dân. Trong nền giáo dục đó không có sự phân biệt già trẻ, gái trai, cứ là người Việt Nam thì phải tham gia học tập, tham gia xóa nạn mù chữ. Triết lý “giáo dục toàn dân” của Người đã gắn kết được truyền thống, hiện tại và tương lai. Bởi thế, nó ăn sâu vào cuộc sống và tràn đầy hơi thở nhịp đập của nền giáo dục hiện đại, nó phù hợp với triết lý giáo dục đại chúng, “xã hội hóa giáo dục” của thế kỷ XXI.

Từ khóa: Luận Ngữ, Khổng Tử, Hồ Chí Minh, đối tượng giáo dục, triết lý, giáo dục toàn dân,



SUMMARY

Hoang Tran Nhu Ngoc, Faculty of political theory- Hue University of Science

About the object education, Confucius gave philosophy “Huu giao vo loai” to bring equality in education and learning opportunities for people, partially satisfy educational needs of the people of that time. In Ho Chi Minh era, he advocated social construct an entire population education. In this education, there is no distinction of age, sex; Vietnam itself is a learning must engage, participate the anti-illiteracy campaign. “Entire population education” of Ho Chi minh connected traditional, present and future. Therefore, it is ingrained in the life full of breath and pulse of modern education, “Socialized education” of the XXI century.

Keywords: The Analects, Confucius, Ho Chi Minh, object education, philosophy, entire population education,

I. Đặt vấn đề

Giáo dục ở bất cứ chế độ nào, của giai đoạn phát triển nào của lịch sử cũng đều có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì giáo dục ở Việt Nam hiện nay càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Một trong những yêu cầu để thực hiện đổi mới giáo dục thành công đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong sự nghiệp xây dựng con người, giáo dục và đào tạo con người. Chính vì vậy, chúng ta cần có một bước nhìn lại lịch sử để chiêm nghiệm lại những triết lý nào phù hợp với giáo dục Việt Nam. Trong bài báo này, tác giả chủ yếu tập trung nghiên cứu triết lý về đối tượng giáo dục của Khổng Tử và Hồ Chí Minh.



II Giải quyết vấn đề:

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh năm 551 trước Công nguyên, mất năm 479 trước Công nguyên, thọ 73 tuổi tại Ấp Trâu, làng Xương Bình nước Lỗ, nay thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Cuộc đời Khổng Tử là tấm gương sáng ngời về nhân cách đạo đức của một người thầy, luôn hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, Khổng Tử cũng là nhà giáo dục lớn của nhân loại với nhiều phương pháp giảng dạy mà đến ngày nay vẫn còn chứa nhiều giá trị sâu sắc, để ngàn năm sau hậu thế tôn vinh với danh hiệu cao quý “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Suốt cuộc đời của mình, Khổng Tử đã xây dựng triết lý giáo dục cho riêng mình mà hơn 2500 năm trôi qua, những triết lý giáo dục ấy vẫn ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần cũng như nền giáo dục của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Những triết lý giáo dục đó góp phần làm cho công tác dạy và học ở một số nước phương Đông, cũng như quá trình giáo dục nhân cách cho con người thu được nhiều thành quả quan trọng trong xu thế hội nhập phát triển và toàn cầu hoá.

Nội dung triết lý giáo dục Khổng Tử được thể hiện trong nhiều tác phẩm nhưng tập trung và rõ nhất qua tác phẩm “Luận Ngữ”, là cuốn sách học trò ghi lại lời giảng của Khổng Tử. Đọc tác phẩm này, chúng ta thấy rõ quan điểm về giáo dục của Khổng Tử, ông luôn đòi hỏi người học phải tích cực, có ý thức học tập “ôn cũ biết mới”, “học đi đôi với hành”... Đó là những lời căn dặn chân thành, đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc.

Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong cuốn “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” cho rằng triết lý giáo dục là thực tế giáo dục đã được con người, cộng đồng, xã hội trải nghiệm được đúc kết lại thành một giá trị được biểu đạt trong câu ngắn gọn, ca dao, tục ngữ,… nhằm truyền đạt, tiếp thu và thể hiện trong cuộc sống, mang lại một giá trị nhất định cho con người, cộng đồng, xã hội, duy trì và làm nảy nở cái đúng, cái tốt, cái đẹp, ngăn ngừa, sửa chữa, loại trừ cái sai, cái ác, cái xấu. PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn Phó trưởng khoa Triết học, Trường ĐHKHXHNV lại cho rằng: Triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo giáo dục công dân của một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhằm đạt được những kỳ vọng của đất nước với từng công dân, và trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Theo tôi, triết lý giáo dục là tư tưởng làm cơ sở cho các chủ trương, đường lối giáo dục và nó phải phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Với cách hiểu này thì có thể thấy rằng triết lý về đối tượng giáo dục của Khổng Tử đã làm cơ sở cho chủ trương đường lối đức trị, đường lối giáo hóa dân chúng. Và triết lý này là cần thiết, là phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ. Xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu là xã hội loạn lạc. Chiến tranh liên miên giữa các nước chư hầu làm cho đời sống nhân dân lầm than cơ cực và xuất hiện thêm nhiều giai cấp tầng lớp mới trong xã hội. Trước xu thế biến đổi của thời đại, nhưng Khổng Tử đã có những khuynh hướng tiến bộ trong chủ trương giáo hoá con người đó là: “Hữu giáo vô loại”[2;298]. Đây được xem là triết lý giáo dục của Khổng Tử khi nói về đối tượng giáo dục.

Khổng Tử quan niệm “Hữu giáo vô loại” có nghĩa là mọi người trong xã hội đều phải được giáo dục, ai cũng phải được giáo dục, giáo dục không loại trừ ai. Khổng Tử nhận thấy cái gốc đầu tiên của con người, cái bản ngã mà trời phú cho con người ai cũng như nhau, đó là cái “tính”. Cái tính ấy ở trong mỗi con người ban đầu đều giống nhau: “tính tương cận” ; Nhưng trong cuộc sống, mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau, dục vọng khác nhau, nên cái “tính” ấy do “tập” mà ngày càng xa nhau: “tập tương viễn”. Cái “xa” ấy có thể dẫn con người dần dần đến chỗ vô đạo và cao hơn nữa là làm cho cả xã hội vô đạo. Để con người càng tập càng giống nhau, làm cho xã hội từ vô đạo trở về hữu đạo, thì Khổng Tử chủ trương giáo hóa.

Khổng Tử là người đầu tiên trong lịch sử giáo dục của nhân loại đã chủ trương chuyển nền giáo dục từ trình độ dân trí thấp lên trình độ cao, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Nói cách khác, Khổng Tử đã biến giáo dục từ chỗ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị thành quyền lợi của mọi người bằng cách mở trường tư. Do đó, ông chủ trương bình dân hóa giáo dục. Đối tượng giáo dục theo triết lý của Khổng Tử được mở rộng đến tất cả mọi người. Trong thời đại Xuân Thu với đẳng cấp thâm nghiêm, Khổng Tử chiêu sinh không phân biệt môn đệ, không xét đến ba đời, không hạn chế độ tuổi. Quan điểm đó được Khổng Tử thể hiện trong Luận Ngữ: “Ai dưng lễ xin học thì từ một bó nem trở lên ta chưa từng chê là ít không dạy”[2;123].

Trong lịch sử, trước thế kỷ IV TCN chưa thấy một trường học nào thu nhận học sinh từ mọi tầng lớp khác nhau. Khổng Tử là người đầu tiên làm việc đó. Trường học của Khổng Tử luôn mở rộng cửa đón tất cả mọi người vào học. Đây là đóng góp to lớn của Khổng Tử cho nền giáo dục nhân loại, mà ngày nay chúng ta đang học tập và làm theo.

Xét trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, xã hội mà con người đặc biệt là người nô lệ chỉ được xem là công cụ biết nói, người nô lệ không có quyền đi học thì những tư tưởng tiến bộ có tính nhân văn, có công lao to lớn cho sự nghiệp giáo dục của nhân loại, là giá trị lịch sử mà Khổng Tử đem lại cho nhân loại.

Tuy về nội dung bản chất giáo dục với mỗi người là khác nhau, nhưng về cơ bản thì việc giáo dục, học tập là của tất cả mọi người. Khi được giáo dục con người trở về với tính thiện, sẽ hiểu được đạo, hành đạo và đạt đạo. Đây là tư tưởng có tính đột phá trong một xã hội còn nhiều quan điểm bảo thủ với quan niệm giáo dục chỉ dành riêng cho giai cấp quý tộc vốn đã in đậm nét trong xã hội lúc bấy giờ. Triết lý “hữu giáo vô loại” như phát đại bác nã vào cái thành trì giáo dục đẳng cấp nặng nề tồn tại từ lâu ở Trung Quốc cổ đại.

Theo Khổng Tử, mọi người trong xã hội phải được giáo dục. Tuy nhiên, tùy từng đẳng cấp, giới tính, độ tuổi, khả năng nhận thức của mỗi người mà có những cách giáo dục khác nhau. Ông chia thiên hạ ra làm nhiều hạng người: “Sinh ra đã biết là bậc trên, học rồi mới biết là bậc thứ, gặp cảnh khốn nạn rồi mới chịu học, lại còn thấp hơn nữa, thấp nhất là gặp cảnh khốn nạn rồi vẫn không chịu học”[2;277]. Trong bốn hạng người này, hạng người sinh ra đã biết được đạo và hành được đạo thì rất hiếm hoi chỉ có thể là những vị trong truyền thuyết như Phục Hi, Hoàng Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn mà thôi. Như vậy những người “thượng trí”, “bậc trên” chỉ tồn tại trong sự truy tặng của người đời sau. Đó là mẫu người lý tưởng do Khổng Tử tạo ra chứ chưa bao giờ tồn tại trong hiện thực. Ngay cả Khổng Tử cũng chỉ dám khẳng định bản thân mình “không phải người sinh ra đã biết”, ông chưa nhận mình là người có nhân, ông cũng vẫn thuộc đối tượng giáo dục dù đã là bậc thầy. Còn kẻ hạ ngu đó là loài khốn cùng, mà khốn cùng cộng với không học tập thì “bất di” là thỏa đáng. Vì “nhân bất học bất tri lý”. Những người như thế thì dẫu có dạy bảo như thế nào cũng không trở nên hay được. Có lẽ ở đây Khổng Tử chỉ muốn chỉ trích, phê phán những kẻ lười học, không chịu tu dưỡng mà thôi chứ không phải loại kẻ hạ ngu ra khỏi đối tượng giáo dục. Như vậy, xét về mặt khả năng nhận thức thì hai hạng người “bậc thượng trí” và “kẻ hạ ngu” không phải là đối tượng cần quan tâm giáo dục của Khổng Tử. Bởi vậy, đối tượng giáo dục của Khổng Tử chủ yếu nhằm là hạng thứ hai và hạng thứ ba. Đây là một hạn chế do lập trường giai cấp nặng nề và là hạn chế của lịch sử, trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.

Đặc biệt, trong đối tượng giáo dục của ông, Khổng Tử còn chưa quan tâm đúng mức đối với sự giáo dục cho người phụ nữ. Bởi đương thời chế độ phụ quyền và nguyên tắc trọng nam khinh nữ đang ảnh hưởng nặng nề mà bản thân Khổng Tử cũng không thể vượt qua được; bởi vị trí, vai trò của đại đa số phụ nữ là ở trong nhà và bếp núc. Ông cho rằng “Chỉ có bọn tớ gái và bọn tôi trai là mình khó ở cho họ vừa lòng. Hễ mình gần gũi dễ dãi với họ thì họ khinh lờn. Còn như mình xa cách nghiêm nghị với họ thì họ oán ghét” - Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán[1;283]. Như vậy, phụ nữ khó giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ không phải là đối tượng giáo dục. Bởi lẽ, giáo dục không phải chỉ ở trong nhà trường mà còn ở gia đình và cộng đồng. Ở gia đình và cộng đồng người phụ nữ vẫn được giáo dục. Nội dung chủ yếu của khuê giáo ngoài việc giáo dục công việc đàn bà như sắp xếp việc nhà, dệt vải, còn có mặt giáo dục đức hạnh cho phụ nữ thông qua “tam tòng tứ đức”.

Ngoài ra, theo Khổng Tử giáo dục không phân biệt độ tuổi, giáo dục suốt cả cuộc đời. Cuộc đời mỗi con người có nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn đó đều cần có giáo dục. Nho giáo rất quan tâm đến dạy con từ thật sớm, thậm chí từ lúc còn mang thai. Khổng Tử từng cho rằng những thói quen hình thành từ bé thì cũng như thiên tính vậy. Lối sống do cả một quá trình hình thành thì khó mà thay đổi và sẽ trở thành tính cách. Đây là điều hết sức đúng. Chính vì vậy, người xưa mới có câu: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

Với triết lý giáo dục “hữu giáo vô loại”, hướng tới giáo dục cho tất cả mọi người, đối tượng dạy bảo là rộng lớn. Triết lý này đã khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đối với đời sống xã hội, đối với đường lối đức trị - đường lối giáo hóa. Tuy nhiên, ngay trong triết lý này Khổng Tử đã có sự phân biệt bậc thượng trí, kẻ hạ ngu, hạng người tiếp thu nhanh, hạng người tiếp thu chậm… Sự phân biệt này là cần thiết để có cách giáo dục khác nhau, nhưng sự phân biệt này có tính đẳng cấp chứ không phải dựa vào khả năng nhận thức. Điều đó nói lên rằng có sự phân biệt trong giáo dục, ưu tiên đối với đối tượng là kẻ sĩ và người quân tử. Sự ưu tiên này, xét trong bối cảnh lúc bấy giờ là phù hợp nhưng mở rộng ra thì còn có những bất cập. Dù thế nào đi chăng nữa ông vẫn bị ảnh hưởng bởi lập trường giai cấp, vẫn phải bảo vệ cho chế độ mà ông đang sống. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội thời Xuân thu - Chiến quốc và phù hợp mục đích giáo dục của ông.

Nếu như Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại” Hồ Chí Minh kiến tạo xã hội một nền giáo dục toàn dân. Người cho rằng trong nền giáo dục đó không có sự phân biệt già trẻ, gái trai, cứ là người Việt Nam thì phải tham gia học tập, tham gia xóa nạn mù chữ. Có thể nói, dù ở bất kỳ nơi đâu và với đối tượng nào, Người cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, để hiểu biết được nhiều và phục vụ được tốt. Nói với học sinh, thanh niên Người càng nhấn mạnh hơn nhiệm vụ học tập và khẳng định rằng “chỉ có không ngừng học tập thì mới tiến bộ mãi”. Đến thăm các thầy cô giáo, Người cũng không quên nhắc nhở “phải không ngừng học tập để bồi bổ kiến thức mà dạy cho học sinh ngày một tốt hơn” có như thế mới xây dựng được một “xã hội học tập”. Nền giáo dục toàn dân là nền giáo dục không dành riêng cho một số người, một tầng lớp hoặc một giai cấp mà cho toàn thể nhân dân. Ngay sau khi nước nhà được độc lập, Người đã khẩn thiết kêu gọi: công việc cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, mọi người Việt Nam phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà. Và để giải phóng đồng bào thoát khỏi nô lệ, đói nghèo làm cho mọi người ai cũng được hạnh phúc, học hành, từng bước nâng cao trình độ học vấn, tri thức xây dựng một chế độ xã hội mới, Người chủ trương xóa bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng “một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã bỏ rất nhiều công sức để phân tích nền giáo dục phong kiến và thực dân đang cai trị nước ta. Người phê phán gay gắt nền giáo dục phong kiến là tầm chương, kinh viện, xa rời thực tế... và nền giáo dục thực dân thì đồi bại, xảo trá. Với chính sách “ngu để trị” của chúng đã làm cho hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Vì vậy, Người đã mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Với triết lý giáo dục toàn dân này, ngay từ những năm tháng đầu tiên của nền giáo dục mới, trong lời kêu gọi xóa nạn mù chữ Người viết: “Những người chưa biết chữ gắng sức học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”[4;36-37]. Sau này, khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”[5;74].

Như vậy, triết lý giáo dục toàn dân của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại là giáo dục cho mọi người và động viên đông đảo nhân dân tham gia mà cao hơn đó còn là công việc của mọi người, của cộng đồng, của xã hội.

Trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” do Người soạn thảo ghi rõ: trong cách mạng tư sản dân quyền, về mặt xã hội phải phổ thông giáo dục theo công nông hóa”[3;1]. Đặc biệt, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18.2.1930, Người viết bằng tiếng Anh “to make education for all” (tạm dịch là: “Tiến hành giáo dục cho mọi người”). Hơn nửa thế kỷ sau, tại hội nghị giáo dục toàn thế giới lần đầu tiên năm 1990, họp ở Jomchien, Thái Lan đã đưa ra đúng khẩu hiệu này, từ đó đến nay nó trở thành đường lối giáo dục chung cho thế giới, (thường hay viết tắt theo tiếng Anh là EFA (education for all).) Từ hồi đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định triết lý giáo dục cho mọi người như là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo sức mạnh nhân dân đứng lên làm cách mạng giải phóng khỏi ách đô hộ, và xa hơn là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh.

Tóm lại, khi nói về đối tượng giáo dục, nếu Khổng Tử đưa ra triết lý “hữu giáo vô loại” - giáo dục cho tất cả mọi người không phân biệt thì đến Hồ Chí Minh được kế thừa và nâng lên một tầm cao mới bởi triết lý “giáo dục toàn dân” - ai ai cũng được học hành. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người chủ trương phát động “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ, mở mang tri thức cho tất cả mọi người. Đặc biệt, về thực chất, trong đối tượng giáo dục của Khổng Tử, hạn chế của ông là chưa quan tâm đúng mức đối với sự giáo dục cho người phụ nữ mà chỉ coi trọng đối tượng “người quân tử”, còn Hồ Chí Minh thì dành sự quan tâm đến mọi đối tượng. Theo Người, “ai cũng được học hành”, không phân biệt già trẻ, nam nữ, sinh sống ở nông thôn hay thành thị, người dân tộc thiểu số hay đa số. Giáo dục không phải là độc quyền của một nhóm người, một tập đoàn người, lại càng không phải của riêng cá nhân nào đó. Đây được coi là một nét đẹp của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh mà xuất phát điểm của nó là lòng yêu thương con người rộng lớn bao la, đặc biệt là những con người nghèo khổ, bị áp bức bất công và đây, cũng là sự kế thừa những giá trị tích cực trong triết lý “hữu giáo vô loại” của Khổng Tử. Do hạn chế thời đại, các tư tưởng của Khổng Tử về đối tượng giáo dục chỉ được Ông áp dụng trong phạm vi hoạt động dạy học của chính mình ; Hơn 2.500 năm sau, tư tưởng ấy đã được Hồ Chí Minh nghiên cứu, phát triển, triển khai và vận dụng trong toàn bộ quá trình xây dựng nền giáo dục của Việt Nam từ 1945 đến nay. Triết lý “giáo dục toàn dân” của Người đã gắn kết được truyền thống, hiện tại và tương lai. Bởi thế, nó ăn sâu vào cuộc sống và tràn đầy hơi thở nhịp đập của nền giáo dục hiện đại, nó phù hợp với triết lý giáo dục đại chúng, “xã hội hóa giáo dục” của thế kỷ XXI. Điều này được thể hiện rõ trong Điều 10, Luật Giáo dục, 2005 “mọi công dân trong xã hội không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành”. Điều đó cho thấy, quan điểm giáo dục của chúng ta không chỉ vượt qua khỏi giới hạn đẳng cấp xã hội mà còn thể chế hóa thành quy định pháp luật để quyền được học của người dân được đảm bảo

Ngoài ra, cơ sở để Khổng Tử đưa ra triết lý “hữu giáo vô loại” là ông quan niệm bản tính con người là không thiên lệch, là “trung thứ”, “trung dung”, “con người ta khi sinh ra, cái bẩm tánh vốn ngay thật”. Sau này, Mạnh Tử cũng cho rằng con người sinh ra ban đầu vốn dĩ lương thiện, tính tình khá đồng nhất nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau và tính tình đâm ra khác nhau và cả hai ông đều thống nhất rằng, môi trường và sự giáo hóa sẽ làm thay đổi con người, tức là, giáo dục đóng vai trò quyết định bản tính người. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Điều đó có nghĩa là không phải giáo dục định hình toàn bộ nhân cách con người, chỉ là “phần nhiều” mà thôi bởi vì không phải ai cũng biến được quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, biết kết hợp giữa đào tạo với tự đào tạo. Tuy nhiên, trong những yếu tố quyết định đến việc hình thành và phát triển nhân cách con người thì yếu tố giáo dục là quan trọng nhất. Theo Người, cần phải có giáo dục, nhưng không phải để cho việc “giáo dục tự nhiên” diễn ra mà phải tiến hành giáo dục có định hướng theo một chủ đích nhất định. Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, chúng ta cần phải lưu tâm vấn đề này, cần phải có sự định hướng giáo dục ngay từ ban đầu, từ các cấp bậc học, ngành học để phát triển nhân cách con người Việt Nam một cách toàn diện.

Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ nghiên cứu và thấm nhuần triết lý giáo dục của Khổng Tử, mà Người còn vận dụng một cách sáng tạo những triết lý đó để phù hợp với thực tiễn nền giáo dục Việt Nam. Điều này thể hiện sự tài tình, bản lĩnh của Hồ Chí Minh.

III. Kết luận

Dù ở hai thời đại khác nhau nhưng Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều là những nhà giáo dục lớn của nhân loại với những triết lý sâu sắc về giáo dục. Vận dụng và phát triển những giá trị trong triết lý giáo dục của Khổng Tử, kết hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như tinh hoa tri thức của thời đại, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống triết lý giáo dục phong phú, mang nét đặc sắc riêng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Yêu cầu hiện nay đặt ra đó là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Muốn thực hiện được công việc này cần xác định đúng đắn triết lý giáo dục nào sẽ định hướng chỉ đạo xây dựng đường lối, chính sách về giáo dục. Những lúc như vậy, chúng ta cần quay trở lại, chiêm nghiệm, quán triệt sâu sắc triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh và xa hơn nữa là triết lý giáo dục của Khổng Tử. Những triết lý của hai nhà giáo dục lớn này luôn luôn là nền tảng tư tưởng để Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một nền giáo dục mới toàn dân, toàn diện, một nền giáo dục đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, đồng hành cùng nhân loại trong thiên niên kỷ mới.



IV Tài liệu tham khảo

1. Đoàn Trung Còn, Luận Ngữ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.

2. Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.3.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.4.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.8.







tải về 68.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương