Nobel văn chương năm 1987 joseph brodsky



tải về 0.98 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.98 Mb.
#1393
1   2   3   4   5   6   7   8

***

Ta đây như Ulysse

 

Mùa đông, mùa đông, ta đi suốt mùa đông,



ta đi dọc theo chiều dài tổ quốc ta nhìn thấy được,

hãy đuổi ta đi, hỡi nỗi bất hạnh, trên trái đất này,

cho dù phải bước giật lùi hãy đuổi ta về phía cuộc đời.

 

Đây là Matxcơva và những con hẻm phố Arbat,



nơi trú ẩn buổi sớm mai với những cánh buồm mở rộng,

và những kẻ đột nhập vẫn mơ như xưa kia

bên cạnh các cửa hàng băng giá tháng Giêng.

 

Màu vàng của những mảnh rời lẻ đôi



gương mặt ta tiếp tục chai cứng,

hãy đuổi ta đi như một hoàng tử Ganymède mới,

ta uống cạn mùa đông trong chén biệt xứ này,

 

vẫn cứ không hiểu nổi từ đâu ta bỏ trốn đến đây,



ta đi đến đâu, cách nào ta tan biến

trong thời gian, và ta lại lặp lại

trên đường đi của mình: trời hỡi, có sao đâu!

 

Trời hỡi, ta hầu như chẳng đòi hỏi gì,



trời hỡi, giàu hay nghèo,

mong mỗi ngày còn sống không khí ta hít thở

sẽ chắc hơn, dịu ngọt hơn và tinh khiết hơn.

 

Hãy dang ra, dân tộc này, hãy dang ra,



Ta đi tới và tìm cách tự an ủi mình

tự đuổi chính mình đi như Ulysse

nhưng mãi mãi ta vẫn cứ bước trên đôi chân mình.

 

Vậy thì hãy chờ kẻ đầu tiên đi qua đây



và hãy lặp lại lời hắn nói trong hăm hở dối trá

hãy đứng lên và hãy đau không tùy tiện

cái đau từ tình yêu hôm nay đến tình yêu ngày mai.

***


 

Tại sao còn đi nữa?

 

Tại sao còn đi nữa? Và tại sao



sự im lặng chưa bao giờ thừa đến thế

của những phố hẹp các sứ quán lại chảy

về phía tôi qua những chiếc cầu Moscou?

 

Những chiếc xe trong đêm lại bắt đầu



chạy bay về những biệt thự gần như bỏ trống,

như mi, từ tuổi thơ là thành phố dửng dưng,

bay về những hình hoa đá cổ cắm xuống đất.

 

Những cành lá không nhìn thấy được đang run rẩy,



nỗi muộn phiền luân vũ trong lãng quên,

sự bê tha buồn bã và nhẹ, dấu ghi

trên khuôn mặt những người lạ của thế gian.

 

Hãy vội lên, hãy vội sống,



bởi lẽ cái trò hài kia đã bị đặt sai chỗ

và bởi thế kỷ say mê thể thao này

đang làm đảo những cái đầu của chúng ta.

 

Mọi thứ thay đổi chung quanh mi



mà vẫn không thắng nổi những day dứt chung,

hỡi tâm hồn bất hạnh, hãy đuổi theo đích của mình

và quên những nhiệm vụ ngày thường.

 

Ôi cuộc sống ta, ít ra mi hãy cứ thay vẻ bên ngoài,



hãy chạy đi khiêu vũ, đến nhà hát, sòng bài,

rung cho ta hồi chuông báo tử buổi kinh chiều,

mua cho ta một hình bóng say dại tự do.

 

Nếu chúng ta ít hỗn xược hơn



không gì có thể xua đuổi chúng ta,

ta hãy tìm những vòng hoa tăm tối

những người khác tất sẽ yêu mến chúng ta.

( Dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky,

Collines et autres poèmes (Paris: Éditions du Seuil, 1966).

***

Khu vườn

 

Im lặng sa mạc.



                        Trong bóng tối mùa thu

bao trùm sự trong suốt huyền ảo của khu vườn,

những chiếc lá nặng trĩu khát khao tìm về cõi chết

và chầm chậm cúi mình xuống đất.

 

Im lặng.


               Số phận ngươi sẽ nghe chăng

tiếng thách đố âm ỉ trong số phận ta,

và hồi chuông báo tử của cây trái đang bỏ ngươi đi

hỏi nó có xa lạ như chính tiếng chuông?

 

Khu vườn không biên giới.



                        Hãy thổi vào những lời ta nói sự

quay cuồng của những thân cây trốc rễ và của chân lý,

nơi ta thả bước trôi về những cành cây uốn cong

giữa những chiếc lá rơi và đêm phục sinh.

 

Làm sao cây cối mệt mỏi của ngươi



                   và tâm hồn tắt nến của ta

có thể sống được đến mùa xuân năm tới

trong khi cây trái của ngươi đang mất dần

và chỉ nỗi trống vắng của ngươi mới có thực?

 

Chạy trốn, chạy trốn về nơi kia



                        trong không gian bất định

về nơi những toa tàu khủng khiếp sẽ đưa ta đến.

Con đường ta đi trên mặt đất và con đường ngươi

đi về hướng mặt trời xa chập vào nhau.

 

Vĩnh biệt, khu vườn của ta.



                                    Vĩnh biệt muôn đời.

Hãy giữ trong ngươi sự im lặng của bình minh,

hỡi con người vẫn thong thả vặt lá những năm tháng

trên những vần điền viên cay đắng của nhà thơ.

***

Chúng ta không điếc hơn

 

Chúng ta không điếc hơn,



chúng ta không già đi, chúng ta nói

cùng giọng nói ấy và trong bộ đồ vét xám

phụ nữ họ không yêu chúng ta.

 

Chúng ta vẫn còn đùa với từng mùa



trong những giảng đường của sự cô đơn,

vẫn những ngọn đèn ấy đốt sáng trên đầu chúng ta

như những dấu chấm than trong đêm.

 

Chúng ta sống bằng quá khứ và bằng hiện tại,



xa lạ với tương lai mơ hồ, chúng ta vẫ đứng thẳng

trong đêm, chúng ta không cần biết những kẻ đang ngủ,

chúng ta tuân thủ mọi mệnh lệnh.

 

Sự dí dỏm, hãy đem cho tuổi thiếu niên niềm vui



trong những điệu múa đêm vòng quanh của ánh sáng

và của bóng tối, hãy giúp chúng lớn lên vì vinh quang,

vì sự sỉ nhục và kiêu căng của thế kỷ.

***

  

Ta sẽ không đạt đến...

 

Ta sẽ không đạt đến cứu cánh mình



bằng sách vở hay bằng tiện nghi

bằng những ống dẫn nước yên tĩnh

bằng tiếng sấm

bằng những cuộc viễn chinh

bằng những qui chế của đảng

bằng sự han gỉ của súng hỏa mai

bằng những trận đấu đá tư tưởng

bằng tiếng nghiến của chiếc bàn đá khắc luật,

chúng ta sẽ không đạt đến đó

bằng vết thương của Chúa

chẳng bằng cây thập giá

                        cũng chẳng bằng tranh thánh trên gỗ

mà cũng chẳng bằng đền thờ đổ nát

hay bởi tiếng chim kêu ran

mà là bởi ngọn lửa Prométhée

run rẩy trong giông bão

và sống sót nguyên lành

trong chiếc gậy ngắn của Diogène.

----------------

Hai bài thơ trên được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong tập Collines et autres poèmes, Joseph Brodsky, Éditions du Seuil, 1966.

***

Một bài ca

 

Ước gì có em ở đây, em yêu,



Ước gì có em ở đây.

Ước gì em ngồi trên ghế trường kỷ

và anh ngồi cạnh.

Khăn tay có thể là của em,

nước mắt có thể là của anh, chảy quanh cằm.

Mặc dầu thật tình nó có thể

chảy theo chiều ngược lại.

 

Ước gì có em ở đây, em yêu,



Ước gì có em ở đây.

Ước gì ta ngồi trong xe,

và em sẽ là người sang số.

Ta sẽ bắt gặp mình ở nơi khác,

trên một bờ biển không ai biết đến.

Hoặc nữa ta sẽ trở lại thăm

nơi trước đây ta vẫn đến.

 

Ước gì có em ở đây, em yêu,



Ước gì có em ở đây.

Ước gì anh không biết thiên văn

khi sao xuất hiện,

khi trăng dát vàng mặt nước

đang cất tiếng thở dài và chuyển mình trong giấc ngủ.

Ước gì vẫn còn một tuần trăng

để gọi điện cho em.

 

Ước gì có em ở đây, em yêu,



trên bán cầu này,

khi anh ngồi trên hành lang

nhâm nhi một ly bia.

Đêm đến; mặt trời đang lặn,

những cậu bé la lối và mòng biển gào thét.

Quên phỏng để làm gì nếu tiếp sau đó là cái chết?



The New Yorker, 3.27.1989

***

 

Sáu năm sau

 

Ta sống với nhau lâu đến nỗi



ngày hai tháng Giêng năm nay lần nữa lại rơi

vào ngày thứ Ba, và cái vòng cung kinh ngạc nhướng

đôi chân mày nàng như một vòng quạt nước mưa

     quét mất nỗi buồn khỏi gương mặt nàng và để lộ

     những quãng đường quang đãng mênh mông.

 

Ta sống với nhau lâu đến nỗi một khi



tuyết bắt đầu rơi, có vẻ như nó sẽ rơi hoài không dứt;

và khi, sợ bông tuyết làm đôi mi nàng cau lại,

ta đưa tay lên che, thì chính đôi mi như

     không tin ta trìu mến chở che cho mắt,

     cứ vẫy vùng như con bướm trong lòng bàn tay ta.

 

Ta sống với nhau lâu đến nỗi nguyên



mớ hoa hồng trên giấy dán tường nay tơi tả,

nhường chỗ cho cả một lùm cây bu lô,

và tình cờ trong tay chúng ta có tiền bạc,

như những cái lưỡi trên mặt biển, mười ba ngày,

ngọn lửa hoàng hôn đe dọa Thổ nhĩ kỳ.

 

Ta sống với nhau lâu không sách



vở, không ghế bàn, dụng cụ – chỉ chiếc giường cũ ấy –

đến nỗi cái hình tam giác, trước khi ra đời,

đã từng là hình chữ nhật, đỉnh đầu

     một người quen nào đó lượn là trên

     hai điểm, yêu nhau đến nỗi đã nhập lại làm một.

 

Ta sống với nhau lâu đến nỗi nàng



và ta, hai bóng nhập lại, đã làm thành

cánh cửa đôi, cánh cửa cho dù ta có đi

lạc khi làm việc hay khi ngủ, lúc nào cũng đóng kín:

     hai nửa ấy có tách ra thì chúng ta vẫn đi xuyên

     qua chúng để bước vào tương lai, vào đêm tối.

 

A Part Of Speech (Oxford University Press, 1980)

***

Bài ca của Fedia Dobrovolski

 

Ngọn gió vàng Mãn Châu



cất cao tiếng nói

về những người Do-thái và những người Nga

bị chôn vùi dưới núi.

 

Những mái hoàng hôn



nhà hai tầng!

Đất không bao giờ thay đổi,

chỉ có trời là ngày càng đến gần chúng ta.

 

Ánh sáng chỉ mới cho chúng ta chút ít,



chỉ có những con chim mảnh mai bay qua

như mây của sự chết

trên mặt đất những cuộc viễn chinh.

 

Và nhìn về phương đông,



cong vòng dưới gió,

là cánh hoa đen trắng

của thế kỷ hai mươi.

-------------

Trích Tĩnh vật và những bài thơ khác, thơ Joseph Brodsky do Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế, 1991. Hai bài thơ trên được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poème (Éditions du Seuil, 1966).

*** 

Ở khu Hồ

 

Ngày ấy, ở một nơi mà nha sĩ phát đạt



(con gái họ đặt quần áo đắt tiền từ Luân Ðôn;

những cái kẹp vẽ trên bảng hiệu của họ giơ cao

một cái Răng Khôn thông thường và trừu tượng),

ở đó tôi—hàm răng chứa nhiều phế tích bất hạnh

hơn một đền Parthenon bất kỳ—điệp viên, mũi nhọn

cho đội quân thứ năm [*] nào của một nền văn hóa đang thối ruỗng

(vỏ ngoài tôi một chức giáo sư văn chương),

sống tại một đại học gần cái hồ nổi tiếng

nhất trong các hồ nước ngọt; công tác

tôi được đề bạt lên là bào mòn

kiên nhẫn của bọn trẻ thông minh trong vùng.

Cái gì tôi viết ra cũng dở dang:

những dòng tôi hết hạn bằng chuỗi dấu chấm. Kiệt sức,

tôi đổ xuống, vẫn mặc nguyên quần áo, trên giường.

Ban đêm tôi nhìn trừng lên trần nhà tối

cho tới khi thấy một ngôi sao xẹt, mà rồi,

tuân theo các luật lệ về tự thiêu,

sẽ lóe lên–trước khi tôi kịp ước ngay chỉ một điều—

ngang qua má tôi và xuống trên gối. 

11/1972 - Ann Arbor

-------------



[*] "fifth column". Từ The Fifth Column bắt nguồn từ Cuộc nội chiến ở Tây ban nha (1936-1939), khi tướng Emilio Mola Vidal đưa bốn đội quân của ông tiến về Madrid, và gọi những người chiến đấu ủng hộ nằm sẵn bên trong thủ đô, hoạt động bí mật chống lại quân Chính phủ, là đội quân thứ năm của mình. Do đó từ này thường được dùng để chỉ lực lượng những người có thiện cảm ngầm, gián tiếp làm nội ứng. (Chú thích của HNB)

***


Nghĩa địa Do thái

 

Nghĩa địa Do thái ở gần Léningrad.



Một vòng rào khập khiễng những ván mục.

Và phía sau vòng rào yên nghỉ bên nhau

Những luật gia, thương gia, nhạc sĩ, nhà cách mạng.

 

Họ từng hát cho chính mình.



Họ từng làm giàu cho chính mình.

Họ đã chết cho những người khác.

Họ vẫn luôn trả thuế,

                         từng tôn trọng qui định,

Và trong thế giới vật chất này như một ngõ cụt

Họ luận bàn kinh Talmud

                         và vẫn là người sống theo lý tưởng.

Có lẽ họ từng nhìn thấy bên kia thực tại.

Có lẽ họ đã tin một cách mù quáng.

Nhưng họ đã dạy cho con trẻ biết

                         kiên nhẫn

                         biết cứng đầu.

Họ chưa từng gieo lúa,

                         họ chưa bao giờ gieo lúa.

Họ chỉ nằm dài trong lòng đất thế thôi

                         như hạt giống,

Họ đã thiu ngủ hàng thế kỷ,

vùi chôn trong cát bụi,

người ta đã thắp cho họ những ngọn nến,

vào ngày lễ đại xá

những ông lão bụng đói nói giọng cao

ngạt thở vì lạnh vẫn kêu gào sự an bình vĩnh cửu cho mình.

Họ đã tìm thấy nó,

                                trong sự phân rã của vật chất.

Không nhớ gì.

Không quên gì.

 

Đàng sau vòng rào những tấm ván ẩm.



Bốn cây số đi quá trạm xe điện cuối cùng.

---------------

“Nghĩa địa Do thái” được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poèmes (Paris: Éditions du Seuil, 1966).

***


Bài ca Giáng Sinh

 

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu



Qua một đường nứt của tường gạch

Con tàu để sáng đèn trong đêm

Đến từ công viên Alexandre.

Ngọn đèn đêm rụt rè,

Giống như một đóa hồng vàng

Phía trên đầu đôi tình nhân

Chạm chân những khách tản bộ.[1]

 

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu



Dàn đồng ca vo ve những kẻ mộng du và

say rượu,

Giữa thủ đô đêm một người lạ

Buồn bã chụp ảnh những tường thành,

Rồi bỏ đi về hướng phố Odinka[2]

Chiếc taxi chở những ông già bệnh hoạn,

Và những kẻ chết đứng ôm chặt nhau

Những khách sạn sang giàu.

 

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu



Lòng muộn phiền một người lội khắp thủ đô,

Cạnh chiếc băng xanh người gác cổng

Khuôn mặt tròn buồn bã đang mơ,

Lão nịnh đầm si tình hối hả

đi qua quãng đường loang lở,

Chuyến xe lửa của đôi tân hôn giữa khuya

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu.

 

Bơi bên kia những phố Moscou sương mù



người bơi không dưng nặng trĩu nỗi buồn,

Một phát âm Do-thái nghe thoảng

Qua một cầu thang màu vàng buồn bã

Và từ tình yêu qua nỗi sầu

Trong đêm Giáng Sinh và Năm Mới

Một người đẹp say đắm vẫn bơi

Không sao hiểu được nỗi buồn của mình.

 

Bơi trong đôi mắt ta chiều hôm giá lạnh,



Những bông tuyết run rẩy trên toa xe,

Gió lạnh băng, gió tiêu hoang

Làm tê cứng lòng bàn tay ta,

Những ngọn đèn chiều hôm tràn mật ngọt,

Và toả niềm vui ngào ngạt không gian,

Đêm Giáng Sinh ôm cái bánh nướng đêm lễ

Trên đầu mình.

 

Ngày Năm Mới của em trên con sóng



Màu xanh thẫm bềnh bồng qua biển phố

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu

Tựa như đời sống sắp sửa bắt đầu trở lại

Gợi ra ánh sáng và vinh quang

Ngày may mắn và khẩu phần bánh gấp đôi,

Tựa như đời sống một thời lảo đảo sắp đứng

dậy để lên đường.[3]  

1962


-----------

Trích Tĩnh vật và những bài thơ khác. “Bài ca Giáng sinh” dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong J. Brodsky, Collines et autres poèmes (Paris: Éditions du Seuil, 1966).



-------------------------

[1]Công viên Alexandre nằm sát điện Kremlin, đối diện với Lăng Lênin. Do mặt đất bọc quanh công viên thấp hơn mặt đường, nên những ngọn đèn chạy dọc theo mép công viên này (có hình dáng tương tự như những ngọn đèn trên tàu thuỷ), mặc dù cao hơn đầu của những người đi dạo trong công viên, vẫn hơi thấp so với chân những người bộ hành bước trên lối đi bên ngoài công viên.

[2]Theo một trong số những dịch giả đầu tiên của Brodsky là George L. Kline, những lần thăm

và lưu lại lâu ngày ở Moscou, nhà thơ nữ Anna Akhmatova ngụ trên phố Odinka, là nơi Brodsky thường lui tới viếng thăm bà. Giống như phố Arbat ngày xưa, đây là nơi có nhiều nhà nhỏ thuộc tư nhân, tiếng Nga gọi là osobnyaki.



[3]Sau này, bản tiếng Pháp của Léon Robel [Poèmes 1961-1987 (Paris: Gallimard, 1987)] cũng như bản tiếng Anh của G.L. Kline [Selected Poems (New York: Harper & Row Publishers, 1973)] và một bản dịch mới hơn của Glyn Maxwell [có tham khảo ý kiến của Catherine Clepela và Tatyana Balyonyshev — đã được sưu tập và xuất bản trong Joseph Brodsky, Nativity Poems (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2001) đều dịch sát nghĩa nguyên bản của Brodsky: ... “tựa như, lắc lư về bên trái, / đời sống sẽ quay vòng qua bên phải” (Kline, với chú thích “trái, phải” ở đây không có nghĩa chính trị)) và ... “tựa như mọi thứ chuyển hướng qua bên phải / sau khi đã hướng qua bên trái” (Robel). Cả hai bản nói trên đều có đề “tặng Evgenii Rein, với tình thân”.

***

Khúc bi ca lớn gửi John Donne[1]

 

John Donne đã ngủ, xung quanh đều đã ngủ.



Giường chiếu, sàn nhà, tường, những bức tranh,

ngủ say móc treo, then cửa, thảm, bàn,

tủ quần áo, nhà ăn, ngọn nến, rèm cửa sổ.

Tất cả đã ngủ. Cốc chén và chai lọ,

dao thái bánh mì, bát đĩa sứ, pha lê,

cả ngọn đèn đêm, tủ, kính, đồng hồ,

bậc cầu thang và cánh cửa. Đêm ở khắp nơi.

Đêm ở khắp nơi: trong mắt, trong góc phòng, trong tủ,

giữa giấy trắng, trên bàn và cả trong lời,

trong củi, trong kìm, trong góc đã tắt rồi

cái bếp lò, và trong từng đồ vật.

Trong áo kamzon,[2] trong giày, trong tất,

sau lưng ghế, trên giường và cả trong gương,

trên thập ác, trong chậu, trên vải trải giường

trong chổi quét sân. Tất cả đều đã ngủ.

Tất cả đều đã ngủ. Tuyết dày trên cửa sổ,

Mái nhà hàng xóm trắng như vải trải bàn.

Cả khu phố trong giấc ngủ mơ màng,

bị khung cửa sổ cắt ra như chết.

Những vòm cửa, bức tường đều ngủ hết.

Đá rải đường, song chắn, những khóm hoa,

ánh sáng không bừng lên, không kẽo kẹt bánh xe...

những chiếc bàn con, rào giậu và dây xích.

Đã ngủ rồi cửa, tay cầm, từng chiếc móc,

những ổ khóa ngủ say cả khóa lẫn chìa.

Không còn vang lên tiếng gõ, tiếng thầm thì.

Tất cả ngủ, chỉ tuyết kêu ken két.

Ngủ say những chiếc cân, ngủ say nhà ngục,

ngủ say cả những chiếc ghế dài.

Cả dây xích chó, cả mái hiên ngoài.

Mèo ngủ say, những đôi tai dựng ngược.

Lôncn ngủ say, cả người lẫn chuột.

Nước và tuyết, ngủ say những cánh buồm,

sau những thùng xe tất cả ngủ mơ màng,

cả chốn xa xăm với bầu trời ngái ngủ.

John Donne đã ngủ. Và biển cùng anh ngủ.

Cát trắng trên bờ cũng ngủ say sưa.

Cả hòn đảo chìm đắm trong giấc mơ.

Mỗi khu vườn khóa bằng ba ổ khóa.

Những con cua, cây tùng, cây phong – ngủ cả.

Những ngọn đồi, những dòng suối, những lối mòn.

Cáo, chó sói. Cả gấu cũng lên giường.

Tuyết rơi đầy trước cửa hang trắng xóa.

Chim cũng ngủ. Tiếng hót không còn nữa.

Quạ không kêu, họa mi lặng trong đêm,

không tiếng cười. Đồng nước Anh im lìm.

Chuột nhận lỗi lầm. Một ngôi sao lấp lóa.

Tất cả đã ngủ. Tất cả nằm trong mộ,

những kẻ chết rồi lặng lẽ ngủ yên,

kẻ đang sống ngủ say sưa trên giường.

Ai cô đơn, ai trong tình ấp ủ.

Cả núi rừng, những dòng sông đều ngủ.

Ngủ say sưa cả thú dữ và chim.
Chỉ tuyết trắng bay liệng từ trời đêm.

Nhưng ở đó, phía trên đầu tất cả.

Cả những thiên thần cũng say sưa ngủ,

cả trần gian quên trong giấc mộng thánh thần.

Ngủ say sưa cả Địa ngục, Thiên đàng.

Không một ai giờ này ra đi cả.

Thượng Đế ngủ. Mặt đất giờ xa lạ.

Mắt không nhìn và tai chẳng nghe ra.

Quỷ sứ ngủ cùng với lòng hận thù

trên những cánh đồng nước Anh trắng xóa.

Thiên thần ngủ với kèn. Những người cưỡi ngựa,

cùng ngựa ngủ say trong giấc ngủ tròng trành.

Tất cả thiên thần xếp thành một đám đông.

ôm lấy nhau dưới vòm trời của Chúa.

John Donne đã ngủ. Thơ ca đều ngủ cả.

Mạnh yếu chẳng tìm ra, tất cả những vần,

những hình ảnh, những buồn chán, lỗi lầm,

cũng như thơ, nằm yên trong từ ngữ.

Mỗi câu thơ như người anh em gần gũi,

dù thủ thỉ bên tai, chỉ một chút nhường.

Nhưng tất cả đều rất xa thiên đường,

nên nghèo khổ, nỗi buồn đoàn kết lại.

Thơ i-am-bơ cũng ngủ say như vậy.

Thơ cô-rê giống như kẻ canh chừng.

Bên phải, bên trái, ngủ say cả cách nhìn.

Và sự vinh quang cũng ngủ say sau đấy.

Những tai họa ngủ say. Ngủ say đau đớn.

Lỗi lầm ngủ say. Thiện và ác ôm nhau.

Các nhà tiên tri ngủ. Tuyết rơi trắng một màu

trong không gian vặt vãnh tìm vết bẩn.

Tất cả đã ngủ. Sách ngủ say thành đống.

Dòng sông lời thành băng giá lãng quên.

Những dòng sông với sự thật của mình.

Xiềng xích ngủ. Chỉ khua lên rất khẽ.

Tất cả ngủ. Thượng Đế, thiên thần, quỉ sứ.

Cả bạn bè, đầy tớ, những đứa con.

Chỉ tuyết vang lên trong bóng tối con đường.

Và trên thế gian âm thanh không còn nữa.

 

Nhưng khoan! Anh có nghe trong bóng đêm băng giá



có ai đó đang khóc, ai đó đang sợ hãi thì thầm.

Có ai đó gửi mình cho mùa đông.

Và đang khóc. Ai đó trong đêm tối.

Giọng rất thanh. Mảnh mai như kim nhỏ.

Nhưng chỉ không còn... Người ấy cô đơn

bơi trong tuyết. Khắp nơi lạnh và sương...

Khâu đêm với bình minh... Trên cao ấy.

“Ai đang khóc? Phải thiên thần của tôi không đấy,

anh đang đợi tình yêu tôi như đợi tuyết mùa hè?

Trong bóng đêm anh đang đi về nhà.

Có phải anh kêu trong bóng đêm? Câu trả lời chẳng có.

“Dàn đồng ca buồn. Có phải thiên thần nơi đó

nhắc cho ta những giọt lệ ngân vang.

Có phải các người từ giã giáo đường

đang mê ngủ. Có phải các người?” – Lặng lẽ.

“Có phải người, Paven? Giọng của người, đúng thế

đã chai sần bởi ngôn ngữ khô khan.

Có phải người, mái đầu bạc trong đêm

khóc ở đó?” Nhưng khắp nơi không tiếng nói.

“Có phải đây là bàn tay che mắt nhìn trong tối,

bàn tay ta nhìn thấy ở khắp nơi?

Thượng Đế chăng? Dù ý nghĩ hoang đường,

nhưng có lẽ đấng tối cao đang khóc”.

“Im lặng. Thiên thần Gabriel có phải

đang thổi kèn, ai đó sủa rất to?

Nhưng chỉ khi tôi mở mắt nhìn ra.

thấy đang thắng yên cương những người kị sĩ.

Tất cả đã ngủ. Trong bóng đêm ấp ủ.

Từ trời xanh chó săn chạy cả đàn.

Có phải thần Gabriel giữa mùa đông

với chiếc kèn một mình đang nức nở?”

 

“Không tôi đây, John Donne, tôi là hồn anh đó.



ở đây một mình tôi buồn thấu tận trời xanh,

vì rằng tôi, anh bằng lao động của mình

đã tạo nên những tình cảm và tư tưởng nặng như xiềng xích.

Với gánh nặng này anh có thể bay xuôi ngược

giữa những đam mê, những lỗi lầm và cao hơn.

Anh từng là chim và thấy nhân dân mình

khi bay trên những mái nhà, mọi ngả.

Anh nhìn thấy cả bao la biển cả.

Anh nhìn thấy địa ngục – ở trong mình, sau đó ở trần gian.

Anh cũng nhìn thấy rực rỡ Thiên đàng

trong khổ đau vì đam mê chối bỏ.

Anh nhìn thấy cuộc đời như đảo nhỏ.

Và anh từng gặp gỡ với Đại Dương:

khắp bốn phía chỉ tiếng rú, bóng đêm.

Anh bay quanh Chúa rồi ngược đường trở lại.

Nhưng gánh nặng nọ không cho anh lên cao mãi

để thấy thế gian chỉ là trăm cái tháp mà thôi,

và sông như dải băng, từ đó nhìn xuôi,

ngày phán xử kinh hoàng không còn kinh hoàng nữa.

Và khí hậu không đổi thay trong đất nước đó.

Tất cả như một giấc mộng rã rời.

Từ đó Chúa trời là ánh sáng trong cửa sổ mà thôi

giữa đêm sương mờ trong ngôi nhà xa ngái.

Có những cánh đồng, nhưng không có ai cày cấy.

Không cày tháng năm. Thế kỉ cũng không.

Chỉ rừng vây quanh bốn phía như tường.

Chỉ mưa rơi tí tách trên hoa cỏ.

Người tiều phu đầu tiên với con ngựa nhỏ

chạy tới nơi rồi sợ hãi lạc trong rừng,

trèo lên cây thông và chợt xa trông

trong thung lũng của mình ngọn lửa.

Tất cả đều rất xa. ở đây là một vùng mờ tỏ.

ánh mắt thản nhiên lướt những mái nhà xa.

ở đây sáng sủa, và không nghe tiếng chó nhà

và tiếng chuông hoàn toàn không nghe rõ.

Người tiều phu hiểu rằng xa tất cả,

nên đã quay ngựa lại, phóng về rừng.

Ngay lúc này cả người, ngựa, bóng đêm

đã trở thành giấc mơ Kinh Thánh đó.

Nhưng tôi không có đường, tôi khóc lên nức nở.

Đành quay về với sỏi đá mà thôi.

Còn thân xác tôi không thể đến nơi này.

Chỉ khi chết tôi mới được bay lên đó.

Một mình tôi, khi đã quên tất cả.

Quên anh đi trong đất lạnh muôn đời

chịu đau khổ vì ước mơ vô vọng muốn bay theo,

để bằng máu thịt hàn gắn cơn ly biệt.

Nhưng thôi! Khi tôi bằng tiếng khóc

làm u phiền chốn yên nghỉ của anh,

thì tuyết bay vào đêm tối, không tan

gắn lại cho ta khung trời li biệt,

mũi kim nhỏ tiến - lùi không ngớt.

Không phải tôi khóc đâu, mà anh đang khóc đó, John Donne

Anh nằm một mình, và bát nằm trong tủ ngủ im

khi tuyết vẫn rơi lên ngôi nhà đang ngủ,

khi tuyết vẫn bay vào bóng đêm từ đó.

Giống như chim, anh ngủ yên trong tổ của mình.

Con tim trắng trong và khát vọng đời đẹp mãi

anh tin cậy trao cho ngôi sao ấy

Nhưng giờ đây mây che khuất mất rồi

Giống như chim. Tâm hồn anh trong sạch,

mặc dù con đường trần chắc phải lắm lỗi lầm,

vẫn tự nhiên hơn tổ quạ

trên bầy xám những tổ chim làm giả.

Giống như chim, ban ngày anh thức dậy.

Còn bây giờ nằm dưới vải liệm trắng tinh,

vì khoảng không gian giữa xác ngủ và hồn

được khâu bằng tuyết và mộng mị.

Tất cả đã ngủ. Nhưng còn vài câu thơ nữa

Còn chờ kết thúc, và thốt lên rằng

Tình yêu trần tục – nghĩa vụ thi nhân

Tình yêu tinh thần – nghĩa vụ cha xứ.

Dù nước có rơi lên bánh xe ai đó

thì nó cũng chỉ để xay bột bánh mì thôi.

Nếu có thể với ai chia sẻ cuộc đời,

thì cái chết ai cùng ta chia sẻ?

Lỗ trên vải. Ai muốn thì cứ xé.

Từ mọi hướng. Đi. Rồi lại quay về.

Giật mạnh nữa! Và chỉ vòm trời kia

trong bóng đêm thỉnh thoảng cầm chiếc kim người thợ.

Ngủ yên. John Donne. Ngủ yên, đừng đau khổ.

áo thủng caftan[3] buồn bã treo cao.


Anh hãy chờ, kìa có một ngôi sao

từ mây đen sẽ đến giờ xuất hiện

Ngôi sao đã giữ gìn thế giới của anh. 

1963

(Nguyễn Viết Thắng dịch từ nguyên bản tiếng Nga)



-----------------------------

[1]John Donne (1572-1631) – nhà thơ Anh theo trường phái siêu hình. John Donne hơn 200 năm bị người đời lãng quên. Chỉ đến đầu thế kỷ 20 nhà thơ W. B. Yeats mới tìm thấy bậc tiền bối của mình. J. Brodsky, như ta biết qua bài thơ này, cũng đã rất đề cao John Donne. Trong thế kỉ XX, có lẽ John Donne là nhà thơ cổ điển thời thượng nhất ở nước Anh. Ngoài thơ, ông còn để lại một quyển sách 3 tập, nổi tiếng như một người thuyết giáo. “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phẩn của tổng thể; nếu biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì Châu Âu sẽ trở nên ít hơn, cũng như nếu biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cho tôi trở thành ít lại vì rằng tôi là một phần của nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy”.

[2]Kamzon - áo cổ, thường là ngắn tay của đàn ông.

[3]Caftan - áo dài cổ của đàn ông Nga.

***



tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương